18/06/2018, 16:18

Tìm hiểu quá trình mở rộng lãnh thổ của người Việt xuống phía Nam (bài 2)

Bản đồ Đại Việt 1835 (Ảnh từ trang Đại Việt Cổ Phong) Hoa Anh Đào IV. Họ Nguyễn mở đất Đàng Trong Bối cảnh lịch sử Sau cục diện Nam – Bắc triều kết thúc, hình thành cục diện Đàng Ngoài – Đàng Trong. Như vậy, đến giai đoạn này, quá trình mở rộng lãnh ...

1835

Bản đồ Đại Việt 1835 (Ảnh từ trang Đại Việt Cổ Phong)

Hoa Anh Đào

IV. Họ Nguyễn mở đất Đàng Trong

  1. Bối cảnh lịch sử

            Sau cục diện Nam – Bắc triều kết thúc, hình thành cục diện Đàng Ngoài – Đàng Trong. Như vậy, đến giai đoạn này, quá trình mở rộng lãnh thổ của người Việt xuống phía Nam được thực hiện ở Đàng Trong thông qua những chính sách của các chúa Nguyễn.

            Mở đầu cho công cuộc này, không thể không nhắc đến sự kiện: Năm 1558, Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hoá ở tuổi 34. Theo ông là những người bộ khúc( phụ tách địa phương) ở Tống Sơn và nhân dân xứ Thanh Hoa. Nguyễn Hoàng dựng dinh ở Ái Tử (Quảng Trị), lôi kéo được đông đảo nhân dân vào Thuận – Quảng với những chính sách ưu đãi, khoan hoà. Đại Nam thực lục tiền biên cho biết:“ Chúa vỗ về quân dân, thu dùng hào kiệt, sưu thuế nhẹ nhàng, được nhân dân mến phục, bấy giờ thường xuyên là chúa Tiên. Nghiệp đế dựng lên, thực là xây nền từ đấy”[29: tr 87].

             Như vậy, từ những duyên cớ mà lịch sử, Nguyễn Hoàng với sự kiện vào trấn thủ ở vùng Thuận – Quảng, đã đặt những viên gạch đầu tiên trong sự nghiệp gây dựng nên xứ Đàng Trong. Dòng họ Nguyễn đã có công rất lớn trong việc khai phá vùng đất Nam Bộ mà trước đây là lãnh thổ của vương quốc Phù Nam.

            Những nguyên do cho quá trình mở rộng về phía Nam của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong được giải thích như sau:

            Thứ nhất, xuất phát từ cuộc chiến tranh Trịnh –Nguyễn. Đó là cuộc chiến tranh mà các chúa Nguyễn đã xác định là không thể tránh khỏi, sớm muộn gì cũng xảy ra và đã diễn ra thì với mức độ rất quyết liệt, tàn khốc. Phía Bắc chịu sức ép của Đàng Ngoài, phía Tây là rừng núi hoang vu, hiểm trở, phía Đông là biển cả bất trắc, không còn cách nào khác là phải tiến về phía Nam để xây dựng chổ đứng chân, phòng khi chúa Trịnh đánh vào và đồng thời biến đây thành nơi có thể cung cấp nhân tài, vật lực cho cuộc chiến. Có thể nói, đây là lý do quan trọng bậc nhất dẫn đến quá trình khai phá về phía Nam của các chúa Nguyễn.

            Thứ hai, sự lớn mạnh vượt bậc đã khiến Đàng Trong như một người khổng lồ đã gò bó trong chiếc áo đã chật nên cần tìm một chiếc áo lớn hơn. Sự gia tăng dân số, sự phát triển kinh tế khiến nhu cầu mở đất của Đàng Trong trở nên cấp thiết. Nông nghiệp được xem là chỗ dựa lâu dài của Đàng Trong. Đất đai vùng Thuận – Quảng chật hẹp, không màu mở nên các chúa Nguyễn nhắm đến vùng đất phía Nam rộng lớn đất đai phì nhiêu, đã bị hoang hóa là một điều hiển nhiên.

