18/06/2018, 17:00

Về thân phụ Hoàng Hoa Thám và sự hy sinh của ông

Đại gia đình của cụ Hoàng Hoa Thám Khổng Đức Thiêm Cách đây 181 năm, vào ngày 18-10-1836, có một người ra đi như thế Người đó là Đoàn Danh Lại, phụ thân của Đoàn Văn Nghĩa – tức người anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám. Về sự kiện lịch sử đáng ghi nhớ này, cho tới nay các nhà ...

Dai gia dinh De tham

Đại gia đình của cụ Hoàng Hoa Thám

Khổng Đức Thiêm

Cách đây 181 năm, vào ngày 18-10-1836, có một người ra đi như thế

Người đó là Đoàn Danh Lại, phụ thân của Đoàn Văn Nghĩa – tức người anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám. Về sự kiện lịch sử đáng ghi nhớ này, cho tới nay các nhà sử học mới thấy duy nhất Phan Thúc Trực trong Quốc sử di biên, tr.154a – 154b chép lại một cách đầy đủ cả về thời điểm (ngày, giờ, năm, tháng) lẫn địa điểm:

“Ngày mồng 9 tháng 9, giờ Mão [năm Bính Thân, niên hiệu Minh Mệnh thứ 17 – khoảng 6 giờ sáng ngày 18-10-1836] có 3 dải khí vàng ùn lên bắt đầu từ phía đông nam, qua một giờ thì biến thành mây đen rồi mưa xuống.

Nguyễn Đăng Giai bắt được bọn phỉ ẩn nấp là Đoàn Đóa (Danh) Lại ở Gia Lâm.

Lúc bấy giờ Lại đổi họ tên làm đạo sĩ. Có Tú tài người Hưng Yên là Kỳ từng quen mặt, gặp [Đoàn Danh Lại] ở quán trọ Gia Lâm, lập tức bèn gọi hai người thợ trói bắt giải nộp cho quan tỉnh. Lại tự tử. Thưởng cho Kỳ 100 lạng bạc. Sau phong cho làm chức Chủ sự.

Ngày 20, ngày Canh Tý [29-10-1836] nửa đêm, phía đông, sấm đánh như pháo nổ”.

Cũng sự kiện trên, Đại Nam thực lục (Chính biên, Đệ nhị kỷ, Q.CLXXIII) thấy có chép lại, nhưng vắn tắt hơn và có một vài khác biệt:

“Tên đầu sỏ phỉ trốn thoát là Đoàn Danh Lại lâu năm làm giặc, quân và dân các địa phương ở Bắc Kỳ phần nhiều bị hại. Năm ngoái, tỉnh Hải Dương bắt được, đem giam, Danh Lại vượt ngục trốn. Đến bấy giờ hắn lẻn đến huyện hạt Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh. Tỉnh phái thám báo là Tú tài Bùi Duy Kỳ đem gia đinh hiệp cùng Tổng lý sở tại bắt được, giết đi. Thưởng cho Duy Kỳ 500 quan tiền và chức hàm Tư vụ, hậu bổ ở Bộ. Thưởng cho 100 quan tiền; quan tỉnh là bọn Hoàng Văn Trạm, gia cấp và kỷ lục có thứ bậc khác nhau”.

Cái điềm thiên nhiên hôm mồng 9 tháng 9 mà Phan Thúc Trực nhắc tới ở đoạn trên thường chỉ vào một năm mưa thuận gió hòa, nhà nông làm lụng đỡ lần hồi: Mồng 9 tháng 9 có mưa/ Dù ai đi sớm về trưa mặc lòng/ Mồng 9 tháng 9 không mưa/ Cha con bán cả cày bừa mà ăn. Nhưng cũng cái điềm ấy lại chỉ ra một cái tang và sự mất mát lớn: Đoàn Danh Lại – thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Dị Chế – Hưng Yên đã ngã xuống trên mảnh đất Gia Lâm – Bắc Ninh.

Vậy thì, trước khi hy sinh, người anh hùng – chiến tướng ấy đã để lại danh gì cho núi sông khiến cho người đời sau phải ghi lòng tạc dạ?

