23/05/2018, 15:23

Kỹ thuật nuôi cá bống tượng trong bể

Ưu điểm nuôi cá bống tượng trong bể Nuôi cá bống tượng trong bể có nhiều thuận lợi hơn so với nuôi trong ao đất. Trên cùng một diện tích, thì nuôi cá trong bể tuy chi phí ban đầu có cao hơn nhiều nhưng năng suất cao hơn gấp nhiều lần so với nuôi trong ao đất. Mặt khác, nuôi cá trong bể còn có ...

Ưu điểm nuôi cá bống tượng trong bể

Nuôi cá bống tượng trong bể có nhiều thuận lợi hơn so với nuôi trong ao đất. Trên cùng một diện tích, thì nuôi cá trong bể tuy chi phí ban đầu có cao hơn nhiều nhưng năng suất cao hơn gấp nhiều lần so với nuôi trong ao đất.

Mặt khác, nuôi cá trong bể còn có nhiều điểm thuận lợi khác sau:

– Dễ quản lý bể và cá nuôi; nhờ sự chủ động địa điểm và qui mô nuôi; mực nước cạn nên có thể dễ dàng quan sát được sự ăn mồi của cá mà tăng hay giảm lượng thức ăn cho phù hợp, hạn chế ô nhiễm nguồn nước cũng như tiết kiệm mồi.

– Dễ dàng phát hiện, ngăn chặn và xử lý khi cá có biểu hiện bệnh. Nhờ nuôi cách biệt với nền đáy nên ngăn chặn được sự rò rỉ chất hữu cơ vào trong đất. Sử dụng nguồn nước ít hơn do đó thải nước cũng ít hơn, nên hạn chế được ô nhiễm môi trường.

– Cần công chăm sóc ít hơn so với nuôi trong ao, do đó chi phí lao động cũng rẻ hơn. Không phải phụ thuộc vào thời tiết nên chủ động mùa vụ thả nuôi.

Kỹ thuật nuôi

Thiết kế bể nuôi cá mồi

Diện tích bể nuôi dao động từ 200 – 300m², độ sâu từ 1 – 1,2m. Mục đích là nuôi cá bống tượng thương phẩm, nên bà con phải tạo điều kiện nuôi cá mồi bổ sung để thêm nguồn thức ăn thích hợp cho cá bống tượng.

– Có thể làm bể nuôi cá mồi bằng nilon, diện tích khoảng 10% diện tích bể nuôi cá bống tượng, và thiết kế sao cho bể nuôi cá mồi dễ dàng hứng trọn nguồn nước thải. Nhờ tận dụng nguồn nước thải của các bồn nuôi cá bống tượng, nên nền đáy bể thường xuyên bị đóng nhiều cặn bã, cần phải thả cá mồi giống vào vèo lưới đặt trong bể, cách nền đáy khoảng 20 cm để dễ dàng cho việc rút cặn cũng như thu hoạch cá mồi mỗi tuần.

– Cá thả vào để nuôi có thể là các loại cá kiểng đẻ sai như cá bảy màu hoặc cá hắc kim, bạch kim. Bể nuôi cá mồi cần đặt ở nơi có ánh nắng tiếp xúc để tảo quang hợp lấy oxy cho ao, đồng thời cũng bố trí thêm hệ thống sục khí để tạo oxy, giúp tăng cường sự phát triển của vi sinh vật làm thức ăn cho cá kiểng bột. Cho cá kiểng bố mẹ ăn thức ăn viên công nghiệp kích cỡ nhỏ và có hàm lượng đạm cao.

Chuẩn bị bể nuôi

– Với diện tích bể nuôi từ 200 – 300m² là khá rộng rãi để thả nuôi cá bống tượng. Do chúng là loài cá dữ, khi điều kiện sông bất lợi, con lớn thường tấn công con nhỏ, nên phải chia bể ra thành 3 hoặc 4 bể nhỏ để dễ quản lý, phân cỡ cá. Mỗi ngăn đều có cống thoát nước riêng. Tu sửa lại đáy bể sao cho có độ dốc nghiêng về phía công thoát, để nước và cặn bã tập trung dồn về một góc và đổ vào bể nuôi cá mồi.

