18/06/2018, 11:27

Thông tin cơ bản về bản quyền

Bản quyền là gì? Bản quyền là một hình thức bảo hộ của luật pháp Hoa Kỳ (điều 17, Bộ luật Hoa Kỳ ) đối với tác giả của “các tác phẩm gốc của tác giả”, bao gồm tác phẩm văn học, sân khấu, âm nhạc, nghệ thuật và các tác phẩm trí tuệ khác. Hình thức bảo hộ được áp dụng với các ...

Bản quyền là gì?

Bản quyền là một hình thức bảo hộ của luật pháp Hoa Kỳ (điều 17, Bộ luật Hoa Kỳ) đối với tác giả của “các tác phẩm gốc của tác giả”, bao gồm tác phẩm văn học, sân khấu, âm nhạc, nghệ thuật và các tác phẩm trí tuệ khác. Hình thức bảo hộ được áp dụng với các tác phẩm đã được xuất bản cũng như chưa được xuất bản. Mục 106, Đạo luật Bản quyền năm 1976 quy định chủ sở hữu bản quyền có toàn quyền thực hiện và cho phép người khác thực hiện những hành vi sau đây:

  • Tái sản xuất tác phẩm dưới dạng các bản sao hoặc bản lưu giữ âm thanh;
  • Sáng tạo tác phẩm phái sinh dựa trên tác phẩm đó;
  • Phân phối bản sao hoặc bản lưu giữ âm thanh của tác phẩm tới công chúng dưới hình thức bán hoặc chuyển nhượng quyền sở hữu, hoặc cho thuê mướn;
  • Trình diễn công khai tác phẩm, nếu là tác phẩm văn học, âm nhạc, sân khấu, vũ ba-lê, kịch câm, tác phẩm điện ảnh và các tác phẩm nghe nhìn khác;
  • Trưng bày công khai tác phẩm, nếu là tác phẩm văn học, âm nhạc, sân khấu, vũ ba-lê, kịch câm và tác phẩm nhiếp ảnh, đồ họa hoặc điêu khắc, kể cả những hình ảnh đơn lẻ của tác phẩm điện ảnh hoặc tác phẩm nghe nhìn khác; và
  • Đối với bản ghi âm*, có quyền trình diễn tác phẩm công khai bằng phương tiện truyền âm kỹ thuật số.

Hơn nữa, một số tác giả của tác phẩm nghệ thuật thị giác còn có các quyền về nguồn gốc và bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm được nêu tại mục 106A, Đạo luật Bản quyền năm 1976. Để có thêm thông tin, yêu cầu xem Thông tư số 40, Việc đăng ký bản quyền đối với các tác phẩm nghệ thuật thị giác.

Sẽ là phạm pháp nếu vi phạm các quyền quy định trong luật bản quyền đối với chủ sở hữu bản quyền. Tuy nhiên, các quyền này không phải là không có giới hạn. Các mục từ 107 đến 121, Đạo luật Bản quyền năm 1976 quy định những hạn chế đối với các quyền này. Trong một số trường hợp, những hạn chế này là việc miễn trách nhiệm pháp lý liên quan tới bản quyền. Một hạn chế lớn khác là học thuyết “sử dụng hợp lý”, được quy định tại mục 107 của Đạo luật Bản quyền năm 1976. Trong các trường hợp khác, hạn chế đối với các quyền này được thể hiện dưới hình thức một kiểu “giấy phép bắt buộc”, theo đó để được sử dụng hạn chế tác phẩm có bản quyền người ta phải trả tiền bản quyền và tuân thủ các điều kiện pháp luật quy định. Để có thêm thông tin về những hạn chế đối với bất kỳ quyền nào trong số những quyền này, nên tham khảo luật bản quyền hoặc gửi thư cho Cục Bản quyền.

*Lưu ý: Bản ghi âm được định nghĩa trong luật là “tác phẩm có được sau khi ghi âm một loạt âm thanh bao gồm nhạc, tiếng nói và các âm thanh khác, nhưng không bao gồm nhạc đệm cho phim hoặc tác phẩm nghe nhìn”. Những ví dụ phổ biến gồm bản ghi âm nhạc, sân khấu hoặc các bài giảng. Bản ghi âm không giống với bản lưu giữ âm thanh. Bản lưu giữ âm thanh là vật thể chứa đựng các tác phẩm có bản quyền. Thuật ngữ “bản lưu giữ âm thanh” là để chỉ băng cát-xét, đĩa CD, đĩa hát nhựa (LP), đĩa loại 45 vòng/phút cũng như các loại băng đĩa khác.

Ai có thể đòi hỏi bản quyền?

Bảo hộ bản quyền bắt đầu từ thời gian tác phẩm được sáng tạo dưới một hình thức ấn định. Bản quyền tác phẩm của tác giả lập tức trở thành tài sản của tác giả, người đã sáng tác ra tác phẩm đó. Chỉ có tác giả hoặc những người có được quyền của họ thông qua tác giả mới có thể đưa ra yêu cầu bản quyền một cách chính đáng.

