18/06/2018, 16:18

Quy luật về sự ra đời, phát triển và suy vong của các triều đại phong kiến ở Việt Nam

Các quan quỳ làm trong ngày lễ mừng thọ vua Khải Định. Hoa Anh Đào Hồi đại học tôi rất tâm đắc với một câu nói của người thầy đáng kính, tuy ngắn gọn nhưng lột tả được những khuất mắt trong cách nhìn nhận về thế giới quan của mình: “Cái gì sai thì nó sẽ không tồn tại mãi được ...

2ceCung 4

Các quan quỳ làm trong ngày lễ mừng thọ vua Khải Định.

Hoa Anh Đào

Hồi đại học tôi rất tâm đắc với một câu nói của người thầy đáng kính, tuy ngắn gọn nhưng lột tả được những khuất mắt trong cách nhìn nhận về thế giới quan của mình: “Cái gì sai thì nó sẽ không tồn tại mãi được đâu, tự nó sẽ bị đào thải”. Qua các bài học kinh nghiệm lịch sử, tôi nhận thấy điều này là chắc chắn và không thể chối cãi.

 Nhìn vào xuyên suốt lịch sử nước ta, các triều đại phong kiến thay nhau cầm quyền, thịnh suy mỗi thời mỗi khác tuy nhiên một đặc điểm chung là không một bộ máy cầm quyền nào của chế độ phong kiến có thể duy trì sự thống trị của mình mãi mãi được, dù đã tìm đủ mọi phương cách và thủ đoạn để duy trì quyền lực tối cao của dòng họ mình. Bởi sau quá trình phát triển đến đỉnh cao, nước nhà thịnh vượng thì các triều đại phong kiến ấy nhanh chóng thoái trào và đi đến con đường sụp đổ. Bởi chế độ phong kiến có một cái chung nhất là quyền lực tập trung vào trong tay một người, một dòng họ, một bộ máy. Tam quyền cơ bản không được phân chia. 

Chế độ phong kiến du nhập trong quá trình cai trị của các triều đại phong kiến Trung Quốc trên đất nước ta hơn một ngàn năm. Việt Nam vốn là một nước nhỏ. Cái mạnh của văn hoá Việt Nam không phải ở chỗ đã khởi xướng, phát minh mà là ở khả năng thích ứng và biến hoá. Chế độ phong kiến Việt Nam với thiết chế quân chủ tập quyền là một mô hình ngoại nhập từ Trung Hoa, với nền văn hoá Đông Á, dưới hình thức cưỡng bức và tự nguyện. Mặt khác, chế độ đó đã được chỉnh sửa, đẽo gọt, thu nhỏ kích cỡ cho phù hợp với những điều kiện cụ thể, đặc thù của lịch sử, xã hội Việt Nam, vốn có một cơ tầng văn hoá Đông Nam Á. Đó là một hạt giống ngoại sinh, được gieo trồng và đơm hoa kết trái trên một mảnh đất và trong một khí hậu nội sinh.

Đến khi Khúc Thừa Dụ giành được quyền tự chủ vào năm 905 thì chế độ phong kiến vẫn tiếp tục tồn tại trong cơ chế xã ở cả thượng tầng kiến trúc và hạ tầng cơ sơ. Đến thời Lý, Trần chế độ phong kiến đã về cơ bản đã hình thành. Qua thời Lê sơ, nó được xác lập chủ đạo trong toàn bộ đời sống kinh tế và tiếp tục phát triển ở các giai đoạn sau.

 Ta thấy rằng khi một ông vua lãnh đạo bộ máy nhà nước hết lòng chăm lo đến đời sống của nhân dân, trừng trị quan tham, ban hành nhiều chính sách để khoan thư sức dân… thì tự khắc đất nước trở nên hùng cường, có thể chiến thắng với những đội quân xâm lược hùng mạnh nhất. Tuy nhiên, khi đất nước thái bình, những hậu bối sinh sau hưởng thụ thành quả của ông cha để lại, không thấy được cảnh cực khổ cày cuốc của nhân dân, mà chỉ sống trong nhung lụa xa hoa, đàn điếm. Từ đó sinh ra thói quen hưởng thụ trên thành quả lao động của nhân dân, cho xây dựng, tiêu pha, lãng phí, tiêu tốn đến cạn kiệt ngân sách quốc gia, hết thì lại tìm cách tăng mọi thứ thuế đổ gánh nặng ấy lên đầu nhân dân. Những ông vua ấy lại thích nghe những lợi xua nịnh của các nịnh thần, vẫn tự mãn cho mình trị quốc không thua gì các bậc tiền nhân, vẫn ảo tưởng rằng nhân dân vẫn còn nghe và tin theo mình, những người nào thấy bất bình lên tiếng thì cho quân đội ra tay đàn áp, cho đó là nghịch tử, bất trung. 

Những giọt nước cứ thế được rót vào chiếc ly, đến một lúc nào đó, nó tự khắc sẽ dâng tràn, xuất hiện ngày càng nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân nổ ra khắp nơi, làm lung lay chính quyền thối nát. Trên cơ sở đó một triều đại mới lại ra đời, theo quy luật cũ, lúc đầu khôi phục và phát triển đất nước, về sau lại thoái hóa biến chất. Từ Lý, Trần, Hồ, Lê, Mạc, Trịnh – Nguyễn, Tây Sơn, cũng như nhà Nguyễn đều phải trải qua quy luật đó. Như vậy, nguyên nhân chính gây ra những điều trên đó là sự độc quyền, độc đoán của một ông vua, một dòng họ, sự phụ thuộc quyền lực quá nhiều gây nên cảnh lầm than, đọa đầy cho cả dân tộc.

