18/06/2018, 16:18

Tiến trình Nhà Thanh công nhận triều đại Quang Trung (bài 1)

Thanh- Việt nghị hòa: tiến trình Nhà Thanh công nhận triều đại Quang Trung phái bộ nhà Tây Sơn đi sứ sang nhà Thanh. Ảnh Wikipedia Nguyễn Duy Chính I. phần mở đầu GIẢNG HÒA THEO SỬ CŨ … Tài liệu triều Nguyễn chép về tiến trình nghị hòa và việc nhà Thanh ...

Thanh- Việt nghị hòa: tiến trình Nhà Thanh công nhận triều đại Quang Trung

Annams_envois phái bộ nhà Tây Sơn đi sứ sang nhà Thanh. Ảnh Wikipedia

Nguyễn Duy Chính

I. phần mở đầu

GIẢNG HÒA THEO SỬ CŨ …

Tài liệu triều Nguyễn chép về tiến trình nghị hòa và việc nhà Thanh phong vương cho vua Quang Trung rất giản lược.

Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục chép:

… Tháng 2, Khang An đến mạc phủ Thái Bình thuộc Quảng Tây. Văn Huệ sai bầy tôi là Ngô (Thì) Nhậm lén sang nhà Thanh để xin đầu hàng và tạ tội. Lại đem nhiều vàng lót cho Khang An, nài xin Khang An dàn xếp cho. Khang An đã được nhiều của lót, lại lấy làm may rằng nếu thôi việc dấy quân thì được ung dung vô sự, bèn tâu xin vua Thanh nên nhân đó cho Văn Huệ được thông hiểu, đừng gây hấn ở ngoài biên giới nữa. Vua Thanh y theo...[2]

Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện, quyển XXX, Nguỵ Tây chép:

Thế rồi Phúc Khang An đến Việt Tây [tức Quảng Tây] một lòng giảng hoà, viết thư lấy điều lợi hại mà trình bày. Huệ [Nguyễn Huệ] lấy vàng lụa rất nhiều đem đút lót để mong cho việc xong, lại đổi tên là Quang Bình rồi sai cháu là Nguyễn Quang Hiển cùng bồi thần Vũ Huy Tấn đem cống phẩm gõ cửa quan khẩn khoản xin nhập cận …[3]

Hoàng Lê Nhất Thống Chí của Ngô Gia Văn Phái, một bộ lịch sử tiểu thuyết có ảnh hưởng sâu rộng trong cả quần chúng lẫn giới nghiên cứu chép:

… Lại nói tân đốc thần Lưỡng Quảng là Phúc Long An [đúng ra là Khang An] là người thuộc Nhương Hoàng Kỳ Mãn Châu, từ ấm sinh lên đến chức vụ cao tột bực, được vua Thanh rất tin dùng, cho nên mới ủy thác cho việc lo liệu chuyện nước Nam.

Khi mới thay Nghị làm tổng đốc, theo đường dịch đến mạc phủ Quảng Tây, tận mắt thấy Nghị một thân chạy về, lại nghe Bắc Bình Vương thế mạnh, không khỏi có ý sợ sệt, lại nhận được thư ở biên cương, lấy hết can đảm đứng ra lo việc phương nam, bí mật nói với phân phủ họ Vương phủ Thái Bình rằng: “Nam Bắc bãi binh ấy là phúc của sinh linh mà cũng là việc cực may mắn cho kẻ biên thần! Ta nghe nước Nam có một bầy tôi chuyên về văn thư là Ngô Nhậm, vốn việc từ trát rất giỏi, vậy ông hãy trả lời cho y bảo y chuyên chú việc nghị hòa, viết biểu cho hay mà đệ lên, ta ở bên trong giúp cho thì việc thể nào cũng xong”.

Vương phân phủ đi ra, lập tức viết trát gửi Ngô Nhậm, Nhậm đem việc đó bẩm với Bắc Bình Vương. Vương tuy đã định được Bắc Hà nhưng biên cương phía nam vẫn còn chuyện phải lo nên đưa binh về, nhân dịp đó nói với chư tướng: “Việc binh ở Bắc Hà ta giao cho Văn Sở, Văn Lân còn việc Trung Quốc ta ủy cho Ngô Nhậm, Phan Ích, mọi việc cứ thấy phải thì làm. Khi ta về rồi, nếu việc không quan trọng thì không cần qua lại bẩm báo làm gì”. [4]

Nếu như thế, việc giao thiệp với Trung Hoa tưởng như bỡn cợt nên hậu nhân coi cuộc giảng hòa không có gì quan trọng mà cả hai bên đều giả dối cho qua chuyện. Không hiếm tác giả hoàn toàn không đề cập đến việc tái lập bang giao mà coi xung đột vẫn tiếp tục dưới những hình thức khác cho đến khi Nguyễn Huệ từ trần.

