Vì sao Đại Việt thắng Nguyên Mông
Hưng Đạo Vương giết giặc trên sông Bạch Đằng, năm 1288 – Tranh: Vietlist.us Trích từ sách Đại Việt thắng Nguyên Mông Tác giả Hiệp Võ PHẦN I: LÍ DO ĐẠI VIỆT THẮNG NGUYÊN MÔNG Ta xem xét tại sao Đại Việt lại có thể chặn bước tiến của Nguyên Mông, trong khi ấy các nước ...
Trích từ sách Đại Việt thắng Nguyên Mông
Tác giả Hiệp Võ
PHẦN I: LÍ DO ĐẠI VIỆT THẮNG NGUYÊN MÔNG
Ta xem xét tại sao Đại Việt lại có thể chặn bước tiến của Nguyên Mông, trong khi ấy các nước khác lại thua. Một điểm đáng chú ý là quân Nguyên Mông sang xâm lăng nước ta và bị bại không chỉ là vài vạn người như họ đã thua Qutuz của Manluk-Ai Cập ở Ain Jalut hay thua Jijaya ở Java, mà con số lên đến vài chục vạn (phần con số tham chiến chúng tôi sẽ phân tích ở phần kế tiếp). Ta thắng được Nguyên Mông không phải là vì dân ta khỏe mạnh tài ba hơn họ, mà là do rất nhiều yếu tố kết hợp lại.
Chúng tôi sẽ dùng cách cho điểm từng phần để xem yếu tố chiến thắng trong cuộc chiến rồi cuối cùng xem bên nào được nhiều điểm.
I- Các lý do:
A- Chính nghĩa
Như đã nói trước, tất cả các quốc gia bảo vệ nền độc lập của họ đề giữ chính nghĩa, nên Đại Việt thắng phần này. Tuy vậy ta không cho điểm vì yếu tố này chỉ làm tăng sức mạnh tinh thần.
B- Công Tâm
- Đánh vào tâm lý dân dân.
Nhà Trần cướp ngôi nhà Lý năm 1226 đã làm cho dân Đại Việt oán than. Rất may, khi mới cướp ngôi, quân Mông Cổ còn đang bận chinh phục các nước Tây Hạ, Kim, cách xa nước ta ngàn trùng. Lúc ấy lòng dân ly tán nước ta đang ở lúc thất bại trong mặt công tâm. Tuy nhiên, nhà Trần đưa ra nhiều cải cách, thay đổi đời sống nhân dân. Bây giờ ta hãy xét xem nhà Trần đã làm gì để công tâm:
- Thi cử:
Người dân luôn luôn nhìn những quan lại địa phương xem đó có phải là người của triều đình không. Nhà Trần đã xóa hình ảnh lớp người cai trị là dòng họ Trần chỉ định bằng cách tuyển quan, tướng qua các kỳ thi. Người dân thấy ngay những quan lại đó là từ những người trong làng, trong châu của họ mà ra.
Hai năm sau khi đoạt ngôi, năm 1228 đã có kỳ thi. Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Toàn Thư[1], trang 4, viết: “Tháng 9, thi lại viên bằng thể thức công văn gọi là bạ đầu. Người trúng tuyển được sung làm thuộc lại ở các sảnh viện.” Tiếp theo đó quyển sử đã ghi vào năm 1239 lại cho thi thái học sinh; quyển sách viết tiếp: “Tháng 2, thi thái học sinh. Đỗ đệ nhất giáp là Lưu Miễn, Vương Giát; đệ nhị giáp là Ngô Khắc; đệ tam giáp là Vương Thế Lộc.” Đặc biệt năm Đinh Mùi [1247] Nguyễn Hiền đỗ trạng nguyên; Lê Văn Hưu đỗ bảng nhãn; Đặng Ma La đỗ thám hoa lang. Cho 48 người đỗ thái học sinh, xuất thân theo thứ bậc khác nhau. Lê Văn Hưu là người Việt đầu tiên soạn ra bộ sử. Vài tháng sau lại có khóa thi khác. Còn rất nhiều, chúng tôi chỉ đưa ra một số dẫn chứng mà thôi và các người được chấm đậu xuất thân từ nhiều từng lớp xã hội khác nhau.
Đương nhiên trên mặt binh bị cũng vậy, quyển Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Toàn Thư, trang 10, lại viết về việc này như sau: “Tân Sửu,[Thiên Ứng Chính Bình] năm thứ 10 [1241], (Tống Thuần Hựu năm thứ 1). Mùa xuân, tháng 2, chọn người có sức khoẻ, am hiểu võ nghệ sung làm quân Túc vệ thượng đô.”
- Đấu tranh chinh phục nhân tâm.
Thời xưa, các bô lão là giới được người làng kính trọng nhất. Nêú gia đình có cha, mẹ già được nhà vua ban cho ân huệ gì thì cả dòng họ sẽ nhớ ơn vua. Nhà Trần ngay từ khi mới dựng nghiệp đã ban cho các bô lão các ân huệ, như vậy nhà Trần biết lấy lòng dân. Năm 1231, nhà vua đã ban thưởng cho bô lão: “Mùa thu, tháng 8, vua ngự đến hành cung Tức Mặc, dâng lễ hưởng ở tiên miếu, thết yến và ban lụa cho bô lão trong hương theo thứ bậc khác nhau.”[2] Rồi tiếp theo: “Nhâm Tuất, [ Thiệu Long] năm thứ 5 [1262] , (Tống Cảnh Định năm thứ 3, Nguyên Trung Thống năm thứ 3). Mùa xuân, tháng 2, thượng hoàng ngự đến hành cung Tức Mặc, ban tiệc lớn. Các hương lão từ 60 tuổi trở lên, mỗi người được ban tước hai tư, đàn bà được hai tấm lụa.” Việc ban ân ở Tức Mạc, quê họ Trần, nhưng tiếng hay đồn xa, tiếng dở đồn xa, dân chúng nơi khác cũng nghe và có cảm tình nhiều hơn.
Cũng trong phần tranh thủ nhân tâm, nhà Trần không những tìm sự ủng hộ của dân chúng mà muốn các quan trong triều cũng vậy. Cũng theo thời xa xưa, dân chúng khắp nơi còn rất tin vào lời thề. Trong Tam Quốc Chí cái thề nổi tiếng nhất là việc thề ở Đào Viên kết nghĩa giữa Lưu Bị, Quan Vân Trường và Trương Phi. Nhà Trần hàng năm cũng tổ chức các buổi lễ ăn thề. Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Toàn Thư, trang 4, viết: “Hàng năm vào ngày mồng 4 tháng 4, tể tướng và trăm quan đến trực ngoài cửa thành từ lúc gà gáy, tờ mờ sáng thì tiến vào triều. Vua ngự ở cửa Hữu Lang điện Đại Minh trăm quan mặc nhung phục lạy hai lạy rồi lui ra. Ai nấy đều thành đội ngũ, nghi trượng theo hầu ra cửa Tây thành, đến đền thờ thần núi Đồng Cổ, họp nhau lại uống máu ăn thề. Quan Trung thư kiểm chính tuyên đọc lời thề rằng:
“Làm tôi tận trung, làm quan trong sạch, ai trái thề này, thần minh giết chết”.
Đọc xong, tể tướng sai đóng cửa điểm danh, người vắng mặt phải phạt 5 quan tiền. Ngày hôm ấy, trai gái bốn phương đứng chật ních bên đường để xem như ngày hội lớn.”
