Trương Tửu là ai?
Trương Tửu – Nguyễn Bách Khoa (1913-1999) Đỗ Ngọc Thạch Trương Tửu là ai? Trong hầu hết các bài viết về Nhân văn-Giai phẩm trước đây, Trương Tửu (1) đều được nói tới với vị trí nhân vật chủ chốt của phong trào này. Song, người ta vẫn phải hỏi “Trương Tửu là ai?” ...
Trương Tửu – Nguyễn Bách Khoa (1913-1999)
Đỗ Ngọc Thạch
Trương Tửu là ai? Trong hầu hết các bài viết về Nhân văn-Giai phẩm trước đây, Trương Tửu (1) đều được nói tới với vị trí nhân vật chủ chốt của phong trào này. Song, người ta vẫn phải hỏi “Trương Tửu là ai?” bởi những gì viết về Trương Tửu đều rất sơ sài. Và thế là người ta lại phải hỏi “Trương Tửu là ai?”.
Câu hỏi này lẽ ra phải được trả lời rõ ràng ngay sau vụ án Nhân văn-Giai phẩm (1958) được thực thi. Vậy mà nó vẫn bị treo cho đến 50 năm sau vẫn có nhiều người hỏi: Trương Tửu là ai? Trong Lời dẫn cho cuộc Hội thảo về TRƯƠNG TỬU tại khoa Ngữ văn ĐHSP Hà Nội, 28/11/2008 của PGS.TS. Nguyễn Thị Bình, Khoa Ngữ văn, ĐHSP Hà Nội có đoạn: “Ông thuộc số tên tuổi mà thế hệ chúng tôi (cùng một số thế hệ trước và sau chúng tôi nữa) được nghe nói đến nhiều nhất nhưng lại ít rõ ràng nhất. Trong suốt một thời kỳ dài, chúng tôi không sao hiểu nổi ông là ai giữa những lời kết án nặng trịch trên giấy trắng mực đen và vô số câu chuyện đồn thổi vừa đầy niềm thán phục vừa không thiếu ngậm ngùi cay đắng”. Vì thế, Lời dẫn của cuộc Hội thảo yêu cầu các nhà nghiên cứu, những người quan tâm cần làm rõ trường hợp Trương Tửu – một trường hợp khá đặc biệt của một con người vừa là một nhân vật lịch sử quan trọng vừa là một tác gia văn học lớn với những “công” thì sáng chói và “tội” đều vào loại “tày đình”: ông là một trong những nhà phê bình văn học đầu tiên ở Việt Nam theo quan điểm Mác-xit, Ông đề cao phương pháp khoa học trong phê bình văn học, có công lý thuyết hóa việc nghiên cứu văn học sử ở nước ta, Ông nhiệt thành khẳng định mối quan hệ giữa văn nghệ với cách mạng: “Từ xưa đến nay, tinh túy của văn nghệ bao giờ chẳng là tinh túy cách mạng?”,v.v…nhưng vì sao cuốn Tương lai văn nghệ Việt Nam lại bị một người Mác-xit rất có uy tín phê phán, bị kết tội là một kẻ “xét lại”, một kẻ Trôtkit? – “reo rắc chất men bất phục tùng và phản kháng chính thể dân chủ nhân dân”, bị phê phán là “lợi dụng văn học để chống lại cách mạng, chế độ”, tuyên truyền cho thế giới quan duy tâm và phủ nhận thế giới quan tiến bộ”? Nói tóm lại, Trương Tửu là một kẻ phản động cỡ đầu sỏ, là kẻ nhân cách đáng ngờ hay là con người “tràn đầy khí phách chân nho phương Đông của một sĩ phu Bắc Hà”?
Rõ ràng là trong một cuộc Hội thảo khoa học, dù có được chuẩn bị kỹ lưỡng và những người tham gia đều là những chuyên gia uy tín thì vẫn không thể giải quyết hết những vấn đề nêu ra. Tuy nhiên, một số vấn đề cơ bản đã được trình bày một cách khoa học và công phu và do đó, tuy nó chưa giải quyết triệt để những vấn đề nêu ra thì nó cũng có ý nghĩa như một cách định hướng, khoanh vùng và xác định đề tài nghiên cứu để những người đi sau có thể nhanh chóng tiếp cận và xử lý đề tài. Bài viết của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân có ý nghĩa như vậy bởi cách đặt vấn đề rất khái quát mà cũng rất cụ thể: “Trường hợp Trương Tửu (1913-1999), rõ ràng ông là một tác gia; các sản phẩm ngôn từ của ông khá nhiều và đa dạng, cho thấy ông là nhà nghiên cứu và nhà phê bình văn học, là tác giả của một số tác phẩm thể truyện; ta còn có thể chứng minh Trương Tửu là một lý thuyết gia về văn hóa học, xã hội học …; mặt khác, ông là người lập ra và chủ trì những cơ quan văn hóa như thư xã Đại Đồng, NXB Hàn Thuyên, tạp chí Văn mới, vào những năm 1939-1940; những năm 1955-1957 ông là một trong số những tác giả chính làm nên hiện tượng Nhân văn – Giai phẩm, một sự kiện đã in một dấu vết không thể tẩy xóa trong lịch sử tư tưởng văn hóa Việt Nam những năm 1950-1970; ở phương diện thứ hai này, Trương Tửu là một nhân vật hoạt động văn hóa, cần được sử học nghiên cứu như một nhân vật lịch sử” (Cần tiếp cận nghiên cứu một cách bài bản đối với TRƯƠNG TỬU như một tác gia và như một nhân vật văn hóa-lịch sử: Lại Nguyên Ân – Tham luận tại Hội thảo về TRƯƠNG TỬU do khoa Ngữ văn trường ĐH sư phạm Hà Nội tổ chức, 28/11/2008).
Về tác gia Trương Tửu, từ cuối những năm 1980, một số tác phẩm của ông đã được đưa vào một số sách sưu tập hoặc hợp tuyển về văn học Việt Nam thế kỷ XX (ví dụ các bộ sách Tổng tập văn học Việt Nam, Tuyển tập phê bình văn học Việt Nam 1900-1945, v.v…); hai soạn giả Trịnh Bá Đĩnh và Nguyễn Hữu Sơn đã biên soạn hai sưu tập tác phẩm Trương Tửu: 1/ Nguyễn Bách Khoa: Khoa học văn chương (Trịnh Bá Đĩnh tuyển chọn và giới thiệu. NXB Văn hóa Thông tin, H.2003. – 538tr; 14×21 cm), 2/ Trương Tửu: Tuyển tập nghiên cứu phê bình (Nguyễn Hữu Sơn, Trịnh Bá Đĩnh sưu tầm và biên soạn, NXBLao động, H.2007. – 1088 tr. ; 16×24 cm) (1*).
Tác phẩm đầu tay gắn bó với cả cuộc đời của Trương Tửu là “Triết lý Truyện Kiều” (đăng Đông Tây tuần báo năm 1931). Sau đó ông viết ba chuyên khảo rất bề thế về kiệt tác hàng đầu trong nền văn học Việt Nam của đại thi hào Nguyễn Du: “Nguyễn Du và Truyện Kiều” (1941), “Văn chương Truyện Kiều” (1944), “Truyện Kiều và thời đại Nguyễn Du” (1956). Bài viết của nhà phê bình văn học Đỗ Lai Thúy về những tìm tòi, khám phá mới của Trương Tửu ở nhóm bài viết này đã giúp người đọc thấy được đóng góp mới mẻ và độc đáo này của Trương Tửu:
“Có thể nói, trước Trương Tửu, các nhà phê bình mới chỉ đọc Nguyễn Du theo cách đọc tiểu sử học. Nghĩa là, họ tìm thấy ở Truyện Kiều cái điều mà họ muốn thấy là tâm sự của tác giả. Với khái niệm – chìa khóa cá tính Nguyễn Du – một mặt, nhà phê bình Trương Tửu đã lý giải được những động lực sáng tác, một thứ tâm lý học sáng tạo ở nhà thơ, mặt khác, phát hiện soi sáng một cách khoa học, khách quan những đặc sắc nghệ thuật ở “Truyện Kiều”.
