18/06/2018, 17:00

Phong trào Nhân Văn Giai Phẩm

Thụy Khuê Nhân Văn Giai Phẩm là phong trào đòi hỏi tự do dân chủ của văn nghê sĩ và trí thức miền Bắc, có tầm vóc lớn lao, khởi xướng đầu năm 1955 và bị chính thức dập tắt vào tháng 6 năm 1958. Từ 1959 cho đến nay, hai nguồn tư liệu tương đối đầy đủ về phong trào Nhân Văn Giai ...

nhanvan.jpg

Thụy Khuê

Nhân Văn Giai Phẩm là phong trào đòi hỏi tự do dân chủ của văn nghê sĩ và trí thức miền Bắc, có tầm vóc lớn lao, khởi xướng đầu năm 1955 và bị chính thức dập tắt vào tháng 6 năm 1958.

Từ 1959 cho đến nay, hai nguồn tư liệu tương đối đầy đủ về phong trào Nhân Văn Giai Phẩm (NVGP) vẫn chỉ là: Cuốn Trăm hoa đua nở trên đất Bắc(THĐNTĐB) của Hoàng Văn Chí, do Mặt Trận Tự Do Văn Hoá, in ở Sàigòn năm 1959 và cuốn Bọn Nhân Văn Giai Phẩm trước toà án dư luận (BNVGPTTADL) của Nxb Sự Thật, in ở Hà Nội, cùng năm 1959.

Từ thập niên 90 trở đi, ở ngoài nước, có thêm một số tư liệu mới, rải rác dưới dạng tự thuật, bút ký… của những nhà văn đã tham gia phong trào Nhân Văn Giai Phẩm như Phùng Quán, Phùng Cung, Hữu Loan, Hoàng Cầm… và hồi ký Trần Dần (Văn Nghệ, Californie, 2001). Những tư liệu này góp phần làm sáng tỏ thêm về Nhân Văn Giai Phẩm, giúp các nhà nghiên cứu sau này có thể xây dựng lại bối cảnh toàn diện của phong trào tranh đấu cho tự do sáng tác độc đáo trong lịch sử văn học Việt Nam thế kỷ XX.

 Ngày 13/4/1999, trong dịp nhà thơ Lê Đạt sang Pháp lần thứ nhì, chúng tôi đã đề nghị ghi âm ông, mong ông soi rõ những chỗ chưa được các tài liệu trước nói đến, hoặc nói sai. Buổi nói chuyện -được thu thanh với chủ đích giữ lại làm tài liệu văn học sử- vừa mang tính cách cá nhân, vừa có tính cách hệ thống về phong trào Nhân Văn Giai Phẩm. Chúng tôi đã đồng ý với nhà thơ là sẽ chỉ công bố tài liệu sau khi ông qua đời, bởi lúc đó ông cho biết, ông không có ý định viết hồi ký.

Đầu năm 2004, nhân dịp kỷ niệm 50 năm trận Điện Biên Phủ 1954-2004, chúng tôi dự định làm một chương trình đặc biệt kỷ niệm 50 năm phong trào Nhân Văn Giai Phẩm (nếu coi 1954 như thời điểm manh nha sự gặp gỡ giữa các văn nghệ sĩ chủ trương phong trào), vì vậy đã cố gắng liên lạc với nhà thơ Lê Đạt qua điện thoại viễn liên Paris-Hà Nội, nhưng không thể thực hiện một cuộc phỏng vấn mới, bởi chỉ qua vài lời đối thoại là đường dây bị nhiễu ngay. Sau nhiều tháng phân vân, cuối cùng, với sự đồng ý của nhà thơ Lê Đạt, chúng tôi quyết định phát thanh trên RFI, toàn bộ buổi nói chuyện thu thanh ngày 13/4/1999 tại Paris, do đó mà tập tài liệu văn học sử này đến với người nghe và người đọc sớ hơn dự tính.

Đây là lần đầu tiên, một tư liệu trực tiếp qua lời thuật của một thành viên cột trụ trong Nhân Văn Giai Phẩm được công bố. Bên cạnh nhân chứng của Lê Đạt, còn có nhân chứng của hai nhân vật chủ chốt khác trong phong trào, đó là buổi phỏng vấn ngắn nhà chính trị và văn hoá Nguyễn Hữu Đang, ghi âm qua điện thoại viễn liên Paris-Hà Nội tháng 8/1995, nhân dịp chúng tôi hỏi ông về việc ông tổ chức ngày lễ Độc Lập 2/9/1945. Đây là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng có thể ghi âm được ông Nguyễn Hữu Đang. Tất cả những cố gắng về sau đều vô hiệu: bởi chỉ nói vài câu là đường dây điện thoại bị nhiễu ngay. Những buổi nói chuyện với nhà thơ Hoàng Cầm được ghi âm tản mạn trong khoảng thời gian từ 1995 đến 2000, và truyền thanh trên RFI, trong những dịp khác nhau. Các bạn sẽ lưu ý thấy sự trả lời của Nguyễn Hữu Đang, Hoàng Cầm qua điện thoại viễn liên Paris-Hà Nội, không đạt mức độ tự do triệt để như trường hợp trò truyện trực tiếp với Lê Đạt ở Paris. Nhưng tựu trung cả ba chứng nhân cùng đồng quy ở điểm nói thẳng, nói thật cho nên có những câu hỏi cùng đặt ra cho Hoàng Cầm và Lê Đạt ở những thời điểm và hoàn cảnh khác nhau nhưng những câu trả lời gần như tương tự. Phần phát biểu của nhà thơ Lê Đạt, cho đến nay, là chứng từ quan trọng và đầy đủ nhất về lịch sử Nhân Văn Giai Phẩm.

*  *  * 

Hoàng Văn Chí, tức Mạc Định, soạn giả Trăm hoa đua nở trên đất Bắc (Mặt Trận Tự Do Văn Hoá xuất bản tại Sài Gòn) cho biết: “Ở Hà Nội ra đi đầu năm 1955, tôi đã hẹn với các bạn ở lại là hễ có dịp sẽ nói lên tiếng nói của họ”, “Tôi làm việc một mình”, “Tôi liên lạc được với một ủy viên trong Ủy ban kiểm soát đình chiến. Họ đi Hà Nội như đi chợ. Mỗi tuần họ cắp về Sài Gòn cho tôi tất cả báo chí xuất bản ở Hà Nội”, ” Tôi làm việc trong hai năm 56-58″. “Bộ Thông tin và nói chung, chính quyền Sài Gòn không hề giúp. Lý Trung Dung đến chào Bộ Thông tin, yêu cầu mua cho một số, nhưng chẳng mua một cuốn nào”. “Mặt Trận Bảo Vệ Tự Do Văn Hoá ở Việt Nam là một chi nhánh của một tổ chức quốc tế, tên là Congress for Cultural Freedom, trụ sở trung ương ở 104 boulevard Haussmann, Paris. Bác sĩ Lý Trung Dung làm chủ tịch. Tội nghiệp, chỉ vì làm chủ tịch Mặt Trận Bảo Vệ Tự Do Văn Hoá mà phải đi cải tạo đến nay (1986) chưa được thả”. “Trước khi đưa in, Lý Trung Dung nghe nói có người gần ông Diệm ngờ rằng tôi soạn cuốn Trăm hoa đua nở là có ý xúi dục trí thức miền Nam bắt chước trí thức miền Bắc nổi lên chống lại chế độ. Vì vậy nên Lý Trung Dung bàn với tôi nên để bút hiệu Mạc Định là soạn giả. Chỉ ký tên Hoàng Văn Chí vào bài Tựa” (Phỏng vấn cụ Hoàng Văn Chí, Từ Nguyên thực hiện, bán nguyệt san Tự Do số 50, ngày 16/11/1986, phát hành tại Bỉ).

