18/06/2018, 16:18

Tiến trình Nhà Thanh công nhận triều đại Quang Trung (bài 2)

Chương I: từ căng thẳng đến hòa hoãn Phần 1: trước khi đàm phán Nguyễn Duy Chính TRƯỚC KHI ĐÀM PHÁN Khi Tôn Sĩ Nghị và một nhóm nhỏ tàn quân chạy về đến Nam Quan, viên tổng đốc Lưỡng Quảng lập tức tâu lên vua Càn Long việc thất trận đồng thời xúc tiến hai công tác cấp bách ...

Chương I: từ căng thẳng đến hòa hoãn

Phần 1: trước khi đàm phán

Nguyễn Duy Chính

TRƯỚC KHI ĐÀM PHÁN

Khi Tôn Sĩ Nghị và một nhóm nhỏ tàn quân chạy về đến Nam Quan, viên tổng đốc Lưỡng Quảng lập tức tâu lên vua Càn Long việc thất trận đồng thời xúc tiến hai công tác cấp bách nhất: 1/ kiểm điểm quan binh chạy về và 2/ tái phối trí binh lính tại các cửa ải đề phòng việc quân Tây Sơn thừa thế đánh qua. Một công việc cũng rất quan trọng đối với Thanh triều là tìm được vua Chiêu Thống ngõ hầu không bị tiếng là bỏ rơi một thuộc quốc.

Trước hết, Tôn Sĩ Nghị sai Tôn Vĩnh Thanh điều thêm 300 quân cộng với số 2700 quân có sẵn để chia ra đóng dọc theo biên giới, chủ yếu là ba cửa Trấn Nam (tức Nam Quan), Bình Di, Thuỷ Khẩu có thông đạo qua nước ta.[1] Báo cáo sơ khởi có khoảng 3000 quân Thanh thoát chết,[2] một số theo đường nhỏ được dân chúng chỉ lối chạy về.[3]

Khi nghe tin xấu từ Quảng Tây, vua Càn Long đặc biệt quan tâm đến số binh sĩ chạy thoát vì chính ông cũng có lỗi khi bị tập kích bất ngờ. Ông lo rằng trong số quan binh bị bắt làm con tin – giống như trường hợp Miến Điện trước đây – có một số tướng lãnh cao cấp sẽ bị dùng để đổi chác và sẽ trở thành khó nghĩ nếu tin đó lọt ra ngoài. Nhiều chi tiết cho thấy sau này vua Càn Long tuy cảm thán về việc “đề trấn đại viên” (viên chức lớn bao gồm đề đốc và tổng binh) hi sinh nhưng ông cũng mừng thầm là không có một nhân vật quan trọng nào bị bắt sống và coi việc Tôn Sĩ Nghị bỏ chạy là biết giữ quốc thể nên không bị phạt mà còn được khen. Chính quan viên nhà Thanh cũng biết ý hoàng đế nên vẽ vời để trận đánh thêm phần oanh liệt và thua trận là do những lý do ngoài dự liệu như Lê Duy Kỳ bỏ chạy làm dân chúng náo loạn khiến địch thừa cơ đánh úp.[4]

Vua Càn Long lập tức ra lệnh cho tái tục việc đưa 3000 quân từ Quảng Đông sang [trước đây tính tăng cường cho đại quân ở Thăng Long nhưng đã hoãn lại khi có lệnh triệt binh] để gia tăng canh phòng biên giới. Cũng ngay những ngày đầu tiên, Lê Duy Kỳ [tức vua Chiêu Thống] và một số thân quyến, bầy tôi chạy được đến Nam Quan.[5] Việc đàm phán hay hoà giải giữa nhà Thanh và Tây Sơn chưa đặt ra vì còn nhiều vấn đề gấp rút hơn cần giải quyết.

Cứ như thông lệ, khi tướng lãnh thua trận thì vua Càn Long đều xử tội nặng. Nhiều người tự tử không dám về triều và Tôn Sĩ Nghị cũng không yên tâm khi đã làm vua Thanh thất vọng. Trong những lá thư gửi lên, họ Tôn đều nhận lỗi về phần mình và xin được trả lại các tước vị, khen thưởng … để hoàng đế định đoạt.

…Thần chịu ơn nặng của hoàng thượng, uỷ thác việc lớn, nhưng không sớm làm cho xong. Lần này cũng vì quân giặc đông gấp mấy lần bên mình, khiến cho các tướng đề trấn bị vây, chưa thoát ra được. Lại nhân số quân thần đang cai quản, chỉ có vài trăm người, vượt ra khỏi trùng vi rồi, khí thế khó có thể khơi lại được, nên không có thể quay lại cứu viện. Chỉ ngẩng xin hoàng thượng cách chức và trị tội thần thật nặng mà thôi. Ðể chứng tỏ pháp độ và răn đe những kẻ sai sót. Còn như đề trấn nếu chẳng may bị giết hại rồi, thần thề chẳng cùng bọn giặc kia cùng sống. Vậy xin hoàng thượng tuyển đại thần có uy cao vọng trọng, đem quân chinh thảo. Thần nguyện lo việc chuẩn bị lương thảo, khí giới đem đến quân tiền, đái công hiệu lực để chuộc lỗi trước.[6]