            Thứ ba, ngoài các nguyên nhân xuất phát từ nội tại đó, quá trình này còn được thúc đẩy thực hiện bởi những điều kiện khách quan thuận lợi. Sự suy yếu của Chân Lạp vào các thế kỷ XVI, XVII là một cơ hội thuận tiện để các chúa Nguyễn thực hiện quá trình mở mang lãnh thổ của mình. Bởi vùng Nam Bộ ngày nay, trước đây là lãnh thổ của vương quốc Phù Nam đã bị hoang hóa trở lại. Khi cộng đồng người Việt và người Chăm tới đây thì vùng đất này hầu như là một vùng đất hoang không có người ở. Đó là một nguyên nhân rất quan trọng để dẫn đến cuộc khai phá đất hoang về phía Nam của các chúa Nguyễn.

  1. Qúa trình Sáp nhập các tiểu quốc Champa vào xứ Đàng Trong

            Năm 1558, người Chăm Hoa Anh thường xuyên quấy rối, cướp bóc dân cư người Việt làm ăn sinh sống ở đây, nên Nguyễn Hoàng sai Lương Văn Chánh tiến quân vào Hoa Anh, tới sông Đà Rằng đối phó với quân Champa, sáp nhập vùng đất này vào lãnh thổ xứ Đàng Trong.

Đến năm 1611, quân Champa ở Hoa Anh lại quấy nhiễu đánh phá, Nguyễn Hoàng sai Văn Phong vào Phú Yên đánh dẹp và thu phục tiểu quốc Hoa Anh vào lãnh thổ Đàng Trong. Mở rộng Đàng Trong từ đèo Cù Mông đến đèo Đại Lãnh. Năm 1653, vua Champa là Bà Tấm đem quân vào đòi lấy Phú Yên, chúa Nguyễn Phúc Tần sai Hùng Lộc Hầu làm thống binh đem 3.000 quân đi đánh, thu phục vùng đất Khánh Hòa ngày nay. Năm 1675, Người Champa thường xuyên cho quân đánh phá đất Phú Yên, Nguyễn Phúc Tần cho quân đánh, Vua Chăm là Bà Bật phải xin hàng, dâng đất cho chúa Nguyễn từ sông Phan Rang trở ra, Chúa Nguyễn đặt làm phủ Thái Ninh và dinh Thái Khang để trấn thủ.

            Tháng 2 năm 1693, nhân vua Champa là Bà Tranh chủ động tấn công vào vùng Khánh Hòa ngày nay (tuyên bố bỏ lệ triều cống, “làm phản, hợp quân, đắp lũy, cướp giết cư dân ở phủ Diên Ninh), chúa Nguyễn Phúc Chu đã ra lệnh cho Nguyễn Hữu Cảnh chỉ huy quân đánh dẹp, sáp nhập vùng đất còn lại của Champa, lập nên phủ Bình Thuận. Như đã trình bày kể từ sau năm 1471 trở đi, Champa đã không còn tồn tại với ý nghĩa là một vương quốc độc lập nữa mà trở thành một đơn vị hành chính đặc biệt nhất của Đại Việt – một phủ có quyền tự trị tương đối và vẫn thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ với Đại Việt. Việc Champa suy yếu và lần lượt sáp nhập thống nhất vào Đại Việt là kết quả tất yếu của một quá trình, hình thành nên sự cố kết dân tộc, pha trộn bản sắc văn hóa giữa các cộng đồng dân cư cùng sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam.

  1. Quá trình mở đất Nam Bộ của chúa Nguyễn

            Vùng đất Đồng Nai được xem là vùng đất đầu tiền mà lưu dân Việt trên bước chân tiến vào khai phá Nam Bộ. Trước đó, Đồng Nai hầu như hoang vắng vào cuối thế kỷ XVI thì vào đầu thế kỷ XVII  trở nên sôi động với sự xuất hiện của lớp cư dân mới mà chủ yếu là người Việt từ vùng Thuận Quảng di cư vào.

 Nguyên nhân của hiện tượng xã hội này chính là cuộc chiến tranh tương tàn của hai dòng họ phong kiến Trịnh – Nguyễn. Cuộc giao tranh quyết liệt kéo dài 175 năm, trong đó có 45 năm đã diễn ra liên tiếp 7 trận đánh lớn cực kỳ ác liệt. Để phục vụ cho nhu cầu của cuộc chiến tranh giành giật quyền lợi này, đồng thời cũng để thỏa mãn như cầu xa hoa của giới quý tộc, các tập đoàn phong kiến Trịnh – Nguyễn  thi nhau vơ vét cùng kiệt nhân lực, vật lực của dân chúng, gây nên cảnh đói khổ lầm than mọi nơi. Chỉ riêng xứ Đàng Trong, sự vơ vét bóc lột của phong kiến Nguyễn đã làm cho nhân dân vô cùng cơ cực lần than phải rời bỏ ruộng vườn làng mạc, phiêu tán đi khắp nơi để mưu cầu cuộc sống. Lê Quý Đôn ghi nhận “trong cõi đã xảy ra hạn và đói, dân phiêu bạt và chết đói rất nhiều”.

