18/06/2018, 17:00

William Shakespeare

Phạm Văn Tuấn William Shakespeare (1564-1616) là nhà viết kịch và nhà thơ bậc nhất của nước Anh đồng thời cũng là tác giả danh tiếng nhất trên Thế Giới. Không một nhà văn nào có các tác phẩm được nhiều người tại nhiều quốc gia tìm đọc hơn William Shakespeare bởi vì Đại Văn Hào ...

Shakespeare

Phạm Văn Tuấn

William Shakespeare (1564-1616) là nhà viết kịch và nhà thơ bậc nhất của nước Anh đồng thời cũng là tác giả danh tiếng nhất trên Thế Giới. Không một nhà văn nào có các tác phẩm được nhiều người tại nhiều quốc gia tìm đọc hơn William Shakespeare bởi vì Đại Văn Hào Shakespeare đã hiểu rõ bản chất của con người, đã nhìn rõ các hoàn cảnh đặc biệt mà con người sinh hoạt, đã tạo ra các nhân vật trong các vở kịch mang nhiều ý nghĩa ra ngoài thời gian và không gian. Những nhân vật này đã tranh đấu giống như mọi người trong đời sống hàng ngày, đôi khi họ thành công, nhưng cũng có khi họ gặp thất bại cay đắng, bi thương

William Shakespeare đã có một kiến thức rộng rãi về nhiều đề tài gồm cả Thánh Kinh, Luật Pháp, Chính Trị, Lịch Sử, Nghệ Thuật, Âm Nhạc, Thể Thao, Săn Bắn, Thủ Công… đó là sự hiểu biết của một học giả nhưng ông lại chỉ có kinh nghiệm về Sân Khấu. William Shakespeare đã viết ra 37 vở kịch, được chia thành 3 loại là hài kịch, lịch sử và bi kịch với mọi loại nhân vật như vua chúa, tướng lãnh, các nhà triết học, các kẻ chăn cừu, các tay nghiện rượu, các kẻ móc túi… cho đến những tên giết mướn. Các vở kịch của William Shakepeare đã được phổ biến khắp nơi, gây nên ảnh hưởng lớn lao về Văn Hóa trên toàn Thế Giới. Nhiều từ và câu trong các vở kịch và bài thơ của William Shakespeare đã ở trong câu nói hàng ngày của nhiều dân tộc. Các tác phẩm của William Shakespeare đã giúp công vào việc hình thành Văn Chương của tất cả các quốc gia nói tiếng Anh và không nói tiếng Anh như hai nước Đức và Nga.

Các ý tưởng của William Shakespeare về các vấn đề như tình yêu lãng mạn, tính anh hùng hay bản chất của bi kịch đã tạo ảnh hưởng tới thái độ của hàng triệu người. Hơn nữa, các hình ảnh do William Shakespeare mô tả như Julius Caesar, Mark Anthony và Cleopatra đã gây ấn tượng đến chúng ta hơn các cuốn sách dạy về Lịch Sử.

Các vở kịch, các bài thơ của William Shakespeare đã được in thành sách, dịch sang các ngôn ngữ khác nhau và hàng ngàn học giả vẫn nghiên cứu các tác phẩm của William Shakespeare cũng như các nhà soạn nhạc đã dựa vào các câu chuyện và nhân vật của William Shakespeare để soạn ra các nhạc kịch danh tiếng. Ngày nay, đã có các bộ sách nghiên cứu đặc biệt, các thư viện đặc biệt với chuyên đề là William Shakespeare như Thư Viện Folger Shakespeare tại Thủ Đô Washington D.C., Thư Viện và Viện Bảo Tàng Nghệ Thuật Henry E. Huntington tại San Marino, Calif., Viện Bảo Tàng Anh Quốc (the British Museum) tại thành phố London, Thư Viện Bodleian của Đại Học Oxford, nước Anh, đồng thời các nhà làm phim đã chuyển các vở kịch của William Shakespeare thành các bộ phim hấp dẫn trình chiếu khắp nơi trên Thế Giới.

1/ Cuộc đời của William Shakespeare.

Vào thời đại của Nữ Hoàng Elizabeth Đệ Nhất, người dân nước Anh chỉ quan tâm đến các sự việc liên quan tới nhà thờ và quốc gia. Các chi tiết về tiểu sử, nhất là tiểu sử của một nhà soạn kịch, lại càng không được chú ý, ngoài ra nghề viết kịch không phải là một nghề cao quý trong xã hội. Do thiếu các tài liệu chính xác, nhiều người cùng tin rằng William Shakespeare sinh vào năm 1564, năm thứ 6 của triều đại Nữ Hoàng Elizabeth I và được rửa tội có lẽ vào ngày 26 tháng 4 tại Stratford-upon-Avon, trong khu vực Warwickshire nằm cách thành phố London 120 cây số về phía tây bắc.

William Shakespeare là người con thứ ba của ông John và bà Mary Arden Shakespeare. Ông John Shakespeare, cha của William, vốn là một người thợ thuộc da và bà Mary Arden là con gái của một chủ trại giàu có hơn, theo đạo Thiên Chúa Catholic. Hai ông bà kết hôn vào năm 1557. Hai người chị của William đã qua đời trước khi William sinh ra và các người em khác là Gilbert, Joan thứ hai, Anne, Richard và Edmund. Chỉ có em gái Joan thứ hai sống lâu hơn William.

Stratford-upon-Avon là một thị xã thịnh vượng và tiến bộ, hãnh diện vì có một trường tiểu học gồm nhiều thầy giáo tốt nghiệp Đại Học Oxford. William bắt đầu đi học vào tuổi lên 7, có lẽ theo học trường tiểu học Stratford với các trẻ em cùng giai cấp. Vào cuối thế kỷ 16, thị xã Stratford có dân số vào khoảng 1,500 tới 2,000 người nhưng lại là nơi họp chợ quan trọng của cư dân các vùng chung quanh. Cuộc sống của người dân nơi thị xã này khá tấp nập nhờ các buổi họp chợ, nhờ các đoàn kịch đến trình diễn các vở hát như Robin Hood. Bên ngoài thị xã là các cánh đồng, các khu rừng, ngoài ra gần thị xã còn có giòng sông Avon, là nơi có nhiều người câu cá, thả lưới. William Shakespeare đã yêu mến thiên nhiên và đời sống nông thôn với chim muông, sâu bọ và các người dân quê hiền lành, nên về sau đã phản ánh những tình cảm này qua các bài thơ và các vở kịch.

Vào năm 1576, ông John Shakespeare đã gặp một tai nạn khiến cho ông phải bán đi nhiều tài sản và William không thể theo học được nữa. Ông John đưa con trai về nhà để phụ giúp cửa hàng. Một sự việc bất lợi khác xẩy ra khiến cho William phải cưới vợ vội vã vào tuổi 18, khi đó cô dâu Anna Hathaway 26 tuổi, là con gái của một chủ trại giàu có, sinh sống trong làng Shottery, cách Stratford vào khoảng một dặm đường. Họ đã có con gái đầu lòng tên là Susanna, rồi tới đầu năm 1585, một cặp sinh đôi đã ra chào đời là Hamnet, con trai, và Judith, con gái. Trong khoảng thời gian từ năm 1585 tới năm 1592, đã không có chi tiết nào ghi về cuộc đời của William Shakespeare. Một câu chuyện khác nói rằng William Shakespeare sống tại thành phố London vào năm 1588, làm nghề coi ngựa cho chủ rạp hát và cũng làm người hầu.

