Điển Ân- Nhà chiến lược tài ba trong khởi nghĩa Yên Thế
căn cứ của Đề Thám ở Chợ Gò TS Khổng Đức Thiêm Trợ thủ đắc lực của Đề Thám Điển Ân, tên thật là Hoàng Đình Ân, sinh năm 1862 tại Ngoại Thôn, xã Ngô Xá, tổng Yên Lễ, huyện Yên Thế (nay là thôn Đức Hiệu, xã Cao Xá, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) trong một gia đình hiếu học, ...
TS Khổng Đức Thiêm
- Trợ thủ đắc lực của Đề Thám
Điển Ân, tên thật là Hoàng Đình Ân, sinh năm 1862 tại Ngoại Thôn, xã Ngô Xá, tổng Yên Lễ, huyện Yên Thế (nay là thôn Đức Hiệu, xã Cao Xá, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) trong một gia đình hiếu học, giàu lòng yêu nước. Phụ thân của ông là Hoàng Bá San (còn gọi là Vân Sơn) – một yếu nhân đã cùng Tán tương Quân vụ Thân Bá Phức, Đề đốc Tiền quân Hoàng Hoa Thám lập ra Quân thứ Song Yên tại hai huyện Yên Dũng, Yên Thế ở phía bắc tỉnh Bắc Ninh, phối hợp với Tam tỉnh Nghĩa đoàn của Nguyễn Thiện Thuật, Nguyên Cao, Ngô Quang Huy hoạt động ở vùng giáp ranh Hải Dương, Hưng Yên và Bắc Ninh chiến đấu dưới ngọn cờ Cần Vương do vua Hàm Nghi hiệu triệu.
Trong khi phụ thân trở thành phụ tá cho Thân Bá Phức thì ông được giao nhiệm vụ thư ký và điển học của gia đình Hoàng Hoa Thám. Từ những năm 90 của thế kỷ XIX, ông đã được tham gia soạn thảo nhiều thư từ gửi tới nhà đương quyền. Số lượng các loại giấy tờ kể trên chắc chắn khá nhiều, tuy nhiên đến nay mới chỉ khai thác được một số, chủ yếu từ các cuốn sách của các sĩ quan Pháp và nhà cai trị có dính líu tới Yên Thế như Pirates et rebelles au Tonkin (Giặc dã và thổ phỉ ở Bắc Kỳ) của Đại tá Frey in tại Pháp năm 1892), Au Tonkin. La vic aventureuse de Hoang Hoa Tham, chef piate (Ở Bắc Kỳ. Cuộc đời phiêu lưu của Hoàng Hoa Thám, tướng giặc) của Bouchet, in tại Pháp năm 1934. Ngoài ra là những tài liệu tại các Trung tâm lưu trữ quốc gia tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Hai bức thư thuộc loại sớm nhất được tìm thấy trong sách của Đại tá Frey do ông soạn thảo dưới danh nghĩa Thống lĩnh binh tướng Bắc Ninh – Thái Nguyên, Phó tổng chỉ huy Tiền quân Đề đốc Hoàng Hoa Thám gửi cho Đại tá Frey, Chỉ huy trưởng Đạo binh Pháp đồn trú ở Nhã Nam, đề ngày mồng một tháng Một và 14 tháng Một năm Hàm Nghi thứ 6 (12 và 26-12-1890) đã khẳng định rõ mục đích chiến đấu cao cả của nghĩa quân Yên Thế là vì nền độc lập của vương quốc, vì lòng trung thành với nhà vua, sự gắn bó mật thiết với phong tục tập quán lâu đời, thà hy sinh vì nước chứ không bao giờ rời bỏ cuộc chiến.
Sau khi quân Pháp chiếm được Hố Chuối và hệ thống phòng thủ Sông Sỏi, Đề Hả bị sát hại, nhiều thủ lĩnh ra hàng phục, Thân Bá Phức muốn rời bỏ cuộc chiến, Hoàng Hoa Thám nhận trọng trách lãnh đạo phong trào. Từ cuối năm 1893, nhận thấy những dấu hiệu xáo trộn trong hàng ngũ nghĩa quân, Tổng đốc Lê Hoan cử đặc phái viên lên căn cứ Chợ Mới nhờ viên thủ lĩnh Phùng Quý Phúc đứng làm trung gian tổ chức các cuộc nghị đoàn với Bộ Chỉ huy nghĩa quân. Cuối tháng 11-1893, Thân Bá Phức cử Hoàng Bá San, Thân Văn Tảo lên gặp phái viên của Phùng Quý Phúc là Khâu Bảo Kế rồi đích thân lên Chợ Mới gặp người của Lê Hoan thương thuyết, hứa hẹn mùa xuân đầu năm Giáp Ngọ (1894) sẽ mang các thuộc hạ là Đốc Trứ, Lãnh Vi, Đề Công (người xã Vân Cầu), Thống Luận, Đề Thám (người xã Ngọc Cục), Lãnh Chiếu (người xã Lam Quật) cùng khoảng 150 nghĩa binh, 100 súng ống ra hàng.