Tuy nói rất mạnh bạo, lại tự nguyện theo quân chinh phạt lần thứ hai nhưng ngay trong báo cáo đầu tiên, Tôn Sĩ Nghị đã khôn khéo gợi ý về một biện pháp giảng hoà trong một lá thư mà ông ta nói là đã gửi cho Nguyễn Huệ như sau:

… Hôm trước thần ở bờ phía bắc sông Phú Lương [tức sông Nhĩ Hà], thấy thế giặc ở bờ bên kia quá dũng mãnh, mà các tướng đề trấn, chưa thấy về đến bờ sông, hay là đã thất bại rồi nên không triệt hồi được. Vì thế mới tự tay viết một mảnh giấy, sai di nhân [tức người Việt] đem đến bên sông giao lại cho đầu mục của giặc như sau:

“Lần này bản bộ đường phụng mệnh đại hoàng đế, thống lãnh binh sĩ xuất quan, nguyên chỉ có ý khôi phục kinh đô, để phong vương cho Lê Duy Kỳ. Hiện nay Lê Duy Kỳ đã sợ giặc mà trốn mất rồi. Người đó uỷ mị không có chí khí, không thể tiếp tục giúp đỡ nữa, nên đã triệt binh trở về quan ải. Nếu như Nguyễn Huệ dám giết một quan binh nào chưa kịp xuất quan, thử nghĩ thiên triều có để cho ngươi phạm tội lần nữa mà bỏ qua hay không? Ðại hoàng đế sẽ phái đại thần, thống lãnh vài chục vạn quan binh, bốn đường tiến binh tiễu trừ, không diệt được ngươi thì không thôi. Còn như ngươi Nguyễn Huệ đem quan binh đưa trở ra, rồi tự trần tình hối tội các duyên cớ, ấy là biết lẽ thuận nghịch, may ra xin được khoan dung. Hoạ hay phúc cũng là do ngươi tự chọn lấy. Việc đang lúc cấp bách, ta chỉ có mấy lời thôi.”[7]

Lá thư này nhiều phần Tôn Sĩ Nghị bịa đặt ra để tìm một lối thoát hiểm vì đoán được rằng vua Càn Long sẽ chọn giải pháp giảng hòa hơn là tiếp tục một cuộc chiến mới. Nếu hai bên bãi chiến, trong vai trò tổng đốc Lưỡng Quảng chắc chắn Tôn Sĩ Nghị sẽ có dịp đoái công chuộc tội. Còn như nếu tiến hành một cuộc chinh phạt lần thứ hai, chắc chắn họ Tôn sẽ không còn vai trò gì nữa.

Cũng có thể khi về đến Quảng Tây, họ Tôn thấy một số dụ chỉ của vua Càn Long mà vì tình hình chiến sự nên chưa kịp chuyển xuống Thăng Long trong đó hoàng đế nhà Thanh tỏ ra bi quan và liên tiếp ra lệnh “triệt binh” (rút quân về) – kể cả đánh lừa vua tôi nhà Lê – chứng tỏ ông đã thấy những khó khăn không thể vượt qua nếu duy trì cuộc chiến ở An Nam. Trong dụ chỉ gửi trong khoảng 27-29 tháng Chạp, – tuy không thi hành kịp nhưng đã khiến cho Tôn Sĩ Nghị, Tôn Vĩnh Thanh nhận ra tia sáng cuối đường hầm.

Tôn Sĩ Nghị sau khi đã sắp xếp yên ổn cho Lê Duy Kỳ rồi hãy thừa thế cho quân tỉnh Điền [cánh quân Vân Quí]rút về theo lối Việt Tây [Quảng Tây] rồi sau khi tiến khẩu lại theo đường Việt Tây về tỉnh Điền nhưng đừng quá nhiều để những nơi như Tuyên Quang, Hưng Hoá thu phục rồi mà quân đóng chơ vơ ở đó để có thể làm cho toàn cục đổ vỡ không hoàn thành.

Trẫm nghĩ họ Lê lập quốc đã lâu, khí vận suy dần gần đây nhiều phen loạn lạc mà Lê Duy Kỳ lại là người nhút nhát bất tài, chung quanh không có ai phò tá. Xem tình hình đó chắc là lòng trời đã chán ghét họ Lê, nếu như có thể bắt được bọn Nguyễn Huệ đem ra chính pháp mà Lê Duy Kỳ không thể tự mình chấn tác làm cho được việc, ví thử có một Nguyễn Huệ khác lại nổi lên làm loạn thì lẽ nào lại làm phiền binh lực thiên triều thêm mấy lần?