Trong bài viết này, Đỗ Lai Thúy đã diễn giải khá rõ những luận điểm độc đáo của Trương Tửu khi nói về “Cá tính Nguyễn Du” và cái cơ sở để Nguyễn Du viết nên kiệt tác Truyện Kiều. Cá tính Nguyễn Du Đó là bệnh đa sầu đa cảm. Thứ bệnh, có thể không phải do những tổn thương thực thể, mà do căn tạng, do chất người, do cá tính. Trương Tửu viết: “Đó là, “một thể cách của trạng thái mất thăng bằng về tinh thần, nhận thức ở sự thái quá hỗn loạn của cảm xúc, ở sự bất lực không điều hòa được tính cách hăng hổ, mãnh liệt, bền lâu của những sức phản động của thần kinh hệ đối với những rung động ở ngoại giới ùa vào. Kết quả thông thường là thiếu các khiếu thích ứng vào những trường hợp đột ngột, những cảnh ngộ bất ngờ, những hoàn cảnh mới lạ” . Căn tạng này làm Nguyễn Du lúc nào cũng lo sợ hãi hùng, rồi trí tưởng tượng bị kích thích thái quá thành ra náo loạn, tạo ra những cảnh tưởng ghê gớm hợp với sự lo sợ kia, nhưng lại được thi sĩ coi là thực. Bởi vậy, thơ văn Nguyễn Du đầy những trầm muộn, khóc lóc và “mỗi” lời là một vận vào…Đọc truyện Tiểu Thanh, ông cảm thương khóc người mệnh bạc rồi cảm khái khóc thương cuộc đời mình, rồi ngậm ngùi tự hỏi “Bất tri tam bách dư niên hậu, Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”. Qua Tương Đàm, nhớ Khuất Nguyên, ông cũng ngậm ngùi thương cho người “tỉnh một mình”: “Thiên cổ tùy nhân lân độc tỉnh, Tứ phương hà xứ thác cô trung”. Rồi Văn chiêu hồn. Rồi Truyện Kiều… Đâu đâu cũng thấy tiếng khóc Nguyễn Du. Ông đã sống thành thực trong văn thơ và bằng văn thơ. Người ta thích đọc Nguyễn Du, một phần, cũng vì sự thành thực ấy. Và Nguyễn Du trở thành đại thi hào, một phần, cũng vì sự thành thực ấy…Nhưng, cảm xúc thành thực và mãnh liệt ở Nguyễn Du lại bắt nguồn từ ảo giác. Trương Tửu đã chứng minh sự giàu có của tưởng tượng Nguyễn Du trong thơ chữ Hán… thể hiện đậm đặc ở Truyện Kiều. “Ta có thể nói rằng vai chính trong truyện không phải là Thúy Kiều, không phải là Kim Trọng, không phải là Thúc Sinh, Từ Hải… Không, vai chính không phải là những người còn đang sống ấy. Vai chính chỉ là một oan hồn vất vưởng dưới âm ty của một con ma hiện lên trong các giấc mơ, bên giường bệnh… Vai chính của truyện là Đạm Tiên”*. Kiều đã tin có Đạm Tiên. Suốt đời này, lúc nào nàng cũng tin có Đạm Tiên, nghe theo Đạm Tiên như là nghe theo một người có thực. Đó là hiện tượng ảo giác hoàn toàn. Tạo ra cái hiện tượng ảo giác đó, theo Trương Tửu, tức là tin nó có thực. Sự tin này rất hợp với thần kinh hệ, với căn tạng cảm xúc quá độ, với khiếu ảo giác của Nguyễn Du. Tóm lại, “ngần ấy yếu tố sinh lý và tâm lý đã tạo thành cá tính Nguyễn Du. Trong đời sống thì cá tính ấy là một tính lãng mạn, trầm muộn, thích cô liêu, thèm an nhàn, mộng mị, ghét những hoàn cảnh mới lạ. Trong văn chương thì nó là sự rung động thành thực và mãnh liệt, sự tưởng tượng dồi dào, sự cảm xúc ủy mị và bi thương, sự cảm thông với đồng loại đau khổ và thần linh”. Và, Truyện Kiều đã kết tinh được cá tính ấy một cách mỹ mãn” (Nguyễn Du và ‘Truyện Kiều’ dưới cái nhìn của Trương Tửu: Đỗ Lai Thúy – Hồ sơ Trương Tửu).
Hai nhà nghiên cứu văn học Trịnh Bá Đĩnh – Nguyễn Hữu Sơn cũng có những nhận định thỏa đáng về Trương Tửu ở vấn đề “phê bình khoahọc” này: “Nói một cách công bằng, phê bình tính cách với lý thuyết chủng tộc – địa lý và tâm phân học của Trương Tửu trong Nguyễn Du và Truyện Kiều có nhiều điểm khả thủ, đáng tiếc là chúng bị che khuất bởi nhiều những kết luận vội vã, lối nói áp đặt, sự vận dụng lý thuyết khoa học một cách máy móc không tính đến đặc thù của nghệ thuật ngôn từ. Cuốn sách như ta biết, đã bị phê phán rất nhiều (trong đó có những phê phán đúng đắn), nhất là vào những năm 60 và 70 của thế kỷ XX, song trớ trêu thay những công trình phê bình nghiên cứu Truyện Kiều vào những năm này lại có vẻ “kế thừa” nó nhiều hơn cả, từ cách nhìn đến các luận điểm. Nếu ai làm một sự so sánh sẽ thấy được ngay. Tại sao lại như vậy? Lý do cũng không khó giải thích: Vào những năm này người ta cũng chẳng có nhiều hơn bao nhiêu những quan niệm văn học mà Trương Tửu đã đề cao trong Nguyễn Du và Truyện Kiều như: văn học cần có ích, con người là sản phẩm của hoàn cảnh, văn học phản ánh xã hội thời đại. Tuy nhiên đến thời gian này đặc thù của sự phản ánh nghệ thuật của các thể loại đã được chú ý nhiều hơn”. Và “Cuốn Văn chương Truyện Kiều (1944) hình như được viết là để tranh luận với bài phê bình của Hoài Thanh và Đinh Gia Trinh. Trong tác phẩm này, Trương Tửu trực diện với những vấn đề “tế nhị” và “tinh vi” nhất của nghệ thuật, những cái mà theo Hoài Thanh không thể đem các khí cụ ra để “mổ xẻ”, phân tách được, nói chung là không thể lấy khoa học ra để giải thích. Đó là vấn đề “chất thơ” và “cái đẹp”. Có nhiều trang viết hay, mới lạ, những tri thức cập nhật trong cuốn sách này. Đọc chẳng hạn những dòng dưới đây thú thật tôi rất ngạc nhiên về thời điểm ra đời của nó trong lịch sử phê bình văn học của ta: “Nhưng tiếng nói vừa là một âm thanh, mà lại vừa là một ký hiệu” (signe), một tượng trưng (symbol), để các người trong xã hội dùng đến khi muốn hiểu nhau. Nó chứa đựng một ý nghĩa mà xã hội đã định cho nó”, “Một tác phẩm được một xã hội cho là đẹp… (vì) tác phẩm ấy biểu thị được cái hình thức tình cảm và tư tưởng cần thiết cho sự tồn tại của luân lý đang có”… Không nghi ngờ gì rằng các “mảnh vỡ” của lý thuyết cấu trúc, ký hiệu học và tiếp nhận nghệ thuật đã “bay lạc” đến lãnh thổ của chúng ta và để lại dấu vết từ khi đó” (Phê bình văn học – TRƯỜNG HỢP TRƯƠNG TỬU: Trịnh Bá Đĩnh – Nguyễn Hữu Sơn: Hồ sơ Trương Tửu).