Tiếp theo những lễ nghi trang trọng, nhà vua đối với các quan trong triều rất bình dân. Theo một số sử gia có quan niệm cổ thì cho là làm mất đi tôn ti trật tự. Nhưng theo quan niệm mới đó chính là sự thu phục nhân tâm làm cho quan tướng, đồng lòng giúp vua. Đó chính là một loại chiến tranh “công tâm” rất hữu hiệu. Nếu mình làm lãnh đạo mà tỏ ra hống hách, xa cách thì ngay cấp trực thuộc cũng đã ghét mình rồi, huống hồ các từng lớp dưới cùng của xã hội? Nếu vua quan lúc ấy ăn tiêu phung phí, đàn áp nhân dân thì chưa chắc đã có những huy hoàng của dân tộc ta đâu. Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Toàn Thư, trang 15, viết: “Vua ban yến ở nội điện, các quan đều dự. Đến khi say, mọi người đứng cả dậy, dang tay mà hát. Ngự sử trung tướng (sau đổi là Trung úy) Trần Chu Phổ Cũng dang tay theo mọi người, nhưng không hát câu gì khác, chỉ nói: “Sử quan ca rằng, sử quan ca rằng”.” Quyển sách được viết tiếp: “Ban yến cho các quan từ ngũ phẩm trở lên ở điện Bát Giác.” Cũng trong quyển này viết lại cách cư sử giữa vua tôi như sau: “Mậu Thìn,[Thiệu Long] năm thứ 11 [1269], (Tống Hàm Thuần năm thứ 4, Nguyên Chí Nguyên năm thứ 5). Mùa Xuân, tháng giêng, vua từng nói với tôn thất rằng: Thiên hạ là thiên hạ của tổ tông, người nối nghiệp của tổ tông phải cùng hưởng phú quý với anh em trong họ. Tuy bên ngoài có một người ở ngôi tôn, được cả thiên hạ phụng sự, nhưng bên trong thì ta với các khanh là đồng bào ruột thịt. Lo thì cùng lo, vui thì cùng vui. Các khanh nên truyền những lời này cho con cháu để chúng đừng bao giờ quên, thì đó là phúc muôn năm của tông miếu xã tắc’.
Đến đây, xuống chiếu cho các vương hầu tôn thất, khi bãi triều thì vào trong điện và lan đình. Vua cùng ăn uống với họ. Hôm nào trời tối không về được thì xếp gối dài, trải chăn rộng, kê giường liền cùng ngủ với nhau để tỏ hết lòng yêu quý nhau. Còn như trong các lễ lớn như triều hạ, tiếp tân, yến tiệc thì phân biệt rõ ngôi thứ, cấp bậc cao thấp. Vì thế, các vương hầu thời ấy không ai là không hòa thuận, kính sợ và cũng không phạm lỗi khinh nhờn, kiêu căng.”
Một điểm may mắn cho Đại Việt, Trần Thủ Độ là kẻ chủ mưu trong việc cướp ngôi, làm dân chúng ghét, nhưng ông lại có nhiều điểm làm giảm bớt điều ấy. Một trong các việc ấy là sự ngay thẳng, công bằng Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Toàn Thư, trang 23, viết:
“Thủ Độ tuy không có học vấn, nhưng tài lược hơn người, làm quan triều lý được mọi người suy tôn. Thái Tông lấy được lấy được thiên hạ đều nhờ mưu sức của ông cả. Vì thế ông được nhà nước dựa cậy, quyền át cả vua.
Bấy giờ có kẻ đàn hặc ông, vào gặp Thái Tông khóc mà nói rằng :
“Bệ hạ còn thơ ấu mà Thủ Độ quyền át cả vua, xã tắc rồi sẽ ra sao”?.
Thái Tông lập tức lệnh xe ngự đến dinh Thủ Độ, bắt cả người đàn hặc ấy đem theo và nói hết những lời người ấy nói cho Thủ Độ biết. Thủ Độ trả lời: “Đúng như những lời hắn nói “.
Rồi lấy ngay tiền lụa thưởng cho người ấy.
…
Linh từ quốc mẫu có làn ngồi kiệu đi qua thềm cấm, bị quân hiệu ngăn lại, về dinh khóc bảo Thủ Độ:
” Mụ này làm vợ ông, mà bị bọn quân hiệu khinh nhờn đến thế “.
Thủ Độ tức giận, sai đi bắt. Người quân hiệu ấy nghĩ rằng mình chắc phải chết. Khi đến nơi, Thủ Độ vặn hỏi trước mặt, người quân hiệu ấy cứ theo sự thực trả lời. Thủ Độ nói:” Ngươi ở chức thấp mà giữ được luật pháp, ta còn trách gì nữa “. Lấy vàng lụa thưởng cho rồi cho về.
….
Thủ Độ có lần duyệt định số hộ khẩu, quốc mẫu xin riêng cho một người làm câu đương. Thủ Độ gật đầu, rồi ghi họ tên quê quán của người đó. Khi xét duyệt đến xã ấy, hỏi tên mỗ ở đâu, người đó mừng rỡ bảo hắn:
“Ngươi vì có công chúa xin cho được làm câu đương, không thể ví những câu đương khác được, phải chặt một ngón chân để phân biệt với người khác”.
Người đó kêu van xin thôi mãi mới tha cho. Từ đó không ai dám đến thăm vì việc riêng nữa.”
Những cuộc hội nghị Bình Than, Diên Hồng lại một lần nữa chứng tỏ rằng nhà Trần rất có tinh thần dân chủ. Rồi từ đấy, toàn dân đều nhận thấy việc giữ vững non sông không phải chỉ là nhiệm vụ của triều đình, mà là nhiệm vụ của toàn dân
[1] Do nhà xuất bản văn hóa Hà Nội, dịch và phát hành. Q V, trang 4.
[2] Trích từ “Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Toàn Thư”, trang 6 V.
- Kinh tế.
Một cái chinh phục nhân tâm thực tiễn nhất là làm cho đời sống người dân no ấm.
Phần dưới đây là phân tích quyển “Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII” của ông Hà Văn Tấn và bà Phạm Thị Tâm. Trong hai trang 23-24, quyển sách có ghi về cuối đời Lý như sau: “Đời sống nhân dân vô cùng cực khổ. Người chết đói nhiều, người sống phải phá sản, lưu vong. Bọn phong kiến cát cứ lại bắt nhân dân làm phu dịch, đào hào, đắp lũy và xua họ vào cuộc nội chiến đẫm máu. Thời kỳ đen tối đó dài dằng dặc trong mấy mươi năm trời…
Hòa bình đã trở lại trên đất nước, nhân dân được yên yổn làm ăn. Họ Trần đã khôi phục được chính quyền, thống nhất, chấm dứt cuộc nội chiến phong kiến, về khách quan đã đáp ứng được đòi hỏi của nhân dân. Nền kinh tế đời Trần lại bắt đầu phát triển.”
Ông Phạm Văn Sơn viết ở trang 236 trong Việt Sử Toàn Thư: “Từ Trần Thái Tông đến Trần Nhân Tông suốt 70 năm mọi việc mở mang đều nhắm vào nông nghiệp và ngư nghiệp và dân không bị đói khổ…” Quyển sách này dịch từ Annam Chí Lược: “Nông thương bất trưng lương thuế.” (Nông nghiệp và thương nghiệp không phải nộp thuế) để nhân dân bớt đói khổ. Theo chúng tôi nghĩ đây là lúc bị thiên tai, dân đói to, nên nhà Trần làm như vậy để chia sẽ sự đói khổ với dân chúng. Đấy cũng là sự công tâm chân thành, rất tốt.