Thực tế, việc qua lại với nhà Thanh cuối thế kỷ XVIII bao gồm nhiều việc lớn kế tiếp nhau mà trước đây riêng một việc cũng đã mất hàng năm [có khi nhiều năm], đi đi lại lại rất phiền toái, nay tuy thuận lợi nhưng không phải không phức tạp.

tóm tắt

Trong tiến trình đàm phán với phương bắc, hai bên không phải tuỳ ý muốn làm gì thì làm. Trung Hoa dưới triều Thanh Càn Long là một quốc gia lớn, có kỷ cương lề lối nên nhất nhất đều theo qui định trong điển lệ, vừa là khung hình luật pháp để nương theo, vừa là thứ tự làm mẫu mực cho đời sau tuân thủ.

Trên hình thức, nhà Thanh cố tình phô trương “sức mạnh nước lớn” để chứng tỏ với dân chúng, với lân bang rằng An Nam đã thần phục trong “một cuộc chiến mà không cần động binh”. Sức mạnh bề ngoài có tính “phùng xoè” được thi triển rất lớp lang, bài bản nhưng bên trong có thể ngược lại với những gì người ta nhìn thấy.

Thanh triều từ quan ngoại vào cai trị trung nguyên nên rất quan tâm đến việc phòng ngừa những cuộc nổi dậy [từ bên trong] và đe dọa [từ bên ngoài]. Song song với việc trấn áp nội loạn, Thanh triều cố gắng tạo một hình ảnh trưởng thượng đối với lân bang để các nước xung quanh phục tòng và làm “phên dậu” cho họ.

Chính sách ngoại giao vì thế có nhiều mặt, đối với những tiểu quốc kế cận thì làm sao cho họ thần phục và chấp nhận chế độ “triều cống”. Khi chấp nhận vai trò này, quốc trưởng các nước nhỏ phải được triều đình Trung Hoa phong vương để chính thức hóa vai trò của mình, sai người sang triều cống theo định kỳ, cáo ai [báo tin vua cũ chết] và cầu phong [cho vua mới]. Ðể đáp lại, hoàng đế nhà Thanh sẽ ban thưởng cho quốc vương và sứ bộ dưới danh nghĩa “hậu vãng bạc lai” (厚往薄來) [giá trị đồ thưởng nhiều hơn giá trị đồ tiến cống].[5]

Về lễ nghi, các triều đại Trung Hoa đều chú trọng cả hai phần: nội dung và hình thức. Nội dung là ý nghĩa triết học thuộc phần hình nhi thượng của văn hoá Trung Nguyên còn hình thức phô trương ra bên ngoài bao gồm lễ khí và nghi thức mà cổ nhân cho rằng cũng như “cây trúc có vỏ ngoài màu xanh, tùng bách có lõi hình tròn”[6]hai bên phải tương ứng với nhau. Theo quan niệm đó, thiên tử là cốt lõi, là tâm điểm để mọi nơi hướng về cũng giống như các vì sao nhỏ chầu đến sao Bắc Thần [Bắc Cực] (chúng tinh củng chi). Tương quan giữa nước nhỏ và nước lớn, giữa thiên tử với phiên thuộc là một sắp đặt thiêng liêng mà mọi nước phải tuân thủ.

Việc tiểu quốc được công nhận và phong tước là sự thể hiện một trật tự xã hội để hai bên cùng có sự chính danh. Tiến trình công nhận vua Quang Trung vì thế vượt ra khỏi đàm phán giảng hoà mà là thiết lập quan hệ để nước ta có một vị trí theo tôn ti Khổng giáo, trước là đối với Trung Hoa, sau là sánh với các nước cũng thần phục thiên triều như Triều Tiên, Xiêm La, Miến Điện, Nam Chưởng, Lưu Cầu… Trong cái trật tự tiền chế đó, những từ ngữ mà Thanh triều dành cho nước ngoài đều nhất nhất nói lên vị thế không sai chạy (quốc thư, sứ thần, bồi thần, tòng [tụng] thần, quốc vương, nhập cận, triều cống …) chưa kể tạo ra uy nghi của triều đình khiến cho người nước ngoài phải run sợ dù rằng thực tế có thể không đúng như vậy.[7]

Nói tóm lại, công nhận và phong vương không phải là nước lớn đáp ứng một yêu cầu của nước nhỏ mà là một chuỗi dài các tranh biện về lễ nghi để hợp thức hóa một triều đại chính thống.

Sau khi thoả thuận những điểm cơ bản đó, nước ta phải thực hiện một số “nhiệm vụ” trong quĩ đạo “phiên thuộc – thiên triều”, từ việc gửi thư sang trần tình, tạ tội đến đưa người sang dâng biểu cầu phong. Nước ta cũng phải tái tục lệ triều cống mà hai bên đã thực thi trong nhiều năm – ba năm một lần triều cống, sáu năm cho sứ thần mang cống phẩm cả hai lần gộp lại.

Khi công nhận nước ta là phiên thuộc, Thanh triều sẽ ban cho một quả ấn [lần này thay thế quả ấn ban cho Lê Duy Kỳ (vua Chiêu Thống) đã thất lạc] và một sắc thư chính thức công nhận Nguyễn Quang Bình (vua Quang Trung) làm An Nam quốc vương rồi cho người sang quốc đô làm lễ. Nước ta cũng phải chiếu theo cựu lệ mà tiếp đón.