Từ năm 1592, William Shakespeare đã hoàn toàn dấn thân vào sinh hoạt kịch nghệ của thành phố London với vai trò của một diễn viên và của người có cổ phần trong công ty kịch nghệ “The Lord Chamberlain’s Men”. Đây là đoàn hát danh tiếng thường hay trình diễn trong triều đình của Nữ Hoàng Elizabeth I. Trung bình mỗi năm William Shakespeare sáng tác được 2 vở kịch và là nhà soạn kịch danh tiếng nhất của thành phố London. Trong cuốn sách có tên là “Palladio Tamia : Witt’s Treasury”, xuất bản vào năm 1598, nhà văn trẻ tuổi Francis Meres đã viết về William Shakespeare như sau :”Giống như Plautus và Seneca nổi danh về các hài kịch và bi kịch viết bằng tiếng La Tinh, Shakespeare là tác giả người Anh xuất sắc nhất về cả hai loại kịch kể trên dùng cho sân khấu”. Lời khen ngợi của Francis Meres đã xác nhận rằng vào cuối thập niên 1590, William Shakespeare đã là nhà văn hữu hạng dù cho vào thời gian này, ông chưa viết ra các vở bi kịch lớn lao như Hamlet, Othello, Vua Lear và Macbeth.

Từ năm 1592 tới năm 1594, bệnh dịch đã khiến cho các rạp hát tại thành phố London phải đóng cửa nên William Shakespeare quay sang làm thơ. Năm 1593, tập thơ dài của William Shakespeare với tên là “Venus và Adonis” được in ra và đề tặng cho Henry Wriothesley, Hầu Tước miền Southampton. Tập thơ “Venus và Adonis” đã sớm thành công. Sau đó vào năm 1594 tập thơ dài thứ hai của William Shakespeare có tên là “Cuộc Hiếp Dâm Nàng Lucrece” (the Rape of Lucrece). Vào cuối thập niên 1590, không những là một nhà văn danh tiếng, William Shakespeare còn là một nhà kinh doanh giàu có nhờ các cổ phần khai thác bằng các đoàn kịch. Năm 1597, William Shakespeare đã mua được tòa nhà New Place, một trong hai kiến trúc lớn nhất của thị xã Stratford. Năm 1599, Shakespeare cùng với 6 người hùn cổ phần, đã mua lại Rạp Hát “Hoàn Cầu” (The Globe) tại ngoại ô của thành phố London. Đây là rạp hát mới, loại ngoài trời, rất rộng lớn, có thể chứa tới 3,000 khán giả.

Năm 1603, Nữ Hoàng Elizabeth I qua đời. Nối ngôi là một người trong họ của Nữ Hoàng, là Vua James VI của xứ Tô Cách Lan (Scotland). Khi lên làm vua nước Anh, James VI trở thành James I và nhà vua này rất ưa thích sân khấu nên đã trợ giúp các đoàn kịch. Vua James I cũng cho phép đoàn kịch của Shakespeare được trình diễn trong triều đình vì vậy đoàn kịch này trở thành “The King’s Men” hay “Đoàn Kịch của Nhà Vua”, một loại người giúp vui chuyên nghiệp cho Triều Đình Anh. “The King’s Men” đã thực hiện được nhiều thành công và là đoàn kịch dẫn đầu của thành phố London. Trong các năm từ 1599 tới 1608, William Shakespeare đã hoạt động tích cực, đã viết ra nhiều hài kịch và hầu như tất cả bi kịch, do đó danh tiếng của ông đã vang lừng. Năm 1609, một nhà xuất bản tại thành phố London tên là Thomas Thorpe đã cho ra đời một cuốn sách có nhan đề “Các bài thơ Sonnet của Shakespeare”. Cuốn này gồm hơn 150 bài thơ loại 14 câu mà Shakespeare đã làm trong nhiều năm. Vào 8 năm cuối đời, William Shakespeare đã viết 4 vở kịch là Cymbeline, Henry VIII, “Bão Tố” (the Tempest) và “Câu chuyện của Mùa Đông” (the Winter ‘s Tale). Vào ngày 10 tháng 2 năm 1616, người con gái nhỏ của William Shakespeare tên là Judith, lập gia đình với Thomas Quiney, con trai của một người hàng xóm. 6 tuần lễ sau đó, Shakespeare viết di chúc rồi trong vòng một tháng, ông qua đời và được chôn tại nghĩa trang của nhà thờ Stratford. 7 năm về sau, tức là vào năm 1623, các tác phẩm lừng danh của Đại Văn Hào William Shakespeare bắt đầu được in thành sách và được phổ biến.

westminster_abbey

Westminster Abbey

2/ Bối cảnh xã hội của thời Shakespeare.   

Các tác phẩm của William Shakespeare đã phản ảnh các hoàn cảnh văn hóa, xã hội và chính trị của thời đại Elizabeth I. Vào cuối thế kỷ 16 tại nước Anh, phần lớn dân chúng vẫn còn tin tưởng vào các hồn ma, các mụ phù thủy và các nhà quỷ thuật (magicians). Không có tài liệu nào chứng tỏ Shakespeare có các niềm tin như thế nhưng Đại Văn Hào Shakespeare đã dùng các dị đoan trong các tác phẩm của ông một cách hữu hiệu như hồn ma đóng vai trò quan trọng trong các vở kịch Hamlet, Julius Caesar, Macbeth và Richard III, các mụ phù thủy là những nhân vật chính trong vở kịch Macbeth, và Prospero là một nhà quỷ thuật trong vở kịch “Bão Tố” (The Tempest).

Vào thập niên 1580, thành phố London với dân số vào khoảng 150,000 người, đã trở nên một nơi thị tứ sầm uất của châu Âu. Trên giòng sông Thames đã có hàng ngàn con tầu buôn xuôi ngược và đôi khi Con Phà Hoàng Gia (the Royal Barge) rực rỡ cũng xuất hiện trên giòng sông này. Cây Cầu London (the London Bridge) cũng là nơi danh tiếng với trên đầu cầu về phía nam có Tháp London (the Tower of London), nơi hay trưng bày các đầu lâu của những kẻ bị xử tội phản bội và đây là dấu tích của cảnh bạo lực thuộc Thời Đại Nữ Hoàng Elizabeth I. London có hơn 100 nhà thờ mà danh tiếng nhất là ngôi giáo đường St. Paul cổ kính. Ngoài ra về phía tây, còn có Inns of Court là một trường đại học đào tạo các luật sư, còn có Lâu Đài Hoàng Gia Whitehall (the Whitehall Royal Palace) và Cung Điện Westminster.đã bị tan tác vào năm 1588. Cảnh thịnh vượng, sang trọng của triều đình Anh là dấu hiệu về quyền lực của Triều Đại Elizabeth I.

Trong Thời Đại Elizabeth I, Văn Chương đã phát triển. Triều Đình Anh đã trợ cấp cho các nhà văn, nhà thơ khi viết ra các tác phẩm. Một số nhà văn quý tộc như Sir Walter Raleigh, Sir Philip Sidney… cũng sáng tác ra các áng văn thơ phản ánh vẻ rực rỡ của triều đại, đồng thời các nhà thơ có nguồn gốc bình dân cũng được bảo trợ như Christopher Marlowe, Edmund Spencer và Michael Drayton. Trong hoàn cảnh kinh tế, xã hội này, ngành Kịch Nghệ đã phát triển và bắt nguồn từ hai chiều hướng. Chiều hướng thứ nhất hoàn toàn thế tục, bình dân, kể lại các truyền thuyết cổ, các câu chuyện trong Thánh Kinh, các mẩu chuyện Lịch Sử cổ kim, còn loại thứ hai do các sinh viên của Trường Inns of Court, họ là các cựu sinh viên của Viện Đại Học Oxford hay Cambridge, đã từng hiểu biết Lịch Sử và Kịch Nghệ của các Thời Đại Hy Lạp, La Mã. Sự phối hợp nền văn học cổ điển với loại sân khấu bình dân hiện đại đã cho ra đời vào năm 1587 các vở kịch xuất sắc như “Tamburlaine” của Christopher Marlowe, hay “Bi Kịch Tây Ban Nha” (the Spanish Tragedy) của Thomas Kyd…

Về môi trường sống, thành phố London vào năm 1600 có độ 200,000 dân. Theo các tiêu chuẩn hiện nay thì thành phố này rất đông người và thiếu vệ sinh, nhưng do là thủ đô của nước Anh, London đã thu hút đủ mọi loại người tới đây tìm các cơ hội thăng tiến : các quan chức, thầy giáo, nghệ sĩ, nhạc sĩ, sinh viên… và các nhà văn. Việc dấn thân sâu xa vào đời sống của thành phố London của William Shakespeare đã khiến ông hiểu biết rất rộng rãi, nhờ đó ông đã tạo ra được nhiều nhân vật đa dạng trong các vở kịch.

