18/06/2018, 16:39

Sách Hoài Nam Tử và cái chết của Lưu An

Phạm xuân Hy Sách ” Hoài Nam Tử 淮 南 子 ” cũng còn gọi là ” Hoài Nam Hồng Liệt 淮 南 鸿 烈 ” , là tên của một cuốn cổ thư của Trung Hoa, được viết vào khỏang đầu thế kỷ thứ hai trước Công Nguyên, là một kiệt tác, được các nhà nghiên cứu cho là tổng hợp và chỉnh lý ...

1467675025_6553.jpg

Phạm xuân Hy

Sách ” Hoài Nam Tử 淮 南 子 ” cũng còn gọi là ” Hoài Nam Hồng Liệt 淮 南 鸿 烈 ” , là tên của một cuốn cổ thư của Trung Hoa, được viết vào khỏang đầu thế kỷ thứ hai trước Công Nguyên, là một kiệt tác, được các nhà nghiên cứu cho là tổng hợp và chỉnh lý những tư tưởng của bách gia thời Tiên Tần, đồng thời sách cũng bảo lưu được nhiều thông tín lịch sử giá trị thời Tần Hán.

Có người cho là sách ” Hoài Nam Tử ” do Hoài Nam Vương Lưu An trứ tác, và cái chết của Lưu An có liên can đến sách này. Điều đó có đúng không ?

Trước hết, chúng tôi xin phép tìm hiểu ý nghĩa của mấy chữ Hoài Nam Tử.

A-Về chữ ” tử 子 “

Chữ ” tử 子 ” theo giáp cốt văn là một chữ thuộc lọai tượng hình, vẽ một đứa hài nhi thân thể, hai chân, được bọc trong tã, đầu tóc và hai tay thò ra ngòai, nên chữ tử có nghĩa gốc là ấu nhi, sau dẫn thân đến các nghĩa là : con cái, hạt giống, trứng chim chóc, và khi đọc là tý thì có nghĩa là chi đầu của 12 địa chi.Vì ấu nhi trí óc không có tạp niệm, nên các bậc hiền triểt, thánh nhân được kính trọng tôn xưng là ” tử ” như Lão Tử, Khổng Tử, Chu Tử, Trang Tử, Mạnh Tử, Tuân Tử…

Chữ ” tử 子 ” có đến hơn bốn chục nghĩa khác nhau.

Nhưng trong bài này chúng tôi chỉ xin trích ra đây hai nghĩa:

1- Chữ tử 子 dùng để chỉ người viết sách lập thuyết, đại biểu một lưu phái riêng như Khổng Tử, Lão Tử, Mạnh Tử, Tăng Tử, Tuân Tử, ở thời Tiên Tần.

2- Cổ xưa người Trung Hoa chia sách vở ra làm bốn lọai là ” Kinh 經, Sử 史, Tử 子, Tập 集 ” .

Các sách có chữ tử 子 thuộc lọai thứ ba, và được gọi là ” tử thư 子書 ” , như sách Lão Tử, sách Hàn Phi Tử, sách Tuân Tử, sách Mạnh Tử, sách Trang Trang Tử…

Và Hoài Nam Tử là tên sách được xếp vào loại thứ ba này, tức là loại ” tử thư 子書” .

Thật vậy ,”Tùy Thư-Kinh tịch chí” đã chia phần cổ tịch của Trung Quốc ra làm bốn bộ phận như sau:

1-Kinh bộ 經 部, chỉ những sách về các học thuyết của Nho gia. Mới đầu kinh thư của nhà nho có 5 bộ, tức : Thi, Thư, Dịch, Lễ,và Xuân Thu, được gọi là “Ngũ kinh”. Từ nhà Đường đến nhà Tống hình thành “Thập Tam kinh”, tức Dịch, Thư, Thi,Chu lễ,Nghi lễ,Lễ ký, Tả truyện, Công Dương truyện,Cốc Lương truyện, Hiếu Kinh, Luận ngữ, Nhĩ nhã, Mạnh tử.

2-Sử bộ 史 部, chỉ những sách về lịch sử, ghi chép các sự hưng suy, trị loạn của các triều đại, cùng những nhân vật, và những quá trình biến đổi.

3-Tử bộ 子 部, chỉ những sách của mỗi danh gia thời Xuân Thu Chiến Quốc, viết về triết học, danh học, pháp học, y học, toán học, binh học, thiên văn học, nông học. Đạo giáo,Lý học đời Tống và đời Minh, và khảo cứ học đời Thanh cũng được qui nhập Tử bộ.

4-Tập bộ 集 部. Phàm những tuyển tập và những trứ tác bình luận văn học của các tác gia liên quan đến các loại văn thể như biền văn, tản văn, thi, từ, khúc, đều qui nhập vào tập bộ.Sách của một người gọi là Biệt tập, của nhiều người viết gọi là Tổng tập, liên quan đến thơ thì gọi là thi tập

B-Về chữ “Hoài Nam”

1-Tên một nước

Hoài Nam là tên một chư hầu quốc, do Hán Cao Tổ đặt ra, nay thuộc khu vực các tỉnh Giang Tô, An Huy đến phía nam sông Hòai Hà.

Năm 203 t CN Hán Cao Tổ phong vùng đất này cho Anh Bố làm Hoài Nam Vương. Anh Bố trước đó theo Tần Thủy Hòang và được Tần Thủy Hoàng phong làm Cửu Giang Vương, sau theo Lưu Bang đổi là Hoài Nam Vương.

Năm 196 t CN, Anh Bố cử binh chống lại Hán, giết Kinh Vương Lưu Gỉa, đánh đuổi Sở Vương Lưu Giao, Hán Cao Tổ phải đem quân bình định và phong đất Hoài Nam cho con là Lưu Trường làm Hòai Nam Vương.

Năm 174 t CN đời Hán Văn Đế, Lưu Trường cấu kết với Mân Việt và Hung Nô làm phản bị Văn Đế phế làm thứ dân, chết trên đường đi đầy.

Năm 164 t CN, Hán Văn Đế lấy đất này chia làm ba phần, phong cho ba người con của Lưu Trường, là Hoài Nam Vương, Hành Sơn Vương, và Lư Giang Vương. Con trưởng Lưu Trường là Lưu An được tập tước cha gọi là Hoài Nam Vương.

Năm 122 t CN, Lưu An khởi binh phản loạn, thất bại cắt cổ tự tử, nước Hoài Nam bị mất, và bị Hán Võ Đế đổi thành Quận Cửu Giang.

2-Tên một quận.

-Thời Tam Quốc nhà Ngụy đổi thành một nước, sau lại đổi thành quận.