Hoàng Hoa Thám khi ấy đang đóng quân tại căn cứ Tràng Lang (Đại Từ, Thái Nguyên) liền rút về địa phận các tổng Yên Thế, Hữu Thượng và Đức Lân, ngày 14 tháng Chạp năm Hàm Nghi thứ 9 (20-1-1894) giao Hoàng Điển Ân soạn thảo một bức thư gửi tới Lê Hoan nói rõ, qua mấy năm là thuộc hạ của quan Tán tương họ Thân, tên là Phức, xướng nghĩa dấy quân, muốn lấy việc yên dân làm gốc, vả lại quan Tán tương như là cha, mà mình như là con. Ý cha như thế nào thì ý con như thế. Việc hòa giải nào đâu dám sai trái. Tuy nhiên, các quan binh Tây luôn đem lực lượng tuần tiễu. Nếu không đánh lại thì sợ lỡ mất quân cơ, đánh lại thì sợ sinh chuyện. Trộm nghĩ rằng cứ chiến đấu mãi thì dân khổ vì nạn binh đạo, chi bằng hướng hóa, dùng hòa giải thì mọi người được an cư lạc nghiệp. Cuối thư, 5 điều được đề xuất (Tổng đốc chủ động đề ra các khoản nghị hòa; chấm dứt tuần tiễu; để nghĩa binh đi lại thuận lợi trên địa bàn Yên Thế và Yên Dũng; thả các nghĩa binh đang bị giam giữ ở các đồn Luộc Giới, Mục Sơn và nhà lao Bắc Ninh; Thân Văn Tảo được ủy chờ lệnh).
Ngày hôm sau, Hoàng Điển Ân lại lấy danh nghĩa Hoàng Hoa Thám viết bức thư gửi Lê Hoan ca ngợi việc nghị hòa đã được xử trí thỏa đáng, xin trú quân tại các tổng Hữu Thượng và Yên Thế, giữ yên lặng và chỉnh đốn binh lính, đợi đến xuân sau tính cuộc quy hàng.
Trong tấu túc trình Hoàng Cao Khải ngày 15 tháng Chạp năm Thành Thái thứ 5 (21-1-1894), Lê Hoan đã kèm theo bức thư trên, cho rằng Thân Bá Phức đã phái người mang súng ống, văn bằng, ấn tín nộp trước, tưởng cũng là một hành động thành thực, chỉ có việc xin đợi đến trung tuần mùa xuân năm sau là chậm.
Việc ngày 15-2-1894, Thân Bá Phức đem 76 thủ hạ, 56 súng tới Cao Thượng làm lễ quy phục đã tạo cớ cho Lê Hoan “phải” thương thảo thêm với Hoàng Hoa Thám trong hai tháng 3 và 4-1894. Thực ra đó chỉ là duyên cớ giúp cho nghĩa quân hoàn thiện các cuộc bố trí lại lực lượng để đối phó với các cuộc tiến công khi mà Hoàng Hoa Thám khước từ nghị hòa. Và, việc bố trí cho Thân Bá Phức – lúc này đã là Thương biện, quay trở lại “thăm” con nuôi, gửi lại trái phá vào đêm 19-5-1894 đã chấm dứt hơn nửa năm nghị đàm giữa hai bên. Hơn 400 lính Pháp, được sự hỗ trợ của pháo binh và lính đồn trú ở hai đồn binh Bố Hạ và Nhã Nam tấn công vào Hố Chuối. Trong khi đó, Lê Hoan với hơn 600 khố xanh vẫn án binh tại Luộc Hạ.
Ngay lập tức, sáng 19-5-1894, Hoàng Điển Ân nhận lệnh viết cho một bức thư gửi tới Lê Hoan cực lực phản kháng. Nhận được phúc đáp, ông lại viết cho thủ lĩnh bức thư phản hồi, khẳng định rằng bản tâm chỉ muốn an cư làm ruộng, nhiều lần tự đến bái yết, đều được yên ủi một chút, nào ngờ ông chủ họ Thân gây ra họa căn rồi ngầm bỏ chạy.
