18/06/2018, 17:04

Tìm hiểu về nước Thủy Xá và Hỏa Xá qua mộc bản triều Nguyễn

Vị trí địa lý của hai nước Thủy Xá và Hỏa Xá được khắc trong Mộc bản triều Nguyễn Nhật Phương Nói đến nước Thủy Xá 水 舍 và Hỏa Xá 火 舍 chắc không mấy ai biết hai nước này ở đâu, đời sống văn hóa thế nào và có mối quan hệ bang giao ra sao với triều Nguyễn? Qua tìm hiểu Mộc bản triều ...

Mộc bản triều Nguyễn

Vị trí địa lý của hai nước Thủy Xá và Hỏa Xá được khắc trong Mộc bản triều Nguyễn

Nhật Phương

Nói đến nước Thủy Xá 水 舍 và Hỏa Xá 火 舍 chắc không mấy ai biết hai nước này ở đâu, đời sống văn hóa thế nào và có mối quan hệ bang giao ra sao với triều Nguyễn? Qua tìm hiểu Mộc bản triều Nguyễn đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia – Đà Lạt, chúng tôi xin giới thiệu cùng bạn đọc về hai nước Thủy Xá và Hỏa Xá, mà thực tế ngày nay chính là vùng đất Tây Nguyên – một phần lãnh thổ của Việt Nam.

 Vị trí của nước Thủy Xá và Hỏa Xá

Theo Mộc bản sách Đại Nam thực lục thì nước Thủy Xá và Hỏa Xá xưa gọi là Nam Bàn, là dòng dõi Chiêm Thành, Lê Thánh Tông đánh được Chiêm Thành, lập cho con cháu vua nước ấy gọi là nước Nam Bàn, ở phía tây núi Thạch Bi, cắt đất từ núi Thạch Bi trở về phía Tây ban cho. Nước có độ hơn 50 thôn, trong nước có núi Bà Nam rất cao, Thủy vương ở phía Đông núi, Hỏa vương ở phía Tây núi. Bản triều ta thời sơ quốc cho là địa giới giáp Phú Yên, nên 5 năm một lần sai người đến nước đó ban cho các phẩm vật.

Tháng 4 năm 1840, vua Minh Mạng sai người đi xem xét bờ cõi, núi sông của hai nước Thủy Xá và Hỏa Xá. Trấn Tây dâng sớ tâu: Hai nước Thủy Xá và Hỏa Xá ở gần nhau, nếu đi từ phía Đông huyện Sơn Bốc, trải qua 15 hôm mới đến chỗ Quốc trưởng nước Thủy Xá ở. Đất ấy phía Đông giáp nước Hỏa Xá, phía Tây giáp huyện Sơn Bốc, phía Nam giáp man Đen Đen, phía Bắc giáp man Lai. Chỗ ở ba mặt có núi ngăn trở, một mặt là cánh đồng rộng, trong có nhà dân ước 100 nóc. Còn Quốc trưởng nước Hỏa Xá thì ở cách Thủy Xá ước độ 3 ngày. Đất của Hỏa Xá toàn là cánh đồng rộng, không có núi sông hiểm trở.

Huyện úy Sơn Bốc tên là Liệt lại tâu: Đường đi từ huyện Sơn Bốc đến chỗ ở của Quốc trưởng Thủy Xá ước 6 ngày đường, cách chỗ ở của Quốc trưởng Hỏa Xá ước 2 ngày đường. Đất của Thủy Xá phía Đông giáp Hỏa Xá, phía Tây giáp Man Phủ Nôn và tiếp giáp các huyện: Sơn Phủ, Sơn Bốc, Quế Lâm, phía Nam và phía Bắc tiếp giáp các Lạc man không rõ đến tận đâu. Nơi ấy dẫu nhiều núi khe nhưng cũng thấp nhỏ, không rõ hình thể to lớn thế nào.

Vua lại ban dụ cho người đi dò xét lần nữa thì đến tháng 12, Suất đội Nguyễn Văn Quyền của thuộc trấn Phú Yên tâu: Đất nước Thủy Xá, phía Tây giáp nước Hỏa Xá, phía Đông giáp đồn Phúc Sơn thuộc tỉnh hạt Phú Yên và giáp thuế Man ở Thạch Thành, phía Bắc giáp hoang Man ở Bình Định. Còn đất Hỏa Xá, phía Nam và Bắc đều giáp Lạc man. Giao giới của Thủy Xá và Hỏa Xá là hai quả núi đứng cao, địa thế như nóc nhà.

