Giải mã hôn nhân đầu triều Trần
Lý Chiêu Hoàng – tranh của PhanThanh Nam Trần Vũ Chung Triều Trần là triều đại có hôn nhân lạ lùng nhất trong lịch sử Việt Nam với những cuộc hôn nhân cận huyết, đặc biệt là giai đoạn đầu triều Trần. Tất cả đều nhằm mục đích gìn giữ quyền lực họ Trần nhưng cụ thể được tính toán ...
Trần Vũ Chung
Triều Trần là triều đại có hôn nhân lạ lùng nhất trong lịch sử Việt Nam với những cuộc hôn nhân cận huyết, đặc biệt là giai đoạn đầu triều Trần. Tất cả đều nhằm mục đích gìn giữ quyền lực họ Trần nhưng cụ thể được tính toán chính xác ra sao ?
Hôn nhân của Trần Cảnh
Cuối đời nhà Lý, vua Lý Huệ Tông không có con trai nối dõi nên truyền ngôi cho con gái là Lý Chiêu Hoàng. Trần Cảnh được sắp xếp để lấy Lý Chiêu Hoàng và nhận ngai vàng từ họ Lý chuyển qua họ Trần, một cuộc chính biến cung đình không đổ máu. Điều không may mắn cho Chiêu Hoàng là bà mãi vẫn chưa có con với Trần Cảnh, trước nguy cơ Trần Cảnh không có con nối dõi Trần Thủ Độ đã ép Trần Cảnh phải phế Chiêu Hoàng để lấy chị ruột của Chiêu Hoàng là Thuận Thiên công chúa khi đó đã có mang 3 tháng với Trần Liễu ( anh ruột của Trần Cảnh ). Tại sao có sự lạ lùng vậy, chẳng lẽ không còn ai nữa mà phải chọn lấy Thuận Thiên công chúa ? ( Em trai lấy vợ của anh )
Mục đích của Trần Thủ Độ là muốn quyền lực được tập trung tối đa vào tay họ Trần, hạn chế tới mức thấp nhất sự chia sẻ quyền lực, hướng tới ổn định nội bộ để xây dựng đất nước. Trần Thị Dung là người con gái có nhan sắc của họ Trần. Vua Lý Huệ Tông lấy Trần Thị Dung sinh được 2 người con gái là Thuận Thiên và Chiêu Hoàng.
Nếu chọn một người không phải họ Lý để lấy Trần Cảnh sẽ gây bất ổn, họ Lý vừa mới mất ngai vàng mà nay vị trí Hoàng Hậu lại bị cướp luôn khỏi tay họ Lý càng gây sự oán trách lớn trong dòng họ này, sẽ có những sự chống đối hay thậm chí âm mưu làm phản. Chọn Thuận Thiên giúp họ Lý yên tâm hơn vì vẫn còn chỗ dựa, con của Thuận Thiên sau này sinh ra tuy mang họ Trần nhưng cũng là cháu bên ngoại họ Lý, tôn thất nhà Lý sẽ được sống cuộc sống yên ổn phần đời còn lại, và nếu tôn thất nhà Lý có chuyện gì thì chắc cũng không đến nỗi bị đuổi cùng giết tận, hay tịch thu gia sản !
Vậy sao không tìm lấy trong tôn thất nhà Lý một người con gái nào khác, chẳng lẽ họ Lý đông như vậy lại không có lấy nổi một người con gái nào ? Thuận Thiên công chúa họ Lý và có một nửa dòng máu họ Trần, Trần Thị Dung vẫn còn đó nên việc kiểm soát Thuận Thiên cũng dễ dàng hơn, không ai có thể tác động tới con gái dễ bằng mẹ đẻ, hạn chế việc có một hoàng hậu mới lại ngả theo họ Lý bên ngoại. Đây chính là lý do chỉ chọn Thuận Thiên chứ không chọn lấy một người con gái nào khác trong tôn thất nhà Lý.
Quốc mẫu Trần Thị Dung lấy Thái sư Trần Thủ Độ
Một cuộc hôn nhân khác cũng rất đáng chú ý đó là việc Thái sư Trần Thủ Độ lấy Trần Thị Dung, hai người có mối quan hệ anh em họ. Trần Thị Dung là hoàng hậu của Lý Huệ Tông , có công rất lớn trong việc đưa nhà Trần tới ngôi báu. Khi Huệ Tông chết, Trần Thị Dung là Quốc Mẫu, với những gì đã đóng góp cho họ Trần từ ngày đầu còn ở Hải ấp, bà có ảnh hưởng không nhỏ tới triều chính, giả sử như Trần Thị Dung tái giá với một người không được tin tưởng nào đó thì quyền lực của họ Trần sẽ bị chia sẻ. Vậy ai là người có thể đáng tin nhất, đảm bảo nhất cho sự toàn vẹn và tuyệt đối của quyền lực họ Trần? Ngoài Thái sư Trần Thủ Độ ra thì không ai là người xứng đáng hơn cả. Người ta cho rằng thủa xưa khi chưa vào cung Trần Thị Dung và Trần Thủ Độ đã yêu nhau nhưng do phải lấy Lý Huệ Tông nên hai người đành chia cách. Có lẽ đó chỉ là một cách nói để hợp thức hóa việc hôn nhân của bà và Trần Thủ Độ. Trong lịch sử Việt Nam đã có trường hợp nhà vua chết, sau đó hoàng hậu tái giá với người họ khác và họ khác chiếm được ngôi báu. Một ví dụ điển hình đó là Thái Hậu Dương Vân Nga của nhà Đinh. Sau khi Đinh Tiên Hoàng bị ám sát, Thái Hậu Dương Vân Nga đã lấy Thập đại tướng quân Lê Hoàn dẫn tới nhà Đinh mất ngôi vào tay Lê Hoàn. Chắc chắn Thái sư Trần Thủ Độ phải rõ bài học này hơn ai hết.
Về mặt sinh học hay đạo đức thì những cuộc hôn nhân này là không đúng, tuy nhiên do thời đó hiểu biết chưa được tiến bộ nên người ta có thể tạm chấp nhận. Nhưng đứng từ góc độ tranh quyền đoạt vị mà nhìn vào thì đây là những mưu mô toan tính hoàn hảo từ một nhà chính trị xuất sắc như Thái sư Trần Thủ Độ.
Cuối cùng, xin kể ra đây một câu chuyện được lưu truyền từ đời xưa để chúng ta thấy có lẽ Trời đã định cho nhà Trần ngai vàng từ trước. Về cái tên của Lý Huệ Tông – vị vua cuối triều Lý. Lý Huệ Tông tên thật là Lý Sảm hay Lý Hạo Sảm. Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư, đời sau có người làm phép chiết tự cho rằng tên ông là Sảm, theo Hán tự thì bên trên: chữ Nhật là mặt trời, bên dưới: chữ Sơn là núi, chữ “Sảm” nghĩa là trên Nhật dưới Sơn, “mặt trời gác núi”, theo nghĩa đó mà suy thì đến đời Lý Sảm, mặt trời nhà Lý sẽ tắt. Quả đúng như vậy, Lý Huệ Tông truyền ngôi cho Chiêu Hoàng, Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh, nhà Lý kết thúc mở ra nhà Trần, một trong những triều đại huy hoàng nhất lịch sử Việt Nam.