- Giúp dân ngay cả sau khi đã thắng giặc.
Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Toàn Thư, trang 46, viết: “Mùa hạ, tháng 4, Thượng hoàng ngự ở hành lang Thị Vệ (vì cung điện bấy giờ đã bị giặc đốt hết), đại xá thiên hạ. Những nơi bị binh lửa, cướp phá thì miễn giảm theo mức độ khác nhau.”
Nhìn vào bốn lý do trên đây ta thấy nhà Trần đã đánh vào công tâm rất mạnh.
2- Đánh vào tâm lý địch.
Hưng Đạo Vương cho ra các khẩu hiệu nhằm chia rẽ hàng ngũ địch, cùng làm người Trung Hoa không muốn đánh nhau.
Không cần viết lại thì hẳn quý độc giả cũng biết quân Nguyên Mông chỉ biết cướp phá, giết hại dân lành làm dân chúng oán ghét. Một đoạn trong Nguyên sử[1] cũng viết điều này:
镇南王遂与行省官亲临东岸,遣兵攻之,杀伤甚众,夺船二十余艘。(Trấn Nam Vương rồi cùng Hành tỉnh tự mình đến Đông Ngạn, sai quân đánh, giết chết rất nhiều dân chúng của nước ấy, chiếm được hơn hai mươi chiếc thuyền.) (Tích Dã dịch)
Đối ngựơc lại với nhà Trần, Mông Cổ đã không đưa ra được một chút chính nghĩa. Việc mượn đường sang đánh Chiêm không có một lý luận vững chắc. Việc đưa Trần Di Ái về làm vua thì ai mà không bất mãn. Các tin mà Mông Cổ xâm lăng Nam Tống, rồi các câu chuyện man rợ của họ đã làm dân chúng sợ, ghét.
Đại Việt đã thắng trận “Công Tâm” với 2 điểm.
B- Công Lương
- Đánh lương thực địch quân.
Các quyển sử của Việt Nam đều viết về Hưng Đạo Vương áp dụng chiến thuật “Vườn Không Nhà Trống.” Chiến thuật này làm giặc không thể tìm đâu ra lương thực để nuôi quân. Việt Sử toàn thư của ông Phạm Văn Sơn viết: “Ở các nơi hậu tuyến, từ kinh thành đến các miền thôn dã, triều đình đã ra lệnh bỏ vườn không nhà trống, nhiều nơi bị phá hủy sạch.”
Theo Nguyên sử, ta thấy:
明日,镇南王入其国,宫室尽空, (Ngày sau, Trấn Nam Vương vào nước ấy, cung điện bỏ trống cả- Tích Dã dịch)
Vì vậy, quân Nguyên Mông phải hoàn toàn tùy thuộc vào đoàn tải lương. Nhưng việc chuyển vận lương thực ra sao? Ta hãy xem Nguyên sử chép:
又交趾无粮,水路难通,无车马牛畜驮载,不免陆运。一夫担米五斗,往还自食外,官得其半;若十万石,用四十万人,止可供一二月。军粮搬载,船料军须,通用五六十万众。
(Vả lại Giao Chỉ không có lương, đường thủy khó đi vào, không có xe ngựa, trâu để chở, không bỏ chở theo đường bộ. Một người cấp năm đấu gạo, đi tự ăn ở ngoài, quan được một nửa: nếu như có mười vạn thạch, dùng cho bốn mươi vạn người, chỉ có thể cấp đủ một, hai tháng. Lương của quân chở đi, thuyền liệu quân tu, thông dụng năm, sáu mươi vạn người…”)
Nếu không có lương thì phải đi ăn cướp, hơn nữa như chúng ta đã xem lịch sử của Mông Cổ thì đây cũng là chính sách của Mông Cổ. Đoàn quân của họ đã cướp lương thực của cải các nước Hồi, Nga, Hung, Tây Hạ, Kim, Cao Ly…rồi dùng lương thực ấy nuôi họ để tiếp tục cướp bóc, tấn công nơi khác. Tuy nhiên, đi cướp lại phạm vào điều “Công Tâm” và như vậy làm dân ghét, lại cộng tác với quân triều đình nhà Trần nhiều hơn. Ô Mã Nhi đã từng làm việc ấy. Công Lương đã đưa Nguyên Mông đến chỗ thua cuộc chiến lần thứ hai và ba, nhất là khi đoàn thuyền tải lương của Trương Văn Hổ bị tướng Trần Khánh Dư đánh chìm.
- Làm lương thực mình dồi dào.
Ngược lại, nhà Trần phải làm lương thực của ta thật nhiều. Muốn có lương thực dồi dào cho quân đội thì kinh tế, ruộng nương phải nhiều. Như phần công tâm- kinh tế ở trên đã bàn về vấn đề này. Để đạt được mục đích thì phải khai khẩn nhiều ruộng; đắp đê phòng lụt; khai kinh cho nước vào ruộng. Quyển Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Toàn Thư, trang 13, viết: “Tháng 3, lệnh các lộ đắp đê phòng lụt, gọi là đê quai vạc, từ đầu nguồn đến bờ biển, để ngăn nước lũ tràn ngập.”
“Ất Mão, [Nguyên Phong] năm thứ 5 [1255], (Tống Bảo Hựu năm thứ 3). Mùa xuân, tháng 2, sai Lưu Miễn bồi đắp đê sông các xứ ở Thanh Hóa.”
Khi chưa có hiểm họa chiến tranh chống xâm lược, việc đào kênh, đắp đê được giao cho binh lính. Ấy là sự khôn ngoan, duy trì được quân số lớn mà lại giúp cho tăng gia sản xuất. Quyển Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Toàn Thư, trang 5, viết: “Tân Mão, [ Kiến Trung] năm thứ 7 [1231] , (Tống Thiệu Định năm thứ 4). Mùa xuân, tháng giêng, sai Nội minh tự Nguyễn Bang Cốc (hoạn quan) chỉ huy binh lính phủ mình đào vét kênh Trầm và kênh Hào từ phủ Thanh Hóa đến địa giới phía nam Diễn Châu. Việc xong, thăng Bang Cốc làm Phụ Quốc thượng hầu.”
…
“Mùa hạ, tháng 4, chọn tản quan làm hà đê chánh phó sứ các lộ. Khi việc làm ruộng nhàn rỗi thì đốc thúc quân lính đắp đê đập, đào mương ngòi đề phòng lụt, hạn.”
Tuy nhiên việc đắp đê làm đường thường chiếm đi một số đất của dân. Lợi đâu chua thấy mà đã gây lên căm phẫn của dân. Như vậy lại đi ngược với đường lối công tâm. Để tránh sự chống đối của dân, triều đình đã trả lại tiền bồi thường cho dân chúng. Quyển Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Toàn Thư, trang 13, viết về việc này như sau: “Đặt hà đê chánh phó sứ để quản đốc. Chỗ đắp thì đo xem mất bao nhiêu ruộng đất của dân, theo giá trả lại tiền . Đắp đê quai vạc là bắt đầu từ đó.”
Việc đắp đê khai hoang làm tăng diện tích canh tác không phải chỉ ở người dân, binh lính mà ngay cả vương hầu, quý phái cũng phải làm. Thật là công bằng! Quyển Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Toàn Thư, trang 25, viết “Mùa đông, tháng 10, xuống chiếu cho vương hầu, công chúa, phò mã, cung tần chiêu tập dân phiêu tán không có sản nghiệp làm nô tỳ để khai khẩn ruộng bỏ hoang, lập thành điền trang. Vương hầu có trang thực bắt đầu từ đấy.”