Quả là, Trương Tửu đã bị những cây bút có tiếng cùng thời như Hoài Thanh, Ngô Tất Tố, Đinh Gia Trinh, Lê Huy Vân v.v… phản đối dữ dội. Nhưng ta nên thấy rằng, Trương Tửu không phải cố tình nói ngược với cách nói của thiên hạ. Ông biết rất rõ mình đang nói gì. Những luận điểm về Nguyễn Du và Truyện Kiều – như đã nói trên – là kết quả tất yếu của cái cách mà ông áp dụng phương pháp phê bình văn học được chính ông gọi là “phê bình khoa học” khi phê bình Truyện Kiều. Nói ngắn gọn, “phê bình khoa học” của Trương Tửu đòi hỏi thái độ khách quan trong khi phân tích, đánh giá các sự kiện, hiện tượng. Thứ nữa, nó yêu cầu khả năng vận dụng lí thuyết và kết quả nghiên cứu của các bộ môn khoa học liên nghành như xã hội học, tâm lí học, di truyền học v.v… vào phê bình văn chương…Chỉ có điều, ông áp dụng chúng khá máy móc và cực đoan, vì thế ông mới có những kết luận “gây sốc” như đã nói trên. Dù sao, sự máy móc và cực đoan của Trương Tửu cần phải được nhìn nhận như những lúng túng nhất thời khi lần đầu tiên thực hiện một phương pháp phê bình văn học mới, khác hẳn lối thẩm bình văn chương nghiêng về chủ quan, trực giác đã có từ trước đó. Nếu như lúc đó, có ai có thể khẳng định, “phê bình khoa học” của Trương Tửu là một bước tiến về tư duy của bộ môn phê bình văn học Việt Nam ở thời điểm đó, thì hẳn là sẽ có một cục diện khác đối với nhà phê bình Trương Tửu!
Tuy là hơi muộn, nhưng có thể thấy rằng các nhà nghiên cứu, phê bình văn học hôm nay đều khá thống nhất với nhận định rằng, với Trương Tửu, phê bình văn học không chỉ là một nghệ thuật, mà nó đã trở thành một khoa học: văn chương không còn là một cái gì đó thần bí không thể hiểu được, nhà phê bình hoàn toàn có thể và cần phải “làm việc” được với tác phẩm văn chương – giống như nhà sinh vật học làm việc được với những mẫu cỏ cây của mình. Và ông chính là một trong những nhân vật lĩnh ấn tiên phong trên con đường đưa phê bình văn học Việt Nam trở thành một khoa học văn chương. Phê bình khoa học, đấy là một phương pháp mà theo Trương Tửu thì cần “gác bỏ hết những tình cảm riêng, những thành kiến và dư luận đã định giá thi nhân kia và tác phẩm kia” để “làm hết nghĩa vụ của một nhà phê bình vẫn tôn thờ khoa học”. Chữ “Khoa học” được Trương Tửu dùng với hai nghĩa: Thứ nhất, sự “khách quan” trong phân tích đánh giá sự kiện, hiện tượng; thứ hai, khả năng vận dụng các lý thuyết của những bộ môn khoa học như tâm lí học, di truyền học, xã hội học… vào phê bình văn chương. Chủ trương phê bình này rõ ràng là đối lập lại với truyền thống bình văn và cảm thụ văn học hồn nhiên đã được xác lập vững chắc cho đến lúc đó và ngày nay vẫn chiếm ưu thế trong văn hóa phê bình của chúng ta. Đấy là một trong những lí do chủ yếu khiến tác giả của nó bị chỉ trích từ nhiều phía và chịu rất nhiều điều tiếng.
Say sưa, hăng hái, quyết liệt, thẳng thắn – đó là văn phong Trương Tửu. Từ năm 1937, Trương Tửu đã ra Tuyên bố “một quan niệm về văn chương”, Trương Tửu viết:
“Không có gì giúp người cầm bút đủ tự hào để phấn đấu, đủ can đảm để thắng, đủ an ủi để ngã, bằng nhận thấy rằng trong các công trình phá hoại và kiến thiết vinh quang nhất của xã hội loài người, bao giờ nhà văn cũng đứng mạnh dạn vào hàng ngũ tiên phong. Bao giờ nhà văn cũng vui vẻ, hăng hái giữ nhiệm vụ tên lính cảm tử phất cao ngọn cờ tranh đấu, dắt xã hội chạy tìm những chân trời mới và đẹp trên con đường gay go của hạnh phúc.
Mỗi khi hai lực lượng thuận và phản tiến bộ xung đột nhau, báo tin những giông tố hãi hùng, nhà văn, nhờ một linh khiếu – một trực giác – đặc biệt, lập tức dẫn đạo tư tưởng của đoàn thể đi vào cuộc tranh đấu và không bao giờ quên ủng hộ mặt trận nào hy sinh để làm toàn thắng lý tưởng và hạnh phúc. Giờ phút ấy nhà văn hòa vận mạng mình vào vận mạng của xã hội tương lai, viết bằng chữ máu vào trang giấy sáng sủa của thế kỷ một lời tiên tri, loài người sắp đi thêm được một bước”.
Sự say sưa, hăng hái, quyết liệt, thẳng thắn đó như một “cơn bão lốc” đã cuốn Trương Tửu vào “phong trào Nhân văn-Giai phẩm” như một định mệnh không thể cưỡng lại. Trương Tửu được xem như là một trong những nhà tư tưởng « đầu sỏ » cùng với Trần Đức Thảo (2), đã cầm đầu phong trào đấu tranh ở đại học, đã khuyến khích và nâng đỡ tinh thần cho sinh viên. Qua những lời buộc tội Trương Tửu của Tố Hữu, Hoài Thanh, Hồng Cương, Như Phong, Bùi Huy Phồn v.v.. chúng ta có thể biết được đường hướng hoạt động của Trương Tửu trong thời kỳ Nhân Văn Giai Phẩm. Tố Hữu viết: “Chúng – tức là Trương Tửu và Trần Đức Thảo – muốn biến đại học thành một “pháo đài” phản cách mạng như bọn chúng thú nhận, và thật sự từ vị trí ấy, chúng đã tung ra trong giới văn nghệ sĩ trí thức những sách báo phản động nhất, những tác phẩm của Trốt- Ky phương Tây, cùng những tài liệu của bọn phản cách mạng, bọn xét lại quốc tế”. “Trong những tập giai phẩm mùa thu, mùa đông, Trương Tửu đưa ra luận điệu “văn nghệ sĩ chân chính xưa nay đều chống lại chính trị của giai cấp cầm quyền” (trích Bọn Nhân Văn Giai Phẩm Trước Tòa Án Dư Luận, trang 161).
Hoài Thanh viết:
“Trương Tửu nhắc đi nhắc lại lời Gide khuyên các nhà văn nhà nghệ sĩ hãy gieo rắc vào tâm trí mọi người chất men bất phục tùng và phản kháng (…) Trương Tửu chủ trương thành lập một đoàn Tân văn nghệ, không chịu sự lãnh đạo của một đảng nào hết, mà chỉ có thể hợp tác với đảng chính trị một cách hãn hữu” (sđd, trang 65).
Qua lời lẽ buộc tội trên đây của Tố Hữu và Hoài Thanh, ta biết được tầm quan trọng của Trương Tửu lúc đó: Trương Tửu vừa trông nom bài vở cho các tờ Giai Phẩm mùa thu và Giai phẩm mùa đông, vừa viết những bài chính yếu. Ông đã phê phán trực tiếp tư cách của những văn nghệ sĩ lãnh đạo từ Lưu Trọng Lư đến Tố Hữu. Theo ông, đó là những kẻ có tâm lý “bảo hoàng hơn vua”.