Tạo chỗ cho cá ẩn náu bằng cách đặt những ống tre càng nhiều càng tốt, ống nhựa xuôi theo hướng nước thoát. Nếu có điều kiện thì dùng thân cây chuối, vì chuối cây có khả năng hút đi một số chất bẩn và vi sinh vật làm nước trong sạch. Có thể chặt chuối ra từng khúc 20 – 30cm, khoét bỏ phần ruột để cho cá bống tượng thuận tiện ra vào; hoặc bóc ra thành hai ba bẹ rồi chập lại với nhau thành hình ống đặt xuống cũng được. Thay bẹ chuối khi nhận thấy chúng đã bị mềm, xẹp xuống và cá bống tượng không chui được.

Cấp thoát nước cho bể nuôi

Nếu tạo được chỗ trú ngụ tốt cho cá thì bể nuôi không cần mái che. Nguồn nước có thể bơm từ sông rạch, giếng khoan, nước máy, nhưng cần phải đảm bảo độ sạch, không quá vẩn đục và không bị phèn. Cấp nước cho bể nuôi theo hình thức phun mưa, (ống nhựa cấp nước được đục nhiều lỗ nhỏ hướng xuống mặt bồn). Có thể pha một ít muối ăn trong mỗi lần cấp nước để phòng bệnh lở loét cho cá. Thay nước trong bồn bằng cách dồn cặn bã về phía cống thoát, để vài giờ cho chìm lắng rồi xả cho nước và cặn bã đổ vào bể nuôi cá mồi. Mỗi lần xả bỏ chỉ khoảng 30% lượng nước trong bể. Định kỳ thay nước tùy theo điều kiện cũng như lượng chất thải của cá.

Mật độ thả nuôi

Thả khoảng 15 – 40 con/m², tùy kích cỡ cá giống. Cá giống cỡ 4 – 5cm thì thả 40con/m², cá giống cỡ 10 – 12cm thả khoảng 20 con/m².

Con giống thả nuôi phải khỏe, màu sắc sáng, không mầm bệnh. Nguồn từ sinh sản nhân tạo hoặc mua gom từ khai thác tự nhiên, cần tuyển lựa cá cho thật đều cỡ thả vào chung một ngăn bể.

Cho cá bống tượng ăn và chăm sóc

Thức ăn thích hợp cho cá bống tượng là trùn chỉ, cá, tép sông … Tuy nhiên, trong điều kiện bể nuôi có sục khí và đầy đủ oxy thì chúng có thể sử dụng tốt nguồn thức ăn chế biến có hàm lượng đạm cao.

Nếu mồi không phải là cá sống thì cần cho thức ăn vào sàng để dễ quan sát hoạt động bắt mồi của cá, cũng như theo dõi lượng ăn mồi để tăng hoặc giảm lượng thức ăn cho phù hợp.

Cho cá ăn mỗi ngày 2 lần vào sáng và chiều. Thức ăn được xay nhuyễn hoặc cắt nhỏ sao cho vừa miệng cá.

Cá cỡ nhỏ thì lượng thức ăn cung cấp khoảng 10% trọng lượng cá và giảm dần đến 3 – 4% khi lớn. Cung cấp khoảng 6kg cá mồi thì thu được 1 kg cá bống tượng thịt.

Khi cá còn nhỏ, lượng cá mồi tự nuôi vớt cho cá ăn có thể đảm bảo được khoảng 20% tổng số lượng thức ăn. Nhưng khi cá lớn thì lượng cá mồi nuôi chủ yếu để bù đắp thêm vitamin bị thiếu hụt. Định kỳ bổ sung thêm vào thức ăn một lượng vitamin c, khoảng 0,5gr/10kg thức ăn của cá.

Thu hoạch

– Nếu thả cá giống cỡ 4 – 5cm, sau 3 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng từ 50 – 70gr/con. Lúc này tiến hành phân cỡ rồi tiếp tục thả vào các ngăn. Năng suất thu được ở giai đoạn này khoảng 2kg cá giống trên mỗi mét vuông bể nuôi, với bể 200m² thì thu được khoảng 400kg cá giống. Nuôi thêm một thời gian nữa tùy theo yêu cầu thu hoạch cá giống lớn hay cá thương phẩm.

– Nếu thả cá giống cỡ 10 – 12cm, nuôi khoảng 10 tháng, cá có trọng lượng hơn 400g/con, chiếm khoảng 50% tổng đàn.

– Nếu thả cá giống cỡ 100g/con, nuôi khoảng 7 tháng thì cá có trọng lượng hơn 400g/con, chiếm 60% tổng đàn.

0