Ông Hà Văn Tấn và bà Phạm Thị Tâm trong quyển “Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII” đã viết việc phục hồi nông nghiệp trang 24 viết: “Để khôi phục lại sức sản xuất bị đình đốn cuối nhà Lý, nhà Trần đã chú trọng tổ chức khai hoang mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp.” Trang 25, quyển sách tiếp “Sách An nam chí cho ta khá rõ về tình hình đê điều thời Trần: “Xứ Giao chỉ, dân cư trù mật, đất không đủ cày, cho nên người trước đằp đê cao ở hai bên bờ sông ngòi đề phòng nước lụ, đất làm muối ở ven biển, bị nước nặm lấn vào, bọn quý tộc thế gia muốn chiếm riêng cày cấy ở bên trong, như thế là để yên dân và khai thác hết mối lợi của đất đai. ”
Khi bàn về hậu quả đắp đê, quyển “Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII” có chép lại từ An Nam Chí cho ta thấy rằng từ sau khi các để đó được đắp thủy tai không còn nữa mà đời sống của dân sung sướng, đất đai không bỏ sót nguồi lợi nào.
Nói như vậy “Công Lương” Đại Việt hoàn toàn thắng 2 điểm.
C- Thiên thời
1- Thời Tiết.
Nước ta trong mùa hè có khí hậu nóng ẩm, một loại khí hậu mà người Mông Cổ không ưa. Tuy nhiên người miền nam Trung Quốc như vùng Quảng Đông, Quảng Tây hay các hải đảo thì không mấy bị ảnh hưởng mấy. Nhưng ta nên nhớ rằng, ở đồng bằng Bắc Bộ, nơi quân Mông sang, quanh năm không phải lúc nào cũng vậy. Hơn nữa người làm tướng phải biết lúc nào nên tấn công; đó mới là điểm quan trọng.
Vào những lúc giao mùa, thời tiết thay đổi; quân Nguyên Mông không chịu nổi khí hậu này. Ngày xưa, ta cứ nói đó là lam sơn chướng khí và lắm khi ta chẳng biết rõ đó là cái gì. Nhưng thật ra tất cả đều do khoa học mà ra cả. Vào mùa này, cây cối nở hoa, làm các nhị hoa theo gió bay đi khắp nơi, quân Mông Cổ mới sang bị dị ứng chịu không nổi. Trong đất đai của từng địa phương cũng còn có các hóa chất khác nhau, bình thường thì ta không thấy gì, nhưng lúc mưa xuống chúng bị các phản ứng hóa học bay hơi hòa trong không khí, hít vào khó chịu. Thêm vào đó các vi khuẩn cũng tìm môi trường điều hòa nhất để sinh sống lúc giao mùa từ nóng sang lạnh hay ngược lại. Đó chính là cơ thể người ta, vì trong con người ta nhiệt độ không thay đổi. Nhiều vi khuẩn khác sống ở hoa ôi, rễ mục cộng thêm với hóa chất hòa tan chảy xuống sông, vào giếng uống vào sinh bệnh tật nhất là hay bị đau bụng. Dân ta sinh sống nơi đây lâu, sự miễn nhiễm tốt hơn nên ảnh hưởng ít. Quân Nguyên Mông từ xa tới chưa được miễn nhiễm nên bị ảnh hưởng nhiều hơn. Hiện tương này rất dễ thấy khi ta đi du lịch hay di chuyển chỗ ở đến một nơi xa xôi, nếu uống nước không cẩn thận sẽ bị bệnh tháo dạ, trong khi người địa phương uống cùng một nguồi nước mà chẳng việc gì.
Giả sử quân Nguyên đã chiếm được nước ta nhiều năm thì sự đề kháng cơ thể của họ với thiên tốt hơn nhiều, lúc đó rất khó cho ta. Chuyện quân Minh chiếm nước ta 10 năm rồi Lê Lợi mới khởi nghĩa, nên đã vất vả thêm 10 năm, không lợi dụng được sự mệt mỏi của giặc lúc giao mùa.
Khi Hưng Đạo Vương nhận thấy quân địch bị yếu đau, liền cho quân ta phản công. Đó là chiếm lấy thiên thời vậy. Các vị cứ tưởng tượng tới cảnh một người lính Nguyên đang nhức đầu chóng mặt hay đang lúc tháo dạ mà phải cầm một cây cung ra trận, thì thấy họ khổ tâm chừng nào. Vừa dơ cung lên, định buông dây thì hắt hơi một cái. Chẳng hiểu mũi tên ấy đi đâu?
Dù muốn hay không Đại Việt có lợi thế rất lớn trong “Thời Tiết”.
2- Thời Cơ
Như đã phân tích trong mục công tâm. Trong thời gian từ 1250 về sau, nhà Trần đã làm yên ổn dân tình vì đã ¼ thế kỷ trôi qua, sau vụ xáo trộn chính trị. Từ quan tướng trong triều đình đến dân giả ở các làng mạc xa xôi đều hòa thuận. Giả sử quân Mông sang đánh nước ta năm 1226 thì điều gì sẽ xẩy đến? Đây là một điều may nắm cho đất nước. Lúc này không phải là thời cơ cho một cuộc xâm lăng.
Đại Việt cũng thắng về “Thời Cơ”.
Tóm lại toàn thể phần Thiên Thời Đại Việt chiếm hết nên được 2 điểm.
[1] Dựa vào sách “Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII”
Hà Văn Tấn và bà Phạm Thị Tâm có rất nhiều bài dịch từ Nguyên sử. Tuy nhiên ở đây chúng tôi dùng tài liệu của ông Tích Dã nhiều hơn vì có cả phần Hán văn.
D- Địa lợi.
Đất nước ta có nhiều núi, rừng; nhiều sông, ngòi; nhiều ao, hồ là các cái cản trở cho kị binh. Những đồng ruộng của ta cũng không mấy tốt cho loại lính này khi mùa mưa tràn đến. Những rừng già um tùm, xen trong các núi cao là các điểm cho quân ta dễ mai phục đánh bất ngờ. Với các yếu tố về địa chất vừa bàn, thì đất này không mấy tốt cho kị binh, các khẩu pháo catapult hay trebuchet nặng nề, khồng kềnh.
Như bạn đọc còn nhớ trong quyển A Traveller’s History of China, Stephen G. Haw đã viết về việc MC đánh nam Tống mà chúng tôi đã ghi ở chương trước có phần dịch như sau: Cái mạnh mẽ dũng cảm siêu việt của kị binh đã giúp họ (MC) tiến chiếm thành công trên các thảo nguyên, đồng bằng ở Á Châu và đông Âu, nhưng bị giới hạn rất nhiều ở các vùng ướt át, núi non của nam Trung Quốc. Kị binh tấn công không thể cưỡi vượt ngang sông, đầm lầy và các ruộng lúa.
Tam Cốc- Ninh Bình
Vùng này chỉ có nước và núi, dễ dàng làm chiến khu chống giặc lâu dài.
(ảnh tác giả)
Trung Việt từ Thanh Hóa đến Quảng Trị thuộc Đại Việt thời trần vào mua mưa đất đai lầy lội, tuyệt dối bất lợi cho kỵ binh.