Vào cuối thế kỷ 16, khi Shakespeare bắt đầu viết các kịch bản, người dân nước Anh mang vẻ lạc quan. Năm 1588, nước Anh vừa chiến thắng Hạm Đội hùng hậu Armada của Tây Ban Nha, tinh thần ái quốc của người dân Anh lên cao. Qua đầu thế kỷ 17, khi Nữ Hoàng Elizabeth I qua đời vào năm 1603, tại nước Anh đã xuất hiện nhiều vấn đề kinh tế và xã hội, các cuộc chiến nhỏ với vài nước khác đang diễn ra, các bệnh dịch lan tràn, giết hại hàng trăm người. Đời người trở nên bị đe dọa, ngắn ngủi. Các vụ xáo trộn chính trị đã gây nên nhiều pháp trường với cảnh chặt đầu các kẻ phản bội, cảnh treo cổ các phạm nhân nơi công cộng. Vì thế các kịch bản của William Shakepeare cũng phản ảnh sự thay đổi, từ lạc quan sang bi quan. Các hài kịch không còn thấy xuất hiện mà thay vào là các bi kịch như vở “Measure for Measure” (Mạt cưa, mướp đắng) hay vở “All’s Well that Ends Well” (Cây lành cho quả ngon). Bi kịch “Vua Lear” đã là một tiếng kêu trong thất vọng.

Nền văn chương của Thời Đại Elizabeth I phản ảnh các cảnh bạo lực (violence) hay cảnh chết chóc nên đồng thời, các bi kịch của Shakespeare cũng hàm chứa các cảnh tự sát hay giết người của các nhân vật chính trong kịch. Nhưng, dù cho mang đặc tính tàn bạo, người dân của thời đại này vẫn nhậy cảm đối với vẻ đẹp và thơ mộng. Văn Chương đã mang nhiều hình thức, kể cả kịch thơ (poetic drama), chuyện giả tưởng và các bài tham luận (essays). Người dân nước Anh vẫn yêu thích Âm Nhạc với các nhạc sĩ tài danh của nước Anh đứng ngang hàng với các nhạc sĩ của châu Âu. Âm Nhạc dùng các nhạc cụ, các bài hát và các bài nhẩy múa là ba yếu tố quan trọng trong các vở kịch của Thời Đại Elizabeth I.

Cho tới năm 1576, các diễn viên kịch nghệ chưa có các rạp hát cố định, họ trình diễn trong các ngôi nhà lớn của thành phố. Do Nữ Hoàng ưa thích các vở kịch từ đầu thập niên 1570 nên các diễn viên được nâng đỡ và các rạp hát bắt đầu được xây dựng. James Burbage vốn là một thợ mộc, đã trở thành một diễn viên và mở ra rạp hát “The Theatre” vào năm 1576 tọa lạc tại vùng đông bắc của thành phố London. Một rạp hát thứ hai tên là “The Curtain” được xây dựng vào năm 1577. Tại bờ phía nam của giòng sông Thames, vào năm 1587 Philip Henslowe đã dựng nên rạp hát thứ ba tên là “The Rose Theater” (Rạp Hát Hoa Hồng) rồi rạp hát thứ tư “The Swan Theater” (Rạp Hát Con Thiên Nga) mở cửa vào năm 1596. Cho tới năm 1596, William Shakespeare cư ngụ tại Bishopgate, gần các rạp hát và đã theo một trong các công ty kịch nghệ từ trước năm 1594. Các rạp hát ban đầu là các tòa nhà bằng gỗ, hình tròn, ở giữa là một sân rộng và khán giả (gọi là groundlings) đứng tại sân coi hát. Nếu chịu mua vé đắt tiền hơn, khán giả có thể ngồi trên 3 khán đài (galleries) có mái che nắng và che mưa. Vào thời kỳ đó, khán giả là loại người bình dân, thường uống rượu, nói năng ồn ào và có cử chỉ thô tục khi coi hát. Người viết kịch có tài thỉnh thoảng phải xen vào các pha khôi hài để làm cho khán giả vui thích. Các buổi trình diễn thường được tổ chức vào ban ngày, khi thời tiết tốt và để báo cho dân chúng quanh vùng biết có đoàn hát tới trình diễn, một lá cờ được kéo lên trên đỉnh tháp của rạp hát. Trên sân khấu của rạp hát vào thời đó, không có màn, không có phông cảnh, trên mái có vẽ các ngôi sao tượng trưng cho bầu trời và từ phần lầu của rạp hát (gọi là heavens) có thể hạ xuống sân khấu một thiên thần ngồi trên một cái ghế buộc bằng các sợi dây thừng. Rạp hát cũng có phần dưới sân khấu (gọi tên là hell) nhờ đó một diễn viên có thể xuất hiện hay biến đi khi vở kịch đòi hỏi. Mặc dù thiếu cảnh trí, sân khấu thời đó cũng dùng tới các dụng cụ phụ như bàn, ghế, ngai vàng, gươm súng, cờ xí, lều … Cũng có kèn, trống và các nhạc cụ khác. Tiếng sấm được tượng trưng bằng tiếng động do lăn mạnh các trái cầu bằng sắt. Có khi một khẩu đại bác bắn ra mà không có đạn, gây nên tiếng nổ lớn nhưng cũng dễ gây ra hỏa hoạn. Khi một vở kịch được trình diễn, một chậu cây tượng trưng cho một khu rừng và đôi khi có một người cầm một tấm bảng viết hàng chữ như “tại một khu rừng gần thành phố Athens”, hay một diễn viên bước ra sân khấu và nói lớn “nơi đây là khu rừng Arden”. Y phục của các diễn viên thời đó cũng khá lịch sự. Theo tục lệ, các nhà quý tộc khi qua đời, thường để lại các y phục cho kẻ hầu trung thành và những người hầu này đã bán loại quần áo đó cho đoàn hát. Vào thời đại Nữ Hoàng Elizabeth I, các vở kịch thường hay trình bày cảnh giết người nên diễn viên đeo sẵn một bọc máu heo bên trong áo ngoài nhờ đó khi nạn nhân bị đâm, mới có cảnh đổ máu trông giống như thực.

