23/05/2018, 15:19

Thức ăn của trâu bò và biện pháp tận dụng tạo nguồn thức ăn

Mỗi loài động vật có một bộ máy tiêu hoá khác nhau vì vậy các loại thức ăn dùng cho cũng khác nhau, bà con tận dụng đặc điểm này tạo nguồn thức ăn cho trâu bò Bộ máy tiêu hoá của trâu bò và đặc điểm tiêu hoá thức ăn Khác với ngựa, lợn, chó và người, trâu bò thuộc loài nhai lại. Dạ dày trâu, ...

Mỗi loài động vật có một bộ máy tiêu hoá khác nhau vì vậy các loại thức ăn dùng cho cũng khác nhau, bà con tận dụng đặc điểm này tạo nguồn thức ăn cho trâu bò

Bộ máy tiêu hoá của trâu bò và đặc điểm tiêu hoá thức ăn

Khác với ngựa, lợn, chó và người, trâu bò thuộc loài nhai lại. Dạ dày trâu, bò chia làm bốn ngăn; dạ cỏ, dạ tổ ong, dạ lá sách (ba ngăn này gọi chung là dạ dày trước) và dạ múi khế (gọi là dạ dày thực, có các tuyến tiêu hoá như các loài động vật dạ dày đơn).

Khi bê, nghé mới sinh dạ cỏ rất nhỏ, thậm chí còn nhỏ hơn dạ tổ ong. Cùng với quá trình tiêu hoá thức ăn thô, dạ cỏ phát triển mạnh và khi trâu bò trưởng thành dung tích dạ cỏ rất lớn, khoảng 100 – 200 lít và chiếm tới 80% dung tích của toàn bộ dạ dày. Ở trâu bò trưởng thành, trong các ngăn, dạ cỏ là ngăn lớn nhất, sau đó là dạ lá sách và dạ múi khế (hai túi này có dung tích tương đương nhau) và cuối cùng dạ tổ ong là bé nhất.

Dạ cỏ là trung tâm tiêu hoá quan trọng bậc nhất của loài nhai lại. Quá trinh tiêu hoá trong dạ cỏ quyết định đến năng suất thịt, sữa của gia súc nhai lại.

Dạ cỏ không tiết dịch tiêu hoá và axít chlohydric mà ở đây diễn ra quá trình tiêu hoá nhờ lên men vi sinh vật. Người ta ví dạ cỏ như một thùng lên men lớn. Những vi sinh vật sống trong dạ cỏ là những vi sinh vật có lợi, không gây độc hại cho gia súc. Chúng được cảm nhiễm từ bên ngoài vào (qua thức ăn, nước uống và truyền từ trâu, bò trưởng thành sang bê, nghé). Vi sinh vật sống và phát triển mạnh được trong dạ cỏ là nhờ lại đây có các điều kiện thích hợp về nhiệt độ, độ ẩm, môi trường yếm khí và nguồn dinh dưỡng dồi dào.

Chủng loại vi sinh vật dạ cỏ rất phong phú và thuộc về 3 nhóm chính là vi khuẩn, động vật nguyên sinh và nấm. Số lượng vi sinh vật dạ cỏ rất lớn, ước tính trong 1 ml dung dịch dạ cỏ có từ 25 đến 50 tỷ vi khuẩn và từ 200 ngàn đến 500 ngàn động vật nguyên sinh.

Vai trò của vi sinh vật dạ cỏ:

– Giúp trâu bò có thể tiêu hoá được chất xơ và các thức ăn thô. Chúng biến đổi xơ (chủ yếu là xenluloza) và các chất bột đường thành các axít hữu cơ (các axít béo bay hơi) như: axít acetic, axít propionic, axít butyric. Các axít này nhanh chóng được hấp thu qua thành dạ cô và cung cấp cho loài nhai lại 60 – 80% nhu cầu năng lượng.