Khi xem xét những qui luật lễ nghi đó chúng ta có thể hiểu được cơ sở tranh luận và lý lẽ của hai bên, những được và mất hầu không bị thành kiến chủ quan làm lệch lạc vấn đề.

điển tịch

Tài liệu của nước ta liên quan đến giao thiệp với Trung Hoa không nhằm ghi nhận những biến cố lịch sử mà chỉ ghi lại khuôn mẫu cho đời sau một khi gặp phải một trường hợp tương tự. Thư từ gửi đi phần lớn là những biện bạch để xin được công nhận và phong vương cho người đứng đầu nước. Dù thực tế có hiển nhiên và hợp lý thế nào chăng nữa, lời lẽ trong văn chương ngoại giao vẫn phải giữ vẻ khiêm cung coi như được thiên triều ban cho một đặc ân. Những văn kiện còn lưu lại trong Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí [phần Bang Giao Chí] (Phan Huy Chú), Bang Giao Lục (Lê Thống) , Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ (Quốc Sử Quán triều Nguyễn), Tây SơnBang Giao Tập … cho thấy hai nước không trao đổi những vấn đề quốc gia (kinh tế, chính trị, quân sự, văn hoá …) mà chỉ minh xác một vị thế: nước ta phải thần phục nước lớn theo trật tự phiên thuộc – thiên triều.

Đọc lại văn thư Lê Lợi cầu phong với nhà Minh chúng ta mới hiểu tại sao đời Mạc, đời Lê trung hưng vẫn chỉ lập lại cùng một cách thức mà ai cũng biết rằng giả dối: dâng biểu do các kỳ lão khai là họ cũ không còn ai, nay thay một họ mới. Thảng hoặc đôi khi sứ thần nước ta có phản ứng khi tiếp xúc với Trung Hoa thì thường chỉ là tiếng kêu của kẻ yếu bị ức chế quá đáng chứ chưa hẳn là tranh biện để đòi hỏi một vị thế khác.

Cuối đời Lê, khi Nguyễn Huệ ra bắc diệt họ Trịnh, ông cũng lập lại như các thời trước (hẳn là do các văn quan nhà Lê chỉ dẫn). Đối với Trung Hoa, ông đưa ra một người họ Lê làm “giám quốc” nhưng thực tế là một thứ “bù nhìn”, không có thực quyền (tương tự như Trần Cảo sau khi đuổi được giặc Minh). Ngoài các tờ biểu suy tôn của một số sĩ phu để tìm sự chính danh ở Bắc Hà, ông còn ép Lê Duy Cẩn và triều thần viết thư sang Trung Hoa xin tự ý nhường quyền trị nước cho mình nhưng không thành công. Những người ký tên trong tờ biểu này về sau đã bị vua Chiêu Thống trừng phạt.

Khi quân Thanh sắp sửa sang đánh, vua Quang Trung cũng làm tờ khai [do các kỳ mục ký tên] để giãi bày tình hình chính trị và lý do tại sao trước đây ông phải đem quân ra Bắc. Chỉ sau khi Tôn Sĩ Nghị bại trận, tư thế mới dần dần thay đổi nhất là từ khi “bắt thóp” được đối phương đang cần nước ta cho một nhu cầu “quốc thể”, tiêu chí mà Phúc Khang An khi nhậm chức tổng đốc Lưỡng Quảng đã khẳng định với vua Càn Long rằng sẽ hết sức để chu toàn.

Để công nhận Nguyễn Huệ nhà Thanh phải có một lý do chính đáng (rất có thể chỉ là bịa đặt) nên Nguyễn Huệ đã khai rằng gia đình ông chín đời ở đất Tây Sơn, là người dân không quan tước (bố y) chỉ có liên hệ hôn nhân chứ không có tình nghĩa quân thần với vua Lê. Vin vào đó Thanh triều giải trừ việc kết án ông là loạn thần cướp nước mà trước đây họ đã nhân danh “hưng diệt kế tuyệt” để đem quân sang nước ta. Lý lẽ này hẳn hai bên có trao đổi để cùng chấp nhận được.

Thanh triều cũng nhất loạt đổ tội cho Lê Duy Kỳ [tức vua Chiêu Thống] đánh mất ấn tín, bỏ chạy trước làm hoảng loạn quân dân gây ra thất trận. Nhiều chứng cớ cho thấy thực tế chính Tôn Sĩ Nghị bỏ chạy trước, vua Lê hốt hoảng chạy theo. Vả lại nội dung trong thư từ trao đổi bí mật giữa triều đình nhà Thanh với Tây Sơn không tiết lộ ra ngoài, dù nạn nhân có bị vu oan cũng không tài nào biện bạch.

Về trận đánh quân Thanh, Nguyễn Huệ khai rằng ông chỉ muốn ra Thăng Long để bày tỏ phải trái với Tôn Sĩ Nghị nhưng vì quân thiên triều quá dũng mãnh nên đành phải chống đỡ cho khỏi chết chứ thực tâm không dám kháng cự thiên binh. Để chứng tỏ thành tâm, Nguyễn Huệ trả về các binh sĩ bị bắt coi như thực lòng qui thuận.