Cũng vào thời đại Nữ Hoàng Elizabeth I, Thanh Giáo (the Puritans) là nhóm tôn giáo có thế lực mạnh nhất. Họ rất nghiêm khắc về vấn đề đạo đức và cho rằng các vở kịch chỉ trình bày các cảnh tội lỗi, không thánh thiện, các rạp hát là nơi tụ họp của đám đông thiếu kỷ luật và các tội phạm. Cũng do ảnh hưởng của nhóm Thanh Giáo, các rạp hát chỉ được xây dựng bên ngoài biên giới của thành phố London và họ muốn chấm dứt hoạt động của các đoàn kịch nhưng Nữ Hoàng Elizabeth I và một số quan đại thần lại ưa thích kịch nghệ và đã bảo vệ các diễn viên. Do một đoàn kịch được một nhà quý tộc bảo trợ nên họ có tên là “The Admiral ‘s Men” (Các người của Ngài Đô Đốc) hay “Lord Chaimberlain ‘s Men” (Các người của Hầu Tước Chaimberlain), và đôi khi chính Nữ Hoàng cũng có các diễn viên riêng, được gọi là “The Queen ‘s Men” (Các người của Nữ Hoàng). Tên của người bảo trợ từ đó đi theo đoàn kịch khi họ trình diễn tại các rạp hát hay khi họ đi lưu diễn tại các tỉnh. Mỗi đoàn kịch thường gồm 12 người đàn ông vừa là diễn viên, vừa chung cổ phần với nhau trong nhiều năm và cũng có các trẻ em học nghề, các người phụ việc. Thời đó, phụ nữ không được làm diễn viên và vai đàn bà do các em trai đóng nhờ giọng nói thanh và không có râu. Đoàn hát cũng mướn các nhạc công và các vở kịch với cốt truyện hất dẫn, với các bài thơ hay, được viết ra do những người có học, hay nhóm nhân tài, được gọi tên là “The University Wits” (các bậc trí thức đại học). Nhà viết kịch danh tiếng nhất thời bấy giờ là Christopher Marlowe.

Thời gian sáng tác ra các vở kịch của William Shakespeare được chia thành 4 giai đoạn : (1) các năm cho tới 1594, (2) các năm từ 1594 tới 1600, (3) các năm từ 1600 tới 1608 và (4) giai đoạn cuối cùng là thời gian sau năm 1608. Giai đoạn sáng tác thứ nhất của William Shakespeare là thời kỳ học nghề, vào tuổi từ 26 tới 30. Shakespeare đã dựa theo các hài kịch và bi kịch La Mã, đặc biệt là loại bi kịch của Seneca (Senecan tragedy) hay “bi kịch có máu” (tragedy of blood), đã bắt chước văn phong của các nhà viết kịch thời trước và đương thời, và có thể tác giả cũng cộng tác với Christopher Marlowe. Các vở kịch của giai đoạn này nhấn mạnh tới các biến cố (events) hơn là diễn tả hình ảnh và nội tâm của các nhân vật.

Giai đoạn sáng tác thứ hai của William Shakespeare nổi danh vì các vở kịch như “Romeo và Juliet”, “Người lái buôn thành Venice” (the Merchant of Venice), và “Vua Henry IV”, với vở hài kịch xuất sắc tên là “Giấc Mộng Đêm Hè” (A Midsummer Night ‘s Dream). Văn phong của William Shakespeare trưởng thành, hàm chứa sức mạnh và chứng tỏ thiên tài của tác giả do các vở kịch vui tươi, châm biếm các mối tình lãng mạn, với nhiều bài thơ mô tả xúc tích.

Vở kịch “Hamlet” viết vào khoảng năm 1601, mở đầu cho giai đoạn thứ ba. Trong 8 năm, William Shakespeare đã thăm dò các điều ác, và thế giới của kinh hãi được trình bày bằng các bi kịch lớn vì tác giả đã bi quan trước các tư tưởng tuyệt vọng của con người, trước các hoàn cảnh đau thương của xã hội. Trong giai đoạn thứ tư và cũng là giai đoạn cuối cùng, William Shakespeare dùng tới một thể văn mới, đó là bi hài kịch (the tragicomedy) hay tình yêu lãng mạn bi thương (dramatic romance). “Bão Tố” (The Tempest) có lẽ là vở kịch hay nhất của thời kỳ này, đã kết hợp cả sức mạnh và sự khôn ngoan.

Các tình tiết, cốt truyện và tâm lý các nhân vật trong các vở kịch chứng tỏ William Shakespeare là một người uyên bác, hiểu rõ về con người, biết phối hợp kỹ thuật kịch với khả năng thơ phú, tất cả đã khiến cho ông trở nên nhà viết kịch bậc nhất (the greatest of playwrights). Nghệ thuật của William Shakespeare thì hiện thực (realistic), tức là hàm chứa sự thực của đời người và đây là sự thực mang tính vĩnh cửu (eternally true). Các nhân vật trong các vở kịch vừa sống động, vừa có tính ba chiều, họ có thể là tốt, là xấu, cao cả hay tầm thường, và gồm đủ mọi hạng người : các vua chúa, quan lớn, nhân viên hàng giáo phẩm, các kẻ gian tà, mơ mộng, điên khùng, các kẻ hoạt động… nam cũng như nữ, quê cũng như tỉnh… Cách mô tả các anh hùng của Shakespeare thực là tuyệt vời, và ngay cả các nhân vật phụ cũng thế, chẳng hạn như 20 phụ nữ trẻ trong các vở kịch đã được tạo dựng nên với tuổi tác gần bằng nhau, gần có cùng quá trình xã hội, gần có cùng lối sống bên ngoài, nhưng 20 phụ nữ này lại khác hẳn nhau trong đời thực. Các vở kịch của William Shakespeare đã làm cho khán giả coi kịch bị xúc động mạnh, đã gây ảnh hưởng sâu xa tới độc giả khiến họ phải đọc lại các kịch bản nhiều lần, thí dụ như vở kịch “Vua Lear” được coi là bi kịch bậc nhất của Shakespeare.

Cuộc đời của William Shakespeare đã không có các biến cố đáng kể. Shakespeare là một con người chăm chỉ, điều độ, thuộc giai cấp trung lưu, biết chăm lo gia đình và chịu khó kinh doanh. Nhiều người đã tin rằng một người với cuộc đời bình thường như vậy, với thời gian đi học ngắn ngủi như vậy, không thể viết ra được các vở kịch xuất sắc, không thể có được chiều sâu tư tưởng, làm sao biết được ngôn từ và các tư cách của giai cấp thượng lưu, không thể biết được các môn thể thao, săn bắn của giới quý tộc … Vì thế kể từ các năm 1800, đã có một số người không chịu tin tưởng rằng “người diễn viên của thị xã Stratford” là tác giả thực sự của các vở kịch lừng danh. Những người không chịu tin này được gọi là “anti-Stratfordians” và họ đã đề nghị vài nhà văn khác của thời đại Nữ Hoàng Elizabeth I, là tác giả đích thực, bởi vì các tác phẩm kịch lừng danh phải do một người học cao, uyên bác, thuộc giai tầng thượng lưu.

Trong nhiều năm và cho tới ngày nay, nhân vật được đề nghị là Sir Francis Bacon. Đã có rất nhiều sách vở viết về đề tài tranh luận này. Sau Sir Bacon là Edward de Vere hay Hầu Tước Oxford thứ 7, được cho là tác giả không chịu đứng tên. Ngoài ra còn có các nhân vật được đề nghị khác như Roger Manners, Hầu Tước Rutland thứ 5, William Stanley hay Hầu Tước Derby thứ 6 và ngay cả Sir Walter Raleigh. Và cũng lại có người cho rằng tác giả chính là Christopher Marlowe. Nhưng, biện luận rằng một “con người bình thường của thị xã Stratford” không thể trở nên một “đại văn hào” tức là đã quên đi các điều bí ẩn của một thiên tài! Kiến thức của một thiên tài không phải là thứ học được nơi trường học. Thiên tài học ít, hiểu nhiều, là người biết áp dụng trí tưởng tượng thiên phú, cách nhạy cảm về nghệ thuật, sự hiểu biết sâu rộng về con người vào các sáng tạo và đã từng có một số nhà văn danh tiếng mà học vấn còn thấp hơn William Shakespeare. Hơn nữa, có vài người quen biết William Shakespeare như Francis Meres vào năm 1598 và Ben Jonson vào năm 1623, đã vài lần xác nhận William Shakespeare là một nhà văn có tài trong số các nhà văn thường hay tụ họp tại quán rượu Mermaid (the Mermaid Tavern) và William Shakespeare đã được nhiều người khác nể trọng vì tài năng, yêu mến vì lòng tử tế.