Đối với các tác phẩm làm thuê thì người chủ lao động chứ không phải nhân công, được coi là tác giả. Mục 101, Luật Bản quyền định nghĩa “tác phẩm làm thuê” là:

  1. Một tác phẩm do một người lao động làm ra trong phạm vi nhiệm vụ của người đó; hoặc
  2. Một tác phẩm được đặt làm riêng biệt hoặc được đặt mua để sử dụng như là:
  • Một phần của tác phẩm hợp tuyển
  • Một phần của tác phẩm điện ảnh hoặc tác phẩm nghe nhìn khác
  • Một bản dịch
  • Một tác phẩm bổ sung
  • Một tác phẩm biên soạn
  • Một tài liệu hướng dẫn
  • Một bài kiểm tra
  • Đáp áp bài kiểm tra
  • Một tập bản đồ

nếu các bên nhất trí với nhau bằng văn bản có ký kết rằng tác phẩm đó phải được coi là tác phẩm làm thuê.

Các tác giả của một tác phẩm chung là đồng sở hữu bản quyền đối với tác phẩm trừ khi có thỏa thuận ngược lại.

Bản quyền của từng tác phẩm riêng biệt trong một tạp chí xuất bản định kỳ hoặc hợp tuyển khác biệt với bản quyền của tác phẩm hợp tuyển với tư cách tổng thể và trước hết thuộc về tác giả của tác phẩm riêng biệt đó.

Hai nguyên tắc chung

  • Việc đơn thuần sở hữu một cuốn sách, bản thảo, bức tranh, hay bất kỳ bản sao hay bản lưu giữ âm thanh nào không mang lại cho chủ sở hữu đó bản quyền. Luật pháp quy định rằng bản thân việc chuyển nhượng quyền sở hữu đối với bất kỳ vật thể nào trong đó chứa đựng tác phẩm đã được bảo hộ không bao hàm việc chuyển nhượng bất kỳ quyền nào về bản quyền.
  • Người vị thành niên có thể đòi hỏi bản quyền, nhưng luật pháp bang có thể điều tiết những giao dịch thương mại liên quan tới bản quyền mà một vị thành niên sở hữu. Để có thông tin về luật pháp bang có liên quan, hãy tham khảo ý kiến luật sư.

Bản quyền và nguồn gốc xuất xứ của tác phẩm

Bảo hộ bản quyền áp dụng đối với tất cả các tác phẩm chưa được công bố, không phân biệt quốc tịch hoặc nơi cư trú của tác giả.

Các tác phẩm đã được xuất bản đủ điều kiện để được bảo hộ bản quyền tại Mỹ nếu đáp ứng một trong những điều kiện sau:

  • Vào ngày công bố lần đầu tiên, một hoặc nhiều tác giả là công dân hoặc thường trú tại Mỹ, hoặc là công dân, người thường trú, hay một bên có chủ quyền tham gia một hiệp ước,* hoặc là một người không có quốc tịch bất kể người đó cư trú ở đâu; hoặc
  • Tác phẩm được xuất bản lần đầu tiên tại Mỹ hoặc ở một nước khác, mà vào ngày công bố lần tiên, quốc gia đó là một bên tham gia hiệp ước. Theo điều kiện này, tác phẩm được xuất bản tại Mỹ hoặc tại một nước tham gia hiệp ước trong vòng 30 ngày sau khi công bố tại một nước khác không tham gia hiệp ước sẽ được coi là được xuất bản lần đầu tại Mỹ hoặc tại nước tham gia hiệp ước, tùy theo trường hợp cụ thể; hoặc
  • Tác phẩm là bản ghi âm được hoàn thiện lần đầu tại một nước tham gia hiệp ước; hoặc
  • Tác phẩm là một bức ảnh, đồ họa, hoặc điêu khắc được kết hợp trong một tòa nhà hoặc công trình kiến trúc khác, hoặc là tác phẩm kiến trúc được thể hiện trong một tòa nhà hoặc công trình kiến trúc được đặt ở Mỹ hoặc một nước tham gia hiệp ước; hoặc
  • Tác phẩm được xuất bản lần đầu bởi Liên Hợp Quốc hay bất kỳ một cơ quan chuyên trách nào của tổ chức này, hoặc thông qua Tổ chức các nước châu Mỹ; hoặc
  • Tác phẩm là tác phẩm của nước ngoài được thuộc sở hữu công cộng tại Mỹ trước năm 1996 và bản quyền của nó được khôi phục theo Luật về các hiệp định của Vòng đàm phán U-ru-goay (URAA). Để có thêm thông tin, đề nghị xem Thông tư số 38b, Những điểm nổi bật về những sửa đổi liên quan tới bản quyền trong Luật về các hiệp định của Vòng đàm phán U-ru-goay (URAA-GATT).
  • Tác phẩm trong phạm vi một tuyên bố của Tổng thống.

* Một bên tham gia hiệp ước là một quốc gia hoặc tổ chức liên chính phủ, không phải Mỹ, tham gia vào một thỏa thuận quốc tế nào đó.

Những tác phẩm nào được bảo hộ bản quyền?

