25/05/2018, 16:11

Tiếng Việt 6 - BÀI 9: HANGUL VÀ CHỮ VIẾT CỦA HÀN QUỐC

BÀI 9 HANGUL VÀ CHỮ VIẾT CỦA HÀN QUỐC Bài này bạn học để hiểu sơ lược về “chữ quốc ngữ” Hàn Quốc, không cần đi sâu vào Ngữ âm học của tiếng Hàn. Bạn làm việc theo hướng dẫn dưới đây. Đọc nhanh lần đầu Bạn hãy đọc nhanh 1 – 2 lần ...

BÀI 9

HANGUL VÀ CHỮ VIẾT CỦA HÀN QUỐC

Bài này bạn học để hiểu sơ lược về “chữ quốc ngữ” Hàn Quốc, không cần đi sâu vào Ngữ âm học của tiếng Hàn.

Bạn làm việc theo hướng dẫn dưới đây.

Đọc nhanh lần đầu
  1. Bạn hãy đọc nhanh 1 – 2 lần toàn bộ văn bản.
  2. Đọc xong, bạn tự ghi câu trả lời:
    1. Hàn Quốc và Triều Tiên có vị trí địa lý ở đâu?
    2. Sao lại nói đến “nội chiến” ở bán đảo Triều Tiên?
    3. Người Hàn Quốc và Triều Tiên nói tiếng gì và dùng bộ chữ gì để ghi tiếng nói đó?
  3. Bạn hãy đọc chậm toàn bộ văn bản.
  4. Vừa đọc, bạn vừa ghi tóm tắt câu trả lời:
    1. Dân tộc Triều Tiên chịu ảnh hưởng của tiếng Hán và cách viết chữ Hán như thế nào? Có giống Việt Nam không?
    2. Ba loại chữ viết, Idu, Hyangch’al hay Kugyol có thể so sánh với chữ Nôm của Việt Nam không? Điều gì khiến bạn nghĩ các lối viết đó giống chữ Nôm của Việt Nam?
    3. “Huấn dân chính âm” là kiểu chữ viết gì của tiếng Hàn?
  5. Bạn hãy suy nghĩ và dùng tài liệu trong bài để minh họa điều này: Vua Sejong của người Hàn đã hành động như một nhà ngữ âm học thực thụ. Tư tưởng và cách làm việc đó đi trước thời đại nhiều thế kỷ.
  6. Nhà vua nào của Việt Nam có cách làm việc giống với vua Sejong?
  7. Hiện nay, bạn thấy chữ Hàn ở đâu? Bạn nghĩ gì về chữ đó?
Đọc vài lần sau, chậm hơn Suy nghĩ, thảo luận, và viết thu hoạch riêng theo gợi ý dưới đây
  1. Bạn hãy suy nghĩ và dùng tài liệu trong bài để minh họa điều này: Vua Sejong của người Hàn đã hành động như một nhà ngữ âm học thực thụ. Tư tưởng và cách làm việc đó đi trước thời đại nhiều thế kỷ.
  2. Nhà vua nào của Việt Nam có cách làm việc giống với vua Sejong?
  3. Hiện nay, bạn thấy chữ Hàn ở đâu? Bạn nghĩ gì về chữ đó?
     

       Tiếng Triều Tiên hay tiếng Hàn là ngôn ngữ của những cư dân sống trên bán đảo Triều Tiên ngày nay. Dân tộc Triều Tiên xưa nay chỉ sử dụng một ngôn ngữ duy nhất. Sau khi kết thúc nội chiến trên bán đảo Triều Tiên vào năm 1953, tình trạng đình chiến vẫn được duy trì cho đến ngày nay, bán đảo Triều Tiên bị chia cắt thành hai quốc gia là Triều Tiên ở phía Bắc và Hàn Quốc ở phía Nam nhưng đang sử dụng chung một ngôn ngữ. Triều Tiên gọi ngôn ngữ đó là tiếng Triều Tiên (Chosunmal) và Hàn Quốc gọi là tiếng Hàn Quốc (Hankukmal).

       Bài này có nội dung liên quan đến lịch sử ngôn ngữ và đặc điểm chữ viết của hai quốc gia Triều Tiên và Hàn Quốc nhưng người viết chỉ dùng chung một từ tiếng Hàn để chỉ chung ngôn ngữ hiện đang được sử dụng chính thức ở cả Triều Tiên và Hàn Quốc.

       Hiện nay có khoảng 52 triệu người nói tiếng Hàn ở Hàn Quốc và khoảng 25 triệu tại Triều Tiên. Ngoài ra còn có số lượng không nhỏ những người sử dụng ngôn ngữ này ở Trung Quốc, Bắc Mỹ, Nhật Bản, Trung Á (các nước thuộc Liên Xô cũ) và một bộ phận di cư rải rác ở các khu vực trên khắp thế giới.

       Chữ viết tiếng Hàn trên bán đảo Triều Tiên[1] đã trải qua nhiều thời kỳ với nhiều kiểu chữ khác nhau. Bài này sẽ điểm qua về lịch sử tồn tại các loại hình chữ viết trên bán đảo Triều Tiên và tập trung chủ yếu vào chữ Hangul, chữ viết duy nhất trên thế giới có lịch sử rõ ràng về tác giả, thời gian, nguyên lý sáng tạo và là chữ viết duy nhất cho đến nay được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

1. Lịch sử chữ viết trên bán đảo Triều Tiên

       Trước tiên, lịch sử ngôn ngữ trên vùng bán đảo Triều Tiên được chia ra thành bốn thời kỳ. Tiếng Hàn Cổ đại từ thời Tam Quốc[2] cho đến thời kỳ Shilla thống nhất, khoảng 1000 năm. Tiếng Hàn Trung đại được tính từ thời Koryo[3] năm 918 đến cuối thế kỷ 16, tức là đến sự kiện Bạo loạn Nhâm Thân năm 1592,trong giai đoạn này lại tiếp tục được chia thành tiếng Hàn thời kỳ vương triều Koryo và tiếng Hàn thời kỳ vương triều Chosun. Tiếng Hàn thời kỳ Cận đại được tính từ đầu thế kỷ 17 đến cuối thế kỷ 19, tức là khoảng thời gian sau sự kiện Bạo loạn Nhâm Thân đến trước khi hình thành tiếng Hàn hiện đại ngày nay. Giai đoạn tiếng Hàn hiện đại được tính từ thời điểm nào đang là vấn đề còn nhiều tranh luận, tuy nhiên hầu hết các học giả Hàn Quốc đều cho rằng có thể tính từ đầu thế kỷ 20 đến nay.