Trong khi đàm phán, nhà Thanh cũng gia tăng áp lực bằng cách đưa ra những điều kiện tương tự như các triều đại Trung Hoa trước đây đã đòi hỏi chẳng hạn như dâng đất (đời Mạc), cống voi (đời Lý), quốc vương đích thân sang chầu (đời Trần) hay lên Nam Quan làm lễ thụ phong (đời Lê Trung Hưng) … Những yêu sách đó đều bị bác bỏ và nước ta chỉ bằng lòng lập một đền thờ những người tử trận và xét xử [trên giấy tờ] những ai đã giết hại quan tướng nhà Thanh.

Để đáp lại yêu sách nếu quốc vương không tới Nam Quan xin phong vương thì phải cống người vàng, vua Quang Trung đã cho cháu là Nguyễn Quang Hiển “tuy đại do thân” (tuy thay mặt nhưng cũng như chính mình) đem biểu cầu phong lên kinh đô khiến vua Càn Long vui mừng công nhận Nguyễn Quang Bình làm An Nam quốc vương và xúc tiến các thủ tục bình thường hoá ngoại giao.

Trước hết là việc triều cống định kỳ (sách gọi là tuế cống). Đời Lê nước ta ba năm một lần triều cống nhưng sáu năm mới sai sứ đi một lần, mang theo cả hai lần cống phẩm. Lần sau cùng nước ta đem cống vật sang nhà Thanh là năm 1783 đời vua Hiển Tông, đến năm Kỷ Dậu 1789 vừa đúng 6 năm. Theo đúng thủ tục, cống phẩm phải đưa tới Lạng Sơn và thông báo cho quan nhà Thanh để trình lên, việc Thanh triều bằng lòng coi như chính thức công nhận.

Kế tiếp hoàng đế nhà Thanh sẽ ban cho nước ta một ấn bạc mạ vàng, núm hình lạc đà nằm và viết một sắc thư công nhận Nguyễn Quang Bình (vua Quang Trung) là An Nam quốc vương rồi sai người sang tuyên thị cho mọi người biết và từ đó quốc ấn mới được dùng để đóng vào công văn gửi đi các nước khác. Cũng từ đó, nhà Thanh mới gọi ông là quốc vương thay vì quốc trưởng (khi gửi riêng trong nội bộ có khi họ gọi là tù trưởng, trưởng mục …). Trong công văn, vua Quang Trung cũng không còn phải tự xưng là An Nam quốc tiểu mục, trưởng mục, tiểu phiên … như trước.

Những thủ tục hình thức ấy được thực hiện gấp rút một cách bất thường không phải vì nhà Thanh khiếp sợ như nhiều người suy diễn mà ẩn náu một đòi hỏi là vua Quang Trung phải minh định sẽ đích thân sang chúc thọ vua Càn Long năm Canh Tuất.

Tuy đây là một mặc cả khá thuận lợi cho nước ta nhưng lại dấy lên nhiều quan ngại. Việc lần đầu tiên trong lịch sử một quốc vương An Nam sang triều cận có thể đưa đến hoang mang và dị nghị trong quần chúng. Ngoài nguyên nhân thực tế phải xa nước lâu ngày, vua Quang Trung cũng sợ Thanh triều dùng kế điệu hổ ly sơn, nhân cơ hội mình vắng nhà mà đưa vua Chiêu Thống về nước.[8]

Để bảo đảm rằng vai trò của Lê Duy Kỳ đã hoàn toàn bị loại trừ, Phúc Khang An sắp xếp cho phái đoàn Nguyễn Quang Hiển được gặp vua Chiêu Thống và tòng vong – nay đã cắt tóc thay áo theo y phục nhà Thanh – hiện đang an tháp ở Quế Lâm. Viên tổng đốc Lưỡng Quảng cũng bí mật sai người đưa nhóm đầu não thân Lê ở trong nước ra bên ngoài rồi giữ họ lại trước khi cử người sang Thăng Long làm lễ phong vương.[9]

Tuy nhiên, một sự việc tương đối trái chiều khiến nhiều dự định phải thay đổi. Khi vua Càn Long chấp thuận cho cháu vua Quang Trung là Nguyễn Quang Hiển lên kinh đô chiêm cận (triều kiến hoàng đế) như một hình thức thay mặt quốc vương sang chầu, nhà Thanh đã có ý làm rềnh rang nhằm khoả lấp việc thua trận, đồng thời nêu cao thành quả “thắng mà không cần dụng binh” nên ngoài việc tiếp đãi long trọng trên đường đi, ông cũng cho Nguyễn Quang Hiển được dự yến với các vương công đại thần và làm một đại lễ trao sắc ấn ở kinh đô để sứ thần An Nam mang về nước.