Bản quyền bảo hộ “tác phẩm nguyên bản của tác giả” được định hình dưới một hình thức biểu đạt hữu hình. Việc định hình tác phẩm không nhất thiết phải được cảm nhận trực tiếp, miễn là nó có thể được truyền tải với sự trợ giúp của máy móc hoặc thiết bị. Tác phẩm có thể được bảo hộ bản quyền gồm các loại sau:

  1. Tác phẩm văn học;
  2. Tác phẩm âm nhạc, kể cả từ ngữ kèm theo
  3. Tác phẩm sân khấu, kể cả các bản nhạc đệm
  4. Tác phẩm kịch câm và vũ ba-lê
  5. Tác phẩm nhiếp ảnh, đồ họa và điêu khắc
  6. Tác phẩm điện ảnh và các tác phẩm nghe nhìn khác
  7. Bản ghi âm
  8. Tác phẩm kiến trúc

Những loại hình tác phẩm này phải được hiểu theo nghĩa rộng hơn. Ví dụ, các chương trình máy tính và hầu hết các “tác phẩm biên soạn” có thể được đăng ký là “tác phẩm văn học”; bản đồ và kế hoạch kiến trúc có thể được đăng ký là “tác phẩm nhiếp ảnh, đồ họa và điêu khắc”.

Những tác phẩm nào không được bảo hộ bản quyền?

Nhìn chung, có một số loại hình tài liệu không đủ điều kiện để được bảo hộ bản quyền ở cấp liên bang. Trong số này có:

  • Các tác phẩm không được định hình dưới hình thức biểu đạt hữu hình (ví dụ, tác phẩm vũ ba-lê không được chú giải hoặc ghi lại, hoặc các bài phát biểu hay biểu diễn ứng tác mà không được soạn thảo hoặc ghi lại)
  • Các tiêu đề, tên gọi, cụm từ ngắn và khẩu hiệu; các biểu tượng hay mẫu thiết kế quen thuộc; những thay đổi đơn thuần trong sắp xếp in ấn, ký tự, hoặc tô màu; danh sách về thành phần và nội dung.
  • Các ý tưởng, thủ tục, phương pháp, hệ thống, quy trình, khái niệm, nguyên tắc, những khám phá hoặc các thiết bị, phân biệt với bản mô tả, giải thích, hoặc minh họa
  • Các tác phẩm gồm toàn bộ thông tin là tài sản chung và không xác định được tác giả đầu tiên (ví dụ: lịch thông thường, biểu đồ chiều cao và chiều rộng, thước dây và thước kẻ, và danh sách hoặc bảng biểu lấy từ các tài liệu công khai và các nguồn phổ biến khác).

Làm thế nào để có được bản quyền

Bản quyền tự động có được ngay khi sáng tạo

Cách thức để được bảo hộ bản quyền thường bị hiểu sai. Tại Cục Bản quyền, không yêu cầu phải có hành động công bố hoặc đăng ký, hay các hoạt động khác nếu muốn có bản quyền. (Xem lưu ý dưới đây). Tuy nhiên, cũng có một số thuận lợi khi đăng ký. Xem “Đăng ký bản quyền”.

Bản quyền tự động có được khi tác phẩm được tạo ra, và một tác phẩm “đã được tạo ra” khi tác phẩm đó được định hình dưới dạng bản sao hoặc trong bản lưu giữ âm thanh lần đầu tiên. “Bản sao” là những vật thể mà từ đó người ta có thể đọc hoặc cảm nhận bằng thị giác một cách trực tiếp hoặc với sự trợ giúp của máy móc và thiết bị, chẳng hạn như sách, bản thảo, bản nhạc in, phim, băng vi-đê-ô, hoặc vi phim. “Bản lưu giữ âm thanh” là những vật thể chứa đựng âm thanh được ghi lại (theo luật định nghĩa, không phải phần nhạc thu từ phim), chẳng hạn như băng cát-xét, đĩa CD, hoặc đĩa LP. Do vậy, ví dụ một bài hát (“tác phẩm”) có thể được định hình dưới dạng bản nhạc in (“bản sao”) hoặc trong các đĩa hát (“bản lưu giữ âm thanh”), hay cả hai. Nếu tác phẩm được sáng tạo trong một khoảng thời gian nào đó, thì phần tác phẩm được ấn định vào một ngày cụ thể chính là tác phẩm được sáng tạo vào ngày đó.

Xuất bản

Xuất bản không còn là điều kiện then chốt để nhận được bản quyền ở cấp liên bang như đã được quy định tại Đạo luật Bản quyền năm 1909. Tuy nhiên, xuất bản vẫn còn quan trọng đối với chủ sở hữu bản quyền.

Đạo luật Bản quyền năm 1976 định nghĩa công bố như sau:

“Xuất bản” là sự phân phối bản sao hoặc bản lưu giữ âm thanh của một tác phẩm tới công chúng dưới hình thức bán hoặc các hình thức chuyển nhượng quyền sở hữu khác, hoặc dưới hình thức cho thuê mướn. Việc đề nghị phân phối bản lưu giữ âm thanh hoặc bản sao trước một nhóm người nhằm mục đích đẩy mạnh phân phối, trình diễn hoặc trưng bày công khai là hành vi xuất bản. Nhưng bản thân việc trình diễn hoặc trưng bày công khai không phải là hành vi xuất bản.