3/ Giới thiệu Sơ lược những tác phẩm:    

A. Bi hài kịch Bão tố (*)

1/ Các nhân vật và vài chi tiết.

Loại truyện: bi hài kịch hay chuyện tình.
Thời điểm: Thế kỷ 15.
Địa điểm: một hòn đảo giữa biển.
Lần đầu tiên trình diễn: 1611.
Lần đầu tiên xuất bản: 1623.

Các nhân vật chính: Prospero, bá tước chính thức của thành Milan; Miranda: con gái của Prospero; Ariel: thần linh, phục tùng Prospero; Caliban: nô lệ của Prospero; Antonio: bá tước của thành Milan, em của Prospero; Alonso: vua xứ Naples; Ferdinand: con trai của Alonso; Sebastian: em của Alonso; Gonzalo: nhà triết học đã cứu sống Prospero và Miranda.

2/ Câu chuyện.

Ngày xưa tại kinh thành Milan có bá tước Prospero là người biết pháp thuật (a magician) lại rất yêu thích sách vở. Ông ta đã bỏ nhiều giờ mỗi ngày để đọc nghiền ngẫm các cuốn sách lạ, phủ bụi, mà quên đi việc cai trị kinh thành Milan, giao quyền hành này cho người em tên là Antonio. Sau nhiều năm trường nắm quyền, Antonio cho rằng chính mình mới thực là bá tước của kinh thành, nên đã liên lạc với vua xứ Naples tên là Alonso, một kẻ thù của Prospero. Cả hai người này âm mưu ám hại bá tước Prospero.
Vào một đêm tối đen, Antonio đã mở cổng thành cho lực lượng của vua Alonso lẻn vào. Prospero và đứa con gái nhỏ Miranda được đưa đi trốn bằng một con thuyền mỏng manh, rò nước. Trong cảnh bất hạnh này, cha con Prospero còn gặp được một điều may mắn, là một người bạn của bá tước đã bí mật lén dấu trong thuyền không những thức ăn, nước uống, mà cả quần áo đẹp và một quyển sách pháp thuật. Hai cha con gặp nạn này đã trôi giạt trên biển khơi trong nhiều ngày nóng nực và nhiều đêm tối đen, và trong cảnh huống cô đơn này, chỉ có nụ cười thơ ngây của Miranda là khiến cho bá tước Prospero không bị tuyệt vọng. Rồi cuối cùng vào một buổi chiều, ngọn gió lành đã đưa con thuyền mỏng manh giạt vào một hòn đảo xa lạ, nhiều ma quái.

Bước lên bờ, Prospero tìm chỗ ẩn náu rồi khi màn đêm phủ xuống, bá tước nghe thấy các tiếng kêu ai oán, lạ lùng, xuất phát từ trong khu rừng rậm. Cõng đứa con gái nhỏ trên lưng, Prospero đi tìm ra nơi có tiếng kêu than. Ở tận bên trong rừng sâu, bá tước nhận thấy có một cây thông bị sét đánh gẫy làm hai nhiều năm về trước. Có vẻ như tiếng kêu than xuất phát từ thân cây này. Prospero coi kỹ phần thân cây gẫy bị cháy đen rồi cầm nơi tay cây gậy pháp thuật, ông ta đọc mấy câu thần chú. Ngay lập tức trong không gian gần đó hiện ra một thần linh. Prospero ra lệnh: “Hãy nói đi, thần linh, cho ta biết tên và tại sao mi bị vướng mắc vào nơi này”. Thần linh lấy hơi, vươn mình lên khoảng không rồi nói: “Tôi là Ariel, bị cột vào thân cây này do mụ phù thủy tên là Sycorax khi tôi từ chối làm điều ác theo lệnh của mụ ta. Sau đó không lâu, mụ ta qua đời, để lại tôi vướng mắc vào cạm bẫy này trong 12 năm rồi”. Prospero nói: “Ta thả mi ra nhưng mi có sẵn lòng phục vụ ta không? Mi sẽ thấy rằng ta không bắt mi phải làm các điều độc ác”. Ariel đồng ý làm theo lời đòi hỏi của bác tước và được giải thoát khỏi thân cây thông nhưng ngay sau đó, xuất hiện một con quỷ dị hình, lông lá đây mình, gầm rú trong đêm tối.
Dùng cây gậy pháp thuật chỉ vào con quái vật đang xông tới, Prospero ra lệnh: “Quái vật, dừng lại!”, rồi trong ánh sáng yếu ớt, bá tước xem xét con quỷ ghê tởm này. “Ariel, mi biết gì về con quái vật này không?”. Ariel nói nhỏ vào tai bá tước: “Đây là đứa con của mụ phù thủy Sycorax. Mụ ta phục vụ cho chúa quỷ tên là Setebos cho tới khi bị đuổi vì các hành động quá độc ác của mụ. Mụ Sycorax trốn ra hoang đảo này và đẻ ra con quái vật mà ông đang nhìn thấy trước mắt. Tên của nó là Caliban và nếu ông lưu tâm tới lời tôi cảnh cáo, thì hãy quăng nó xuống biển cho xong việc”. Nhưng Prospero cũng là một con người bị lưu đầy, nên không nỡ tâm làm điều tàn ác như thế. Bá tước nói: “Để ta thử thuần hóa con vật man rợ này”.

Kể từ nay, bá tước kiêm nhà pháp thuật, cô con gái nhỏ, thần linh Ariel và con quỷ bất hạnh sống chung tại một nơi trú ẩn trên hòn đảo ma quái. Do sự chỉ dẫn của Caliban, Prospero đã tìm ra một hang khá rộng, khô ráo, gồm nhiều phòng. Dùng pháp thuật, bá tước đã làm thay đổi nơi này thành chỗ cư trú tiện nghi, an toan, để đọc sách và nuôi dạy cô con gái.

Khởi đầu Prospero đã đối xử với con quỷ một cách tử tế nên Caliban tỏ lòng biết ơn bằng cách cho biết nơi nào có nhiều trái cây ngon, nơi nào chứa nước uống trong sạch. Cô gái Miranda cũng thương hại con quỷ, đã bỏ ra nhiều thời giờ dạy nó biết nói nên sau một thời gian Caliban có vẻ thay đổi. Nhưng sự phục thiện của con quỷ không kéo dài được lâu, nó ghen tức với tấm lòng thương yêu mà Prospero giành cho cô con gái nhỏ, nó định ám hại Miranda nên bị đuổi khỏi hang và bị bắt làm các công việc thấp hèn. Vì vậy nỗi lòng oán hận bá tước trong lòng con quỷ Caliban mỗi ngày một gia tăng.

Miranda xa lánh dần con quái vật. Với sự che chở của Ariel, cô bé lớn dần, quen chơi đùa trên bờ biển hay chạy nhẩy trên các tảng đá, lân la vào nơi ven rừng. Vào mỗi đêm, cô được cha dạy cách đọc sách, được nghe kể lại nhiều câu chuyện lạ, hấp dẫn. Nhưng trong hoàn cảnh bao che, Miranda bắt đầu cảm thấy cô đơn, cần có người bạn cùng lứa tuổi. Trong thời gian này, bá tước Prospero tiếp tục đọc sách và tài năng pháp thuật của ông cũng tăng thêm. Ông ta vẫn còn bị ám ảnh bởi trí nhớ về người em phản bội và về chức quyền tại kinh thành Milan.

