Tiếng Việt 6 - BÀI HỌC CUỐI NĂM VỀ TIẾNG NÓI VÀ CHỮ VIẾT
BÀI HỌC CUỐI NĂM VỀ TIẾNG NÓI VÀ CHỮ VIẾT Hướng dẫn cách học bài này Một năm học Tiếng Việt lớp Sáu đã trôi qua. Nay là lúc cần tự mình và sau đó thì cùng nhau làm công việc tổng kết: một năm học, chúng ta học được những gì. Ban Biên tập đề ...
BÀI HỌC CUỐI NĂM
VỀ TIẾNG NÓI VÀ CHỮ VIẾT
Hướng dẫn cách học bài này
Một năm học Tiếng Việt lớp Sáu đã trôi qua. Nay là lúc cần tự mình và sau đó thì cùng nhau làm công việc tổng kết: một năm học, chúng ta học được những gì.
Ban Biên tập đề nghị các bạn cách học như sau:
- Từng bạn đọc lần lượt các câu hỏi (chú ý không bỏ qua mấy câu hỏi phụ). Sau mỗi câu hỏi, bạn sẽ dừng lại và viết câu trả lời bằng một đoạn văn năm câu. Đoạn văn đó giúp bạn ghi nhớ một ý tưởng chính gửi trong câu chủ đề của đoạn văn. Khi cần viết tiểu luận, bạn sẽ quay trở lại, bổ sung bằng những chi tiết cần thiết.
- Từng nhóm có thể bàn với nhau về đoạn văn ghi ý tưởng chính tạo thành câu trả lời của mỗi bạn. Không nhất thiết lúc nào cũng làm việc theo nhóm (vì có nhiều bạn thích làm việc riêng rẽ).
- Sau đó, cả lớp sẽ tổ chức để từng bạn trình bày thu hoạch. Có thể có những hoạt động như sau:
(a) Hội thảo khoa học để mỗi bạn trình bày tiểu luận của mình; và cùng với hội thảo là những kỷ yếu;
(b) Điều tra (hoặc sưu tầm) ngôn ngữ do các bạn cùng làm với chủ đề Tiếng nói và chữ viết;
(c) Triển lãm những tài liệu sưu tầm hoặc những sản phẩm của các bạn trong lớp, hoặc cùng với các lớp khác nữa.
Bây giờ, mời các bạn cùng hào hứng bắt đầu công việc.
Bộ câu hỏi về Tiếng nói và chữ viết
Đề tài 1 – Bạn hãy nghĩ kỹ và bàn bạc với các bạn trong nhóm: Chủ đề tập trung của môn Tiếng Việt trong cả năm học lớp Sáu là gì? Chữ viết ghi tiếng nói của một dân tộc có tầm quan trọng như thế nào? Bạn hãy tự tìm tài liệu và trình bày trong nhóm về tiếng nói và chữ viết của một dân tộc văn minh trên thế giới khiến bạn thấy khâm phục.
Đề tài 2 – Tại sao từ xưa dân tộc Việt Nam đã ghi tiếng Việt bằng bộ chữ Hán (hoặc gọi là chữ nho)? Bộ chữ đó học được từ đâu? Nó có đặc điểm cơ bản gì trong cách ghi? Nó có nhược điểm gì và tổ tiên chúng ta đã xử lý nhược điểm đó như thế nào? Chữ Nôm và chữ Hán khác nhau ở chỗ nào? Chữ Nôm có tính khoa học hơn chữ Hán không?
Đề tài 3 – Tiếng Việt ghi bằng bộ chữ cái Latin theo nguyên tắc gì? Những ai đã thực hiện cách ghi tiếng Việt bằng chữ cái Latin? Mất bao lâu thì các nhà ngôn ngữ học phương Tây ghi được đầy đủ tiếng Việt bằng chữ cái Latin? Tại sao ban đầu họ ghi tiếng Việt thành đa âm tiết và không có các thanh? Bạn hãy nghĩ ra một vở kịch ngắn: một nhà ngôn ngữ học phương Tây gặp một người dân và hỏi chuyện, nghe phát âm, nhắc lại phát âm, phân tích, rồi thích thú ghi lại đúng một từ, hoặc một câu.
Đề tài 4 – Bạn hãy nghĩ về nguyên nhân tại sao một tỷ lệ rất lớn người dân Việt Nam không biết chữ? Nói rằng không biết chữ Hán và chữ Nôm là vì khó học, điều đó đúng, nhưng tại sao đã có bộ chữ quốc ngữ rất dễ học mà vẫn mù chữ? Tại sao các nước văn minh đều tìm cách cho người dân nước mình được biết chữ, được học hành đầy đủ?
Đề tài 5 – Các bạn hãy thuyết trình theo cách nhìn nhận riêng về một người Việt Nam đã có công phổ biến chữ quốc ngữ trong nhân dân. Các vị đó gặp những khó khăn gì? Các vị đó có nét gì rất đáng được tôn trọng? Tại sao các vị đó rất chú trọng đến việc in sách và in báo?
Đề tài 6 – Bạn hãy nói những suy nghĩ của mình sau khi đọc bài học về cách thức người Nhật Bản và người Hàn Quốc làm bộ chữ quốc ngữ của họ. Chữ Nhật và chữ Hàn cũng như chữ Việt hiện nay còn có gì giống với chữ Hán?
Đề tài 7 – Các bạn hãy đóng các vai kịch sau chơi vui với nhau: ở một sân bay nước ngoài, nhân viên hải quan xem hộ chiếu của bạn rồi hỏi “Ông/bà có vẻ giống như người Trung Quốc (Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Cam-pu-chia, Lào,... có phải không ạ?” Bạn sẽ trả lời thế nào? Người đó còn hỏi thêm điều gì nữa và bạn sẽ phải tiếp tục giải thích thế nào?
Đề tài 8 – Các bạn hãy đoán xem, lên lớp Bảy, các bạn sẽ học nội dung gì.
Tất cả các đề tài trên đều có thể dùng để viết thành tiểu luận cho cuộc hội thảo khoa học của lớp bạn.