-Thời Đông Tấn dời quận Hòai Nam ở Đan Dương đến huyện Vu Hồ (nay thuộc phía nam Đan Đồ huyện tỉnh An Huy).

-Nhà Tùy phế bỏ.

3-Tên một đạo

Nhà Đường, Hoài Nam trở thành tên một trong mười 15 đạo của nhà Đường, trị sở của đạo Hoài Nam ở Dương Châu (nay thuộc tỉnh Giang Tô), sau lại đổi thành trấn.

4-Tên một lộ

Nhà Tống có 15 lộ, trong đó có lộ Hòai Nam, trị sở ở Dương Châu.Đến năm Hy Ninh, nhà Tống chia Hoài Nam thành hai lộ, là Hoài Nam Đông Lộ, gọi tắt là Hoài Đông, trị sở tại Dương Châu, và Hoài Nam Tây Lộ gọi là Hòai Tây, trị sở tại Thọ Xuân.

Tóm lại, Hoài Nam vốn là tên gọi của vùng đất, rồi do Hán Vương Lưu Bang phong đất này cho Anh Bố vào năm 203 trước Công Nguyên, nên trở thành tước danh,vì thế trong Sử Ký mới gọi Anh Bố là Hoài Nam Vương Anh Bố.

Người viết cũng xin mạo muội mua vui rông dài đôi chút về lịch sử liên hệ đến việc phong vương của nhà Hán.

1-Việc phong vương cho người khác họ

Sau khi diệt lục quốc, thống nhất Trung Quốc, Tần Thuỷ Hoàng bãi bỏ phân phong chế, thực hành quận huỵên chế, để tăng cường trung ương tập quyền.Sau khi nhà Tần bị diệt vong, Hạng Vũ chiếm chín quận ở Lương, Sở tự lập làm Tây Sở Bá Vương, đồng thời lấy danh nghĩa của vua Sở Nghĩa Đế đem vùng đất của các quận, huyện còn lại phân thành 18 vương quốc, phong cho các hàng tướng của nhà Tần, cùng quý tộc của lục quốc ngày trước, và các tướng lãnh có công.Như vậy, trên hình thức, Hạng Võ khôi phục lại chế độ phong kiến.

Trong cuộc chiến tranh với Hạng Võ, nhằm mục đích tranh thủ thắng lợi, Lưu Bang cũng phong đất cho các tướng lãnh của mình. Người có công lớn thì phong ” vương ” , đất được phong gọi là ” vương quốc ” , người có công nhỏ thì phong hầu, đất được phong gọi là ” hầu quốc “

Cho đến năm 202 t CN, khi nhà Hán kiến lập, trước sau Lưu Bang đã phong tước vương cho bẩy người công thần khác họ có công giúp Lưu Bang chiến đấu chống Hạng Võ.

Tên các phong quốc liệt kê trong bảng dưới đây:

Quốc danh Vương danh Vương đô Phong vực Năm phong
Yên
Tàng Trà Kế Quảng Dương
Thượng Cốc,
Ngư Dương,
Bắc Bình,
Liêu Tây,
Liêu Đông
Năm 202 t CN bị Quan Anh thay thế
Hàn
Hàn Vương Tín Dương Địch Dĩnh Xuyên 205 t CN
Triệu
Trương Nhĩ
(Chết năm 202 t CN )
Tương Quốc Hàm Đan
Cự Lộc
Thường Sơn
203 t CN
Sở
Hàn Tín
(bị giết năm 197 Tcn)
Hạ Bì Đông Hải,
Tiết Quận,
Cối Kê,
Tứ Thuỷ ,
Trần Quận
203 t CN
Hoài Nam
淮 南
Anh Bố
(Sau Bố nghe lời con của Ngô Nhuế, chạy xuống Nam Việt,và bị người Phiên Dương giết 
năm 196 t CN )
  Cửu Giang,
Hành Sơn,
Lư Giang,
Dự Chương
203 t CN
Lương
Bành Việt
(bị giết 196 t CN)
Định Đào Đãng Quận 202 t CN
Trường Sa
長 沙
Ngô Nhuế
(chết năm 202 CN, con là Ngô Thần lên cai trị nước)
Lâm Tương Trường Sa
Vũ Lăng
202 CN

2-Việc phong vương cho người cùng họ.

Việc Lưu Bang phong vương cho người khác họ như trên đây, là do tình thế thúc bách, nên kể từ sau khi lên ngôi được 1 năm, đến năm thứ hai, tức năm 201 t CN, Lưu Bang bèn tìm cách nhanh chóng thanh trừ những chư hầu vương khác họ, và thề chỉ phong vương cho các người cùng họ, để dùng làm bình phong cho mình nhà Hán.

Cho đến năm 196 t CN, Lưu Bang đã kiến lập 9 vương quốc cùng họ Lưu, chỉ còn sót lại có một vương quốc khác họ là Trường Sa Vương Ngô Nhuế.

Nhuế vốn là huyện lệnh Phan Dương của nhà Tần, nên gọi là Phan Quân, nhờ có công theo Lưu Bang được phong chư hầu vương, lãnh các quận Trường Sa, Dự Chương, Tượng Quận, Quế Lâm, Nam Hải.

Nhưng trong 5 quận phong cho Nhuế, thì ba quận, tức Nam Hải, Quế Lâm, Tượng Quận, là đất thuộc nước Nam Việt của Triệu Đà, do Đà chiếm cứ từ cuối đời nhà Tần, và “tự lập vi vương 王”, xưng là Nam Việt Võ Vương.(Trong khi Lưu Bang khởi binh nổi dậy ở Bái Huyện tháng 9-năm 209 t CN, chỉ dám xưng là Bái Công, tức huyện lệnh huyện Bái, và mãi đến năm 206 t CN, Lưu Bang mới được Hạng Võ chia đất phong làm Hán Vương.Và đến năm 202 t CN mới xưng đế lên ngôi Thiên tử.)

Nên đối với Ngô Nhuế, những đất được Lưu Bang phong chỉ “hữu danh vô thực有 名 無 實 ” , thế lực không có gì đáng đe dọa đối với vương triều nhà Hán so với 6 “chư hầu vương” là Tàng Trà, Hàn Vương Tín, Trương Nhĩ, Hàn Tín, Anh Bố, Bành Việt, đều đã bị Lưu Bang tiêu diệt rồi.

Ngoài ra, còn một lý do nữa để Trường Sa Vương Ngô Nhuế không bị Hán Cao Tổ tiêu diệt, theo một số sử gia Trung Quốc, lý do là vì nhà Hán cố ý coi đất ba quận Nam Hải, Quế Lâm, Tượng Qụân đã là đất đai thuộc nhà Hán rồi.