Trong bài “Bệnh sùng bái cá nhân trong giới lãnh đạo văn nghệ” đăng trên Giai Phẩm mùa thu tập II, ra ngày 30/9/1956, Trương Tửu viết:
“Phần lớn, nếu không muốn nói là tất cả, những người của Đảng phụ trách lãnh đạo văn nghệ, trong kháng chiến cũng như sau khi hòa bình lập lại, đều có thứ tâm lý nói trên. Ở cửa miệng họ, bao giờ ta cũng bắt gặp cái điệp khúc bất di bất dịch này : Đảng không bao giờ sai lầm. Rồi từ chỗ nói : Đảng không bao giờ sai lầm, họ tiến đến chỗ nói : các cá nhân lãnh đạo Đảng không bao giờ sai lầm”. Họ sùng bái một người (cấp trên) để vạn người (cấp dưới) sợ cá nhân họ. Nhờ phương châm ấy, họ bám vào gót giầy cấp ủy ban này, cấp ủy ban kia, leo dần lên thang danh lợi, oai quyền hống hách, đàn áp cấp dưới, khinh miệt quần chúng, báo cáo lên trên thì xuyên tạc sự thực có dụng ý, lãnh đạo anh em thì mệnh lệnh độc tài. Họ sùng bái cá nhân là để trục lợi. Họ chỉ có thể tiến thân bằng đường lối ấy.
Cho nên, khi vị lãnh tụ văn nghệ Tố Hữu chỉ thị bỏ những tranh tĩnh vật trong một cuộc triển lãm hội họa (1955) thì họ bỏ hết những tranh tĩnh vật ; khi ông Tố Hữu tấm tắc khen bức tượng “Hướng điền” của Song Văn thì họ xô nhau vào tấm tắc khen theo ; khi ông Tố Hữu chê hai bức sơn mài “Trăng lên” và “Niềm vui” của Nguyễn Sáng trong kỳ triển lãm năm ngoái thì họ ùa vào chê theo mặc dầu họ đã khen Nguyễn Sáng lúc ông Tố Hữu chưa có ý kiến .”Thêm vào tư cách lãnh đạo ấy sự hiểu biết nông cạn và lệch lạc về văn nghệ, sự áp dụng máy móc phương châm phục vụ kịp thời, sự bắt buộc lồng một cách công thức chủ trương chính sách vào tác phẩm nghệ thuật, sự độc quyền và bè phái trong việc xuất bản báo, sự áp chế có tính cách hành chính hoặc quân sự đối với những văn nghệ sĩ dám nói thực, nói thẳng, nói hết… là ta có tất cả cái tình trạng văn nghệ ngột ngạt năm sáu năm nay. Bao nhiêu năng lực sáng tạo văn nghệ vì thế mà quằn quại không phát triển mạnh được”.(Hồ sơ Trương Tửu).
Vẫn lời của Hoài Thanh trong bài « Thực chất của Trương Tửu », viết: “Trong ba tập Giai Phẩm liên tiếp, nó đả kích thậm tệ vào toàn bộ cán bộ Đảng phụ trách công tác văn nghệ, phủ nhận tính chất mác xít, tính chất vô sản của đảng. Vẫn một lối huênh hoang và bịp bợm cũ, nó làm như chỉ có nó mới là triệt để cách mạng. Một mặt nó bóp méo, bịa đặt sự việc để vu khống… một mặt khác nó xuyên tạc lời nói của các lãnh tụ” (sđd, trang 66).
Trên Giai phẩm mùa thu tập III, ra ngày 30/10/1956, trong bài “Văn nghệ và chính trị”, ngòi bút của Trương Tửu hướng về điều kiện sáng tạo:
“Muốn sáng tạo ra một thế giới độc đáo, văn nghệ sĩ phải có một cái nhìn độc đáo, một nhận thức độc đáo về thực tại, một trí tưởng tượng độc đáo, một lối nói độc đáo. Phải duy trì, bảo vệ, phát triển tính độc đáo ấy không để sức mạnh bên ngoài nào xâm phạm đến hay làm cho mất đi. Phải tự do nhìn sự thực, tự do xúc cảm, tự do suy nghĩ, tự do tưởng tượng, tự do vận dụng ngôn ngữ nghệ thuật – để có thể phán ánh hiện thực một cách trung thành. Tự do đây có nghĩa là: chống lại mọi áp bức tư tưởng, mọi mệnh lệnh, mọi công thức, mọi quyền uy bắt mình nói điều mình không muốn nói, nghĩ điều mình không muốn nghĩ, nhận là đúng điều mình cho là sai, yêu những cái mà mình ghét, ca tụng những cái mà mình phản đối. Không có tự do ấy, sự sáng tác của văn nghệ sĩ sẽ giả tạo. Giả tạo là kẻ thù của nghệ thuật. Giả tạo là tiêu diệt nghệ thuật. Một tác phẩm văn nghệ không tiết ra từ những cảm nghĩ thành thực và sâu sắc của chính tâm hồn tác giả sẽ là một phản ảnh nhạt nhẽo của thực tại. Nó khô khẳng vì thiếu chất sống. Nó bất thành nghệ thuật, và do đó, chẳng xúc động được ai cả”… “Văn nghệ tự thân nó tất yếu phải mang chính trị tính và phải có tác dụng chính trị”, “bản thân văn nghệ mang chính trị như bản thân không khí mang oxygène”, ” Họ- (tức là văn nghệ sĩ- làm nghệ thuật để phục vụ một lý tưởng mà chủ quan họ cho là cao cả, tốt đẹp. Lý tưởng này, tùy hoàn cảnh lịch sử cụ thể, hợp với nguyện vọng của giai cấp cách mạng này hay giai cấp cách mạng khác, có chính trị “.
Trương Tửu cho rằng: quy luật của văn nghệ là “phát hiện sự thật toàn diện”. Do quy luật của “tự thân văn nghệ” như thế, người nghệ sĩ theo đúng “lý tưởng nghệ thuật cao cả” của mình, theo cái “tự do nội tâm” của mình, cho nên khi nhìn vào sự thật họ thấy đúng sự thật, và nếu người văn nghệ sĩ nói “sự thật toàn diện” ấy lên, đúng như sự nhìn thấy của mình, thì điều đó tức khắc có lợi cho chính trị tiến bộ, cho giai cấp cách mạng. Bởi vậy, Trương Tửu viết tiếp: “Văn nghệ có tác dụng soi sáng cho đường hướng cho chính trị quần chúng”, người văn nghệ “chiếu tỏa ra ngoài đời cái ánh sáng của chính bản thân mình”. Đứng trên quan điểm văn nghệ đó, Trương Tửu đòi hỏi:”Một đảng cộng sản chân chính phải tạo đầy đủ điều kiện cho văn nghệ sĩ làm tròn nhiệm vụ phát hiện sự thật sâu sắc của cuộc sống. Lãnh đạo tốt là tuyệt đối không ngăn cản văn nghệ sĩ phát hiện sự thật một cách hoàn toàn tự do ».
Sau khi đặt điều kiện như thế, ông tuyên bố: « Nếu lãnh đạo không tạo điều kiện ấy cho văn nghệ, thì “nó cũng tự tạo cho nó điều kiện ấy” và ông dứt khoát đòi: “Trả công việc lãnh đạo văn nghệ cho văn nghệ sĩ”. Cuối cùng, Trương Tửu kết luận :”Vận mạng của văn nghệ sĩ dài hơn vận mạng của đảng, dài hơn vận mạng của chế độ” ” văn nghệ sĩ là những chứng nhân về mọi hành động của Đảng trước tòa án lịch sử nghìn đời”.(Hồ sơ Trương Tửu).