Chính vì vùng đất phía Nam là vùng đất của vương quốc Champa đang suy tàn, và xa hơn nữa là vùng đất sau này có tên là Đồng Nai – Gia Định, một vùng đất màu mỡ nhưng hầu như vô chủ là nơi thu hút mạnh mẽ lưu dân Việt đi tìm đất sống. Vì vậy làn sóng di dân ngày một dâng lên. Trong số lưu dân Việt đến Đồng Nai, ngoài những nông dân nghèo khổ, đói rách là thành phần chủ yếu, còn có những người trốn tránh binh dịch, sưu thuế, binh lính đào ngũ, các tù nhân bị lưu đầy, thầy lang, thầy đồ nghèo và cả những người giàu có nhưng  vẫn muốn tìm đất mới để mở rộng công việc làm ăn, làm giàu thêm.

Những lưu dân Việt thuộc lớp tiên phong đi vào vùng đất mới Đồng Nai – Gia Định lập nghiệp làm thành nhiều đợt trước cả thời Trịnh – Nguyễn phân tranh nhưng dâng lên thành làn sóng mạnh mẽ hơn là vào cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII. Phần đông họ chọn phương thức tự động, đi lẻ tẻ, hoặc cả gia đình, hoặc những người khỏe mạnh đi trước tạo dựng cơ nghiệp rồi đón cả gia đình đến sau, hoặc một vài gia đình cùng cả xóm kết nhóm với nhau cùng đi. Phần lớn họ chọn thuyền buồm hay ghe bầu làm phương tiện di chuyển chính, bởi lúc bấy giờ di chuyển giữa các phủ miền Trung với Đồng Nai – Gia Định chủ yếu là đường biển, một số người phải trèo đèo lội suối đi đường Bộ, đi dần từng chặng một, đến một địa phưong ở lại một thời gian, thấy bám trụ được thì ở lại lập nghiệp, bằng không đi tiếp và lần hồi cũng tới vùng đất mới Đồng Nai.

Tiến trình nhập cư của lưu dân Việt vào vùng Đồng Nai – Gia Định từ lẻ tẻ rời rạc, dần dần có quy mô lớn hơn. Những lưu dân Việt từ việc lập những làng xóm nhỏ trên vùng đất Đồng Nai đã thôi thúc các chúa Nguyễn đặt những bước tiến lớn hơn trên vùng đất này.

Sự kiện quan trọng có ý nghĩa mở đầu cho mối quan hệ chính thức giữa Chân Lạp và Đàng Trong cũng như đối với quá trình mở đất của các chúa Nguyễn đó là cuộc hôn nhân ngoại giao giữa vua Chân Lạp là Chettha II với công chúa Ngọc Vạn vào năm 1620.

Đầu thế kỷ XVII, khi mà uy thế của chúa Nguyễn đã lan vào cả đất Nam Bộ thì việc tìm đến chúa Nguyễn như một cứu cánh đã xuất hiện đối với vương triều Chey Chettha (1618 – 1625) nhằm đối trọng với Ayuthaya.

Cuộc hôn nhân mang màu sắc ngoại giao giữa Chettha II với công chúa Ngọc Vạn vào năm 1620 là sự kiện có ý nghĩa xác lập cho mối bang giao giữa Chân Lạp và Đàng Trong một cách chính thức, đồng thời đặt dấu ấn cho công cuộc mở đất tới vùng Đồng Nai nói riêng và Nam Bộ nói chung của các chúa Nguyễn. Cuộc hôn nhân này đã mở ra nhiều sự thay đổi đối với vận mạng của Chân Lạp và đem đến cho Đàng Trong những bước tiến diệu kỳ trên con đường mở mang bờ cõi. Đó là những điều kiện vô cùng thuận lợi cho các chúa Nguyễn thực hiện công cuộc mở đất ở Đồng Nai nói riêng và Nam Bộ nói chung.

