Văn 6 - Bài 15 Trưởng giả học làm sang
Bài 15 Trưởng giả học làm sang Hướng dẫn học Đọc kỹ lời giới thiệu dưới đây và tóm tắt câu chuyện trước khi đọc trích đoạn. Và đừng quên suy ngẫm về cảm hứng của nhà viết kịch Molière bằng câu hỏi giản dị: tại sao Molière viết vở này? ...
Bài 15
Trưởng giả học làm sang
Hướng dẫn học
Đọc kỹ lời giới thiệu dưới đây và tóm tắt câu chuyện trước khi đọc trích đoạn. Và đừng quên suy ngẫm về cảm hứng của nhà viết kịch Molière bằng câu hỏi giản dị: tại sao Molière viết vở này? Khi viết vở này ông cười thầm và có khi cười phá lên ở chi tiết nào.
Vở hài kịch – balê Trưởng giả học làm sang, một kiệt tác của nhà viết kịch Pháp Molière, được sáng tác và công diễn năm 1670, theo chỉ thị của vua Louis XIV để chiêu đãi đặc sứ Soliman Aga của vua Thổ Nhĩ Kỳ (thời đó là đế quốc Ottoman) nhân dịp nối lại quan hệ bình thường sau một thời kỳ khủng hoảng ngoại giao giữa hai nước. Vở kịch chọc giễu những lố lăng rởm đời của lớp trọc phú ở Pháp hồi thế kỷ 17 tấp tểnh muốn leo lên địa vị quý tộc.
Chuyện xảy ra ở Paris. Jourdain, một phú hộ ngu dốt, lố bịch, nhưng ngây ngô và thật thà, háo hức muốn chen chân vào hàng ngũ quý tộc. Ôm ấp mộng tưởng ấy, ông ta học đòi những cung cách cao sang, mời các thầy dạy nhạc, dạy triết học, dạy khiêu vũ, dạy kiếm thuật đến nhà, đặt may những trang phục lố lăng…, tóm lại, làm những gì ông ta tưởng là cần thiết để ra người quý phái.
Bà vợ và cô hầu Nicole cố tìm cách ngăn ông và nhất là thuyết phục ông quay về với thựcc tế là cuộc hôn nhân sắp tới của Lucile, con gái họ, với Cléonte, nhưng Jourdain một mực không chấp nhận vì Cléonte không thuộc dòng dõi quý tộc. Nắm thóp cuồng vọng quý tộc của Jourdain, Cléonte, với sự giúp sức của anh người hầu thông minh Covielle, dàn dựng một nghi lễ hài hước kiểu Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó Cléonte đóng giả làm hoàng tử Thổ Nhĩ Kỳ đến phong tước “Mamamouchi” cho Jourdain. Yên trí là mình đã trở thành quý tộc, Jourdain chấp thuận cuộc hôn nhân của đôi trẻ.
Vở kịch được đoàn kịch của Molière công diễn lần đầu tại triều đình, với chính Molière sắm vai Jourdain.
Đoạn kịch trích dưới đây là lớp 4, hồi II, một buổi học của ông Jourdain với thầy dạy triết. Trước đó, ông thầy này bị các thầy dạy kiếm thuật, dạy khiêu vũ, dạy nhạc xúm vào đánh vì lên mặt coi khinh, phỉ báng ngành nghề của họ.
HỒI II
Lớp 4
Thầy dạy triết học – Ông Jourdain
Thầy dạy triết học: (xốc lại quần áo xộc xệch sau khi bị các ông thầy kia xúm vào đánh) – Ta bắt đầu học thôi.
Ông Jourdain: Thưa thầy, tôi rất phẫn nộ thấy họ đánh thầy như vậy.
Thầy dạy triết học: Không hề gì. Một triết gia biết cách đón nhận thích đáng mọi sự đời. Tôi sẽ soạn một bài vè châm biếm tuốt xác họ ra. Nhưng hãy gác chuyện đó lại. Bâygiờ ông muốn học gì?
Ông Jourdain: Tất cả những gì có thể: tôi hết lòng hết sức muốn thành người uyên bác. Và tôi tức điên về nỗi cha mẹ đã không cho mình học tất cả những môn khoa học từ hồi nhỏ.
