25/05/2018, 16:11

Tiếng Việt 6 - Bài 1: DÙNG CHỮ HÁN VÀ CHỮ NÔM ĐỂ GHI TIẾNG VIỆT (2)

Chữ Nôm tự tạo chia ra chữ đơn và chữ ghép, và trong chữ ghép tự tạo lại chia ra nhiều kiểu loại khác nhau, dựa theo sự kết hợp giữa các thành tố biểu âm và biểu ý trong chữ. Càng về sau, chữ Nôm tự tạo càng phát triển theo hướng biểu âm, nhằm ghi chép tiếng ...

Chữ Nôm tự tạo chia ra chữ đơn và chữ ghép, và trong chữ ghép tự tạo lại chia ra nhiều kiểu loại khác nhau, dựa theo sự kết hợp giữa các thành tố biểu âm và biểu ý trong chữ. Càng về sau, chữ Nôm tự tạo càng phát triển theo hướng biểu âm, nhằm ghi chép tiếng Việt ngày một sát hơn, đúng hơn. Chữ Nôm tự tạo có nhiều cách tạo chữ, ở đây ta chỉ xét vài cách chính:

1– Chữ ghép: Dùng hai hoặc hơn hai chữ Hán–Việt ghép với nhau theo kiểu ghép dọc (trên, dưới) hoặc ghép ngang, tạo ra chữ Nôm mới. Như ghép chữ 百 BÁCH (một trăm, 100) với chữ 林 LÂM (rừng), được chữ Nôm trăm. Hoặc ghép một bộ thủ với một chữ Hán, ví dụ: ghép bộ “xước” với chữ 十 THẬP (nghĩa là 10) được chữ Nôm 辻 mười, mươi.

2– Chữ đơn: thêm hoặc bớt hoặc thay đổi các nét của chữ đơn đã có để thành một chữ Nôm mới. Ví dụ: chữ Hán–Việt 爲 (có một nghĩa là làm, như trong hành vi) đem bỏ bớt 8 nét ở dưới, được chữ Nôm làm 爫 (trong làm lụng).

       Phần lớn chữ Nôm tự tạo đều dùng cách ghép chữ mà thành, loại chữ đơn chiếm số lượng rất ít.

       Cần nhấn mạnh: chữ Nôm không phải do một người hoặc một nhóm người nào làm ra ở một thời điểm nào đó trong lịch sử nước ta, mà nó là một hệ thống văn tự mở, được nhiều thế hệ người Việt xây dựng và hoàn thiện dần trong quá trình nhiều thế kỷ thực hành chức năng ngôn ngữ của chữ Nôm.

       Chữ Nôm khác chữ Hán không chỉ về cách dùng. Chữ Nôm tự tạo có dạng mặt chữ khác hẳn chữ Hán. Người Trung Quốc không thể đọc hiểu chữ Nôm của Việt Nam như họ có thể đọc hiểu chữ Kanzi (Hán tự) trong văn tự Nhật. Chữ Nôm là biểu hiện sinh động tinh thần độc lập sáng tạo của người Việt trong việc sử dụng chữ Hán cho nước mình.

       Vấn đề văn bản chữ Nôm sớm nhất ra đời khi nào vẫn đang được tranh cãi? Có ý kiến cho rằng văn bản chữ Nôm sớm nhất được phát hiện là bài văn khắc trên quả chuông Vân Bản có niên đại Bính Thìn (1076, đời Lý Nhân Tông) vớt được từ dưới biển Đồ Sơn năm 1958, có khắc hai chữ Ông Hà 翁何. Nhưng GS. Nguyễn Quang Hồng lại cho rằng tấm bia Báo Ân thiền tự bi ký ở chùa Tháp Miếu (Yên Lãng, Vĩnh Phú) có niên đại năm 1210 (đời Lý Cao Tông) mới được coi là chứng tích xưa nhất của chữ Nôm còn lưu lại đến nay. Ông cũng cho rằng bản dịch ra chữ Nôm tác phẩm Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh, thực hiện khoảng giữa hoặc đầu thế kỷ 12 (nhà Lý) là di tích chứng minh sự hình thành chữ Nôm như một hệ thống văn tự thực thụ. Hệ thống này chỉ trở thành một thứ văn tự khá hoàn chỉnh, bắt đầu được dùng để sáng tác văn học từ thời nhà Trần (thế kỷ 13).