– Các vi sinh vật tổng hợp nên các chất dinh dưỡng cho gia súc nhai lại trong mối quan hệ cộng sinh. Chúng tổng hợp tất cả các vitamin nhóm B, vitamin K và tất cả các axít amin thiết yếu. Thậm chí chúng có khả năng sử dụng những hợp chất nitơ phi protein như urê, những chất chứa nitơ khác và tạo thành những chất dinh dưỡng có giá trị sinh học cao.

Giữa các loài vi sinh vật có quan hệ cộng sinh và có sự phân chia chức năng hết sức chặt chẽ. Sản phẩm phân giải các chất trong thức ăn của một loài này lại là chất dinh dưỡng cho một loài khác. Chính vì vậy, nếu một nhóm vi sinh vật nào đó không có được những điều kiện thích hợp để phát triển (ví dụ khẩu phần mất cân đối các chất dinh dưỡng) thì chúng sẽ bị chết dần đi. Điều đó dẫn tới sự thay đổi thành phần của nhiều nhóm vi sinh vật khác. Kết quả là các quá trình tiêu hoá thức ăn bị rối loạn và chắc chắn ảnh hưởng xấu đến tình trạng sức khoẻ cũng như năng suất của gia súc nhai lại.

Như vậy, thực chất nuôi dưỡng loài nhai lại là nuôi dưỡng các khu hệ vi sinh vật dạ cỏ, là cung cấp và tạo cho chúng những điều kiện tối ưu để phát triển và sinh sôi, nảy nở.

Sự nhai lại

Sau khi vào miệng, thức ăn được trâu bò nhai và thấm nước bọt rồi được nuốt xuống dạ cỏ. Khoảng 20 – 30 phút sau khi ăn, bắt đầu quá trình nhai lại. Nhai lại là hoạt động sinh lý bình thường ở trâu bò. Đó là quá trình miếng thức ăn được ợ từ dạ cỏ lên miệng và tại đây, trong vòng một phút, nó được nhai nghiền mịn, trộn lẫn với nước bọt và rồi được nuốt trở lại. Trong một ngày đêm trâu bò nhai lại 7 – 10 lần, mỗi lần 40 – 50 phút và tổng thời gian nhai lại trong một ngày đêm là khoảng 7 – 8 giờ, trong đó có tính cả các đợt nghỉ ngơi xen kẽ. Thời gian nhai lại dài ngắn tuỳ thuộc vào loại thức ăn trong khẩu phần. Thông thường, trâu bò cần 30 phút để nhai cỏ khô và cần 60 phút để nhai rơm rạ. Trong khi đó, chúng chỉ tốn từ 5 đến 10 phút để nhai thức ăn tinh và 20 phút đối với thức ăn ủ chua từ cây ngô.

Để chữ trâu bò nhai lại được tốt, cần bảo đảm cho chúng ở trong trạng thái hoàn toàn yên tĩnh. Bất kỳ một hành động gây xáo trộn nào đều có thể làm gián đoạn quá trình nhai lại.

Nhờ nhai lại, các miếng thức ăn to dày đều được nghiền nhỏ, mịn. Cùng với sự phân giải vi sinh vật trong thời gian thức ăn lưu lại ở dạ cỏ, độ bền của thành tế bào các loại thức ăn bị giảm và phá huỷ, các thành phần dinh dưỡng được giải phóng dần, các phần thức ăn chìm sâu dần xuống phần dưới túi bụng dạ cỏ. Và từ đây, chúng được đẩy tới dạ tổ ong và sau đó tới lỗ thông giữa dạ tổ ong và dạ lá sách. Việc vơi dần lượng chất chứa trong dạ cỏ tạo điều kiện cho trâu bò tiếp tục thu nhận thức ăn và tiêu hoá các phần thức ăn mới. Dạ dày 4 túiDạ dày 4 túi

Sự ợ hơi

Trong quá trình tiêu hoá thức ăn, một lượng lớn các chất khí (chủ yếu là khí mêtan-CH4 và khí carbonic-CO2) được hình thành ở dạ cỏ. Các chất khí này được tích luỹ và đến một mức độ nào đó thì được thải ra. Đó là quá trình ợ hơi. Ợ hơi là một phản xạ thải khí nhờ sự co bóp của thành dạ cỏ.