Vốn quê ngã ba sông nước Dị Chế, Tiên Lữ, Hưng Yên, Đoàn Danh Lại sinh ra và lớn lên trong những năm quê hương triền miên bị vỡ đê, lụt lội; luôn phải chứng kiến cảnh ngộ như:

Hai người hành khất (Nhị khất hành) mà Hoàng Văn Hòe đã ghi lại: – Trời chiều hai khách đến/ Lần lượt vào nhà tôi/ Nón mê áo rách tả tơi/ Tóc râu tua tủa dáng coi nhọc nhằn/ Trước chưa từng quen biết/ Đã tha thiết hỏi xin/ Rằng: – Văn Giang, Tiên Lữ/ Lũ lụt mấy năm liền/ Mênh mông trăng lặng khắp miền/ Giun dòi làm tổ ở trên ngọn cành/ Vụ mùa không một nhành lúa mới/ Thóc để dành ếch, giải nuốt trôi/ Vội vàng tìm kế sinh nhai/ Gạo không đâu bán bài hoài mà đi…

Đoàn Danh Lại chỉ khác họ ở chỗ, sau khi đổi thành Trương Thận, ông đã cùng Hoàng Đức Thiềm phát động cuộc khởi nghĩa ngay tại quê nhà, gây cho quân triều đình nhiều thiệt hại lớn ở Khê Than (Thiên Thi – Hưng Yên, tháng 6-1833), Đông Xá – Long Tửu (Đông Ngàn – Bắc Ninh, tháng 6-1834) để rồi bị giam trong ngục tối Hải Dương (tháng 12-1835).

Tại ngục thành, không có ai có thể ngờ một người vốn sinh ra trong một gia đình làm nghề dạy học mà tài năng lại xuất chúng đến thế, như Đại Nam thực lục (Chính biên, Đệ nhị kỷ, Q. CLXII) ghi nhận:

“Bộ biền Hải Dương là thí sai Chánh đội trưởng Nguyễn Văn Thanh bắt được tướng giặc trốn, ngụy xưng phó Hậu quản Đoàn Danh Lại. Việc lên đến vua, chuẩn cho Nguyễn Văn Thanh được thực thụ, lại thưởng gia 1 cấp và 300 quan tiền. Sau đó, tên Lại vượt ngục trốn thoát. Tổng đốc Nguyễn Công Trứ dâng sớ, xin nhận tội. Vua lấy làm lạ, dụ rằng: – Đoàn Danh Lại là giặc trốn đã lâu năm, vừa mới bị bắt để xử án, đồ hình cụ có đủ cũi gỗ, xiềng sắt, chỗ nhà ngục có tường đá bao quanh, thế mà nó dễ dàng cắt được đinh, mở được cũi, vượt hai lần tường thành, đeo xiềng trốn đi, mà tất cả quan lại, quân dân trong ngoài một thành đều ngủ mê, không một ai biết! Thế thì việc canh phòng sơ hở lơ là dường nào? Việc ấy như thế, đủ biết việc khác cũng bỏ bê trễ. Nguyễn Công Trứ, đã từng có lỗi, nhiều lần được cất dùng, ủy cho trách nhiệm cai trị 2 tỉnh. Hoàng Tế Mỹ cũng là viên bị cách, được biết nghiêm sức canh phòng, đến nỗi để trốn thoát! Lũ người đêm nằm vuốt bụng, nghĩ có xấu hổ không? Vậy, Nguyễn Công Trứ, trước giáng 4 cấp, Hoàng Tế Mỹ phải cách chức, đều chuẩn cho lưu dụng, định hạn điều tra lùng bắt (tên Lại). Và, những việc tù phạm vượt ngục từ trước thường vẫn vỡ ra, cần phải thông sức lại, nay chuẩn cho các địa phương, phàm những tù bị giam cấm, nếu là tù trọng phạm bị xử quyết thì sức sai tù đề lao, tư ngục phải giam riêng cho nghiêm cẩn, chớ để lẫn lộn, rồi dùng thêm xiềng khóa và gông cùm cốt cho bền chắc. Nếu chúng vì giam giữ mà đến chết, cũng chẳng bị tội phi hình. Như vậy khiến cho những đứa đại gian ác chẳng được trốn chết mà quan địa phương khỏi mắc tội vạ. Vậy phải kính cẩn thuận theo! Lại chuẩn cho các tỉnh Bắc Kỳ hễ ai bắt được tên tội phạm là Đoàn Danh Lại, thì không kể là quan quân, dân thứ, đều thưởng cho 500 quan tiền; kẻ nào biết rõ sự tình mà còn chứa chấp thì phải đồng tội”.