Vua Càn Long cũng muốn phô trương việc công nhận Nguyễn Quang Bình mà ông chủ quan cho rằng uy tín của thiên triều sẽ triệt tiêu sự chống đối của thành phần hoài Lê ở Bắc Hà – một hình thức thi ân để vua Quang Trung càng thêm kính sợ. Ngay khi Nguyễn Quang Hiển còn trên đường lên Bắc Kinh, vua Thanh đã gửi một đặc dụ và một bài ngự thi xuống Quảng Tây với lời dặn Phúc Khang An phải cho người đích thân mang sang Thăng Long giao tận tay cho vua Quang Trung hầu công bố cho toàn cõi An Nam biết rằng mệnh trời đã đổi và ngầm ý rằng khi Nguyễn Quang Hiển mang sắc ấn về thì Phúc Khang An sẽ đích thân sang phong vương để sự công nhận vua Quang Trung còn huy hoàng hơn Tôn Sĩ Nghị trước đây làm lễ cho vua Chiêu Thống.

Việc hai sứ bộ kế tiếp nhau (thông báo trước, phong vương sau) theo kế hoạch của vua Càn Long nảy sinh nhiều trở ngại về tổ chức cũng như thực hiện. Sau nhiều năm binh hoả, nhân hoạ, thiên tai kinh đô Thăng Long nay tiêu điều, hoang phế không còn được sầm uất như trước, nếu tổ chức phong vương ở đây sẽ phải tốn phí rất nhiều tài lực, nhân lực cho việc trùng tu. Quan trọng hơn, với niềm tin vào “phong thuỷ” và ám ảnh của người dân Nam Á, vua Quang Trung muốn việc thay đổi triều đại phải đi kèm với việc dời đô như truyền thống của Chiêm Thành, Xiêm La … Việc xây dựng kinh đô mới ở Nghệ An, sắp xếp cung điện, cưu tập dân chúng cần một thời gian khá dài nên tuy xây dựng gấp rút cũng chưa sẵn sàng để thành một quốc đô bề thế.

Về phần Phúc Khang An, chủ đích không phải là làm cho việc phong vương thêm long trọng mà là ép vua Quang Trung cam kết sang chúc thọ vào năm sau – một công tác ảnh hưởng rất lớn đến hoạn lộ của ông ta[10]. Kế hoạch hai sứ đoàn, hai nhiệm vụ đòi hỏi phải chuẩn bị lớp lang mà thời gian lẫn phương tiện hầu như bất khả.

Vì tình hình cấp bách trong khi nhiều vấn đề lớn cần giải quyết ngay nên Thanh triều đã gộp chung phái đoàn tiền sát [đem đặc dụ và ngự thi] và phong vương làm một đưa đến sự hoang mang và lúng túng cho cả hai bên. Thay vì chỉ một sứ đoàn với một nhiệm vụ, sứ bộ phong vương cho vua Quang Trung đã bao gồm ba thành phần gồm ba nhiệm vụ khác nhau:

1. Hậu bổ đạo[11] Thành Lâm mang theo tờ đặc dụ của vua Càn Long (dùng như một văn kiện thay thế sắc thư công nhận),

2. Thự đồng tri[12] Vương Phủ Đường mang bài ngự thi ban tặng (trên hình thức thay thế quốc ấn),

3. Đặc mệnh của Phúc Khang An do viên tổng quản thân tín sang trao đổi về việc triều cận (trên danh nghĩa đem quà sang chúc mừng).

Chính vì thành phần đa dạng, trong văn thư hai bên trao đổi đã phân biệt sắc sứ (sứ thần mang sắc dụ) và đại viên (viên chức lớn) mang ngự thi là hai người thay mặt Thanh đình [đều do Phúc Khang An chỉ định, không phải vua Càn Long sai đi] nhưng ít ai nhận ra sự phân biệt đó. Riêng viên tổng quản là một thành phần bán công khai nên chỉ mãi về sau nước ta mới biết và nhắc đến trong các thư từ giao thiệp với Phúc Khang An.

Chính vì lễ phong vương cho vua Quang Trung không có sắc ấn [Nguyễn Quang Hiển đang trên đường mang từ Bắc Kinh về nước] nên triều đình Tây Sơn nghi ngại và tìm đủ cách để thay đổi việc phong vương. Đây cũng là lần đầu tiên mà sứ giả nhà Thanh phải chờ đợi đến hai tuần ở Nam Quan và khi đến ngoại ô kinh đô lại phải tạm trú gần một tháng ở Gia Quất với lý do chờ vua Quang Trung [bị bệnh] chưa ra đến Thăng Long. Triều đình Tây Sơn cũng mấy lần xin đổi địa điểm, khi thì đòi vào Nghệ An là kinh đô mới, khi lại xin vào Phú Xuân là cựu đô của chúa Nguyễn, dân cư trù mật thành quách huy hoàng.