       Thời kỳ Cổ đại, các tài liệu còn lại không nhiều nên tiếng Hàn cũng như chữ viết đã không được nhiều học giả quan tâm nghiên cứu. Giai đoạn Trung và Cận đại, đặc biệt với sự xuất hiện của chữ Huấn dân chính âm (sau này là chữ Hangul) là thời kỳ mà các nhà nghiên cứu lịch sử ngôn ngữ đề cập đến nhiều nhất.

       Cũng như Việt Nam, Triều Tiên từ thời Cổ đại đã chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa. Chữ Hán đã du nhập vào bán đảo, tồn tại và có ảnh hưởng trong khoảng thời gian dài cho đến tận ngày nay. Tuy nhiên, chữ Hán là chữ viết được du nhập, lại mượn âm đọc và hiểu theo nghĩa Hán nên khó sử dụng, vì vậy thường chỉ có tầng lớp quan lại, trí thức mới được học.

       Tuy khó học, khó sử dụng nhưng chữ Hán vẫn tồn tại một cách chính thức và được coi là duy nhất trong thời kỳ đầu Cổ đại. Đến giai đoạn cuối, khoảng thế kỷ 7, song song với chữ Hán, có loại hình chữ viết khác gọi là Idu. Đây là loại hình chữ viết lấy hình thức chữ Hán nhưng đã được giản thể các nét; trật tự từ trong câu đã thay đổi theo nguyên tắc của tiếng Hàn; chữ Idu cũng cho phép ghi lại được những yếu tố ngữ pháp đặc trưng của tiếng Hàn như các tiểu từ, biến đổi đuôi câu, tiền tố...

       Cũng trong thời kỳ Cổ đại, ngay sau chữ Idu, loại hình chữ viết Hyangch’al ra đời, được sử dụng chủ yếu trong tác phẩm Hyangga, mượn nghĩa Hán để ghi các từ có nghĩa cụ thể (danh từ, động từ, tính từ) và mượn âm Hán để ghi các từ còn lại. Hyangch’al cho phép ghi âm Hàn thuần nhiều hơn và làm hoàn thiện việc ghi lại yếu tố ngữ pháp tiếng Hàn.

       Ngoài Idu và Hyangch’al còn có một hệ thống chữ viết khác gọi là Kugyol được sử dụng chủ yếu để ghi lại kinh Phật và các tác phẩm kinh điển của Trung Quốc. Chữ viết này cho phép biểu thị rõ ràng hơn các yếu tố ngữ pháp nhằm kết nối ý nghĩa cho văn bản.

       Cả ba loại chữ viết Idu, Hyangch’al hay Kugyol về bản chất là ghi âm Hàn thuần và được viết dưới dạng ký tự giống chữ Hán (giản thể). Loại hình chữ viết này có thể so sánh với chữ Nôm của Việt Nam – một sự sáng tạo lấy âm, nghĩa thuần của tiếng nói dân tộc mình và sử dụng chữ Hán dạng giản thể để ghi lại. Các loại hình chữ viết này cùng với chữ Hán tồn tại song song cho đến thế kỷ 15, thời điểm vua Sejong (1397–1450)[4] sáng tạo ra chữ Huấn dân chính âm.

       Thế kỷ 15, vào đời vua thứ tư của triều đại hậu Chosun, khi xã hội phong kiến đạt đến đỉnh cao của sự phát triển với nhiều thành tựu sáng tạo to lớn ở các ngành khoa học như địa lý, lịch sử, thiên văn, ngôn ngữ... đất nước đứng trước nhu cầu phải có hệ thống chữ viết thống nhất trong dân. Khi đó những loại chữ Hán, chữ Idu, chữ Hyangch’al, chữ Kugyol tuy vẫn có vai trò quan trọng nhưng lại khó hiểu, khó học đối với dân chúng. Vào tháng 12 năm 1443 (âm lịch)[5] vua Sejong đã phân tích âm luật của quốc ngữ thời Trung cổ và sáng tạo nên bộ chữ với tên gọi là Huấn dân chính âm. Nhà vua tập hợp một nhóm quan trong triều để viết Giải lệ bản bằng chữ tượng hình[6] (chữ Hán) cho bộ văn tự mới này. Huấn dân chính âm (Giải lệ bản) được hoàn thành và chính thức được ban bố vào năm 1446. “Huấn dân” nghĩa là “dạy cho dân chúng” còn “chính âm” nghĩa là “chữ viết đúng của dân chúng” hay “chữ viết đúng ghi lại tiếng nói của dân tộc”. Chữ Huấn dân chính âm về sau được gọi với tên là Hangul.

       Để kỷ niệm sự kiện ban bố rộng khắp Huấn dân chính âm vào tháng 9 năm 1446 của vua Sejong, đồng thời cũng mang ý nghĩa phổ cập chữ Hangul trên cả nước, từ năm 1946, Hàn Quốc quy định ngày 10 tháng 9 hằng năm được chọn là ngày lễ nhằm tôn vinh chữ Hangul – tên gọi ngày đó là Hangulnal.

2. Chữ Hangul và nguyên lý sáng tạo

2.1.    Chữ Hangul – chữ viết của dân tộc Hàn

       Sách Huấn dân chính âm đã bị thất lạc trong một thời gian dài. Năm 1940, cuốn sách được phát hiện tại nhà Lee Han–geol ở tỉnh Kyung–bok (An–dong), hiện nay được bảo quản tại Bảo tàng Kan–seong, thủ đô Seoul Hàn Quốc. Cuốn sách tìm thấy là Giải lệ bản, được viết bằng chữ Hán và được các nhà nghiên cứu cho là bản gốc. Cuốn sách gồm 33 trang, được làm bằng gỗ gồm các nội dung chính như lời nói đầu và phần Lệ nghĩa (cách sử dụng và ngữ âm của chữ viết) do vua Sejong viết, các phần giải thích do học giả trong nhóm thực hiện viết.

       Chữ Hangul của dân tộc Hàn xuất hiện từ thời Trung đại, tức là cách đây gần 600 năm, năm 1997 đã được công nhận là di sản văn hóa thế giới, chứa đựng các giá trị sáng tạo mang tính lịch sử và văn hóa của nhân loại.