Đời sống văn hóa của Thủy Xá và Hỏa Xá

Theo Mộc bản sách Đại Nam chính biên liệt truyện sơ tập thì đời sống văn hóa của Thủy Xá và Hỏa Xá gần giống nhau. Rượu thì đổ lẫn với nước lã cho vào cái chum, lấy ống trúc hút vào uống. Trong nước không đặt quan chức, cũng không bắt lính đặt hình pháp. Dân không biết chữ, có vay mượn thì lấy dây thắt nút để ghi nhớ; cách sinh nhai thì chặt cây đào đất trồng cấy, không có cày bừa. Hàng năm không có nộp tô nộp thuế, Quốc trưởng cũng không trách thu. Khi Quốc trưởng muốn đi chơi, chỗ gần thì người đi theo độ 3, 4 người, chỗ xa cũng chẳng qua hơn 10 người, cưỡi 3 thớt voi, lấy nón lá che đầu, không có dù lọng.

Về phong tục của Thủy Xá và Hỏa Xá, khi trai gái bằng lòng nhau, thì bên trai đưa đủ trâu rượu đến nhà gái, mời dân sở tại đến họp, thế là thành hôn. Đại ước ra ở riêng thì ít, đi gửi rể thì nhiều. Khi chết không quan quách, chỉ đặt lên trên giường. Họ hàng đến thăm, khóc viếng, mỗi người lấy một nắm cơm nhỏ nhét vào miệng người chết. Cơm nhét vào mồm đã đầy rồi, người sau đến lấy tay móc cơm cũ ra, cho cơm mới vào. Đủ ba ngày thì đưa thây và giường đi, đào huyệt chôn, đắp thành nấm làm lễ cúng rồi về. Con cháu áo mặc vẫn như thường, chỉ có trong 3 tháng phải xõa tóc, gặp ngày giỗ cũng đem phẩm vật ra cúng ở mộ.

Phong tục của hai nước nói là đêm không nói là ngày, cứ thóc chín là 1 năm, không nói đến năm. Quan gọi là Lung, sứ giả không dám xưng là Lung, nên gọi là Ma.

Về âm nhạc thì dùng 5 chiếc chiêng đồng lớn và nhỏ, 1 chiếc thanh la đồng, 1 chiếc trống, việc hiếu hỷ đều dùng cả.

Tương truyền Thủy Xá có 2 khối đá và 1 đoạn roi mây, Hỏa Xá có 1 chiếc dao ngắn, được xem là vật rất thiêng đời đời truyền lại cho nhau, không rõ linh nghiệm thế nào mà không cho người khác đến gần để xem. Dân có ốm đau thì đem lễ vật nhỏ mọn đến cầu khấn là khỏi, người người đều cho là thần. Mọi người khi đến đền cúi lạy không dám trông thẳng, vì cớ là tục dân trọng việc quỷ thần.

Hai Quốc trưởng của hai nước Thủy Xá và Hỏa Xá chưa từng gặp nhau bao giờ, vì nếu gặp nhau thì có một người chết. Quốc trưởng tuổi già thì truyền cho cháu gọi bằng chú bác, chứ không truyền cho con.

Thủy Xá và Hỏa Xá dẫu có quốc trưởng, nhưng không có quân lính, thành quách, tự cày lấy mà ăn, tự dệt lấy mà mặc, không khác gì các sách trưởng. Chỉ có nêu tiếng thần thánh để nương nhờ, được mọi người tôn lên, dân Man phụng thờ như bậc thần linh mà thôi. Còn quyền sinh sát, việc tranh đấu đều do ở sách trưởng tự chuyên, Quốc trưởng không dự đến. Tương truyền khi mưa dầm mà cầu đảo thì mưa, nên gọi là Thủy vương. Chỗ ở của Quốc trưởng Hỏa Xá 3 mặt đều núi, một mặt cách đồng rộng, dân cư ước độ hơn trăm nóc nhà, gian giữa đặt cái giường tre, hai bên cắm dù lọng, chiêng trống treo ở giá, bên tả để 1 cái đồng hồ lớn, 1 cái bình đất, 2 cái bành voi bành bò, 1 cái hộp sơn khảm xà cừ, 2 cái mâm bồng sơn. Quốc trưởng Hỏa Xá người hơn 70 tuổi, đầu bịt khăn vải trắng, mình mặc áo vải trắng, dưới mặc quần vải hở cả đùi và đầu gối.