Ngoài việc phong vương bị trở ngại, quyết định sang dự lễ Bát Tuần Khánh Thọ cũng không dứt khoát vì vua Quang Trung chưa có đủ tin tức để đánh giá về sự thành thật của Thanh triều [phái đoàn Nguyễn Quang Hiển đang trên đường trở về]. Thêm nữa, trước đây Tôn Sĩ Nghị có gửi thư cho Xiêm vương yêu cầu đem quân chặn đường rút lui của quân Tây Sơn một khi bị đánh bại. Vì thông tin bị chậm trễ (do chuyển đi theo thuyền buôn) nên đến tháng Hai (năm Kỷ Dậu, khi quân Thanh đã thua trận) vua Xiêm mới nhận được và yêu cầu chúa Nguyễn Ánh (Gia Định khi đó coi như thuộc quốc của Xiêm La) động binh. Tháng Năm, chúa Nguyễn chuẩn bị ra quân, một mặt cho chở lương thực (bằng đường biển) yểm trợ quân Thanh (nhưng bị bão đánh chìm) đưa đến những nghi ngại mà vua Quang Trung cho rằng nhà Thanh dùng kế điệu hổ ly sơn, dụ ông ra Thăng Long để đánh tập hậu bằng đường thuỷ vào Thuận Hoá.

Sau hơn một tháng giằng co, sau cùng thì ngày 15 tháng Mười năm Kỷ Dậu [vốn ấn định vào cuối tháng Tám hay đầu tháng Chín] việc phong vương cũng hoàn tất. Nương theo thế đang được chiều đãi, vua Quang Trung yêu cầu mở cửa thông thương ở biên giới để giải tỏa một số áp lực về kinh tế trong mấy chục năm qua. Lá thư chính thức gửi lên vua Càn Long nhân danh tân quốc vương mới được phong cũng để đến sau lễ khai ấn vào ngày đầu năm [đến giữa tháng Một thì Nguyễn Quang Hiển mới về đến Nam Quan].

Việc thay đổi và trì hoãn đưa tới nhiều đồn đãi – nhất là trong giới cựu thần nhà Lê – về những trá ngụy và tranh chấp khiến Phúc Khang An phải đề nghị cho người giả đi thay. Tuy nhiên, nếu không bị ảnh hưởng bởi thuyết âm mưu (conspiracy theories) thường gặp trong tiểu thuyết đời Minh Thanh mà đi sâu vào thủ tục, nghi lễ dựa trên văn thư chính thức còn lưu lại của hai phía thì chúng ta sẽ có những nhận định phù hợp hơn.

Khi nhận ra những bất toàn của phía nhà Thanh, triều đình Tây Sơn dùng chính các nguyên tắc lễ nghi [là những tiêu chí và tôn chỉ họ đề cao] để bẻ lại những yêu sách hay thay đổi không thích hợp – một hình thức “gậy ông đập lưng ông” khiến cho đối phương phải nhượng bộ. Nói tóm lại, tiến trình ngoại giao Thanh – Việt cuối thế kỷ XVIII là một hình thức “đấu trí” mà nhà Thanh tưởng rằng trong cương vị đại quốc họ có ưu thế áp đặt nhưng những đòi hỏi của họ đều bị giới nho gia nước ta phủ bác.

Tài liệu Việt Nam

Về việc nhà Thanh công nhận vua Quang Trung, chính sử triều Nguyễn [Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Đại Nam Thực Lục hay Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện] ghi chép rất sơ sài, có thể nói là làm cho có lệ. Điều đó cũng dễ hiểu vì triều đại Tây Sơn là triều đại bị lãng quên và sử chép về họ có lẽ chỉ được bổ túc vào hậu bán thế kỷ XIX khi có sự thỉnh cầu và phê phán của giới nho gia miền Bắc. Khu vực Đàng Ngoài là một khu vực mới chinh phục, vốn dĩ bị triều đình nhìn bằng cặp mắt nghi kỵ, không được coi là đi cùng chiều với Đàng Trong.

Tuy tài liệu về tổ chức hành chánh, kinh tế, quân sự … thời kỳ Tây Sơn hầu như rất ít – và chỉ được ghi chép trong dã sử do người ngoài triều đình ghi nhận theo lối mắt thấy tai nghe – nhưng việc giao thiệp với Trung Hoa thì khá phong phú so với những thởi kỳ khác khiến chúng ta phải dấy lên một số câu hỏi. Những tài liệu về thời kỳ này chủ yếu là văn thư trao đổi giữa hai bên, khi thoả hiệp, khi tranh biện mà mục đích chính yếu là nghi lễ vốn dĩ rất được coi trọng. Những nho sĩ được giao cho công tác giao thiệp với Trung Hoa đều thấy đây là một ân điển đặc biệt lớn rất vinh dự cho gia đình, cho dòng họ. Những người được cử đi sứ cũng rất phấn khởi nên nhiều thi tập ghi lại hành trình còn tồn lưu cho thấy họ hoàn toàn không bị ép buộc hay miễn cưỡng, lại càng không phải bị đặt vào thế phải tham gia một vở kịch đem tính mạng ra đánh cuộc.