       Thứ nhất, chữ Hangul là chữ viết “toàn dân” và mang tư tưởng dân chủ. Chữ Hangul được sáng tạo trong bối cảnh Triều Tiên đang phải mượn chữ Hán (âm đọc và nghĩa) kết hợp với Idu, Huyangch’al (chữ Hán giản thể) biểu thị ngữ pháp, loại chữ này chỉ những tầng lớp thống trị xã hội và trí thức mới có thể sử dụng. Nhà vua với vai trò lãnh đạo quốc gia đã sáng tạo kiểu chữ viết mới để cho mọi người dân đều có thể dùng chữ viết để diễn đạt và hiểu được đúng suy nghĩ của bản thân. Trong giai đoạn đầu, do sự tồn tại của chữ Hán mà chữ Hangul được coi là chỉ dành cho tầng lớp thấp hèn trong xã hội, nhất là cho phụ nữ, nhưng về sau chữ Hangul đã ngày càng trở nên phổ biến hơn kéo theo sự hiểu biết, nhận thức xã hội đã không chỉ giới hạn ở một nhóm quyền lực mà đa số người dân đã dần có tư tưởng tiến bộ, tính dân chủ trong dân được cải thiện.

       Thứ hai, chữ Hangul có nguồn gốc cấu tạo đặc biệt so với các chữ viết khác trên thế giới. Những bộ chữ tượng hình đầu tiên như của Ai Cập, Trung Quốc, Maya... hình thành bắt đầu từ các hình vẽ mô phỏng đời sống sinh hoạt. Còn các bộ chữ viết xuất hiện muộn hơn sau đó như chữ Nhật Bản đã vay mượn âm Hán và chữ Hán để tạo ra chữ viết Hiragana và Katakana. Trước khi có chữ quốc ngữ, người Việt chúng ta cũng đã từng tự tạo ra bộ chữ Nôm theo phương thức mượn nét từ chữ Hán. Hangul thì khác, đây là chữ viết được sáng chế, có tác giả, có thời gian sáng chế rõ ràng. Như vậy, nếu so với các chữ viết khác trên thế giới, việc vua Sejong sáng tạo ra chữ viết cho dân tộc mình là chưa từng có trong lịch sử, thể hiện sự vĩ đại, thông thái của nhà vua và đánh dấu một thành tựu lớn của dân tộc Hàn trong lịch sử văn hóa nhân loại.

       Thứ ba, chữ Hangul được sáng tạo một cách khoa học với các nguyên tắc ngữ âm vượt thời gian mà chưa dân tộc nào khác từng có. Chữ Hangul được sáng tạo vào thời Trung đại cách đây gần 600 năm song lại là chữ viết có nguyên tắc ngữ âm tương đối hiện đại của thế kỷ 20. Căn cứ vào sách Huấn dân chính âm, chữ Hangul có nguyên lý sáng tạo một cách khoa học, rõ ràng, độc đáo, thể hiện tương đối đầy đủ các nguyên tắc ngữ âm học quan trọng nhất như: (a) quy định nguyên âm và phụ âm của hệ thống chữ viết; (b) thể hiện vị trí cấu âm như môi, răng, ngạc..., (c) phương pháp cấu âm phụ âm thể hiện qua việc Sejong lấy ví dụ giống với âm đọc trong chữ Hán, phương pháp cấu âm nguyên âm thể hiện qua việc mô tả phát âm mạnh nhẹ, nông sâu... Các chữ viết khác trên thế giới ban đầu thường được thể hiện là các nét tượng hình, mô phỏng đời sống nông nghiệp và sinh hoạt để biểu ý, còn vua Sejong lại dựa trên nguyên lý ngữ âm học để sáng tạo ra 28 nguyên âm, phụ âm là các con chữ hoàn toàn mới. Các phụ âm được mô phỏng từ hình dạng cơ quan cấu âm như môi, ngạc, răng trong đó có thể hiện cả vị trí cấu âm... hoặc nguyên âm được mô phỏng từ hình ảnh Trời, Đất và Người trong thuyết Tam tài Thiên Địa Nhân. Một số nét được thêm vào để tạo ra con chữ khác có ít nhất một đặc điểm giống với con chữ ban đầu.

       Thứ tư, chữ Hangul là chữ viết dễ học, dễ nhớ. Chữ Hangul được sáng tạo một cách bài bản, chi tiết và logic về âm luật dẫn đến việc phổ cập trong dân chúng được dễ dàng, nhanh chóng và phù hợp với mục đích ban đầu của nhà vua là tạo ra chữ cho “trăm họ” (bách tính). Ban đầu, vua Sejong đã đưa ra 8 chữ cơ bản gồm 5 phụ âm và 3 nguyên âm. Về sau, từ các nguyên âm và phụ âm này nhà vua thêm nét để tạo chữ khác, việc thêm các nét được thực hiện tương đối logic và dễ nhớ, cộng với quy định về ngữ âm chặt chẽ khiến cho hệ thống chữ viết này mang tính khoa học. Hệ thống chữ Huấn dân chính âm ban đầu gồm 28 nguyên âm – phụ âm, người mới học có thể dễ dàng viết và đọc được ngay sau khi nhớ được 8 chữ cái cơ bản nhất cùng nguyên tắc kết hợp âm đầu, âm giữa và âm cuối.

2.2.      Nguyên lý sáng tạo và hệ thống chữ Hangul

       Ban đầu, Hangul được sáng tạo gồm 28 ký tự nguyên âm và phụ âm, khi ghép các nguyên âm và phụ âm lại với nhau theo nguyên tắc sắp xếp âm đầu – âm giữa – âm cuối sẽ tạo thành tiếng. Là chữ viết biểu âm[8], Hangul có thể ghi lại được mọi âm thanh tồn tại.

       Căn cứ vào bản gốc của tác phẩm kinh điển Huấn dân chính âm và bản dịch viết trong một số tác phẩm khác, nguyên lý sáng tạo chữ Hangul có thể được tóm tắt như sau:

  1. Mỗi âm (mỗi âm tiết, mỗi tiếng) được phân tích thành âm đầu, âm giữa, âm cuối.
  2. Phân biệt âm đầu và âm giữa là các chữ riêng biệt, khác nhau (phụ âm và nguyên âm)[9].
  3. Không tạo ra chữ cái riêng biệt cho âm cuối mà sử dụng các chữ cái quy định là âm đầu (phụ âm) để ghi âm cuối.
  4. Một số chữ cái là âm đầu (phụ âm) được tạo ra trước, sau đó căn cứ vào các chữ cái cơ bản này để tạo thành các chữ cái khác theo nguyên tắc gia hoạch (thêm nét)[10] hoặc viết hai chữ cái liền nhau.
  5. Các âm đầu cơ bản được tạo ra trước tiên bằng cách mô phỏng cơ quan cấu âm và vị trí cấu âm, các âm giữa cơ bản được tượng hình là hình ảnh của Trời, Đất và Người.

       Khi sáng tạo ra các âm cơ bản này, vua Sejong đã nghiên cứu về vị trí cấu âm.

       Các điểm góc hoặc trung tâm của ký tự chính là vị trí cấu âm. 