Chính nhờ một kịch bản khá hoàn hảo kể trên, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của Hoàng Điển Ân, nhất là trong những thư từ giao đáp, Hoàng Cao Khải và giới cầm quyền Pháp, cũng như phần đông dân chúng đều tin Thân Bá Phức thực sự đầu hàng, phản bội lại sự nghiệp của nghĩa quân. Còn với Lê Hoan, người đời vẫn cho rằng ông ta đã dùng bàn tay nhung để bóp nghẹt công cuộc khởi nghĩa ngay trên mảnh đất Yên Thế. Rất ít người nhận biết được rằng, sau khi đã đánh dẹp hết thảy các cuộc nổi dậy trong phong trào Cần Vương, người Pháp sẽ tìm mọi cách bao vây, cô lập để tiến tới diệt gọn cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Việc để Thân Bá Phức lúc này và nhiều thủ lĩnh khác trá hàng là tạo ra một hậu phương, một vỏ bọc cho phong trào vào những lúc lâm nguy.
Chính vì những lẽ đó, sau sự kiện Chesnay và Logiou – Chủ nhiệm và nhân viên của tờ L’Avenir du Tonkin (Tương lai xứ Bắc Kỳ) bị bắt, dẫn tới cuộc hòa hoãn lần thứ nhất vào cuối năm 1894, giới quân sự Pháp kiên quyết phản đối. Chúng buộc giới dân sự phải tách phần lớn khu vực ở phía bắc sông Cầu của tỉnh Bắc Ninh để lập ra tỉnh Bắc Giang và Tiểu quân khu Yên Thế do Đạo quan binh cai quản. Cuối năm 1895, Đại tá Galliéni đem hàng ngàn quân lên Yên Thế, trao tối hậu thư buộc nghĩa quân trả lại quyền cai quản ở các tổng Mục Sơn, Yên Lễ, Nhã Nam, Hữu Thượng; nộp toàn bộ vũ khí rồi lui về khai khẩn tại làng Bằng An, tổng Phúc Tằng, huyện Yên Dũng (nay thuộc xã Tiền Phong, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang). Hoàng Điển Ân, dưới danh nghĩa Hoàng Hoa Thám phúc đáp, đã dùng những lý lẽ mềm mỏng nhưng kiên quyết khước từ.
Tính đến đầu năm 1896, nghĩa quân đã bị tiêu hao tới 449 tay súng. Hàng loạt tướng lĩnh được chủ động bố trí hoặc chủ động ra hàng phục, trong đó có nhiều tên tuổi như Đốc Thức, Đốc Vạn, Đỗ Hỹ, Đốc Kế, Đốc Hậu, Lãnh Tiếu, Thống Luận; Bang Kinh sa vào tay giặc, Đề Nguyên hy sinh.
Suốt trong hai năm 1896-1897, nghĩa quân Yên Thế rơi vào thế ngàn cân treo sợi tóc, kiệt quệ về cả lực lượng lẫn lương thực, vũ khí. Thỉnh thoảng họ được tiếp tế bởi những toán mang danh nghĩa sơn tràng của Thân Bá Phức, Thống Luận được phép vào rừng khai thác gỗ về sửa đình, làm chùa. Sự có mặt của Kỳ Đồng (Nguyễn Văn Cẩm) phần nào giúp nghĩa quân hồi sức, nhưng thời gian chẳng được bao lâu.
Hoàng Hoa Thám trong cảnh thế cùng lực kiệt đó đã chấp nhận nghị hòa với giới cầm quyền Pháp lần thứ hai vào ngày 26-11-1897. Theo Hồ sơ số 56292 (RST) của Phủ Thống sứ Bắc Kỳ, Hoàng Điển Ân – người theo Hoàng Hoa Thám từ những ngày đầu, sau năm 1897 trở về Ngô Xá một thời gian rồi trở lại với tư cách là Chánh thư ký từ năm 1900, phụ trách giao thiệp với các phần tử bất mãn ở Trung Kỳ, từng đưa Hai Cán – em vợ Ba Đề Thám và Cả Can – vào Thanh Hóa. Trong vai trò như trước đây, Hoàng Điển Ân chính là người viết lời chúc tụng nhân lễ Đại thọ của Hoàng Hoa Thám được tổ chức vào ngày 25 tháng Giêng năm Mậu Thân (26-2-1908). Chính Bouchét trong tác phẩm của mình là người phát hiện ra chủ nhân của áng thi văn nổi tiếng ấy.
