Người lao động và sản lượng
“Mức sống cao của người Mỹ là nhờ vào một thực tế rằng người lao động Mỹ là một trong những lực lượng lao động có năng suất cao nhất trên thế giới, và tỷ lệ người tham gia lao động ở Mỹ cũng cao hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới”, theo báo cáo của Hội đồng Cạnh tranh. Theo dòng ...
“Mức sống cao của người Mỹ là nhờ vào một thực tế rằng người lao động Mỹ là một trong những lực lượng lao động có năng suất cao nhất trên thế giới, và tỷ lệ người tham gia lao động ở Mỹ cũng cao hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới”, theo báo cáo của Hội đồng Cạnh tranh.
Theo dòng lịch sử của nước Mỹ, có thể thấy lực lượng lao động đã tăng trưởng rất nhanh theo sự tăng trưởng của nền kinh tế. Người nhập cư là một lực lượng lao động quan trọng và đặc biệt tăng lên về số lượng trong các giai đoạn nước Mỹ có tỷ lệ thất nghiệp thấp và khi nhu cầu về lao động tăng lên.
Khoảng 146 triệu người đang làm việc tại Mỹ tính đến cuối năm 2006, đồng thời có 7 triệu người thất nghiệp. Với tổng số 153 triệu người thì lực lượng lao động của Mỹ có số lượng lớn thứ 3 trên thế giới, sau Trung Quốc và Ấn Độ.
Gần 2/3 dân số trong độ tuổi lao động tham gia vào lực lượng lao động. Tỷ lệ lao động nam nữ là 50/50. Khoảng 15% trong số này là những lao động được sinh ra ở nước ngoài. Khoảng 5 đến 6% trong số họ có thể làm nhiều hơn một nghề.
Lực lượng lao động năm 2006 (triệu người) |
Khu vực tư nhân sử dụng phần lớn lực lượng lao động của Mỹ - 85,5 %; chính phủ sử dụng phần còn lại.
Nhiều người là những lao động tự doanh, hơn 10 triệu vào năm 2005, mặc dù nhiều người trong số họ đã tận dụng thời gian để vừa làm thuê vừa làm công việc kinh doanh của riêng mình. Phần lớn trong số lao động Mỹ làm việc cho gần 6 triệu công ty. Đa số các công ty này chỉ có số nhân viên ít hơn 20 người.
Người lao động Mỹ rất linh hoạt. Số lượng việc làm tăng lên cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ xáo trộn - sự thay đổi việc làm của người lao động. Trung bình hàng năm có tới 10% tổng số công việc biến mất, đồng thời, một lượng lớn công việc mới lại được hình thành.
“Dữ liệu chỉ ra rằng mỗi tháng, hàng triệu người Mỹ thay đổi việc làm – phần lớn trong số đó là do họ tự nguyện – và hàng triệu công việc mới lại nảy sinh”, Robert Kimmitt, Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ đã nhận định như vậy trong báo cáo năm 2006 của mình. “Đây là điều mà chúng ta mong muốn: một nền kinh tế trong đó mọi người đều luôn vận động nhằm có được nhiều cơ hội nhất để chọn lựa”.
Người lao động Mỹ thường không ở lâu trong tình trạng thất nghiệp. Vào năm 2005, chỉ 12% người Mỹ thất nghiệp không thể tìm lại việc làm trong năm đó, so với tỷ lệ 46% tại Liên minh châu Âu.
Góp phần tạo nên tính năng suất của lực lượng lao động Mỹ là trình độ giáo dục, bao gồm cả đào tạo kỹ thuật và đào tạo hướng nghiệp. Đi đôi với trình độ giáo dục cao còn là sự sẵn sàng học hỏi kinh nghiệm và chấp nhận thay đổi.
Những thay đổi này bao gồm cả sự sẵn lòng di chuyển từ nơi này đến nơi khác để tìm kiếm việc làm. Trong thế kỷ 18 và 19, người dân Mỹ đã di chuyển từ các vùng đất duyên hải tiến sâu vào đất liền để tăng diện tích đất trồng. Vào đầu thế kỷ 20, những người Mỹ gốc Phi đã rời khỏi các trang trại miền Nam để tìm kiếm việc làm trong các nhà máy ở khu vực thành phố miền Bắc.
Tất nhiên không phải tất cả người lao động đều thay đổi chỗ làm một cách tình nguyện. Một số đông lao động đã bị sa thải bởi các công ty lớn – 13.998 công ty đã sa thải nhân viên trong năm 2006. Từ cuối năm 2005 đến đầu năm 2007, ba công ty lớn trong ngành công nghiệp ô tô của Mỹ - General Motors Corporation, Ford Motor Company, và DaimlerChrysler AG đã sa thải hơn 90.000 lao động. Các hãng hàng không Mỹ cũng đã khiến 170.000 lao động mất việc làm kể từ tháng 8/2001 đến tháng 10/2006.
Mặc dù người lao động Mỹ có quyền tham gia các tổ chức công đoàn song chỉ có 12% trong tổng số lao động Mỹ là thành viên của các tổ chức công đoàn, giảm từ 35,5% vào thế kỷ trước.
Nhóm lớn nhất trong lực lượng lao động của Mỹ là gần 23 triệu người làm công việc văn phòng và các công việc trợ lý hành chính như trả lời điện thoại, thư ký, kế toán khách sạn,… Nhóm có mức lương trung bình cao nhất là hơn 80.000 đô-la/năm, thường làm công việc quản lý hoặc nghề luật. Nhóm có thu nhập thấp nhất – ít hơn 20.000 đô-la mỗi năm – làm việc trong các ngành dịch vụ và sơ chế thực phẩm.
Vậy vai trò của chính phủ trong nền kinh tế Mỹ là gì?