25/05/2018, 17:54

Nhà soạn nhạc thiên tài Krzysztof Penderecki

I. Mở Đầu Khoảng cách giữa cổ điển và hiện đại trong các lĩnh vực khác nhau của khoa học và cuộc sống luôn tồn tại. Trong bối cảnh phát triển như vũ bão của nền văn minh loài người trong hơn một trăm năm gần đây, nhiều khái niệm đang phổ dụng đã bị coi là cổ điển. Ví dụ như trong tin học, máy ...

I. Mở Đầu

Khoảng cách giữa cổ điển và hiện đại trong các lĩnh vực khác nhau của khoa học và cuộc sống luôn tồn tại. Trong bối cảnh phát triển như vũ bão của nền văn minh loài người trong hơn một trăm năm gần đây, nhiều khái niệm đang phổ dụng đã bị coi là cổ điển. Ví dụ như trong tin học, máy tính càng ngày càng nhỏ đi, bộ nhớ càng ngày càng tăng đến các giới hạn mà vật lý cho phép, dẫn đến việc tìm kiếm cái gọi là máy tính lượng tử. Lúc đó ngay cả các máy tính khổng lồ hiện đại nhất bây giờ cũng bị gọi là máy tính của tin học cổ điển. Trong âm nhạc, dòng nhạc cổ điển với các thiên tài như Mozart, Bach, Chopin cũng phát triển từ trên 200 năm trước, đến nay đã có những bước tiến nhảy vọt mặc dù không đến mức như tin học, nhưng cũng có những nhà soạn nhạc với tầm cỡ không kém gì cha ông ngày xưa. Hơn nữa, do các phương tiện thông tin đại chúng ngày nay rộng rãi hơn xưa nên phạm vi ảnh hưởng của họ tới nền văn minh của nhân loại còn rộng lớn hơn nhiều.

Vừa qua, chúng tôi được đón tiếp các đoàn nước ngoài đến Việt Nam thăm và làm việc, trong đó có đoàn từ Ba Lan, quê hương của Chopin. Họ rất ngạc nhiên là đi đâu cũng chỉ thấy ta nhắc đến Chopin có từ trên hai trăm năm trước mà không hề biết đế nhà soạn nhạc tiền phong hiện đại lừng danh, Giáo sư Krzysztof Penderecki, với một khối lượng các tác phẩm đồ sộ của mình thuộc các thể loại âm nhạc khác nhau và cho các nhạc cụ khác nhau. Ông chính là đối tượng của bài viết này. Hy vọng rằng với một số nét chấm phá, chúng tôi có thể giúp bạn đọc thấy được chân dung của ông, người đã đi vào lịch sử âm nhạc như các bậc tiền bối lừng danh khác, qua đó cũng cảm nhận được rằng âm nhạc cổ điển càng ngày càng hàn lâm, không khác gì vai trò của cơ học Newton trong vật lý, có thể thâm nhập thật sự với nền văn minh hiện đại của loài người.

Krzysztof Penderecki là nhà soạn nhạc Ba Lan hiện đại

 với sự nghiệp âm nhạc vĩ đại

Vị trí của K. Penderecki trong âm nhạc hiện đại được khẳng định bởi trên dưới 60 giải thưởng, danh hiệu được các tổ chức âm nhạc, các quỹ, các trường đại học lừng danh trên thế giới, thậm chí các quốc gia trao tặng. Ông là hội viên danh dự của 36 hiệp hội nghệ thuật và khoa học của 15 nước. Ông là tiến sỹ danh dự của 35 trường đại học và học viện âm nhạc danh tiếng trên thế giới, gần đây nhất là Trường ĐHTH Zielona Gora của Ba Lan, một trong những đối tác quốc tế của Đại Học Văn hóa Hà Nội. Có lẽ không có nhà soạn nhạc hiện đại nào có được sự công nhận và tôn vinh quốc tế sâu rộng như ông.

Trong phần tiếp theo chúng tôi trình bày một cách tóm tắt thân thế và sự nghiệp của ông.