Những xúc tiến cho công cuộc mở đất của các chúa Nguyễn vào Gia Định, Mô Xoài, Đồng Nai được đẩy mạnh thực hiện ngay sau cuộc hôn nhân này. Sau đó là những giúp đỡ thường xuyên của chúa Nguyễn Phước Nguyên cho Chân Lạp. Thậm chí, chúa Nguyễn còn gửi cả quân đội và chiến thuyền đến giúp Chân Lạp chống lại các hoạt động chiến tranh và gây sức ép của quân Xiêm khiến cho liên minh giữa Chân Lạp và Đàng Trong ngày càng chặt chẽ hơn. Mặt khác, công chúa Ngọc Vạn, bấy giờ đã trở thành hoàng hậu của Chân Lạp, thường đề nghị với chồng để tạo điều kiện cho người Việt sang sinh sống, khai phá ở vùng Prey Nokor – Kas Krobei (vùng Sài Gòn, Bến Nghé sau này), Đồng Xoài, Mô Xoài (vùng Biên Hòa, Bà Rịa) vẫn đang còn bỏ hoang. Bà chính là cầu nối của mối quan hệ giữa Chân Lạp và Đàng Trong, đồng thời là nhân tố quan trọng trong những ngày đầu mở đất về phía Nam Bình Thuận của chúa Nguyễn. Đây chính là cơ sở thuận lợi từng bước hợp pháp hóa sự kiểm soát của mình đối với vùng đất đã được khẩn hoang.

Sự kiện nữa có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình xâm nhập vào đất Đồng Nai của chúa Nguyễn là việc mở trạm thu thuế ở Sài Gòn vào năm 1623.

Sự liên minh Đàng Trong – Chân Lạp ngày càng gắn bó, cùng với vai trò cầu nối của Ngọc Vạn khiến cho lưu dân người Việt vào làm ăn, sinh sống ở vùng đất này ngày càng đông. Trong điều kiện thuận lợi ấy, năm 1623, trên cơ sở có được sự thỏa thuận của vua Chettha II, chúa Nguyễn đã lập được sở thu thuế ở Krey Nokor (Sài Gòn), Kas Krobei (Bến Nghé) để đảm bảo quyền lợi và công việc làm ăn, sinh sống của người Việt; cử một đạo quân (quan, lính) đến đóng đồn, bảo vệ con đường giao thương giữa Đàng Trong với Chân Lạp và Xiêm.

Việc được lập một sở thu thuế và đóng đồn trên đất Đông Nam Bộ ngoài việc có ý nghĩa như là “sự thu hoạch” đối với những thành quả của người Việt đạt được, mà còn mang tính chất như là một sự xác lập chủ quyền nhất định của chúa Nguyễn ở một vùng đất “trái độn’ giữa Đàng Trong và Chân Lạp. Với đặc quyền này, cư dân người Việt đến Chân Lạp ngày một đông hơn do cảm giác yên tâm bởi đã có một sự bảo trợ của cả chính quyền Đàng Trong lẫn Chân Lạp với vai trò của bà hoàng hậu người Việt trên vùng đất mới.

Sau khi vua Chettha II mất vào năm 1628, thì vùng đất từ Prey Nokor (Sài Gòn) trở ra phía Bắc, bao gồm vùng thành phố Hồ Chí Minh, Biên Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu ngày nay, đã có nhiều người Việt đến sinh sống. Với những đóng góp của mình, có thể khẳng định chúa Nguyễn Phước Nguyên đã có vai trò như là người đặt những viên đá đầu tiên trên con đường Nam tiến vào đất Nam Bộ, tạo tiền đề cho sự thúc đẩy quá trình này ở các đời chúa sau.

Sự ra đi của vua Chettha II vô hình tạo nên nhiều thay đổi trong mối quan hệ giữa Chân Lạp và Đàng Trong, cũng như tiến trình khẩn hoang ở Đồng Nai của các chúa Nguyễn. Kể từ đây, cuộc khai hoang mở đất của các chúa Nguyễn vào Nam Bộ luôn gắn với sự xung đột trong chính quyền Chân Lạp.