Chú ý: Trước năm 1978, nhìn chung thì bản quyền cấp liên bang có được thông qua hành vi xuất bản với thông cáo về bản quyền, thừa nhận tuân thủ tất cả các điều kiện luật định khác có liên quan. Những tác phẩm của Mỹ thuộc sở hữu công cộng vào ngày 1/1/1978, (ví dụ, những tác phẩm đã xuất bản không đáp ứng được tất cả các điều kiện để có bản quyền cấp liên bang theo Đạo luật Bản quyền năm 1909) vẫn thuộc sở hữu công cộng theo Đạo luật Bản quyền năm 1976.

Đối với một số tác phẩm nước ngoài lúc đầu được xuất bản nhưng không có thông cáo về bản quyền sẽ được khôi phục bản quyền theo Luật về các hiệp định của Vòng đàm phán U-ru-goay (URAA). Để có thêm thông tin, đề nghị xem Thông tư số 38b và mục “Thông cáo về bản quyền”.

Trước năm 1978, các tác phẩm chưa được xuất bản và các tác phẩm đủ điều kiện được công nhận bản quyền tạm thời, cũng có thể đăng ký có bản quyền cấp liên bang Đạo luật Bản quyền năm 1976 tự động gia hạn đầy đủ (mục 304 quy định thời hạn đó) thời hạn bản quyền đối với tất cả các tác phẩm, kể cả những tác phẩm đang có bản quyền tạm thời, nếu việc đăng ký tạm thời được thực hiện vào hoặc trước ngày 30/6/1978.

Thảo luận thêm về định nghĩa “xuất bản” có thể được tìm thấy trong lịch sử lập pháp của Đạo luật Bản quyền năm 1976. Báo cáo lập pháp này định nghĩa “tới công chúng” là sự phân phối không chịu bất cứ hạn chế nào, dù là công khai hay ngấm ngầm, tới các cá nhân nhằm mục đích công khai nội dung đó. Báo cáo khẳng định định nghĩa làm sáng tỏ việc bán các bản lưu giữ âm thanh là hành động xuất bản tác phẩm chính, chẳng hạn như tác phẩm âm nhạc, sân khấu, hoặc văn học được chứa đựng trong thiết bị. Báo cáo cũng khẳng định rõ ràng rằng bất kỳ hình thức truyền bá nào trong đó vật thể không thay tay đổi chủ, ví dụ các buổi biểu diễn hay trình chiếu trên truyền hình, không phải là hành vi xuất bản, dù tác phẩm đó được bao nhiêu người biết tới đi nữa. Tuy nhiên, khi các bản sao hoặc bản lưu giữ âm thanh được chào bán hoặc cho một nhóm người bán sỉ, các đài phát thanh, hoặc các rạp chiếu phim được thuê, thì hành vi xuất bản diễn ra nếu mục đích là thúc đẩy phân phối, trình diễn hoặc trình bày công khai tác phẩm.

Xuất bản là một khái niệm quan trọng trong luật bản quyền vì một số lý do sau:

  • Tác phẩm được xuất bản tại Mỹ bắt buộc phải nộp bản lưu cho Thư viện Quốc hội Mỹ. Xem thêm phần thảo luận về “Nộp bản lưu bắt buộc đối với các tác phẩm được xuất bản tại Mỹ”.
  • Việc xuất bản một tác phẩm có thể ảnh hưởng tới những hạn chế về toàn bộ quyền về tác phẩm của chủ sở hữu bản quyền được quy định tại các mục từ 107 đến 121 của luật bản quyền.
  • Năm xuất bản có thể quyết định thời hạn bảo hộ bản quyền đối với các tác phẩm có và không có bút danh (khi danh tính của tác giả không được tiết lộ trong hồ sơ của Cục Bản quyền) và đối với tác phẩm làm thuê.
  • Yêu cầu nộp bản lưu để đăng ký tác phẩm được xuất bản khác với yêu cầu về đăng ký tác phẩm chưa xuất bản. Xem thêm phần thảo luận về “Thủ tục đăng ký”.
  • Khi một tác phẩm được xuất bản, nó có thể kèm theo ký hiệu bản quyền để xác định năm xuất bản và tên của chủ sở hữu bản quyền và để cũng để thông tin cho công chúng biết tác phẩm đó đã được bảo hộ bản quyền. Bản sao của các tác phẩm được xuất bản trước ngày 01/3/1989 phải có kèm theo ký hiệu đó, nếu không sẽ phải chịu rủi ro mất bảo hộ bản quyền. Xem thêm phần thảo luận “ký hiệu bản quyền” dưới đây.

Ký hiệu bản quyền

Luật pháp Mỹ không còn yêu cầu sử dụng ký hiệu bản quyền, dù điều đó là có lợi. Tuy nhiên, do trước đó luật đã quy định như vậy, nên việc sử dụng ký hiệu bản quyền vẫn phù hợp đối với các tác phẩm cũ.

