Ngoại tộc dày xéo, cai trị Trung Quốc: Vì sao ngoại tộc cuối cùng thua bại bởi người Hán
Hồ Bạch Thảo Gần 2000 năm lịch sử, các bộ tộc từng vào làm vương Trung Quốc như 16 nước Ngũ Hồ, cho đến các triều đại Bắc Nguỵ, Bắc Tề, Liêu,Kim, Mông, Thanh v v …; hiện nay con cháu của họ, ngoại trừ vùng Ngoại Mông lập được nước Mông Cổ, còn tất cả số còn lại đều thua ...
Hồ Bạch Thảo
Gần 2000 năm lịch sử, các bộ tộc từng vào làm vương Trung Quốc như 16 nước Ngũ Hồ, cho đến các triều đại Bắc Nguỵ, Bắc Tề, Liêu,Kim, Mông, Thanh v v …; hiện nay con cháu của họ, ngoại trừ vùng Ngoại Mông lập được nước Mông Cổ, còn tất cả số còn lại đều thua bại, nép mình làm dân tộc thiểu số Trung Quốc. Hậu quả như vậy, khiến câu hỏi phải được đặt ra: Tại sao từ kẻ chiến thắng, cuối cùng họ bị thua bại?Liên hệ với lịch sửđề cập ở phần trên, có thể rút ra những bài học sau đây:
1.Ngoại tộc suy bại vì học theo chế độ quân chủ chuyên chế của Trung Quốc:
Từ thời bộ lạc, các bộ tộc phương Bắc có truyền thống bầu Đại Khả Hãn; nhờ công cử nên chọn được lãnh tụ có tài, có uy tín. Lịch sử đế quốc Mông Cổ là trường hợp điển hình:
Vào mùa xuân năm 1206 thống nhất các bộ lạc Mông Cổ, các quí tộc họp tại sông Ngạc Nộn [Onon River] bầu Thiết Mộc Chân danh hiệu Thành Cát Tư Hãn, lập nước Mông Cổ.
Sau khi Thành Cát Tư Hãn mất, Đà Lôi làm Giám quốc được 2 năm, đến năm 1229 tổ chức đại hội Khố Lý Nhĩ Thai; cử Oa Khoát Thai, người con thứ 3 của Thành Cát Tư Hãn, làm Đại Hãn.Kỳ đại hội Khố Lý Nhĩ Thai năm 1251, do Bạt Đô và Ngột Lương Hợp Thai chi trì con Đà Lôi là Mông Kha; khiến dòng Oa Khoát Thai mất địa vị, Mông Kha kế thừa Đại Hãn.
Khố Lý Nhĩ Thai là danh xưng đại hội của các dân tộc Đột Quyết, Mông Cổ, bầu chọn Đại Khả Hãn; tức chọn một Tù trưởng [Hãn] có thành tích cao làm Tổng chỉ huy [Đại Khả Hãn]. Trong giai đoạn lịch sử bầu chọn Đại Khả Hãn, nhờ công cửchọn được lãnh tụ giỏi, các Hãn đua nhau lập thành tích để mong được bầu, nên chính quyền Mông Cổ lập được nhiều kỳ tích: thống nhất miền bắc, chinh phục miền Tây Á, Đông Âu, xua quân xuống miền nam đánh chiếm vùng lưu vực sông Hoàng Hà, Dương Tử.
Đến lúc chiếm được Trung Quốc, thấy nước này từ lâu đời xác lập chế độ quân chủ chuyên chế theo chế độ cha truyền,rồi con trưởng nối dõi; với địa vị chí tôn của vua, con cháu đời đời sung sướng. Đây chính là niềm mơ ước của các anh hùng ngoại tộc khi vào Trung Nguyên, bèn bắt chước lập ngôi vua, muốn giữ địa vị cho dòng tộc lâu đời. Vua Nguyên Thế Tổ, Hốt Tất Liệt, cũng không đi chệch khỏi con đường đó; nên từ đời cháu là Thành Tông [1295] trở về sau các vua nối ngôi đều là con cháu dòng dõi Hốt Tất Liệt. Lịch sử chứng minh rằng kể từ đó cho đến khi nhà Nguyên sụp đổ [1368], thế lực Nguyên Mông trên đường đi đến chỗ suy bại.
2.Suy bại bởi chia rẽ phẩm trật cao thấp, giàu nghèo bất bình đẳng.
Ngoại tộc phương bắc trước khi vào xâm lăng Trung Quốc phần lớn là du mục, với cuộc sống nay đây mai đótrên lưng ngựa, tối quây quần ngủ trong lều da thú, thức ăn nướng trên bếp lửa, giữa Tù trưởng và dân trong bộ lạc, sinh hoạt đơn giản tương tự như nhau; trong chiến trận cùng chung hiểm nguy nơi đầu tên mũi đạn, nên tình tương thân tương ái càng thêm gắn bó.
Riêng ngoại tộc Mãn Thanh, nỗi tiếng bởi tổ chức Bát Kỳ, lúc hữu sự là quân, thời bình là dân, cùng chăm việc sản xuất. Nhờ tổ chức đoàn kết, nên buổi đầu Bát Kỳ là đạo quân nỗi tiếng.Đến lúc vào Trung Quốc, dần dần hấp nhiễm văn hoá Trung Nguyên, thể theo phẩm trật, phong chức tước; kèn cựa cấp bực lớn nhỏ, lo vinh thân phì gia. Do vậy cái khí thế hào hùng của đạo quân Bát Kỳ thuở ban đầu không còn nữa. Đến nỗi vào hậu bán thế kỷ thứ 19, quân Bát Kỳ bị Thái Bình Thiên Quốc đánh tan. Triều Thanh phải dựa vào Tương quân, Hoài quân của Tăng Quốc Phiên, Lý Hồng Chương mới chống nỗi Thái Bình Thiên Quốc. Kể từ đó cho đến cách mệnh Tân Hợi [1911], quân chủ lực của nhà Thanh như Tương quân, Hoài quân, Tân quân phần lớn là người Hán, còn quân Bát Kỳ Mãn Thanh bị tàn lụi.