Hán Cao Tổ Lưu Bang từng xuống chiếu lệnh là:

“Lấy các quận Trường Sa,Dự Chương,Tượng Quận,Quế Lâm, Nam Hải, phong cho Phan Quân Nhuế làm Trường Sa Vương-Nguyên văn chữ Hán: 以 長 沙 豫 鄣 象 郡 桂 林 南 海 立 番 君 芮 為 長 沙 王 – Dĩ Trường Sa,Dự Chương,Tượng Quận,Quế Lâm, Nam Hải lập Phan Quân Nhuế vi Trường Sa Vương”

Cương giới hai nước Nam Việt – Trường Sa bị Hán đặt nằm trong tình thế “khuyển nha tương nhập 犬 牙 相 入 “, tức thế cài răng lược.

Lúc bấy giờ bản đồ nhà Hán đại bộ phận là sở hữu của 9 vương quốc.Các quận do hoàng đế quản hạt chỉ có 15 quận.

Dưới đây là bảng liệt kê phong quốc của 9 chư hầu vương cùng họ Lưu với nhà vua:

Quốc danh Vương danh Vương đô Phong vực Năm phong 
Sở
Lưu Giao Bành thành Bành Thanh
Đông Hải
Tiết Quận
201 t CN
Tề
Lưu Phì Lâm Truy Lâm Truy,
Giao Đông,
Giao Tây
Tế Bắc
Bác Dương
Thành Dương,
Lang Nha.
201 t CN
Triệu
Lưu Như Ý Hàm Đan Hàm Đan, 
Nguỵ Quận,
Thường Sơn,
Trung Sơn,
Cự Lộc,
Hà Gian,
Thanh Hà.
198 t CN
Đại
Lưu Hằng Tấn Dương Thái Nguyên,
Nhạn Môn,
Định Tương,
Đại Quận.
196 t CN
Lương
Lưu Khôi Định Đào Đãng QuậnĐông Quận. 196 t CN
Hoài Dương
淮 陽
Lưu Hữu Trần Trần Quận
Nhữ Nam
Dĩnh Xuyên.
196 t CN
Hoài Nam
淮 南
Lưu Trường Thọ Xuân Cửu Giang,
Hành Sơn,
Lư Giang,
Dự Chương
196 t CN
Ngô
Lưu Tỵ Quảng Lăng Đông Dương,
Ngô Quận,
Chương Quận
196 t CN
Yên
Lưu Kiến Kế Quảng Dương,
Thượng Cốc,
Ngư Dương,
Hữu Bắc Bình,
Liêu Tây,
Liêu Đông.
195 t CN

Những vương quốc trên đây, tuy bị tiết chế bởi hòang đế, nhưng vẫn còn tương đối độc lập.Việc sắp đặt bách quan cũng giống như triều đình trung ương.Các chư hầu vương được nắm một số quyền lực tương đối lớn, trong đó hai quyền chủ yếu :

-Một là được tự quyền bổ nhiệm quan lại, trật nhị thiên thạch trở xuống.

-Hai là được quyền thâu thuế của thần dân trong vương quốc của mình.

Thường thường đất đai của các vương quốc này là đất của một số quận, đất phong rộng lớn, hộ khẩu lại nhiều, thực lực hùng hậu, trên thực tế trở thành vương quốc độc lập có khả năng chống đối với chính quyền trung ương.

Tuy nhiên, bản chất của sự thực hành chế độ hành chánh địa phương vào thời đầu nhà Hán như vậy vẫn còn là quận huyện chế.Nhưng vì sự tồn tại của vương quốc, nên “quận huyện chế” loại này tạo ra hai hệ thống hành chánh song song :

-Một là các quận và các huỵện của quận, trực thuộc hoàng đế gọi là Hán quận

-Hai là các chi quận cùng các huyện thuộc chi quận, trực thuộc vương quốc.

Trong bảng danh sách trên đây, chúng ta thấy rõ rằng Lưu Bang chỉ phong vương cho những người cùng họ Lưu, phù hợp với lời ông đã thề với quần thần :

Phi Lưu thị bất đắc vương chi – 非 劉 氏 不 得 王 之 -Không phải họ Lưu không được phong vương.

Nhưng cũng vào năm 196 t CN, Lưu Bang phải phái Lục Gỉa, một môn khách sành về ăn nói, mang ấn thao và con so bổ đôi sang phong vương cho Triệu Đà, một người không phải họ Lưu, làm Nam Việt Vương, cũng lại là một việc trái với lời thề trên.

Người ta tự hỏi: Đà đã xưng danh hiệu là Nam Việt Vương rồi, tại sao Hán Cao Tổ lại cũng phong cho Đà danh xưng này nữa? Có gì khác nhau ?

Cái khác ở đây, chính là ý nghĩa của chữ “Vương 王 ” trong hai trường hợp “tự lập” và “đựơc phong” (Xin coi phần chú thích chữ vương 王).

3-Quan hệ Hán và Nam Việt.

Ngoài ra, có sử gia cho rằng, việc phong vương cho Triệu Đà của Hán đế, là một tính tóan khôn ngoan của Hán Cao Tổ, nhằm mục đích khéo léo thiết lập một quan hệ ” thần thuộc – vua tôi” giữa hai nước Hán và Nam Việt, cũng như muốn Đà phải tuân phục những ước thúc của nhà Hán, đồng thời sát nhập đất nước Nam Việt vào bản đồ nhà Hán mà không phải tốn mất một mũi tên, theo mong muốn đã đề ra từ trước.

Nhưng trên thực tế, sau hơn mấy chục năm chấp nhận “tước vương” của Hán Cao Tổ, tức nhận làm thần tử của nhà Hán, quan hệ “thần thuộc” giữa Hán và Nam Việt biểu hiện như thế nào ?

Triệu Đà vốn là người tài giỏi, có bản lĩnh ở cuối thời Tần mạt, chứ không phải tay “xoàng”.

Bề ngòai khi nghe Lục Gỉa vừa thuyết phục vừa có ý đe dọa, thì làm bộ dạng sợ hãi tuân lời, nhưng trong lòng thì không.

Đà còn cười và nói : “Ta lấy làm giận đã không được nổi dậy ở bên ấy, biết đâu chẳng hơn nhà Hán .”

Khiến cho Lục Gỉa phải ngồi im, tiu nghỉu.

Theo sử gia Tư Mã Thiên trong “Sử Ký-Nam Việt Liệt Truyện” còn thuật rằng :

“Đến thời Hiếu Cảnh Đế, Đà vẫn xưng thần cho người vào chầu, nhưng ở trong nước Nam Việt vẫn lén dùng danh hiệu “đế 帝 ” như cũ, còn thì sai sứ sang thiên tử thì xưng “vương 王”, triều kiến thỉnh mệnh như các “chư hầu vương “.