Về việc này, Phan Thúc Trực trong Quốc sử di biên cho biết thêm:

“Lúc bấy giờ vì tên phỉ Đoàn Đóa [Danh] Lại (tục gọi là Trương Thận) ở Tiên Lữ vượt ngục trốn thoát nên [Nguyễn Công] Trứ bị đi Hiệu lực. Con trai của Trứ đang ở Kinh, làm Chánh vệ Cẩm y xin được đi tróc nã tên Lại, vua khen có lòng dũng nên cho phép đi 3 tháng nhưng không bắt được, Trứ xin cho Chánh vệ được trở về, thưa rằng: – Thần có lỗ mãng, đần độn cũng không đến nỗi phải nhờ vào sức của con! Vua bèn lệnh cho ông đắp cao tường ngục thêm độ 2 thước…

Trước đây, do Đoàn Danh Lại trốn tù, có chỉ dụ người nào ở Bắc Kỳ bắt được tên Lại thì thưởng 100 lạng bạc nhưng chưa có người bắt được. Gặp đúng lúc anh cả của Lại [là Đoàn Văn Kính] đi chữa bệnh ở nhà Cai tổng ở Hưng Yên rồi làm nghề chế cối xay bột gạo ở đó. Lý trưởng bắt nộp quan phủ, quan quy công về cho Cai tổng”.

Trong khi đó, sau khi thoát ngục Hải Dương, Đoàn Danh Lại về gây dựng lực lượng tại trang Phú Nông (Thần Khê, khi đó còn thuộc Hưng Yên) rồi xuôi ngược khắp Ninh Bình, Sơn Tây, Bắc Ninh cho đến tháng 10-1836 gặp nạn trên đất Gia Lâm.

Đoàn Danh Lại hy sinh để lại 2 con trai còn thơ dại. Người con lớn là Đoàn Văn Lễ (sau đổi là Trương Văn Leo) và người con thứ là Đoàn Văn Nghĩa (sau gọi là Giai Thiêm) mới mấy tháng tuổi, được người chú bế chạy sang Sơn Tây rồi lưu lạc về vùng Yên Thế, Yên Dũng tỉnh Bắc Ninh. Giai Thiêm về sau thành nghĩa tử trong gia đình Cai tổng Thân Bá Nghị, Thân Bá Phức. Được nuôi dưỡng và tiếp tục rèn luyện chí khí dưới nếp nhà hào phú, có máu mặt nhất vùng Song Yên, Giai Thiêm dần dần tích tụ được khí cốt để sau này trở thành người anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám.

Một gia đình, ba thế hệ từ Đoàn Danh Lại, qua Hoàng Hoa Thám đến Hoàng Đức Trọng đã nối đời đứng dậy vì nghĩa cả của dân tộc, đúng như lời thơ mà gia đình tự nhận: Sơn Tây khởi nghĩa tung hoành/ Ba đời vì nước tan tành biệt ly/ Sa chân gặp bước lâm nguy/ Họ hàng tan nát còn gì nữa đâu/ Dấu nhà còn chút về sau/ Họ Trương biến mất bảo nhau họ Hoàng/ Có người cải lại họ Đoàn/ Họ Trương ai biết, họ Hoàng nào hay/ Nước non vẫn nước non này/ Trăm năm tạc dạ đợi ngày vinh quang…

Vậy là đã 181 năm, kể từ ngày thủ lĩnh Đoàn Danh Lại ngã xuống để ươm mầm cho Đoàn Văn Nghĩa – Hoàng Hoa Thám trở thành tùng bách mãi mãi trên đời. Thời gian thật mau mắn lắm thay.

 

                                                                         Hà Nội, thu 2017

0