ĐèoNgang- Quảng Bình
Quỳnh Lưu- Nghệ An
Patricia Buckley Ebrey viết trong quyển sử Cambridge Illustrated History of China, trang 172 có đoạn sau: Miền nam sông Dương Tử của Trung Quốc chưa bao giờ bị chiếm bởi các người trên thảo nguyên không phải gốc Trung Hoa là vì có nhiều sông, kênh đào, suối đã trở thành các chướng ngại vật ngăn cản kị binh. [China south of Yangzi had never been captured by non-Chinese from the steppe, in large part because the rivers, canals, streams of the region posed an effective barrier to calvary force.]
Đây cũng cho ta thấy vùng đất này giống đất của Đại Việt. Vậy rõ ràng là ta có địa lợi chống kị binh.
Ta biết rằng ở Bắc Việt, theo âm lịch mùa mưa bắt đầu từ khoảng tháng tư đến cuối tháng 9. Tháng 9 âm lịch, lúa mùa chín, dân ta lo đi gặt lúa. Lúc ấy, đồng bằng Bắc Việt khô khan, trừ một số đồng chiêm, sâu hơn quanh năm ngập nước. Sau mùa gặt lúa, cắt rạ, các cánh đồng một mùa trở nên khô khan bằng phẳng. Ngay tại các vùng chung quanh Hà Nội, trên các cánh đồng dân chúng chuẩn bị trồng rau, cải, đậu, khoai… vì không có nước trồng lúa (Thủ nhỏ tôi thường ra đê Yên Phụ ven sông Hồng đẩy xe củi về nên biết điều ấy). Từ tháng 11 đến tháng tư thì các dòng sông còn rất ít nước, kể cả sông Hồng; nước rút xuống tận đáy. Đây là địa lợi cho kị binh và vũ khí nặng. Riêng phần đất từ Lạng Sơn đến Bắc Ninh cũng vậy. Vào mùa đông, xuân nơi này đất đai khô ráo rất thuận tiện cho kị binh tiến sang.
Khi Mông Cổ vào nước ta, thì lúc ấy vào mùa đông, xuân đất đai khô ráo nên chúng có phần lợi thế. Đoàn kị binh của họ có thể tiến nhanh như gió cuốn; đại bác của họ cũng dễ bề di chuyển. Cần phải vượt sông thì nước cạn, sông hẹp. Thêm vào đó, lúc mới sang, quân Mông Cổ còn rất hồ hởi, sức mạnh trẻ tre và trùng trùng, điệp điệp, đoàn này sau đoàn kia. Nếu tận lực đương đầu thì thật bất lợi. Cũng như hai võ sĩ, một mạnh, một yếu đánh nhau. Khi võ sĩ có sức mạnh mới tung ra một quyền mà người yếu dơ tay gạt liền thì có thể bị đau và còn có khi què là khác, vì dùng cương chống cương. Tốt nhất, người yếu phải tránh cú đấm thôi sơn đó, hay dùng tay đẩy tay đối phương đi lệch hướng một chút, để cú đấm ấy không đánh đúng chỗ hiểm. Đợi quyền đối phương sắp hết đà thì ta phóng tay phản kích. Đó là lấy thế tám lạng bạt ngàn cân hay lấy lẹ làng và đúng lúc để khắc chế vũ lực vậy. Nếu lấy trứng trọi đá thì thua là chắc.
Ta thấy những lúc thấy địch có lợi thế, Hưng Đạo Vương cho đánh cầm chừng rồi lui quân cũng là thế 8 lạng bạt ngàn cân trên.
Đến mùa mưa, lúc ấy đất đai trở thành bùn lầy, rất khó khăn cho kị binh; còn các khẩu đại pháo Mông Cổ, nặng cả vạn cân bây giờ chỉ là các khối gỗ loại vô dụng; chúng chĩa về nam, mà ta tấn công từ đông lấy ai mà quay nổi các tòa lâu đài loại khổng lồ ấy trong bùn lầy? Hơn nữa, mùa này, cây cối xanh tươi, rậm rạp nhiều nơi để lính ta ẩn núp, phục kích, đánh bất ngờ. Đây là lúc phản công!
Tóm lại, nhà Trần đã áp dụng triệt để yếu tố địa lợi trong thiên thời vậy.
Một điểm trong Địa Lợi khác trong khi điều kiển một trận đánh theo lối cổ là chiếm cao điểm. Sách Lục Thao cũng công nhận và cho rằng lên cao mà nhìn xuống để quan sát biến động của kẻ địch. Thật vậy từ cao điểm các tướng có thể quan sát được hết chiến trường và nhận ra các chỗ mạnh yếu của đối phương, rồi từ đó tướng cho hiệu cờ, trống, khói, lửa để quân của ông tấn công vào yếu điểm của địch. Khi ta đọc lịch sử quân sự Mông Cổ đã thấy họ cố sức làm điều ấy khi một trận chiến sắp xảy ra.
Tại Đại Việt họ cũng ra sức làm điều này, nhưng các núi non chung quanh vùng có chiến dịch ta cũng nắm hết. Theo sử thì Hưng Đạo Vương ở từ đỉnh núi Tràng Kênh điểu khiển trận đánh trong chiến dịch Bạch Đằng. Bài viết Chiến thắng Bạch Đằng ngày 9 tháng 4 năm 1288 của các tác giả: Phan Huy Lê, Bùi Đăng Dũng, Phan Đại Doãn, Phạm Thị Tâm và Trần Bá Chí viết cho ta thấy quân ta chiếm các núi cao : “Thắng lợi Trúc Động đã bảo vệ an toàn lực lượng của ta bố trí trên sông Giá, sông Thải và các dãy núi hai bên.”
…
“Trên các mỏm núi, trong các nhánh sông, các chiến sĩ ta đã chỉnh tề cung tên, gươm giáo chờ lúc nước triều xuống mạnh và đoàn binh thuyền Ô Mã Nhi lọt vào sông Bạch Đằng mới đổ ra quyết chiến.”
…
“Phàn Tiếp vội vàng đưa thuyền áp sát vào phía Tràng Kênh và thúc quân đổ lên bờ “chiếm lấy núi cao”(An Nam chí lược, q. 4, sách đã dẫn). Chúng muốn giành lấy điểm cao để chống lại quân ta, hỗ trợ cho trung quân và hậu quân chúng rút lui an toàn.”
…
“Phía núi Tràng Kênh, quân ta vừa dùng cung tên, vừa đánh gần, gạt toàn bộ đội quân Phàn Tiếp xuống sông. Địch bị chết, bị thương không kể xiết. Phàn Tiếp bị trúng tên, nhảy xuống nước, bị quân ta lấy câu liêm móc lên và bắt sống (Nguyên sử, q.166, Phàn Tiếp truyện chép: Tiếp bị thương, nhảy xuống nước, giặc (chỉ quân ta) lấy câu liêm móc lên. Toàn thư nói quân ta bắt sống được Phàn Tiếp.)
Địch đã lọt vào trận địa mai phục của ta. Trống lệnh nổi liên hồi, cờ hiệu bay phấp phới. Bộ phận quân ta phục sẵn ở các áng núi Tràng Kênh gồm cả quân chủ lực và dân binh dưới quyền chỉ huy của Trần Quốc Bảo – liền xông ra quyết chiến. Từ trên núi, quân ta đánh hất địch xuống hết đợt này đến đợt khác, quyết không cho địch chiếm núi.”[1]
J.A.G. Roberts cũng đã viết trong quyển sử về Trung Quốc ở trang 107 đoạn : Các cuộc xâm lăng vào Đông Nam Á đưa quân Mông vào các địa thế mà các kỹ sảo của họ không mấy giá trị và họ đã chịu kết quả thảm hại lộn ngược. [Campaigns in South-east Aisia took the Mongols into terrain in which their military skills were of little value and they suffered disastrous reverses.]