Hoàng Văn Chí đã nói rõ lý do và điều kiện ra đời của tập THĐNTĐB. Nhưng tại sao Hoàng Văn Chí lại đặc biệt lưu ý đến phong trào Nhân Văn Giai Phẩm? Ai là những người “ở lại” mà Hoàng Văn Chí đã hứa sẽ nói lên tiếng nói của họ? Nếu tìm sâu hơn về liên hệ gia đình giữa Hoàng Văn Chí và Phan Khôi, có thể chúng ta thấy câu trả lời: Sở Cuồng Lê Dư có ba người con gái -và vì bà Lê Dư là em ruột Phan Khôi– cho nên ba cô này là cháu ruột Phan Khôi. Cô đầu gả cho Vũ Ngọc Phan, cô thứ nhì lấy Hoàng Văn Chí và cô út là vợ Tướng Nguyễn Sơn. Riêng nữ sĩ Hằng Phương, vợ nhà phê bình Vũ Ngọc Phan, đã viết bài đả kích thậm tệ Nhân Văn Giai Phẩm. Và rất có thể, người em ruột Hằng Phương, tức bà Hoàng Văn Chí, là một trong những động cơ thúc đẩy Hoàng Văn Chí thu thập tài liệu và viết về Nhân Văn Giai Phẩm.

Tác phẩm của Hoàng văn Chí, cho đến nay vẫn là tác phẩm hoàn chỉnh nhất về phong trào. Phần lớn những tác nhân chính đều có mặt, với một tiểu sử khá chính xác và những bài viết tiêu biểu của họ trong thời kỳ Nhân Văn Giai Phẩm. Nhược điểm duy nhất: vì không phải là người trong cuộc, và ông đã rời miền Bắc từ đầu năm 1955, khi phong trào mới manh nha, cho nên có những điểm sai mà ngày nay qua chứng nhân của những người trong cuộc, chúng ta có thể đính chính lại được. 

Tập tài liệu tựa đề Bọn Nhân Văn Giai Phẩm trước toà án dư luận do Nxb Sự Thật (nay là Nxb Chính Trị Quốc Gia), in tháng 6, năm 1959, tại Hà Nội, là cuốn sách tập hợp những bài viết hoặc diễn văn tố cáo, lên án, buộc tội Nhân Văn Giai Phẩm. Cuốn sách có một chương nhỏ, in lại “những lời thú tội” của các thành viên Nhân Văn Giai Phẩm, còn toàn thể dành cho phía công tố “phát hiện tội”, với những lời lẽ vô cùng khiếm nhã, khó thể mường tượng được, từ miệng, hoặc từ ngòi bút của giới được gọi là “trí thức văn nghệ sĩ” đối với các đồng nghiệp và bạn hữu của mình đã tham gia Nhân Văn Giai Phẩm. Nó ghi lại một thời kỳ mà nhân cách con người đã đạt tới đáy sâu của sự tha hoá.

Tập tư liệu dày 370 trang này còn hữu ích về mặt lịch sử và văn học sử, nó mở ra nhiều khía cạnh của vấn đề NVGP: về tầm vóc của phong trào, về không khí đàn áp thời đó, về mức độ khốc liệt của lớp đấu tranh Thái Hà mà sau này, nhà thơ Lê Đạt sẽ mô tả một cách tường tận.

Những bài luận tội có tính cách hạ nhục NVGP của 83 văn nghệ sĩ, và các đoàn thể, báo chí, nhân dân cũng như các vị trong ban chấp hành trung ương Đảng, với những tên tuổi như: Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Phạm Huy Thông, Trần Hữu Tước, Đặng Thai Mai, Nguyễn Huy Tưởng, Hồng Cương, Nguyễn Văn Bổng, Hoài Thanh, Hoàng Trung Thông, Hồ Đắc Di, Vũ Đức Phúc, Quang Đạm, Bàng Sĩ Nguyên, Ngụy Như Kontum, Hằng Phương, Lương Xuân Nhị v.v… phản ảnh rất rõ nhân cách của người tố. Ví dụ cách viết của Nguyễn Huy Tưởng, Đặng Thai Mai, không giống cách viết của Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Phạm Huy Thông… Cho nên, có thể nói, chính với những “văn bản tố”, các tác giả đã để lại nhân cách trí thức của mình trong ký ức dân tộc. Sau cùng nhờ cách sắp xếp thứ tự “những tên đầu sỏ” trong cuốn sách mà chúng ta biết được thứ tự “tội” nặng, “tội” nhẹ, cùng hoạt động của mỗi người. 

 *  *  *

Hành trình Nhân Văn Giai Phẩm

Với những tư liệu và nhân chứng hiện hành, ngày nay chúng ta có thể tóm tắt lịch trình hoạt động của phong trào NVGP như sau:

Tháng 3/1955, trong quân đội, nổi lên một phong trào tranh đấu do Trần Dần, Tử Phác chủ trương (với sự cộng tác của Lê Đạt, Hoàng Cầm và các văn nghệ sĩ khác…): Một mặt, lên tiếng phê bình tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu. Một mặt, đưa ra đề nghị cải cách chính sách văn nghệ trong quân đội, chủ yếu đòi trả quyền lãnh đạo văn nghệ về tay văn nghệ sĩ.

Tố Hữu viết:

“Cuộc tấn công vào chế độ ta và Đảng ta đã bắt đầu trên mặt trận văn nghệ từ đầu năm 1955, ngay khi hoà bình vừa lập lại.

Trong khi bọn gián điệp còn giấu mặt chờ đợi thời cơ, và bọn tờ-rốt-kít Trương Tửu, Trần Đức Thảo tích cực chuẩn bị lực lượng ở trường Đại học, thì bọn Nguyễn Hữu Đang, Lê Đạt, hai tên phản Đảng ẩn nấp trong báo Văn Nghệ của Hội Văn Nghệ cùng bọn Trần Dần, Tử Phác cũng là những tên phản Đảng trong phòng Văn nghệ quân đội, đã kết thành một bè phái chống Đảng trong Văn nghệ.

Như lời thú nhận của Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, cuộc phê bình tập thơ Việt Bắc là do cái bè phái ấy sắp đặt, để đánh vào sự lãnh đạo và đường lối văn nghệ của Đảng, đường lối phục vụ chính trị cách mạng, phục vụ công nông binh, và để đề xướng cái “điệu tâm hồn” ruỗng nát của chủ nghĩa cá nhân tư sản, mở cửa cho lối sống tự do sa đọa.

Đương nhiên cái “điệu tâm hồn” ấy của Lê Đạt xướng lên không thể nào hoà được với cái điệu lớn của cách mạng, và cũng rất tự nhiên nó chỉ hoà được với “tiếng sáo tiền kiếp” lóc gân của tên mật thám Trần Duy.

Cũng lúc ấy, bọn Trần Dần , Tử Phác -những đứa con hư hỏng của Hà nội cũ- nay lại trở về với “cảnh cũ người xưa” bỗng cảm thấy đời sống trong quân đội “nghẹt thở”, chỉ vì thiếu cái tự do trở lại đời sống trụy lạc cũ. Đối với chúng, đời sống trong quân đội cách mạng chỉ còn là “những sợi dây xích trói buộc phải phá mà ra”. Được tiêm thêm ít nhiều chất phản động của Hồ Phong, Trần Dần gióng lên “tiếng trống tương lai” chửi cán bộ chính trị là “người bệnh”, “người ròi”, “người ụ”. Cùng Tử Phác, khiêu khích những anh em khác, hắn tổ chức một cuộc đấu tranh “buộc lãnh đạo thực hiện mọi yêu cầu” của họ.