       Chấm tròn tượng trưng cho Trời[11]. Nét ngang bằng tượng trưng cho Đất. Nét đứng tượng trưng cho Người.

       Nguyên lý cấu tạo nguyên âm cơ bản /ㅅ, i, i/

       Đối với âm đầu, dựa vào vị trí cấu âm, các âm phát âm nhẹ nhất được tạo ra trước, các âm còn lại được tạo ra sau bằng cách thêm nét vào các âm tạo ra trước[12].

       Thuyết âm dương ngũ hành trong triết học cũng được phản ánh trong việc quyết định hình dạng của âm hàng giữa. 

       Thực tế khi ghi một âm tiết phải kết hợp âm đầu, âm giữa và âm cuối.

ㅎ + ㅏ + ㄴ = 한

H + a + n = Han

       Với các nguyên lý cấu tạo như trên, ngay ở phần mở đầu của Huấn dân chính âm vua Sejong đưa ra đặc điểm của tất cả 28 ký tự mới trong sự đối chiếu với các âm Hán được viết lần lượt như sau:

  1. ㄱ /k/ là âm ngạc mềm, phát âm giống âm đầu trong chữ 君(quân). Khi viết hai chữ ㄱ liền nhau thành ㄲ/k’/ và phát âm giống âm đầu trong chữ 虯 (cầu)[14].
  2. ㅋ /kh/ là âm ngạc mềm, phát âm giống âm đầu trong chữ 快 (khoái)
  3. ᅌ/ŋ/ là âm ngạc mềm, phát âm giống âm đầu trong chữ 業 (nghiệp)
  4. ㄷ /t/ là âm đầu lưỡi, phát âm giống âm đầu trong chữ 斗 (đẩu). Hai âm ㄷ viết liền nhau thành ㄸ, phát âm giống âm đầu trong chữ 覃 (đàm)
  5. ㅌ /th / là âm đầu lưỡi, phát âm giống âm đầu trong chữ 呑 (thôn)
  6. ㄴ /n/ là âm đầu lưỡi, phát âm giống âm đầu trong chữ 那 (na)
  7. ㅂ /p/ là âm hai môi, phát âm giống âm đầu trong chữ 彆 (biệt). ㅂ viết liền nhau thành ㅃ, phát âm giống âm đầu trong chữ 步 (bộ)
  8. ㅍ /ph / là âm hai môi phát âm giống âm đầu trong chữ 漂 (phiêu)
  9. ㅁ/ m/ là âm hai môi, phát âm giống âm đầu trong chữ 彌 (di)
  10. ㅈ /č / là âm răng, phát âm giống âm đầu trong chữ 卽 (tức), ㅈ viết liền nhau thành ㅉ/cc/ phát âm giống âm đầu trong chữ 慈 (từ)
  11. ㅊ / čh/ là âm răng, phát âm giống âm đầu trong chữ 侵 (xâm)
  12. ㅅ /s/ là âm răng, phát âm giống âm đầu trong chữ 戌 (tuất). ㅅ viết liền nhau thành ᆻ, phát âm giống âm đầu trong chữ 邪 (tà)
  13. ᅙ / ʔ/ là âm thanh hầu, phát âm giống âm đầu trong chữ 흡 (ấp)
  14. ㅎ/h/ là âm thanh hầu, phát âm giống âm đầu trong chữ 虛 (hư). Hai chữ ㅎ viết liên nhau thành ᅘ,  phát âm giống âm đầu trong chữ 洪 (hồng)
  15. ㆁ/ɦ/ là âm thanh hầu, phát âm giống âm đầu trong chữ 欲 (dục)
  16. ㄹ/ɾ / là âm nửa đầu lưỡi, phát âm giống âm đầu trong chữ 閭 (lư)
  17. ᅀ/z/ là âm nửa răng, phát âm giống âm đầu trong chữ 穰 (nhương)[15]
  18. ㆍ/ㅅ/ phát âm giống âm giữa trong chữ 呑 (thôn)
  19. ㅡ /ɨ/ phát âm giống âm giữa trong chữ 卽 (tức)
  20. ㅣ/i/ phát âm giống âm giữa trong chữ 侵 (xâm)
  21. ㅗ/o/ phát âm giống âm giữa trong chữ 洪 (hồng)ㅏ/a/ phát âm giống âm giữa trong chữ 覃 (đàm)
  22. ㅜ/u/ phát âm giống âm giữa trong chữ 君 (quân)
  23. ㅓ/ə/ phát âm giống âm giữa trong chữ 業 (nghiệp)
  24. ㅛ/yo/ phát âm giống âm giữa trong chữ 欲 (dục)
  25. ㅑ/ya/ phát âm giống âm giữa trong chữ 穰 (nhương)
  26. ㅠ/yu/ phát âm giống âm giữa trong chữ 戌 (tuất)
  27. ㅕ/yə/ phát âm giống âm giữa trong chữ 彆 (biệt).

       Đối với hệ thống chữ viết hiện đại ngày nay, người ta phân loại các âm thành nguyên âm và phụ âm. Ở đơn vị âm tiết, âm luôn bắt đầu bằng một phụ âm và kết thúc bằng một phụ âm. Như vậy, khi sáng tạo ra chữ Hangul vua Sejong đã áp dụng lý thuyết ngôn ngữ của thế kỷ 20. Dù được sáng tạo cách đây gần 600 năm, nhưng nó vẫn có đầy đủ tính hiện đại, logic, khoa học. Không những thế, ông còn đưa được vào đó các yếu tố triết học phương Đông là đại diện cho văn hóa khu vực mà ngôn ngữ này tồn tại.

3. Sự thăng trầm của chữ viết trong xã hội Triều Tiên

       Dân tộc Hàn đã rất may mắn khi có chữ Hangul là chữ viết chính thức của dân tộc, nhưng Hangul lại được sinh ra dưới một ngôi sao kém may mắn. Dù có gốc gác vua chúa, xuất phát từ cung đình, song Hangul không được hưởng những ưu ái, hào quang ngay từ đầu. Từng tồn tại suốt một thời gian dài dưới cái bóng lớn của chữ Hán du nhập từ Trung Hoa, chữ Hangul luôn bị hắt hủi, đuổi khỏi hàng rào cung đình để đến với sự bảo vệ của những người phụ nữ bị coi là thấp hèn hay nhóm tăng ni phật tử trong xã hội.