Các chất khí (chủ yếu là khí carbonic) cũng có thể được hấp thu qua thành dạ cỏ vào máu và sau đó được thải qua đường hô hấp.

Các loại thức ăn và tận dụng các phụ phẩm làm thức ăn cho trâu bò

Mỗi loài động vật có một bộ máy tiêu hoá khác nhau, chính vì vậy, các loại thức ăn dùng cho chúng cũng khác nhau. Trâu bò là động vật nhai lại, có dạ dày bốn túi, có khả năng tiêu hoá và sử dụng nhiều loại thức ăn mà lợn, gà không sử dụng được. Thức ăn cho trâu bò rất đa dạng và phong phú. Khi sử dụng thức ăn để nuôi trâu bò, ta cần phải biết rõ đặc tính và đặc điểm dinh dưỡng của từng loại thức ăn để lựa chọn và phối hợp khẩu phần cho phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của từng thời kỳ và tiềm năng sản xuất của từng con.

Có nhiều cách phân loại và nhiều thuật ngữ khác nhau để gọi tên thức ăn. Đối với thức ăn cho loài nhai lại, người ta thường phân loại dựa vào mối quan hệ giữa giá trị dinh dưỡng của thức ăn với khối lượng của nó và các loại thức ăn được xếp thành 3 nhóm chính sau đây: thức ăn thô, thức ăn tinh và thức ăn bổ sung.

Thức ăn thô

Thức ăn thô là loại thức ăn có khối lượng lớn nhưng hàm lượng chất dinh dưỡng trong 1 kg thức ăn nhỏ. Điều đó có nghĩa là gia súc phải tiêu thụ một số lượng lớn loại thức ăn này mới có thể đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng. Hàm lượng chất xơ thô trong loại thức ăn này lớn hơn 18% (theo vật chất khô). Trong thức ăn thô người ta lại phân ra thành các nhóm nhỏ:

Thức ăn xanh

Bao gồm các loại cỏ xanh, thân lá cây còn xanh, kể cả một số loại rau xanh và vỏ của những quả nhiều nước… Đặc điểm của thức ăn thô xanh là chứa nhiều nước, dễ tiêu hoá, có tính ngon miệng và gia súc thích ăn. Nói chung, thức ăn xanh có tỷ lệ cân đối giữa các chất dinh dưỡng, chứa nhiều vitamin và protein có chất lượng cao.

Cỏ tự nhiên và cỏ trồng:

Cỏ tự nhiên là hỗn hợp các loại cỏ hoà thảo, chủ yếu là cỏ gà, cỏ lá tre, cỏ mật… Cỏ tự nhiên mọc trên các gò, bãi, bờ đê, bờ ruộng, trong vườn cây, công viên…. cỏ tự nhiên có thể được sử dụng cho trâu bò ngay trên đồng bãi dưới hình thức chăn thả hoặc cũng có thể thu cắt về và cho trâu bò ăn tại chuồng. Thành phần dinh dưỡng và chất lượng cỏ tự nhiên biến động rất lớn và tuỳ thuộc vào mùa vụ trong năm, nơi cỏ mọc, giai đoạn phát triển của cỏ (cỏ non hay già) và thành phần các loại cỏ trong thảm cỏ. Khi sử dụng cỏ tự nhiên cần lưu ý tránh cho trâu bò bị rối loạn tiêu hoá hoặc ngộ độc: cỏ tự nhiên thu cắt về phải được rửa sạch để loại bỏ bụi, các hoá chất độc hại, thuốc trừ sâu…; loại cỏ còn non hoặc cỏ thu cắt ngay sau mưa cần phải phơi lái để đề phòng trâu bò bị chướng bụng, đầy hơi.

