23/05/2018, 15:23

Tìm hiểu tập tính của lươn

Ngay những tập tính của lươn ra sao, nhiều người vẫn chưa biết đến tường tận. Hiện nay, không chỉ riêng nước ta, mà tại nhiều nước trên thế giới, nghề nuôi lươn được coi là nghề còn mới mẻ. Do đó, đừng đòi hỏi chi nhiều đến kỹ thuật nuôi lươn một cách hoàn bị, mà cách phòng và trị bệnh đầy đủ ...

Ngay những tập tính của lươn ra sao, nhiều người vẫn chưa biết đến tường tận.

Hiện nay, không chỉ riêng nước ta, mà tại nhiều nước trên thế giới, nghề nuôi lươn được coi là nghề còn mới mẻ. Do đó, đừng đòi hỏi chi nhiều đến kỹ thuật nuôi lươn một cách hoàn bị, mà cách phòng và trị bệnh đầy đủ cho nó cũng chưa nơi nào nắm vững được. Mọi việc cần phải chờ đợi những cuộc nghiên cứu dài ngày của những chuyên gia tài ba về giống thủy sản nước ngọt đặc biệt này, trước khi tiến đến việc nuôi theo phương pháp công nghiệp.

Ngay những tập tính của lươn ra sao, nhiều người vẫn chưa biết đến tường tận.

Với lươn, chúng ta mới chỉ biết được những tập tính của lươn sau đây:

Sinh sản lưỡng tính: Quan sát cho thấy tuyến sinh dục của lươn có trứng lẫn tinh bào, đó là điều khác với các loài cá.

Môi trường sống: Cũng giống như tất cả các loài cá đồng khác, môi trường sống cua lươn rất rộng, từ mương rãnh chật hẹp, đến ruộng sâu, ruộng cạn, ao hồ, bàu đìa vừa sâu vừa rộng… Nó thích nghi được với môi trường nước tù đọng, nước lợ, nước nhiễm phèn nhẹ, miễn là nguồn nước không quá dơ bẩn, hôi thối. Lươn thích sống nơi có nhiều bùn, đất thịt hoặc sét pha.

Sống được trong đất khô nẻ: Cũng như các loài cá đồng, môi trường sống của lươn không thể thiếu nước dù là mực nước cạn gần sát đáy, ít ra cũng là lớp bùn nhão để chúng vùi mình vào đó tạm thời. Nhưng điều không ai ngờ, những năm hạn hán đến độ đất ruộng ao khô cằn nứt nẻ, lươn vẫn có khả năng sống được trong một thời gian dài dưới đất sâu, nhờ nó có khả năng thở được bằng da.

tap tinh cua luon

Lươn sống trong hang: Lươn biết đào hang để sống. Ban ngày, lươn chịu nhịn đói nằm lì suốt ngày trong hang, và chỉ ban đêm chúng mới bò ra khỏi hang để đi tìm mồi. Loại lươn nhỏ độ vài mươi con một ký chưa biết dào hang để sống, chúng chỉ chui rúc dưới bùn, hoặc nép mình vào các bụi cỏ mọc dọc bờ ao, bờ ruộng. Chỉ loại lươn lớn từ 100gr trở lên mới biết đào hang để ở.

Nói đến việc lươn làm hang, quý vị cũng biết giống này tuy mang danh “ti hí mắt lươn” nhưng không ngờ lại rất khôn ngoan. Hang lươn không đơn giản như hang cua đồng, như hang ếch, mà là lắt léo với nhiều hang ngách như hang chuột đồng, hoặc hang thỏ.

Chuột đồng làm hang có trổ một hai ngách phụ để dễ dàng thoát thân khi bị kẻ thù chui vào hang truy đuổi. Còn hang thỏ như người xưa đã nói: “Thỏ dinh tam quật” (quật có nghĩa là cái hang). Hang thỏ là một cửa chính, nhưng bên trong bao giờ cũng có hai ngõ ngách khác để phòng khi gặp nạn nó dễ thoát thân. Vì vậy khi săn chuột đồng hay săn thỏ rừng, ta chỉ việc xông khói vào cửa hang chính, rồi cố quan sát xem khói sẽ bốc lên từ những hang ngách nào, để kịp thời bịt kín lại mới mong bắt được chúng.

Hang lươn cũng có ba ngách: Cửa chính của hang trổ lên mép nước khoảng 3cm, ngoài cửa hang được “mài” trơn láng như lươn vừa mới ra vô hang vậy. Cuối hang chính này có trổ một hang phụ kết hợp với hang chính thành hình chữ U chúi sâu xuống nước. Một ngách khác ăn thông lên bờ ao, bờ ruộng để tạo sự thông khí cho hang.

