Thức ăn cho lợn
Liệt kê được các loại thức ăn cho lợn; biết được các thông tin về thành phần và giá trị dinh dưỡng của các loại thức ăn thường dùng cho chăn nuôi lợn. Lựa chọn và tìm kiếm được các loại thức ăn cung cấp năng lượng (tinh bột) và cung cấp protein(đạm), thức ăn bổ sung khoáng, vitamin có chất lượng ...
Liệt kê được các loại thức ăn cho lợn; biết được các thông tin về thành phần và giá trị dinh dưỡng của các loại thức ăn thường dùng cho chăn nuôi lợn. Lựa chọn và tìm kiếm được các loại thức ăn cung cấp năng lượng (tinh bột) và cung cấp protein(đạm), thức ăn bổ sung khoáng, vitamin có chất lượng tốt, phù hợp cho lợn.
THỨC ĂN CHO LỢN CƠ BẢN
Thức ăn cơ bản là những loại thức ăn có nhiều tinh bột, chiếm tỷ lệ cao trong hỗn hợp thức ăn của lợn và có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả chăn nuôi.
Thức ăn cơ bản được phân ra 2 nhóm chính:
Nhóm cung cấp năng lượng (tinh bột)
Nhóm cung cấp protein (đạm)
Nhóm cung cấp năng lượng
Thóc (lúa)
Là loại ngũ cốc dùng cho người và gia súc, thường lúa xay ra gạo cho người, nhưng cũng được sử dụng 1 phần làm thức ăn gia súc. Lượng protein, chất béo, giá trị năng lượng thấp hơn ngô, còn xơ lại cao. Tỷ lệ protein trung bình của thóc là 78-87g/kg và xơ từ 90-120g/kg.
Thóc tách trấu có giá trị dinh dưỡng cao, lợn dễ tiêu hoá và hấp thụ tốt. Trấu chiếm khoảng 20% trọng lượng hạt thóc. Trấu rất giàu silic, các mảnh trấu sắc, nhọn dễ làm tổn thương thành ruột. Do đó khi dùng thóc làm thức ăn cho lợn cần phải loại bỏ trấu.
Ngô bắp
Ngô là loại thức ăn chủ yếu của lợn, gồm ngô trắng và ngô vàng.
– Ưu điểm:
+ Trong ngô vàng chứa nhiều caroten hơn, nhiều vitamin nhóm B và D. Đặc biệt trong ngô có chứa hàm lượng năng lượng cao nhất.
+ Ngô giàu tinh bột, ngon miệng, tỷ lệ tiêu hoá cao.
– Nhược điểm:
+ Ngô thiếu các axit amin thiết yếu như: Lizin, Tryptophan. Vì vậy khi sử dụng nên phối hợp với các loại thức ăn khác.
+ Ngô dễ bị nấm mốc phát triển và mọt. Do đó khi thu hoạch cần phơi và sấy khô nhằm tránh nấm mốc có độc tố Aflatoxin dễ gây ngộ độc cho lợn. Thành phần giá trị dinh dưỡng của ngô
Trong thực tế lợn vỗ béo có thể cho ăn tới 40% ngô trong thành phần nhưng còn tuỳ thuộc vào giá cả để có thể giảm bớt. Lợn con và lợn choai nên sử dụng 25%.
Cám
Cám gồm có 2 loại là cám to và cám nhuyễn (cám lau).
– Cám to: Gồm có trấu, mày và mộng hạt lúa cùng một ít vỏ ngoài hạt gạo.
Thần phần dinh dưỡng chủ yếu gồm có:
Năng lượng: 2553 KCal(cám gạo tẻ xát máy loại 1)
Protein: 12,4%
Gluxit: 49,29%
Lipit: 13,5%
Chất xơ: 11,0%
Ưu điểm: trong cám to có nhiều vitamin B1, có nhiều lipit và chất xơ nên dùng cho lợn nái sinh sản và lợn choai. Lợn ăn nhiều dễ bị tiêu chảy và hệ số tiêu hoá giảm.
Nhược điểm:
+ Lợn thịt nuôi hoàn toàn bằng cám to thì chậm lớn và mỡ nhão.
+ Cám có nhiều lipit dễ bị ôxi hoá có mùi hôi, dễ bị mốc.
Cám to nên trộn cho lợn nái không quá 30%; lợn choai từ 10-20%. Lợn con không nên cho ăn.
Chú ý: cám to không nên để lâu quá 3 tuần bởi còn nhiều lipit dễ bị oxi hoá có mùi hôi, dễ bị mốc.
– Cám nhuyễn: là một lớp vỏ lụa ngoài hạt gạo, có tỷ lệ protein (chất đạm), lipit (chất béo) và gluxít (bột đường) nhiều hơn nên dễ tiêu hoá hơn, không nên dùng quá 25% cho lợn con và cho lợn lớn.