Theo Thư Mục về Tây Sơn Nguyễn Huệ do Thư Viện Khoa Học Tổng Hợp thuộc sở Văn-Hoá Thông Tin, Uỷ Ban Khoa Học – Kỹ Thuật tỉnh Nghĩa Bình (Nguyễn Trí Sơn biên tập nội dung) ấn hành năm 1988 tại Hà Nội thì tới thời gian đó đã có tới 1623 tài liệu/sách/bài viết về thời kỳ này. Trong số các tài liệu ghi nhận, phần lớn là các bài viết hay sách nghiên cứu. Số lượng tài liệu gốc thực sự không nhiều và lẫn lộn nhiều văn kiện không mấy giá trị.

Tây Sơn Bang Giao Tập (西山邦交集), còn có tên là Bang Giao Lục (邦交錄), hiện nay còn hai bản sao các văn thư qua lại, tàng trữ trong kho sách Viện Hán Nôm chép các tài liệu và văn thư ngoại giao đời Tây Sơn:

– A. 1916 nhan đề Bang Giao Lục, 183 trang

– A. 2364 nhan đề Tây Sơn Bang Giao Tập, 114 trang

Tài liệu viết tháu, khó đọc nhưng có nhiều văn thư đặc biệt trong chuyến đi của vua Quang Trung sang Yên Kinh. Nếu tổng hợp và đối chiếu với những tài liệu khác chúng ta có thể dựng lại nghi lễ và bang giao với Trung Hoa đầu đời Cảnh Thịnh (khi vua Càn Long còn tại thế).[13]

Bang Giao Hảo Thoại (邦交好話), tác giả Ngô Thì Nhậm (呉時任)

Ngô Thì Nhậm (1746-1803), tiến sĩ khoa Ất Mùi (1746) tự Hi Doãn, hiệu Đạt Hiên được phong tước Tinh Phái Hầu. Bang Giao Hảo Thoại hay Bang Giao Tập là tập hợp văn thư giao thiệp chủ yếu là nghị hoà thời Quang Trung và giao thiệp với nhà Thanh thời Cảnh Thịnh.

Dụ Am Văn Tập (裕庵文集), tác giả Phan Huy Ích (潘輝益) TVKHXH A.604

Phan Huy Ích (1751-1822) tự Khiêm Thụ Phủ, hiệu Dụ Am giữ việc bang giao đời Quang Trung cùng với Ngô Thì Nhậm, được phong tước Thuỵ Nham Hầu.

Sách chép tay, gồm 8 quyển (sách), các quyển I, II, III, IV chép các loại biểu chương, giản trát gồm nhiều văn thư liên quan đến việc bang giao đời Tây Sơn.

Hoa Nguyên Tuỳ Bộ Tập (華原隨步集), tác giả Vũ Huy Tấn (武輝瑨)

Vũ Huy Tấn (1749-?), tự Tự Chiêu, người Mộ Trạch đời Tây Sơn làm thị lang bộ Công, phong tước Hạo Trạch Hầu. Hoa Nguyên Tuỳ Bộ Tập ghi lại một số văn thơ của VHT trong chuyến đi sứ lần đầu năm Kỷ Dậu (1789) từ khoảng tháng Năm đến tháng Chạp. Lần này ông làm phó sứ tuế cống cho Hô Hổ Hầu Nguyễn Hữu Trù sau khi nhà Thanh công nhận Nguyễn Quang Bình [vua Quang Trung] làm An Nam quốc vương. Chuyến đi này khá đặc biệt vì cùng với Nguyễn Quang Hiển là cháu vua Quang Trung thay mặt sang triều cận và được vua Càn Long đặc biệt cho cầm sắc ấn mang về.

Bản chúng tôi có trong tay là bản chép tay số hiệu A 375 của Viện Hán Nôm Hà Nội, được in lại theo lối ảnh ấn trong Việt Nam Hán Văn Yên Hành Văn Hiến Tập Thành, quyển số VI [đệ lục sách] từ trang 293 đến 343. Bản viết rõ ràng theo lối chân phương, mỗi trang 9 hàng, mỗi hàng 20 chữ.

Trong phần “Tự” ông kể khá rõ ràng việc ông được vời ra sau khi vua Quang Trung đánh tan quân Thanh và cần người giao thiệp với phương bắc nên được đưa lên Lạng Sơn hầu mệnh rồi được cử đi sứ ngay. Tuy không cho biết quan điểm của ông trong các vấn đề quan trọng khác nhưng với lối tường thuật cuộc hành trình chúng ta biết rằng những ghi nhận của họ Vũ được đánh giá rất cao và ngay khi vừa về đến nhà ông lại được đi trong sứ bộ của vua Quang Trung năm Canh Tuất.