       Sự thăng trầm của chữ viết phần nào thể hiện ở tên gọi của nó qua mỗi giai đoạn lịch sử. Chữ viết từ khi mới ra đời được vua Sejong đặt tên là Huấn dân chính âm, sau đó trải qua thời gian, chữ viết dần đi vào đời sống của người dân, được sử dụng trong các phát ngôn của giới cầm quyền cho đến khi cải cách chữ viết và được gọi tên là Hangul. Một số tên gọi của chữ Hangul cho đến nay:[16]

       Năm 1446, vua Sejong ban bố Huấn dân chính âm ra cả nước như một bước ngoặt lớn của lịch sử văn hóa dân tộc. Sau đó, nhóm cầm quyền, trí thức vẫn sử dụng chữ Hán và coi việc sử dụng chữ Hangul là thấp hèn. Nhóm những người thuộc tầng lớp dưới của xã hội đã tích cực sử dụng chữ Hangul – loại chữ gần gũi, dễ học, dễ nhớ và đặc biệt là ghi được âm tiếng nói của chính mình. Trong quá trình sáng tạo cũng như ngay sau khi ban bố chữ Hangul, vua Sejong là người đầu tiên tích cực thử nghiệm viết bằng loại chữ mới này. Các tác phẩm viết bằng chữ Hangul đầu tiền được kể đến là Yongbi eocheon ga (Bài ca về loài rồng bay trên trời), năm 1445, viết về vương triều mới. Tác phẩm tiếp theo nhà vua viết là Seogbo sangjeol, năm 1447, kể về cuộc đời của Phật nhằm giáo huấn những người dân thường. Trong thời gian này, nhà vua cùng nhóm các quan trong triều đình hoàn thành biên soạn Huấn dân chính âm. Sau khi chữ Hangul được ban bố rộng khắp đã xuất hiện nhiều tác phẩm có giá trị của vua và các quan trong triều để quảng bá rộng hơn về chữ viết mới, đồng thời cũng đưa ra một số các quy tắc để chuẩn hóa cách đọc chữ Hán. Bên cạnh đó, nhà vua còn cho sản xuất tiền xu khắc chữ Hangul là Hiếu đễ lễ nghĩa (효뎨례의 – 孝悌禮義) như một cách để tất cả người dân đều biết đến sự tồn tại của chữ viết mới trong xã hội.

       Cũng vào thời gian này, các tác phẩm Phật giáo, đông y, âm nhạc được sáng tác mới và việc dịch sang chữ Hangul các tác phẩm kinh điển của Trung Hoa là bước đệm thúc đẩy phong trào sử dụng chữ Hangul không chỉ ở những tầng lớp thấp hèn mà bắt đầu ở cả giới trí thức. Từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 18 là thời kỳ văn học viết bằng chữ Hangul phát triển, đỉnh điểm là giai đoạn thế kỷ 17–18 và tiêu biểu là các tác phẩm như các tập thơ của Yun Seon–do và Park In– ro, truyện Hong Gil–dong, truyện Sim Cheong, truyện Xuân Hương... Phong trào văn học viết bằng chữ Hangul vẫn tiếp tục kéo dài sang thế kỷ 18, tạo nên một kho tàng văn học có giá trị lớn cho dân tộc Hàn đến ngày nay.

       Cho đến cuối thế kỷ 19, trong cuộc chiến tranh Giáp Ngọ[18] năm 1894, việc Nhật Bản muốn tách Triều Tiên khỏi sự ảnh hưởng của Trung Quốc đã khiến cho chủ nghĩa dân tộc Triều Tiên phát triển mạnh mẽ. Cuộc cách mạng Giáp Ngọ 1894 do các nhà chính trị theo Nhật khởi xướng đã diễn ra. Trong cuộc cách mạng này, vào năm 1894, Hangul được sử dụng trong một số tài liệu chính thức mang tính quốc gia. Báo Gwanbo (Quan báo) là một tờ báo của chính phủ được in bằng chữ Hangul xen lẫn với chữ Hán đã cho thấy giới cầm quyền hoàn toàn không làm ngơ đối với chữ viết Hangul, và đây là một tín hiệu tích cực cho các bước phát triển tiếp theo của chữ Hangul trong xã hội. Năm 1895, một số trường phổ thông bắt đầu dạy chữ Hangul song song với chữ Hán, và năm 1896 lần đầu tiên ra mắt báo Độc lập tân văn hoàn toàn bằng chữ Hangul. Tờ báo này không những loại bỏ hoàn toàn Hán tự mà còn sắp xếp lại một cách hợp lý hơn đơn vị âm tiết tương ứng với mỗi âm đọc, khiến cho Hangul có một diện mạo mới, dễ đọc, dễ hiểu hơn cho dân chúng. Bước phát triển mới của chữ Hangul phải kể đến công lao cũng như sự nỗ lực đầy tâm huyết của hai học giả, nhà cải cách Seo Jae–pil và Ju Si–kyeong[19].

       Nếu như trước đó, Hangul được gọi với những cái tên mang tính tự phát trong dân như Amkeul (tiếng của đàn bà), Eonmun (tiếng nói tầm thường)... thì vào thời kỳ này được gọi là Kukmun (Quốc văn) nghĩa là chữ viết của quốc gia, tên gọi này cho thấy chữ viết Hangul tuy chưa được toàn dân ủng hộ nhưng đã có một vị thế lớn trong xã hội.

       Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, cuộc cách mạng làm thay đổi chữ viết do Ju Si–kyeong trong nhóm Độc lập khởi xướng khiến tầm ảnh hưởng của bộ chữ càng lan rộng hơn trong cả nước. Ông được coi là “ông tổ” trong việc làm mới chữ Hangul sau sự sáng tạo chữ viết của vua Sejong. Vua Sejong có công lớn trong việc tạo ra hệ thống chữ cái gồm các nguyên âm, phụ âm, quy định âm đầu, âm giữa và âm cuối cùng, cách ghép các con chữ lại với nhau thành các âm tiết riêng bằng các kiến thức âm vị học trong ngôn ngữ học hiện đại. Ju Si–kyeong sắp xếp lại một cách hợp lý, khoa học hơn cho các âm tiết, bỏ đi các ký hiệu không cần thiết, giúp con chữ được làm gọn, tương đối giống với chữ viết Hangul ngày nay. Trong suốt thời gian dài từ khi hoạt động trong nhóm Độc lập cho đến thời kỳ Nhật chiếm đóng, Ju Si–kyeong là người tiên phong trong phong trào cải cách chữ viết. Ông là thành viên tích cực nhất trong Viện nghiên cứu Quốc văn[20], trong thời gian hoạt động ông đã công bố một loạt sách về ngữ pháp và ngữ âm tiếng Hàn. Ông đi khắp các trường quanh Seoul để giảng dạy về các nguyên tắc ngôn ngữ và cách viết chữ Hangul, đồng thời tuyên truyền quảng bá rộng rãi về ưu điểm của Hangul so với chữ Hán. Ông cũng chính là người đầu tiên gọi chữ Huấn dân chính âm của vua Sejong là Hangul – nghĩa là chữ viết to lớn, vĩ đại. 