II. Thân thế và sự nghiệp của nhà soạn nhạc lừng danh

Krzysztof Penderecki sinh ngày 23 tháng 11 năm 1933 ở Dębica thuộc miền Nam Ba Lan bây giờ, trong một gia đình gốc Ormian có truyền thống về âm nhạc. Ông nội ông là giám đốc ngân hàng, còn bố ông là luật sư danh tiếng, song thường xuyên chơi các nhạc cụ và hòa nhạc tại gia. Hồi nhỏ ông học dương cầm, sau học vĩ cầm và đã bắt đầu sáng tác lúc lên 8 tuổi. Ông học sáng tác trong trường Cao Đẳng Âm Nhạc Kraków, tiền thân của Học Viên Âm Nhạc Kraków sau đó và Đại Học Âm Nhạc Kraków bây giờ (cần nói thêm rằng Đại Học - University là mức phát triển cao hơn nhiều của học viện (Academy), thế mà ở nước ta một số trường đại học muốn nâng cấp lên thành học viện - một sai lầm cực lớn trong quan hệ hợp tác quốc tế!). Một thời gian dài ông đã là Hiệu trưởng của trường đại học danh tiếng này của Ba Lan. Khi còn là sinh viên, ông đồng thời theo học các bài giảng về triết học và văn hóa cổ đại do các giáo sư giỏi nhất của trường Đại học Tổng hợp Jagielloński, trường đại học cổ nhất của Ba Lan với truyền thống trên 550 năm. Sau khi tốt nghiệp năm 1958, ông được tuyển luôn là phụ giảng trong trường. Một năm sau đó, ông đã gửi ba tác phẩm với các tên tác giả khác nhau tham gia cuộc thi các nhà sáng tác trẻ do Hội các nhà soạn nhạc Ba Lan tổ chức năm 1959. Cuối cùng cả ba tác phẩm đạt ba giải chính Nhất, Nhì, Ba của cuộc thi. Tác phẩm giải nhất Những khổ thơ (Strofy) đã được trình diễn trong hội diễn quốc tế "Mùa Thu Vác-Xa-Va” (Warszawska Jesień) năm 1959 đã mang lại thành công quốc tế đầu tiên cho nhà soạn nhạc trẻ Penderecki. Cùng thời gian này ông đã sáng tác một trong những tác phẩm lớn nhất của mình Tran, một điếu văn bi tráng cho những nạn nhân của bom nguyên tử ở Hiroshima. Tác phẩm này đã được nhận ngay giải thưởng của UNESCO và là điểm khởi đầu cho sự nghiệp sáng tác quốc tế vẻ vang của ông.