Suốt mấy chục năm xông pha chiến trận, Hoàng Điển Ân có nhiều đóng góp to lớn cho cuộc khởi nghĩa Yên Thế nhờ có một tầm nhìn bao quát, biết tiến, biết thoái nhịp nhàng, lý lẽ lúc thâm hậu, khi cao sang. Những con người được ông truyền dạy về chữ nghĩa, trong đó tiêu biểu là Cả Trọng – con trai trưởng của Hoàng Hoa Thám, thông thạo cả Quốc ngữ, chữ Hán và chữ Pháp, ngày đêm nghiền ngẫm tân thư và báo chí đương đại để đem luận bàn về thời thế, phương lược. Dù mới thu thập được một phần những di sản của ông, nhưng như thế cũng đủ thấy được tầm vóc của Hoàng Điển Ân với khởi nghĩa Yên Thế.
- Nhà tuyên truyền và tổ chức tài ba
Với vóc dáng thanh cao, nho nhã, đôi mắt tinh anh và vầng trán rộng, Hoàng Điển Ân là hiện thân của một bậc túc trí, đa mưu, có tầm nhìn xa trông rộng. Giỏi lý số, toan tính chân xác để mưu việc lớn, sớm nhìn ra nguyên nhân của mọi sự thành bại, ông trở thành nhà chiến lược từ rất sớm trong Bộ Chỉ huy nghĩa quân Yên Thế. Chính vì những lẽ đó, từ vị trí một thư ký giúp việc sổ sách, giấy tờ, ông sớm trở thành nhà tuyên truyền và tổ chức lực lượng kết liên với phong trào ở hầu hết các thành phần và các tỉnh thành ở xứ Bắc Kỳ.
Ngay từ những ngày đầu còn trứng nước, cuộc khởi nghĩa Yên Thế đã có sức cuốn hút với nhiều binh lính người Việt trong hàng ngũ quân viễn chinh Pháp. Đây là một đội ngũ đã thuần thục phương pháp tác chiến cũng như những kỹ năng sử dụng các loại vũ khí hiện đại của phương Tây, nhiều người còn thành thạo hoặc trao đổi được tiếng Pháp. Sớm nhận ra lợi thế này, Hoàng Điển Ân đã đề xuất và sau đó đảm nhiệm công tác tuyên truyền địch vận, tận dụng tri thức của những người đã có mặt trong cuộc khởi nghĩa để truyền dạy cung cách đối phó với cách đánh của quân xâm lược, cùng phát huy hiệu năng của các loại súng ống cướp được từ đối phương, học và nói tiếng Pháp.
Trong những ghi nhận của mình, Đại tá Frey tỏ ra vô cùng kinh ngạc khi các trận đánh nhau diễn ra với nghĩa quân Yên Thế tại Luộc Hạ ngày 25-3-1890, Cao Thượng ngày 6-11-1890 và Hố Chuối ngày 11-12-1890, nhiều nghĩa quân dùng loa tự xưng mình đã từng là cai, đội khố đỏ kêu gọi binh sĩ người Việt còn trong hàng ngũ lính Pháp phản chiến, mang đầu sĩ quan và binh lính người Âu về nộp cho thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám lấy thưởng. Viên sĩ quan Pháp cao cấp này phải thốt lên: “Trong các khoảng thời gian hưu chiến như thế, nhiều chuyện kỳ quặc lại diễn ra giữa bọn giặc và những người lính pháo thủ, khiến ta liên tưởng đến những câu chuyện về các vị anh hùng của Homére mà một vài giai đoạn của cuộc chiến tranh này có nhiều điểm rất giống như tính đơn giản, ngây thơ của người trong cuộc và tính chất của những cuộc giao tranh,trong đó sáng kiến, lòng dũng cảm của cá nhân, sự mưu mẹo giữ vai trò quan trọng. Một tướng cướp cũ tên là Thọ, mang cả toán cướp của mình gia nhập Trung đoàn 3 lính pháo thủ ngay từ ngày thành lập Trung đoàn này. Nhờ sự thông minh và lập nhiều chiến công, Thọ được phong chức Đội. Trong những trường hợp này, Đội Thọ nhờ am hiểu tập tục, ngôn ngữ của đồng