25/04/2018, 17:41

Soạn bài Phú sông Bạch Đằng – SBT Văn 10 tập 2: Giải câu 1, 2, 3 trang 3...

Giải câu 1, 2, 3 trang 3 SBT Ngữ văn 10 tập 2. Bài Phú sông Bạch Đằng thuộc thể văn nào ? Lí giải sự lựa chọn của anh (chị). Soạn bài Phú sông Bạch Đằng SBT Ngữ văn 10 tập 2 1. Bài Phú sông Bạch Đằng thuộc thể văn nào ? Lí giải sự lựa chọn của anh (chị). A.Tản văn (văn xuôi) B. Biền ...

Giải câu 1, 2, 3 trang 3 SBT Ngữ văn 10 tập 2. Bài Phú sông Bạch Đằng thuộc thể văn nào ? Lí giải sự lựa chọn của anh (chị). Soạn bài Phú sông Bạch Đằng SBT Ngữ văn 10 tập 2

1. Bài Phú sông Bạch Đằng thuộc thể văn nào ? Lí giải sự lựa chọn của anh (chị).

A.Tản văn (văn xuôi)

B. Biền văn (văn biền ngẫu)

C. Vận văn (văn vần)

Trả lời:

Bài Phú sông Bạch Đằng thuộc thể biền văn (đáp án B)

– Biền văn (văn biền ngẫu) có những đặc điểm cơ bản :

+ Hai câu đối nhau thành từng cặp (“biền” nghĩa đen là hai con ngựa đi song song nhau, “ngẫu” là chẵn đôi). Biền văn lấy đối làm nguyên tắc cơ bản, tạo cho lời văn sự nhịp nhàng, cân xứng. Biền văn có thể có vần hoặc không có vần.

+ Hình thức đối của biền văn : hai câu đối nhau thành từng cặp gọi là “liên”, có khi ngay trong một vế cũng có đoạn đối.

+ Văn biền ngẫu được dùng nhiều trong phú, cáo, hịch…

– Ở bài Phú sông Bạch Đằng có nhiều câu văn biền ngẫu, rất phong phú, đa dạng : đối ý, đối lời, đối thanh, câu dài – ngắn đan xen nhau… HS có thể cảm nhận một số câu qua bản dịch và từ đó tự tìm hiểu để dẫn ra một số câu vãn biền ngẫu khác:

+                                     Bát ngát sóng kình muôn dặm,

                                       Thướt tha đuôi trĩ một màu.

                                       Nước trời : một sắc, phong cảnh : ba thu,

                                       Bờ lau san sát, bến lách đìu hiu.

+                                     Thuyền bè muôn đội, tinh kì phấp phới,

                                       Hùng hổ sáu quân, giáo gươm sáng chói.

                                       …

                                       Ánh nhật nguyệt chừ phải mờ,

                                       Bầu trời đất chừ sắp đổi.

– Tuy nhiên, điều cần lưu ý là bài Phú sông Bạch Đằng được viết theo lối phú cổ thể nên chỉ cần vần, không nhất thiết phải hoàn toàn có đối, cũng không giới hạn số vần nhất định, cuối bài được kết lại bằng thơ.

2. Phân tích ý nghĩa của hình tượng nhân vật “khách” trong bài phú.

Trả lời:

Hình tượng nhân vật “khách” là hình tượng trung tâm của bài phú. Khi phân tích hình tượng này, cần lưu ý một số điểm cơ bản sau :

– Phú sông Bạch Đằng được làm theo lối cổ thể. Phú cổ thể thường dùng lối “chủ – khách đối đáp”, có nhân vật “khách” kể chuyện cho hấp dẫn. Dưới hình thức đối thoại giữa “khách” và bô lão địa phương, bài phú đã thể hiện những cảm xúc, suy tư của tác giả về đất nước, dân tộc, về đạo lí nhân nghĩa.