Trẫm biện lý công việc đều thuận theo trời mà làm, nay trời đã ghét họ Lê mà trẫm lại muốn nâng đỡ thì không phải là tôn kính lòng trời, là đạo phủ ngự thuộc quốc vậy. Việc tiến tiễu Quảng Nam lúc này chưa thuận tiện để làm, vậy hãy tuân chỉ tức tốc quay về không nên ở lại nơi đó thêm nữa. [8]

Văn kiện này nếu tính theo thời gian chuyển thư thì cũng cho ta thấy khi còn ở Thăng Long, Tôn Sĩ Nghị chưa hề nhận được lệnh triệt binh. Chính vì chưa nhận được chỉ thỉ về một đường lối dứt khoát đã khiến cho quân Thanh lâm vào thế dằng dai, họ Tôn chưa dám tự mình chọn một quyết sách cụ thể ngoài việc gửi thư ậm ọe đòi Nguyễn Huệ đến quân doanh đầu hàng và hẹn mồng 6 Tết sẽ ra quân. Việc hẹn trước một thời điểm giao tranh kèm theo những hình thức thao diễn, phô trương “mãi võ” mà nhiều người ngoại quốc ghi nhận[9] cho thấy Tôn Sĩ Nghị chỉ muốn mua thời gian, đợi khi có chủ trương chính thức của triều đình sẽ thi hành. Vì thế tiến thoái lưỡng nan, Tôn Sĩ Nghị cũng bác khước mọi kế hoạch tiến quân mà nhóm nhà Lê đề nghị đưa đến việc ép vua Chiêu Thống thu hồi binh quyền của Lê Quýnh.[10]

Ngày 24 tháng Giêng năm Kỷ Dậu [Càn Long 54], nhận được tin bại trận, vua Càn Long lập tức giáng chỉ điều động Phúc Khang An từ Mân-Triết (Phúc Kiến) sang làm tổng đốc Lưỡng Quảng thay Tôn Sĩ Nghị. Tuy nhiên chính Thanh triều cũng e ngại nếu An Nam phản ứng giống như Miến Điện – không chịu thần phục, giam cầm tù binh và tấn công biên giới – thì sẽ trở thành một vấn đề lớn. Vì thế vua Thanh chưa thể đưa ra sách lược ngoài một hướng dẫn tổng quát:

Trước đây trẫm đã biết Lê Duy Kỳ là người hèn yếu không năng lực, không thể nào dấy lên được, xem chừng trời đã ghét bỏ họ Lê rồi, không còn hộ trợ nữa. Lại thêm dân tình An Nam, phản phúc không tin được, nên ta đã sớm giáng dụ chỉ, ra lệnh cho Tôn Sĩ Nghị tức tốc triệt binh. Nếu như khi Tôn Sĩ Nghị nhận được chỉ đó, tuân lệnh kéo binh về ngay, thì lúc này quan binh đã qua khỏi quan ải rồi.

Ðến nay Nguyễn Huệ dám quay lại quấy nhiễu, cũng vì Tôn Sĩ Nghị mong mỏi Nguyễn Huệ hối tội xin đầu hàng, nếu được như thế thực là tốt đẹp. Lại thấy thời gian đã đến, nhằm lúc sắp đến mùa xuân, xứ này nhiều mưa dầm chướng khí, dẫu muốn chuẩn bị để cử binh thì cũng không đúng lúc. Huống chi việc điều động binh phu ở Quảng Ðông, Quảng Tây cũng đã đình chỉ rồi, nay lại lục tục gọi ra, việc chậm [điều động dân phu] không thể giúp được chuyện gấp [cử binh sang đánh An Nam], chẳng khỏi dân chúng nghe rồi thêm kinh hãi. Cho nên việc trước mắt là làm thế nào triệt hồi được toàn bộ quân sĩ để giữ thể thống cho quốc gia ấy là quan trọng hơn cả.

Tôn Sĩ Nghị là người thống lãnh toàn bộ quân doanh dù gì chăng nữa cũng không thể mạo hiểm. Viên tổng đốc đó vượt vòng vây để thoát ra là việc làm rất đúng. Kế đến là đề đốc Hứa Thế Hanh là một viên chức cao cấp, cũng thật quan trọng, hiện nay chưa nghe tin tức gì, ta cũng lo lắng lắm. Hai người [chỉ Tôn Sĩ Nghị và Phú Cương] hãy gia tâm thận trọng, suất lãnh quan binh, mau mau tiến quan.

Hiện nay cứ như Tôn Sĩ Nghị và Tôn Vĩnh Thanh tâu lên thì Lê Duy Kỳ vào ngày mồng bảy tháng Giêng đã vào trong quan, tạm đưa vào Nam Ninh ở rồi.

Trước nay việc hành quân không phải lúc nào cũng thuận lợi. Chẳng hạn như đánh ở phía tây Tân Cương, hay việc đánh lưỡng Kim Xuyên. Cả hai đều có những thất bại rồi sau mới thành công. Lần này Tôn Sĩ Nghị đem binh đi tiễu trừ giặc ở An Nam, thành công quá dễ. Ðến nay có những khó khăn, mới hay không phải Nguyễn Huệ tự thu lấy diệt vong. Lúc này chỉ cần Tôn Sĩ Nghị, Hứa Thế Hanh đưa được đại binh hoàn toàn trở về được, không tổn hại đến quốc thể là đủ. Tương lai có làm hay không làm, nắm hay buông cũng là ở ta, lúc đó tính toán rồi hãy định đoạt.