Thầy dạy triết học: Tình cảm ấy thật chí lý: Nam sine doctrina vita est quasi mortis imago. Ông nghe rõ và chắc ông biết tiếng Latin chứ?
Ông Jourdain: Vâng, nhưng xin thầy cứ làm như tôi không biết và làm ơn giảng cho tôi thế nghĩa là gì.
Thầy dạy triết học: Thế nghĩa là không có khoa học, đời sống gần như là hình ảnh của cái chết.
Ông Jourdain: Cái tiếng Latin ấy thật chí lý.
Thầy dạy triết học: Ông có đôi chút khái niệm sơ đẳng về khoa học chứ?
Ông Jourdain: À vâng, tôi biết đọc biết viết.
Thầy dạy triết học: Ông thích ta bắt đầu từ đâu? Ông có muốn tôi dạy ông môn lô-gích học không?
Ông Jourdain: Lô-gích học là cái gì?
Thầy dạy triết học: Là môn dạy ta ba thao tác của trí tuệ.
Ông Jourdain: Ba thao tác của trí tuệ ấy là những ai vậy?
Thầy dạy triết học: Thao tác thứ nhất, thao tác thứ hai và thao tác thứ ba để lần lượt quan niệm cho đúng theo nguyên lý phổ quát, nhận định cho trúng phạm trù rồi rút ra kết luận xác đáng bằng hình tượng ...
Ông Jourdain: Quá rắc rối. Cái anh lô-gích học này chả hợp với tôi tí nào. Ta hãy học cái gì khác đơn giản hơn.
Thầy dạy triết học: Ông có muốn học luân lý không?
Ông Jourdain: Luân lý?
Thầy dạy triết học: Phải.
Ông Jourdain: Nó nói những gì, cái môn luân lý ấy?
Thầy dạy triết học: Nó bàn về hạnh phúc, nó dạy người ta điều tiết dục vọng và...
Ông Jourdain: Không, quên cái ấy đi. Khí chất tôi bẳn gắt như quỷ, luân lý nào mà chịu được. Khi sôi máu lên, tôi muốn nổi giận đùng đùng cho hả!
Thầy dạy triết học: Ông có muốn học môn vật lý không?
Ông Jourdain: Cái môn vật lý ấy, nó ba hoa những gì?
Thầy dạy triết học: Vật lý học là môn học giải thích những nguyên lý của sự vật tự nhiên và những đặc tính của vật thể; thuyết trình về bản chất của các yếu tố, các kim loại, các khoáng vật, đá, cây cỏ và động vật, và dạy ta những nguyên nhân của mọi hiện tượng khí tượng, cầu vồng, sao chổi, sấm chớp, sét, mưa, gió, tuyết, mưa đá và gió lốc.
Ông Jourdain: Có quá nhiều thứ ồn ào và lộn xộn trong đó.
Thầy dạy triết học: Vậy thì ông muốn tôi dạy ông cái gì?
Ông Jourdain: Xin thầy dạy tôi môn chính tả.
Thầy dạy triết học: Rất sẵn sàng.
Ông Jourdain: Sau đó, xin thầy dạy tôi đọc sách niên lịch để tôi biết khi nào có trăng và khi nào không có trăng.
Thầy dạy triết học: Được thôi. Muốn theo sát ý nghĩ của ông và xử lý môn học này với tư cách triết gia, phải bắt đầu theo trật tự sự vật. bằng một nhận thức chính xác về bản chất của những chữ cái và những cách khác nhau để phát âm tất cả các chữ cái. Và về điểm này, tôi cần nói với ông là những chữ cái được chia thành nguyên âm (gọi là nguyên âm vì chúng biểu hiện các âm) và phụ âm (gọi là phụ âm vì chúng phụ vào với nguyên âm tạo thành tiếng và chỉ để đánh dấu những cấu âm khác nhau). Có năm nguyên âm: A, E, I, O, U.
Ông Jourdain: Tôi hiểu.
Thầy dạy triết học: Âm A hình thành bằng cách há mồm thật to: A.