Đạo luật Bản quyền năm 1976 yêu cầu phải có ký hiệu bản quyền. Yêu cầu này được hủy bỏ khi Mỹ tham gia Công ước Bern, có hiệu lực vào ngày 01/3/1989. Mặc dù tác phẩm được xuất bản trước ngày đó không có ký hiệu bản quyền có thể thuộc sở hữu của công chúng Mỹ, nhưng Luật về các hiệp định của Vòng đàm phán U-ru-goay (URAA) khôi phục bản quyền cho một số tác phẩm nước ngoài được xuất bản lần đầu nhưng không có ký hiệu bản quyền. Để có thêm thông tin về những sửa đổi liên quan đến bản quyền trong URAA, đề nghị xem Thông tư số 38b.

Cục Bản quyền không phải là cơ quan quyết định việc liệu bản sao các tác phẩm được xuất bản lần đầu tiên với thông cáo về bản quyền trước ngày 01/3/1989, được phân phối vào hoặc sau ngày 01/3/1989, phải có ký hiệu bản quyền hay không.

Việc sử dụng ký hiệu bản quyền có thể quan trọng bởi vì nó thông tin cho công chúng biết tác phẩm được bảo hộ bản quyền, xác định chủ sở hữu bản quyền, và thể hiện năm xuất bản đầu tiên. Hơn nữa, trong trường hợp một tác phẩm bị vi phạm bản quyền, nếu thông cáo về bản quyền hợp thức xuất hiện trên bản sao được xuất bản hoặc các bản sao mà bị đơn trong một vụ kiện vi phạm bản quyền đã sử dụng, thì sự tham gia của luật sư bào chữa cho bị đơn đó, nhằm giảm bớt thiệt hại thực tế hoặc theo luật định, sẽ không giúp được gì thêm vì vi phạm đó là vô tình, ngoại trừ như đã được quy định tại mục 504(c) (2) của luật bản quyền. Vô tình vi phạm xảy ra khi người vi phạm không nhận thức được rằng tác phẩm đã được bảo hộ.

Việc sử dụng ký hiệu bản quyền là trách nhiệm của chủ sở hữu bản quyền và không bắt buộc phải có sự cho phép trước hoặc đăng ký với Cục Bản quyền.

Hình thức ký hiệu của bản sao có thể cảm nhận bằng thị giác

Ký hiệu của bản sao có thể cảm nhận bằng thị giác phải bao gồm 3 yếu tố dưới đây:

  1. Biểu tượng © (chữ C hoa trong một vòng tròn), hoặc từ “Bản quyền” (Copyright), hay chữ viết tắt “Copr”.; và
  2. Năm tác phẩm được xuất bản lần đầu tiên. Đối với tác phẩm biên soạn lại hoặc tác phẩm phái sinh gắn với tài liệu được xuất bản trước đó, thì năm xuất bản lần đầu của tác phẩm hợp tuyển hoặc tác phẩm phái sinh là đủ. Năm đó có thể bỏ đi ở những chỗ mà tác phẩm nhiếp ảnh, đồ họa, hoặc điêu khắc, với nội dung nguyên văn kèm theo, nếu có, được tái bản trong hoặc trên thiếp chúc mừng, bưu thiếp, văn phòng phẩm, đồ trang sức, búp bê, đồ chơi, hoặc bất kỳ sản phẩm hữu ích nào; và
  3. Tên của chủ sở hữu bản quyền của tác phẩm, hoặc chữ viết tắt mà qua đó có thể nhận biết tên, hay mẫu thiết kế khác được biết đến của chủ sở hữu đó

Ví dụ: © 2006 John Doe

Ký hiệu “C trong một vòng tròn” chỉ được sử dụng trên “bản sao có thể cảm nhận bằng thị giác”. Một số loại tác phẩm - chẳng hạn như tác phẩm âm nhạc, sân khấu, và văn học - có thể không được định hình dưới dạng “bản sao” nhưng lại được thể hiện qua âm thanh trong bản ghi âm. Do bản ghi âm như băng ghi âm và đĩa ghi âm là các “bản lưu giữ âm thanh” chứ không phải là “bản sao”, nên ký hiệu “C trong một vòng tròn” không được sử dụng để biểu thị sự bảo hộ đối với tác phẩm âm nhạc, sân khấu hoặc văn học chính đã được thu.

Hình thức ký hiệu cho các thiết bị lưu giữ bản ghi âm

Ký hiệu cho thiết bị lưu giữ các bản ghi âm cần có cả 3 yếu tố dưới đây:

  1. Biểu tượng (P) (chữ P hoa nằm trong một vòng tròn); và
  2. Năm xuất bản lần đầu tiên của bản ghi âm; và
  3. Tên của chủ sở hữu bản quyền của bản ghi âm, hoặc chữ viết tắt mà qua đó có thể nhận biết tên, hoặc mẫu thiết kế khác được biết đến của chủ sở hữu. Nếu nhà sản xuất bản ghi âm có tên trên nhãn hiệu bản ghi hoặc bao bì thì tên của nhà sản xuất được coi là một phần của ký hiệu đó.

Ví dụ: (P) 2006 A.B.C. Records Inc.

Lưu ý: Do thắc mắc có thể nảy sinh từ việc sử dụng các hình thức ký hiệu khác nhau, nên bạn có thể muốn được tư vấn pháp lý trước khi sử dụng bất kỳ hình thức ký hiệu nào ngoài những hình thức được đưa ra ở đây.