đội cũ nên thường làm phát ngôn viên của lính pháo thủ. Ngày 11-12-1890 anh ta đang nằm ở mép rừng trong tư thế chiến đấu, cách không xa vị trí của viên chỉ huy Trung đội. Từ một cứ điểm gần đó, một tên cướp hô to lên rằng: – Hỡi các bạn pháo thủ! Hãy mang vũ khí theo chúng tôi. Chúng tôi không hề làm hại các bạn. Chính bọn Pháp, người thày của các bạn mới là nguyên nhân của tất cả những tai họa của đất nước chúng ta phải chịu đựng. Hãy bỏ bọn chỉ huy của các bạn mà đi theo chúng tôi! Đội Thọ trả lời: – Chúng tôi là những người lính và quyết làm tròn nhiệm vụ của chúng tôi. Chúng tôi không rời bỏ những người chỉ huy của chúng tôi! Tên cướp lại nói tiếp: – Ở đây chúng tôi có một căn cứ không thể nào tiến vào nổi. Các anh sẽ chết một cách dại dột. Hãy theo chúng tôi. Các anh sẽ được quan Đề Thám, vị thủ lĩnh của chúng tôi đối đãi rất tốt! Đội Thọ trả lời: – Nhưng chúng tôi cũng được cấp trên của chúng tôi đối xử rất tốt. Chúng tôi rất sung sướng! Tên cướp lại kêu to: – Hãy coi chừng! Từ trước đến nay chúng tôi đã tha cho các anh đấy! Nếu các anh không chịu nghe theo lời khuyên của chúng tôi, các anh sẽ bị chặt đầu! Tất cả các anh không trừ một ai, tất cả đều chịu chung số phận ấy! Bỗng nhiên viên sĩ quan ra lệnh: – Tất cả nổ súng! Và tiếng súng lại vang lên dữ dội hơn trước từ cả hai phía, át cả tiếng nói của Đội Thọ lúc này đang trở thành mục tiêu của hàng chục khẩu súng. Anh ta nằm rạp xuống và hét to: – À, chúng mày dùng những phương pháp đáng ghét. Chúng mày làm thủng mũ và áo varơi của tao. Đồ hèn nhát! Đồ ăn cướp! Đồ đểu giả!”.
Rõ ràng, kể cả những binh lính người Việt ngoan cố nhất và không có ý định rời ngũ, phản chiến, họ cũng chỉ bị bắn thủng mũ áo hoặc làm bị thương nhẹ như Đội Thọ mà thôi.
Cũng tại Hố Chuối, trong trận đánh cuối cùng diễn ra vào ngày 9-1-1891, dù kẻ địch đang dội bão lửa về phía nghĩa quân, họ vẫn bình tĩnh kêu gọi: – Hỡi khố đỏ và dân phu, hãy nằm xuống, chúng tôi sắp bắn đây! Hỡi các lính khố đỏ! Hãy đến với chúng tôi! Các anh sẽ được 50 đồng nếu mang sang một đầu lính Pháp, 100 đồng mỗi đầu võ quan! Hãy phản chiến đi! Chúng tôi không làm hại các anh đâu. Kẻ thù của chúng ta là bọn Pháp. Cùng lúc ấy là tiếng Đề Thám động viên: – Hỡi những người lính trong quân đội Trung nghĩa, trong đội quân Bất khuất, trong đội quân Tất thắng! Ta rất hài lòng về các người! Cố gắng mà kháng cứ. Quân tiếp viện đang đến. Các người là vô địch!
Sau này, Hoàng Điển Ân đã giản lược cách thức tuyên truyền địch vận để ai cũng thực hiện được qua mấy thể văn vần: – Quan hai cho chí quan ba/ Nào là khố đỏ, nào là khố xanh/ Phải tình Nam quốc, Nam nhân/ Thì hãy bắn súng chỉ thiên lên giời/ Ta đây đánh giặc ba đời/ Các anh đi lính mãn thôi lại về/ Đừng tham danh lợi làm chi!
Trong những năm nghị hòa lần thứ hai Hoàng Điển Ân đã móc nối đưa về Phồn Xương được khá nhiều Tân thư như Cách mạng Tiên phong, Lục quân binh thư và đặc biệt là cuốn Sùng bái giai nhân của Phan Bội Châu mà ông mua được tại Hồng Công trong chuyến cùng cháu của Hoàng Hoa Thám trên đường tới Nhật Bản cuối năm 1907.