Đầu những năm sáu mươi của thế kỷ trước, nhà soạn nhạc trẻ tuổi trước khi đến tuổi tam thập nhi lập đã trở thành thủ lĩnh tuyệt đối cho nền âm nhạc tiền phong của Ba Lan, đồng thời là biểu tượng được biết đến nhiều nhất trên thế giới trong lĩnh vực âm nhạc. Trong gia đoạn này, các tác phẩm nổi tiếng nhất của ông lần lượt ra đời như Kích cỡ của thời gian và sự im lặng (Wymiar czasu i ciszy),Những huỳnh quang (Fluorescencje)…, đặc biết hai tác phẩm cho dàn nhạc giao hưởng De natura sonoris (Âm thanh của tự nhiên)  với màu sắc âm thanh độc đáo chưa từng được biết đến, với việc sử dụng lão luyện các kỹ huật sắc thái không truyền thống, đã khai sinh ra trường phái sáng tác được các nhà phê bình âm nhạc quốc tế gọi là âm học chủ nghĩa (sonoryzm), đặc trưng cho trường phái sáng tác của Ba Lan. Ông đã thử nghiệm thành công những âm thanh độc đáo của đời thường như tiếng cọ của gỗ tạp, giấy, kim loại rỉ, máy chữ…tiếng va đập, huýt gió, tiếng kêu thất thanh…và những âm thanh tương tự khác, nhưng âm nhạc của ông vẫn giàu tính biểu hiện cảm xúc trong nội dung. Những tác phẩm này của ông đã thể hiện cho thế giới thấy rằng, dàn nhạc giao hưởng truyền thống và cả dàn đồng ca, một khi được làm phong phú thêm bởi các nguồn âm tinh tế không truyền thống sẽ có thể tạo ra những thể hiện âm thanh tuyệt vời, không khác gì các tác phẩm được tạo ra trong các phòng ghi nhạc điện tử. Bằng cách sáng tạo độc đáo của mình, ông đã tạo ra được một âm nhạc hiện đại với ưu thế của các âm hưởng là sản phẩm của nền văn minh hiện đại, song đây không chỉ là mục đích sáng tác duy nhất của ông. Ngôn ngữ âm nhạc mới đặc trưng cho thẩm mỹ của Penderecki đã không phủ nhận tính logic của sự phát triển kịch tính của âm nhạc mà đã được các nhà soạn nhạc thiên tài trong quá khứ tạo dựng nên. Ông không coi sự tiền phong của âm nhạc là sự khác biệt với truyền thống. Do vậy ông luôn giữ một khoảng cách nhất định với các đại diện cho nền âm nhạc tiền phong của phương Tây, với khuynh hướng coi nghệ thuật là một công cụ chính trị cần thiết phục vụ cho những lý tưởng tả khuynh hoặc pha trộn màu sắc vô chính phủ. Bằng chứng cho điều này là tác phẩm được Penderecki hoàn thành năm 1966 Sự đam mê theo Thánh Lucas (Pasja wg.św.Łukasza), tác phẩm mang màu sắc tôn giáo đầu tiên trong sự nghiệp sáng tác của ông. Tác phẩm này là một sự tổng hợp hiện đại với những truyền thống có từ thời trung cổ. Bằng tác phẩm này ông đã bước vào lịch sử với danh hiệu là nhà sáng tác đầu tiên trong khối Liên Xô cũ đã can đảm sáng tác với các đề tài tôn giáo. Do Ba Lan có trên 90% dân chúng theo đạo Thiên Chúa, tác phẩm này đã đưa Penderecki lên vị trí là nhà soạn nhạc của dân tộc.

Một bước ngoặt tiếp về phong cách sáng tác của ông đã làm kinh ngạc giới phê bình và thính giả đã diễn ra vào giữa những năm 70 của thế kỷ trước. Bằng Bản hòa nhạc vĩ cầm (Koncert skrzypkowy), một chương mới trong lịch sử âm nhạc Ba Lan. Bước ngoặt này đánh dấu sự ly khai khỏi dòng thẩm mỹ cực đoan tiền phong để trở lại âm thanh và hào quang của sự nhạy cảm, kế tục truyền thống của dòng âm nhạc tân lãng mạn, nhằm tiến tới việc tìm kiếm một phong cách tổng hợp vĩ đại, đã được các nhà phê bình đúc kết rất chuẩn xác là „ sự hấp thụ tất cả những gì đã tồn tại”. Sau này chính Penderecki đã hồi tưởng lại: "Chúng ta đã ở thời điểm mà cái sáng tạo nhất chính là mở những cánh cửa ở sau mình”. Những thể hiện phong cách bất ngờ sau đó của ông đã khẳng định cho các nhà phê bình trên thế giới tin rằng, cá tính sáng tạo của Penderecki không thể xác định được bằng bất cứ một công thức nào, không thể bị đóng khung trong bất cứ một cánh diễn đạt nào.