Ở giữa có một cái nhà sàn, Quốc trưởng ngồi giường bằng tre, mặc áo màu vàng thêu đầy hoa, đội khăn nhiễu màu xanh, mặc quần vải trắng; bên tả hai cái nhà sàn thờ cúng thần kỳ. Khi Quốc trưởng sai khiến làm việc, chỉ dùng người thân, không có binh giáp. Nước có việc thì họp dân làm binh, mang dao, vác nỏ, không việc thì giải tán về ruộng làng. Trị nước không có pháp luật hình phạt. Phàm thuộc man trái lệnh thì Quốc trưởng trù ếm cho dịch lệ và hỏa tai rất ứng nghiệm, cho nên dân man sợ như thần, dân có thịt rượu dâng Quốc trưởng thì đánh chiêng đánh trống, tay múa, chân nhảy làm lễ thờ vua. Phong tục tin ma quỷ, có đau ốm thì chỉ biết cầu đảo mà thôi. Tính quen nắng, giỏi bắn cung, dân cư nhiều mà gạo thì ít, họ khai khẩn núi rừng, chỉ trồng khoai, ngô, bông sợi, dưa bí để đổi chác cho người buôn.

Khi vua Minh Mạng sai sứ đến hai nước ấy tặng phẩm vật, thì Quốc trưởng hai nước ấy đều họp dân Man lại khoảng vài chục người, mổ một con trâu. Sứ thay phiên vương cúng thần, cầu khẩn. Cúng xong, Quốc trưởng đem thịt trâu cho mỗi người 1 bát rồi nói rằng: Không ăn thì có sự đau ốm. Khi sứ về, hai Quốc trưởng gửi  Phiên vương gạo nếp và vừng mỗi loại đều 2 bầu và sáp ong đều 1 phiến. Quốc trưởng lấy phiến sáp ấy hơ lửa rồi in bàn tay lên trên, dặn rằng nếu gặp gió to, mưa lớn, nắng dữ, hoặc binh đao, tật bệnh, thì lấy miếng sáp ấy đốt làm 2 cây đèn, kêu cầu Thủy vương (vua Nước), Hỏa vương (vua Lửa) cùng phù hộ, rồi lấy gạo, vừng ấy đều 1 nhúm ném tản mát các nơi, thì đều được thỏa nguyện.

Mối bang giao giữa triều Nguyễn và hai nước Thủy Xá, Hỏa Xá

Bản triều ta buổi đầu cho là địa giới của Thủy Xá và Hỏa giáp Phú Yên, nên 5 năm một lần sai người tới nước đó cho các phẩm vật như áo mũ gấm, nồi đồng, xanh đồng và đồ sứ như chén dĩa. Hai nước được ban phẩm vật liền mang các vật phẩm của địa phương như kỳ nam, sáp vàng, lộc nhung, mật gấu và voi đực sang dâng.

Năm Tân Mùi, Thế Tông Hoàng đế năm thứ 13 (1751), hai nước đến cống, vua hậu đãi rồi cho về. Về sau họ cứ theo lệ thường, đến cống. Tới khi có loạn Tây Sơn, hai nước không đến cống nữa. Đầu năm Gia Long, sứ hai nước đến Phú Yên nộp lễ vật, vua thết đãi sứ giả rồi cho về.

Minh Mạng năm đầu, Quốc trưởng Thủy Xá là Ma Ất sai sứ mang các vật đã được ban cho là đồng thau, sáp vàng làm tin, tới bảo Phúc Sơn, trấn Phú Yên, nộp lễ vật xin cống. Năm Nhâm Ngọ, Minh Mạng thứ 3 (1822), Ma Ất chết, việc sang cống không làm xong. Năm Quý Mùi, Minh Mạng thứ 4 (1823), người trong nước suy tôn em của Ma Ất là Ma Mú lên làm vua, Ma Mú cố từ chối, chỉ tạm thay làm việc nước. Ma Mú lại sai sứ xin cống nhưng chưa đi thì Ma Mú chết, em Ma Mú là Ma Lam nối dựng, thường muốn sang thông hiếu nhưng không tìm được người để sai đi sứ.

Tháng 3 năm Kỷ Sửu, năm Minh Mạng thứ 10 (1829), Thánh Tổ Nhân Hoàng đế cho rằng nước ấy không đưa lễ cống, nên sai Suất đội ở thuộc trấn là Nguyễn Văn Quyền đến dò xét tình hình. Khi Nguyễn Văn Quyền đến, Ma Lam rất mừng, tỏ bày hết tình hình, rồi sai bọn thuộc hạ là Ma Diên, Ma Xuân đem một chiếc ngà voi theo Quyền xin thông hiếu giữ lễ cống. Trấn thần tâu lên, vua sai thưởng cho Quốc trưởng nhiễu màu đỏ, màu lam mỗi thứ một tấm, sa nam 20 tấm và bọn Ma Diên áo quần bằng sa, chừu, bạc lạng.