Về việc tác gia Trương Tửu bị phê phán chung trong phong trào Nhân văn – Giai phẩm những năm 1956-58, hiện đã có một số tư liệu được tập hợp, trong đó Trương Tửu được đề cập chung trong một số bài, đề cập riêng trong một số bài khác. Một số bài đang chú ý như:
– Cuốn Tương lai văn nghệ Việt Nam: Sách viết xong vào tháng bảy năm 1945, trước ngày Cách mạng tháng Tám xảy ra. Nhưng lại in ra vào ngày 10 tháng 9 năm 1945, sau ngày Độc lập 2/9 tám ngày. Do đó, trên Tạp chí Tiên phong của Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam, Thanh Bình-bút danh nhà văn Đặng Thai Mai (3) (lúc này cũng chưa là giáo sư đại học) đã có bài “Phê bình tập sách Tương lai văn nghệ Việt Nam của Trương Tửu” đăng ba số liền: số 2 ra ngày 1.12.1945, số 3 ra ngày 16.12.1945 và số 6 ra ngày 16.2.1946. Bài phê bình khá “ráo riết” của Thanh Bình nhưng chưa gây khó khăn gì cho tác giả. Bởi sau đó, nhà văn Trương Tửu vẫn hòa nhập vào cuộc kháng chiến và được cách mạng trọng dụng, cùng với người đã phê bình mình trước đó – nhà văn Đặng Thai Mai – là đồng bí thư Đoàn văn nghệ kháng chiến Liên khu IV, và cùng được phong giáo sư đại học. Nhà văn Trương Tửu còn là giám đốc các lớp văn hóa kháng chiến ở Thanh Hóa, ủy viên ban chấp hành trung ương Hội văn nghệ Việt Nam (1948-56). Hầu như mọi người chẳng ai biết, và có biết cũng chẳng nghĩ gì về chuyện “Tương lai văn nghệ Việt Nam” của giáo sư Trương Tửu từng bị giáo sư Đặng Thai Mai phê bình trước đó nữa.
Nhưng đến năm 1958, trong phong trào chống Nhân văn – Giai phẩm, khi nhà văn-giáo sư Trương Tửu bị qui kết nặng nề thì “Tương lai văn nghệ Việt Nam” cũng bị gán cho cái tội “reo rắc chất men bất phục tùng và phản kháng chính thể dân chủ nhân dân”. (*)
– “Cuối cùng, như ở trên đã nói, đề cao Vũ Trọng Phụng, đề cao tác phẩm “Vỡ đê”, Trương Tửu có dụng ý đề quá cao vai trò của văn nghệ sĩ, hạ thấp vai trò của Đảng. Trương Tửu cố làm cho sinh viên hiểu rằng: “Vũ Trọng Phụng có chịu sự lãnh đạo của Đảng đâu, thế mà cũng là nhà văn hiện thực vĩ đại!” Như vậy, theo Trương Tửu, đúng là văn nghệ sĩ sáng suốt hơn Đảng, đứng trên Đảng, có thể “phát hiện sự thật toàn diện” hơn Đảng! Dụng ý của Trương Tửu trong lúc giảng dạy rất là thâm độc. Có thể nói Trương Tửu đã nhiều lần xuyên tạc giáo trình đề đầu độc tư tưởng của sinh viên. Chỉ qua việc giảng dạy, ta cũng đủ thấy phương pháp nghiên cứu văn học của Trương Tửu là phương pháp duy tâm chủ quan, thích ai thì khen, ghét ai thì chê, hoàn toàn theo ý muốn cá nhân của mình. Về thái độ chính trị thì đó là chủ nghĩa cơ hội, phản động, lợi dụng thời cơ để phất cờ, hôm nay nói thế này, mai nói thế khác một cách rất giáo giở. Với một lập trường chính trị phản động, thù địch với tư tưởng xã hội chủ nghĩa, với những quan điểm văn nghệ tư sản lỗi thời, với một phương pháp giảng dạy hoàn toàn duy tâm chủ quan, cơ hội, chúng ta có thể kết luận rằng: trong mấy năm qua, Trương Tửu đã tỏ ra không xứng đáng một tý nào với cương vị giáo sư một trường Đại học của chế độ ta, một chế độ tốt đẹp đang tiến dần lên xã hội chủ nghĩa”. (Thái độ và phương pháp giảng dạy của TRƯƠNG TỬU : Phan Cự Đệ – Nguồn: (báo) Độc lập, Hà Nội, s. 354 (10.4.1958), tr. 3). Và bài viết phê phán cũng rất nặng của Bùi Huy Phồn (**): Trương Tửu, một tên phản cách mạng đội lốt mác xít // Tạp chí Văn nghệ, số 12, tháng 5/1958 .
– Ngày 4- 6 Hội nghị Ban chấp hành Hội Liên hiệp VHNTVN họp tổng kết cuộc đấu tranh chống NVGP. Tố Hữu đọc báo cáo Qua cuộc đấu tranh chống nhóm phá hoại Nhân Văn- Giai Phẩm trên mặt trận văn nghệ (*). Bản báo cáo này là nhát gươm chính thức kết liễu số phận Nhân Văn Giai Phẩm trên công luận với sự hằn học ghê gớm của một tên đao phủ chứ không phải của một nhà thơ với đồng nghiệp của mình. Ông ta viết: Đường lối thứ hai, là đường lối văn nghệ của những phần tử phản động mà đại biểu là bọn cầm đầu nhóm phá hoại Nhân Văn Giai Phẩm . Đó là đường lối làm đồi trụy văn nghệ sĩ, đường lối đen tối phản cách mạng.
– Ngày 7- 7 Thông báo kỷ luật các văn nghệ sĩ đã tham gia NVGP… Phan Khôi (***), Trương Tửu, Thụy An bị khai trừ vĩnh viễn khỏi Hội Nhà Văn VN (*).
– Cần lưu ý loạt bài Phê phán “Mấy vấn đề văn học sử Việt Nam” của Trương Tửu, là trường hợp được đề cập hầu như muộn nhất, khi cao trào của đợt đấu tranh đã hầu như chấm dứt (tạm lấy mốc ở ngày 5/6/1958, Tố Hữu đọc báo cáo tổng kết), những quyết định hoặc khai trừ hoặc treo bút đối với những cá nhân cụ thể đã được tuyên bố. Hơn 3 tháng sau mới thấy loạt bài phê phán cuốn văn học sử này xuất hiện như một đợt công kích mới, đăng tải nhiều kỳ trên báo Văn học từ 25/9/1958 đến cuối năm 1958, với các bài của Vũ Đức Phúc (số 13, ngày 25/9/1958: Phê phán “Mấy vấn đề văn học sử Việt Nam” của Trương Tửu : Lợi dụng văn học để chống lại cách mạng, chống lại chế độ); của Nguyễn Kiến Giang (số 14, ngày 5/10/1958 và số 15, ngày 15/10/1958: Phê phán “Mấy vấn đề văn học sử Việt Nam” của Trương Tửu :Tuyên truyền thế giới quan duy tâm và phủ nhận thế giới quan tiến bộ, cách mạng trong lý luận và sáng tác văn học ); của Hồng Quảng (có người nói đây là bút danh của Hoàng Văn Hoan, một trong 2 cán bộ cao cấp nhất đặc trách chống Nhân văn – Giai phẩm), bài đăng các số 16, ngày 25/10/1958 (Phê phán “Mấy vấn đề văn học sử Việt Nam” của Trương Tửu: Quan điểm chính trị và học thuật của Trương Tửu về văn học cận đại và hiện đại Việt Nam); số 17, ngày 5/11/1958 (Phê phán “Mấy vấn đề văn học sử Việt Nam” của Trương Tửu (tiếp): Nội dung tư tưởng của văn học cận đại Việt Nam có phải căn bản là tư tưởng tư sản không?); và số 18, ngày 15/11/1958 (Phê phán “Mấy vấn đề văn học sử Việt Nam” của Trương Tửu (tiếp): Từ 1930 đến 1945 có xu hướng văn học của giai cấp công nhân không?), v.v…
Theo Trịnh Bá Đĩnh, ngay sau khi MVĐVHSVN ra mắt (tháng 12/1957) đã có một loạt bài của Vũ Đức Phúc, Nguyễn Kiến Giang, Hồng Quảng phê phán dữ dội nó trên báo Văn học của Hội Nhà văn Việt Nam, từ số 13 đến số 17 vào tháng 10 – 11 cùng năm. Tác giả của nó bị lên án là “lợi dụng văn học để chống lại cách mạng, chống lại chế độ”, “tuyên truyền cho thế giới quan duy tâm và phủ nhận thế giới quan tiến bộ”…, bị những người phê phán xếp vào hàng ngũ xét lại như Vizma ở Nam Tư, Hồ Phong ở Trung Quốc. Họ công kích MVĐVHSVN ở những nội dung nào? Có hai điểm chính: 1/ Tính độc lập tương đối và sự kế thừa của văn học; 2/ Tính loại biệt của văn học. Xét từ quan điểm lí thuyết văn học của ngày hôm nay, ta lại thấy đây lại chính là hai điểm khả thủ nhất của Trương Tửu trong công trình này. (PHƯƠNG DIỆN LÍ THUYẾT CỦA “MẤY VẤN ĐỀ VĂN HỌC SỬ VN” CỦA TRƯƠNG TỬU – Trịnh Bá Đĩnh).