       Tháng 8 năm 1908, Ju Si–kyeong tiếp tục tập hợp các học giả là giáo viên hoặc những người tâm huyết với chữ Hangul để thành lập Hội nghiên cứu Quốc ngữ hay Hội Ngôn ngữ[21] và năm 1949 đổi tên thành Hangul Hakhoe (Hội nghiên cứu Hangul). Năm 1936, Hội đã in và xuất bản cuốn Chuẩn ngữ pháp tiếng Hàn, trong đó quy định đầy đủ các quy tắc ngữ âm, ngữ pháp tiếng Hàn và được coi là quy chuẩn sử dụng trong các trường học, đặc biệt là cấp tiểu học, trong cả nước.

       Ngoài Ju Si–kyeong và các nhà cách mạng yêu nước khác có công trong việc quảng bá sử dụng chữ Hangul trong dân chúng thì các nhà trí thức, nhà văn, các giáo sĩ phương Tây cũng đóng vai trò không nhỏ trong công cuộc cách mạng chữ quốc ngữ ở xã hội Triều Tiên thời bấy giờ.

       Cho đến nay, chữ Hangul được người Hàn Quốc và Triều Tiên sử dụng là chữ viết chính thức đã phải trải qua nhiều thăng trầm. Trước đây người ta viết văn bản mang tính học thuật cao, văn bản hành chính trong đó chèn thêm nhiều chữ Hán với tư tưởng chữ Hán mới giải thích đầy đủ ý nghĩa và phần nào chứng tỏ sự uyên bác của tác giả thì ngày nay đã thay đổi đáng kể, các sách báo gần như hoàn toàn không còn chữ Hán, các văn bản học thuật nếu không phải bắt buộc để giải thích bên cạnh cho rõ nghĩa hơn hoặc để tránh nhầm lẫn giữa các từ đồng âm khác nghĩa thì chữ Hán gần như bị loại bỏ.

       Sau hơn 60 năm Hàn Quốc và Triều Tiên bị chia cắt, cho đến nay, cả hai quốc gia vẫn sử dụng chung một ngôn ngữ. Tuy nhiên, khoảng cách địa lý đã làm cho ngôn ngữ hai miền có sự khác biệt lớn trong phương ngữ . Không những thế, do đặc điểm kinh tế chính trị và văn hóa khác nhau nên trong ngôn ngữ của hai quốc gia cũng hình thành lượng từ vựng riêng[22], ngữ pháp về cơ bản là giống nhau song phong cách phát ngôn, phong cách viết đã có nhiều điểm khác biệt. Hiện nay, nhiều học giả ngôn ngữ rất quan tâm và đã tiến hành các nghiên cứu so sánh ngôn ngữ của hai miền.

4. Hangul – Chữ quốc ngữ của Hàn Quốc ngày nay

Hệ thống chữ quốc ngữ của Hàn Quốc ngày nay chỉ còn lại 24 chữ cái gồm 14 phụ âm (ㄱㄴㄷㄹㅁㅂㅅㅇㅈㅊㅋㅌㅍㅎ) và 10 nguyên âm (ㅏㅑㅓㅕㅗㅛ ㅜㅠㅣㅡ).

Ngoài ra còn có các nguyên âm đôi, phụ âm kép trong hệ thống chữ quốc ngữ. Như vua Sejong đã viết trong Huấn dân chính âm, đây là hệ thống chữ mà người sáng dạ có thể học trong một buổi sáng còn người tối dạ thì mất mười ngày. Quả thực, xét về số lượng cũng như cách ghi, có thể thấy ngay sự đơn giản, dễ nhớ dễ thuộc. Các chữ cái Hangul được liệt kê như sau:

Âm đầu gồm 19 chữ cái[23]

ㄱ/k/

ㄴ/n/

ㄷ/t/

ㄹ/ɾ/

ㅁ/m/

ㅂ/p/

ㅅ/s/

ㅈ/c/

ㅇ/ ŋ/

ㅎ/h/

ㅋ/kh/

ㅌ/th/

ㅍ/ph/

ㅊ/ch/

ㄲ/k’/

ㄸ/t’/

ㅃ/p’/

ㅆ/s’/

ㅉ/c’/

Âm giữa gồm 21 chữ cái[24] 

ㅏ/a/

ㅓ/ə/

ㅗ/o/

ㅜ/u/

ㅡ/i/

ㅘ/wa/

ㅝ/wə/

 

ㅣ/i/

ㅑ/ya/

ㅕ/yə/

ㅛ/yo/

ㅠ/yu/

ㅚ/we/

ㅟ/wi/

ㅐ/æ/

ㅔ/e/

ㅢ/ui/

ㅙ/wæ/

ㅞ/we/

ㅒ/yæ/

ㅖ/ye/

 Âm cuối gồm 27 chữ cái[25]: ㄱㄴㄷㄹㅁㅂㅅㅇㅈㅊㅋㅌㅍㅎㄲㅆ ㄳ ㄵ ㄶ ㄺ ㄻ ㄼ ㄽ ㄾ ㄿ ㅀ ㅄ

       Với bảng chữ cái vua Sejong sáng tạo ra, đặc biệt theo các nguyên tắc gia hoạch, làm cho việc học viết trở nên dễ dàng, đồng thời các chữ cái trên sau khi kết hợp với một số nguyên tắc viết chữ Hangul có thể ghi lại tất cả tiếng nói và âm thanh tồn tại.

       Lấy ví dụ viết câu Sarangheyo – “사랑해요” nghĩa là “tôi yêu bạn”:

sa – 사

rang – 랑

hae – 해

yo – 요

ㅅ+ㅏ

ㄹ+ㅏ+ㅇ

ㅎ+ㅐ

ㅇ + ㅛ

        Theo kinh nghiệm của người viết, đúng như vua Sejong nói, việc học bảng chữ cái tiếng Hàn và ghép vần, viết chữ với người thông minh chỉ mất một buổi, ngay sau khi học thuộc được bảng chữ cái và một số nguyên tắc đọc viết, có thể đọc được tất cả các văn bản tiếng Hàn. Đây chính là khác biệt lớn nhất của chữ Hangul biểu âm so với hệ thống chữ tượng hình biểu ý (nghĩa) như tiếng Trung Quốc. Điều này có thể coi là bước đột phá lớn của dân tộc Hàn khi thay đổi từ hệ thống chữ Hán vay mượn, Idu, Hyangch’al, Kugyol sang chữ Hangul.