Hai sự kiện tiếp theo có vai trò quan trọng nữa đối với quá trình mở đất này là hai cuộc can thiệp quân sự vào lãnh thổ Chân Lạp của các chúa Nguyễn đáp ứng lời thỉnh cầu của Chân Lạp nhằm giải quyết các tranh chấp nội bộ (năm 1658 và 1674) khiến thanh thế và vai trò của Đàng Trong ngày càng lên cao, Chân Lạp trở thành nước thần phục và phải cống nạp hàng năm.

Tiếp nối con đường mà chúa Nguyễn Phước Nguyên đã khai mở, chúa Nguyễn Phước Tần có vai trò thúc đẩy hơn nữa công cuộc mở đất vào Nam Bộ.

Năm 1658, theo sự cầu cứu của một trong số các phe phái trong triều đình Chân Lạp, chúa Nguyễn Phước Tần đã sai phó tướng dinh Trấn Biên là Nguyễn Phước Yến, Cai đội Xuân Thắng, Tham mưu Minh Lộc đem 3000 quân sang can thiệp, thiết lập lại trật tự cho Chân Lạp. Vua đang tại vị của Chân Lạp là Nặc Ông Chân (1642 – 1659) bị bắt bỏ vào cũi đem về nạp cho chúa. Chúa Nguyễn phong So làm vua Chân Lạp, hiệu là Batom Reachea (1660 – 1672) và buộc Chân Lạp phải có nghĩa vụ triều cống cho Đàng Trong. Như vậy, mối quan hệ giữa Chân Lạp và Đàng Trong dưới thời chúa Nguyễn Phước Tần có sự thay đổi quan trọng – từ bang giao bình đẳng chuyển sang mối quan hệ thần phục. Điều này đã tạo điều kiện rất lớn cho quá trình di dân của người Việt vào đất Đồng Nai để tiếp tục khai khẩn đất hoang. Người dân Việt chuyển cư đến vùng Gia Định, Mô Xoài, Đồng Nai ngày càng đông và dần chiếm đa số.

Tình trạng rối ren trong triều đình Chân Lạp lại tiếp tục diễn ra sau khi Batom Reachea bị giết vào năm 1672. Hoàng tộc bị chia thành nhiều nhóm, phái, có phái muốn dựa vào Xiêm, có phái dựa vào chúa Nguyễn để giành ngai vàng. Nặc Nộn (Nặc Non) thỉnh cầu chúa Nguyễn trong khi Nặc Ông Đài cầu cứu quân Xiêm để chống lại với Đàng Trong. Vào năm 1674, chúa Nguyễn Phước Tần sai cơ đạo dinh Thái Khang là Nguyễn Dương Lâm đưa quân sang Chân Lạp để hỗ trợ cho Nặc Nộn với lí do: “Nặc Nộn là phiên thần, có việc nguy cấp, không thể không cứu”. Thắng trận, chúa Nguyễn Phước Tần phong cho Nặc Thu (em ông Nặc Đài) làm vua chính, đóng ở thành Long Úc, Nặc Nộn làm vua thứ, đóng ở thành Sài Gòn và buộc hai tiểu vương quốc hàng năm có nghĩa vụ triều cống. Chúa Nguyễn đã dần trở thành lực lượng thiết lập lại trật tự ở Chân Lạp khi có nội biến xảy ra. Chân Lạp có nghĩa vụ triều cống hàng năm cho chúa Nguyễn và tạo điều kiện cho lưu dân người Việt vào làm ăn, sinh sống.

Như vậy “quá trình xâm nhập vào vùng đất Đông Nam Bộ từ năm 1620 đến năm 1674 đã thu đạt được kết quả như ý: vùng đất từ Pray Kor trở ra cho đến biên giới Champa (bao gồm thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa và Biên Hòa ngày nay) đã trở thành “lãnh địa riêng của chúa Nguyễn với rất nhiều người Việt đến sinh sống và lập nghiệp.”  Có thể nói, thế lực của chúa Nguyễn ở Đồng Nai – Gia Định đã tăng lên mạnh mẽ, điều đó khuyến khích làn sóng định cư của  người Việt trên vùng đất mới.