Ông Jourdain: A, A. Đúng thế.
Thầy dạy triết học: Âm E hình thành bằng cách đưa hàm dưới lên gần hàm trên: A, E.
Ông Jourdain: A, E, A, E. Quả vậy. Hay thật là hay.
Thầy dạy triết học: Và âm I, bằng cách khép hai hàm lại gần nhau hơn nữa và dãn hai mép về phía mang tai: A, E, I.
Ông Jourdain: A, E, I, I, I. Quả thật là thế. Khoa học muôn năm!
Thầy dạy triết học: Âm O hình thành bằng cách lại mở hai hàm đồng thời khép hai khóe môi trên và môi dưới lại gần nhau: O.
Ông Jourdain: O, O. Không có gì đúng hơn. A, E, I, O, I, O. Tuyệt!
Thầy dạy triết học: Mở miệng vừa đúng bằng một vòng tròn nhỏ hình chữ O.
Ông Jourdain: O, O. Thầy nói đúng. O. Ôi, biết được thêm một điều gì, thật là tốt đẹp.
Thầy dạy triết học: Âm U hình thành bằng cách khép răng lại nhưng không khít hoàn toàn, đồng thời thưỡi môi ra đằng trước: U.
Ông Jourdain: U, U. Không có gì chân xác hơn: U.
Thầy dạy triết học: Ông thưỡi môi ra như thể ông bĩu môi … thành thử nếu ông định bĩu môi với ai và nhạo họ, ông chỉ có thể nói U với người ấy.
Ông Jourdain: U, U. Đúng thế. Ôi, sao mà tôi không học sớm hơn để biết tất cả những điều ấy!
Thầy dạy triết học: Ngày mai, ta sẽ học đến những chữ cái khác là những phụ âm.
Ông Jourdain: Thế có những điều kỳ lạ như những điều vừa học không?
Thầy dạy triết học: Dĩ nhiên. Chẳng hạn, muốn phát âm phụ âm D, phải đánh đầu lưỡi lên hàm răng trên: DA.
Ông Jourdain: DA, DA. Phải. Ôi, những điều tốt đẹp, những điều tốt đẹp!
Thầy dạy triết học: Muốn nói F thì phải tì hàm răng trên lên môi dưới: FA.
Ông Jourdain: FA, FA. Đó là chân lý. Ôi! cha mẹ ơi, con oán hai người biết mấy!
Thầy dạy triết học: Còn khi phát âm R thì phải đưa đầu lưỡi lên tận đỉnh vòm miệng, sao cho hơi thở hắt mạnh ra làm rung lưỡi: RRA.
Ông Jourdain: RRA, R, R, R , RRA. Đúng thế! Ôi! thầy quả là con người tài khéo! Và tôi đã uổng phí bao nhiêu thời gian!
Thầy dạy triết học: Tôi sẽ giải thích ông nghe tất cả những điều kỳ lạ ấy.
Ông Jourdain: Xin thầy hãy làm vậy. Vả chăng, tôi phải tâm sự với thầy một điều. Tôi say mê một người rất cao sang và tôi cầu mong được thầy giúp đỡ để viết đôi lời trong một lá thư nhỏ mà tôi định để rơi dưới chân nàng
Thầy dạy triết học: Được lắm.
Ông Jourdain: Sao cho thật hào hoa phong nhã.
Thầy dạy triết học: Dĩ nhiên. Ông có muốn viết bằng thơ không?
Ông Jourdain: Không, không thơ thẩn gì hết.
Thầy dạy triết học: Ông chỉ muốn viết bằng văn xuôi?
Ông Jourdain: Không, tôi không muốn văn xuôi, cũng chẳng muốn thơ.
Thầy dạy triết học: Trong hai cách, phải chọn lấy một chứ.
Ông Jourdain: Tại sao?
Thầy dạy triết học: Lý do là vì muốn bày tỏ thì chỉ có hai cách: bằng văn xuôi hoặc bằng thơ, thưa ông Jourdain.
Ông Jourdain: Chỉ có văn xuôi hoặc là thơ thôi ư?