Như vậy, xét về sự sụp đổ của các triều đại phong kiến ở Việt Nam, chúng ta có thể thấy một điểm chung rằng sự tha hóa về đạo đức của một bộ phận lớn vua quan ở giai đoạn cuối của triều đại là nguyên nhân quan trọng nhất.  

Về cơ bản, nhà nước phong kiến bảo vệ cho chế độ của mình thông qua việc bảo vệ quyền lợi cho sự phát triển của ruộng đất tư. Xã hội loài người vốn dĩ đi theo quy luật của nó và không ai có thể đảo lộn những quy luật này được, ruộng đất cũng vậy, đi từ công hữu đến tư hữu. Hay nói cách khác, ruộng đất ở nước ta từ sở hữu công thông qua sự quản lý của bộ máy làng xã dần dần đến sở hữu tư của giai cấp địa chủ. Cùng với bộ máy chính quyền phong kiến dần dần được hoàn thiện, thì chính trong sự thay đổi về cơ cấu ruộng đất ấy, chế độ phong kiến dần dần được hình thành và xác lập ở nước ta. Bộ máy nhà nước của chế độ phong kiến bảo vệ quyền lợi của giai cấp địa chủ. Ruộng đất tư không bị đánh thuế và số lượng nó ngày càng được mở rộng. Chỉ trừ một trường hợp đặc biệt dưới thời chúa Trịnh Tạc đã ban hành chính sách đánh thuế vào ruộng đất tư. Tuy nhiên đây không phải là một sự cải cách được vạch sẳn mà là do tình cảnh túng thiếu về mặt ngân sách, chúa Trịnh phải ban hành chính sách trên. Giai cấp địa chủ là đại diện cho tầng lớp thống trị lúc bấy giờ được nhà nước thông qua pháp luật bảo vệ quyền lợi cho họ. Ông vua trong chế độ phong kiến được xem là đại địa chủ lớn nhất trong cả nước. Vua là người có quyền lực tối cao, ban hành luật pháp và cũng là người xét xử các vụ án. Nói theo ngôn ngữ hiện đại, nhà vua là người nắm trong tay ba quyền cơ bản là hành pháp, tư pháp và lập pháp. Đây là mầm mống cho sự bất ổn của xã hội về sau. Vì trong cơ chế đó, rất dễ dàng nảy sinh tình trạng quan liêu, tham nhũng, độc quyền và độc đoán trong bối cảnh bộ máy nhà nước trung ương suy yếu không đủ sức trấn áp các thế lực ở địa phương. Hoặc như, các quan lại nịnh thần kết bè kết phái mặc sức thao tục quyền lực. Bộ máy ấy bị thối rửa từ trung ương cho đến địa phương. Và hậu quả của nó là nền kinh tế bị điều hành yếu kém, năng suất lao động không cao, mất mua đói kém. Bên cạnh đó các loại thuế phí ngày một tăng cao, đời sống nhân dân rơi vào cơ cực lầm than.

Cũng chính vì vậy, ở châu Âu khái niệm “tam quyền phân lập” lần đầu được nghiên cứu và đề cập bởi John Locke và Charles de Secondat, Nam tước de Montesquieu trong tác phẩm nghiên cứu về lý thuyết nhà nước “Tinh thần pháp luật” (1748) của mình. Không để cho một cá nhân, tổ chức nào có thể thao túng quyền lực dẫn đến những khủng hoảng kinh tế xã hội không thể nào lường trước được.

Rút ra bài học từ lịch sử, chúng ta có thể thấy rằng, để tránh những vấn nạn trên, dân tộc ta phải xây dựng đất nước trên nền tảng dân chủ, phải tận dụng được hết trí tuệ và sức lực của toàn thể dân tộc chứ không phải dựa vào một dòng họ, một cá nhân, tổ chức nào đó. Đời sống của người dân luôn phải được đặt là mối quan tâm hàng đầu của nhà nước, như lời dặn của Trần Hưng Đạo cho vua Trần Anh Tông rằng: “Phải nới sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc” cho sự nghiệp lâu dài của nước nhà. Không được đặt ra các loại thuế phí vô lí, tận thu, nhũng nhiễu làm ảnh hưởng tiêu cực đến sự sản xuất và lao động của nhân dân. Tư tưởng lấy dân làm gốc luôn được các minh quân thực thi chỉ tiếc rằng con cháu họ không giữ lấy cách trị nước bền vững của ông cha. Vả lại, đó cũng là một quy luật không thể nào làm khác được. Bởi vì vậy, trong bối cảnh ngày nay, khi chế độ phong kiến đã bị xóa bỏ, tư tưởng ấy cần được vận dụng để sự phát triển dân tộc ta mãi trường tồn.

Bên cạnh đó, một điều đáng lưu ý mà bài học từ chế độ phong kiến để lại đó chính là thể chế quyền lực phải được quy định trong mô hình “tam quyền phân lập”, quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp được tách biệt và giao cho 3 cơ quan độc lập khác nhau thực hiện và qua đó ràng buộc, kiểm tra và giám sát hoạt động lẫn nhau. Theo thể chế này, không một cơ quan hay cá nhân nào có quyền lực tuyệt đối trong sinh hoạt chính trị của một quốc gia. Tránh được tình trạng độc đoán, lạm dụng quyền lực mưu lợi của các nhóm lợi ích cũng như những cá nhân thao túng quyền lực.

 Bài học lịch sử đã chỉ ra như vậy, cái gì sai sẽ không tồn tài mãi mãi được cho dù có dùng quyền lực, quân đội để ra sức bảo vệ, đàn áp và dung túng cho nó. Muốn được tồn tại muôn năm thì nên tránh những điều trên. Nhưng có lẽ có những thứ sai, không phù hợp với quy luật phát triển thì nó không thể nào sửa chữa được.

0