5.    Tính dân tộc thể hiện trong cách ứng xử của người Hàn với chữ Hangul

       Cuối thế kỷ 20 là thời điểm Hallyu[26]  xuất hiện ở hầu hết các quốc gia châu Á và hiện nay đang lan dần, gây ảnh hưởng sang châu Mỹ và châu Âu. Trong quá trình Hàn Quốc hội nhập với thế giới, không chỉ kinh tế đóng vai trò quan trọng mà văn hóa Hàn Quốc trong đó chữ Hangul cũng trở thành một sức mạnh mềm đóng góp vào công cuộc tiến ra thế giới của người Hàn. Ở nhiều nước trên thế giới như Mỹ hay châu Âu xuất hiện các khu dành riêng cho người Hàn (Korea Town) hoặc khu không chính thức song tập trung cộng đồng người Hàn như ở các tiểu bang của Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam... Đến những nơi này, người dân bản địa dễ dàng nhìn thấy tên các cửa hàng bằng chữ Hangul, Hangul hóa ngôn ngữ các nước bản địa để viết lên biển hiệu quảng cáo của mình.

       Hàn Quốc ngày nay là một quốc gia phát triển lớn mạnh với tên tuổi của các tập đoàn lớn như Samsung, LG, Hyundai... Nhưng người nước ngoài còn biết đến chiến dịch quảng bá Hangul ra toàn thế giới thông qua Trung tâm Hàn ngữ Sejong dưới sự hỗ trợ của chính phủ Hàn Quốc hoạt động ở nhiều quốc gia. Hàn Quốc cử tình nguyện viên dạy tiếng Hàn đi khắp nơi trên thế giới để giảng dạy tiếng Hàn và chữ Hangul. Các hoạt động biểu diễn K–pop, tặng hoặc bán bản quyền phim truyền hình, chương trình giải trí của Hàn với giá rẻ... diễn ra ở nhiều quốc gia trên thế giới cũng là chiến dịch Hàn Quốc phổ cập hóa hình ảnh Hàn Quốc, văn hóa Hàn Quốc, tiếng Hàn và chữ Hangul rộng ra thế giới.

       Đến Hàn Quốc, khách du lịch dễ dàng nhận ra những món quà lưu niệm tinh xảo được sáng tạo mô phỏng các chữ cái Hàn Quốc, tên các thương hiệu quốc tế được chuyển sang chữ Hangul. Starbucks là thương hiệu cà phê nổi tiếng của Mỹ, ở Hàn Quốc hầu như tất cả các con phố lớn, khu đông dân cư nào của Seoul cũng có một vài quán cà phê Starbucks nhưng biển hiệu của nó

       – dòng chữ “스타버스” hoàn toàn được viết dưới dạng chữ Hangul, như thách thức sự tò mò của những người nước ngoài khi thấy lô–gô của hãng được gắn với hàng chữ Hangul. Hay nói đến các thương hiệu Channel, Dior, Nike... của nước ngoài dù có nổi tiếng đến đâu, và thế giới giữ nguyên tên cho nó thì người Hàn Quốc có cách làm riêng, tất cả phải chuyển sang chữ Hangul để người Hàn Quốc dễ đọc.

       Công nghệ thông tin là thế mạnh không thể không nhắc đến của Hàn Quốc. Các thương hiệu điện thoại, máy tính sản xuất ở nước ngoài song trước khi  nhập  khẩu,  phiên  bản  chữ  Hangul luôn được đặt hàng riêng để phù hợp với người tiêu dùng Hàn Quốc. Đối với sản phẩm của Hàn Quốc, phần mềm nhập chữ Hangul và bàn phím chữ Hangul là điều Hàn Quốc tự hào với thế giới. Với bảng chữ cái gồm khá nhiều nguyên âm và phụ âm, nhưng căn cứ vào nguyên lý “thêm vào” (gia hoạch) khi sáng tạo chữ Hangul ban đầu của vua Sejong mà ngày nay các bàn phím tiếng Hàn, đặc biệt đối với bàn phím điện thoại di động vốn rất nhỏ, được thiết kế chỉ gồm một số phụ âm cơ bản và các nét chấm, ngang, dọc (Thiên, Địa, Nhân) đã đủ để thể hiện toàn bộ hệ thống chữ cái của tiếng Hàn.

       Trong tiếng Hàn có nhóm từ thuần Hàn, Hán Hàn và ngoại lai. 70% nghĩa Hán vẫn tồn tại trong tiếng Hàn và hầu hết các nhà nghiên cứu, học giả ít nhiều đều biết chữ Hán. Hàn Quốc quy định chữ Hán là môn bắt buộc ở các cấp học, tất cả điều này đã chứng minh chữ Hán vẫn đóng vai trò quan trọng, tồn tại cùng với chữ Hangul. Tuy nhiên ngày nay, giới trẻ Hàn Quốc đã không còn quá tập trung vào việc học chữ Hán, tư tưởng phải biết chữ Hán mới là người có học vấn uyên thâm đã dần thay đổi. Việc cần phải phổ cập chữ Hán hay có cần thiết phải dạy và học chữ Hán trong trường phổ thông nữa hay không đã trở thành vấn đề tranh luận tốn nhiều giấy mực của các nhà nghiên cứu, song vẫn chưa và sẽ khó có câu trả lời chính xác. Chỉ biết rằng, thực tế giới trẻ Hàn Quốc ngày nay đã “ít” biết chữ Hán và bắt đầu có suy nghĩ chỉ cần viết bằng chữ Hangul là đủ. Lý do chủ yếu vì chữ Hangul đơn giản, dễ đọc, dễ hiểu, thân thuộc hơn và hơn nữa với người Hàn Quốc, việc viết chữ Hangul cũng chính là thể hiện sự tự hào, tinh thần dân tộc và tinh thần yêu nước.

       Cùng với nhiều yếu tố khác, việc phát triển và gìn giữ chữ viết của người Hàn cho thấy Hàn Quốc là quốc gia có tính đoàn kết và tinh thần dân tộc cao. Các quốc gia đều đang trên con đường hướng đến toàn cầu hóa, mỗi người dân trong đó cần phải học các ngôn ngữ, chữ viết của các quốc gia khác để hội nhập. Người Hàn không tách khỏi xu thế này, họ vẫn đang ngày đêm học tiếng Anh, tiếng Trung Quốc... thậm chí đầu tư học nhiều hơn các quốc gia khác. Nhưng bất cứ ở đâu và khi có điều kiện, họ vẫn ưu tiên sử dụng tiếng mẹ đẻ và chữ Hangul, như là cách để quảng bá rộng hơn hình ảnh quốc gia và ngôn ngữ của dân tộc mình.