Chú ý: Cám nhuyễn không dự trữ quá 3 tuần vì cũng dễ bị hôi, mốc do ôxi hoá lipit.
Gạo lứt
Đây là gạo mới chỉ bóc lớp vỏ trấu bên ngoài. Gạo lứt có thành phần: Protein: 9,1%; lipit béo: 2%; chất xơ (xenlulo): 1,1%.
Gạo lứt có nhiều vitamin nhóm B nhưng lại ít vitamin A. Lợn ăn gạo lứt cho thịt và mỡ chắc.
Sắn ( khoai mì)
Có chứa nhiều tinh bột, ít protein, vitamin và chất khoáng. Sắn tươi có chứa: 18,5% gluxit, 0,8-1,1% protein, 0,25% lipit; 1,4% xơ.
Củ sắn khô bóc vỏ có chứa 72,8% gluxit; 2,38% protein; 0,38% lipit.
Ưu điểm : là loại thức ăn phổ biến, rẻ tiền, có chứa nhiều tinh bột.
Nhược điểm : trong sắn quá ít chất đạm, vitamin và chất khoáng. Nếu cho lợn ăn nhiều sắn trong khẩu phần thì lợn xù lông, chậm lớn
Bột sắn khô sử dụng 30-50% trong thức ăn hỗn hợp để nuôi lợn như sau: Tỷ lệ sắn phối hợp khẩu phần ăn cho lợn
Chú ý: trong sắn (tươi và vỏ ) có chất độc axit Cyanhydric (HCN) có thể gây ngộ độc cho lợn. Cần khử độc bằng cách: sắn tươi bóc vỏ và ngâm nước 24-48 giờ hoặc sắn thái lát phơi khô và xay nghiền thành bột để bảo quản.
Nhóm thức ăn cung cấp protein(đạm):
Bột cá
– Bột cá có nhiều chất béo(lipit): dùng cá nguyên con, thường dùng là cá nhỏ hay ướp nhiều muối, có lượng chất béo cao: 10-20%, muối khoảng 5-10%.
– Bột cá ít chất béo: là những sản phẩm phụ còn lại sau khi đã lấy xong dầu.
Bột cá là loại thức ăn có nhiều protein, các axit amin thiết yếu như Lizin, Tryptophan, vì vậy nuôi lợn đạt hiệu quả tốt. Ngoài ra trong bột cá còn chứa nhiều khoáng: Canxi (Ca): 4,23%; phốt pho (P): 3,73%, và một số vitamin B2, B12.
Bột thịt
Bột thịt được sản xuất từ xác súc vật cùng với các phủ tạng kém phẩm chất không dùng cho người, đem sát trùng, sấy khô và xay thành bột để cho lợn ăn. Đây là loại thức ăn tốt nhất, có chứa tới 60% protein với nhiều loại axit amin cần thiết (Riêng Tryptophan ít hơn bột cá)
Khô dầu lạc (Khô dầu phộng)
Khô dầu lạc có chứa: 45,5% protein, 8% lipit; 25,2% gluxit; 4,8% xơ
Ưu điểm : hàm lượng chất đạm cao, rẻ tiền được dùng nhiều nhất trong chăn nuôi lợn vì có hàm lượng dinh dưỡng cao, có vị ngọt, lợn thích ăn.
Nhược điểm : khô dầu lạc dễ bị mốc, chỉ bảo quản được 2 tháng về mùa mưa, mùa khô có thể để được 5 tháng.
Chú ý: khi thấy xuất hiện màu vàng hoặc xanh thì phải loại bỏ vì đã bị nhiễm độc do nấm mốc.
Khô dầu đậu tương
Khô dầu đậu tương được dùng nhiều làm thức ăn bổ sung đạm cho gia súc, có chứa 40-45% protein, 1,3-1,8% chất béo. Trong khô dầu đậu tương thiếu vitamin A và B12. Có thể trộn khô dầu đậu tương với 3-5% bột cá…
Đỗ tương
– Đậu tương có chứa 37-39% protein; 16-21% lipit, 25% gluxit, ít xơ: 3,5-3,8%.
Thường dùng làm thức ăn cho người, chỉ một phần nhỏ dưới dạng bột đậu tương làm thức ăn cho gia súc.
Ưu điểm: dễ kiếm, giá vừa phải, đủ axit amin không thay thế cơ bản.
Nhược điểm: trong đậu tương có chứa chất độc Antitrypsin và Thyouranxin :Antitrypsin: nó chống lại sự tiêu hoá protit của men Trypsin. Vì vậy cần xử lý qua nhiệt: rang, sấy, nấu chín để khử độc.