Lịch Triều Tạp Kỷ (歷朝襍紀), tác giả Ngô Cao Lãng (呉高朗)

Lịch Triều Tạp Kỷ là sách chép tay, tất cả 6 quyển nhưng nay chỉ còn 5 (quyển V chưa tìm thấy).[14] Trong công việc giao thiệp với phương Bắc, một số tài liệu hiếm có được trích lại trong quyển VI, nhan đề Chiêu Thống Đế. Tuy chép về vua Chiêu Thống nhưng có phần phụ Tây Sơn Vương chép nhiều chuyện bang giao và tình hình miền Bắc tương đối trung thực. Về tài liệu, một số văn thư gốc được sao lục phần lớn tìm thấy trong Đại ViệtQuốc Thư, Bang Giao Hảo Thoại hay Dụ Am Văn Tập nên có lẽ tác giả cũng tham chiếu từ các nguồn này. Cũng có một số tài liệu không thấy xuất hiện ở nơi khác nhưng nội dung ăn khớp với tài liệu nhà Thanh nên có thể tin rằng Ngô Cao Lãng sưu tầm được nhiều tư liệu hiếm có còn tồn tại ngay trong thời ấy.

Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí (歷朝憲章類誌) của Phan Huy Chú (潘輝注)

Phan Huy Chú (1782-1840), tự Lâm Khanh, hiệu Mai Phong tuy chỉ đỗ tú tài nhưng là một nhà nho uyên bác. LTHCLC chép theo chí truyện là tác phẩm kỹ càng về công việc tổ chức hành chánh và điển nghi của triều đình gồm 49 quyển chia làm 10 loại. Bang Giao Chí chép từ quyển 46-49.

Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ (欽定大南會典事例) gồm 262 quyển do nội các triều Nguyễn biên soạn.

Bộ sách này được khởi thuỷ soạn từ đời Thiệu Trị sang đến năm Tự Đức thứ 4 thì xong chia theo cách thức của Đại Thanh hội điển sự lệ. Phần Bang Giao chép trong quyển 129 có thể dùng để đối chiếu về đường đi của sứ bộ từ Lạng Sơn xuống Thăng Long.

trung hoa

Tài liệu của Trung Hoa tương đối phong phú vì nhà Thanh có một hệ thống lưu trữ rất hoàn chỉnh. Các văn thư thường có bản sao được giữ ở cả trung ương lẫn địa phương chưa kể để dùng như phương thức tham chiếu ngày nay, những chi tiết quan trọng thường được chép nguyên văn ở những văn thư liên hệ. Đối chiếu và chọn lọc từ nhiều nguồn chúng ta có thể minh hoạ khá chi tiết các phản ứng của Thanh triều, đặc biệt là thái độ và cách xử trí của vua Càn Long. Các quan ở địa phương sẽ nương theo quan điểm của hoàng đế mà vạch ra một hướng đi cho thuận lý.

Theo các tác giả Đài Loan từng nghiên cứu về các chiến dịch đời Càn Long như Trang Cát Phát hay Lai Phúc Thuận, chúng ta biết rằng một số số văn thư gốc liên quan đến thời kỳ này hiện lưu trữ trong kho đáng án của Cố Cung Bác Vật Viện. Tuy một số văn bản đã công bố, nhiều tài liệu còn bị bỏ quên trong kho tài liệu đồ sộ của Hoa lục hay Đài Loan và nếu có điều kiện chúng ta có thể tìm thấy nhiều tư liệu đáng chú ý trong việc nghiên cứu lịch sử nước ta.

Một trong những khó khăn khi sử dụng văn bản là thường không có ngày tháng. Các tấu triệp, dụ chỉ ít khi ghi ngày gửi mà thường chỉ ghi ngày nhận công văn nên thời gian giữa lúc gửi đến lúc nhận có thể từ vài tuần đến hàng tháng, nhất là từ những nơi xa xôi như Quảng Tây, Nam Quan hay thậm chí Thăng Long. Vào thời điểm quyết liệt, thời gian qua lại này có thể làm đảo ngược tình thế và nếu không tìm hiểu cho kỹ, chúng ta có thể đưa ra những kết luận không thích đáng.

Khâm Định An Nam Kỷ Lược (欽定安南紀略)

Khâm Định An Nam Kỷ Lược là tập hợp những văn thư quan trọng nhất trong chiến dịch đánh An Nam, tổng cộng 32 quyển gồm 2 quyển Thiên Chương Nhất/Nhị và 30 quyển thư từ qua lại giữa triều đình và các tỉnh kể cả một số văn thư từ nước ta. Tài liệu chúng tôi dùng là bản trong cung do Phương Lược Quán tập hợp hiện tàng bản tại Cố Cung Bác Vật Viện (故宮博物院) Bắc Kinh. Hải Khẩu: Hải Nam xbx in theo lối ảnh ấn năm 2000. Ngoài ra chúng tôi còn tham khảo bản chép tay nhan đề An Nam Kỷ Lược (安南紀略) 32 quyển trong Trung Quốc Văn Hiến Trân Bản Tùng Thư (中國文献珍本叢書), Thư Mục Văn Hiến xbx, 1986. Bản dịch NDC (chưa xb). Vấn đề nghị hòa chiếm gần một nửa bộ sách từ quyển XIII đến hết quyển XXVI.

Thanh Thực Lục (清實錄)

Thanh Thực Lục hay Đại Thanh Lịch Triều Thực Lục (大清歷朝實錄) là bộ sách lớn chép theo lối biên niên của toàn bộ triều Thanh.

0