Họ đòi thực hiện những gì? “Trả quyền lãnh đạo văn nghệ về tay văn nghệ sĩ. Thủ tiêu chế độ chính trị viên trong các đoàn văn công quân đội. Thủ tiêu mọi chế độ quân sự hiện hành trong văn nghệ quân đội. Thành lập trong quân đội một chi Hội văn nghệ trực thuộc Hội văn nghệ, không qua Cục Tuyên Huấn và Tổng Cục Chính Trị”. Tóm lại là thủ tiêu sự lãnh đạo của Đảng và kỷ luật của quân đội đối với họ” (Tố Hữu, Nhìn lại 3 năm phá hoại của nhóm “Nhân Văn-Giai Phẩm”, BNVGPTTADL, trang 22-24). Vì vụ việc này, Trần Dần bị giam trong trại từ 13/6 đến 14/9 để kiểm thảo. Trong thời gian bị giam, Trần Dần viết trường ca Nhất định thắng mà Hoàng Cầm và Lê Đạt đều có bản thảo.

Cùng thời điểm đó, báo Nói Thật của Hoàng Công Khanh trích đăng bài Sự chia tay giữa văn nghệ và chính trị của Lỗ Tấn.

Nhưng phải đến tháng 2 năm 1956, phong trào mới chính thức công khai, với sự xuất hiện của Giai phẩm mùa xuân, do Hoàng Cầm và Lê Đạt chủ trương, đăng các tác phẩm của Trần Dần, Văn Cao, Sĩ Ngọc, Tử Phác, Phùng Quán, Nguyễn Sáng, Tô Vũ… Giai phẩm mùa xuân, ngoài bài Nhất định thắng của Trần Dần xem như cái sườn chính, còn có bài thơ Ông bình vôi của Lê Đạt, và Cái chổi quét rác rưởi của Phùng Quán. Lúc đó, Trần Dần và Tử Phác, đang tham gia cải cách ruộng đất tại Yên Viên, Bắc Ninh, và theo Hoàng Cầm thì Trần Dần không hề biết việc đăng bài thơ Nhất định thắng. Bài thơ của Trần Dần đã gây tai họa cho nhà thơ và tờ giai phẩm. Báo vừa phát hành, Lê Đạt bị gọi ngay lên Tuyên huấn để kiểm thảo. Giai phẩm mùa xuân bị tịch thu. Trần Dần và Tử Phác bị bắt. Trần Dần cứa cổ tự vận nhưng không chết[1].

Hồng Cương viết: “Nhân cơ hội đó, tất cả các lực lượng đối lập với chủ nghĩa xã hội đều ngóc đầu dậy chống lại sự lãnh đạo của Đảng và chính phủ. Bọn phản động trong Công Giáo hành động phá rối trật tự ở Nghệ An, Nam Định v.v…” (sđd, trang 17).

Tuy vậy, nhà cầm quyền miền Bắc vẫn chưa có thái độ dứt khoát với những người làm Giai phẩm mùa xuân.

Ngày 26/5/1956, Mao Trạch Đông phát động phong trào “Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng“. Ngày 28/6/1956, Ba Lan nổi dậy. Theo chính sách của Tàu, Đảng Lao động (tiền thân của đảng Cộng sản) cũng nới rộng chính sách văn hóa chính trị: Tháng 8/1956, Hội Văn Nghệ đứng ra tổ chức lớp 18 ngày, học tập dân chủ trong văn nghệ, học tập chống tệ sùng bái cá nhân (Staline) của Liên Xô. Trong lớp học này, sự phê phán chính sách văn nghệ của nhà nước khá mạnh mẽ, đặc biệt Nguyễn Hữu Đang đứng ra đọc bài tham luận “nảy lửa” chỉ trích đường lối văn nghệ của Đảng.

Ngày 29/8/1956, Giai Phẩm Mùa Thu (tập I) ra đời, có bài Phê bình lãnh đạo văn nghệ của Phan Khôi, bài Bệnh sùng bái cá nhân trong lãnh đạo văn nghệ của Trương Tửu…

Ngày 15/9/1956, bán nguyệt san Nhân Văn số 1, do Hoàng Cầm, Lê Đạt, Nguyễn Hữu Đang, Trần Duy, chủ trương, với Phan Khôi chủ nhiệm và Trần Duy thư ký toà soạn, ra đời với những bài chủ chốt: Con người Trần Dần của Hoàng Cầm, bài thơ Nhân câu chuyện mấy người tự tử của Lê Đạt, và bức tranh Nguyễn Sáng vẽ Trần Dần với vết sẹo trên cổ…

30/9/1956 Nhân Văn số 2.

8/10/1956 tái bản Giai Phẩm Mùa Xuân.

15/10/1956 Nhân Văn số 3, đăng bài Nỗ lực phát triển dân chủ của Trần Đức Thảo…

Cuối tháng 10/1956, Giai phẩm mùa thu (tập II) ra đời, có những bài Những người khổng lồ của Trần Duy, Chống tham ô lãng phí của Phùng Quán, Cũng những thằng nịnh hót của Hữu Loan…

Đồng thời ở đại học, các giáo sư Trương Tửu, Trần Đức Thảo… huy động sinh viên cho ra tờ Đất Mới số 1, với Phùng Quán, Bùi Quang Đoài… Đất Mới ra được một số thì bị đình bản.

Hồng Cương viết: “Sự chống đối của chúng không còn tính chất văn nghệ nữa mà đã trở thành một cuộc chống đối vế chính trị công khai. Nhóm Giai Phẩm chống Đảng về văn nghệ đã biến thành nhóm phá hoại chính trị trắng trợn “Nhân Văn-Giai Phẩm”. (…) Từ Nhân Văn số 4 trở đi (…) thì chúng đã chuyển hẳn sang chống đối về chính trị, kích động quần chúng biểu tình chống lại Đảng và chính phủ ta nhân lúc Quốc Hội ta đang họp.” (sđd, trang 18-19).

05/11/1956 Nhân Văn số 4, đăng bài Thành thật đấu tranh cho tự do dân chủ của Trần Duy, Con ngựa già của chúa Trịnh của Phùng Cung…

10/11/1956 Hungary nổi dậy.

20/11/1956 Nhân Văn số 5, đăng bài Bài học về Ba-lan và Hun-ga-ri của Lê Đạt, ký tên Người Quan Sát, bên cạnh bài xã luận Hiến pháp Việt nam 1946 và Hiến pháp Trung hoa của Nguyễn Hữu Đang. Thi sĩ máy của Như Mai…

Tháng 11/1956 Giai phẩm mùa thu tập III đăng các bài Văn nghệ và chính trị của Trương Tửu, Muốn phát triển học thuật của Đào Duy Anh…

Tháng 12/1956 Giai phẩm mùa đông, đăng bài Nội dung xã hội và hình thức tự docủa Trần Đức Thảo; đăng tiếp Văn nghệ và chính trị của Trương Tửu…

09/12/1956, Hồ Chí Minh ký sắc lệnh bãi bỏ quyền tự do báo chí.

15/12/1956, Lệnh đóng cửa Nhân Văn, số 6 đang in, bị chận lại.

Từ 20 đến 28/2/1957, Đại hội văn nghệ lần thứ hai họp tại Hà Nội với gần 500 đại biểu, Trường Chinh kêu gọi đấu tranh “đập nát” phong trào NVGP.