(Nguyên văn : 遂 至 孝 景 時,稱 臣,使 人 朝 請,然 南 越 其 居 國 竊 如 故 號 名 其 使 天 子 稱 王 朝 命 如 諸 侯-Tọai chí Hiếu Cảnh thời, xưng thần, sử nhân nhập triều thỉnh.Nhiên Nam Việt kỳ cư quốc thiết như cố hiệu danh, kỳ sứ thiên tử,xưng vương triều mệnh như chư hầu.)

Gần đây,sử gia Trung Quốc là Lưu Mẫn trong bài viết “Khai Quan, Định Luận-Tòng Văn Đế Hành Tỷ Khán Hán Việt Quan Hệ”, cũng nhận định rằng:

“Đứng về phía nước Nam Việt mà xét,thì tinh thần cảnh giới với nhà Hán thật vô cùng rõ ràng.Triệu Đà là người trung nguyên. Tổ phần ở Hà Bắc. Một đời Triệu Đà làm tôi nhà Hán mấy chục năm, theoi lễ nghi, Đà đáng lẽ phài theo định kỳ vào Trường An triều cống thiên tử.Còn đối với tình và lý, Đà phải trở về cố hương để tảo mộ cha mẹ.

Nhưng Đà đã chẳng làm một việc nào cả, lại còn không dám rời khỏi đất Lĩnh Nam nửa bước”.

Triệu Đà, chẳng những đối với bản thân mình thận trọng cảnh giác như vậy, mà còn dặn dò con cháu cảnh giới trong quan hệ ngọai giao với Hán như sau :

Phụng sự Thiên tử, cốt đừng để thất lễ, quan trọng là đừng nghe lời nói ngon ngọt mà vào triều kiến.Nếu vào triều kiến là không trở về được đâu, đó là cái thế mất nước đấy. Nguyên văn chữ Hán : Phụng thiên tử kỳ vô thất lễ,yếu chi bất khả dĩ thuyết hảo ngữ nhập kiến.Nhập kiến tắc bất đắc phúc qui,vong quốc chi thế dã 奉 天 子 期 無 失 禮 要 之 不 可 以 說 好 話 語 入 見,入 見 則 不 得 复 歸 亡 國 之 勢 也 -(Trích Sử Ký của Tư Mã Thiên)

Vì là một nước nhỏ, để giữ nước Đà buộc phải chịu làm thần tử nhà Hán, nhưng luôn giữ thái độ cảnh giác, phòng bị nhà Hán, đó là điều được nhiều sử gia đồng ý.

Đến đời thứ hai của nhà Triệu là Triệu Muội (Theo Đại Việt Sử Ký Tòan Thư tức Triệu Văn Vương Triệu Hồ, con Trọng Thủy, cháu nội Triệu Đà),và đời thứ ba là Triệu Minh Vương Anh Tề ở ngôi, Hán Võ Đế trước sau từng nhiều lần phái sử giả mời vào triều, nhưng hai ông vua này đều lấy cớ giống nhau là có bệnh để không vào triều kiến, chỉ sai con vào làm túc vệ.

Đến đời vua thứ tư nhà Triệu là Triệu Ai Vương Triệu Hưng, khi muốn sắm sửa hành trang và quà biếu, để vào triều kiến, thì trong nước bị chia rẽ, nội lọan, mất đòan kết, Hán sai Lộ Bác Đức đem quân nam hạ, đốt cháy tan kinh đô Phiên Ngung (tức Qủang Châu ngày nay).

Nước Nam Việt của nhà Triệu quả nhiên đã bị mất vì nội lọan và mất đòan kết.

Gỉa sử như sau này,Tể Tướng Lữ Gia của Nam Việt không nổi lên chống Hán, thì nhà Hán cũng không để cho nước này tồn tại mãi được.Nên có sử gia đã nhận định :

“Ngọai hữu quân thần chi danh,nội hữu địch quốc chi thực 外 有 君 臣 之 名 內 有 敵 國 之 實- Bề ngoài là danh nghĩa quân thần,sự thực bên trong là hai nước thù địch”

Đó là thực chất của quan hệ Hán Việt vào đầu tiền thế kỷ thứ hai.

Đến dây, người viết xin trở lại với bài viết

C – Về Sách Hoài Nam Tử .

Sách ” Hòai Nam Tử ” còn có tên là ” Hòai Nam Hồng Liệt ” .Khi mới đọc sơ tựa đề của sách, có người lầm lẫn cho rằng Hoài Nam Vương Lưu An là người trứ tác.Thật ra sách này do Lưu An cùng tập thể những người tân khách của ông như Tô Phi,Lý Thượng,Ngũ Bị Và một số người khác cộng đồng sáng tác.

Năm 139 trước Công Nguyên,sau khi Võ Đế lên ngôi được 1 năm, Lưu An đem sách dâng cho Võ Đế, được Hán Võ Đế rất tán thưởng .

Nguyên sách có ba bộ phận gồm nội thư, trung thư, ngoại thư, tổng cộng hơn hai mươi vạn chữ, nay chỉ bảo tồn được phần nội thư có 21 thiên.Sách ” Hoài Nam Tử ” lấy tư tưởng của đạo gia thời Tiên Tần làm chủ đạo, tuy có pha lẫn quan điểm của nho gia, pháp gia, âm dương gia.Nhưng chính như Cao Dụ nhận định ” Tôn chỉ của sách Hòai Nam Tử, rất gần với Lão Tử, mang mác vô vi ” , đó chính là sự kế tục tư tưởng vô vi của Hòang Lão vào thời kỳ đầu nhà Hán.

Sách còn bảo lưu được một số không ít những dật sự và thần thọai truyền thuyết của thời kỳ Tần Hán.Các truyện như ” Nữ Oa Bổ Thiên ” , ” Hậu Nghệ Xạ Nhật ” , ” Hạ Vũ Trị Thủy ” , ” Hằng Nga Bôn Nguyệt ” , ” Tái Ông thất Mã ” , đều do sách ” Hoài Nam Tử ” mà được lưu truyền lại hậu thế.