 Qua quá trình khảo cứu, chúng tôi cho rằng điểm dừng chân đầu tiên của lưu dân Việt là Mô Xoài (Bà Rịa), địa đầu của vùng đất mới, nằm trên trục giao thông của đường bộ từ Bình Thuận vào Nam, lại nằm trên đường biển có vịnh biển Ô Trạm rất thuận lợi cho tàu thuyền cập bến. Đây là một vùng đất rộng lớn từ Long Hương, Phước Lễ đến Đất Đỏ ngày nay. Theo Trịnh Hoài Đức trong Gia định thành thông chí thì lưu dân Việt đã vào Mô Xoài từ đời chúa Nguyễn Hoàng (1558- 1613), chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613 – 1635 ), chúa Nguyễn Phúc Lan (1635 – 1648 ). Đến nửa sau thế kỷ XVII số di dân người Việt đến vùng này khá đông, trong đó có một số di dân Thiên Chúa giáo trốn chạy việc cấm đạo. Những người này đã lập ra một họ đạo ở Xích Lam gần Đất Đỏ.

Từ Mô Xoài, Bà Rịa, các thế hệ di dân tự do người Việt, với phương tiện di chuyển chủ yếu là thuyền, ghe, xuồng, theo thuỷ triều ngược, dòng sông Đồng Nai, và cả đi bộ, dọc theo sông, tiến dần vào vùng Đồng Nai. Các điểm định cư sớm nhất của họ là: Nhơn Trạch, Long Thành, An Hoà, Bến Gỗ, Bàn Lân, cù lao Phố, cù lao Tân Chánh, cù lao Ngô, cù lao Kinh, cù lao Tân Triều … Như vậy, tiến trình nhập cư của cư dân người Việt vào đất Đồng Nai – Gia Định đã diễn ra liên tục trong suốt gần một thế kỷ.

Hệ quả của quá trình này, Trên cơ sở của một lực lượng di dân, khai khẩn vùng đất phương Nam từ trước nên chúa Nguyễn Phúc Chu đã cử Nguyễn Hữu Cảnh – một tướng tài giỏi kinh lược phía Nam vào mùa xuân năm Mậu Dần (1698).

Chuyến kinh lược này, Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh đã thực thi một việc vô cùng quan trọng; đó là thiết lập một hệ thống tổ chức bộ máy hành chính ở vùng đất mới. Cụ thể là: “ông lấy đất Nông Nại đặt làm phủ Gia Định, lập đất Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng nên dinh Trấn Biên (lỵ sở nay là thôn Phước Lư), lập xứ Sài Côn làm huyện Tân Bình, lập dinh Phiên Trấn (quận sở nay gần Tân Đồn). Mỗi dinh lập ra chức Lưu thủ, Cai bạ và Ký lục để cai trị. Về vệ thuộc thì có hai ty Xá, Lại để làm việc, quân binh thì có tinh binh cơ đội thuyền thủy bộ và thuộc binh để hộ vệ. Ngàn dặm đất đai, dân hơn 4 vạn hộ, chiêu mộ lưu dân từ châu Bố Chính đến lập nghiệp, lập ra thôn xã phường ấp, phân định địa giới, ruộng đất, lập ra tô thuế, xây dựng đinh điền bạ tịch. Con cháu người Hoa nếu ở Trấn Biên được quy lập thành xã Thanh Hà, còn ở Phiên Trấn thì lập thành xã Minh Hương rồi cho phép vào hộ tịch.”

 Đất đai lúc Nguyễn Hữu Cảnh kinh lược (kể toàn phủ Gia Định) mở rộng 1000 dặm, dân số hơn 4 vạn hộ, trung bình một hộ 5 người thì ở toàn phủ Gia Định lúc này có đến 200.000 người. Ông chiêu mộ lưu dân từ Bố Chánh (Quảng Bình) đưa vào Nam cho ở đông đúc, thành lập xã, thôn, phường, ấp, chia đặt địa giới, khai khẩn ruộng đất, định lệ thuế, tô và dung, đồng thời lập sổ đinh, sổ điền. Với việc xác lập chủ quyền bằng cách thiết trí hệ thống hành chính các cấp phủ, huyện, phường, xã, thôn, ấp. Lưu dân người Việt từ chỗ là kiều dân đã cùng với các tộc người khác trở thành thần dân của chúa Nguyễn.

Chuyến kinh lược này, Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh đã thực thi một việc vô cùng quan trọng: Ông lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình dựng dinh Phiên Trấn, mỗi dinh đặt chức Lưu thủ, Cai bộ và Ký lục để quản trị, nha thuộc có hai ty xá – lại để làm việc; quân binh thì có cơ, đội, thuyền, thuỷ bộ binh và thuộc binh để hộ vệ.