Khi vào hang, lươn rút hết thân mình vào sâu tận đáy hang, đầu lươn hướng ra cửa chính để dễ canh phòng vừa đón những con mồi như cua đồng, cóc nhái ngờ nghệch lạc vào hang của nó; vừa phát giác kịp thời kẻ thù đột kích để còn kịp thoát thân… Kẻ thù của lươn có rất nhiều như rắn nước, đồng loại của nó, và sau cùng là… con người. Chỉ nhìn cửa hang to hay nhỏ, ta có thể dễ dàng đoán được con lươn nằm trong hang có kích thước lớn bé ra sao: lươn lớn tất nhiên hang nó phải lớn…

Màu sắc biến đổi theo môi trường sống: Để ngụy trang trước kẻ thù, lươn cũng có khả năng biến đổi được màu sắc trên thân nó phù hợp với môi trường sống chung quanh. Nhưng khả năng biến đổi màu sắc này của lươn thua xa một số loài bò sát như rắn, cắc kè, kì nhông… Tính lươn vốn nhát, hễ cảm thấy nguy là đã tìm cách trốn chạy hoặc nhủi vào lớp bùn sình. Nó đâu đủ can đảm để đổi màu rồi nằm im một chỗ?

Giờ giấc đi ăn của lươn: Ban ngày lươn nằm lì trong hang, trừ trường hợp bên ngoài trời vần vũ mưa to thì lươn mới dám trườn ra khỏi hang đi tìm mồi. Nếu lúc này ta đặt lờ hoặc trúm trên đường nước chảy ở mương rạch, thế nào cũng bắt được cả cá lẫn lươn. Ban đêm mới là giờ giấc kiếm ăn của lươn. Chúng bò ra kiếm mồi gần khu vực hang của chúng, trời sắp sáng lươn mới quay trở về hang.

Do tập tính của lươn ăn mồi như vậy, nên nuôi lươn trong ao hồ ta cũng chỉ cho lươn ăn vào ban đêm mà thôi. Và vì cho ăn ban đêm nên chỉ cần cho ăn ngày một bữa vào lúc 6 giờ tối, và để sẵn thức ăn dưới ao cả đêm với đầy đủ lượng thức ăn cho chúng ăn no nê. Sáng hôm sau, thức ăn còn thừa nên đổ bỏ, nếu không sẽ gây ô nhiễm môi trường sống của nó.

Dị ứng với thức ăn có mùi vị lạ: Giống lươn tuy ăn tạp, nhưng không phải vì thế mà chúng không dị ứng với loại thức ăn có mùi vị lạ. Vì vậy, hễ nuôi lươn với loại thức ăn gì thì nên tiếp tục cho ăn mãi loại thức ăn đó. Nếu vì lẽ gì cần phải thay đổi loại thức ăn mới thì tốt nhất là nên tập cho chúng ăn từ từ để chúng quen với mùi vị lạ… Nên cho lươn ăn vừa đủ no, nếu cho ăn thừa chúng sẽ chết vì bội thực. Ngược lại nếu cho ăn không đủ no, chúng sẽ xuống sức, ốm yếu.

Ăn thịt lẫn nhau: Khi thiếu mồi ăn, quá đói, lươn lớn tìm bắt lươn bé mà ăn, cũng như cảnh “Cá lớn nuốt cá bé” vậy. Do đó, khi thả lươn giống vào nuôi trong ao hồ, ta nên cẩn thận lựa loại lươn có cùng một cỡ như nhau để tránh hao hụt đáng tiếc về sau. Trước đây, không ai hiểu được việc này, nên khi thả nuôi thì sô’ lượng nhiều nhưng ngày thu hoạch thì chỉ bắt được số ít, không ngờ lươn có tính dữ ăn thịt lẫn nhau.

Có tài nhịn đói lâu ngày: Lươn có khả năng nhịn đói được vài tuần mà không chết, nhưng trọng lượng bị giảm sút. Những lươn này phải nuôi kỹ trong một thời gian dài mới hồi sức.

Thị giác kém, khứu giác tinh: Cặp mắt lươn rất nhỏ, chỉ bằng hột tấm gạo, nên người đời mới có câu “Ti hí mắt lươn”. Thị giác do đó mà kém, nhưng bù lại khứu giác nó rất nhạy bén. Lươn có thể đánh hơi được mùi vị hấp dẫn của miếng mồi từ xa, và lần mò đến đúng chỗ…

Hoạt động mạnh trong mùa hè: Nhiệt độ thích hợp nhất đối với lươn là từ 23 độ c đến 28 độ c. Lươn có khả năng chịu nóng hơn là chịu lạnh. Nhiệt độ dưới 10 độ c, mọi sinh hoạt của lươn cơ hồ như ngừng hẳn, nó ở hẳn trong hang sâu hoặc ẩn mình dưới lớp bùn dày để trú rét. Vì vậy, vào mùa hè lươn mập mạnh hơn mùa đông, vì chúng ăn nhiều.