Sau 12 năm sống trên hoang đảo, Miranda đã trở thành cô gái 14 tuổi xuân, xinh đẹp như một bông hồng mới nở. Rồi vào một buổi chiều khi đang dạo chơi trên bờ biển, cô thiếu nữ nhìn thấy một vật lạ xuất hiện ở chân trời. Sau một hồi lâu, cô mới biết rằng đó là một con tầu. Trèo lên mỏm đá cao, Miranda nhìn ra biển rộng, nhủ thầm trong lòng lời cầu mong “con tầu ơi, hãy ghé lại nơi đây!”. Nhưng có vẻ như con tầu đi xa dần, không hướng về hòn đảo.

Trong lúc đang thất vọng vì bóng dáng con tầu khuất dần nơi xa xa, bỗng một cơn bão tố lớn nổi lên. Nhiều lằn chớp chói lòa cắt ngang bầu trời. Sóng cao đang xô đẩy con tầu tròng trành như sắp lật úp. Miranda nghe được nhiều tiếng kêu than của các người trên tầu dù cho gió mạnh gào thét. Và cô thiếu nữ cũng nghe thấy một tiếng hét khác, giận dữ và tàn bạo, phát ra rất gần nơi cô đứng. Quay đầu lại, cô thấy cha đang đứng trên một tảng đá cao hơn, tay cầm cây gậy pháp thuật chỉ lên trời cao, đôi mắt dữ tợn. Miranda quỳ xuống chân của cha cô, năn nỉ “Cha ơi, nếu do pháp thuật mà cha đã khiến cho nước biển nổi sóng dữ dội thì con xin cha hãy rủ lòng nhân từ. Tâm hồn con thương xót các linh hồn bất hạnh trên con tầu kia”.

Bá tước Prospero lúc này chỉ chú tâm vào pháp thuật, không để tâm tới cô con gái yêu. Miranda lại van xin: “Cha ơi, xin đừng làm hại họ!”. Nhà pháp thuật vẫn còn vung cây gậy, chỉ huy các trận cuồng phong vùi dập con tầu biển xấu số. Lần thứ ba, cô gái vẫn van nài: “Cha ơi, hãy tha cho họ!”. Lúc này, bá tước Prospero mới ngừng tay và nói: “Thôi”. Ngay sau đó, mặt biển trở lại yên tĩnh. Cô gái Miranda quay sang tìm kiếm con tầu, xem nó đã được an toàn chưa, nhưng tất cả đã biến mất.

Prospero an ủi con: “Đừng hoảng sợ, cha hứa với con rằng không một ai trên con tầu đó bị tổn hại cả”. Miranda bèn hỏi: “Nhưng tại sao cha đã hành động dữ tợn như vậy?”. Bá tước đã ngập ngừng, rồi qua tiếng thở dài, ông đã kể lại cho con gái nghe câu chuyện buồn vì bị phản bội và bị lưu đầy. “Cha phải làm tất cả những gì cần làm. Do pháp thuật, cha biết rõ ai đang ở trên con tầu kia – người em trai đã phản bội cha và nhà vua đã đồng lõa với nó. Đây là cơ hội cha phải trả mối hận thù. Miranda thương yêu, hãy ngủ đi con!”. Bằng một câu thần chú, bá tước làm cho cô con gái yêu ngủ say rồi sau đó gọi thần linh Ariel lại và hỏi: “Hãy kể cho ta nghe mọi sự việc đã qua”. Ariel bay trong làn gió, nói nhỏ vào tai Prospero: “Thưa ông chủ, tôi đã làm theo ý muốn của ông. Tôi đã khiến cho vài người nhẩy xuống biển đang nổi sóng, vài người khác nấp dưới sàn tầu. Nhưng tất cả đều được an toàn theo như lệnh của ông”.Prospero hỏi: “Còn con tầu thì sao?” – “Nó đậu tại phía xa của hòn đảo, nơi an toàn và khô ráo, và các thủy thủ chìm vào trong giấc ngủ huyền bí. Các người khác trên tầu bị phân tán xa nhau nơi bờ biển, nhà vua xa cách con trai, ai cũng tưởng rằng người kia đã chết đuối, mọi người đều than khóc thảm thương”.
Bá tước nói: “Hôm nay mi đã làm việc giỏi nên mi sẽ được tự do như làn gió thoảng. Bây giờ mi hãy tàng hình và dẫn đứa con trai của nhà vua lại chỗ nghỉ của ta và con gái ta”. Thần linh Ariel bèn cưỡi gió, bay tới nơi bờ biển mà hoàng tử Ferdinand đang ngồi than khóc vì mất cha. Bay vòng quanh hoàng tử, Ariel bắt đầu thổi lên một điệu nhạc buồn, cám dỗ. Nghe thấy tiếng nhạc, hoàng tử đứng dậy và kêu lên: “Tiếng nhạc này từ đâu tới vậy?”. Ariel tiếp tục chơi nhạc. Bị lôi cuốn bởi tiết điệu u buồn, Ferdinand đã đi theo theo thần linh tàng hình, băng qua rừng sâu, vào trong hang động của Prospero. Ngoài cửa hang, Miranda đang ngồi chải tóc.

Lòng thật buồn vì thương nhớ cha, hoàng tử Ferdinand bị ngạc nhiên khi nhìn thấy người thiếu nữ trẻ đẹp, bèn hỏi nhỏ: “Có phải cô là nữ thần đã phát ra điệu nhạc lạ lùng không?”. Miranda nhẹ nhàng trả lời: “Thưa chàng, tôi chỉ là một người con gái tầm thường”, và nàng hân hoan khi nhìn thấy một chàng trai tuyệt vời, khác hẳn cha nàng và Caliban.

Từ trong hang, Prospero nhìn ra và thấy rõ cảnh ngộ. Bá tước cũng vui mừng bởi vì dự định của ông là khiến cho hai người trẻ này sẽ thương yêu nhau. Nhưng ngay sau đó, Prospero đã do dự. Miranda và Ferdinand không thể yêu nhau một cách nhanh chóng và dễ dàng như vậy. “Tình yêu vội vã không thể bền lâu”. Bá tước nói nhỏ “Mối tình này phải gặp trở ngại để có thêm sức mạnh”. Vì vậy ông bước ra khỏi hang và thét hỏi chàng trai: “Anh là ai mà dám quấy rầy con gái của ta?”.Miranda bèn kêu lên: “Cha ơi, tại sao lại giận dữ như thế?”. – “Hãy im đi con. Tôi hỏi lại, anh là ai?”. Ferdinand buồn rầu trả lời: “Tiếc thay, tôi là vua của xứ Naples”. Prospero bật cười và nói: “Là vua hả? anh chỉ là một người thường dân”. Ferdinand đáp lại: “Cha tôi là vua, đã bị thất lạc trong cơn bão tố. Do tổn thất này, tôi đoạt vương niệm”.

Mặc dù câu trả lời đã làm cho bá tước vui lòng nhưng ông ta chưa để cho Ferdinand thoải mái. “Tôi cho rằng anh là giả, tới đây để chiếm đoạt hòn đảo của ta và cô con gái của ta. Giờ đây anh phải là kẻ phục tùng của ta”. Ferdinand rút gươm ra và la lên: “Nhà vua xứ Naples không phục tùng ai cả”. Prospero bèn dùng ngón tay, chỉ vào cây gươm của Ferdinand khiến cho nó trở thành quá nặng và hoàng tử không thể nhấc nó lên nổi. Rồi nhà pháp thuật chỉ cho hoàng tử thấy một đống củi lấm bùn và ra lệnh mang củi vào trong hang động. Bá tước cho rằng làm như vậy sẽ khiến cho Ferdinand nhận biết rằng chiếm được Miranda không phải là một công việc dễ dàng.