– Nhân vật “khách” là sự phân thân của chính tác giả, một con người có tâm hồn khoáng đạt, có hoài bão lớn lao. “Khách” dạo chơi phong cảnh không những để thưởng thức vẻ đẹp thiên nhiên mà còn mang “tráng chí bốn phương”, học theo Tử Trường Tư Mã Thiên), nghiên cứu cảnh trí đất nước, bồi bổ tri thức, tìm hiểu lịch sử. Trước cảnh sông Bạch Đằng, “khách” vừa tự hào về những chiến công lịch sử, vừa “Thương nỗi anh hùng đâu vắng tá – Tiếc thay dấu vết luống còn lưu”.

– Qua cuộc trò chuyện, đối thoại giữa “khách” và các bô lão (có thể là thật cũng có thể là hư cấu), chiến tích sông Bạch Đằng được gợi lên một cách sinh động, khắc hoạ sức mạnh, chiến thắng của ta, sự thất bại thảm hại của kẻ thù.

– Lời ca của khách tiếp nối lời bình luận của các bô lão ở phần cuối bài phú vừa thể hiện lòng yêu nước, tự hào dân tộc (ca ngợi “hai vị thánh quân” Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông, ca ngợi chiến thắng Bạch Đằng), vừa thể hiện tư tưởng nhân văn (nêu cao vai trò, vị trí của con người).

Lời ca của nhân vật “khách” kết thúc bài phú vừa là lời ngợi ca, vừa là lời bình luận khẳng định chân lí : “nhân kiệt” (người giỏi) quyết định “địa linh” (đất thiêng), “đức cao”,  “đức lành” của “hai vị thánh quân”, hay nói rộng ra là của người lãnh đạo đất nước, là yếu tố quyết định làm nên chiến thắng.

“Khách” tiếp nối lời các vị bô lão ca ngợi sự anh minh của “hai vị thánh quân” (Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông), đồng thời ngợi ca chiến tích của sông Bạch Đằng lịch sử nhiều lần đánh thắng quân xâm lược, đem lại nền thái bình cho đất nước:

Anh minh hai vị thánh quân,

Sông đây rửa sạch mấy lần giáp binh.

Tiếp đó “khách” vừa biện luận, vừa khẳng định chân lí: Trong mối quan hệ giữa “địa linh” và “nhân kiệt” thì “nhân kiệt” là yếu tố quyết định. Ta thắng giặc không chỉ ở “đất hiểm” mà quan trọng hơn là bởi người lãnh đạo có “đức cao”, “đức lành”:

Giặc tan muôn thuở thăng bình,

Bởi đâu đất hiểm cốt mình đức cao.

Khẳng định “địa linh” bởi “nhân kiệt”, nêu cao vai trò và vị trí của con người, lời ca kết thúc bài phú vừa mang niềm tự hào dân tộc vừa thể hiện tư tưởng nhân văn cao đẹp.

3. Bài tập 6, trang 7, SGK.

Trả lời:

Giá trị nội dung và nghệ thuật của bài Phú sông Bạch Đằng:

a) Về nội dung:

HS tìm hiểu giá trị nội dung của bài phú ở hai phương diện : lòng yêu nước và tư tưởng nhân văn.

– Lòng yêu nước qua hai nội dung lớn :

+ Tự hào trước chiến công trong lịch sử và chiến công thời đại.

Chiến công trong lịch sử : Tác giả khắc hoạ và hồi tưởng lại chiến thắng của Ngô Quyền phá tan quân Nam Hán giết Lưu Hoằng Thao năm 938, sông Bạch Đằng là “bãi đất xưa, thuở trước Ngô chúa phá Hoằng Thao”.

Chiến công thời đại của quân dân nhà Trần : Thời Trùng Hưng (niên hiệu vua Trần Nhân Tông, thái thượng hoàng Trần Thánh Tông), chiến dịch năm 1288, Trần Quốc Tuấn đánh tan quân Mông – Nguyên, bắt sống Ô Mã Nhi: “Đây là nơi chiến địa buổi Trùng Hưng nhị thánh bắt Ô Mã”.