Tuy vậy, Đảng Lao Động vẫn giữ thái độ tương đối hòa hoãn với văn nghệ sĩ, bởi vì bên Trung quốc vẫn còn đang tiếp tục phong trào “Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng”, cho nên đến đầu tháng 4/1957 Hội Nhà Văn chính thức được thành lập (trước đây là Hội Văn Nghệ), Tô Hoài làm Tổng thư ký, kiêm giám đốc nhà xuất bản Hội Nhà Văn và một số thành viên cũ của Nhân Văn như Hoàng Cầm, Hoàng Tích Linh vẫn được bầu vào ban chấp hành. Ngày 10/5/1957, hội cho ra tuần báo Văn, với Nguyễn Công Hoan (chủ bút), Nguyễn Tuân (phó chủ bút), Nguyên Hồng (tổng thư ký). Ban đầu báo Văn cũng đi theo đường lối chính thống. Nhưng khi trên báo Học Tập (của đảng) Thế Toàn lên tiếng chê báo Văn “nghèo nàn”, “xa rời thực tế cách mạng”, Nguyên Hồng trả lời trên báo Văn số 15 (16/8/1957), phê bình Thế Toàn là “quan liêu”, “trịch thượng”, Văn dần dần thay đổi thái độ, chẳng bao lâu một số cây bút cũ trong NVGP lại thấy xuất hiện trên báo Văn. Văn số 21(27/9/1957) đăng bài thơ Lời mẹ dặn của Phùng Quán, số 24(18/10/57), đăng kịch thơ Tiếng hát của Hoàng Cầm, số 28 (15/11/1957), đăng bài Hãy đi mãi của Trần Dần. Số 30 (29/11/1957) in hý hoạ của Trần Duy chế giễu chế độ văn nghệ của Đảng.

Cuối năm 1957, Mao Trạch Đông hạ lệnh đánh phái hữu. Theo Hoàng Cầm: Huy Cận và một người nữa được cử đi học tập ở Trung Quốc trở về: Đảng liền thay đổi đường lối, chủ trương đàn áp mạnh hơn. Tờ Văn ngừng ở số 36(10/1/1958), có đăng bài Ông Năm Chuột của Phan Khôi.

 Để “trừ khử nọc độc Nhân Văn”, Đảng tổ chức hai lớp học tập đấu tranh chống “bọn NVGP” ở Thái Hà Ấp, mà tài liệu chính thức gọi là hai cuộc “hội nghị”:


Đầu năm 1958, có hai cuộc hội nghị của anh chị em công tác văn nghệ, nghiên cứu nghị quyết của Bộ Chính Trị Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam, kết hợp với hai bản Tuyên Ngôn và Tuyên Bố của hội nghị các Đảng Cộng Sản và các Đảng Công Nhân họp ở Mạc Tư Khoa cuối năm 1957. Hội nghị đầu, tháng 2 năm 1958, gồm 172 người dự. Hội nghị sau, tháng 3 năm 1958, gồm 304 người dự.

Qua hai cuộc hội nghị ấy, tất cả những “nhân vật” bỉ ổi đã được phát hiện (…) Cái ổ chuột “Nhân Văn- Giai Phẩm” bị vạch trần trước ánh sáng của dư luận.

Qua sự phát hiện của hai cuộc hội nghị nói trên, chúng ta được biết nhóm phá hoại “Nhân Văn Giai Phẩm” bao gồm những tên đầu sỏ, những “cây bút” đã viết “hoặc nhiều hoặc ít” cho “Nhân Văn Giai Phẩm” như:

Thụy An, Nguyễn Hữu Đang, Trần Thiếu Bảo, Trương Tửu, Trần Đức Thảo, Phan Khôi, Trần Duy, Trần Dần, Lê Đạt, Tử Phác, Đặng Đình Hưng, Hoàng Cầm, Sĩ Ngọc, Chu Ngọc, Văn Cao, Nguyễn Văn Tý, Phùng Quán, Hoàng Tích Linh, Trần Công, Trần Thịnh, Phan Vũ, Hoàng Huê, Huy Phương, Vĩnh Mai, Như Mai tức Châm Văn Biếm, Hữu Thung, Nguyễn Khắc Dực, Hoàng Tố Nguyên, Hoàng Yến, Thanh Bình, Yến Lan, Nguyễn Thành Long, Trần Lê Văn, Lê Đại Thanh v.v…

Nhưng đó không phải là tất cả (còn những tên chưa ra mặt). Và cũng không phải tất cả những “cây bút” trên đây đều có những hành động phá hoại giống nhau, hoặc phá hoại với những mức độ giống nhau. Có bọn đầu sỏ, có bọn phụ hoạ…” (sđd, trang 309-310).

Những tên tuổi trên đây có lẽ đã không xếp đặt một cách tình cờ mà theo một trật tự “tội” nặng, nhẹ, đã được thẩm định từ trước.

Theo Lê Đạt, thực chất hội nghị đầu là dành cho 172 đảng viên, đi để học tập cách “phát hiện” và tố giác, để chuẩn bị cho hội nghị sau (gồm 304 người, cả đảng viên lẫn quần chúng và những người ngoài đảng tham gia NVGP), dốc toàn lực đấu tranh chống NVGP.

“Trận chiến đấu chống bọn phá hoại NVGP” đã kết thúc bằng hội nghị của ban chấp hành hội Liên Hiệp Văn Học Nghệ Thuật Việt Nam, họp lần thứ ba tại Hà Nội ngày 4/6/1958 với bài báo cáo tổng kết của Tố Hữu, và Nghị quyết của của ban chấp hành hội Liên Hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam lên án “bọn” NVGP. Ngày 5/6/1958, tại Hà Nội, hơn 800 văn nghệ sĩ thảo bàn nghị quyết gọi là “Nghị quyết của 800 văn nghệ sĩ” phụ hoạ với nghị quyết của Hội Liên Hiệp. Sau đó trong tuần lễ từ 21/6 đến 3/7/1958, các ban chấp hành Hội Nhạc Sĩ, Hội Mỹ Thuật, Hội Nhà Văn, lần lượt thi hành các biện pháp kỷ luật đối với các thành viên của Hội đã tham gia NVGP:

Hội Nhà Văn khai trừ Hoàng Cầm, Hoàng Tích Linh ra khỏi ban chấp hành.

Hội Mỹ Thuật, cảnh cáo Sĩ Ngọc, “chấp nhận cho Sĩ Ngọc và Nguyễn Sáng rút khỏi ban chấp hành”.

Hội Nhạc Sĩ “chấp nhận cho Văn Cao, Nguyễn Văn Tý rút khỏi ban chấp hành”.

Cả ba hội quyết định:

– Khai trừ Phan Khôi, Trương Tửu, Thụy An ra khỏi Hội Nhà Văn, Trần Duy ra khỏi Hội Mỹ Thuật.

– Khai trừ trong thời hạn một năm Hoàng Cầm và Phùng Quán ra khỏi hội nhà văn. Khai trừ ba năm Trần Dần, Lê Đạt ra khỏi Hội Nhà văn, ba năm Tử Phác và Đặng Đình Hưng ra khỏi Hội Nhạc sĩ. Và cảnh cáo một số hội viên khác đã tích cực hoạt động trong nhóm NVGP. 

Đó mới chỉ là biện pháp kỷ luật của các hội văn nghệ đối với các thành viên của hội. Ngoài ra, người ta cũng chỉ biết sơ lược một số dữ kiện khác, như Thụy An, Nguyễn Hữu Đang, Trần Duy, Phùng Cung (bị bắt tháng 5/61)… bị kết án từ 12 đến 15 năm tù. Các giáo sư đại học như Trương Tửu, Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Đào Duy Anh… bị cách chức và bị quản thúc. Còn những biện pháp trừng phạt đối với toàn bộ văn nghệ sĩ, trí thức, sinh viên và quần chúng đã ít nhiều tham gia, đã đọc, đã mua báo, hoặc đã ủng hộ phong trào NVGP, thì hiện nay chưa có một ước lượng nào gần với sự thật.