Gợi ý đề tài tiểu luận:

1. Có cần thêm cách ghi bằng chữ Hán trong các văn bản tiếng Hàn không?

  1. Chữ quốc ngữ của Việt Nam có đủ để ghi các từ Hán Việt phức tạp không?
  2. Người Hàn viết các từ vay mượn phương Tây hoàn toàn bằng chữ

Hangul, bạn nghĩ gì về điều này?

  1. Bạn nghĩ thế nào về tầm quan trọng của việc ban hành chính sách ngôn ngữ quốc gia hoặc quy chuẩn về ngôn ngữ quốc gia?

Tài liệu tham khảo

Tiếng Hàn

김총수, “한글의역사와미래” (Lịch sử và tương lai chữ Hangeul), 화열당, 1990. 김성범, “이야기한글한국” (Câu chuyện về Hangeul và Hàn Quốc), 가시아히, 2005. 이익섭, 이상억, 채완, “한국의언어” (Ngôn ngữ của Hàn Quốc), 신구문화사, 1997.

Ki–Moon Lee, S. Robert Ramsey, A history of the Korean language (Lịch sử ngôn ngữ Hàn Quốc), Cambridge University, 2011.

Tiếng Việt

1. Hwang Gwi–yeon, Trịnh Cẩm Lan, Tra cứu văn hóa Hàn Quốc, Nxb Đại học Quốc gia, 2002.

2. Viện Ngôn ngữ Quốc gia, Đào Thị Mỹ Khanh dịch, Tìm hiểu nội dung cuốn Huấn dân chính âm, 2008.


[1] “Bán đảo Triều Tiên” trong bài này là từ được dùng chung cho toàn bộ bán đảo gồm hai quốc gia Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên và Đại Hàn Dân Quốc (Hàn Quốc).

[2] Nhà nước Koguryo (37trCN–668); Nhà nước Peakche (18trCN–660); Nhà nước Shilla (57trCN–935).

[3] Nhà nước Koryo (918–1392).

[4] Vua Sejong tên thật là Lý Đô, tự là Nguyên Chính, hiệu Thế Tông Trang Hiến Anh Văn Duệ Vũ Minh Hiếu Đại Vương.

[5] Ngày 11 tháng 12 năm 1443 (âm lịch) là thời điểm chuyển sang năm 1444 của năm dương lịch, vì vậy sau này ghi Hangul được sáng tạo năm 1443 hay 1444 đều đúng.

[6] Ngoài bản Lệ giải, cuốn Huấn dân chính âm còn có bản Ngạn giải với tên gọi là “Thế Tông (Sejong) ngự chế huấn dân chính âm” là bản dịch khác có sử dụng nhiều chữ Huấn dân chính âm, đồng thời đây được coi là bản dịch có nội dung giống với bản Lệ Giải nhất.

[7] Sách Huấn dân chính âm vốn có nhiều phiên bản, trong đó hai bản tiêu biểu nhất là Giải lệ bản được viết bằng chữ Hán và Giải Ngạn Bản được viết bằng chữ Huấn dân chính âm (loại văn tự mới). Trong và sau quá trình viết Huấn dân chính âm, một phần nội dung của bản gốc được dịch ra chữ Huấn dân chính âm, các bản dịch này được viết lại trong một số tác phẩm của vua Sejong và gọi là Giải Ngạn Bản.

[8] Chữ viết phản ánh đúng đặc trưng của âm thanh, được cấu tạo có phụ âm và nguyên âm và các yếu tố ngữ âm ghép lại. Chữ quốc ngữ của Việt Nam là loại chữ biểu âm.

[9] Tiếng Anh hay tiếng Pháp là ngôn ngữ mà trong mỗi âm tiết không phân biệt âm đầu, âm giữa, âm cuối đồng thời không quy định vị trí phân bố rõ ràng của nguyên âm và phụ âm, trong khi tiếng Việt và tiếng Hàn có sự phân biệt rõ âm đầu, âm giữa và âm cuối. Tiếng Việt còn phân biệt âm giữa thành âm đệm và vần.

[10] Nguyên tắc này cũng được áp dụng để tạo ra nguyên âm đôi của tiếng Hàn.

[11] Các chấm tròn về sau được chuyển thành nét ngắn xổ dọc hoặc xổ ngang nằm trên, dưới, phải, trái các nét dài ngang và đứng.

[12] Trong nguyên lý sáng tạo, Sejong không chỉ ra âm giữa được tạo ra theo thứ tự nào, tuy nhiên các học giả ngôn ngữ đều cho rằng nguyên âm hàng giữa cũng được tạo ra theo nguyên tắc này, tức là ban đầu chỉ có ba ký tự cơ bản là “ᆞᅳㅣ” về sau thêm (gia hoạch) các nét chấm để tạo ra các ký tự nguyên âm khác.

[13] Các quy tắc ngữ pháp tiếng Hàn cụ thể là đuôi câu biến đổi theo các cách khác nhau tùy vào gốc động từ và tính từ có nguyên âm sáng, tối hoặc nói cách khác là nguyên âm hàng dương và nguyên âm hàng âm.

[14] Tên một loại rồng nhỏ.

[15] Một loại cây lương thực.

[16] Ngạn văn (Eonmun) nghĩa là chữ viết tầm thường, ngoài tên gọi này, chữ Hangeul còn được gọi là Amkeot hay Amkul nhằm ám chỉ chữ viết chỉ dành cho phụ nữ.

[17] Tác phẩm của nhà văn Heo Gyun, được coi là tiểu thuyết viết bằng chữ Hangeul đầu tiên của Hàn Quốc.

[18] Nhật Bản gọi là chiến tranh Nhật–Thanh.

[19] Là thành viên chủ chốt trong nhóm Độc lập gồm những người dân thường và giới trí thức đấu tranh giành quyền độc lập. Giới trí thức thuộc nhóm này thường là những người đã từng học tại Mỹ hoặc châu Âu nên mang tư tưởng tiến bộ, luôn muốn dùng tri thức, ngòi bút của mình để đấu tranh.

[20] Tồn tại trong thời gian từ năm 1907 đến 1910.

[21] Tháng 10 năm 1931 đổi tên thành Joseoneo (Hội tiếng Triều Tiên).

[22] Từ thuần Hàn (Triều Tiên), từ ngoại lai (Anh, Đức, Nhật...) và từ gốc Hán.

[23] Không sắp xếp theo bảng chữ cái quy chuẩn của Hàn Quốc.

[24] Không sắp xếp theo thứ tự bảng chữ cái.

[25] Toàn bộ 27 chữ cái có thể đứng làm âm cuối nhưng khi phát âm chỉ thể hiện ở 7 âm là /ㄴㄷㄹ ㅁㅂㅇ/

[26] Hàn lưu – làn sóng Hàn Quốc.

0