Trong ” Hòai Nam Tử ” còn cho chúng ta thấy những thông tin quí giá liên quan đến lịch sử nước Nam Việt. Chẳng hạn ” Hòai Nam Tử ” bảo rằng mục đích xâm lăng Nam Việt của Tần Thủy Hoàng chỉ vì tham châu báu, vàng bạc, ngà voi, sừng tê, đồi mồi, chim lông thúy của Nam Việt, đồng thời ký thuật một cách tường tận rõ ràng việc Tần Thủy Hòang phái Đồ Thư sang xâm chiếm Lĩnh Nam như đọan dưới đây:

” Tần Thủy Hòang vì tham những sừng tê giác, ngà voi, lông chim thúy,châu bấu ngọc ngà,nên phái Uý Đồ Thư đem năm chục vạn binh tốt,chia làm năm đạo quân tiến vào Lĩnh Nam.

-Một đạo đóng chặn ở dẫy núi thuộc Đàm Thành.

-Một đạo chiếm giữ chỗ hiểm yếu ở Cửu Nghi.

-Một đạo đóng ở kinh đo Phiên Ngung.

-Một đạo chiếm giữ biên giới Nam Dã.

-Một đạo tập kết ở sông Dư Can.

Trong ba năm binh lính không được cởi bỏ giáp trụ, cung tên,và phái viên quan Gíam Lộc vận chuyển lương thực nhưng không đựơc, mới dùng binh sĩ để đào ngòi nước lấy đường tải lương, đánh nhau với người Việt, giết đuợc vua Tây Âu là Dịch Vu Tống, nhưng người Việt đều bỏ chạy vào rừng thưa, sống chung với cầm thú, không chịu để quân Tần bắt làm tù binh, rồi cùng nhau chọn người kiệt tuấn lên làm tướng, ban đêm ra đánh nhau với quân Tần, giết được Đồ Thư, quân Tần bị chết lưu huyết có đến mười vạn,sau Tần phải đem trích nhung đến phòng bị “

Ngoài những thông tin khả tín quý giá này, sách ” Hoài Nam Tử ” còn có những chi tíết hiếm hoi liên quan đến văn hóa, phong tục, lịch sử cổ thời kỳ Tần Hán. Một phần vì sách được viết vào thời điểm không quá xa với nhưng sự kiện xẩy ra, và một phần, vì đất phong của Lưu An tiếp cận với vùng Lĩnh Nam.

Sách ” Hoài Nam Tử ” vốn có tên là ” Hồng Liệt ” ,sau nhờ Lưu Hướng người thời Tây Hán hiệu đính mới có tên là ” Hòai Nam ” .Trong sách ” Tùy Thư – Kinh Tịch Chí ” mới bắt đầu gọi là ” Hoài Nam Tử ” .

Hoài Nam Tử có nhiều bản lưu hành khác nhau.Đời Đông Hán có các bản do Cao Dụ chú giải, và bản của Hứa Thận chú giải.Và nay có ” Hòai Nam Hồng Liệt Tập Giải ” của Lưu Văn Điển rất có giá trị.

D – Về Lưu An

Chúng tôi xin tóm lược trích dịch ra một đọan về Hòai Nam Vương Lưu An trong ” Hoài Nam Hành Sơn Liệt Truyện ” thuộc Sử Ký của Tư Mã Thiên như sau :

Lưu An là con Lưu Trường, cháu nội Hán Cao Tổ Lưu Bang, và là chú của Hán Võ Đế.

Hoài Lệ Vương Lưu Trường vốn là con út của Cao Tổ, mẹ của Lưu Trường vốn là mỹ nhân của Triệu Vương Trương Ngao. Năm Cao Tổ bát niên, tức năm tức năm 199 t CN, Cao Tổ từ Đông Viên đi qua đất Triệu, Trương Ngao đem mỹ nhân hiến cho Hán Cao Tổ Lưu Bang, được Lưu Bang sủng hạnh, có thai và sinh ra Lưu Trường.

Sau này Lưu Trường mưu phản, bị đầy và nhịn ăn chết trên đường lưu đầy, như trên đã trình bầy.

Năm 164 t CN, Văn Đế chia đất Hòai Nam làm ba phần để chia cho ba người con của Lưu Trường, là Phụ Lăng Hầu Lưu An làm Hòai Nam Vương, An Dương Hầu Lưu Bột làm Hành Sơn Vương, Dương Chu Hầu Lưu Tứ làm Lư Giang Vương.

Đến năm 154 t CN, đời Hán Cảnh Đế, xẩy ra cái lọan mà sử gia gọi là Ngô Sở Thất Quốc Chi Lọan, Lưu An muốn phát binh hưởng ứng, nhưng có vị tướng quốc khuyên ngăn, nên không thành.

Lưu An không ham thích săn bắn, chỉ thích đọc sách, đánh đàn, và là người bác học thiện văn, thường cùng với tân khách làm thơ sọan sách.Trong nước, Lưu An lấy nhân nghĩa để trị quốc, vỗ về dân chúng, được thiên hạ khen ngợi, nhưng đối với cái chết của phụ thân ông vẫn mang niềm óan hận, muốn khởi binh làm phản, nhưng chưa có cơ hội.

Năm Kiến Nguyên nhị niên, đời Hán Võ Đế, tức năm 139 t CN, Lưu An vào triều, gặp Võ An Hầu Điền Phân, vốn là chỗ giao tình thân thiết với Lưu An. Phân kín đáo nói riêng với An rằng :

-Kim thượng không có Thái Tử, nếu sớm chiều giá băng, thì người nối nghiệp không ai bằng đại vương được.

An nghe nói thế, trong lòng rất lấy làm cao hứng, khi trở về nước bèn âm thầm bỏ tiền hối lộ các quận thú, huyện lệnh, để chiêu mộ nhân tài.Trong những môn khách nổi tiếng của Lưu An người ta thấy có Tô Phi, Lý Thượng, Tả Ngô, Trần Do, Ngũ Bị, Mao Chu, Lôi Bị, Tấn Xương, được xưng hiệu là ” Bát Công 八公 ” .Đồng thời, An còn lo sắm sửa những binh khí tác chiến, để chuẩn bị nhòm ngỏ đế vị.

Lưu An còn có một người con gái tên là Lăng, thông tuệ mà lại có tài biện bác, thường được An cho rất nhiều tiền, để kết giao với những người tả hữu thân cận của Hán Võ Đế, để thăm dò tin tức.

Lưu An lại có người con trai là Lưu Thiên ở ngôi Thái Tử, lấy cháu ngọai của Vương Thái Hậu, nhưng Lưu An sợ vợ của Lưu Thiên tiết lộ nội tình, bèn lập kế cho vợ của Lưu Thiên phải trở về Trường An.

Vợ An cùng với con gái và Thái tử Thiên ỷ vào sự đắc sủng của làm những điều phạm pháp càn bậy.