3.Suy bại bởi hủ hoá:
Ngoại tộc nhập Hoa với thanh gươm yên ngựa, nếp sống đơn giản chất phác. Là kẻ chiến thắng, nên lúc vào Trung Nguyên được người Hoa chiều chuộng phụng sự; ăn thì tập theo lối “nhất dạ đế vương” (1), mặc thì gấm vóc lụa là, ở nơi lầu son gác tía, uy quyền “Nhất hô bách nặc” (2), vợ con gia đình vinh hiển. Ngoại tộc quen với hưởng thụ khoái lạc, đánh mất tinh thần thượng võ buổi ban đầu; nên buổi mạt vận thì ươn hèn, khom đầu như gỗ mục, khiến người Hán phản công phục quốc một cách dễ dàng.
Liên hệ qua lịch sử, quân Chu Nguyên Chương tại Nam Kinh chỉ mất 1 năm [1367-1368] đánh đuổi quân Nguyên từ lưu vực sông Dương Tử, qua lưu vực sông Hoàng Hà, rồi cuối cùng chiếm đại đô Bắc Kinh, coi như sự chống cự của Nguyên Mông không đáng kể. Nhà Thanh mấy trăm năm cai trị Trung Quốc, sau cuộc khởi nghĩa Vũ Xương của Quốc Dân Đảng, rồi đến chiếu chỉ thoái vị cuả vuaTuyên Thống [1912]; tập đoàn Mãn Thanh cúi đầu không chống cự.
4.Rút kinh nghiệm về việc ngoại tộc bị Hán hoá.
Mỗi dân tộc cótruyền thống và lịch sử riêng; khéo vun bồi gốc, cùng thu nạp tinh hoa bốn phương, thì dân tộc đó sẽ trở nên hùng mạnh. Nếu vọng ngoại bỏ gốc, chẳng khác gì cây không có rễ,sớm muộn cây sẽ ngã. Lược qua vài triều đại ngoại tộc, vì bị Hán hoá nên cuối cùng sụp đổ:
Thời Bắc Chu có bà Thái hậu họ Mã người gốc Hán,ảnh hưởng rất lớn đến người cháu là Hiếu Văn Đế [471-499] trong việc Hán hoá. Các sắc mệnh về Hán hoá của Hiếu Văn Đế có những nét chính sau đây:
-Ngoại trừ quan võ dùng nhung phục của dân tộc Tiên Ty như cũ, quan văn và dân phải mặc Hán phục.
-Đổi sang họ Hán: Quan Thị Chí ghi 118 họ dân tộc Hồ phải đổi sang họ Hán; như họ tôn thất Thác Bạt đổi thành Nguyên [元], họ Độc Cô đổi thành Lưu [劉].
-Bỏ tiếng Tiên Ty, dùng Hán Ngữ; nếu bắt gặp dùng chữ Tiên Ty bị giáng chức quan.
-Thông hôn: cổ vũ thông hôn với thế gia Hán tộc.
-Giáo dục: thờ Khổng Tử, tôn Nho học; thiết lập nhà Thái Học.
Việc Hán hoá này khiến tinh thần thượng võ của bộ tộc Tiên Ty bị suy đồi. Tập đoàn phía nam sông Hoàng Hà vùng kinh đô Lạc Dương, thi hành Hán hoá, được nhiều ân sủng; trong khi thế lực phía bắc vẫn giữ truyền thống cũ, thì bị xem thường, do đó gây nên mối loạn 6 trấn. Cuối cùng Nhĩ Chu Vinh lợi dụng thời cơ, mang binh công hãm kinh đô Lạc Dương, giết hơn 2.000 Vương, Công, Đại thần; đem Hồ Thái hậu cùng vua mới lập nhận chìm tại bờ phía nam sông Hoàng Hà, sử gọi là “Hà Âm chi biến”; biến cố này khiến triều Bắc Nguỵ trên đường diệt vong.
Ngoại tộc như Mãn Thanh không phải không cảnh giác về việc Hán hoá; sau khi quân Thanh đánh vào Bắc Kinh Nhiếp chính Đa Nhĩ Cổn thi hành chính sách khắt khe, bắt người Hán cạo tóc; lệnh nghiệt ngã rằng: mất tóc thì còn đầu, còn tóc thì mất đầu. Nhưng việc cạo tóc dóc bím, chỉ theo hình thức Mãn Thanh mà thôi; còn tinh thần Bát kỳ của dân Mãn từng làm nên chiến thắng lúc buổi đầu thì đã bị hủ hoá vàHán hoá mai một. Nên suốt thời cận đại, qua các cuộc chiến lớn như chống Thái Bình Thiên Quốc, chiến tranh Pháp Thanh, chiến tranh Trung Nhật tiếng tăm đạo quân Mãn Bát Kỳ hoàn toàn bị lụn bại; cho đến khi vua cuối cùng của nhà Thanh phải xin thoái vị, cũng không còn gây được chút ảnh hưởng nào!
Chú thích:
1.Nhất dạ đế vương: sống hưởng lạc theo kiểu làm vua một đêm.
2.Nhật hô bách nặc: một tiếng kêu, 100 tiếng dạ.