Nhiều phòng hòa nhạc ở Ba Lan và có cả phố mang tên ông

Song mặc dù có những thay đổi cực đoan về phong cách sáng tác trong những năm sau đó, cho dù ông dùng ngôn ngữ âm nhạc nào đi nữa, ông vẫn tuân thủ một cách đáng ngạc nhiên việc trở lại những vấn đề triết học thẩm mỹ cơ bản, cứ như là ông mong đợi rằng, bằng cách này ông có thể khuấy động được một số lượng thính giả lớn nhất có thể có nhằm áp đặt họ phải trăn trở, suy tư. Sự ràng buộc của Penderecki vào các vấn đề tranh cãi phức tạp của thời đại, để qua các thay đổi tiếp về phong cách sáng tác của mình nhằm biến chúng thành các vấn đề tranh cãi của mọi thời đại đã làm sáng rõ chân dung chân thực của Penderecki, đã bền vững theo thời gian là một nhà nhân văn vĩ đại, không theo kiểu nguy nga một mình (splendid isolation). Ông đã đánh giá đúng kích cỡ về nghề nghiệp xã hội của nghệ thuật của chính bản thân. Hành trang sáng tạo vĩ đại với trên 170 tác phẩm, không kể các tác phẩm viết cho nhà hát, đã mang một thông điệp tiến tới như ông thường nhấn mạnh: việc xây dựng lại không gian siêu hình của con người bị các biến cố của thế kỷ XX đóng sập cửa, bằng cách này phục hồi được sự trật tự của tri thức thẩm mỹ bị vi phạm bởi lịch sử. Ngay trong tác phẩm của tuổi trẻ Strofy được nhắc đến ở trên, ta đã thấy nhiều trích dẫn các ý tưởng của các nhà tiên tri cổ đại, mà thông điệp này xuyên qua tất cả các tác phẩm của ông: „Con người là một bản thể tuyệt vời biết bao khi nó chính là con người”. Tiến tới đạt được sự thống nhất trong lĩnh vực thẩm mỹ và nhận thức, các tác phẩm của Penderecki chống kịch liệt dòng tương đối hóa lạc lối về giá trị, khá phổ biến trong văn hóa và xã hội hiện đại. Kiểu tương đối hóa này làm loãng mọi chuẩn mực về thẩm mỹ, do vậy vô ý thức có thể đưa ta vào một thế giới không có mọi giá trị. Tệ hơn nữa là không còn gì để tìm kiếm nếu các giá trị thẩm mỹ vượt thời gian bị phá hủy. Lúc đó những da diết của con người đến thiên đường của những hưng phấn tuyệt đối bị mất đi, mà cuộc du hành tìm kiếm sự hài hòa (harmony) kiểu Pi-ta-go được kiến tạo từ đó của nhân loại trở thành mất điểm đến, mầy mò vô vọng. Những tiếng vọng của tri thức thẩm mỹ kiểu Socrates rất đặc thù trong các tác phẩm của Penderecki, như bảo vệ sự thật cho dù phải chết trong vở nhạc kịch Các con quỷ từ Loudon, liên tưởng đến đối ngẫu (dualism) thiện và ác kiểu August, tuyên ngôn một cách biểu tượng trong dàn đồng ca của vở nhạc kịch Mặt nạ đen (Czarna Maska), mà việc phải tuân thủ theo các nguyên tắc do đối ngẫu này quy định (theo kiểu Cantor) được coi là một quy luật phổ biến.

Một trong những phép ẩn dụ (metaphor) bất hủ nhất của Penderecki là ông coi một tác phẩm âm nhạc như một cây, có gốc trong đất và vươn tới trời xanh, như trong một bài phát biểu của ông  "trở lại tầm cỡ giáo đường, là một cách duy nhất cứu vớt con người… Nghệ thuật phải là nguồn cho một hy vọng hóc búa”. Không phải là khó lắm khi ta cảm thấy được rằng mục đích cơ bản trong những tìm kiếm sáng tạo của Penderecki đã và đang là sự cố gắng phục hồi trật tự nột tâm của con người – các hài hòa của những hưng phấn tuyệt đối đã mất, như đã được nói đến trong ca kịch Thiên đường đã mất (Raj utracony), bảo vệ được những chuẩn mực tổng hợp của loài người.