* * *
Nhận định về Trương Tửu có lẽ công minh nhất là người bạn thân cùng thời – nhà thơ Nguyễn Vỹ -, của Trương Tửu. Nguyễn Vỹ đã phác họa một chân dung văn học khá độc đáo về Trương Tửu: “Trương Tửu thuộc về loại nhà văn tự học, nhờ đọc sách nhiều. Có lẽ một phần nhờ trường Bách Nghệ huấn luyện, lại sẵn thiên tài Văn nghệ nên lí luận của anh rất đanh thép, câu văn của anh như búa, như kềm. Lời nói anh vang ra như tiếng đập sắt trên đe. Lúc nào cũng nẩy lửa, nghe lâu chát cả tai…”.
“Trương Tửu có khiếu ngôn ngữ và lý luận. Lời nói của anh là một sản phẩm của máy móc, lý luận của anh là một dây chuyền ngôn ngữ phối trí chặt chẽ, liên kết mạch lạc, và rèn giũa với một nghệ thuật tinh vi tế nhị. Anh là một nhà hùng biện bẩm sinh. Với rất ít, anh xây dựng rất nhiều. Với một chấm nhỏ nảy ra từ hình thức của sự vật, anh kéo một đường thẳng tới ý tưởng vô cực. Anh là một nhà toán học chống giáo lý, đi tìm một bài toán cho nhân sinh, với những công thức do tự anh chế biến ra; không theo công thức điển hình nào cả. Và không bao giờ anh làm đúng, ít khi anh nói phải, nhưng luôn luôn anh có lý. Với anh, sai lầm chống chân lý, và luôn luôn sai lầm chống chân lý. Anh luôn luôn tự mâu thuẫn với anh một cách rất là hợp lý. Giả sử Trương Tửu mơ mộng một tí, thì những ý tưởng của anh sẽ đượm chút tinh hoa của lý trí thiêng liêng”.
“Ngoài thú đam mê đọc sách, viết văn… Trương Tửu không có một thú giải trí nào, không thích đánh cờ, không thích du lịch, không ưa xem phong cảnh. Anh cũng không uống rượu lu bù, say túy lúy như kiểu Nguyễn Khắc Hiếu (Tản Đà). Trương Tửu có thương một cô thợ may, sau cưới làm vợ. Nhưng Tửu không có tình yêu tha thiết: ái tình của anh cũng là một hình thức của lý luận, một bài toán mà anh tìm giải đáp, thế thôi…” (Văn thi sĩ tiền chiến, NXB Văn học, 2007, tr.221-223).
Giai đoạn 1940-1945, Trương Tửu là giám đốc văn chương nhà xuất bản Hàn Thuyên và ông cũng là linh hồn của nhóm Hàn Thuyên. Ông đã xuất bản những tác phẩm ký tên Nguyễn Bách Khoa gồm những cuốn: Kinh Thi Việt Nam (Hàn Thuyên, 1940), Nguyễn Du và truyện Kiều và Tâm lý và tư tưởng Nguyễn Công Trứ (Hàn Thuyên, 1944) là những công trình nghiên cứu phê bình, áp dụng phương pháp duy vật biện chứng. Giai đoạn ký tên Nguyễn Bách Khoa, gắn liền với nhóm Hàn Thuyên là một giai đoạn quan trọng trong sự nghiệp phê bình của Trương Tửu.
Nếu ở miềm Bắc sau vụ Nhân Văn Giai Phẩm, tên tuổi và tác phẩm của Trương Tửu bị loại trừ, thì ở miền Nam, ảnh hưởng Trương Tửu – Nguyễn Bách Khoa trong đại học rất lớn. Nguyễn Văn Trung trong bộ Lược Khảo Văn Học, Tập ba viết : “Nguyễn Bách Khoa là người đầu tiên và độc nhất đã đưa ra một quan niệm phê bình rõ rệt và áp dụng nó một cách có hệ thống, với một lối văn lôi cuốn. Chưa xét quan niệm phê bình mác- xít đúng hay không đúng. Chỉ xét về phương diện chủ thuyết và viết thành hệ thống hẳn hòi thì phải nhận là Nguyễn Bách Khoa thành công hơn tất cả những nhà phê bình trước ông và hiện nay (tức là năm 1968) cũng khó tìm ra một Nguyễn Bách Khoa khác. Do đó ảnh hưởng của Nguyễn Bách Khoa vẫn còn rất mạnh ở miền Nam hiện nay như Thanh Lãng đã nhận định: “Mấy cuốn phê bình của Nguyễn Bách Khoa, nhất là từ sau 47 trở đi, đã hầu như biến thành sách gối đầu giường cho thế hệ trẻ. Ở nhà trường, từ giáo sư cho đến học sinh, tất cả đều phê bình theo Nguyễn Bách Khoa. Một phong trào rộng lớn lan tràn” (trích Lược Khảo Văn Học, trang 192). Những lời trên đây của giáo sư Nguyễn Văn Trung cho thấy địa vị của Trương Tửu trong giới đại học miền Nam.
Điếu văn do GS Nguyễn Đình Chú đọc tại lễ truy điệu GS Trương Tửu tại Hà Nội ngày 19-12-1999 thật cảm động, có thể nói khiến cho “quỷ khốc thần sầu” – nó như một sự thức tỉnh lương tri, trong đó có đoạn: “ Thầy ơi! Cái vinh quang của Thầy còn là ở ngay trong cảnh ngộ vất vả, nhọc nhằn. Bởi dù cảnh ngộ có nhọc nhằn, Thầy bằng bản lĩnh và tài năng vốn có của mình, đã giữ lấy sự thanh thản, yên bình trong tâm hồn, để từ đó, vẫn tiếp tục sống có ích cho gia đình, cho nhân quần, cho cuộc đời. Không còn điều kiện cầm bút, Thầy đã cầm kim châm cứu để dành lại sự sống cho hàng vạn người dân lành. Không cầm bút viết văn thì Thầy cầm bút viết sách Đông y, sách Châm cứu để người đời ai biết thì tốt, chưa biết sẽ biết sau. Riêng chúng em, sau nhiều năm tháng thầy trò cách biệt, gặp lại Thầy, nghe Thầy trò chuyện, quả thật là rất mát lòng, mát dạ và vẫn thấy ðýợc Thầy dạy bảo nhý ngày nào. Thầy nhắc lại câu chuyện Ðýờng Tãng ði thỉnh kinh ở Tây Trúc sau bao nhiêu thời gian vất vả, thỉnh ðýợc kinh nhýng không may kinh bị mất, hỏng trang cuối do ðó cứ phải áy náy, bãn khoãn. Nhýng Tôn Ngộ Không ðã an ủi: Sư phụ ạ! Trời đất cũng có trọn vẹn đâu nữa là cuốn kinh. Và từ đó Thầy bảo với chúng em: Trời đất đã không trọn vẹn, huống gì mỗi chúng ta đều là những kiếp đời bé mọn. Chỉ biết hôm nay, đất nước đã đổi mới thì hẵng cứ vui với đổi mới, mà đổi mới là phải từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ, chuyện cụ thể, chuyện soạn một bài giảng sao cho hay. Và mới đây chưa đầy một năm thôi, chúng em lại được nghe Thầy nói: cuộc đời tôi quả có nhiều bất hạnh, vất vả, nhưng tôi chưa bao giờ không kính trọng những nhà cách mạng đã vào sinh ra tử cho đất nước trong đó có tôi, gia đình tôi, mặc dù tôi thấy cách mạng cũng có sai lầm.Và lại mới đây chưa đầy một tháng, dù nói năng đã khó khăn lắm rồi, Thầy vẫn cố gắng nói với chúng em: cuộc đời tôi quả là có nhiều vất vả. Đến nay thì tôi cũng đã sắp từ giã cõi đời. Nhưng cũng mừng là không có gì phải tự xấu hổ với chính mình. Không có gì để phải gục mặt xuống với đời”.