Ngoài ra, ông còn cho thu thập một số tờ báo in bằng tiếng Hán, tiếng Pháp như Đại Nam đồng văn nhật báo, Việt Nam quan báo, L’Independance Tonkin (Nền độc lập của Bắc Kỳ) và đích thân cùng Hai Cán về tận Hà Nội tìm gặp Nguyễn Quyền nhân dịp trường Đông Kinh nghĩa thục chuẩn bị khai giảng. Trong tác phẩm Đông Kinh nghĩa thục, xuất bản năm 1937, Đào Trinh Nhất đã ghi lại lời kể của Nguyễn Quyền như sau: “Lúc khác có hai người bộ tướng của Hoàng Hoa Thám ở Bắc Giang về thăm viếng nhà trường và nói phụng mạng của Thám về hỏi tôi có cần dùng tiền bạc một hai muôn gì để duy trì trường học cho vững thì cứ việc nói, Thám vui lòng gởi xuống dùm cho. Hay là muốn rằng Thám đóng góp mỗi tháng vài ba ngàn đồng luôn luôn cũng được. Họ nói ra vẻ ân cần, thành thiệt lắm.
Nhưng tôi lấy lời lẽ khôn ngoan thối thác sự giúp tiền đó và khuyên họ từ sau chớ nên lui tới nhà trường nữa, sợ nhà nước Tây họ biết thì có chỗ bất lợi cho cơ quan của tôi chỉ có một mục đích là giáo dục đồng bào”.
Nhờ sách báo cũng như các cuộc tiếp xúc với Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh nên trong đầu Hoàng Điển Ân dần hình thành được phương lược cứu nước mới, trong đó phải nhanh chóng thay đổi cách thức tập hợp lực lượng, biện pháp tranh đấu, xây dựng căn cứ ngay tại cửa ngõ và trong lòng kẻ địch. Đề xuất của ông nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của bà Ba Cần, Cả Trọng, Hai Cán.
Theo hoạch định, ông muốn cuộc khởi nghĩa Yên Thế thoát nhanh khỏi thế thủ hiểm, chỉ dựa vào thiên nhiên để chống chọi với người Pháp. Vào thời điểm này, các nhà thực dân đã mở trong khắp nơi mọi chốn ở Bắc Kỳ, nắm giữ các mạch máu kinh tế. Hệ thống đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường không đã thông suốt, kể cả các nơi xa xôi, heo hút nhất. Họ đang ở thế mạnh trên tất cả các lĩnh vực. Chỉ còn hầu như là duy nhất một thế mạnh vô song mà người Pháp dù cố gắng đến mấy cũng chưa chinh phục được, trong khi các sĩ phu yêu nước mới đang tìm cách đoạt lấy, đó là dân chúng ở cả thôn quê lẫn thành thị, vùng núi cũng như vùng xuôi.
Để có dân chúng, xưa nay tổ chức phường hội, phe đảng đã làm được ít nhiều, nhưng thiên về tranh đoạt về quyền lợi kinh tế và ngôi thứ trong xã hội. Nếu biến tướng được mục đích để nhằm vào mục đích tranh đoạt lại đất nước từ tay ngoại xâm thì các phường hội, phe đảng sẽ là một nội lực đáng gờm trong cuộc tranh đấu sinh tử, mất còn này.
Qua quá trình nghiên cứu, Hoàng Điển Ân nhận thấy tổ chức phe đảng có tầm cao hơn, phù hợp hơn đối với môi trường thành thị bởi đó là những địa bàn có nhiều tầng lớp mới xuất hiện còn phường hội vẫn là môi trường thích ứng với chốn thôn quê và rừng núi. Căn cứ vào phác họa về tổ chức lực lượng và cách thức lôi kéo dân chúng do Hoàng Điển Ân đề xuất, Bộ chỉ huy cuộc khởi nghĩa Yên Thế phân công như sau:
– Tại Hà Nội và những nơi có các trại lính lớn như Bắc Giang, Bắc Ninh, Nam Định, Hải Dương, Hà Đông, Hải Phòng, Thanh Hóa thì Hoàng Điển Ân chịu trách nhiệm chính, có được sự hỗ trợ của bà Ba Cẩn, Hai Cán để lập ra Đảng Nghĩa Hưng. Ngoài nhiệm vụ lôi kéo binh lính còn thu hút sĩ phu, viên chức, thợ thuyền, nhà giáo, các thầy lang và thầy tướng. Riêng Phả Lại thì giao trách nhiệm cho Quản Mỹ.
– Tại các tỉnh, cử Đinh Siêu Qườn (Đồ Dơm) lập phường ở vùng Quảng Tế (Thanh Hóa), Gia Khánh (Ninh Bình) còn Lãnh Sơn thì gây dựng trong khu vực người Dao ở Tuyên Quang; Nguyễn Đình Cố (Lãnh Nghiêm) lập Trung châu ứng nghĩa đạo ở Văn Giang, Thuận Thành, Từ Sơn (Bắc Ninh), Văn Lâm (Hưng Yên); Mền Vĩ lập Hoành Sơn hội ở vùng Sơn Tây (sau những vùng ấy người Pháp cắt ra đưa vào các tỉnh Vĩnh Yên, Phúc Yên).