Đến năm Nguyên Sóc ngũ niên, tức năm 124 t CN, Thái Tử Lưu Thiên học kiếm thuật, thường tự phụ là không ai giỏi bằng mình, thấy viên Lang Trung Lôi Bị là người sành dùng kiếm, mới mời Bị đến để tỉ thí, nhưng Bị tái mấy lần chối không được. Kết quả, Thái Tử Thiên bị Lôi bị đâm trúng, khiến cho Thái tử tức giận.

Lôi Bị sợ hãi, xin được tòng quân đi đánh Hung Nô, nhưng không được phép, Lôi phải bỏ trốn vào Trường An rồi dâng thư lên triều đình kêu oan.Võ Đế xuống lệnh cho quan Đình Úy và viên quan coi quận Hà Nam thẩm lý vụ án.

Viên quan Hà Nam tâu xin được bắt để trị tội Thái Tử Lưu Thiên.Các vị công khanh còn đòi bắt luôn cả Hoài Nam Vương Lưu An nữa. Lưu An biết tin, trong lòng đâm hỏang sợ, có ý muốn khởi binh làm phản ngay. Sau nhân Võ Đế không nghe lời tâu của các công khanh, và chỉ phái người đến trách Lưu An về việc Lôi Bị mà thôi, đồng thời cắt bớt hai quận của An.

Việc bị tước hai quận khiến cho Lưu An cảm thấy bị xỉ nhục, ý muốn khởi binh làm phản càng nôn nóng.

An cho gọi Ngũ Bị vào thương lượng việc khởi sự; và bảo với Bị rằng :

-Hòang thượng không có Thái Tử, nếu như giá băng, các bậc phụ chính nhất định sẽ đưa Giao Đông Vương lên làm vua, còn không thì là Thường Sơn Vương.Bấy giờ các chư hầu sẽ nổi lên đánh lẫn nhau, ta lẽ nào lại không chuẩn bị trước.Vả ta là cháu của Cao Tổ, bản thân thi hành nhân nghĩa.Bệ hạ đãi ta hậu hĩ, nên ta còn nhẫn nhịn.Khi bệ hạ giá băng rồi, ta lẽ nào lại chịu quay mặt hướng bắc mà xưng thần với đứa trẻ ranh ấy.

Ngũ Bị nghe nói thế lấy làm buồn, bèn lấy việc Ngũ Tử Tư can gián Ngô Vương để khuyên cản Lưu An.

Ngũ Bị bảo với Lưu An rằng :

-Thiên Tử khoan hồng xá tội cho đại vương.Đại vương lẽ nào lại nói những lời vong quốc như thế.Thần nghe nói ngày xưa Ngũ Tử Tư khuyên gián Ngô Vương, nhưng Ngô Vương không dùng, nên Ngũ Tử Tư mới có câu nói : ” Mắt thần sắp thấy Cô Tô Đài bị san bằng bình địa,và hươu nai sẽ dạo chơi ở đấy ” .Còn như giờ đây, mắt thần cũng sắp thấy cảnh nuớc mất nhà tan, người chết, cung điện hoang phế cỏ gai mọc đầy, vạt áo ướt đẫm sương mai.

Lưu An cả giận, bèn bắt giam cha mẹ Ngũ Bị.

Mấy tháng sau, Lưu An lại cho vời Ngũ Bị vào cung, hỏi :

-Tướng quân có đáp ứng lời của quả nhân không ?

Bị đáp :

-Không ! Thần đến để bàn truyện với đại vương mà thôi.Thần nghe nói, bậc thông giả có thể nghe được tiếng nói của cái không có tiếng nói. Bậc minh triết, có thể biết trước được cái kết quả cuả việc chưa hề phát sinh.Cho nên, thánh nhân làm việc gì, thì việc đó phải hòan tòan chắc chắn không thể sai lầm được.

Ngày xưa, vua Văn Vương mỗi lần làm việc gì, thì chiếu rọi ngàn đời, nên được đứng đầu cả tam vương, vì đó là những việc làm thuận với ý trời, hải nội hẹn kỳ mà vào chầu, tự nhiên hưởng ứng.Đó là những việc có thể thấy trước được cả ngàn năm. Đến như, việc nhà Tần làm cách đây trăm năm, việc bẩy nước Ngô Sở mới làm gần đây, đủ làm gương cho thấy lẽ tồn vong của quốc gia.Thần không vì sợ bị chu lục mà không hết lòng can gián như Ngũ Tử Tử, xin đại vương đừng như vua Ngô, bỏ ngoài lỗ tai lời nói của thần.

Ngày xưa nhà Tần phế hết đạo thánh hiền, giết nho sinh, đốt Thi, Thư, bỏ lễ nghĩa, sùng thượng ngụy trá, thích dùng hình phạt, đem thóc gạo ở trong nước đổ ra ngoài biên ải.Trong khi đó, đàn ông cày bừa cực khổ, mà cám bã không đủ ăn.Đàn bà dệt cửi suốt ngày, cũng không đủ vải che thân. Nhà Tần lại phái Mông Điềm xây cất Trường Thành, đông tây dài mấy ngàn dặm.Hàng chục vạn quân thường phải hành quân tại ngọai, người chết không sao kể hết, thây phơi đầy nơi hoang dã, máu suôi ngàn dặm.Sức dân khô kiệt, nên mười nhà có đến năm nhà muốn nổi lên làm lọan.

Tần Thủy Hòang lại phái Từ Phúc ra biển để tìm thần tiên xin thuốc trường sinh. Từ Phúc ở biển trở về, nói dối Tần Thủy Hoàng : ” Thần có gặp một vị đại tiên ở ngòai biển.Đại tiên hỏi thần rằng :

-Ông có phải là sứ giả của vị vua phía tây không ?

Thần trả lời :

-Thưa đúng vậy.

Lại hỏi :

-Ông đến đây tìm gì ?

Thần thưa :

-Muốn xin thuốc trường sinh (diên niên ích thọ 延 年 益 壽.)

Đại tiên lại nói :

-Lễ vật của vua Tần nhà ngươi ít quá, thuốc “diên niên ích thọ” ta chỉ cho ngươi thấy, chứ không được lấy mang về.

Rồi đưa thần đến Bồng Lai Sơn ở đông nam hải, thần thấy cỏ linh chi mọc đầy cửa khuyết, có một vị sứ giả sắc mặt như đồng, hình dáng như rồng, hào quang rực rỡ.Bấy giờ thần mới vái thêm lần nữa mà hỏi :

-Vậy phải dâng lễ vật lọai nào thì mới được ngài ban thuốc.

Đại tiên nói :

-Lễ vật phải là đồng nam đồng nữ, cùng với các lọai thợ mới được.