       Chữ Nôm ra đời và phát triển trong hoàn cảnh không thuận lợi. Giới nhà nho nước ta luôn luôn tôn sùng chữ Hán là “chữ thánh hiền”, gọi chữ Nôm là nôm na mách qué, tức loại văn tự của giới bình dân, có tính chất mộc mạc, thiếu tao nhã, đến mức bị coi thường. Các nhà nước phong kiến, trừ nhà Hồ và nhà Tây Sơn, đều chưa bao giờ coi chữ Nôm là văn tự chính thức của nước ta. Thậm chí năm 1662 vua Huyền Tông triều Hậu Lê còn hạ chiếu cấm dùng chữ Nôm, và đốt hủy nhiều sách chữ Nôm.

       Hồ Quý Ly là vị vua đầu tiên phổ biến rộng rãi việc dùng chữ Nôm, đưa chữ Nôm lên vị trí quan trọng, gọi là Quốc âm, thể hiện ý chí nêu cao tinh thần dân tộc của ông. Nhà vua tự tay soạn sách Thi nghĩa (Nghĩa lý của Kinh Thi) bằng chữ Quốc âm rồi sai người dạy cho hậu phi và cung nhân học tập. Ông còn chép thiên Vô dật (Không nên nhàn hạ) ra chữ Quốc âm để dạy vua Trần Thuận Tông. Có người cho rằng việc chú trọng chữ Nôm của Hồ Quý Ly trong hệ thống giáo dục đương thời có tác động đến thành tựu văn học chữ Nôm của những người kế tục, điển hình là Nguyễn Trãi.

       Vua Quang Trung (1752–1792) lấy chữ Nôm làm quốc ngữ, tức chữ Nôm được coi là văn tự chính thức của quốc gia. Triều đình quy định: trong các kỳ thi hương, sĩ tử phải làm thơ phú bằng chữ Nôm. Năm 1792 nhà vua lập Sùng chính thư viện ở Nghệ An để tổ chức dịch ra chữ Nôm một số sách chữ Hán như Kinh Dịch, v.v...

       Chữ Nôm đã được sử dụng trong hầu hết các lĩnh vực xã hội khác nhau, như văn hóa dân gian, tôn giáo tín ngưỡng, khoa học và giáo dục, hành chính, văn học nghệ thuật. Loại chữ viết mới này đạt được thành tựu lớn nhất trong lĩnh vực văn học.

       Trước đây nước ta chỉ có văn học chữ Hán, hoàn toàn như văn học của người Hán, không thể hiện được vẻ đẹp và sự phong phú của ngôn ngữ Việt Nam. Sau khi chữ Nôm ra đời, nước ta mới có nền văn học thực sự của mình, một nền văn học tiếng Việt rực rỡ kéo dài mấy thế kỷ với sự ra đời nhiều tác phẩm chữ Nôm.

       Các sáng tác văn học bằng chữ Nôm bắt đầu xuất hiện từ thế kỷ 13 (thời nhà Trần), tạo tiền đề vững chắc cho sự nở rộ thể loại văn học chữ Nôm các thế kỷ tiếp theo. Hiện còn lưu giữ được một số tác phẩm chữ Nôm ở thời kỳ này, như trong sách Thiền tông bản hạnh có bốn bài phú: Cư trần lạc đạo phú (Ở trong cõi trần mà vui với đạo) và Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca (Bài ca được thú lâm tuyền thành đạo) của Trần Nhân Tông (1258–1308); Vịnh Vân Yên tự phú (Bài phú vịnh chùa Vân Yên) của Lý Đạo Tái (1254–1334) và Giáo tử phú (Bài phú dạy con niệm Phật) của Mạc Đĩnh Chi (1280–1346).

       Thế kỷ 13, Hàn Thuyên (1229–?) dùng chữ Nôm sáng tác bài Văn tế cá sấu, ông cũng là người đầu tiên dùng luật thơ Đường vào thơ Nôm (nên đời sau gọi là thơ Hàn luật).

       Thế kỷ 15 có tác phẩm bất hủ Quốc âm thi tập gồm 254 bài thơ của Nguyễn Trãi (1380–1442). Thế kỷ 16 có Bạch Vân Am thi tập của Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491–1585).