Nhờ những hoạt động tích cực của Hoàng Điển Ân và cộng sự, Đảng Nghĩa Hưng đã có hình hài ở Hà Nội, thu hút được nhiều binh sĩ người Việt, công chức, thợ thuyền. Đỗ Khắc Nhã, còn gọi là Đồ Đảm, quê làng Tạ Xá, tổng Lương Xá, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Đông (nay là thôn Tạ Xá, xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội) – người phụ trách phát triển mạng lưới các thành viên của Đảng Nghĩa Hưng tại Hà Nội, tại bản cung khai ngày 12-11-1908 (hồ sơ số 76414 – RST) khẳng định vai trò hết sức quan trọng của Hoàng Điển Ân: “Vào tháng 4 năm nay (5-1908) một viên Quan lang là Hà Triều Nguyệt (Thanh Hóa) đã cử thân tín đến gặp Đề Thám để thông báo cho biết rằng người Mường đang có nghìn khẩu súng và ngôi nhà 3 gian chứa đầy vàng bạc và sách. Đề Thám đang khẩn trương gửi Điển Ân và Hai Cán là những thủ hạ thân tín đến nhà Hà Triều Nguyệt để xác minh độ chính xác của thông tin này. Khi trở về Bắc Kỳ, Hai Cán và 4 đồ đệ đã bị bắt giữ. Điển Ân đã trốn thoát, có thể đã quay lại với Hà Triều Nguyệt, cải trang thành người ăn xin để kích động dân chúng trả lại tự do cho những người bị bắt.
Đề Thám rất quan tâm đến Điển Ân và Hai Cán do sự tận tụy của họ. Điển Ân phụ trách việc đi lại các tỉnh Bắc Kỳ để mang lệnh của ông chủ…
Ngày 29-5 (tức 27-6-1908) tôi đã đi gặp Đội Hổ, gặp ở đó Cai Ba Nhân và một người nữa cắt tóc ngắn do Đề Thám cử đến để tham gia và tấn công Hà Nội. Hai người của Đề Thám này mang theo 4 mét vải lụa dùng để may cờ và những lá cờ này phải được chính các binh lính cắm ở 4 góc thành Hà Nội. Điển Ân cũng có mặt tại Hà Nội và trú tại nhà Lang Sẹo. Cai Ba Nhân và Tú Con, những thủ hạ thân cận và trung thành của Đề Thám cũng đã từng đến tại nhà Lang Sẹo ở phố Hàng Buồm mỗi khi họ mang theo thư tín của Đề Thám gửi quan Toàn quyền và ngài Thống sứ.
Tôi khẳng định rằng Đề Thám thực sự là tác giả của phong trào cách mạng này. Mong muốn của ông ấy là đánh đuổi người Pháp để tuyên bố Kỳ ngoại hầu là Hoàng đế An Nam. Điều này được khẳng định qua việc các thư từ được phân phát cho việc nổi dậy đều với danh nghĩa tên của Hoàng tử.
Đề Thám đã có liên hệ với Phan Bội Châu qua người trung gian là Điển Ân ở Hồng Công để chuyển các bức thư trên”.
Ở cuối bản cung, Julets Bosc – Công sứ Hà Đông, thành viên của Hội đồng Đề hình được lập ra để xét xử các yếu nhân tham gia vụ Hà thành đầu độc, người chủ tọa phiên tòa ngày 27-11-1908 tuyên tử hình Đỗ Khắc Nhã (Đồ Đảm) Đỗ Quang Vinh (Đồ Vinh), Nguyễn Viết Hanh (Đội Hổ), Trần Văn Song (Ông Chánh) còn cẩn thận ghi chú: “Thật may là khi thu thập những lời khai về Điển Ân, thư ký thân cận của Đề Thám mà Đồ Đảm đã cho biết, đó là một trong những người đầu tiên vạch ra âm mưu đầu độc và nổi dậy. Tôi đề nghị ngài Công sứ Bắc Giang phải bắt Điển Ân ngay khi có thể. Ông Maire trả lời là Điển Ân hiện đang ở Yên Thế, nhưng ông ấy đang rất thận trọng và nói nhận thức rất rõ về điều đó nhằm thu mình và lẩn tránh việc truy tìm mà trong lúc này ông ta cho rằng là không thể”.