Cỏ trồng bao gồm các loại như cỏ voi, cỏ Ghinê, cỏ sả…Việc trồng cỏ rất quan trọng, đặc biệt là trong chăn nuôi thâm canh và chăn nuôi theo quy mô trang trại. Trồng cỏ bảo đảm chủ động có nguồn thức ăn thô xanh chất lượng và ổn định quanh năm.

Lượng cỏ cho trâu bò ăn thay đổi tuỳ theo từng đối tượng. Trung bình mỗi ngày có thể cho một con trâu bò ăn khoảng 30 – 35 kg cỏ.

Ngọn mía:

Ngọn mía là phần ngọn thải ra sau khi thu hoạch thân cây mía làm đường. Tại những vùng ven sông, đặc biệt là những vùng quy hoạch mía đường của nước ta, hàng năm lượng ngọn mía thải ra rất lớn và ngọn mía là nguồn thức ăn xanh có giá trị, cần tận dụng và có thể dùng để nuôi trâu bò rất tốt. Vì ngọn mía chứa hàm lượng đường và xơ cao nhưng lại nghèo các thành phần dinh dưỡng khác, do đó chỉ nên sử dụng ngọn mía như loại thức ăn bổ sung đường mà không nên thay thế hoàn toàn cỏ xanh trong một thời gian dài.

Vỏ và đọt dứa:

Vỏ và đọt dứa là nguồn phế phụ phẩm với khối lượng rất lớn, do các nhà máy chế biến dứa xuất khẩu thải ra. Vỏ và đọt đứa chứa nhiều đường nhưng lại thiếu đạm và xơ. Chính vì vậy, không nên sử dụng vỏ và đọt dứa thay thế hoàn toàn cỏ xanh. Mặt khác, trong vỏ dứa có chứa men bromelin và khi trâu bò ăn nhiều sẽ bị rát lưỡi. Tốt nhất là nên cho trâu bò ăn mỗi ngày khoảng 10 – 15 kg vỏ và đọt dứa và nên chia ra làm nhiều lần.

Thức ăn ủ ướp

Là loại thức ăn được tạo ra thông qua quá trình dự trữ các loại thức ăn thô xanh dưới hình thức ủ chua. Nhờ ủ chua, người ta có thể bảo quản thức ăn trong một thời gian dài, chủ động có thức ăn cho trâu bò, nhất là vào những thời kỳ khan hiếm cỏ tự nhiên, với việc tổn thất ít nhất các chất dinh dưỡng so với quá trình phơi khô. Ngoài ra, ủ chua còn làm tăng tỷ lệ tiêu hoá của thức ăn, do các chất khó tiêu trong thức ăn bị mềm ra hoặc chuyển sang dạng dễ tiêu.

Thức ăn ủ chua có những đặc tính sau:

– Có mùi thơm dễ chịu (nếu có mùi khó ngửi chứng tỏ bị thối hỏng).

– Có vị hơi chua, không đắng và không chua gắt.

– Màu đồng đều, gần tương tự như màu của cây trước khi đem ủ, (hơi nhạt hơn một chút).

– Không có nấm mốc.

– Gia súc thích ăn.

Về nguyên tắc người ta có thể ủ chua các loại thức ăn xanh, kể cả thức ăn hạt và cả quả, nhưng thông thường người ta hay ủ chua thân, lá cây ngô; cỏ voi; cỏ tự nhiên và trong khi ủ thường cho thêm rỉ mật đường và muối.

Có thể sử dụng thức ăn ủ chua để thay thế một phần cỏ tươi; lượng thay thế khoảng 15 – 20kg. Đối với bò sữa, nên cho ăn sau khi vắt sữa để tránh cho sữa có mùi cỏ ủ.