       Thế kỷ 17 có các tác phẩm theo dạng sử thi như Thiên Nam minh giám (Gương sáng trời Nam), vốn là tác phẩm chữ Hán của Nguyễn Thạch Giang, được tác giả tự dịch ra chữ Nôm, gồm 938 câu thơ song thất lục bát. Thiên Nam ngữ lục, tập diễn ca lịch sử Việt Nam (khuyết danh), gồm 8.136 câu thơ lục bát thuần thục. Tác phẩm thơ Nôm đáng kể có bài Cảm tác của Nguyễn Hy Quang (1634–1692) thuộc họ Nguyễn Đông Tác.

       Thế kỷ 18, Đoàn Thị Điểm (1705–1748) dịch ra chữ Nôm tác phẩm văn vần chữ Hán Chinh phụ ngâm khúc 征婦吟曲 của Đặng Trần Côn – bản diễn Nôm tài tình theo thể thơ song thất lục bát này đã đưa bà lên đỉnh cao văn học. Nguyễn Gia Thiều (1741–1798) sáng tác Cung oán ngâm khúc. Tiếp đó đại thi hào Nguyễn Du (1765–1820) hoàn thành tập truyện thơ chữ Nôm Truyện Kiều gồm 3.254 câu thơ lục bát, được coi là tác phẩm kinh điển của văn học Việt Nam. Cùng thời đó còn có những bài thơ Nôm thất ngôn bát cú nổi tiếng của Hồ Xuân Hương (1772–1822), người được gọi là Bà Chúa thơ Nôm.

       Thế kỷ 19 có Bà Huyện Thanh Quan (1805–1848) dùng chữ Nôm viết những bài thơ hoài cổ trữ tình với lời thơ gọt rũa điêu luyện, đẹp như bức tranh thủy mặc. Tại miền Nam Việt Nam xuất hiện Nguyễn Đình Chiểu (1822–1888) với tác phẩm chính là Lục Vân Tiên – tập truyện thơ Nôm gồm 2.082 câu lục bát.

       Ngoài ra, chữ Nôm cũng được sử dụng trong các văn bản hành chính của triều đình vua Quang Trung và vua Gia Long, trong kinh sách nhà Phật, trong hương ước, v.v...

Cùng luyện tập

1.Bạn hãy nói nguyên nhân quan trọng nào đã thúc đẩy tổ tiên ta làm ra bộ chữ Nôm?

2.Các bạn hãy dùng chữ Hán ghi tên tất cả mọi người trong lớp mình. Nếu thích thì ghi cả tên các giáo viên nữa.

3.Hãy dùng chữ Nôm ghi “nick” mọi người trong lớp mình. Ví dụ bạn Minh Khôi nick là Tèo thì ghi Minh Khôi bằng chữ Hán–Việt rồi ghi Tèo bằng chữ Nôm và nói rõ quy tắc ghi chữ Tèo đó.

4.Mời các bạn tìm cách ghi tên làng sau bằng chữ Hán và chữ Nôm:

(a)Làng Dịch Vọng (chữ Hán) tức làng Vòng

(b)Làng Vân Điềm (chữ Hán) tức làng Đóm

(c)Làng Nhân Mục (chữ Hán) tức làng Mọc

(d)Làng Khắc Niệm (chữ Hán) tức làng Ném

(e)Làng Lê Xá (chữ Hán) tức làng Lời

5.Mời mỗi bạn sưu tầm một bài thơ nôm của các tác giả có làm thơ Nôm như Nguyễn Trãi, Nguyễn Khuyến, Hồ Xuân Hương,...

6.Mời các nhóm tạo vở kịch “Nôm na mách qué” có tình huống sau:

(a)Kiện nhau vì tờ giấy bán ruộng trên cánh đồng Đóm lẫn lộn với cánh đồng Đốm nằm ở làng khác;

(b)Con cháu hai nhà đi xa về viếng mộ tổ bị thắp hương nhầm vì tên hai cụ giống nhau quá: một cụ là Mọc một cụ là Mộc.

7.Theo bạn, nếu hiện nay chúng ta vẫn dùng chữ Nôm, chúng ta sẽ vào mạng Internet bằng cách nào?