Tóm lại Đại Việt đã chiếm ưu thế trong “Địa Lợi” với 2 điểm. Nguyên Mông chiếm được địa lợi lúc đầu đất đai khô ráo nên được 1 điểm.
E- Nhân hòa.
Nhà Trần đã làm gì để có Nhân Hòa? Như chúng tôi đã bàn trong mục công tâm, và việc này đã làm tăng tiến sự nhân hòa. Qua hai lần hội nghị Bình Than và Diên Hồng, quân dân một lòng chống ngoại xâm. Nhà Trần đã biết áp dụng yếu tố nhân hòa trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông.
Tuy vậy đối với dân thì nhân hòa, nhưng nếu trong giới tướng lãnh mà không hòa thì cũng là một hiểm họa. Chuyện Mông Cổ đánh Nga và Hung Gia Lợi là các bài học quý giá.
Trần Hưng Đạo và Trần Quang Khải lúc trước không mấy hòa thuận. Trần Quang Khải thì làm tể tướng, trong coi mọi việc của triều đình. Lúc kháng Mông thì Hưng Đạo Vương làm tiết chế chỉ huy tất cả binh lực. Nêú Trần Quang Khải không nghe lệnh của Hưng Đạo Vương rồi muốn đánh lúc nào thì đánh, muốn đi đâu thì đi thì chẳng khác gì chuyện Nga, Hung và chắc Đại Việt đã không viết lên những trang sử có một không hai trên thế giới vào thế kỷ XIII.
Câu chuyện dưới đây cho ta thấy một may mắn khác của Đại Việt. Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Toàn Thư, trang 50, viết : “Quang Khải có học thức, hiểu tiếng nói của các phiên. Trước kia, Thánh Tông thân đi đánh giặc, Quang Khải theo hầu, ghế tể tướng bỏ không, vừa lúc có sứ phương Bắc đến. Thái Tông gọi Hưng Đạo Vương Quốc Tuấn tới bảo:
“Thượng tướng đi theo hầu vắng, trẫm định lấy khanh làm Tư đồ để tiếp sứ phương Bắc”.
Quốc Tuấn trả lời:
“Việc tiếp sứ giả, thần không dám từ chối, còn như phong thần làm Tư đồ thì thần không dám vâng chiếu. Huống chi Quan gia đi đánh giặc xa, Quang Khải theo hầu mà bệ hạ lại tự ý phong chức, thì tình nghĩa trên dưới, e có chỗ chưa ổn, sẽ không làm vui lòng Quan gia và Quang Khải. Đợi khi xa giá trở về, sẽ xin vâng mệnh cũng chưa muộn”…
Một hôm, Quốc Tuấn từ Vạn Kiếp tới, Quang Khải xuống thuyền chơi suốt ngày mới trở về. Lại Quang Khải vốn sợ tắm gội, Quốc Tuấn thì thích tắm thơm, từng đùa bảo Quang Khải:
“Mình mẩy cáo bẩn, xin tắm giùm”, rồi cởi áo Quang Khải ra, dùng nước thơm tắm cho ông và nói:
“Hôm nay được tắm cho Thượng tướng”.
Quang Khải cũng nói: “Hôm nay được Quốc công tắm rửa cho”.
Từ đó, tình nghĩa qua lại giữa hai người càng thêm mặn mà. Bản thân làm tướng văn, tướng võ, giúp rập nhà vua, hai ông đứng hàng đầu.”
Giả sử Hưng Đạo Vương là người ham quyền thì làm nhận chức tư đồ thì sao hàn gắn được mối quan hệ và cùng chung lưng đấu cật chống ngoại xâm.
Nhân hòa lo chống giặc ở đời nhà Trần không phải chỉ có đám mày râu, mà còn cả trong giới hồng quần. Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Toàn Thư, trang 18, viết về bà hoàng hậu họ Trần lấy vua cuối nhà Lý như sau: “Trần thị được gọi là quốc mẫu vì đó vốn là hiệu của Ngô phu nhân trước kia, tức là hoàng hậu. Thái Tông thấy Linh Từ đã từng làm hoàng hậu của Lý Huệ Tông, không nỡ gọi là công chúa, cho nên phong làm quốc mẫu, cũng là biệt danh của hoàng hậu. Xe kiệu, mũ áo, quân hầu của bà đều ngang với hoàng hậu.
Đến khi người Nguyên tắt đường vào cướp, kinh thành thất thủ, Linh Từ ở Hoàng Giang, giữ gìn hoàng thái tử, cung phi, công chúa và vợ con các tướng soái thoát khỏi giặc cướp, lại khám xét thuyền các nhà chứa giấu quân khí đều đưa dùng vào việc quân. Công của bà giúp nhà Trần trong việc nội trị thì nhiều mà phần báo đáp nhà Lý thì không được bằng. Thế mới biết trời sinh Linh Từ là để mở nghiệp nhà Trần. Việc thì giống như Đồ Sơn dấy nhà Hạ, mà đức thì không giống. Đạo biến của trời như thế đấy, huyền vi thay!”
Ngược lại, Nguyên Mông đã bị tội xâm lăng dân không ưa, mà Thoát Hoan còn sai Ô Mã Nhi đi ăn cướp lương thực thì làm sao để tạo nhân hòa?
Ai thắng ai thua trong « Nhân Hòa » đã thấy rõ. Đại Việt được 2 điểm.
F- Chiến Thuật.
Trước khi quân Nguyên Mông tràn sang, Hưng Đạo Vương cho ra tập Binh Thư Yếu Lược của ngài để các tướng cùng thông hiểu các mưu lược giết giặc. Tiếc rằng cuốn binh thư ấy không còn nên muốn tìm hiểu chiến thuật của Hưng Đạo Vương thì ta hãy xem lại lời đối đáp của Ngài với Vua Anh Tông khi nhà vua lại thăm lúc Ngài sắp lâm chung. Nhà vua hỏi làm sao có thể chặn MC, nếu chúng xâm phạm bờ cõi lần nữa? Ngài đáp lại mấy điểm chính sau:
1/ Theo kế hoạch của Triệu Đà, đốt phá sạch ruộng đồng. Như vậy ngài áp dụng việc “Công Lương” nhất định không cho giặc cướp lương từ nhân dân. Trận Vân Đồn lại chứng tỏ rằng Hưng Đạo Vương triệt để chú trọng đến lương thực của địch.