Cỏ khô và rơm lúa

Cỏ khô là loại thức ăn thô xanh đã được sấy khô hoặc phơi khô nhờ nắng mặt trời và được dự trữ dưới hình thức đánh đống hoặc đóng bánh. Đây là biện pháp bảo quản thức ăn dễ thực hiện, cho phép ta dự trữ với khối lượng lớn để dùng vào những thời điểm khan hiếm nhưng giá trị dinh dưỡng của cỏ khô luôn thấp hơn giá trị dinh dưỡng của cỏ ủ chua.

Rơm lúa sau khi thu hoạch được phơi khô dự trữ là nguồn thức ăn thô cho trâu bò. Rơm lúa thường được sử dụng để tăng lượng chất khô, đảm bảo đô choán dạ dày; tăng lượng xơ trong khẩu phần, nhất là đối với những khẩu phần thiếu xơ. Rơm lúa có giá trị dinh dưỡng và tỷ lệ tiêu hoá thấp. Hiện nay, người ta thường áp dụng biện pháp ủ rơm với urê để cho nó mềm hơn, trâu bò thích ăn hơn; đồng thời để tăng hàm lượng nitơ cũng như tỷ lệ tiêu hoá và giá trị dinh dưỡng của rơm. Cỏ khô và rơm lúaCỏ khô và rơm lúa

Thức ăn củ quả

Thức ăn củ quả bao gồm khoai lang, khoai tây, cà rốt, củ cải, bầu, bí.…Đây là loại thức ăn rất tốt cho trâu bò. Chúng có mùi thơm, vị ngon, gia súc thích ăn. Thức ăn củ quả có hàm lượng nước, chất bột đường và vitamin C cao. Hạn chế của chúng là nghèo protein và chất béo, không bảo quản và dự trữ lâu dài được.

Do những đặc tính trên người ta thường dùng thức ăn củ quả để cải thiện những khẩu phần ít nước, nhiều xơ, nghèo chất bột đường (ví dụ khẩu phần nhiều rơm khô). Lượng thức ăn tủ quả trung bình mỗi ngày cho một con trâu bò khoảng 4 – 5kg.

Phế phụ phẩm công nghiệp chế biến

Bã đậu nành:

Bã đậu nành là phụ phẩm của quá trình chế biến hạt đậu nành thành đậu phụ hoặc thành sữa đậu nành. Nó có mùi thơm, vị ngọt, gia súc thích ăn. Hàm lượng chất béo và protein trong bã đậu nành rất cao. Chính vì vậy, nó có thể được coi là loại thức ăn cung cấp protein cho trâu bò và mỗi ngày có thể cho mỗi con ăn tù 10 đến 15kg.

Cần lưu ý khi sử dụng bã đậu nành sống cùng lúc với một số loại thức ăn có chứa urê (như rơm ủ urê, bánh dinh dưỡng, thức ăn hỗn hợp….) là phải chia nhờ lượng thức ăn này ra thành nhiều bữa để bảo đảm an toàn cho trâu bò. Bởi vì trong bã đậu nành sống có chứa men phân giải urê, nếu cho ăn cùng lúc và với số lượng lớn hai loại thức ăn này thì urê bị phân giải nhanh chóng, tạo ra một khối lượng lớn khí amoniác và rất dễ gây ngộ độc cho trâu bò.

Bã bia:

Bã bia là loại thức ăn nhiều nước, có mùi thơm và vị ngon. Hàm lượng khoáng, vitamin (chủ yếu là vitamin nhóm B) và đặc biệt là hàm lượng đạm trong bã bia cao. Vì vây, nó có thể được coi là loại thức ăn bổ sung đạm và dược dùng rất rộng rãi trong chăn nuôi bò sữa. Tỷ lệ tiêu hoá các chất trong bã bia rất cao. Ngoài ra nó còn chứa các chất kích thích tính thèm ăn và làm tăng khả năng tiết sữa của bò nuôi trong điều kiện nhiệt đới.