Sau khi đã sai bảo hoàng tử, Prospero bèn gọi thần linh Ariel và nói: “Bây giờ hãy dẫn ta tới gần các kẻ thù của ta”. Vào lúc này trên bờ biển, nhà vua và các người khác đang đi tìm dấu vết của Ferdinand. Khi tin tưởng rằng hoàng tử đã bị chết đuối, vua Alonso than khóc. Prospero cũng nghe thấy mọi người than đói nên bảo các thần linh của hòn đảo dọn ra một bàn tiệc bày nhiều thức ăn hấp dẫn. Mùi hương thơm ngào ngạt từ các đĩa thức ăn bay tràn trong không gian khiến cho bọn người kia thèm thuồng. Nhưng trước khi họ cầm thức ăn lên thì thần linh Ariel sà xuống mặt bàn, hóa thành một con quỷ có cánh. Bọn người đắm tầu giật mình, lùi lại. Con quỷ bèn vỗ cánh khiến cho tất cả thức ăn trên bàn biến mất. Ariel la lên: “Này, các người phạm tội”, rồi chỉ vào nhà vua và người em của bá tước Prospero: “Bây giờ các người hãy nhớ lại tội ác ngày trước của các người chống lại Prospero, bá tước thành Milan và cô gái Miranda. Hãy nhớ tới tội ác và hãy ăn năn”.

Ngạc nhiên trước sự việc con quỷ có cánh biết rõ quá khứ của mình, vua Alonso và Antonio quỳ xuống đất, khóc than vì sợ hãi. Prospero rất vui lòng trước cảnh huống này. Ariel trở lại bên Prospero và bá tước nói nhỏ với thần linh: “Bây giờ mi hãy bay và xem Caliban đang làm gì, để ta coi chừng Ferdinand và Miranda”.

Ariel đã nhìn thấy Caliban đi trên bờ biển, nặng nề vác với một khúc gỗ lớn. Bỗng nhiên con quỷ này ngừng lại. Phía trước nó là một người đàn ông ăn mặc kỳ lạ. Sợ rằng đây là một vị thiên thần gửi xuống để trừng phạt nó vì đi chơi lêu lổng, Caliban nằm bẹp xuống đất, chui người nấp dưới tấm vải rách. Nhưng thực ra, đây chỉ là anh hề Trinculo. Anh hề này còn rối trí vì mới thoát khỏi cảnh chết đuối. Anh ta ngã vào Caliban rồi kêu lên: “Đây là con người hay con cá? Thật gớm ghiếc, một con cá vì mùi tanh quá”. Một hồi sấm nổ vang trên bầu trời đen đặc. Trinculo kêu lên: “Nếu một cơn bão tố nữa xẩy ra như lần vừa qua, ta sẽ bị chết đuối khi đang đứng đây”, rồi anh ta bò xuống, chui vào tấm vải rách của Caliban để trú ẩn. Cảnh huống này khiến cho Ariel phải cười thầm: “Đây quả là một cặp khác thường”.

Sau đó, anh quản gia Stephano của nhà vua đi tới. Anh ta nổi được trên mặt nước và trôi giạt vào bờ là nhờ một thùng rượu chát. Để an ủi vì đã sống còn, Stephano uống nhiều rượu đến nỗi mất cả trí khôn. Tới lúc này do vấp ngã vào Caliban và Trinculo vì say rượu, anh ta chỉ biết mình gặp một con quỷ hai đầu. Anh quản gia la lớn: “Đồ khùng, ta không sợ ngươi đâu”, rồi dơ cao ly rượu chát làm bằng vỏ cây. Caliban sợ quá, năn nỉ: “Ôi, thiên thần, đừng hành hạ tôi, tôi thề sẽ mang củi về nhà thật sớm”. Nghe thấy vậy, Trinculo kêu lên: “Nó nói cùng một thứ tiếng với mình”. Trinculo cũng hỏi: “Anh Stephano đấy hả?”. Sau đó cả anh hề và con quỷ cùng gỡ bỏ tấm vải rách ra và Stephano truyền ly rượu chát cho hai kẻ này. Rượu chát thật là tuyệt vời đối với Caliban, nó cho rằng người có rượu này phải là một vị thiên thần. Nó bèn quỳ xuống, hôn chân Stephano và nói: “Tôi nguyện làm đầy tớ của ngài. Tôi sẽ chỉ cho ngài biết kẻ tàn ác đã chiếm giữ hòn đảo này của tôi. Tôi biết khi nào hắn ngủ. Ngài có thể giết hắn và chiếm đoạt cả hòn đảo lẫn cô con gái”.
Khi Stephano đồng ý, Caliban đã nhẩy múa và ca hát, rồi dẫn anh quản gia và anh hề tới hang động của nhà pháp thuật. Ariel đã đưa bọn này vào vũng lầy khiến cho họ bị chậm trễ, trong khi đó bay đến gặp Prospero và báo tin sự nguy hiểm sắp tới.

Trong lúc này Ferdinand phải làm công việc cực nhọc mà Prospero giao phó. Miranda đã khóc lên khi nhìn thấy cảnh này. Cô thiếu nữ bèn tới gần đống củi và kêu lên: “Hãy để em làm việc này thay anh”, nhưng Ferdinand đã trả lời: “Không, bộ mặt dễ thương của em đã làm cho công việc trở thành nhẹ nhàng”. Trong vòng bí mật, Prospero quan sát thấy cảnh làm việc vất vả của Ferdinand mà không than van. Bá tước tin rằng hoàng tử thật sự yêu thương Miranda. Prospero tới gần con gái và nói dịu dàng: “Lại đây con”, rồi ông dẫn Miranda về phía Ferdinand, đặt bàn tay của hai trẻ vào nhau. Bá tước nói với hoàng tử: “Tất cả những gì rắc rối này là cách thử tình yêu của con. Bây giờ ta ban phước lành cho sự đính hôn của hai con”. Rồi ông ta gọi các thần linh trên đảo xuất hiện thành các nữ thần và ban phước lành cho cặp uyên ương tương lai.

Cảnh chúc lành này chưa diễn ra được lâu thì thần linh Ariel đã bay đến, báo tin cho bá tước biết âm mưu của Caliban. Prospero nói: “Tiếc thay, cảnh vui vẻ của chúng ta phải chấm dứt bây giờ”, và ông ta vung cây gậy pháp thuật lên khiến cho các thần linh biến vào không gian, rồi sau đó bảo đôi trẻ lui vào trong hang động.

Prospero tìm cách đối phó với Caliban. Ariel ở bên bá tước và nói: “Kẻ phản bội không bao lâu sẽ dẫn các người kia tới gặp ông”. Prospero bèn nghĩ ra một kế hoạch và bảo Ariel: “Hãy mang lại đây các bộ quần áo đẹp nhất của ta”, rồi bá tước treo lô quần áo này trên các cành cây, gần nơi bãi trống. Khi tới gần bãi đất trống thì Caliban bảo Trinculo và Stephano: “Chớ ngừng tại đây, đầu tiên hãy giết Prospero rồi quần áo đẹp, con gái và hòn đảo sẽ thuộc về các ông”. Nhưng lời khuyên của con quỷ đã không khiến cho hai người kia nghe theo vì họ chưa từng được mặc quần áo đẹp như thế này. Trong khi hai kẻ gia nhân đang thử quần áo thì Prospero ra lệnh cho hai thần linh của hòn đảo hiện thành hai con chó rừng hung dữ, mắt lồi ra, nhe răng nanh đe dọa, khiến cho cả hai tên kia phải bỏ chạy.