 Việc làm của Nguyễn Hữu Cảnh có tác động lớn đến vùng đất mới. Vùng đất rộng, người thưa, dân cư gồm những người tha phương cầu thực đã chung sống trở thành cộng đồng. Về mặt pháp lý, với bộ máy hành chính cụ thể, người dân chịu sự cai quản của nhà nước, sống theo trật tự xã hội và có điều kiện phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, Nguyễn Hữu Cảnh thực thi chính sách dân tộc độc đáo, khai thác tiềm năng kinh doanh của cộng đồng người Hoa và ổn định về xã hội cho họ yên tâm cùng với lưu dân Việt phát triển vùng đất Đồng Nai bằng cách lập đơn vị hành chánh riêng. Cụ thể là lập xã Thanh Hà ở Trấn Biên (Biên Hoà), Minh Hương (Sài Gòn) ở Phiên Trấn.

Trên cơ sở khẳng định vùng lãnh thổ, chúa Nguyễn bắt đầu thực hiện những chính sách khẩn hoang và phát triển kinh tế trên đất Nam Bộ nói chung và Đồng Nai nói riêng. Qua cuộc kinh lược của Nguyễn Hữu Cảnh vào năm 1698 đã biến vùng đất Đồng Nai – Gia Định thực sự thuộc chủ quyền và đặt dưới sự quản lý của chúa Nguyễn. Nó đẩy nhanh quá trình khai khẩn đất hoang và phát triển kinh tế ở vùng đất này. Những việc làm này đã đặt nền tảng xã hội cơ bản. Từ đây Đồng Nai – Gia Định trở thành lãnh thổ chính thức của nước Việt Nam.

            Sau khi lấy được Đồng Nai – Gia Đinh, các chúa Nguyễn không chỉ dừng lại ở đó. Năm 1756, Nặc Nguyên dâng hai phần đất Tầm Bôn và Lôi Lạp để chuộc tội khiến dinh Long Hồ có thêm vùng đất Tân An và Gò Công. Năm 1757, Nặc Tôn (con Nặc Nguyên) dâng đất Tầm Phong Long (khoảng giữa Nam Châu Đốc và Bắc Cần Thơ) để tạ ơn chúa Nguyễn đã sắc phong Phiên vương cho mình. Đồng thời, vị vua Chân Lạp này cũng cắt đất 5 phủ Vũng Thơm (Hương Úc), Cần Vọt (Cần Bột), Châu Rùm (Trực Sâm), Sài Mạt, Linh Quỳnh cho Mạc Thiên Tứ để đền ơn giúp đỡ (5 phủ này được chúa Nguyễn cho sáp nhập vào Hà Tiên). Tiếp đó, sự di cư của lực lượng người Hoa dưới sự dẫn đầu của Trần Thượng Xuyên và Dương Ngạn Địch vào năm 1679 đã bổ sung một lực lượng cư dân Đàng Trong trên vùng đất Nam Bộ, tạo điều kiện để hình thành nên các đơn vị hành chính của người Việt sau đó. Sự sáp nhập Hà Tiên vào Đàng Trong cũng diễn ra tương tự như vậy. Chúa Nguyễn đã luôn đợi đến thời điểm chín muồi, khi dân cư có sự tập trung; sự khai phá, xây dựng và phát triển các vùng đất mới ở một mức độ nhất định thì mới thiết lập nên các đơn vị, tổ chức hành chính của mình.

            Như vậy, đối với Chân Lạp, các cuộc chiến mà chúa Nguyễn thực hiện xuất phát ban đầu từ việc thỉnh cầu của các phe phái trong triều đình Chân Lạp, rồi sau đó nhằm bảo vệ lãnh thổ của mình và tiến đến cho dân khai phá những phần đất bỏ hoang còn lại mà Chân Lạp không hề có sự quản lý và khẳng định chủ quyền ở đây, mặt khác các vua Chân Lạp tự nguyện dâng đất cho các Chúa Nguyễn mà trên thực tế những vùng đất này đã được người Việt khai phá, lập ra các làng xã và cơ quan thu thuế của riêng mình.