Còn như Tôn Sĩ Nghị tâu xin cách chức trị tội thì việc này xảy ra ngoài ý muốn, không phải vì tổng đốc kia liều lĩnh làm càn, sao lại đưa ra câu nói như thế. Tổng đốc kia hãy trấn tĩnh hơn nữa để mà trông coi công việc triệt binh, đừng để tâm mang ý loạn. Ðó là chuyện quan trọng hơn cả.

Còn Nguyễn Huệ chắc không dám đụng tới biên cảnh của thiên triều đâu. Thế nhưng một dải quan ải, phải nên bố trí binh lực để phô trương thanh thế hầu tiếp ứng lẫn nhau. Hiện tại theo như Tôn Vĩnh Thanh tâu lên thì đã điều binh hơn một nghìn đến rồi, hợp với số binh phòng giữ từ trước, tổng cộng là ba nghìn người, có thể thêm bớt. Vậy truyền lệnh cho Tôn Vĩnh Thanh, ước lượng lại một lần nữa, nếu như lại phải điều động binh đinh thì cũng không nên loan truyền rộng rãi, chỉ nên ở các doanh phụ cận, một mặt tuyển mộ đồng thời tâu lên cho ta biết.

Còn như quan binh Việt Tây [Quảng Tây] vốn đã triệt hồi rồi thì lộ Vân Nam chắc cũng do đường Tuyên Quang, biên giới mau mau rút về. Quân bên Ðiền tỉnh [tức Vân Quí] tương đối đông, nếu như quân của Phú Cương, Ô Ðại Kinh đang chỉ huy, không thể điều dụng được thì hãy bố trí dọc theo biên giới, để cho thanh thế thêm mạnh mẽ.[11]

Chúng ta thấy vua Càn Long không còn ý định đưa Lê Duy Kỳ trở lại Thăng Long và đã ít nhiều mở một con đường công nhận Nguyễn Huệ nếu phía An Nam khẩn khoản yêu cầu. Nội dung cũng cho thấy chính Tôn Sĩ Nghịxin chịu tội nhưng vua Càn Long miễn cưỡng thi hành chứ không phải đùng đùng nổi giận sai Phúc Khang Anđiều động binh mã chín tỉnh sang kinh lý việc An Nam như tiếng đồn.

Việc Phúc Khang An sang thay đặt Tôn Sĩ Nghị vào một hoàn cảnh khó xử. Nếu họ Tôn hoàn toàn thụ động chấp hành lệnh của triều đình chờ Phúc Khang An đến bàn giao xong sẽ lên đường về kinh thì hoạn lộ của ông ta coi như chấm dứt. Việc tranh thủ thời gian ngắn ngủi khi họ Phúc chưa sang để sớm đạt được một vài thành tựu sẽ gỡ cho Tôn Sĩ Nghị một nước cờ tàn, đưa tới việc bí mật sai Thang Hùng Nghiệp liên lạc với phía Tây Sơn. Cứ theo tài liệu nước ta, Thang Hùng Nghiệp đã ngầm gửi cho triều đình Tây Sơn một văn thư còn ghi trong Tây Sơn Bang Giao Lục được Hoa Bằng dịch ra như sau:

… Xét ra họ Lê bên An-nam thần phục Thiên triều đã lâu, một sớm bị họ Nguyễn Tây sơn nhà ngươi chiếm đoạt mất đô thành, nên Hoàng đế (chỉ vua Thanh) phải sai tướng đem binh ra khỏi cửa ải, khôi phục đất nước cho họ Lê và cứ cho vẫn được nối chức chịu phong như trước. Chẳng dè Lê Duy Kỳ đơn kém, vô tài, không thể dấy-nhức làm được trò trống gì cả, cứ dắt mẹ chạy trốn hoài, đến nỗi làm cho nhà Lê không ngóc lên được! Từ đấy về sau, Thiên triều quyết không thể đem nước An-nam mà giao cho Lê Duy Kỳ nữa!

Họ Nguyễn Tây-sơn nhà ngươi nên nhân trước khi có chỉ dụ, mau mau làm biểu sang đây, gõ cửa kêu với Đại Hoàng-đế (vua Thanh) rằng Lê-Duy-Kỳ không được dân vọng, nhân dân bơ vơ tan đi bốn ngã; bất đắc dĩ, tôi phải đem binh ra thay nhà Lê mà vỗ về dân chúng. Nào ngờ dọc đường, thình lình gặp phải quân nhà vua, đụng ai họ giết nấy. Tình thế dữ-dội. Nếu chúng tôi bó tay chịu trói, thì thể nào cũng đến bị giết hết sạch.

Vì vậy, đám di binh, di mục theo tôi phải hết sức chống cự lại. Chúng tôi tự biết thế là có tội nặng lắm. Hiện nay tôi đã tra xét hai người chống cự thiên binh (quân Thanh) ấy, đem ra trị tội cho chính pháp cả rồi.