Vị trí của ký hiệu

Ký hiệu bản quyền cần được thêm vào bản sao hoặc bản lưu giữ âm thanh theo cách để “khẳng định đúng mức bản quyền”. Ba yếu tố của ký hiệu đó phải cùng xuất hiện trên bản sao hoặc bản lưu giữ âm thanh hay trên nhãn hiệu hoặc bao bì của bản lưu giữ âm thanh. Cục Bản quyền đã đưa ra các quy định liên quan tới hình thức và vị trí của ký hiệu bản quyền trong Bộ các quy định liên bang (37 CFR mục 201.20). Để có thêm thông tin, đề nghị xem Thông tư số 3, Ký hiệu Bản quyền.

Ấn phẩm gắn với công việc của Chính phủ Mỹ

Các tác phẩm thuộc Chính phủ Mỹ không đủ điều kiện để được hưởng bảo hộ bản quyền. Đối với tác phẩm được xuất bản vào hoặc sau ngày 01/3/1989, thì yêu cầu về ký hiệu trước kia đối với các tác phẩm chủ yếu bao gồm một hoặc nhiều tác phẩm thuộc Chính phủ Mỹ, nay đã được hủy bỏ. Tuy nhiên, việc sử dụng ký hiệu trên tác phẩm đó sẽ loại bỏ khả năng vô tình vi phạm như đã được trình bày ở trên, với điều kiện là ký hiệu đó còn có thông báo xác nhận những thành phần của tác phẩm trong đó bản quyền được khẳng định hoặc là những thành phần cấu thành tài liệu của Chính phủ Mỹ.

Ví dụ: © 2006 Jane Brown. Bản quyền được khẳng định trong các chương từ 7-10, ngoại trừ bản đồ của Chính phủ Mỹ.

Bản sao của các tác phẩm được xuất bản trước ngày 01/3/1989, mà chủ yếu bao gồm một hoặc nhiều tác phẩm của chính phủ Mỹ, phải có ký hiệu và thông báo xác nhận.

Tác phẩm chưa xuất bản

Tác giả hay chủ sở hữu bản quyền có thể muốn đặt ký hiệu bản quyền trên bất kỳ bản sao hoặc bản lưu giữ âm thanh chưa xuất bản nào để thể hiện sự kiểm soát của người đó.

Ví dụ: Tác phẩm chưa xuất bản © 2006 Jane Doe

Bỏ ký hiệu và các lỗi trong ký hiệu

Luật bản quyền năm 1976 muốn khắc phục những hậu quả nghiêm trọng của việc không đưa được vấn đề ký hiệu vào bộ luật trước đó. Đạo luật bao gồm các điều khoản quy định các bước hiệu chỉnh cụ thể nhằm khắc phục việc bỏ ký hiệu hoặc các lỗi trong ký hiệu. Theo các điều khoản này, người nộp đơn có 5 năm sau khi công bố để khắc phục việc bỏ sót ký hiệu hoặc chỉnh các lỗi trong ký hiệu. Mặc dù về mặt pháp lý, các điều khoản này vẫn nằm trong luật nhưng ảnh hưởng của chúng bị hạn chế bởi điều sửa đổi khi chuyển sang quy định mới là không bắt buộc phải có ký hiệu đối với tất cả các tác phẩm công bố vào hoặc sau ngày 01/3/1989. Để có thêm thông tin, đề nghị xem Thông tư số 3.

Thời hạn bảo hộ bản quyền

Tác phẩm được sáng tạo lần đầu vào hoặc sau ngày 01/01/1978

Tác phẩm được sáng tạo (định hình lần đầu tiên dưới dạng hữu hình) vào ngày hoặc sau ngày 01/01/1978, được tự động bảo hộ từ thời điểm tác phẩm được sáng tạo và thông thường được bảo hộ suốt cuộc đời của tác giả, cộng thêm 70 năm sau khi tác giả qua đời. Trong trường hợp “tác phẩm chung được sáng tạo bởi hai hoặc nhiều tác giả mà không phải là tác phẩm làm thuê”, thì thời hạn kéo dài 70 năm sau khi tác giả cuối cùng qua đời. Đối với các tác phẩm làm thuê, và các tác phẩm ký danh hay khuyết danh (trừ phi danh tính của tác giả được tiết lộ trong hồ sơ của Cục Bản quyền), thì thời hạn bảo hộ bản quyền sẽ là 95 năm kể từ khi công bố hoặc 120 năm từ khi được sáng tạo, tùy thuộc vào thời hạn nào ngắn hơn.

Tác phẩm được sáng tạo lần đầu trước ngày 01/01/1978, nhưng chưa xuất bản hoặc đăng ký vào ngày đó

Những tác phẩm này tự động được luật pháp bảo vệ và có bản quyền cấp liên bang. Thời hạn bảo hộ bản quyền của những tác phẩm này nhìn chung được tính toán giống với các tác phẩm được sáng tạo vào hoặc sau ngày 01/01/1978: bảo hộ suốt đời tác giả cộng thêm 70 năm hoặc thời hạn 95/120 năm cũng được áp dụng đối với những tác phẩm này. Luật quy định trong bất kỳ hoàn cảnh nào, thời hạn bảo hộ tác phẩm thuộc loại này kết thúc trước ngày 31/12/2002, còn đối với các tác phẩm được xuất bản vào hoặc trước ngày 31/12/2002, thời hạn bảo hộ bản quyền sẽ không kết thúc trước ngày 31/12/2047.