Muộn còn hơn không! Việc nghiên cứu một cách bài bản CON NGƯỜI VÀ SỰ NGHIỆP TRƯƠNG TỬU đã và đang được xúc tiến với tinh thần “lấy lại thời gian đã mất”! Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Bình, thì vấn đề “Con người và sự nghiệp Trương Tửu” cần được tiếp tục triển khai theo 4 hướng sau:
– Một là những sáng tác tiểu thuyết và truyện của Trương Tửu. Theo Lại Nguyên Ân và Nguyễn Hữu Sơn thì hiện đã sưu tập được bảy tác phẩm, còn bốn tác phẩm nữa chưa tìm thấy. Đấy đã phải là tất cả sáng tác văn học của Trương Tửu chưa? Giá trị của chúng đến đâu? Vì sao từng được coi là “cây bút tiểu thuyết có phong cách trong làng tiểu thuyết trước cách mạng” nhưng tiểu thuyết Trương Tửu lại ít được bàn tới?- Hai là các công trình nghiên cứu phê bình của Trương Tửu. Rõ ràng đây là mảng chính làm nên tư cách “học giả Trương Tửu”. Không thể phủ nhận Trương Tửu sớm có ý thức lý thuyết hóa hoạt động nghiên cứu phê bình. Là người “tôn thờ khoa học”, ông coi trọng phương pháp trong phê bình văn học, mạnh dạn ứng dụng một số triết thuyết mới mẻ mà ông tiếp nhận từ phương Tây vào việc phê bình tác giả, tác phẩm.Ông chủ động, tự tin đề xuất những quan niệm có tính tiên phong trong nghiên cứu văn học sử. Việc làm rõ những nguồn tư tưởng ảnh hưởng đến quan điểm học thuật của Trương Tửu có ý nghĩa hết sức quan trọng đối khi đánh giá chỗ được, chỗ chưa được cũng như những mâu thuẫn trong các công trình khoa học của ông. Đọc nhiều bài ông viết cách nay hơn nửa thế kỷ, chúng tôi thực sự thán phục một trí tuệ uyên bác, chủ yếu bằng con đường tự học mà có thể tiếp cận được những lý thuyết rất hiện đại và cũng rất phức tạp về văn hóa, văn học rồi từ đó đề xuất được không ít ý kiến có giá trị “dẫn đường” cho khoa nghiên cứu phê bình văn học ở Việt Nam trước 1945.- Ba là với tư cách nhà hoạt động xã hội, người sáng lập hay chủ trì những cơ quan văn hóa như Đại Đồng thư xã, nhà xuất bản Hàn Thuyên, người tham gia tổ chức Đoàn văn nghệ kháng chiến Liên khu 4, giáo sư văn học trong các nhà trường Đại học đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, là một nhân vật quan trọng trong sự kiện Nhân văn – Giai phẩm…, ảnh hưởng của ông như thế nào? Rất cần xem xét lại những sai lầm đã khiến ông phải chịu sự phê phán nặng nề suốt một thời gian dài, đồng thời làm rõ và trân trọng ghi nhận cống hiến của ông trong nỗ lực quảng bá văn hóa, xây dựng chương trình dạy và học môn văn ở nhà trường xã hội chủ nghĩa thuở sơ khai.- Bốn là về bản lĩnh, nhân cách, con đuờng số phận của một trí thức, một người thầy trong những tương tác cụ thể của thời thế, của truyền thống văn hóa.Hy vọng rằng việc nghiên cứu những trường hợp như Trương Tửu được làm tốt, bức tranh văn hóa – văn học Việt Nam thế kỉ XX sẽ trở nên phong phú, trung thực hơn, và chúng tôi tin rằng không chỉ có nhiều bài học hữu ích được rút ra về tư tưởng, tài năng, cá tính của các nhà văn, các học giả lớn, nhiều kinh nghiệm có giá trị cho hướng nghiên cứu xã hội học văn học… mà sâu xa hơn còn là vấn đề nuôi dưỡng niềm tin vào lẽ công bằng, tình yêu đối với chân lý khoa học… đủ để chúng trở thành động lực cho mỗi cá nhân đang khát khao tham gia vào sự tiến bộ chung của cộng đồng.
___________________________________________
Chú thích:
(*) Xin xem bài viết khá kỹ về vụ NV-GP qua bài viết của Thái Kế Toại: VỤ NHÂN VĂN – GIAI PHẨM MỘT TRÀO LƯU DÂN CHỦ, MỘT CUỘC CÁCH TÂN VĂN HỌC KHÔNG THÀNH – LÊ HOÀI NGUYÊN ( VỤ NHÂN VĂN – GIAI PHẨM TỪ GÓC NHÌN CỦA ĐẠI TÁ CÔNG AN (bài chuẩn)Được đăng bởi nguyentrongtao vào lúc: 12:36 chiều ngày 20/09/2010 (22-09-10 | 07:23).
(**) Bùi Huy Phồn (1911 – 1990) là nhà thơ, nhà văn, nhà báo Việt Nam. Ông có các bút danh: Đồ Phồn, Bùi Như Lạc, Cười Suông, Việt Lệ, Ấm Hai, Lý Ba Lẽ, BHP. Bùi Huy Phồn sinh tại Phố Đầm, xã Phượng Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Quê gốc của ông ở làng Liên Bạt, xã Mai Đình, huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Cha của Bùi Huy Phồn là một nhà nho, chi trưởng họ “Đại Bùi”. Ông thi cử không đỗ, bỏ làng phiêu bạt lên Bắc Giang làm thầy giáo. Trước năm 1940, gia đình Bùi Huy Phồn thuộc vào loại giàu có. Nhưng trong giai đoạn 1940-1945, gia đình ông bị phá sản và phải bán hết ruộng đất ở Phố Đầm để trở về quê gốc Ứng Hòa. Bùi Huy Phồn học chữ Hán hết chương trình tú tài và cũng thạo tiếng Pháp.
Trước Cách mạng tháng Tám, ông dạy học, viết văn, làm thơ, cộng tác với các báo Hà Nội báo, Phong hóa, Tiểu thuyết thứ năm, Văn mới… Ông gia nhập Hội nhà văn Việt Nam năm 1957. Bùi Huy Phồn từng là ủy viên Ban vận động nghiệp đoàn những người viết báo Bắc Kỳ ở Hà Nội, ủy viên chấp hành đoàn Văn hóa kháng chiến Bắc Bộ, chủ bút tuần báo Đây Việt Bắc (khu X), biên tập viên báo Cứu quốc khu X, Giám đốc nhà xuất bản Văn học (1958-1962), ủy viên Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam khóa hai (1962-1972), đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội các khóa bốn, năm và sáu, ủy viên thường trực Hội văn học nghệ thuật Hà Nội. Sau đó, ông nghỉ hưu, mất ngày 31 tháng 10 năm 1990 tại Hà Nội.