Mục đích hoạt động của phong trào

Theo lời buộc tội của Tố Hữu, công tác được “phân phối” như sau:

– Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm hoạt động ở Hội Nhà Văn.

– Trần Duy, Sĩ Ngọc, Nguyễn Sáng ở Hội Mỹ Thuật.

– Chu Ngọc, Hoàng Tích Linh ở Hội Nghệ Sĩ Sân Khấu

– Tử Phác, Văn Cao, Nguyễn Văn Tý, Đặng Đình Hưng ở hội Âm Nhạc.

Tố Hữu cho rằng: Phan Khôi, Trương Tửu, Trần Đức Thảo, là những “nhà tư tưởng của phong trào”. Thụy An, Nguyễn Hữu Đang liên lạc, huy động và khuyến khích anh em. Trần Thiếu Bảo (chủ nhà in Minh Đức) in các Giai phẩm, giúp đỡ tiền bạc và phương tiện để phát hành báo Nhân Văn. Nhà in Minh Đức còn là trụ sở của các cuộc họp báo Nhân Văn và Đất Mới.

Theo lời buộc tội của Nguyễn Đình Thi, thì chủ trương của NVGP dựa trên 6 điểm:

1. Cho chủ nghĩa Cộng Sản là không nhân văn, là chà đạp con người. Coi những người cộng sản là chà đạp con người. Coi những người cộng sản là những người khổng lồ không tim (Trần Duy). Văn học xã hội chủ nghĩa là công thức, giả tạo, đẻ ra những thi sĩ máy (Như Mai). Đòi quyền tự do cá nhân, tự do sống đời sống tình cảm riêng tư cuả mỗi con người: “Đem bục công an máy móc đặt giữa tim người. Bắt tình cảm ngược xuôi theo luật đi đường nhà nước” (Lê Đạt).

2. Phản đối chuyên chính, đòi dân chủ, tự do trên mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hoá. Đả kích mậu dịch, quản lý hộ khẩu, các bộ máy nhà nước. Đòi tự do đối lập.

3. Chống sùng bái cá nhân. Cho sự lãnh đạo của Đảng là Đảng trị, là độc đoán, mâu thuẫn với quyền lợi căn bản của con người. Bài Ông bình vôi của Lê Đạt có những câu:

“Những kiếp người sống lâu trăm tuổi

Y như một cái bình vôi

Càng sống càng tồi

Càng sống càng bé lại.”

4. Đề cao chủ nghĩa quốc gia, tư sản, đả kích Liên xô, cho sự giáo dục con người ở Liên xô là rập khuôn, văn học nghệ thuật Liên xô là công thức.

5. Chống chính sách cải cách ruộng đất.

(Xin mở ngoặc: Ngày 30/10/1956, trước Mặt Trận Tổ Quốc Hà Nội, luật sư Nguyễn Mạnh Tường đọc bài diễn văn quan trọng tựa đề “Qua những sai lầm trong cải cách ruộng đất, xây dựng quan điểm lãnh đạo”, nội dung phân tích những sai lầm của chế độ, đi từ sai lầm cải cách ruộng đất ở thôn quê, sang sai lầm trong chế độ mậu dịch ở thị thành, đến chính sách kinh tế mang tính cách bóc lột. Ông truy nguyên nguồn gốc những sai lầm và trình bày những nguyên tắc mới để sửa sang lại guồng máy luật pháp, chính trị, văn học, kinh tế).

6. Về văn nghệ, chủ trương phát triển “Trăm hoa đua nở trăm nhà đua tiếng”. Chối bỏ sự lãnh đạo của Đảng, nêu cao khẩu hiệu “Trả lại văn nghệ cho văn nghệ sĩ”.

(6 điểm kê khai theo bài tố cáo của Nguyễn Đình Thi, sđd, trang 114).

Những nguy cơ xụp đổ chế độ cũng được bàn đến, Hồng Cương viết:

“Hạ được tập thơ Việt Bắc và hạ được Tố Hữu xuống là hạ được cả giá trị văn nghệ kháng chiến xuống và hạ được sự lãnh đạo văn nghệ của Đảng và Chính phủ xuống. (…) Chúng vu khống chế độ ta là cộng sản thời trung cổ (communisme du moyen âge), là cộng sản phong kiến (communisme féodal), chế độ ta là cộng sản suy đồi (dégénérescence du communisme), chúng xuyên tạc và nguyền rủa chỉnh huấn của ta là đồi trụy tinh thần (avilissement de l’esprit), là nô dịch hoá tư tưởng (esclavage de la pensée). Chúng chế giễu chính sách đãi ngộ của ta là “bổng lộc” vua ban, huân chương của ta là “mề đay” của đế quốc. Không khác gì Phan Khôi đã ví chế độ ta với một triều đại phong kiến nào đó.” (Hồng Cương, sđd, trang 128, 129).

Chính Hữu trong bài tố cáo Lê Đạt, nói đến cái họa Nhân Văn số 5: “… Lê Đạt đã viết “Bài học về Ba-lan và Hung-ga -ri” trong Nhân Văn số 5, ký tên “Người quan sát” đăng ngay bên cạnh bài xã luận kích động quần chúng của Nguyễn Hữu Đang “Hiến Pháp Việt Nam 1946 và Hiến pháp Trung Hoa”, trong đó có những đoạn nói đến quyền công dân được tổ chức biểu tình tuần hành thị uy. Bài của Lê Đạt đưa ra những nhận định nguy hiểm cho tình hình nước ta lúc đó: “… Nhưng tốc độ và mức độ sửa chữa không kịp với đòi hỏi của tình thế và yêu cầu của quần chúng nên càng thúc đẩy sự công phẫn và phong trào đấu tranh tự phát của quần chúng…” Hai bài báo đó là những lời kêu gọi làm loạn. Đạt và nhóm Nhân Văn đã hỗn xược buộc Đảng và chính quyền ta phải chọn lấy một trong hai con đường: hoặc “lập tức” mở rộng tự do dân chủ, để cho chúng và bọn thù địch khác phá hoại, và cải thiện “ngay” sinh hoạt cho nhân dân, nếu không quần chúng sẽ biểu tình.” (Chính Hữu, sđd, trang 130, 131).

 *  *  *

Những người xây dựng nên phong trào

Nhiều người đã khuất, thế hệ trẻ ngày nay ít ai biết rõ về con người, về những hoạt động của họ. Những nhà văn mà Hoàng Văn Chí ghi lại tiểu sử và tác phẩm trong cuốn THĐNTĐB, được nhiều người biết đến hơn. Qua những bài buộc tội trong tập tài liệu BNVGPTTADL, chúng ta cũng có thể biết thêm được về tư tưởng và hành động của mỗi cá nhân và “tội trạng” nặng nhẹ của mỗi người.

Thụy An là người phụ nữ duy nhất -ở trong hay ở ngoài phong trào- bị kết án là “gián điệp”. Bà là một trường hợp đặc biệt, theo Lê Đạt và Nguyễn Hữu Đang, bà không ở trong NVGP, vậy mà tên bà được nêu lên hàng đầu trong “hàng ngũ phản động” với nhãn hiệu “Con phù thuỷ xảo quyệt” và những lời lẽ độc địa nhất dành cho bà: “Như vắt ngửi thấy máu, Thụy An như rắn bò tới các câu lạc bộ Hội Nhà văn phun nọc độc mạt sát chế độ ta bần cùng hoá nhân dân” (Bàng Sĩ Nguyên, sđd, trang 120).

Vụ án Thụy An có phải là một vụ án chính trị? Hay là một sự quy kết oan uổng? Lê Đạt sẽ soi tỏ một số nghi vấn chung quanh sự kiện này.