Năm Minh Mạng thứ 12 (1831), nước Hỏa Xá sang cống, sứ đến Phú Yên, vua cho vào Kinh chào lạy và triệu vào ra mắt, vua hỏi: “Nay đến triều cống là tự bởi lòng thành của Quốc trưởng, hay người trong nước đều muốn cả”. Sứ thưa rằng: “Quốc trưởng tôi đã lâu vẫn mến đức hóa của thiên triều, lại nghe người già ở trong nước nói nếu đem lòng thành thần phục thượng quốc thì nhân dân yên vui, thóc lúa được mùa, nên từ Quốc trưởng cho đến thần dân đều muốn thần thuộc để nhờ phúc thừa”. Vua sai ban thưởng rồi cho về. Vua lại định ra kỳ cống hiếu, lấy những năm Tý, Mão, Ngọ, Dậu làm mức, 3 năm một lần sai sứ sang cống. Phẩm vật tiến cống là 2 chiếc ngà voi, 2 chiếc sừng tê. Năm Minh Mạng thứ 15 (1834), sứ sang cống, vua cho sứ thần bộ áo đại triều thất phẩm, bắt phải diễn tập và quỳ lạy ở sân rồng. Sứ giả làm đều hợp lễ tiết. Vua khen ngợi, ban dụ cho bộ Lễ rằng: “Nước họ ở mãi phương xa hẻo lánh, thắt nút dây làm việc chính trị, tự cày cấy lấy mà ăn, phong tục còn giữ thói cổ chất phác. Nhưng người đã có tóc có răng, tính trời sinh ra cũng có hiểu biết, man di thành trung hạ, cũng nên lấy lễ nghĩa bảo ban cho họ, thời dẫu đến loài có vảy có mai cũng có thể đổi thay mà mặc áo xiêm được; huống hồ nước ấy gần đây dốc lòng sửa chức cống, biết rõ nghĩa vua tôi, tỏ là nước có đạo. Vậy Quốc trưởng nước ấy tên là Lam, chuẩn cho họ là Vĩnh tên là Bảo. Các chiếu sắc viết thẳng là Hỏa Xá Quốc vương, để biết có đầu mối danh phận. Còn sứ thần tên Duyên thì cho họ là Lĩnh, tên Tài thì cho họ là họ Kiệu; lại thưởng thêm cho sa lụa có thứ bậc khác nhau”.

Tháng 11, năm Minh Mạng thứ 18 (1837), gặp ngày thất tuần đại khánh tiết (mừng thọ 70 tuổi) của Thuận Thiên Cao Hoàng hậu, nước ấy sai sứ mang phương vật tới kính chúc thọ, hậu cho ăn yến và ban thưởng rồi cho về. Tháng 12, Quốc vương Vĩnh Bảo chết, người trong nước theo phong tục lập cháu gọi bằng cậu là Liệt nối làm Quốc trưởng. Quốc trưởng sai sứ sang cống, vua ban cho vị vương mới nối theo họ Vĩnh, nhưng vẫn theo tên cũ là Liệt, cho rõ dòng họ, lại ban cho sắc thư và thưởng rất hậu.

Tháng 4, năm Minh Mạng thứ 21 (1840), gặp lễ ngũ tuần vạn thọ đại khánh tiết (mừng thọ 50 tuổi) của Thánh Tổ Nhân Hoàng đế, nước ấy sai sứ mang 2 lễ là hạ phẩm và cống phẩm dâng lên. Vua nhận rồi bảo về.

Tháng 2, Thiệu Trị năm thứ nhất (1941), vua chuẩn cho bộ Lễ bàn định cải chính lại quốc hiệu nước Thủy Xá (nguyên trước xưng lẫn với Hỏa Xá, nay đổi lại là Thủy Xá); rồi lại chuẩn cho Quốc trưởng nước Hỏa Xá là Ma Thát được mang họ Cửu, tên là Lại, cho hợp với Thủy Xá; kỳ tiến cống vẫn theo lệ năm Minh Mạng thứ 12, lấy các năm Tý, Mão, Ngọ, Dậu định 3 năm 1 lần đến cống, chuyển cho nước Thủy Xá sai sứ kính đệ cống phẩm (Thủy Xá 2 chiếc ngà voi, 2 cái sừng tê, Hỏa Xá 1 chiếc ngà voi, 1 cái sừng tê), đến tại hành cung Phú Yên bái vọng dâng cống lễ, đợi lĩnh sắc thư và nhận lễ vật về nước chia cho Hỏa Xá. Vua lại cho là hai nước trong lòng hâm mộ phẩm phục của triều đình nên đặc cách chuẩn ban cho. Tháng 6 năm ấy, vua ban cấp triều phục cho Quốc trưởng hai nước Thủy Xá và Hỏa xá sắc thư, vóc lụa.