5. SỐ PHẬN CHỮ HÁN và CHỮ NÔM TẠI VIỆT NAM

a. Ưu điểm, nhược điểm, số phận của chữ Hán

       Chữ Hán viết bằng các nét trong một ô vuông, cho nên gọi là chữ vuông. Chữ Hán thuộc loại chữ độc đáo và phức tạp nhất, khó học nhất trên thế giới.

       Trước hết, học chữ nào thì chỉ biết chữ ấy (biết đọc và biết nghĩa) mà thôi.

       Thứ hai, tổng số chữ Hán rất nhiều và tăng lên theo thời gian, rất khó nhớ được mặt chữ. [Thời Ân–Thương có khoảng 2.000 chữ; cuối thời Tần–Hán có 9.353 chữ; thời nhà Thanh có khoảng 60.000 chữ, thường dùng 4.500 chữ. Thống kê mới nhất cho biết toàn bộ kho chữ Hán có hơn 90.000 chữ. Sự gia tăng số chữ rất vô lý, như có chữ chỉ là tên một địa phương, một con sông, ngọn núi hoặc tên một dòng họ, có khi chẳng bao giờ dùng đến. Riêng bộ “thủ” (nghĩa là “cái đầu”) đã có 189 ứng dụng tạo thành những chữ khác nhau. Khả năng nhớ của óc người không thể nào nhớ được nhiều chữ như vậy.]

       Thứ ba, có rất nhiều chữ đồng âm khác nghĩa, tức âm đọc như nhau nhưng mặt chữ khác nhau và nghĩa càng khác nhau (ví dụ âm zuén có ít nhất 24 chữ 元, 原, 嫄, 沅, 源, 羱, 芫, 螈,黿,... ; âm yi cả bốn thanh điệu có ít nhất 147 chữ), khi nghe đọc rất dễ viết nhầm chữ.

       Thứ tư, có rất nhiều chữ đa nghĩa, thậm chí nghĩa khác xa nhau. Đó thường là những chữ được cấu tạo theo cách giả tá, tức mượn hình chữ cũ để biểu thị nghĩa mới. Khi đọc chữ đa nghĩa sẽ rất khó hiểu ý tác giả, dễ xảy ra hiểu nhầm tranh cãi khi đọc các văn bản cổ. Nhược điểm này của chữ Hán sau này cũng sẽ ảnh hưởng tới tính chính xác của chữ Nôm Việt Nam.

       Thứ năm, số nét trong một chữ rất nhiều, có thể hơn 20 nét; có người thậm chí tìm thấy duy nhất có một chữ Hán 58 nét, đọc là “pi–áng” – tên một loại mỳ sợi đặc sản của tỉnh Thiểm Tây, do có quá nhiều nét mà không từ điển nào in được).

Chữ P’iang viết đủ 58 nét

       Năm 1952, Bộ Giáo dục Trung Quốc công bố bảng kê 2.000 chữ Hán thường dùng, nhằm quy định số lượng tối thiểu chữ Hán mà một người biết chữ cần biết đọc và viết. Bình quân mỗi chữ trong bảng này có 11–12 nét, 221 chữ có trên 17 nét. Ngoài ra, sự tổ hợp nét của chữ Hán không tuân theo quy luật cố định. Chữ nhiều nét thì không thể viết nhanh và viết nhỏ được, vì các nét quá gần nhau, nhất là thời xưa in chữ bằng bản khắc gỗ. Đọc chữ nhiều nét rất hại mắt.

       Có thể thấy ngay là chỉ những ai giàu có mới đủ điều kiện học “chữ thánh hiền”, và cũng chỉ những người “tài giỏi” mới biết loại chữ này, còn hầu hết nhân dân đều không biết chữ. Đại văn hào Lỗ Tấn từng nói chữ vuông “là khối u trên con người thuộc tầng lớp đại chúng lao khổ Trung Quốc”, “là lợi khí của chính sách ngu dân”.

       Người Trung Quốc đã sớm nhận ra các mặt hạn chế, lạc hậu của chữ Hán. Từ thời xưa họ đã bắt đầu đơn giản hóa chữ Hán. Các năm 1913, 1949, 1955, chính quyền Trung Quốc đã tiến hành cải cách chữ Hán theo hướng ghi âm và giảm số chữ, giảm nét chữ.