Tác phẩm được sáng tạo lần đầu và được xuất bản hoặc đăng ký trước ngày 01/01/1978

Theo bộ luật bản quyền có hiệu lực trước năm 1978, bản quyền có được vào ngày tác phẩm được xuất bản cùng với ký hiệu bản quyền, hoặc vào ngày đăng ký nếu tác phẩm được đăng ký dưới hình thức chưa xuất bản. Trong cả hai trường hợp trên, thời hạn bản quyền đầu tiên kéo dài 28 năm kể từ ngày có được bản quyền. Trong năm cuối cùng (năm thứ 28) của thời hạn đầu tiên, bản quyền đủ điều kiện để được gia hạn. Đạo luật Bản quyền năm 1976 đã nới rộng thời gian gia hạn từ 28 năm lên 47 năm đối với những bản quyền còn tiếp tục có hiệu lực vào ngày 01/01/1978, hoặc đối với những bản quyền trước năm 1978 được khôi phục theo Luật về các hiệp định của Vòng đàm phán U-ru-goay (URAA), khiến những tác phẩm này đủ điều kiện được hưởng tổng thời hạn bảo hộ là 75 năm. Công luật 105-298, được ban hành vào ngày 27/10/1998, đã nới rộng thêm nữa thời gian gia hạn của những bản quyền vẫn còn hiệu lực tới ngày đó thêm 20 năm nữa, nâng thời gian gia hạn lên 67 năm và tổng thời hạn bảo hộ là 95 năm.

Công luật 102-307, ban hành ngày 26/6/1992, đã sửa đổi Đạo luật Bản quyền năm 1976 nhằm quy định việc tự động gia hạn thời gian đối với những tác phẩm có bản quyền trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/1964 đến ngày 31/12/1977. Mặc dù thời gian gia hạn được tự động quy định, nhưng Cục Bản quyền không cấp giấy chứng nhận gia hạn cho những tác phẩm này trừ phi đơn xin gia hạn và lệ phí đã được gửi tới đăng ký tại Cục Bản quyền.

Công luật 102-307 quy định không bắt buộc phải đăng ký gia hạn. Do vậy, việc làm hồ sơ xin đăng ký gia hạn không còn là bắt buộc nếu muốn gia hạn thời gian bảo hộ bản quyền từ 28 năm đầu tiên tới giới hạn đầy đủ là 95 năm. Tuy nhiên, vẫn có một số thuận lợi nếu việc đăng ký gia hạn được thực hiện trong năm thứ 28.

Để có thêm thông tin chi tiết về việc gia hạn bản quyền và thời hạn bản quyền, đề nghị xem Thông tư số 15, Gia hạn bản quyền; Thông tư số 15a, Thời hạn bản quyền; và Thông tư số 15t, Gia hạn thời hạn bản quyền.

Chuyển nhượng bản quyền

Bất kỳ hay toàn bộ quyền về tác phẩm của chủ sở hữu bản quyền hay một phần trong số những quyền đó có thể được chuyển nhượng, nhưng sự chuyển nhượng toàn bộ quyền về tác phẩm sẽ không có hiệu lực nếu không được thể hiện bằng văn bản và có chữ ký của chủ sở hữu các quyền được chuyển nhượng hoặc một đại diện được ủy quyền hợp pháp của chủ sở hữu đó. Đối với việc chuyển nhượng một quyền không phải toàn bộ quyền về tác phẩm thì không cần có văn bản thỏa thuận.

Bản quyền cũng có thể được chuyển nhượng thông qua luật pháp hiện hành và có thể làm di chúc để lại theo nguyện vọng hoặc để lại trên tư cách là tài sản cá nhân theo luật thừa kế với người không để lại di chúc.

Bản quyền là quyền sở hữu cá nhân, và nó chịu sự điều chỉnh của rất nhiều bộ luật và quy định của bang, điều chỉnh về quyền sở hữu, quyền thừa kế, hoặc chuyển nhượng tài sản cá nhân cũng như thời hạn hợp đồng hay công việc kinh doanh. Để có thông tin về các luật có liên quan của bang, đề nghị tham khảo luật sư.

Thông thường, chuyển nhượng bản quyền được thực hiện bằng hợp đồng. Cục Bản quyền không có mẫu chuyển nhượng nào như vậy. Luật quy định việc lập hồ sơ tại Cục Bản quyền về việc chuyển nhượng quyền sở hữu bản quyền. Mặc dù việc lập hồ sơ không phải là yêu cầu bắt buộc để hợp thức hóa việc chuyển nhượng giữa các bên, song nó mang lại một số thuận lợi về mặt pháp lý và có thể vẫn cần thiết để hợp thức hóa việc chuyển nhượng với các bên thứ ba. Để có thông tin về lập hồ sơ chuyển nhượng và các tài liệu khác có liên quan tới bản quyền, đề nghị xem Thông tư số 12, Lập hồ sơ chuyển nhượng và các tài liệu khác.