Tháng 6, năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), hai nước sai sứ sang cống, sứ đến Phú Yên rồi tâu: Hai nước bị đói kém, tật dịch, tình hình rất quẫn bách. Vua lấy làm thương, cho vọng bái ở hành cung Phú Yên rồi ban thưởng.

Giáp Thìn, năm Thiệu Trị thứ 4 (1844), mùa đông, tháng 12, vua ban lịch cho hai nước Thủy Xá và Hỏa Xá. Vua xuống dụ rằng : “Nước Đại Nam ta, đức hóa thấm khắp, thanh giáo rộng ban. Khoảng năm Minh Mệnh, vua nước Thủy Xá là Vĩnh Liệt đã phụ thuộc vào nước Nam. Khi trẫm mới lên nối ngôi, vua nước Hỏa Xá là Cửu Lại cùng nước Thủy Xá cho sứ sang tỏ lòng thành, dâng lễ cống. Trẫm khen lòng hướng mộ ấy, đã cho sửa đổi quốc hiệu, cho tên hay, ban mũ áo, châm chước định lệ cống. Nay hai nước đã theo lễ chư hầu, đời đời làm phiên thần, lịch của triều đình đã ban cho, nên coi như dân một nước. Chuẩn cho từ nay trở đi, hằng năm phát cho một bản quan lịch, 50 bản dân lịch, giao cho tỉnh Phú Yên chuyển cấp, bắt đầu từ năm Thiệu Trị thứ 5”.

Năm Thiệu Trị thứ 6 (1846), tháng 5, gặp lễ tứ tuần vạn thọ đại khánh tiết của Hiến Tổ Chương Hoàng đế, hai nước sai sứ sang cung tiến 2 lễ: Lễ vật chúc mừng và cống phẩm vật tiến cống. Vua thưởng cho bồi thần là bọn Sơn Thí, Kiệu Mộc triều phục ngũ lục phẩm hàng võ, mỗi người đều 1 bộ và ban yến thưởng. Từ đó hai nước cứ theo lệ thường, 3 năm 1 lần sang cống.

Năm Kỷ Mão, Tự Đức thứ 32 (1879), vua hai nước Thủy Xá và Hỏa Xá sai Sơn Ngôi, Kiều Tầm đến dâng lễ chúc mừng là 2 chiếc ngà voi, vua liền ban cho vua hai nước ấy sắc Dụ và phẩm vật gồm kim tiền hạng vừa có 2 con rồng, mỗi người 1 đồng; kim tiền có chữ “Vạn sự như ý”, mỗi người 1 đồng; ngân tiền phi long hạng lớn, hạng nhỏ đều 1 đồng; ngân tiền có 2 con rồng hạng nhỏ đều 1 đồng; tiền đồng lớn mỹ hiệu mạ bạc 10 đồng; sa vũ hoa sắc đỏ 2 tấm, sa hoa chính tơ 2 tấm; chén uống rượu bằng pha lê trắng đều 1 bộ, chén độc bạt sắc trắng vẽ vàng của nước Tây 4 cái; ấm pha chè bằng sứ vẽ hoa văn cây mẫu đơn và con phượng 2 cái; đĩa hạng vừa bằng đồ sứ hình bầu dục vẽ hình con voi, con hổ, cổ đồ, hoa cỏ 2 cái.

Nước Thủy Xá, Hỏa Xá không còn được gọi tên nữa mà thay vào đó là tên gọi vùng đất Tây Nguyên ngày nay. Y Di Y Ông, Di nghĩa là thủy; Y Vui Y Ông, Vui nghĩa là hỏa. Từ xưa, vùng đất này đã được các chúa, các vua nhà Nguyễn quan tâm và có mối quan hệ phiên thuộc. Dấu ấn, bản sắc văn hóa độc đáo của vùng đất này mãi được lưu giữ, khắc ghi trong Mộc bản triều Nguyễn – Di sản tư liệu thế giới./.

………………………………..

Tài liệu Tham khảo:

Hồ sơ H16/33, Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.

Hồ sơ H22/59, Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.

Hồ sơ H23/6, Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.

Hồ sơ H23/54, Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.

Hồ sơ H24/54, Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.

Hồ sơ H24/62, Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.

Hồ sơ H28/11, Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.

Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, bản dịch của Viện Khoa học Xã hội Việt Nam – Viện Sử học, Nxb Giáo dục.

Nguồn bài đăng

0