Tính nhát: Những giống vật không có khả năng tự vệ trước kẻ thù đều có tính nhát như nhau. Lươn cũng “nhát như cáy” vậy. Trên bãi ăn, khi gặp nguy, lươn chỉ biết lủi nhanh xuống bùn, hay ẩn mình trong các bụi cỏ rậm rạp. Ban ngày, lươn rất sợ ánh sáng, nếu không thu mình trong hang thì cũng tìm nơi tối tầm yên tĩnh để ẩn núp. Vì vậy, ao hồ nuôi lươn ngoài trời dù ở trên có mái che, cũng phải thả lục bình (khoảng 2/3 mặt ao) để tạo nơi kín đáo cho lươn ẩn núp.

Tính đa nghi: Cũng không khác bản tính của cá lóc, lươn rất háu ăn mồi, nhưng tính lại rất đa nghi. Quý vị nào đã có kinh nghiệm câu lươn tất sẽ biết rõ điều này. Khi nhấp mồi sâu vào cửa hang, dù miếng mồi ngon nằm kề tận miệng, nhưng lươn cũng chưa chịu ăn mồi ngay. Tính đa nghi đó của lươn khiến nhiều người tự nghĩ không biết có phải xuất phát từ nguyên nhân do cặp mắt của nó kém tinh anh hay không. Ít ra cũng vài ba phút sau đó, khi khứu giác đã đánh hơi kỹ càng, nó mới ngậm sơ miếng mồi rồi thả nhanh vào bên trong. Và chỉ khi biết chắc là miếng mồi ngon, ăn… vô hại thì lươn mới yên chí… nuốt sâu miếng mồi vào miệng. Và như vậy là bị dính lưỡi câu. Vì vậy, với những ai câu lươn chưa có kinh nghiệm hễ thấy lươn tha mồi vào sâu trong hang thì vội giựt dây câu liền, chắc chắn giựt mười lần sẽ hụt đến chín! Thế nhưng, đối với những con lươn câu hụt đó, chờ mười lăm phút sau ta trở lại câu tiếp chúng vẫn ăn mồi, nếu lần câu sẩy đầu chưa bị rách mép…

Có khả năng đào thoát ra ngoài: Mình lươn phủ đầy nhớt nên trơn tuột, nhờ đó mà nó luồn lách giỏi, và có lẽ đây là thứ lợi khí giúp lươn trốn thoát trước kẻ thù(?). Người mình có kinh nghiệm qua câu: “Bắt lươn phải bắt đằng đầu” vì nếu không chận đầu để nắm đầu nó thật chắc thì lươn sẽ dễ dàng vuột mất.

Trên vạt đất khô ráp, lươn bò rất chậm, nhưng nếu đất ướt hoặc lấp xấp nước, lươn trườn tới rất nhanh khó đuổi kịp nó. Tuy không biết phóng cao như cá lóc, nhưng lươn có nhiều khả năng đào thoát ra khỏi ao nuôi, bằng cách đào ao xuyên bờ, hoặc trườn qua bờ ao. Những ngày nắng ráo lươn yên phận sống tại chỗ, nhưng khi mưa to gió lớn, đất quanh bờ trơn trượt, lươn thích vượt khỏi chỗ ở để đào thoát ra ngoài. Nếu bờ bị nước xói mòn, nứt nẻ? lươn sẽ đi theo đường nước và lần lượt đi hết. Vì vậy, ao hồ nuôi lươn ngoài việc đắp bờ cao (cao hơn mặt nước ao khoảng 50cm, còn phải có đăng hoặc bờ rào bằng lưới kẽm mắt nhỏ bao vây bên ngoài mới mong ngăn giữ dược chúng; đồng thời cũng ngăn giữ được kẻ thù cho chúng từ bên ngoài không xâm nhập được vào khu vực nuôi.

Tuổi đời của lươn: Đời sống của lươn dài ngang ngửa với đời sống của cá lóc: khoảng 10 năm. Thuở nhỏ lươn chậm lớn, nhưng càng già trọng lượng lươn càng tăng. Vì vậy, nếu bắt được con lươn lớn chừng một hai ký là biết con lươn đó đã sống lâu năm. Được biết, hai năm tuổi đầu đời, lươn tăng trưởng chiều dài nhanh hơn chiều ngang. Nhưng càng về già, chiều dài thân mình nó không những không tăng trưởng mà còn bị co rụt lại phần nào. Đúng là “trẻ dôi ra già rụt lại”. Những con lươn già nhất, thân mình nó vừa ngắn vừa mập tròn, gần như bằng đầu bằng đuôi, không ra hình dáng con lươn dài ngoằng như con rắn nữa, đến nỗi nhiều người nhìn mà… vẫn không tin vào mắt mình!

0