Chấm dứt chuyển nhượng

Theo bộ luật trước, bản quyền tác phẩm được trao lại cho tác giả, nếu đang sống, hoặc trao lại cho những người được hưởng quyền lợi cụ thể khác nếu tác giả đó đã qua đời, với điều kiện là yêu cầu gia hạn được đăng ký trong năm thứ 28 của thời hạn đầu tiên*. Bộ luật hiện hành bỏ điểm gia hạn đó, ngoại trừ các tác phẩm đang trong thời hạn đầu tiên được bảo hộ theo luật định khi bộ luật hiện thời có hiệu lực. Thay vào đó, bộ luật hiện thời cho phép chấm dứt chuyển nhượng các quyền sau 35 năm theo những điều kiện nhất định bằng việc chuyển cho người được nhượng quyền một thông báo bằng văn bản trong giới hạn thời gian cụ thể.

Đối với các tác phẩm được bảo hộ bản quyền theo luật định trước năm 1978, bộ luật hiện hành quy định quyền chấm dứt chuyển nhượng tương tự trong những năm mới được gia hạn thêm, kéo dài thời hạn bản quyền tối đa trước đó từ 56 năm lên 95 năm. Để có thêm thông tin, đề nghị xem các Thông tư số 15a và số 15t.

Lưu ý: Bản quyền của những tác phẩm đủ điều kiện gia hạn vào hoặc sau ngày 26/6/1992 sẽ thuộc về người xin gia hạn vào ngày đăng ký xin gia hạn, được thực hiện trong năm thứ 28 của thời hạn đầu tiên. Nếu không, bản quyền gia hạn sẽ thuộc về bên được quyền xin gia hạn kể từ ngày 31/12 của năm thứ 28.

Bảo hộ bản quyền quốc tế

Không có cái gọi là “bản quyền quốc tế” tự động bảo vệ tác phẩm của một tác giả trên toàn thế giới. Sự bảo hộ nhằm chống việc sử dụng trái phép tại một quốc gia cụ thể chủ yếu phụ thuộc vào các bộ luật của quốc gia đó. Tuy nhiên, hầu hết các nước đều cung cấp sự bảo hộ tác phẩm nước ngoài theo những điều kiện nhất định, và những điều kiện này được đơn giản hóa rất nhiều thông qua các công ước và hiệp ước quốc tế về bản quyền. Để có thêm thông tin và danh sách các nước vẫn duy trì quan hệ bản quyền với Mỹ, đề nghị xem Thông tư số 38a, Quan hệ bản quyền quốc tế của Mỹ.

Đăng ký bản quyền

Nhìn chung, đăng ký bản quyền là một thủ tục pháp lý nhằm lập hồ sơ công khai những thông tin cơ bản của một bản quyền cụ thể. Tuy nhiên, đăng ký không phải là một điều kiện bảo hộ bản quyền. Mặc dù đăng ký không phải là yêu cầu bắt buộc để được bảo hộ, nhưng luật bản quyền mang lại một số thuận lợi nhằm khuyến khích chủ sở hữu bản quyền tiến hành đăng ký. Trong số đó có những thuận lợi dưới đây:

  • Đăng ký xác lập một hồ sơ công khai về quyền bản quyền.
  • Trước khi vụ kiện vi phạm bản quyền được đưa ra trước tòa, thì đăng ký là việc cần thiết đối với tác phẩm có xuất xứ từ Mỹ.
  • Nếu việc đăng ký được thực hiện trước hoặc trong vòng 5 năm xuất bản, thì việc đăng ký sẽ là bằng chứng hiển nhiên tại tòa về hiệu lực của bản quyền và các thông số được khẳng định trong giấy chứng nhận.
  • Nếu việc đăng ký được thực hiện trong vòng 3 tháng sau khi công bố tác phẩm hoặc trước khi xảy ra vi phạm tác phẩm, thì chủ sở hữu bản quyền sẽ được hưởng đền bù theo luật định và không phải chịu phí thuê luật sư. Nếu không, chủ sở hữu bản quyền chỉ được hưởng đền bù đối với những thiệt hại trên thực tế và một số lợi ích khác.
  • Việc đăng ký cho phép người sở hữu bản quyền lưu lại bản đăng ký với Dịch vụ Hải quan Mỹ để tránh việc in ra những bản sao không hợp pháp. Để biết thêm thông tin, hãy vào trang web của Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ tại địa chỉ www.cbp.gov/xp/cgov/import. Nhấn chuột vào phần “Quyền sở hữu trí tuệ”.

Việc đăng ký có thể được thực hiện bất kỳ lúc nào trong thời gian bản quyền có hiệu lực. Không giống như luật trước năm 1978, khi một tác phẩm đã được đăng ký theo hình thức chưa xuất bản, không cần thiết phải đăng ký một lần nữa khi tác phẩm đó đã được xuất bản, mặc dù người sở hữu bản quyền có thể đăng ký số lần xuất bản nếu muốn.

0