Nguyễn Đình Cố (Lãnh Nghiêm, 1874-1964), người chịu trách nhiệm xây dựng Trung châu ứng nghĩa đạo trong một hồi ký được lưu tại Bảo tàng lịch sử quốc gia kể lại rằng: “Từ khi thành lập hội và đến khi hội tan vỡ, chúng tôi có khoảng 300 khẩu súng. Số súng này mua ở bên Tàu và qua tay Lương Tam Kỳ. Mỗi khi có súng về đến biên giới, ông Đề Thám báo cho tôi biết, tôi bèn cho người lên biên giới mang về. Ở đây xin nói thêm một chút về sự liên lạc giữa Trung châu ứng nghĩa đạo với Yên Thế do tôi chịu trách nhiệm. Ông Đề Thám có Điển Ân, tức Hoàng Đình Ân, giúp việc. Giấy tờ, sổ sách đều do Điển Ân giữ cả”.
Nguyễn Văn Thiệp, tức Cửu Phù Lưu, người chịu mức án 20 khổ sai, trong bản cung được lưu cùng hồ sơ số 76414-RST, khai rằng: “Đề Thám cũng liên lạc với những người Việt Nam ở Nhật Bản qua người trung gian là Điển Ân, một người tâm phúc của Đề Thám. Điển Ân rất có ảnh hưởng tới Đề Thám và ông tự nhận là chú của Đề Thám”.
Ngay sau khi vụ Hà Thành đầu độc kết thúc, vai trò và sự nghiệp của Hoàng Điển Ân cũng cáo chung. Đề Thám, bà Ba Cẩn và nhiều thủ lĩnh khác cho rằng sự thất bại kể trên là do ông đã làm lộ cơ mưu, tìm cách trì hoãn để kẻ địch dò tìm được manh mối. Lại có người trong Bộ Chỉ huy nghĩa quân cho rằng việc ông thoát khỏi cuộc vây bắt ở Thanh Hóa là do dụng ý của người Pháp sau khi đã khai thác được việc quân cơ. Chính vì những nỗi nghi ngờ ngày càng lớn dần kể trên, khiến cho Hoàng Điển Ân đã phải sống những ngày còn lại ở Phồn Xương trong một bi kịch của lòng ghét bỏ và sự gièm pha tàn nhẫn. Ông trở nên đơn độc, cô lập giữa muôn vàn con người xưa vốn là chiến hữu, vào sinh ra tử. Không có một lời yên ủi, xẻ chia.
Có một Hoàng Điển Ân đầy tự tin sau bài chúc tụng trong lễ mừng đại thọ của Hoàng Hoa Thám ở căn cứ Phồn Xương đầu năm 1908 nhưng cũng có một Hoàng Điển Ân bơ vơ sau thất bại của vụ Hà Thành đầu độc. Phải chăng vì ông là chủ nhân của những phát kiến vượt ra khỏi tầm thời đại nên việc hứng chịu búa rìu và kết cục cay đắng là chuyện thường tình. Nhưng rõ ràng việc trút bỏ tất cả gánh nặng trách nhiệm nên đôi vai ông là sự bất công vô tận.
Nhưng lịch sử đã từng có những việc như thế. Cuộc đời và kết cục đau đớn của ông chưa đến nỗi như Nguyễn Trãi, sau Bình Ngô đại cáo đầy hào sáng là vụ án oan Lệ chi viên phải chu di tới ba họ nhưng rõ ràng Hoàng Điển Ân ra đi với hai bàn tay trắng, rốt cuộc không chỉ trắng tay mà còn bị nhúng chàm. Khi quân Pháp mang toàn lực tấn công vào Yên Thế mùa xuân năm 1909, ông bị bỏ lại ở Phồn Xương. Trong cảnh thế cùng lực tận, ông phải ra hàng, ngay lập tức bị đưa về Hỏa Lò (Hà Nội) mang số tù 1762 nhưng điều tiếng vẫn không buông tha. Người ta cho rằng ông là chỉ điểm dù đang bị kìm kẹp trong ngục tối, bị đánh đập và ốm đau đến chết.
Nhân 108 năm ngày bùng nổ vụ Hà Thành đầu độc (27-6-1908 – 27-6-2016) người viết xin ghi lại đôi nét về một con người có nhiều ảnh hưởng và công lao dựng Đảng Nghĩa Hưng trên đất Hà Thành, có nhiều can dự đối với cuộc binh biến của lính pháo thủ khố đỏ giàu lòng yêu nước của hơn một thế kỷ trước.
Hà Nội, 6-2016
KĐT