+ Tự hào trước truyền thống yêu nước chống xâm lược và truyền thống đạo lí nhân nghĩa : Thông qua việc hồi tưởng và miêu tả lại những chiến thắng lịch sử trên sông Bạch Đằng, tác giả thể hiện niềm tự hào sâu sắc trước truyền thống yêu nước chống xâm lược, truyền thống đạo lí nhân nghĩa của dân tộc ta, của nhân dân ta. Truyền thống đó đã được đúc kết thành một chân lí vĩnh hằng : những kẻ bất nghĩa như Lưu Cung thì tiêu vong, anh hùng như Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo thì lưu danh thiên cổ. “Những người bất nghĩa tiêu vong – Nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh”.

– Tư tưởng nhân văn cũng qua hai nội dung lớn :

+ Hoài cảm về quá khứ: Cảnh còn, người xưa đã khuất. Trong cảm thức tự hào còn có cả nỗi buồn, trong niềm vui còn xen lẫn cả sự tiếc nuối: “Buồn vì cảnh thảm, đứng lặng giờ lâu – Thương nỗi anh hùng đâu vắng tá – Tiếc thay dấu vết luống còn lưu”. Buồn đau, nuối tiếc vì chiến trường xưa một thời oanh liệt nay trơ trọi, hoang vu, người anh hùng “đâu vắng tá”.

+ Đề cao vai trò, vị trí của con người trong lịch sử: Trong hai yếu tố địa thế núi sông và nhân kiệt, tác giả khẳng định điều quan trọng để chiến thắng quân giặc chính là ở đức lớn, ở sức mạnh và trí tuệ của con người: “Giặc tan muôn thuở thăng bình – Bởi đâu đất hiểm cốt mình đức cao”. Tư tưởng khẳng định, đề cao vai trò của con người không những có giá trị nhân văn mà còn mang tầm triết lí sâu sắc.

b) Về nghệ thuật: chú ý những thành công về kết cấu, xây dựng hình tượng, lời văn.

– Về kết cấu : Bài phú có cấu tứ đơn giản nhưng hấp dẫn nhờ xây dựng trên một bố cục chặt chẽ. Mở đầu là hình ảnh nhân vật “khách” với thú tiêu dao thăm quan những cảnh đẹp “mà tráng chí bốn phương vẫn còn tha thiết”. Sự gặp gỡ giữa khách và các vị bô lão đã làm sống dậy quá khứ chống giặc ngoại xâm hào hùng của dân tộc trên dòng sông Bạch Đằng lịch sử. Tiếp theo là những suy nghĩ, chiêm nghiệm của các vị bô lão về nguyên nhân thắng lợi của quân dân ta. Kết thúc bài phú là lời đúc kết và rút ra chân lí của tác giả từ những suy tư, chiêm nghiệm, là lời đề cao và khẳng định truyền thống yêu nước, nhân nghĩa của dân tộc.

– Về hình tượng nghệ thuật : Hình tượng thiên nhiên mang vẻ đẹp hùng vĩ, hình tượng chiến trận với vẻ đẹp tráng lệ mang tầm vóc vũ trụ, thể hiện niềm tự hào dân tộc và chiến công thời đại. Hình tượng nhân vật “khách”, hình tượng các vị bô lão tạo cho bài phú không khí của một cuộc trò chuyện thân tình và tràn đầy cảm xúc, khiến những khái quát, triết lí không trở nên khô khan mà thấm đượm tình cảm.

–  Về lời văn : Ngôn từ đa sắc thái, vừa trang trọng, tráng lệ, vừa lắng đọng, gợi cảm. Lời văn biền ngẫu đi theo mạch cảm xúc (hiện tại – hồi tưởng – khái quát, triết lí) nên càng nhịp nhàng, linh hoạt; có khi tha thiết, đan chéo nhiều cung bậc tâm trạng như ở đoạn mở đầu ; khi lại gấp gáp, căng thẳng trong đoạn mô tả lại khung cảnh chiến địa thuở xưa ; khi sâu lắng trong lời kết bài mang đậm màu sắc triết lí.

Sachbaitap.com

0