(***) Phan Khôi (1887-1959): Trương Tửu (1913-1999) kém Phan Khôi 26 tuổi. Từ đầu những năm 1930, Trương Tửu mới bước vào nghề báo thì Phan Khôi đã đang tung hoành trong làng báo khắp Ba Kỳ. Thời kỳ kháng chiến 9 năm, Trương Tửu hoạt động ở Liên khu IV, còn Phan Khôi ở Việt Bắc. Sau năm 1954, cả hai người cùng về Hà Nội. Rồi số phận đã đưa hai người gặp nhau, rồi cùng gặp nạn trong vụ Nhân văn-Giai phẩm và đầu năm 1958, cùng bị “buộc thôi việc”… xin xem “NGỰ SỬ VĂN ĐÀN” PHAN KHÔI – Bài viết ĐỖ NGỌC THẠCH
(1) Trương Tửu (1913 -1999): là nhà giáo, nhà văn, nhà nghiên cứu văn học VN. Các bút danh khác: Nguyễn Bách Khoa, Mai Viên, T.T…Trương Tửu sinh trưởng trong một gia đình trung lưu ở ngoại ô Gia Lâm (Hà Nội). Thời trai trẻ, ông học hết năm thứ nhất bậc trung học, rồi học trường Kỹ nghệ thực hành ở Hải Phòng, nghề thợ tiện, cùng trường lớp với Lê Văn Siêu (1/a) Nhưng chỉ được một năm rưỡi thì bị đuổi học (năm 1927), vì tham gia bãi khóa ở Hà Nội để đòi thực dân Pháp thả tác giả bài thơ Chiêu hồn nước Phạm Tất Đắc (1/b). Bị buộc rời trường, ông tự học chương trình Tú tài Pháp Việt. Từ những năm 1930, ông đã cộng tác với nhiều báo, như: Đông Tây tuần báo, Loa, Ích Hữu, Tiếng Trẻ, Hà Nội báo, Mùa gặt mới, Văn mới…
Từ năm 1941 đến 1946, Trương Tửu làm Giám đốc Văn chương (Tổng biên tập) NXB Hàn Thuyên, thuộc nhóm Hàn Thuyên (1/c). Thời kháng chiến chống Pháp, ông là ủy viên Hội Văn hóa Việt Nam, chi hội phó Chi hội Văn hóa Thanh Hóa, tham gia bí thư đoàn liên đoàn Văn nghệ kháng chiến liên khu IV, dạy trường Thiếu sinh quân, trường Dự bị đại học…Sau hiệp định Genève 1954, ông hồi cư về Hà Nội, giảng dạy ở Khoa văn Trường đại học Sư phạm, Khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1957, ông được phong chức danh Giáo sư, cùng đợt với Đào Duy Anh, Đặng Thai Mai, Trần Văn Giàu, Nguyễn Mạnh Tường…Đầu năm 1958, bị buộc thôi việc vì dính líu đến vụ Nhân văn giai phẩm. Sau đó, ông chuyển sang nghiên cứu y học và sống bằng nghề Đông y.
Tác phẩm chính đã in: Truyện ngắn, tiểu thuyết: Thanh niên S.O.S (1937), Một chiến sĩ (1938), Khi chiếc yếm rơi xuống (1939), Khi người ta đói (1940), Một cổ đôi ba tròng (1940), Trái tim nổi loạn (1940), Đục nước béo cò (1940), Một kiếp đọa đày (1941), Tráng sĩ Bồ Đề (1943), Năm chàng hiệp sĩ (1944)…Nghiên cứu, lý luận, phê bình Văn, sử học: Những thí nghiệm của ngòi bút tôi (1939), Uống rượu với Tản Đà (1938), Kinh thi Việt Nam (1940) (Kinh thi Việt Nam, sau ba tháng phát hành, sách bị Pháp cấm và rồi cái tên Trương Tửu cũng bị cơ quan kiểm duyệt gây khó dễ, nên ông phải đổi bút danh thành Nguyễn Bách Khoa), Nguyễn Du và Truyện Kiều (1943), Nhân loại tiến hóa sử (1943), Nguồn gốc văn minh (1943), Văn minh sử (1943), Nguyễn Công Trứ (1944), Văn chương Truyện Kiều (1944), Tương lai văn nghệ Việt Nam(1945)…Đại quan về 40 năm văn học Việt Nam hiện đại 1905-1945 (1948), Phương pháp phê bình văn học (1948), Văn nghệ bình dân Việt Nam (1952), Truyện Kiều và thời đại Nguyễn Du (1956), Chỉnh huấn là gì? (1956), Chống văn hóa nô dịch (1956), Mấy vấn đề văn học sử Việt Nam (1958)…Trương Tửu – Tuyển tập nghiên cứuphê bình: Nguyễn Hữu Sơn, Trịnh Bá Đĩnh biên soạn, NXB Lao Động, 2007.
(1*) Trương Tửu: Tuyển tập nghiên cứu phê bình (Nguyễn Hữu Sơn, Trịnh Bá Đĩnh sưu tầm và biên soạn, NXBLao động, H.2007. – 1088 tr. ; 16×24 cm): Đây là tập sách được biên soạn kỹ lưỡng nhất từ trước đến nay về Trương Tửu. Tập sách này, được chia làm ba phần:
Phần I: Các tiểu luận nghiên cứu, phê bình, chân dung tác gia văn học hiện đại đã in báo (Một quan niệm về văn chương, Văn chương Việt Nam hiện đại, Văn học Việt Nam hiện đại, Những cái hay của thơ Tản Đà, Địa vị Vũ Trọng Phụng trong văn học Việt Nam cận đại, Luân lý tư sản và ảnh hưởng của nó trong văn chương Việt Nam hiện đại…) .
Phần II: Các công trình nghiên cứu, tiểu luận chuyên sâu về văn học truyền thống dân tộc (Triết lý Truyện Kiều, Nguyễn Du và Truyện Kiều, Văn chương Truyện Kiều, Truyện Kiều và thời đại Nguyễn Du, Tâm lý và tư tưởng Nguyễn Công Trứ, Kinh thi Việt Nam, Văn nghệ bình dân Việt Nam, Truyện Thạch Sanh, Mấy vấn đề văn học sử Việt Nam…)
Phần III: Phụ lục các bài viết về Trương Tửu của các tác giả: Nguyễn Vỹ, Nguyễn Văn Hoàn, Trương Quốc Tùng, Nguyễn Đình Chú…
(1/a) Lê Văn Siêu (1912-1995): là Nhà văn, nhà báo, sinh ở thành phố Hà Nội. Thuở nhỏ học ở Hà Nội, tốt nghiệp trường Công nghệ thực hành ở Hải Phòng, năm 1932 làm việc tại sở công chánh Hà Nội (Đốc công nhà máy gạch Đáp Cầu). Những năm 40 cộng tác với nhóm Hàn Thuyên của Nguyễn Đức Quỳnh, cùng Trương Tửu, Đặng Thái Mai… Viết báo Tiếng Trẻ và một số sách về thanh niên và thực nghiệp do nhà Hàn Thuyên xuất bản trước Thế chiến II. Năm 1934 – 1936 làm chánh văn phòng nghiên cứu kĩ thuật Sở Hỏa xa Hồ Nam – Quảng Tây (TQ). Khoảng các năm 1938-1944 ông chuyển về làm việc ở sở công chánh Hà Nội. Thời gian này ông hợp tác chặt chẽ với nhóm Hàn Thuyên viết các loại sách Tân văn hóa, giữ chức trưởng ban khánh tiết Hội truyền bá quốc ngữ Hải Phòng. Năm 1949 chuyển vào sống ở Sài Gòn với nghề thầu khoán, đến năm 1952 ông làm chủ bút báo Mới của Phan Văn Tươi, rồi tuần báo Phương Đông cho đến hiệp định Genève. Từ năm 1959 chủ bút các báo Cách mạng Quốc gia, nguyệt san Sáng dội Miền Nam. Năm 1967 ông được mời dạy một số giờ tại Đại học Vạn Hạnh, Cao Đẳng Phật học Huệ Nghiêm ở Sài Gòn…
(1/b) Phạm Tất Đắc (1909 – 1935): quê làng Kim Dũng, tổng Công Xá, phủ Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Năm 18 tuổi khi là sinh viên trường Bưởi ở Hà Nội, ông tham gia kêu gọi việc bãi khóa để đưa tang nhà chí sĩ Phan Châu Trinh rồi nhà giáo Lương Văn Can. Hoạt động của ông khiến ông bị chính phủ Bảo hộ theo dõi. Sau đó ông cho in ra cuốn Chiêu hồn nước, một tập thơ với lời lẽ thống thi