Rồi nên nhờ người tâu xin với Đại Hoàng đế (vua Thanh) cúi thương mọi rợ (!) không biết gì, uốn theo lời xin mà tha thứ. Nên chăng cứ để Lê Duy-Cận đứng giám quốc; kính xin nhà vua ban chiếu chỉ phán bảo cho.

Đặt lời cung thuận như vậy, chắc được Đại Hoàng đế soi xét lòng thành, sẽ cho nhà ngươi chủ trì việc nước. Bấy giờ sẽ có thể lại sai người sang kêu cầu Thiên triều ban cho ân điển (chỉ việc cầu phong).

Bản đạo (Thang Hùng Nghiệp tự xưng) nhân vì giữ chức ở biên giới, tương lai có rất nhiều việc giao thiệp với An-nam nhà ngươi (!), nên phải viết thư kín này mà ngỏ cho biết.

Thuận theo thì được phúc, trái nghịch thì phải vạ tuỳ nhà ngươi tự chủ đấy…[12]

lập trường của hai bên

đại việt

Nước ta vốn dĩ luôn luôn bị nước lớn chèn ép, tuy thắng một trận lớn ở Thăng Long nhưng đuổi được Tôn Sĩ Nghị về Quảng Tây chưa phải là thành quả sau cùng để có thể nói chuyện đàm phán. Việc nhà Thanh đem một lực lượng lớn hơn sang phục thù là điều rất có thể xảy ra theo cả kinh nghiệm xung đột với Trung Hoa trong quá khứ, hay tính riêng những chiến dịch khác đời Càn Long.

Một kế hoạch phòng thủ và ngăn chặn địch được xúc tiến ngay và giới truyền giáo Tây phương đã ghi nhận miền Bắc huy động dân chúng ngày đêm đắp thành lũy để chống giặc. Vua Quang Trung cũng chuẩn bị một con đường huyết mạch từ Lạng Sơn xuống Thăng Long rồi từ Thăng Long xuống Nghệ An để chia ra các đường thượng đạo, đường biển khi cần rút về Phú Xuân. Ngoài ra, lực lượng thủy quân cũng bố trí đối phó với quân Thanh một khi họ từ đại dương đánh vào.

Trong khi đó, thành phần cựu thần còn trung thành với hai họ Lê – Trịnh cũng tìm cách chiêu tập lực lượng đợi tham gia chiến đấu trong trường hợp quân Thanh sang đánh lần thứ hai. Chúng ta thấy có một số tâm điểm ở Kinh Bắc (nơi hoàng phi Nguyễn Thị Kim nương náu), ở Thanh Hóa (là đất tổ có con cháu nhà Lê sinh sống lâu đời), các khu vực thượng du vùng Thái Nguyên, Cao Bằng (có hoàng đệ Lê Duy Chỉ và một số thổ mục trấn giữ) …Ngoài ra cũng có những địa điểm của những người còn trung thành với họ Trịnh tiếp tục hoạt động ở ven sông và dọc theo duyên hải.

Nói tóm lại, trong những ngày đầu tiên, việc đối phó với nhà Thanh chưa nghiêng về việc cầu hòa mà là chuẩn bị chiến tranh. Những phái đoàn được đưa lên tiếp xúc với quan lại Quảng Tây nhằm mua thời gian, tương tự như các triều đại trước khi ngăn chặn quân Nguyên, quân Minh. Ngoài việc biện bạch rằng chiến tranh không do chủ ý của nước ta, Ngô Thì Nhậm đã nêu lên hai điểm để thăm dò nhưng cũng là đầu mối nếu đối phương muốn thương lượng:

– Ta bắt được khoảng 800 tù binh,

– Sẵn sàng nghênh chiến nếu không có chọn lựa khác.

Với tin tức hạn chế, có lẽ triều đình Tây Sơn cũng chưa biết rằng vua Lê và một số cận thần đã chạy được sang Quảng Tây nên trong thư gửi sang Trung Hoa vẫn nhắc tới việc trước đây họ đã đưa Lê Duy Cẩn lên “giám quốc” thay vua Chiêu Thống nhằm để ngỏ một giải pháp sau cùng là nếu Trung Hoa khăng khăng đòi tái lập nhà Lê thì có thể quay trở về công nhận cả vua lẫn chúa [phó quốc vương] như thời trước rồi sau đó sẽ đi theo cách thức Lê Lợi đối xử với Trần Cảo [khi đó trên danh nghĩa là quốc vương] để xin công nhận một họ mới.

Những lá thư thăm dò ấy đã được quan lại ở Quảng Tây tìm hiểu và qua một số trao đổi riêng, họ biết rằng nước ta sẵn sàng đáp ứng những đòi hỏi sơ khởi để tiến hành những bước kế tiếp.

trung hoa

Về phía nhà Thanh, việc đem quân sang nước ta nguyên thuỷ chỉ là một món quà của Tôn Sĩ Nghị cốt để vua Càn Long sớm hoàn thành cái mộng “Thập Toàn”. Ngay từ đầu, chiến dịch sang đánh An Nam không nằm trong một cơ nghi chiến lược vì triều đình Tây Sơn không phải là một đe dọa cho Trung Hoa mà chỉ là tranh giành quyền lực nội bộ nên sự can thiệp của nhà Thanh mang tính trang sức hơn là thực sự muốn lấy lại nước cho vua Lê.