 Trước hết Thụy An là ai? Thụy An hay Thụy An Hoàng Dân tên thật là Lưu Thị Yến. Cho đến nay chúng ta chỉ biết sơ về bà qua những gì Vũ Ngọc Phan đề cập đến trong Nhà văn hiện đại : Là một nhà thơ, nhưng bà là người đi tiên phong trong địa hạt tiểu thuyết với cuốn Một linh hồn (1943). Nhà phê bình họ Vũ nhận định: “Một linh hồn cũng đáng kể là cuốn tiểu thuyết xuất sắc nhất của phụ nữ Việt Nam từ trước đến nay, tác giả đã giàu tưởng tượng, truyện lại xây dựng một cách vững vàng, chắc chắn”. Bà đã từng làm chủ nhiệm những tờ Đàn Bà Mới (Sài Gòn), Phụ Nữ Tân Văn (Sài Gòn), và Đàn Bà (Hà Nội). Là phóng viên chiến tranh, bà đã tham dự nhiều cuộc nhảy dù ra mặt trận để cung cấp tài liệu cho báo chí. Bà đã từng giữ chức giám đốc Việt Tấn Xã.

Mới đây chúng tôi liên lạc với nhà văn kiêm nhà báo Bùi Thụy Băng, con trai thứ nhì của Thụy An, hiện làm chủ nhiệm kiêm chủ bút nguyệt san Atlanta Việt báo, ông vừa hoàn tất tập tài liệu “Thụy An, 1945, 1954, 1975”. Tập tài liệu đồ sộ này sẽ được đăng dần trên Atlanta Việt báo và trên mạng Intrenet. Qua Bùi Thụy Băng, chúng tôi được biết thêm những chi tiết sau đây: Lưu Thị Yến sinh năm 1916 tại Hà Nội, là con ông bà Lưu Tiến Ích và Phùng Thị Tôn, quê gốc làng Hoà Xá, quận Vân Đình, tỉnh Hà Đông. Thủa nhỏ học trường Hàng Cót, Hà Nội. Năm 1929, 13 tuổi, Yến đã được đăng thơ trên tờ Nam Phong. 16 tuổi được giải thưởng văn chương của Triều đình Huế. Vào khoảng 1930-32, cô Yến được cha mẹ cho học tư thêm với một ông thầy người Quảng Bình. (Trong điện thư ngày 15/9/2004, ông Bùi Thụy Băng cho biết: “Người thày giáo đề cập ở đây là Tướng Võ nguyên Giáp. Năm 1930, ông ngoại của tôi đã mướn người thầy giáo sử địa Võ Nguyên Giáp về nhà kèm má tôi học. Năm 1933, má tôi theo thầy vô Nam – có thể để đi sang Trung hoa. Nhưng má tôi lại gặp ba tôi ở Sài Gòn và hai người lấy nhau”). Và trong bài tiểu sử Thụy An, Bùi Thụy Băng viết:

“Ông thầy giáo trẻ ấy đã bị trò Yến cùng các bạn trêu chọc là “Anh đồ Nghệ”. Hơn thế, Yến còn làm thơ nhạo báng dí dỏm:

…Khéo ghét anh đồ xứ Nghệ

Hơn mình mấy tí tuổi đầu (trích “Sao lại mùa thu ” của Thụy An) (…)

Hơn thế nữa, chính người thầy giáo trẻ ấy lại là một chiến sĩ hoạt động trong bóng tối. Chúng ta hãy lắng nghe lời thơ giới thiệu của Thụy An về người anh hùng đó:

… Hung hãn vọng vào tiếng bể

Hờn căm rít ngọn gió Lào

Anh mang trùng dương giận dữ

Anh mang hoang dại khô khan.

và như:

Mắt anh hừng trí bốn phương

Tay run nắm hồn dân tộc

Tóc xòa vương hận núi sông

Môi bậm tay tai nghe rên xiết

Áo cơm dọa dưới cùm gông!…

Thật sự, Thụy An đã hấp thụ tư tưởng cách mạng qua Thầy đồ Nghệ

… Rồi anh bắt đầu dẫn dắt

Dạy em khui lửa bất bình

Oán hận réo sôi lòng đất

Công lý tù đầy uất uất

Miếng cơm nghẹn họng nhân sinh… (Sao lại mùa thu)”.

(Trích tiểu sử Thụy An, do Thụy Băng viết). 

Người chồng của Thụy An là giáo sư Bùi Nhung, em ruột ông Bùi Kỷ và bà Trần Trọng Kim. Bùi Nhung có bút hiệu là Băng Dương. Thụy An sinh được 6 người con: An Dương (1934), Thụy Băng (1937), Thư Linh (38), Dương Chi (39), Ngọc Trinh (43) và Châu Công (45). Ông Bùi Nhung hai lần làm giám đốc đài phát thanh Hà Nội từ 48-49, và 51-52; rồi giám đốc đài phát thanh Hải Phòng năm 1954. Thụy An – Băng Dương sống ly thân từ 1949, nhưng không ly dị vì cả hai đều theo đạo công giáo. Người ta cũng nói đến quan hệ giữa bà và ông Đỗ Đình Đạo, một nhân vật quan trọng của Việt Nam Quốc Dân Đảng cùng cái chết có nhiều nghi vấn của ông Đỗ Đình Đạo.

Trong thời kỳ NVGP, Phan Khôi nhận Thụy An là con nuôi. Theo cả hai bên nhân chứng, buộc tội cũng như bênh vực, thì bà thường xuyên ra vào các hội văn nghệ, bà đã có ảnh hưởng không nhỏ đối với một số văn nghệ sĩ tham gia NVGP. Bà liên lạc, nâng đỡ tinh thần, tích cực giúp đỡ anh em Nhân Văn, đặc biệt gia đình Lê Đạt. Theo Lê Đạt và Nguyễn Hữu Đang thì Thụy An không viết gì cho báo Nhân Văn. Nhưng có thể Thụy An viết cho báo khác, vì Vũ Đức Phúc trong bài tố cáo, có nói đến “những nhân vật như một anh nghiện hút, ăn cắp (trong “Ông Năm Chuột” của Phan Khôi), một con đĩ, một tên ăn cướp (trong “Bích-xu-ra” của Thụy An), một tên việt gian cao cấp, một tên sĩ quan trong quân đội địch trung thành với đế quốc (trong “Trường hợp tòng quân của thiếu uý Lâm” cũng của Thụy An), lại trở thành những người đáng thương, đáng yêu, những người yêu nước đáng học tập” (BNVGPTTADL, trang 118).

Trả lời câu hỏi: Thụy An bị bắt ở đâu? Bùi Thụy Băng, trong cuộc nói chuyện điện thoại với chúng tôi, ngày 16/12/2004, cho biết: “Tôi nghe nói bà cụ tôi bị bắt ở Hoà Xá. Nhưng theo lời ông cụ tôi thì bị bắt ở Phủ Lý. Tại sao lại như vậy? Bởi vì khi thấy lâm nguy, biết mình bị theo dõi, Thụy An thường di chuyển giữa Hà Nam-Phủ Lý (quê chồng) và Hoà Xá-Vân Đình (quê mình) để trốn tránh”.

 Thụy An bị giam tại Hoả Lò Hà Nội từ tháng 3/1957 đến đầu năm 1960, bà bị đưa ra tòa, rồi sau đó bị  chuyển đi trại giam khác. Vào Hoả Lò chưa được 3 tháng bà đã tự chọc mù một mắt. Con người đã viết những câu thơ Tay run nắm hồn dân tộc, tóc xòa vương hận núi sông” lại một lần nữa ký tên dưới hành động của mình: lần này dưới những chữ đòi tự do, dân chủ cho dân tộc vừa lấy lại được quyền tự chủ.

