23/05/2018, 15:23

Phương pháp sinh sản nhân tạo con lươn

Do nhu cầu tiêu thụ thịt lươn trong dân chúng càng ngày càng tăng, và thị trường xuất khẩu thịt lươn cũng càng ngày càng mở rộng, mà số cung vẫn không đáp ứng được số cầu, nên nhiều người mới đổ xô đi lùng sục khắp các ruộng đồng để bắt lươn có sẵn trong tự nhiên với tất cả mọi phương tiện, kể cả ...

Do nhu cầu tiêu thụ thịt lươn trong dân chúng càng ngày càng tăng, và thị trường xuất khẩu thịt lươn cũng càng ngày càng mở rộng, mà số cung vẫn không đáp ứng được số cầu, nên nhiều người mới đổ xô đi lùng sục khắp các ruộng đồng để bắt lươn có sẵn trong tự nhiên với tất cả mọi phương tiện, kể cả chích điện, nên trữ lượng lươn hoang đã cạn kiệt dần. Vì vậy, muốn có đủ số lượng lươn giống để nuôi chỉ còn có cách cho lươn sinh sản nhân tạo mà thôi.

Cách làm này đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng gần một thế kỷ nay, và đã đem lại kết quả tốt. Nhờ đó mà nhiều nước đã tiến lên công nghiệp hóa nghề nuôi lươn, hàng năm xuất khẩu được một số lượng lớn lươn thịt, thu về nhiều ngoại tệ làm giàu cho đất nước họ.

sinh sản nhân tạo

Cách cho lươn sinh sản nhân tạo cũng không khác mấy so với cách cho một số loài cá sinh sản nhân tạo, mà trước đây gần nửa thế kỷ chúng ta đã có thời gian dài bắt tay vào việc nghiên cứu và thử nghiệm thành công.

Trước hết ta phải nuôi sẵn một sổ lươn giống đực, cái, khỏe mạnh, do tự nuôi lên, hay lựa mua từ các chợ, các vựa… Số lươn giống này phải chọn từ loại dược vài ba năm tuổi trở lên mới tốt, nghĩa là cả lươn đực lẫn lươn cái phải khá lớn, ba bốn con một ký, như vậy số trứng của chúng mới được nhiều và tinh dịch mới đầy đủ để giúp trứng thụ tinh đạt được tỷ lệ cao.

Đến mùa sinh sản, những lươn cái cỡ này con nào bụng cũng căng trứng, mà lươn đực vào giai đoạn này cũng dồi dào tinh dịch. Chúng đã sẵn sàng sinh đẻ.

Những chuyên gia dùng não thùy cá chép (chỉ gắp ra một bộ phận nhỏ bằng hột mè trong óc của cá chép) bỏ vào chén thủy tinh, tán nhuyễn ra, sau đó trộn chung với một loại thuốc đặc chế như thuốc HCG chẳng hạn để chích vào ngực của lươn cái hầu kích thích nó đẻ trứng. Tùy theo trọng lượng con lươn cái lớn hay nhỏ mà chích lượng thuốc nhiều hay ít. Lươn đực cũng được chích thuốc kích thích này sau 24 giờ, nhưng lượng thuốc chỉ bằng phân nửa thuốc chích lươn cái mà thôi.

Chích thuốc kích thích xong, lươn cái và đực được thả trở lại bể nuôi riêng, và cứ cách ba bốn giờ một lần, ta phải kiểm tra xem lươn cái đã có hiện tượng rụng trứng hay chưa. Con nào có hiện tượng muốn đẻ thì bắt nó lên rồi dùng tay vuốt nhẹ trên phần bụng để dồn hết trứng ra ngoài.

Trứng lươn được chứa vào một dụng cụ bằng thủy tinh hay bằng sứ. Việc cần làm ngay sau đó là bắt con lươn đực, rồi nhẹ tay vuốt tinh dịch của nó rưới đều lên trứng. Xong, ta dùng chiếc đũa thủy tinh quấy nhẹ để giúp tất cả các trứng đều được thụ tinh. Sau cùng, đặt trứng vào dụng cụ ấp như thau lớn, hồ kiếng hay hồ xi măng.

Trong dụng cụ ấp, mực nước chỉ cần sâu 10cm, và nếu ấp với nhiệt độ từ 24 độ c đến 28 độ c, tối đa mười ngày sau trứng sẽ nở. Trong thời gian lươn , nên thường xuyên theo dõi để điều chỉnh nhiệt độ cho phù hợp, đồng thời cũng lo thay nước mới vào dụng cụ ấp mỗi ngày.

Khi lươn con được mười ngày tuổi, chúng có chiều dài khoảng 4cm, ta dùng vợt vớt chúng ta để nuôi trong bể ương, với mật độ 200 con trong một mét vuông.

Ở lứa tuổi này lươn con đã biết tìm ăn các loài động vật phù du để sống. Vì vậy, bể ương cần phải có sẵn loại thức ăn này, nếu không phải đi vớt hoặc tìm mua tại các cửa hàng bán thức ăn cho cá cảnh.

Bể ương lươn con, cần phải chuẩn bị trước đó cả tháng mới kịp. Bể chỉ cần có diện tích nhỏ chừng một hai mét vuông là vừa. Thà làm nhiều bể nhỏ như thế để tiện kiểm soát và chăm sóc hơn là làm bể có diện tích quá lớn.

Chiều cao của bể ương tính từ đáy (tráng xi măng) khoảng 50cm là vừa: trong đó đổ 10cm đất mùn hay đất sét pha lót đáy. Bên trên lớp đất là mực nước sâu khoảng 20cm nữa. Trong bể ương, chọn một góc hơi khuất bón lót vào đó vài ký phân chuồng. Nhờ vào số phân chuồng này động vật phù du mới được tạo nên làm thức ăn cho lươn con.

Nước trong bể ương cần phải thay hàng ngày. Nếu môi trường sống của lươn con quá bẩn, chúng sẽ sinh nhiều thứ tật bệnh, dẫn đến tỷ lệ hao hụt sẽ không nhỏ!

Khi lươn lớn được một tháng tuổi, ta lại vớt chúng lên để lựa ra lươn có cùng kích thước nuôi sang bể khác. Lươn ở vào tuổi này nên nuôi với mật độ hơn 100 con trong một mét vuông. Thức ăn cung cấp cho chúng là trùn, giòi, tôm tép, cá con, cua ốc… bằm nhỏ mới cho ăn. Tốt nhất, từ đây ta nên tập cho chúng ăn loại thức ăn nhân tạo.

Tóm lại, để tránh cho lươn khỏi tranh mồi nhau khiến sức lớn của chúng không đồng đều nhau, và xảy ra cảnh lươn lớn ăn thịt lươn nhỏ, nên cứ vài ba tháng một lần ta nên vớt chúng lên để lựa lươn có cùng kích thước với nhau nuôi sang bể khác.

0