Thyouranxin có tác dụng ức chế sự hoạt động của tuyến giáp, vì vậy nếu cho ăn kéo dài cần trộn thêm Iod để chống bệnh bướu cổ.
Cua ốc
– Bột cua: bột cua cả con có chứa tới 47% protein; 1,6% Ca; 0,7% phốt pho (P), thường được làm thức ăn bổ sung đạm và khoáng cho lợn rất tốt.
– Ốc sên: ốc sên bỏ vỏ có 11% protein; 0,15% Ca; 0,07 P. Vỏ ốc sên thường được nung lên hoặc sấy khô nghiền nhỏ để làm thức ăn bổ sung khoáng cho lợn.
Bột ruốc tép: Ruốc tép chứa 47,97% protein, được dùng làm thức ăn bổ sung rất có lợi cho chăn nuôi lợn. Nên dùng chung với các loại khô dầu
NHÓM THỨC ĂN BỔ SUNG
Bột khoáng
Bột sò, trai, hến
Bột sò, trai, hến là những loại rẻ tiền dễ kiếm, thành phần chủ yếu chứa CaCO3, trong đó Ca chiếm 34,8%. Thường nung chín rồi nghiền thành bột để bổ sung cho lợn ăn.
Bột xương
Bột xương dùng để bổ sung canxi và phốt pho cho gia súc. Bột xương có nhiều loại: Bột thịt xương, bột xương. Thường bổ sung 2-5% vào thức ăn cho lợn.
Muối ăn( NaCl) : thường bổ sung vào khẩu phần ăn cho lợn từ 0,3-0,5%
Các loại premix
Để bổ sung khoáng đa lượng, vi lượng và vitamin cho gia súc. Premix khoáng và vitamin có nhiều loại tuỳ theo hãng sản xuất. Thành phần chủ yếu là khoáng vi lượng: Mg, Fe, Cu, Co, Mn, I, Vitamin A, D,E; nhóm vitamin B, C …do đó có tác dụng kích thích tăng trọng ở gia súc.
THỨC ĂN XANH – BỘT CỎ
Thức ăn xanh
– Rau xanh bổ sung các chất dinh dưỡng như: Vitamin A, C, B
– Rau xanh có tính nhuận tràng, kích thích tiết sữa nên dùng cho lợn nái rất tốt.
Rau xanh dùng cho lợn có thể sử dụng nhiều loại: Rau bèo, rau muống, rau lấp, lá bầu bí, rau khoai lang …..Có thể sử dụng các loại cỏ, đặc biệt là cỏ voi cho lợn ăn cũng rất tốt.
Bột cỏ
Bột cỏ: để đảm bảo dự trữ và thu gọn khối lượng rau cỏ từ mùa mưa sáng mùa khô, người ta sấy khô, nghiền nhỏ rau cỏ khô thành bột, có thể trộn vào thức ăn hỗn hợp cho lợn. Thường sử dụng các loại cây họ đậu để chế biến.. Bột cỏ có tỷ lệ protein cao: 20% tuỳ theo từng loại, nhiều caroten, vì vậy thường dùng để bổ sung đạm và vitamin A.
Do dễ bị oxy hoá làm mất Caroten nên phải bảo quản trong túi nilon màu tối và có trộn thêm chất chống ôxi hoá. Thời hạn sử dụng bột cỏ thường được 2 tháng. Chỉ sử dụng các loại bột cỏ có màu xanh và có mùi thơm của cỏ phơi tốt, không mốc, không biến màu và có mùi lạ.
Bột cỏ thường bổ sung vào 4-5% vào trong cám hỗn hợp để bổ sung cho lợn con và lợn nái nuôi con….
THỨC ĂN HỖN HỢP
Phân loại thức ăn hỗn hợp
Thức ăn đậm đặc ( Tổng hợp chưa hoàn chỉnh)
– Thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh chỉ chứa một số thức ăn bổ sung như đạm, khoáng đa lượng, vi lượng, axit amin, vitamin. Khi sử dụng, người chăn nuôi chỉ cần trộn thêm tinh bột nữa là đủ nhu cầu dinh dưỡng của lợn (trộn theo hướng dẫn của nhà sản xuất trên bao bì).
Ưu điểm: có thể tận dụng được các nguyên liệu là những thức ăn cơ bản có sẵn ở địa phương, giảm bớt công chuyên trở từ nơi chế biến đến nơi tiêu dùng.
Nhược điểm:
+ Mất công trộn cho chăn nuôi,
+ Chất lượng khẩu phần ăn của lợn sẽ giảm do không tuân thủ theo hướng dẫn.
Thức ăn tổng hợp hoàn chỉnh
Là thức ăn đã được phối hợp đầy đủ, cân đối các chất dinh dưỡng theo nhu cầu của từng loại lợn nuôi.