1. Vua Càn Long muốn có thêm một chiến công tô điểm – hollow victory – cho sự nghiệp của mình nên dựa vào một duyên cớ rất mơ hồ là vì nhà Lê thần phục đã hơn 100 năm nên khi bị cường quyền thoán đoạt không thể không can thiệp. Tuy nhiên, ngoài một chiến công mới làm nổi bật ngày lễ khánh thọ bát tuần năm Canh Tuất, vua Càn Long cũng ngầm mơ ước có một phiên vương đích thân sang Bắc Kinh chúc hỗ, một công tác mà vua Chiêu Thống sẽ hăng hái tự nguyện làm.

2. Tôn Sĩ Nghị muốn có một chiến công để lên cao trong hoạn lộ. Nhà Thanh vốn trọng võ công nên những ai có thành quả quân sự đều được đặc biệt cất nhắc, điển hình là cha con Phó Hằng, Phúc Khang An sau những dịp cầm quân đều trở thành danh thần. Trước đây cái danh dự cầm quân đều giao cho đại thần người Mãn, việc một tổng đốc người Hán tạo thành tích sẽ là một việc xưa nay chưa từng có trong các chiến dịch đời Càn Long.

Sự tương đồng về yêu thích hư danh của vua Càn Long và Tôn Sĩ Nghị đưa tới sự thổi phồng quá đáng những chiến thắng nhỏ trên đường tiến xuống Thăng Long. Vua Càn Long đặc cách thăng thưởng cho Tôn Sĩ Nghị lên nhất đẳng công, Hứa Thế Hanh lên nhất đẳng tử cũng chính là tự khen mình vì ông tin rằng cấp dưới chỉ thực hiện những cơ mưu chỉ đạo từ Bắc Kinh đưa xuống.

Khi Tôn Sĩ Nghị bị đánh bại, vua Càn Long thấy ngay rằng việc lún sâu vào phương Nam có thể đưa đến một cuộc chiến sa lầy, tương tự như chiến dịch đánh Miến Điện, hao binh tổn tướng, phí phạm tiền bạc, lương thực mà kết quả chưa lấy gì làm sáng sủa. Mục tiêu chính lúc này không phải là phục thù mà làm sao khai thác chiến bại để lật ngược thành “chiến thắng mà không cần dụng binh”.

Trong tình hình đó, một mặt nhà Thanh phao tin sẽ đưa Phúc Khang An – con trai danh tướng Phó Hằng – đem quân sang kinh lý việc An Nam [đồng thời phô trương lực lượng dọc theo biên giới], mặt khác tìm cách lái vua Quang Trung đi cùng với con đường mà vua Chiêu Thống đã chọn.

Bề ngoài thì phô trương thanh thế nhưng bề trong vua Càn Long gửi mật chỉ cho Phúc Khang An bảo “đừng làm lớn chuyện”. Có lẽ cũng đoán biết tâm lý vua Càn Long nên khi nghe tin Tôn Sĩ Nghị bại trận, Phúc Khang An đã tâu lên xin được sang làm tổng đốc Lưỡng Quảng để giải quyết công việc với tiêu chí “dưỡng quân uy, tồn quốc thể” – hay nói khác đi làm sao cho binh sĩ không mất tinh thần đồng thời sẽ ngụy trang việc bại trận càng nhiều càng tốt – một công tác mà ông ta biết sẽ có thể thành công

clip_image002

Phúc Khang An

clip_image004

Tôn Sĩ Nghị

clip_image006

Hứa Thế Hanh[13]

clip_image008

Hình 1: Tấu thư của Phúc Khang An

ngày mồng 10 tháng Hai năm Kỷ Dậu về việc An Nam

có châu phê của vua Càn Long

clip_image010

Hình 2: Tấu thư của Tôn Sĩ Nghị ngày 28 tháng Hai năm Kỷ Dậu

(có một khúc bị bôi xóa)[14]


[1] Phương Lược Quán (方略館). Khâm Ðịnh An Nam Kỷ Lược [viết tắt KDANKL] (欽定安南紀略) (Hải Khẩu: Hải Nam xbx, 2000). q. XIII, tr. 8 Tấu thư của Tôn Vĩnh Thanh.

[2] KDANKL, q. XIII, tr. 16 Tấu thư của Tôn Vĩnh Thanh.

[3] … Từ sau ngày mồng 5 tháng Giêng các đường lớn đều có binh lính tặc phỉ [quân Tây Sơn] nên họ phải đi theo đường núi và được những người dân tỉnh Việt sống ở An Nam [đây là người Thổ, Nùng sống ở biên giới biết nói tiếng Hoa] giữ lại thôn trang và chỉ đường đi. Lại nghe nói nơi nào cũng có giặc đóng, riêng ở Lạng Sơn thì khá đông … “Tấu thư của tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị và tuần phủ Quảng Tây Tôn Vĩnh Thanh” gửi ngày 23 tháng Giêng, Cung Trung Đáng Càn Long Triều Tấu Triệp, q, 71 [tháng Giêng đến tháng Năm năm Càn Long 54] (1988) tr. 85.