2/ Đánh úp sau lưng giặc. Ngài áp dụng mưu kế mà các nhà quân sự Tôn Tử, Ngô Khởi, Khổng Minh, Bạch Khởi, Tôn Tẫn… đã bàn. Trong chiến thuật việc mình phải chủ động trong việc dàn binh của địch rất quan trọng. Khi mình chi phối được mức đóng quân của địch, thì ta dễ dàng hơn trong việc tấn công hay tránh né. Nếu quân ta ít, yếu mà dịch mạnh thì ta tránh trấn công. Nếu địch thưa yếu hơn ta thì ta đánh. Hưng Đạo Vương đã chủ động trong việc này. Tong quyển Việt Sử Toàn Thư của Phạm Văn Sơn, trang 280 có ghi: “Ngày 23 tháng chạp, quân của tham chính Phàn Tiếp theo Thoát Hoan đánh Bắc Giang. Quân ta ngăn sông, chống giữ không lại. Thủy quân Mông Cổ vào được sông Cái (sông Hồng), quân ta rút lui.….Ngày 28 tháng chạp, bọn phản quốc Lê Tắc cũng theo sát gót Mông Cổ, nhưng đi sau vì phải lưu lại châu Tư Minh. Lê Tắc dẫn bọn Sảnh-đô-sự Hầu-sư-Đạt, vạn hộ họ Đạt, thiên hộ họ Tiêu, đem 5000 quân từ châu Tư-Minh lục tục tiến theo đại quân Thoát Hoan. Chúng phá ải Nội Bàng (thuộc Lạng Sơn), tiến chiếm sông bằng (thuộc địa phận Cao Bằng), ngảnh lưng về phía nước ta mà bày trận. Quân ta chống trả mãnh liệt, tên thuốc độc bắn như mưa; lửa cháy ngất trời. Đến canh năm giặc thua và tan vỡ, Hầu sư Đạt tử trận… ”
Ở phần trên, ta đã thấy gì? Nhìn vào bản đồ ở phần các trận đánh Đại Việt thì Nội Bàng ở sau lưng Thăng Long kể từ biên giới đến. Các phần này cho ta thấy Hưng Đạo Vương vẫn cho quân đánh phá sau lưng địch, vì Phàn Tiếp, Thoát Hoan đã đến sát Thăng Long mà đám người của Lê Tắc chưa đến Nội Bàng là ở phía sau. Hơn nữa, số quân không phải là nhỏ vì muốn đánh bại đạo quân 5000 người thì quân ta phải đông hơn nhiều. Với số quân Đại Việt đông như vậy thì quân Nguyên phải dàn quân nhiều nơi để bào vệ lẫn nhau.
Trang 209: “Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII” của ông Hà Văn Tấn và bà Phạm Thị Tâm cũng viết lại các hoạt động tương tự:
“Nguyễn Lộc trước đây hoạt động ở vùng Thất-nguyên (Tràng-định), Vĩnh-bình (Cao-lộc), thì nay mở rộng phạm vi khắp vùng Lạng-sơn.[1]” Quyển sách cũng đề cập các trận đánh của Nguyễn Thế Lộc (Nguyễn Lộc) và Nguyễn Lĩnh vào các toán Việt gian ở phần phụ lục trang 210.
Đến trang 221 quyển ấy lại viết:
“Tháng tư âm lịch (tháng 5-1285), Thoát Hoan sai Mang-lai Xi-ban (Manglai Shiban) đưa bọn Việt gian Trương-hiến hầu Trần Kiện, Văn-nghĩa hầu Trần Tứ Hoãn và em hắn là Minh thành hầu, con của Chiêu-quốc vương Trần-ích-Tắc là Nghĩa-quốc hầu cùng với gia thuộc hắn về Trung Quốc. Khi chúng đia qua Lạng Sơn, đội dân binh người Tày do Nguyễn Thế Lộc và Nguyễn Lĩnh chỉ huy, phối hợp với cánh quân Trần ở địa phương đã tập kích bọn chúng ở trại Ma Lục vùng Chi Lăng. Bọn Việt gian và đoàn quân hộ tống của Mang-lai Xi-ban (Manglai Shiban)bị vây đánh cả ngày lẫn đêm.”[2]
Việc dặn quân lính rút vào rừng đánh úp sau lưng giặc là áp dụng chiến thuật du kích, cấm không được hàng giặc. Vì chiến thuật này bắt giặc phải phân tán lực lượng, ra một vùng rộng lớn làm sức giặc yếu đi. Lắm khi, chẳng có người lính nào của ta ở một thị trấn, nhưng Mông Cổ vẫn phải cắt quân canh chừng. Nguyên sử viết về Đại Việt chiếm lợi địa, dùng du kích chiến: “Họ giữ nơi hiểm yếu chống cự, đều có nhà kho để cất chứa đồ áo giáp của quân sĩ. Họ bỏ thuyền lên bờ, quân giống như dân chúng, Nhật Huyên dẫn họ hàng, quan lại đến Thiên Trường, Trường An đóng đồn tụ họp, Hưng Đạo Vương, Phạm Điện Tiền đem thuyền quân lại tụ hợp ở cửa sông ở Vạn Kiếp, Nguyễn Lộc trú ở phía tây lộ Vĩnh Bình.” (Tích Dã dịch)
Một đoạn khác Nguyên sử ghi như sau: “Nhật Huyên đến cửa biển An Bang, bỏ thuyền, đồ áo giáp, binh khí, chạy vào ẩn náu ở rừng núi.” Trong quyển của ông Tấn trang 206 cũng có ghi: “Nhưng trên một miền đất rộng lớn đó, địch không thể có quân rải cho đủ và ngay ở vùng chiếm đóng được, chúng cũng không thể kiểm soát nổi.”
Sau này, đến cuộc kháng chiến chống Pháp, Việt Minh cũng cho đánh du kích khắp bán đảo Đông Dương khiến Pháp phải phân tán lực lượng để đối phó. Sau đó, họ dùng chiến thuật công đồn đả viện, làm Pháp đem binh đi cứu nơi bị nguy rồi chui vào ổ phục kích. Lúc thượng Lào bị tấn tấn công liên miên, nhờ vào đoàn tiếp vận từ Liên Khu Tư (Thanh, Nghệ, Tĩnh) qua Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, rồi vào lòng chảo Điện Biên Phủ qua Lào. Pháp quyết định thả 6 tiểu đoàn dù xuống lòng chảo này để chặn đường tiếp vận của Việt Minh. Rồi từ đó sinh ra trận Điện Biên Phủ khốc liệt.
Hiện nay, quân Mỹ với vũ khí tối tân, hùng hậu đã vào Iraq và Afganistan dễ dàng, nhưng quân họ phải trải quá rộng để kiểm soát được hết lảnh thổ hai nước này. Tuy nhiên, họ cũng đang bị chiến thuật du kích làm tổn hại và chẳng hiểu hết quả có được như họ mong muốn không?
3/ Chiêu mộ nhân tài. Ngài đã áp dụng cách tuyển quân, chọn tướng trong binh pháp. Đánh thắng giặc là chọn người tài bất luận nơi nào, không nhất thiết là người của hoàng tộc, mà Thương Ưởng nhà Tần đã làm cho nước này hùng cường. Thời nhà Trần ta thấy rất nhiều tướng lừng danh không phải từ dòng dõi vương triều ra như Lê Phụ (Lê Phụ Trần), Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Chế Nghĩa, Trần Bình Trọng, Nguyễn Lộc, Nguyễn Khoái, Nguyễn Khả Lập, Nguyễn Xuân…
Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Toàn Thư, trang 5, chép: “ Ma Lôi là người Chiêm Thành, buôn bán ở Ai Lao, được Nộn nhận làm nô, có tài chủ động đánh thắng, dùng binh như thần. Sau khi Nộn chết, thiên hạ lại quy về một mối.” Khi Trần Khánh dư đánh nhau với Trương Văn Hổ, quân sĩ đội nón Ma Lôi. Vậy chắc có thể Ma Lôi sau này làm tướng dưới quyền của Trần Khánh Dư.
Không phải chỉ nhà vua chiêu tập nhân tài, mà chính bản thân Hưng Đạo Vương cũng có nhiều nhân tài, hiền đức phù tá như Trương Hán Siêu, Dã Tượng, Yết Kiêu.
4/ Chinh phục nhân tâm. Ngài đã áp dụng “Công Tâm- Nhân Hòa” trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm. Không thành trì nào vững hơn lòng dân, đúng như Ngô Khởi đã nói với Ngụy Vũ Hầu lúc đi chơi thuyền. Các việc này chúng tôi đã phân tích trong công tâm và nhân hòa.