 Việc bà chọc mắt, được nhiều người thân xác nhận, trong đó có Lê Đạt. Bùi Thụy Băng cho biết: “Trong số những bài viết về bà cụ tôi, có bài của Trần Minh, tựa đề “Nhân văn giai phẩm, một tư trào, một tội ác” đăng trong Giai phẩm (Việt Báo) xuân Tân Tỵ 2001, là chính xác nhất. Với những chi tiết mà chính tôi trước đây cũng không biết: Vào Hoả Lò chưa được 3 tháng thì bà cụ tôi chọc mắt. Lý do là bởi phải ra toà án nhân dân, đứng trước lá cờ đỏ sao vàng, người ta bắt bà cụ tôi phải cúi xuống, nhưng bà cụ không cúi. Vào nhà giam, không có bút viết, thì bà cụ tôi lấy cái đinh guốc, viết lên tường lời phản kháng chọc mù mắt để không phải nhìn thấy chế độ này nữa. Sau này có một người cũng bị giam tại căn phòng đó, đọc được và ghi lại, một vài nhà văn có chép lại câu này trên sách báo”

Ngày 21/1/1960 bà bị đưa ra toà cùng với Nguyễn Hữu Đang và bị kết án 15 năm tù. Tháng 10/1974 Thụy An được thả theo  diện “Đại xá chính trị phạm trong hiệp định Paris”, cùng diện với Nguyễn Hữu Đang. Được trả về quản thúc ở nguyên quán làng Hoà Xá, trên xe tù bước xuống, Thụy An bị ném đá. Năm 1976, nhờ em trai, là Lưu Duy Trác xin cho vào Nam đoàn tụ với gia đình, bà được vào sống với mẹ tại Gia Định.

Về biệt hiệu Thụy An Hoàng Dân, Bùi Thụy Băng giải thích: Phan Khôi và Thụy An là hai người bạn vong niên từ lâu, Thụy An kém Phan Khôi khoảng gần 30 tuổi. Biệt hiệu Chương Dân của Phan Khôi và Hoàng Dân của Thụy An, là cùng để tưởng niệm đến một người anh hùng, có tên là Chương Hoàng Dân hay Hoàng Chương Dân.  

Trong “sổ đoạn trường”, Nguyễn Hữu Đang, đứng thứ nhì sau Thụy An. Ông sinh ở Thái Bình, sớm tham gia các phong trào ái quốc. Trước 1942, ông hoạt động trong phong trào Truyền Bá Quốc Ngữ. Năm 1942, khi ảnh hưởng Việt Minh lên cao, ông tham gia Văn Hóa Cứu Quốc. Từ 1954, Nguyễn Hữu Đang liên lạc mật thiết với Trần Thiếu Bảo (sau này là chủ Nxb Minh Đức). Trong thời kỳ toàn quốc kháng chiến, ông đứng ra tổ chức Thanh Niên Xung Phong và sau đó làm Thanh tra Bình dân học vụ. Năm 1947, Nguyễn Hữu Đang chính thức vào Đảng. Nhưng vài năm sau, ông bắt đầu chán nản, tự ý bỏ cơ quan. Năm 1951, ông ly khai Đảng, và từ đó, khi ở Cầu Bố, khi ở Hậu Hiền, ông lên tiếng đả kích đảng, chống đối cách mạng. Vai trò của Nguyễn Hữu Đang trong tờ Nhân Văn sẽ được xác nhận rõ ràng qua lời tường thuật của Lê Đạt. Theo lời buộc tội của Mạnh Phú Tư thì “Nguyễn Hữu Đang là linh hồn của tờ Nhân Văn, Đang tìm kiếm, kiếm giấy, thu xếp việc ấn loát và viết bài, nhưng lại ký tên người khác, che lấp những nguồn tài chính, những người cung cấp phương tiện bằng hình thức nêu danh những người góp tiền in báo có một nhân lên gấp mười”. (Mạnh Phú Tư, sđd, trang 50). Lê Đạt sẽ trở lại những thông tin này, với cái nhìn của người trong cuộc. Trong bản tự kiểm thảo, Trần Dần cũng đã xác định: “Nếu không có Đang, không ai có thể tập hợp anh em được. Sẽ không có tham luận với những đề nghị: gặp Trung ương, ra báo… mà cũng sẽ không có tờ Nhân Văn”.

Theo Lê Đạt, Nguyễn Hữu Đang bị bắt trong lúc đang xẩy ra lớp đấu tranh Thái Hà, trên đường tìm cách vào Nam.

Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt, ba nhà thơ cùng nhạc sĩ Tử Phác, là những người dấy lên phong trào. Tuy vậy Hoàng Cầm dường như vẫn được nhà cầm quyền xử nương nhẹ hơn; vì Hoàng Cầm nổi tiếng từ trước kháng chiến? vì Hoàng cầm là tác giả những bài thơ hào hùng trong kháng chiến? hay vì Hoàng Cầm có thái độ cam chịu hơn? Do đó Trần Dần, Lê Đạt trở thành hai khuôn mặt nhà thơ “phản động nhất nước”.

Hoàng Cầm sinh năm 1921 tại làng Lạc Thổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Hải Dương. Trước kháng chiến ông đã nổi tiếng với ba vở kịch thơ Viễn khách, Kiều Loan và Lên đường. Trong kháng chiến, thơ Hoàng Cầm càng nổi bật với các bài Đêm liên hoan, Tâm sự đêm giao thừa, và trường ca Bên kia sông Đuống. Thời kỳ NVGP, Hoàng Cầm là người đầu tiên xin ra khỏi quân đội, cùng với Lê Đạt xây dựng nên các tờ Giai Phẩm và Nhân Văn. Hoàng Cầm giữ vai trò liên lạc và cổ động các văn nghệ sĩ, thúc giục Văn Cao làm thơ cho Giai Phẩm, ông đem bài thơ Nhất định thắng của Trần Dần ra in v.v… Những sáng tác của ông trong thời kỳ này không nhiều, được ghi lại có bài thơ “Em bé lên 6 tuổi” viết về hoàn cảnh đau thương của một em bé con địa chủ, bố bị đấu tố, mẹ bỏ đi Nam:

“Chị Đội bỗng lùi lại

nhìn đứa bé mồ côi,

cố tìm vết thù địch,

chỉ thấy một con người”.

Và vở kịch thơ Tiếng hát, mượn hình ảnh tiếng hát để nói về nghệ thuật và tự do, để xác định “không thể cưỡng bức được nghệ thuật”. Bài viết có tính cách tiêu biểu của Hoàng Cầm trong giai đoạn này là bài Con người Trần Dần, in trong Nhân Văn số 1, biện hộ cho Trần Dần. Nhưng tác phẩm chủ yếu của ông là Về Kinh Bắc, viết sau Nhân Văn, trong thời gian 57-58, phản ảnh ý chí quật cường của nhà thơ trước cơn bão tố dập vùi.

Trần Dần là một trường hợp đặc biệt bất phục tòng và đã chịu sự trù dập nặng nề. Hăng say tham gia kháng chiến, thời kỳ Điện Biên Phủ, ông viết Người người lớp lớp. Yêu người con gái ở phố Sinh Từ, gia đình đã di cư vào Nam, bất chấp sự ngăn cấm của đảng, Trần Dần vẫn kết hôn với người yêu. Những câu thơ “Tôi bước đi không thấy phố, không thấy nhà, chỉ thấy mưa sa, trên màu cờ đỏ” đã trở thành biểu tượng của một thời.