[4] Lý Xuân Quang trong Thanh Ðại Danh Nhân Dật Sự Tập Lãm (清代名人軼事輯覽) 2004, tập II từ trang 930 đến 931 có chép như sau:

Hứa Thế Hanh ra sức can ngăn Tôn Sĩ Nghị

Hứa Tráng Liệt tên là Thế Hanh, người Thành Ðô, tổ tiên người Hồi. Ông xuất thân binh nghiệp, khi đánh Kim Xuyên lập công lên đến Chuyên Khổn. A Văn Thành có ý coi trọng, ông nói:

– Kẻ võ thần hiểu được đại nghĩa chỉ duy một mình Hứa mỗ mà thôi.

Sau lên làm đề đốc Quảng Tây. Ðến khi quốc vương nước An Nam là Lê Duy Kỳ bị chúa đất Thanh Hoá là Nguyễn Quang Bình đánh đuổi, gõ cửa quan cầu viện, khi đó Tôn Văn Tĩnh Sĩ Nghị là tổng đốc đất Quảng, tự cho là mình có tài cầm quân nên chủ ý dụng binh. Ông nói:

– Ðem quân đánh bọn Man Di, bậc vương giả cũng không trị nổi. Một khi binh liên hoạ kết, không biết đến bao giờ mới dứt được.

Tôn không nghe lời ấy, đem quân hai tỉnh Quảng Ðông, Quảng Tây chinh phạt. Nguyễn Quang Bình lúc đầu bất ngờ thấy vương sư đến, binh ít nên quay về Thanh Hoá điều thêm quân. Tôn công vì thế nên thắng lớn. Vào được Lê thành liền chiếm lấy cung vua, chỉ lo uống rượu làm thơ chẳng coi quân địch vào đâu. Ông can rằng:

– Quân ta thâm nhập trọng địa, cũng nên thận trọng. Huống chi Quang Bình chưa đánh đã rút lui, e có điều không ngờ được, chi bằng nhân lúc địch chưa ra, đem quân trở về, ấy là thượng kế.

Tôn đáp:

– Cái tính toán của kẻ sĩ, ngươi sao mà biết được.

Ðến khi Quang Bình kéo binh trở lại, Duy Kỳ nhanh chân bỏ nước chạy trước, thế giặc dũng mãnh, Tôn Sĩ Nghị hoảng hốt lập cập, đã toan chịu chết. Ông (Hứa Thế Hanh) ghìm ngựa họ Tôn lại can rằng:

– Ngài là đại thần, nếu như bị thương tổn, e quan hệ đến quốc thể. Thế Hanh này là một kẻ võ phu, may được bề trên tri ngộ, lên đến chỗ cầm cờ mao, đem thân tuẫn quốc cũng phải rồi.

Ông ra lệnh cho chư tướng bảo vệ Tôn Sĩ Nghị trở về quan ải, một mình đem mấy trăm quân ra đánh, bị địch giết chết. Quang Bình đem quân đuổi theo Văn Tĩnh đến sông Phú Lương, sắp bắt kịp nguyên soái bên ta, tổng binh Thượng Duy Thăng là hậu duệ của Bình Nam Vương, tuổi trẻ hăng hái, đem binh ra chống cự. Ðánh đến khi trời sáng, Thượng đâm chết được mấy chục người, máu nhuộm đỏ cả áo giáp. Về sau viện binh không tới kịp bèn rút kiếm ra than rằng:

– Trượng phu được chết (ở sa trường), ấy là thoả chí rồi. Thế nhưng không chết về tay đại địch mà chết ở trong tay đứa tầm thường, không khỏi uổng cái dũng của ta, chi bằng để khỏi nhục cho tiên thế vậy.

Nói xong cứa cổ tự tử. Tôn Sĩ Nghị liền chặt cầu, chật vật lắm mới đem được tàn quân chạy về đến cửa quan, tổng binh Trương Triều Long, Lý Hoá Long trước sau cũng bị giết, bao nhiêu lương thực, khí giới đều bị địch lấy hết.

Khi nghe chuyện đó, Thuần Hoàng Ðế (tức vua Càn Long) cho là ông biết đại thể, hết sức thương tiếc, phong tước Tráng Liệt Bá, đem vào thờ ở Chiêu Trung Từ. Con ông là Quân Môn Công Văn Mô được tước thị vệ, làm đến đề đốc Phúc Kiến, trong chiến dịch Xuyên, Sở cũng rất dũng cảm quả là thế gia. (trích trong Khiếu Ðình Tục Lục-嘯亭續錄, q. 2)

[5] KDANKL, q. XIII, tr. 9 Tấu thư của Tôn Vĩnh Thanh (bản dịch NDC)

[6] KDANKL, q. XIII, tr. 1. Tấu thư của Tôn Sĩ Nghị nhận ngày 25 tháng Giêng. (bản dịch NDC)

[7] KDANKL, q. XIII, tr. 1. Tấu thư của Tôn Sĩ Nghị nhận ngày 25 tháng Giêng. (bản dịch NDC)

[8] “Tấu thư của tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị và tuần phủ Quảng Tây Tôn Vĩnh Thanh” gửi ngày 15 tháng Giêng, Cung Trung Đáng Càn Long Triều Tấu Triệp, q, 71 [tháng Giêng đến tháng Năm năm Càn Long 54] (1988) tr. 1-2.