Tần Thủy Hòang nghe Từ Phúc tâu xong thì cả mừng, sai lấy ba ngàn đồng nam đồng nữ, các lọai ngũ cốc, và các lọai thợ, giao cho Từ Phúc đem đi.Nhưng Từ Phúc tìm đến một vùng bình nguyên đại trạch, bèn lưu lại sống ở đấy, tự xưng là vua mà không trở về nữa.Vì thế, dân chúng đau khổ, thương nhớ con cái, mười nhà có đến sáu nhà muốn làm phản.

Tần Thủy Hoàng lại phái Úy Đà vượt Ngũ Lãnh tấn công Bách Việt.Úy Đà thấy trung quốc đã lao khổ cùng cực, bèn ở lại Nam Việt, tự lập làm vương, cũng không trở về nữa, và dâng thư về xin ba vạn con gái chưa chồng đến, để may vá cho binh sĩ, nhưng Tần Thủy Hòang chỉ cho có một vạn năm ngàn ngừơi.Đến lúc đó, lòng người ly tán, mười nhà có đến bẩy nhà muốn làm phản…..

Lưu An nghe xong thì lòng buồn rầu rĩ, nước mắt lưng tròng, đứng dậy lần từng bước xuống bậc thềm.

Đến năm Nguyên Sóc lục niên, tức năm 123 t CN, cháu nội của Lưu An là Lưu Kiến, vì ghen tức, cho người dâng thơ lên triều đình tố cáo Thái Tử Lưu Thiên bất pháp.Cha của Lưu Kiến là Lưu Bất Hại, là con trưởng của Lưu An, nhưng không được An yêu quý, nên Kiến bất bình, ý muốn trừ khử Lưu Thiên, để cho cha lên làm thái tử.

Hán Võ Đế được thư, bèn xuống lệnh cho quan Đình Uý xét việc này.Đinh Úy lại giao cho Thứ Sử Hà Nam thẩm lý, gọi Lưu Kiến đến Hà Nam thụ thẩm.

Bấy giờ cháu của cố Tích Dương Hầu 辟 陽 侯 là Thẩm Khanh, vốn thân thiện với quan Thừa Tướng Công Tôn Hoằng, óan hận cha của Lưu An là Lệ Vương Lưu Trường giết tổ phụ mình, nên trước mặt Hoằng thường đặt điều thêu dệt thêm vào.Vì thế, Hoằng tin là Hoài Nam Lưu An có âm mưu phản nghịch, nên đối vụ án càng cứu xét kỹ hơn.

Khi bị hỏi cung, Kiến khai tội liên can đến Lưu An, và Lưu Thiên cùng đảng vũ.

Lưu An trong lòng lo lắng, muốn khởi binh ngay.Một lần nữa lại vời Ngũ Bị vào để hỏi việc “trị lọan” trong triều đình.

Ngũ Bị thưa là “thiên hạ thái bình”.An nghe thế, không vui, hỏi Bị :

-Ông dựa vào đâu mà bảo thiên hạ thái bình “.

Ngũ Bị giải thích :

-Thần trộm xét thấy việc chính trị của triều đình, nghĩa thần tử vua tôi, tình thân phụ tử,sự khác biệt giữa vợ chồng, thứ tự già trẻ, đều được giữ thỏa đáng, đúng đạo lý.Việc làm của hòang thượng cũng đều tuân theo đạo cũ.Phong tục kỷ cương chưa có gì là khuyết điểm.Phú thương, cự cổ, hàng hóa lưu thông khắp nơi.Đường đi lại không chỗ nào không thông.Việc buôn bán không bị trở ngại.Phía nam có nước Nam Việt thần phục.Đông Âu xin hàng.Phía bắc, mở rộng đất Trường Du ra ngòai biên tái, lập thêm Sóc Phương.Đánh bại Hung Nô, không còn đất cứu viện để nổi dậy nữa.Tình hình trứơc mắt, tuy không thể nói là thái bình hơn thời cổ, nhưng có thể nói là được trị an.

Lưu An nghe xong, lấy làm giận.Bị vội vã tạ tội.

Lưu An lại hỏi :

-Gỉa sử vùng Sơn Đông phát sinh biến lọan, triều đình tất sẽ phái Đại Tướng Quân Vệ Thanh cầm quân đánh dẹp, ông thấy Đại Tướng Quân Vệ Thanh là người thế nào ?

Bị thưa :

– Thần có người quen là Hòang Nghĩa, từng theo Đại Tướng Quân Vệ Thanh đánh Hung Nô trở về, kể cho thần biết rằng Vệ Thanh đối với sĩ đại phu rất là có lễ, đối với binh sĩ thì ban ơn, nên mọi người đều vì Vệ Thanh mà hết lòng phục vụ.Vệ Thanh thường cưỡi ngựa lên núi xuống núi như phi, tài cán tuyệt luân.Một người tài năng như thế, lại nhiều lần cầm quân, quen với chinh chiến, không phải dễ dàng đối địch.

Lưu An hỏi đến việc Ngô Vương Lưu Tị, trước đây cầm quân đứng đầu bẩy nước khởi binh tạo phản là đúng hay sai.

Bị cho rằng là sai, đồng thời khuyên Lưu An nên suy nghĩ kỹ càng, đừng nên bắt chước Ngô Vương Lưu Tỵ, mà sau này hối không kịp.

Nhưng Lưu An bảo rằng :

-Đại trượng phu đã nói đến tạo phản, thì dù có vì câu nói đó mà chết cũng cam.Vả, Ngô Vương Lưu Tỵ đâu có hiểu gì về thuật khởi binh tạo phản, không biết đưa quân đến trấn giữ cửa khẩu Thành Cao, để đến nỗi trong một ngày có đến bốn chục viên tướng của triều đình đi qua cửa đó.Nếu như ta cầm quân, thì trước hết ta phái Lâu Hoãn đem quân chặn đóng cửa Thành Cảo.Chu Bị đem quân Dĩnh Xuyên chặn ở núi Hiên Viên, và đường Y Khuyết.Trần Định đem quân Nam Dương trấn giữ Võ Quan.Như thế có thể khống chế được Thái Thú Hà Nam.Còn lại chỉ có Lạc Dương thôi, đâu có gì phải lo gì nữa. Còn mặt bắc, ta chỉ cần chiếm giữ những chỗ hiểm yếu ở Tam Xuyên, rồi liên lạc với quân Sơn Đông.Chiến lược sắp xếp như thế ông thấy thế nào ?

Bị đáp :

-Thần chỉ thấy hại mà không thấy lợi ?