Ngoài sự nghiệp sáng tác, Penderecki đã giành nhiều thời gian và tâm lực vào công việc sư phạm và tổ chức. Trong những năm 66-68 ông đã giảng dạy tại Volkwang Hochschule fuer Musik ở Essen (Liên Bang Đức). Năm 1972 ông được bầu làm Hiệu trưởng Nhạc Viện Kraków lúc đó (nay là Đại Học Âm Nhạc) là một trong những giáo sư âm nhạc trẻ nhất lúc đó. Cũng trong năm này ông đã hợp tác với University School of Music ở New Haven. Đỉnh cao những hoạt động của ông là Trung tâm Âm nhạc châu Âu mang tên ông do ông đầu tư thành lập ở Luslawice (Ba Lan), một trung tâm hiện đại đào tạo các tài năng âm nhạc trẻ của toàn châu Âu. Cũng cần phải lưu ý rằng từ năm 1972, ông còn thực hiện công việc của một nhạc trưởng. Trong lĩnh vực hoạt động nghệ thuật này ông đã đạt được những thành tựu quốc tế lớn, đã chỉ huy các dàn nhạc tiếng tăm nhất thế giới, trong đó đặc biệt hợp tác dài lâu với các dàn nhạc giao hưởng ở Hamburg, Leipzig và Bắc Kinh.

III. Phong thái làm việc

Để sáng tác một khối lượng khổng lồ hơn 170 các tác phẩm (không kể các tác phẩm cho nhà hát) cho mọi thể loại âm nhạc và mọi nhạc cụ mà hầu như không có nhà sáng tác nào trong lịch sử đã có, ông đã miệt mài làm việc nhiều năm. Buổi sáng, ông thường thường thức dậy sớm quãng 6 giờ và làm việc cho tới khuya. Từ mười năm trở lại đây, ông thức dậy muộn hơn khoảng 8 giờ sáng, vừa vì lý do đã cao tuổi, vừa do kỹ năng sáng tác đã trở thành điêu luyện đến mức mà trước đó, ông cần cả ngày để sáng tác ba nhịp, thì nay ông chỉ cần mươi phút.

Đặc thù sáng tác của ông là luôn tìm kiếm những cái mới, cũng như các thiên tài trong các lĩnh vực khác. Ông đã nói: "Chỉ thấy hấp dẫn và thú vị khi đang tìm kiếm, khi tìm ra được rồi thì không còn gì để thưởng thức cả”. Một ví dụ điển hình la thể loại Polonez. Sau Chopin trên thế giới không ai dám sáng tác Polonez nữa vì ai cũng nghĩ rằng Chopin đã đạt đỉnh cao nhất trong thể loại này. Ông cũng coi các bản Polonez của Choipn là tuyệt hảo, song đã táo bạo sáng tác Polonez theo kiểu của mình. Là thủ lĩnh của lớp các nhà sáng tác m nhạc tiền phong, ông vẫn luôn khẳng định ông là Nhà giai điệu (Melodist), tuân thủ theo kim chỉ nam của mình: „Không có giai điệu không có sáng tác”.

IV. Thay cho lời kết

Vừa qua, nhân dịp ông được lựa chọn là Chủ tịch Ủy ban danh dự cho cuộc thi Chopin quốc tế lần thứ 17 (chúng tôi sẽ có một bài riêng về cuộc thi quốc tế nổi tiếng này) gồm 10 nhà hoạt động văn hóa nghệ thuật nổi tiếng thế giới, Penderecki đã trả lời phỏng vấn về nhạc của ông. Ông nhận định: „Nhân loại sau 50, 100 năm nữa không biết thay đổi ra sao, nhưng nhạc Chopin chắc vẫn còn. Tôi tiềm vọng nhạc của tôi cũng như nhạc của Chopin, thời gian đổi thay nhưng vẫn còn mãi”. Chúng tôi, những tác giả bài này cũng chung suy nghĩ với giới phê bình âm nhạc quốc tế, chắc chắn tin tưởng rằng điều mong muốn của ông sẽ trở thành sự thực.

1Tạ Lan Phương và 2Cao Long Vân

1Trường trung cấp âm nhạc mang tên Oskar Kolberg ở Radom – Ba Lan

2Trường Đại Học Tổng Hợp Zielona Góra – Ba Lan

Admin 5

0