            Với cuộc khai phá những vùng đất này, cương vực Đàng Trong đã kéo dài  phía Nam từ đèo Cù Mông (Bình Định) đến tận mũi Cà Mau, đem lại cho chúa Nguyễn một vùng lãnh thổ rộng lớn, đủ sức sánh vai với Đàng Ngoài của chúa Trịnh. Cả một dải đất rộng lớn từ Quảng Bình cho đến mũi Cà Mau ngày nay đã thống nhất vào lãnh thổ Đại Việt.

            Sau khi hoàn tất công cuộc mở rộng khai phá đất đai ở Nam Bộ, Đàng Trong đã có thêm các đơn vị hành chính mới: dinh Phú Yên (1611), dinh Thái Khang (1653), dinh Bình Thuận (1697), dinh Trấn Biên, dinh Phiên Trấn (1698), trấn Hà Tiên (1708), dinh Long Hồ (1732).

     Như vậy, Đàng Trong lúc bấy giờ có 10 dinh và 1 trấn: các dinh Bố Chính, Quảng  Bình, Lưu Đồn (nay ở tỉnh Quảng Bình), dinh Cát (ở Quảng Trị), Chính dinh còn gọi là Đô thành Phú Xuân (Thừa Thiên Huế), dinh Quảng Nam (còn gọi là Dinh Chiêm), dinh Phú Yên (1611), dinh Bình Khang (Khánh Hòa, 1653), dinh Bình Thuận (1697), dinh Trấn Biên (Biên Hòa, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, 1698), dinh Phiên Trấn (Sài Gòn, Gia Định, Long An, 1698), trấn Hà Tiên được hưởng cơ chế tự trị và dinh Long Hồ (các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, 1732).

            Ngoài ra, với công cuộc khai phá đất đai, Đàng Trong cũng xuất hiện những đơn vị hành chính mới như châu Định Viễn ở dinh Long Hồ, đạo Đông Khẩu (Sa Đéc), đạo Tân Châu ở Tiền Giang, đạo Châu Đốc ở Hậu Giang (An Giang), đạo Kiên Giang (nay thuộc Kiên Giang), đạo Long Xuyên, đạo Trường Đồn (Mỹ Tho).

            Qúa trình mở rộng lãnh thổ của người Việt xuống phía Nam không chỉ dừng lại ở thời chúa Nguyễn. Khi thống nhất giang sơn, lập ra nhà Nguyễn (1802), dưới thời Minh Mạng đã có những cuộc chiến tranh với nước phía Tây lúc bấy giờ là Chân Lạp. Đã có lúc Minh Mạng đã thôn tín toàn bộ lãnh thổ của nước này. Tuy nhiên, do sự phản kháng của nhân dân Chân Lạp, dưới sự giúp đỡ của chính quyền Xiêm, cộng thêm sự cai trị hà khắc của một bộ phận quan lại người Việt đã dẫn đến việc nước Đại Nam không thể sáp nhập vùng đất Chân Lạp lâu dài. Sau khi thực dân Pháp vào đô hộ nước ta đã phân chia Nam Kỳ với lãnh thổ như hiện nay. Chấm dứt việc người Việt mở rộng cũng như thôn tính bờ cõi ở phía Nam.

V. Kết luận

Trong bản thảo cuốn sách Đất nước Việt Nam qua các đời được in ở miền Bắc của học giả Đào Duy Anh có chương nói về biên giới Việt Nam qua các đời, nhưng đến sau năm 1975 khi tái bản ở miền Nam, Ông xem lại thì đã bỏ chương này đi vì thấy tài liệu chưa được đầy đủ. Chứng tỏ đây là một vấn đề hết sức khó khăn cần phải dày công nghiên cứu mới có thể khái quát, hệ thống hóa vấn đề này một cách đúng đắn nhất. Trong phạm vi của một bài viết, tác giả với tư cách là người đi sau được thừa hưởng các công trình nghiên cứu công phu của thế hệ đi trước lấy làm cảm kích. Mặc dù đã có nhiều cố gắng và rất có ý thức trong việc cập nhật kết quả mới nhất của giới khoa học nước nhà, song cũng không thể tránh khỏi những nhược điểm và thiếu sót. Kiến thức là vô hạn, sự hiểu biết của người viết là hữu hạn, mong sẽ nhận được sự đóng góp từ độc giả.

0