5/ Đắp lũy xây thành. Ngài đã chọn ưu thế về địa lợi. Ta không nên hiểu hạn hẹp thành là thành trì, nhiều khi thành mà chẳng thấy hào sâu, tường cao. Vì vậy mấy lần, ngài đều bỏ thành Thăng Long chạy vào Yên Trường và Thanh Hóa, những nơi có núi cao ruộng sâu. Vậy ngài đã dặn chọn nơi rất khó khăn cho giặc tấn công làm thành trì. Nếu quí vị đã đến vùng núi Tam Điệp, Tam Cốc- Ninh Bình giáp Thanh Hóa thì thấy nơi đây núi non trùng điệp, chung quanh là đồng sâu. Kị binh vào đây thì không di chuyển được. Bộ binh vào đây chỉ làm mồi cho tên độc, khi phải đang lội nước quá đùi. Vì vậy, Ngô Văn Sở đã rút về đây chống quân Thanh. Có thể Trần Quang Khải cũng làm như vậy, vì sử chỉ nói sơ rằng ông rút qua Thanh Hóa đóng quân khi Toa Đô làm tiệc chiêu an ở Thanh Hóa.
Ta cũng không quên trong lần kháng Nguyên thứ 2, Hưng Đạo Vương đã rút về Vạn Kiếp. Tại sao vậy. Chính cũng vì địa lợi. Ta hãy xem Lê Tắc tả lại vùng này trong quyển An Nam Chí Lược như sau: “Trở mặt ra một con sông lớn, sau lưng có núi muôn trùng, rừng rậm tre cao,dưới nước trên cầu, phong cảnh rất đẹp. Hưng-Đạo-Vương đã từng ẩn ở trong ấy.”[3]
6/ Lấy đoản chống trường. Ngài đã áp dụng lấy cái ưu điểm của mình chống lại cái khuyết điểm của địch. Trong nghĩa đen thì quả thật lấy dao ngắn chống thương dài, nhưng chống ở chỗ nào thì mình mới thắng? Trên một bãi cỏ cho một người cầm thương một người cầm đao cụt, rồi cho đánh nhau thì kẻ cầm thương có lợi thế. Người cầm đao nếu không vào sát được đối thủ thì thấy từ chết tới bị thương. Vậy người này phải đánh cận chiến, lúc ấy trường thương thành vô dụng. Một cách thứ hai để người cầm đao nắm được phần thắng là dụ đối phương vào nơi chật hẹp, hay rừng cây rậm rạp, để đối phương khó lòng múa được thương dài của hắn.
Tuy nhiên, đây không có nghĩa là lấy dao ngắn chống thương dài, mà có nghĩa là tùy vào từng môi trường, tùy hoàn cảnh, đem chiến thuật để chống giặc. Dù là mình người yếu; lính giặc mạnh; ngựa mình nhỏ; ngựa giặc to; kiếm mình ngắn; đao giặc dài, nhưng với những khôn kéo, mưu lược mình vẫn khắc chế được địch quân.
Lúc quân địch tràn sang với khối người vài chục vạn tập trung vào vài mũi dùi, quân mình không thể chống nổi. Đó là đoản chống trường không lợi. Hưng Đạo Vương cho tản ra và địch cũng tản ra. Bây giờ thì mình lại tập trung ở điểm nào đó, trong khi địch không tập trung nổi vì lo duy trì an ninh nơi mới chiếm, rồi mình tấn công. Đó chính là điều Hưng Đạo Vương muốn.
7/ Lấy kiên nhẫn cẩn thận mà chống mau lẹ vũ bão. Đây ngài khuyên là phải lựa chọn đúng thời gian, không nên hấp tấp. Thấy giặc mới vào đem tất cả binh lực ra chống, rồi đến lúc rút thì không còn bao nhiêu quân. Ấy chính là một lầm lẫn. Cứ để cho giặc tiến vào với một nhịp độ để ta rút lui, đợi thời cơ. Đó chính là một áp dụng mà Khương Tử Nha đã nghĩ tới. Viết lại tư tưởng ấy của Khương Thượng sách Lục Thao ghi: “Người thiện chiến ở không rối loạn, thấy có thể chiến thắng thì tiến lên, thấy không thể chiến thắng thì dừng lại. Người thiện chiến thấy điều lợi không để mất, gặp thời cơ không nghi ngờ,”[4]
Đây có thể nói là một tuyệt chiêu đối phó với Mông Cổ, vì chiến thuật của họ là tốc chiến tốc thắng. Hưng Đạo Vương không cho họ làm điều này. Nếu quí độc giả đã đọc qua sử, nhất là quyển “Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII” của ông Hà Văn Tấn và bà Phạm Thị Tâm thì sẽ thấy lúc đầu quân Mông đánh nơi nào cũng thắng còn ta lúc nào cũng thấy lui. Trong sử không ghi nhưng chắc chắn rằng nhiều nơi địch đến thì chẳng thấy sự chống cự nào. Ngày này sang ngày kia, làm tinh thần hồ hởi của giặc sẽ nguội dần, rồi những yếu tố khác như thời tiết, đất đai lầy lội làm chúng chán nản. Tóm lại đây là chiến thuật lấy diên trì chống mau lẹ vậy.
Ngoài ra Mông Cổ cũng nổi tiếng về chiến thuật giả thua rút lui. Nhưng khổ một cái, người rút lui đây lại là quân Đại Việt, nên cái chiến thuật ấy bị bẻ gãy. Lúc Mông Cổ rút lui thật thì chúng không làm được chuyện phục khích như đã phục kích quân Georgia hay liên quân Nga mà trái lại Hưng Đạo Vương đã cho bố trí phục kích trước. Đại quân ta cũng đuổi theo địch, nhưng đây chỉ là đuổi để xua các con mồi vào bẫy, tợ như quân Mông Cổ tập dượt săn tập thể. Đây phải chăng là đòn “Gậy Ông Đập Lưng Ông” của Cô Tô Mộ Dung trong Thiên Long Bát Bộ mà Kim Dung viết hay không?
Các điều này thật là đúng với nguyên tắc chiến thuật và chiến lược, tợ như một võ sĩ đang lên đài, chỉ khác một điều là mỗi bộ phận, mỗi một sợi gân của người võ sĩ chính là một người quân trong đội ngũ. Sự khỏe mạnh, vũ bão chưa chắc đã là sự tất yếu để thắng đối phương. Vì thế ta thường thấy các phái võ vẫn thường nhắc nhở lấy nhu chống cương; lấy hòa hoãn bình tĩnh chống vũ bão; lấy sự mau lẹ chống sức mạnh…Cũng trong thời Mông Cổ hoành hành tại Trung Quốc, ở núi Vũ Đương bên Trung Hoa, một nhân tài võ học ra đời: Trương Tam Phong. Ông là người lập ra môn phái Vũ Đương và sáng chế ra Thái Cực Quyền chỉ lấy sự bình tĩnh, ôn nhu để khắc chế cương cường là vì lẽ đó. Nếu quý vị đã đọc bộ Ỷ Thiên Đồ Long Ký (Ỷ Thiên Kiếm- Đồ Long Đao) của Kim Dung chắc quý vị không khỏi không thán phục cái triết lý võ thuật của nhân vật này.
Nói đến điểm vũ bão, mau lẹ ta thấy Mông Cổ có chiến thuật tấn công rất hay. Nhưng cái chiến thuật này chỉ hữu hiệu với cả hai cùng lấy cương chống cương, lấy vũ lực chống vũ lực, cùng địa thế thuận ti