Bị bắt. Cứa cổ. Trần Dần biểu dương bi kịch NVGP. Mấy tháng sau, Đảng phát động “Trăm hoa đua nở”: trên Giai phẩm mùa thu tập I, Phan Khôi viết bài Phê bình lãnh đạo Văn nghệ, bênh vực Trần Dần, và bài Ông bình vôi bênh vực Lê Đạt. Trên Nhân Văn số 1, Hoàng Cầm viết bài Con người Trần Dần, và Nguyễn Sáng vẽ chân dung Trần Dần với vết sẹo trên cổ. Đảng phải xét lại trường hợp Trần Dần: Trần Dần được thả và ngày 2/10/56 Hội Văn Nghệ phải viết bài tự kiểm thảo đăng trên các báo. Đến cuối năm 1957, báo Văn in bài Hãy đi mãi của Trần Dần, tính cách tranh đấu vẫn còn quyết liệt:

“Tôi có thể mặc thây ngàn tiếng chửi tục tằn

Trừ tiếng chửi sống không sáng tạo”.

Trong bài tự kiểm thảo, Trần Dần viết: “Những sáng tác của tôi đều là cái loại đả kích vào các chính sách của Đảng cả. Nếu đọc cả một đống như thế, người ta sẽ cảm thấy sự lãnh đạo của Đảng là một sự ngột ngạt không thể nào sống nổi”. “Người sáng tác phải có quyền và có gan như người viết sử thời xưa, vua chém đi 6 người, đến người thứ 7 vẫn chép sử đúng như sự thật, vua đành chịu vậy”, (trích Những lời “thú tội” của Trần Dần, sđd, trang 312).

Lê Đạt là người duy nhất, từ trong nội bộ của đảng đứng lên đòi hỏi tự do dân chủ. Là một cán bộ hoạt động ở ngành Tuyên huấn, Lê Đạt được xếp vào loại “đầu sỏ”, “nguy hiểm” như Nguyễn Hữu Đang.

Theo lời tố của Xuân Diệu: “Đã rõ rệt như ban ngày, tập Giai phẩm mùa xuân 1956 phất lá cờ đầu tiên chống Đảng, chống chế độ, và Lê Đạt là nhà lý luận trong đó. Lê Đạt mở đầu Giai phẩm với cái tuyên ngôn: “Trích thơ gửi người yêu” (…) và bài thơ tuyên ngôn thứ hai “Mới” đăng trong Giai phẩm (…) Lê Đạt đưa ra cái tà thuyết rạch đôi các sự vật làm hai: hễ cái gì mới là cách mạng, hễ cái gì cũ là đeo kính vào viện hàn lâm, là mệt mỏi, lối mòn, vết già nua, lề đường han rỉ..(…) Lê Đạt là một người chủ chốt của báo Nhân Văn, tham mưu cho cả tờ báo, tự tay sửa chữa nhiều bài đả kích chế độ ta rất cay độc (…) Đứng lên lập nhóm Giai phẩm mùa xuân. Cùng với Nguyễn Hữu Đang làm bộ óc của báo Nhân Văn, đứng làm “nhà lý luận” của bọn chống Chế độ (…) Sau khi báo Nhân Văn bị cấm, Lê Đạt liên lạc cấu kết với Thụy An, Lê Đạt đóng vai trò quan trọng trong việc lũng đoạn Hội Nhà Văn, Lê Đạt tích cực dùng ngòi bút viết lối văn hai mặt; Lê Đạt luôn luôn giữ một cương vị đứng chủ trường phái; mãi đến trong lớp học văn nghệ lần thứ hai (tháng 3 và 4/1958) vẫn còn tìm cách quay quắt. Cho nên, xét Lê Đạt, ta phải nhìn thấy cho hết, rằng Lê Đạt chống đối ta, phá hoại ta từ trong bản chất giai cấp thù địch” (trích bài Những biến hoá của chủ nghĩa cá nhân trong thơ Lê Đạt, trong tập Dao có mài mới sắc của Xuân Diệu, 1963, các trang 86, 87, 89 và 95).

Chính Lê Đạt cũng xác nhận vai trò của mình trong bài tự kiểm thảo: “Tôi tham gia Nhân Văn với ý thức là người lãnh đạo lý luận của tờ báo vì tôi cho tôi vững vàng hơn Nguyễn Hữu Đang. Ban biên tập lúc đó gồm có 4 người: Nguyễn Hữu Đang, Trần Duy, Hoàng Cầm và tôi. Để tấn công quan điểm vô sản chuyên chính của Đảng, tôi vận động Thanh Châu viết bài Mậu Dịch, tôi góp ý, vẽ tranh một người đẽo chân cho vừa giày mậu dịch. (…) Nhân Văn bị đóng cửa nhưng tư tưởng Nhân Văn, tư tưởng chống đối vẫn chưa hết. Sau một thời gian các báo ngớt đánh, tình hình trở lại bình thường, chúng tôi lại vẫn gặp nhau đả kích Đảng, cho là độc đoán”. (trích Những lời “tự thú” của Lê Đạt, sđd, trang 318, 319).

Thơ Lê Đạt trong thời kỳ NVGP, có những câu đã in sâu vào ký ức dân tộc:

Đem bục công an đặt giữa trái tim người

Bắt tình cảm ngược xuôi theo luật đi đường nhà nước

Có những lời lẽ tiên tri:

Lịch sử muôn đời duyệt lại

Không ai lừa được cuộc đời 

Trần Thiếu Bảo, chủ trương Nxb Minh Đức, trách nhiệm ấn loát và phát hành những tờ Nhân Văn, Giai Phẩm, Đất Mới, quê quán ở Thái Bình. Ông mở hiệu sách Minh Đức (sau trở thành nhà xuất bản) ở Thái Bình, đến 1954, rời về phố Phan Bội Châu, Hà Nội. Trần Thiếu Bảo không theo cách mạng ngay từ đầu và có tiếng là Mạnh Thường Quân đối với văn nghệ sĩ. Cùng với Nguyễn Hữu Đang, Trương Tửu, tổ chức lễ kỷ niệm Vũ Trọng Phụng (thời ấy, Vũ Trọng Phụng còn bị liệt vào thành phần phản động). Theo lời buộc tội, Nxb Minh Đức đã “lợi dụng chuyện khai thác vốn cổ” để tái bản những sách “có hại” của Tự Lực Văn Đoàn như Tiêu sơn tráng sĩ v.v… Nxb Minh Đức cũng là trụ sở các cuộc họp báo Nhân Văn.

Trương Tửu-Nguyễn Bách Khoa, là nhà phê bình, nhà văn, giáo sư đại học và lý thuyết gia. Ông bước vào làng văn với loạt bài phê bình những tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn trên báo Loa, Hà Nội, năm 1935. Là nhà phê bình đầu tiên sử dụng phương pháp phê bình Mác xít một cách có hệ thống và có tính sáng tạo, đặc biệt trong những tác phẩm như: Nguyễn Du và truyện Kiều (Hàn Thuyên, 1942), Tâm lý và tư tưởng Nguyễn Công Trứ (Hàn Thuyên 1944), Kinh thi Việt Nam, (Hàn Thuyên 1950)… Ông còn là tác giả những tập tiểu thuyết tranh đấu và xã hội. Khi Mặt trận Dân Chủ của Việt Minh bắt đầu hoạt động, Trương Tửu viết bài đả kích Mặt Trận Dân Chủ trên các báo Quốc Gia và Thời Thế. Trương Tửu tuyên bố: “Văn nghệ không làm chính trị để giữ sự độc lập của trí thức”. Cùng với Nguyễn Đức Quỳnh, ông thành lập nhóm Hàn Thuyên theo khuynh hướng Cộng Sản Đệ Tứ, in sách của Lương Đức Thiệp, Thái Văn Tam, Nguyễn Tế Mỹ, Nguyễn Hải Âu, Hồ Hữu Tường và Nguyễn Bách Khoa (tức Trương Tửu). Năm 1945 , Hồ Hữu Tường

0