       Năm 1956, Trung Quốc đại lục (vùng đất liền không kể Đài Loan) bắt đầu dùng phương án đơn giản hóa chữ Hán, theo đó 544 chữ đủ nét (chữ phồn thể) được đơn giản hóa thành 515 chữ bớt nét (chữ giản thể). Sau khi dùng thử và mở rộng, năm 1964 số chữ giản thể được tăng lên tới 2.238 đã đẩy nhanh tốc độ xóa mù chữ và công tác giáo dục, thông tin. Hiện nay Trung Quốc đại lục (và Singapore, nơi 70% là người Hoa) chỉ dùng chữ giản thể. Đài Loan, Hồng Kông vẫn dùng chữ phồn thể.

       Để thống nhất cách đọc chữ Hán, nhất thiết phải ghi âm tiếng Hán. Người đầu tiên có ý tưởng này là Matteo Ricci, một giáo sĩ người Ý truyền giáo tại Trung Quốc. Năm 1605, ông đề xuất phương án dùng chữ Latin ghi âm Hán ngữ, được nhiều học giả hoan nghênh. Từ đó trở đi Trung Quốc xuất hiện phong trào cải cách Hán ngữ theo hướng ghi âm chữ Hán. Trước năm 1946, đã có khoảng 30 phương án, đều dựa trên cơ sở phương án Matteo Ricci.

       Năm 1918, nhà nước Trung Hoa công bố phương án ghi âm chữ Hán bằng 37 chú âm phù hiệu, tức bằng các ký hiệu dùng làm chữ cái ghi âm. Chú âm phù hiệu ghi âm được toàn bộ chữ Hán, hiện vẫn dùng phổ biến ở Đài Loan.

       Năm 1958, Quốc hội Trung Quốc thông qua Phương án ghi âm Hán ngữ bằng chữ Latin. Sau một thời gian dùng thử và cải tiến, từ 1/11/1967 chính thức thực thi phương án này.

       Như trên đã nói, chữ Hán cổ rất khó phổ cập, người Trung Quốc muốn học đủ số chữ Hán tối thiểu cũng mất vài năm; các nhà nho Việt Nam muốn thông thạo chữ Hán cổ cần thời gian cả chục năm, thậm chí “khi đọc thông viết thạo thì lưng đã còng, tay đã run”. Chữ Hán khó dùng được trong giao lưu quốc tế vì người nước ngoài rất ngại học loại chữ biểu ý. Khi dùng chữ Hán sẽ rất khó thực hiện tự động hóa công nghệ in ấn, truyền điện tín, lưu trữ điện tử loại chữ này, như khó làm được máy chữ, máy in chữ Hán. Ngày nay nhờ có máy tính điện tử nên chữ Hán đã được số hóa, đánh máy vi tính tiện hơn nhiều so với khi dùng máy chữ cơ khí. Nhưng bộ chữ Hán cần dung lượng bộ nhớ máy tính lớn bằng 284 lần bộ chữ tiếng Anh.

b. Ưu điểm, nhược điểm, số phận của chữ Nôm

       Về phía chữ Nôm, tuy được dân chúng tán thưởng nhưng lại không phát triển được nhanh. Đó là do chữ Nôm rất khó học, còn khó hơn cả chữ Hán cổ. Số người biết chữ Nôm hiện nay còn ít hơn cả số người biết chữ Hán. Có tài liệu nói trên cả thế giới hiện chỉ có khoảng 100 người biết chữ Nôm.

       Đó là do trước hết, muốn học chữ Nôm thì phải biết chữ Hán cổ, vốn là loại chữ rất khó học. Thứ hai, chữ Nôm có nhiều nét hơn, cấu tạo mặt chữ phức tạp hơn chữ Hán, vừa khó viết lại vừa dễ viết nhầm. Thứ ba, cấu tạo chữ Nôm không theo quy luật chặt chẽ, một chữ Nôm có thể đọc hoặc viết theo nhiều cách khác nhau, cho nên nói chung “chữ Nôm phải vừa đọc vừa đoán”. Ví dụ: một chữ CỐ có tới ba mặt chữ khác nhau là 固, 故, 雇; chữ THIÊNG có tới 10 mặt chữ khác nhau; một chữ 南 NAM có tới mấy cách đọc nam, năm, nằm; chữ 女NỮ có thể đọc là nớ, nợ, nỡ, nữa. Thứ tư, tuy chữ Nôm đã có thành phần biểu âm nhưng vẫn rất khó đọc được âm của chữ. Vì vậy đọc các văn bản chữ Nôm rất khó, hay nhầm lẫn, có chữ không biết nên đọc thế nào, có chữ không biết nên giải nghĩa thế nào.