Bá tước Prospero tới lúc này mới bảo Ariel dẫn nhà vua và các kẻ tùy tùng tới hang động. Nhà pháp thuật nghĩ tới việc trả mối hận thù xưa. Ông ta mặc áo choàng vào rồi cầm lấy cây gậy quyền thuật nhưng chính vào lúc này, thần linh Ariel trở lại và nói nhỏ vào tai bá tước: “Ông chủ đã nhìn thấy nhà vua và người em phản bội trước kia than khóc vì tội ác mà họ đã từng làm, trái tim của ông không xúc động sao? Một tảng đá phải nứt ra, một thân cây phải chảy nhựa vì thương xót nỗi ăn năn của họ”. Prospero bị ảnh hưởng bởi lời góp ý của Ariel: “Nếu mi chỉ là gió thoảng mà còn biết cảm thông cho những con người này, thì ta đây lại không biết tha thứ hay sao?” Nhà pháp thuật ngồi xuống, cúi đầu suy nghĩ. Ông ta giữ yên lặng một hồi lâu bởi vì không dễ dàng gì đè nén cơn tức giận. Cuối cùng bá tước nói: “Ariel, dẫn bọn họ lại gặp ta”.

Không bao lâu sau đó, nhà vua và các ngươi khác đã đứng trước cửa hang động. Họ ngạc nhiên biết chừng nào khi nhìn tận mắt thấy vị bá tước đích thực còn sống. Họ than khóc và xin tha thứ. Prospero mỉm cười: “Ta tha tội cho các người, tội làm hại ta”. Khi nhà vua và người em Antonio tuyên bố từ bỏ mọi quyền hành của kinh thành Milan thì Prospero nói với nhà vua: “Để đổi lại, ta hoàn trả bằng một sự việc đáng ngạc nhiên” và bá tước kéo tấm màn che cửa hang động, sau đó là cảnh Miranda và Ferdinand đang chơi cờ với nhau.

Miranda là con người chưa từng được nhìn thấy nhiều người khác tụ tập đông đảo như lần này nên sửng sốt, cầm lấy tay Ferdinand và nói nhỏ: “Tại sao lại có nhiều người đáng yêu ở nơi này như vậy? Ôi, một thế giới mới với thật nhiều người”. Chính vào lúc này, nhà vua khóc lên vì sung sướng khi được gặp lại người con trai còn sống sót và hoàng tử Ferdinand chạy ra, ôm lấy vua cha, đồng thời Ariel cũng làm tăng thêm niềm vui cho mọi người bằng cách mang lại con tầu trước kia đã được dấu tại một nơi kín đáo. Cuối cùng, theo mệnh lệnh của Prospero, thần linh Ariel dẫn anh hề Trinculo, anh quản gia Stephano và con quỷ Caliban tới gặp mọi người. Bá tước nói: “Tôi cho rằng hai người kia là của các ông, còn tôi đành nhận lãnh con vật u tối này”. Caliban cũng góp ý: “Kể từ nay tôi sẽ hành động khôn ngoan hơn trước. Tôi thật là ngu xuẩn khi tôn vinh một gã say rượu làm thiên thần”.

Cuối cùng, bá tước Prospero leo lên một mỏm đá cao nhất, ông ta giơ cao cây gậy và cuốn sách pháp thuật rồi ném chúng xuống biển. Thần linh Ariel bèn nhận lấy hai món đồ này, đem chôn tại một nơi an toàn, thật sâu trong lòng đại dương. Sau đó bá tước trả tự do cho Ariel, một nhân vật mà ông ta yêu quý chẳng khác gì cô con gái Miranda.
Khi bình minh trở lại, thần linh Ariel đã mang tới một món quà tặng cuối cùng, đây là các làn gió thuận hòa thổi con tầu mang vị bá tước, hai kẻ đang biết yêu và tất cả những người khác, trở về kinh thành Naples là nơi mà Ferdinand và Miranda sẽ cử hành lễ cưới.

3/ Vài nhận xét.

Vở bi hài kịch “Bão Tố” (The Tempest) được trình diễn trước Vua James I của nước Anh vào ngày 1/11/1611 nhưng trước đó, có thể đã có vài lần ra mắt khác. Nhiều học giả tin rằng Shakespeare đã viết ra 37 kịch bản, nhưng rất khó khăn khi tìm cách xếp hạng các vở kịch này do thiếu các ghi chép về ngày tháng. Tác phẩm đầu tiên do Shakespeare soạn ra là vở kịch Henry VI vào năm 1591, trong khi “Bão Tố” được viết vào cuối quãng đời sáng tác, năm 1611, cùng thời với các tác phẩm Cymberline và The Winter’s Tale (Chuyện Kể vào Mùa Đông).

Giống như nhiều câu chuyện tình khác, “Bão Tố” có thể được coi là một truyện thần tiên, gồm các nhân vật xấu và tốt, gồm một tình yêu trong trắng, không phức tạp và nhiều sự việc xẩy ra một cách lạ thường như trận bão do pháp thuật, các phù phép làm tê liệt kẻ xấu và bảo vệ kẻ tốt, các thần linh huyền bí…

Các vở kịch danh tiếng thường có chủ đích trình bày cuộc đời, đưa ra các hoàn cảnh đại diện mà không cắt nghĩa; vở kịch “Bão Tố” cũng theo cách này, đã cho thấy các ý tưởng, nếu nói một cách đơn giản, là sự tương phản giữa thiên nhiên (nature) và xã hội (society), là các vấn đề phạm tội, chuộc tội và hòa giải. Antonio đã âm mưu chiếm đoạt quyền hành cùng với vua Alonso rồi cả hai đã nhận tội. Alonso đau khổ vì sợ mất đứa con, đã nhớ lại tội phạm của mình và sự hòa giải là đám cưới của Ferdinand cùng người con gái Miranda của Prospero. Tình yêu giữa hai người thuộc giới trẻ này đã xóa đi hận thù của thế hệ trước, đã nói lên rằng sự vô tội và niềm tin của giới trẻ thì mạnh hơn tham vọng và ác tâm của thời đại cũ.

Qua vở kịch, Prospero là một nhà cai trị có từ tâm, không báo thù, đặc biệt đối với người em Antonio mà ông ta coi là phản bội, ám hại mình. Prospero còn là một nhân vật công bằng, chính trực, ngoài đặc tính thông minh, hiểu rộng.

Ariel là thần linh biết từ chối làm điều ác theo lệnh của mụ phù thủy Sycorax. Sự tuân lệnh của Ariel rất quan trọng trong việc biểu lộ lòng nhân đạo của Prospero, giúp công vào sự tha tội, và các hành động của Ariel thật là tương phản với việc làm của Caliban, con quỷ với dự mưu ám hại.

Caliban được diễn tả là một sản phẩm của thiên nhiên, dòng dõi của mụ phù thủy và tội ác. Bản chất của Caliban là vô lễ, nổi loạn, chỉ bị kiềm chế do pháp thuật. Caliban đã hành động mà không suy nghĩ, không hiểu rõ các sự việc xẩy ra và các người chung quanh. Nó tượng trưng cho một đứa trẻ của thiên nhiên, khó giáo dục, hành động như một con vật. Hình ảnh của Caliban có thể là lời bác bỏ ý tưởng cho rằng con người giống như cây cỏ, chỉ có thể phát triển tốt đẹp trong môi trường thiên nhiên.

Miranda là một thiếu nữ mới trưởng thành, ngây thơ, trong trắng, biết vâng lời, chưa từng được biết tới một người đàn bà nào khác ngoài người cha già. Cô gái này có lòng từ tâm đối với những người đi biển trong cơn bão tố. Do bởi sống nơi cô đơn, Miranda không biết tới cách tán tỉnh của Ferdinand bởi vì cô là con người trong sạch, lương thiện và biết yêu.

Giống như Miranda, Ferdinand cũng lương thiện, tử tế, kính trọng cô bạn gái và biết thương yêu cha. Hoàng tử này đã hứa hôn với Miranda khi tin tưởng rằng người cha đã qua đời trong cơn bão tố, nhưng khi gặp lại cha còn sống, Ferdinand chấp nhận ngay uy quyền của cha và báo tin cho cha rõ về mối tình mới. Ferdinand là một con người của danh dự, tương xứng với

0