Thành phần và giá trị dinh dưỡng của bã bia phụ thuộc chủ yếu vào tỷ lệ nước của nó. Thời gian bảo quản cũng như nguồn gốc xuất xứ của bã bia cũng ảnh hưởng đến chất lượng. Khi bảo quản lâu dài thì quá trình lên men sẽ làm mất đi một phần các chất dinh dưỡng, đồng thời làm cho độ chua của bã bia tăng lên. Chính vì vậy, trong thực tế, để kéo dài thời gian bảo quản bã bia, người ta thường cho thêm muối ăn với tỷ lệ 1%…

Đối với bò sữa, lượng bã bia trong khẩu phần cần tính toán làm sao có thể thay thế không quá 1/2 lượng thức ăn tinh (cứ 4,5kg bã bia có giá trị tương đương với 1kg thức ăn tinh) và không nên cho ăn trên 15kg bã bia mỗi con, mỗi ngày. Bởi vì, cho ăn nhiều bã bia (ví dụ trên 25kg/con/ngày) sẽ làm giảm tỷ lệ tiêu hoá chất xơ, các chất chứa nitơ và kéo theo sự giảm chất lượng sữa. Tốt nhất là trộn bã bia và cho ăn cùng với thức ăn tinh, chia làm nhiều bữa trong một ngày.

Bã sắn:

Bã sắn là phế phụ phẩm của quá trình chế biến tinh bột sắn từ củ sắn. Bã sắn có đặc điểm là chứa nhiều tinh bột nhưng lại nghèo chất đạm. Do đó, khi sử dụng bã sắn nên trộn và cho ăn thêm urê hoặc bã đậu nành. Và nếu cho thêm bột sò, bột khoáng vào hỗn hợp thì chất lượng dinh dưỡng sẽ tốt và cân đối hơn. Hỗn hợp này có thể được sử dụng để thay thế một phần (có thể thay thế một nửa) lượng thức ăn tinh trong khẩu phần.

Bã sắn tươi có vị hơi chua, trâu bò đều thích ăn. Vì vậy có thể cho trâu bò ăn tươi (mỗi ngày cho mỗi con ăn khoảng 10 – 15kg). Cũng có thể phơi, sấy khô bã sắn để làm nguyên liệu phối chế thức ăn hỗn hợp.

Rỉ mật đường:

Rỉ mật đường là phụ phẩm của quá trình chế biến đường mía. Do chứa nhiều đường nên nó là nguồn cung cấp năng lượng quan trọng. Ngoài ra, nó còn chứa nhiều nguyên tố đa lượng và vi lượng, rất cần thiết cho trâu bò. Rỉ mật đường có vị ngọt nên trâu bò thích ăn. Mỗi ngày chỉ nên cho mỗi con ăn 1 – 2kg rỉ mật đường. Không nên cho ăn nhiều (trên 2kg), vì rỉ mật đường nhuận tràng và có thể gây ỉa chảy.

Thức ăn tinh

Là loại thức ăn có khối lượng nhỏ nhưng hàm lượng chất dinh dưỡng trong 1 kg thức ăn lớn. Hàm lượng chất xơ thấp hơn 18%. Nhóm thức ăn này bao gồm các ioại hạt ngũ cốc và bột của chúng (ngô, mì, gạo….); bột và khô đầu đậu tương, lạc…;các loại hạt cây bộ đậu và các loại thức ăn tinh hỗn hợp được sản xuất công nghiệp.