[9] Ðặng Phương Nghi, “Vài Tài Liệu Mới Lạ…”. TSSĐ 9-10 (1968) tr. 221

[10] Hầu hết các sử gia Trung Hoa đều tin rằng Tôn Sĩ Nghị đã không tuân lệnh vua Càn Long rút quân vể nên bị đánh bất ngờ ở Thăng Long. Điểm lại các tài liệu của nhà Thanh, chúng ta thấy những lệnh gần nhất trước khi bại trận có đề cập đến việc chấm dứt chiến dịch là chỉ dụ của vua Càn Long – tuy không triệt để ra lệnh rút về –ngày 19, 20, 22, 23, 27, 28 tháng Chạp năm Mậu Thân và ngày mồng 4, 12, 16, 19 tháng Giêng năm Kỷ Dậu [xem thêm Chu Viễn Liêm: Càn Long Hoàng Đế Đại Truyện tái bản lần 7 (Hà Nam ndxbx, 1996) tr. 588-9]. Tính theo đường trạm chuyển tin quân sự theo lối nhanh nhất 600 dặm một ngày thì từ Bắc Kinh xuống Quảng Tây khoảng 15 ngày, từ Quảng Tây xuống Thăng Long khoảng 5 ngày nữa nên tin tức qua lại mỗi lần đi về chừng hơn 20 ngày. Lệnh triệt binh không phải là lệnh tối khẩn cấp nên chắc phải lâu hơn, trong khoảng 20 – 30 ngày. Xem như thế, trước ngày Tết Nguyên Đán, Tôn Sĩ Nghị hoàn toàn chưa biết gì về lệnh triệt binh nên định chờ đến sau Tết sẽ quyết định tiến hay thoái theo lệnh vua Càn Long. Lệnh triệt binh ngày 19 tháng Chạp Tôn Sĩ Nghị chỉ biết sau khi chạy về Quảng Tây và tin bại trận gửi ngày 11 [khi Tôn Sĩ Nghị chạy về đến Nam Quan] đến vua Càn Long vào ngày 24 tháng Giêng. Tuy nhiên dù không có lỗi nhưng vẫn nhận tội về mình là cách thức khôn khéo của quan nhà Thanh để bảo tồn thể diện cho hoàng đế.

[11] KDANKL, q. XIII, tr. 10-11

[12] Hoa Bằng, Quang Trung Nguyễn-Huệ anh hùng dân tộc 1788-1792 (tái bản lần 2) (Saigon: Hoa Tiên, 1950) tr. 187-8. Maurice Durand cũng có một bản dịch sang tiếng Pháp lá thư này: […] vous rédigiez à la hâte un placet et l’envoyiez à la Porte impériale pour démander avec respect que Sa Majesté auguste considère que le peuple ne souhaite pas le retour de Lê Duy Kỳ, que ses sujets se sont enfuis de tous côtés dans une grande confusion, que vous ne pouviez pas ne pas conduire vos troupes et entrer dans le royaume pour, a sa place, faire régner l’ordre; que par hasard vous avez soudain rencontré sur votre route l’armée impérial qui attaquait et massacrait les gens, et qui se conduisait avec une grande férocité; que si vous étiez, restés les bras croisés, certainement vous auriez tous été exterminés […][…] ngài hãy mau mau đem đến cửa quan một biểu văn thỉnh cầu đại hoàng đế xem xét cho rằng dân chúng nước tôi không mong việc Lê Duy Kỳ trở lại, còn những người đi theo thì đã chạy tán loạn khắp nơi, và tuy không muốn đem quân vào nước này nhưng vì muốn tái lập an ninh trên đường đi bất ngờ gặp quan binh thiên triều tấn công chém giết thuộc hạ vô cùng tàn khốc, nếu thúc thủ để yên thì thể nào cũng bị tận sátHistoire des Tây Sơn (Paris: les Indes savantes, 2006) tr. 179-80

[13] Ba tấm hình Phúc Khang An, Tôn Sĩ Nghị và Hứa Thế Hanh trích từ một cuộn tranh vẽ 20 tướng lãnh nhà Thanh với ngự bút của vua Càn Long (đã được bán đấu giá USD 4,356,250.00 tại Đài Loan ngày 30 tháng 4 năm 2014)

[14] Đây không phải là bản chính mà là tàng bản (bản sao) của Quân Cơ Xứ, hiện tàng trữ tại Cố Cung Bác Vật Viện Bắc Kinh, Văn Hiến Xứ.

0