Thầy dạy triết học: Phải, thưa ông: tất cả những gì không phải văn xuôi, đều là thơ; và tất cả những gì không phải là thơ, đều là văn xuôi.
Ông Jourdain: Vậy như cách ta nói thông thương, đó là cái gi?
Thầy dạy triết học: Là văn xuôi.
Ông Jourdain: Sao? Khi tôi bảo: “Nicole, mang cho ta đôi dép lê và đưa ta chiếc mũ ngủ đêm”, đó là văn xuôi ư?
Thầy dạy triết học: Chính thế, thưa ông.
Ông Jourdain: Lạy Chúa tôi! Suốt hơn bốn mươi năm qua, tôi toàn nói văn xuôi mà chăng mảy may biết thế! Tôi xiết bao đội ơn thầy đã dạy cho tôi biết điều đó. Vậy tôi định thổ lộ trong một bức thư: Nữ Hầu tước kiều diễm, đôi mắt đẹp của nàng làm tôi muốn chết vì yêu, nhưng tôi muốn điều đó được diễn tả một cách hay ho lịch sự, hào hoa phong nhã.
Thầy dạy triết học: Hãy viết rằng ngọn lửa của cặp mắt nàng đã thiêu trái tim ông thành tro bụi, rằng vì nàng mà ngày đêm, ông đau khổ sầu não…
Ông Jourdain: Không, không, không, tôi tuyệt nhiên không muốn mọi cái đó; tôi chỉ muốn điều tôi vừa nói với thầy: Nữ Hầu tước kiều diễm, đôi mắt đẹp của nàng làm tôi muốn chết vì yêu.
Thầy dạy triết học: Phải cường điệu lên một chút chứ.
Ông Jourdain: Không, tôi đã nói với thầy, tôi chỉ muốn độc một ý ấy trong lá thư thôi, nhưng xoay giở câu kéo gọn gàng đúng cách, cốt sao cho hợp mốt. Tôi xin thầy nói cho tôi về những cách khác nhau để có thể diễn đạt ý ấy.
Thầy dạy triết học: Cách thứ nhất: ta có thể diễn đạt như ông nói: Nữ Hầu tước kiều diễm, đôi mắt đẹp của nàng làm tôi muốn chết vì yêu. Hoặc giả: Đôi mắt đẹp của nàng, ôi Nữ Hầu Tước kiều diễm, khiến tôi muốn chết vì yêu. Hoặc giả: Đôi mắt nàng đẹp khiên tôi đến chết vì yêu, ôi Nữ Hầu Tước kiều diễm. Hoặc giả: Làm tôi muốn chết vì yêu, ôi, Nữ Hầu Tước diễm kiều, đôi mắt đẹp của nàng.
Ông Jourdain: Nhưng trong tất cả các cách ấy, cách nào là hay nhất?
Thầy dạy triết học: Cách như ông nói: Nữ Hầu tước kiều diễm, đôi mắt đẹp của nàng làm tôi muốn chết vì yêu.
Ông Jourdain: Tuy nhiên, tôi chẳng học hành gì cả mà tôi làm được thế ngay từ cú đầu tiên. Tôi hết lòng cảm ơn thầy và xin thầy mai đến sớm.
Thầy dạy triết học: Xin lĩnh ý không dám sai.
Bài tập
1. Thảo luận nhóm: tìm nghĩa của từ “trưởng giả”. Hạng người như thế nào thì bị coi là trưởng giả? Hãy tìm ba đặc điểm chung nhất của bọn người bị gọi là trưởng giả.
2. Ông Jourdain có giàu không? Những chi tiết nào cho thấy ông Jourdain giàu, thậm chí rất giàu?
3. Hãy tìm và phân tích trước nhóm về một chi tiết cho thấy ông Jourdain rất dốt. Chú ý tìm những chi tiết tinh tế, thí dụ: khi thầy giáo nói đến ba thao tác tư duy, thì ông Jourdain nghĩ đó là ba người, nên hỏi đó là những ai vậy.
4. Tại sao ông Jourdain thích trở thành người sang trọng?
5. Các bạn thử diễn chơi vui với nhau trích đoạn kịch này.