Đặc điểm của thức ăn tinh là hàm lượng nước và xơ đều thấp; chứa nhiều chất dinh dưỡng quan trọng như đạm, chất bột đường, chất béo, các chất khoáng và vitamin; tỷ lệ tiêu hoá các chất dinh dưỡng khá cao. Thông thường, người ta sử dụng thức ăn tinh để hoàn thiện các loại khẩu phần ăn cấu thành từ các thức ăn thô. Mặc dù thức ăn tinh có hàm lượng các chất dinh dưỡng cao nhưng không thể chỉ dùng một mình nó để nuôi trâu bò mà phải dùng cả các loại thức ăn thô. Bởi vì trâu bò cần phải thu nhận các loại thức ăn thô, để bảo đảm cho quá trình tiêu hoá diễn ra bình thường.

Cám gạo

Cám gạo là một trong những loại thức ăn tinh quan trọng và được dùng phổ biến trong chăn nuôi trâu bò. Thành phần hoá học và giá trị dinh dưỡng của cám gạo phụ thuộc vào quy trình xay xát thóc, thời gian bảo quản cám. Cám gạo còn mới có mùi thơm, vị ngọt, trâu bò thích ăn. Nhưng cám để lâu, nhất là trong điều kiện bảo quản kém, dầu trong cám sẽ bị oxy hoá, cám trở nên ôi, khét, có vị đắng, thậm chí bị vón cục, bị mốc và không dùng được nữa.

Cám gạo có thể được coi là loại thức ăn tinh cung cấp năng lượng và đạm. Tuy nhiên, không nên chỉ sử dụng cám gạo trong khẩu phần bởi vì hàm lượng canxi trong cám gạo rất thấp. Cần bổ sung bột xương, bột sò và muối ăn vào khẩu phần chứa nhiều cám gạo.

Bột ngô

Bột ngô cũng là loại thức ăn tinh quan trọng trong chăn nuôi trâu bò. Bột ngô có hàm lượng tinh bột cao và nó được sử dụng nhu nguồn cung cấp năng lượng. Tuy nhiên, cũng như cám gạo, không nôn chỉ sử dụng bột ngô như một nguồn thức ăn tinh duy nhất, mà phải trộn thêm bột xương, bột sò và muối ăn vào khẩu phần, bởi vì hàm lượng các chất khoáng, nhất là canxi và phốtpho trong bột ngô thấp.

Bột sắn

Bột sắn được sản xuất ra từ sắn củ thái thành lát và phơi khô. Bột sắn là loại thức ăn tinh giàu chất đường và tinh bột, nhưng lại nghèo chất đạm, canxi và phốtpho. Vì vậy, khi sử dụng bột sắn cần bổ sung thêm urê, các loại thức ăn giầu đạm như bã đậu nành, bã bia và các chất khoáng để nâng cao giá trị dinh dưỡng của khẩu phần và làm cho khẩu phần cân đối hơn.

Bột sắn là loại thức ăn rẻ; lát sắn phơi khô có thể bảo quản dễ dàng quanh năm. Một điểm bất lợi của sắn là có chứa axit HCN, tác dụng độc đối với gia súc. Để làm giảm hàm lượng của loại axit này nên sử dụng củ sắn bóc vỏ, ngâm vào nước và thay nước nhiều lần trước khi thái thành lát và phơi khô. Cũng có thể nấu chín để loại bỏ HCN.

Khô dầu

Khô dầu là một nhóm các phụ phẩm còn lại sau khi chiết tách dầu từ các loại hạt có dầu và từ cơm dừa, bao gồm: khô dầu lạc, khô dầu đậu tương, khô dầu bông, khô dầu vừng, khô dầu dừa. Khô dầu là loại sản phẩm rất sẵn có ở nước ta và được xem như là loại thức ăn cung cấp năng lượng và bổ sung đạm cho trâu bò. Hàm lượng đạm và giá trị năng lượng trong khô dầu tuỳ thuộc vào công nghệ tách chiết dầu cũng như nguyên liệu ban đầu. Nhìn chung, khô dầu đậu tương, khô dầu lạc thường chứa ít canxi, phốtpho, vì vậy khi sử dụng cần bổ sung thêm khoáng.