Lưu An lại nói :

-Tả Ngô, Triệu Hiền, Chu Kiều đều cho như thế là có lợi, thành công đến chín phần mười.Sao ông lại cho là hại, thế là nghĩa làm sao ?

Bị thưa :

-Những cận thần của đại vương, bình thường chỉ biết hiệu triệu quần chúng. Còn mấy người đại vương kể trên đây, đều đã có chiếu lệnh bắt tù.Người còn lại thì không dùng được.

Nhưng Lưu An phản bác :

-Thế như Trần Thắng, Ngô Quảng là những người không mảnh đất cắm dùi, tụ tập được không quá một ngàn người, nổi lên từ nơi đầm trạch, giơ tay hô lên, mà gọi được thiên hạ hưởng ứng, khi đến đất Hí đã có một trăm hai mươi vạn người đi theo.Còn như nước ta, tuy không lớn nhưng giáp trụ kiên cường, binh sĩ tinh nhuệ có hơn mười vạn, vì sao ông lại cho là có hại mà không có lợi ?

Bị đáp :

-Ngày trước nhà Tần vô đạo, tàn hại thiên hạ, dùng hàng vạn cỗ xe để xây cất cung A Phòng, bắt dân nộp thuế đến hai phần ba lợi tức của mình, đem hết những người nghèo khổ sống ở lư tả đầy ra làm lính thú ngòai biên ải.Cha không bảo vệ được con.Anh không giúp được em.Chính lệnh bạo ngược.Hình pháp khắt khe.Khiến cho bách tính kêu than thảm thiết như ngồi trên lửa đỏ.Ai ai cũng ngẩng cổ trông mong, nghiêng tai nghe ngóng, nhìn trời mà gào khóc, bảo nhau mà óan than.Vì thế mà Trần Thắng chỉ hô một tiếng là thiên hạ hưởng ứng.Ngày nay thiên tử giám chế thiên hạ, thống nhất hải nội, ban ân bố đức.Gỉa sử có bế khẩu im lặng không lên tiếng, thì thanh âm còn lớn hơn cả sấm động.Không ban hiệu lệnh, mà giáo hóa còn nhanh hơn cả thần minh, bụng mới nghĩ mà đã chấn động vạn lý, dưới vâng lời trên bảo.Còn tài năng của Đại Tướng Quân Vệ Thanh, ngòai Chương Hàm, Dương Hùng không ai có thể bằng.

Vậy mà Đại Vương đem tình trạng ngày nay mà so với thời Trần Thắng, Ngô Qủang khởi binh, thần cho như thế là sai.

Lưu An nói :

-Nếu nói như ông, thì ta chẳng có chút cơ may nào nữa sao ?

Bị thưa :

-Thần tất có kế đây.

– Kế như thế nào ?

Bị đáp :

-Lúc này chư hầu không nước nào có bụng làm phản.Trăm họ không có ai óan thán..Các châu quận ở Sóc Phương thì đất đai rộng rãi, thủy thảo xanh tốt, số người đưa đến đây không đủ để khai thác đất này. Theo như kế của thần, đại vương nên làm giả tấu chương của các quan Thừa Thướng, và Ngự Sử, xin hòang thượng xá miễn tội của những hào kiệt, nhậm hiệp, những người chờ ân xá ở các quận, và những người gia sản có trên năm vạn, đều ép phải đưa tất cả gia thuộc của họ đến các quận ở Sóc Phương. Đồng thời, phái nhiều binh sinh thúc bách họ phải mau chóng tập hợp để lên đường. Sau đó lại làm giả chiếu ngục thư của các quan Tả, Hữu Tư Không, Đô Tư Không, Thượng Lâm Trung Đô Quan đi bắt các Thái Tử và các cận thần nắm giữ quyền hành của các vua chư hầu.Như thế bách tánh tất óan hận, chư hầu sẽ hoảng sợ, sau đấy đại vương phái biện sĩ đến du thuyết các họ, họa chăng có được một phần mười thời cơ may mắn.

Lưu An nói :

-Kế của ông có thể dùng được.Tuy nhiên, nếu không xong cũng phiền.

Sau đó Hoài Nam Vương Lưu An, cho gọi quan nô vào cung, làm những loại ấn của Hoàng Đế, và của các quan Thừa Tướng, Ngự Sử, Đại Tướng Quân, Trung Nhị Thiên Thạch, Đô Uý…để thực hành kế họach của Ngũ Bị.Rồi lại phái người giả trang bị tội đến kinh sư, vào phụng thị cho Đại Tướng Quân Vệ Thanh và Thừa Tướng Công Tôn Hoằng, chờ đến khi Hoài Nam Vương phát binh nổi dậy thì ám sát giết Đại Tướng Quân Vệ Thanh, và khuyên thuyết Thừa Tướng Công Tôn Hoằng tuân phục Lưu An, và cho đó là việc dễ như lấy khăn trên đầu xuống..

Còn như ngày phát binh,Lưu An chưa quyết định.

Hán Võ Đế nghe tin Thái Tử của Hoài Nam Vương là Lưu Thiên làm nhiều điều bất pháp, mới nhân việc bổ nhiệm Đình Uý Giám Thừa làm Hoài Nam Trung Uý, lợi dụng cơ hội để bắt Thái Tử.

Khi Trung Uý đến Hoài Nam, Lưu An muốn phát binh nổi dậy, nhưng do dự.Còn Thái Tử thì cắt cổ tự sát nhưng không chết.Ngũ Bị ra đầu thú, tự khai là mình với Hoài Nam Vương Lưu An có âm mưu làm phản.Và mưu kế làm phản sẽ thực hành đúng theo như đã thuật trên đây.

Hán Võ Đế ra lệnh cho Thừa Tướng Công Tôn Hoằng và Đình Uý Trương Thang xét cho ra vụ án Lưu An mưu phản, rồi phái Tông Chính Lưu Khí mang phù tiết đến Hoài Nam để trị tội. Lúc Lưu Khí chưa đến nơi thì Hòai Nam Vương Lưu An cắt cổ tự vẫn chết năm 122 t CN, chung niên 58 tuổi.

An là người yêu thích văn học, thông minh mẫn tiệp, giỏi về từ phú, ngoài sách “Hoài Nam Tử”, viết chung với những môn khách ra,theo ” Hán Thư ” ghi là có 28 bài phú. An từng phụng mệng Võ Đế viết “Ly Tao Truyện”, là trứ tác đầu tiên thuyết giải về “Ly Tao”

Vợ An, Vương Hậu là Trà, Thái Tử là Thiên cùng những người tham dự vào âm mưu phản nghịch đều bị tội diệt tộc.Riêng về Ngũ Bị, Hán Võ Đế nhân thấy cung t

0