       Ví dụ câu thơ tám chữ trong Truyện Kiều: Sắc đành đòi một, tài đành họa hai. Chữ Nôm thứ ba viết 隊 ĐỘI, xưa nay các bản phiên âm Nôm sang Quốc ngữ đều phiên là đòi, nhưng học giả Hoàng Xuân Hãn lại nói chữ đó nên đọc là trọi. Hoặc sáu chữ của câu Êm đềm trướng rủ màn che, chữ Nôm thứ hai viết 念 NIỆM, nhiều người phiên âm là đềm, nhưng học giả Trương Vĩnh Ký lại phiên là nềm, vì ở thời Nguyễn Du thì êm nềm đồng nghĩa với êm đềm.

       Hơn nữa, thời xưa kỹ thuật in còn lạc hậu (chủ yếu là khắc chữ trên tấm gỗ gọi là mộc bản, vừa khó vừa chậm) nên chưa có từ điển để tra chữ nhằm thống nhất cách viết cách đọc chữ Nôm, vì thế chữ Nôm không thể phổ cập trong đại chúng, chỉ một số nhà nho biết mà thôi. Ngoài ra, khó tránh khỏi việc “tam sao thất bản”, phần vì trình độ người thợ khắc chữ ngày xưa chưa cao, phần vì khâu in mộc bản có chất lượng thấp (chữ bị nhòe, mất nét).

       Do những nhược điểm trên, chữ Nôm chưa thể hoàn thành được sứ mệnh ghi âm tiếng Việt và cuối cùng đã bị chữ quốc ngữ thay thế. Tuy vậy di sản ngót 800 năm của chữ Nôm vẫn được dân tộc ta trân trọng gìn giữ, vì đây là một di sản vô cùng quý giá, độc đáo, thể hiện bản lĩnh văn hoá dân tộc Việt Nam. Hiện nay Viện Nghiên cứu Hán Nôm ở ta và Hội Bảo tồn di sản chữ Nôm (VNPF, lập năm 1999 tại Mỹ) đang tích cực bảo tồn và khai thác di sản này.

Bài luyện tập

Mời các bạn luyện tập để chuẩn bị viết tiểu luận:

1.Hãy chọn đọc một bài thơ chữ Hán dưới đây và giới thiệu bản dịch bài thơ đó – nếu có bản dịch của riêng bạn thì rất hay.

2. Hãy vào Internet và chép lại bằng chữ Nôm mấy câu thơ sau trong Truyện Kiều của Nguyễn Du – giải thích quy tắc tạo chữ và bình luận về tình trạng chữ Nôm khó phổ biến:

Trăm năm trong cõi người ta,

Chữ Tài chữ Mệnh khéo là ghét nhau.

Trải qua một cuộc bể dâu,

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.

3.Theo mẫu bài luyện tập 2, hãy chọn chép một bài thơ Nôm của Trần Tế Xương (Sông Lấp), Nguyễn Trãi (Góc thành Nam lều một gian...), Nguyễn Khuyến (Thu điếu), v.v...

Gợi ý viết tiểu luận

1.Chữ Hán có khả năng ghi đầy đủ sự phát triển của tiếng Việt không?

2.Chữ Nôm có khả năng ghi đầy đủ sự phát triển của tiếng Việt không?

3.Chữ Hán–Việt và chữ Nôm đã ghi lại được những thành tựu ngôn ngữ, văn chương, văn hóa gì? Như thế có đủ cho nhu cầu phát triển của cuộc sống hiện thời không?

4.Nếu ép buộc mọi người dùng chữ Nôm, sẽ xảy ra điều gì?

5.Nếu có nhu cầu học chữ Hán và chữ Nôm, bạn vẫn sẽ học, nhưng học nhằm mục đích gì?

0