Có thể cho trâu bò ăn khô dầu riêng rẽ hoặc phối chế khô dầu với một số loại thức ăn khác thành thức ăn tinh hỗn hợp.

Thức ăn bổ sung

Là loại thức ăn được thêm vào khẩu phần với số lượng nhỏ để cân bằng một số chất dinh dưỡng thiếu hụt như chất đạm, khoáng và vitamin. Trong số các loại thức ăn bổ sung, quan trọng nhất là urê và hỗn hợp khoáng.

Urê và phương pháp sử dụng urê cho trâu bò

Urê là một trong những chất chứa nitơ vô đạm, đã được sử dụng từ lâu và rất rộng rãi trong chăn nuôi loài nhai lại. Sở dĩ loài nhai lại sử dụng được urê bởi vì trong dạ cỏ của chúng có các quần thể vi sinh vật có khả năng biến đổi, phân giải nitơ trong urê và tổng hợp nên các chất đạm có giá trị sinh vật học cao, cung cấp cho cơ thể. Người ta có thể sử dụng urê theo 4 cách: trộn vào thức ăn hỗn hợp; trộn với rỉ mật đường; trộn với một số thành phần làm bánh dinh dưỡng và trộn ủ với cỏ hoặc rơm.

Khi sử dụng urê, cần chú ý những vấn đề sau đây:

– Phải cung cấp đầy đủ chất bột đường dễ lên men vào khẩu phần của trâu bò, giúp cho vi sinh vật dạ cỏ có đủ năng lượng để sử dụng khí amoniác phân giải ra từ urê và tổng hợp nên chất đạm, nếu không trâu bò sẽ bị ngộ độc và chết.

– Đối với những con trâu bò trước đó chưa ăn urê thì cần có thời gian làm quen: hàng ngày cho ăn từng ít một và thời gian làm quen kéo dài từ 5 đến 10 ngày.

– Chỉ sử dụng urê cho trâu bò trưởng thành, không sử dụng cho bê, nghé vì dạ cỏ của bê, nghé chưa phát triển hoàn chỉnh.

– Khi bổ sung urê vào khẩu phần có thể trâu bò không thích ăn, vì vậy cần trộn lẫn urê với một số loại thức ăn khác. Có thể cho thêm rỉ mật đường để trâu bò dễ ăn và cho ăn làm nhiều lần trong ngày, mỗi lần một ít.

Thức ăn bổ sung khoáng

Các chất khoáng có vai trò rất quan trọng đối với trâu bò, đặc biệt là đối với bò sữa. Tuy nhiên, do thức ăn của trâu bò có nguồn gốc thực vật, nên khẩu phần thường thiếu các chất khoáng. Cần bổ sung các chất khoáng vào khẩu phần.

Trong thực tế, việc cung cấp từng chất khoáng riêng rẽ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với loại khoáng vi lượng – rất cần thiết nhưng lại với số lượng nhỏ, rất khó bảo đảm định lượng chính xác. Vì vậy, người ta thường phối hợp nhiều loại khoáng với nhau theo tỷ lệ nhất định dưới dạng premix khoáng, dùng để trộn với các loại thức ăn tinh. Người ta cũng có thể bổ sung khoáng cho trâu bò dưới dạng đá liếm, có trộn lẫn với rỉ mật hoặc đất sét, ximăng.

Trần Anh Mỹ viết 01:18 ngày 18/06/2022

Giồi giào mới đúng. Giồi còn nói là nhồi, và giào còn nói là trào.

Người Hà Nội xưa có nhiều người nguồn gốc Thanh Nghệ từ thuở vua Lê, nói khá đúng tiếng Việt, nhưng càng ngày càng nói nhẹ những âm uốn lưỡi đi, vì ảnh hưởng của miền đồng bằng sông Hồng. Dù sao đi nữa, mỗi người viết đúng chính tả, thì từ điển khỏi phải chữa lại theo cách nói mới.

0