Lâu đài trên cát
Vũ Ngự Chiêu Từ ngày 7/3/1975, khi Văn Tiến Dũng bắt đầu cô lập Ban Mê Thuột, tới ngày 30/4/1975, khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, vừa chẵn 55 ngày. Thật khó ngờ chỉ trong vòng 55 ngày và 55 đêm mà đạo quân hơn một triệu người–có hơn phần tư thế kỷ kinh nghiệm tác chiến, với ...
Vũ Ngự Chiêu
Từ ngày 7/3/1975, khi Văn Tiến Dũng bắt đầu cô lập Ban Mê Thuột, tới ngày 30/4/1975, khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, vừa chẵn 55 ngày.
Thật khó ngờ chỉ trong vòng 55 ngày và 55 đêm mà đạo quân hơn một triệu người–có hơn phần tư thế kỷ kinh nghiệm tác chiến, với những vũ khí khá hiện đại như Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa [VNCH]–bị sụp đổ hoàn toàn. Cảnh tượng “bỏ của chạy lấy người”suốt tháng 3/1975 của các đơn vị Nam quân khiến đó đây vang lên chỉ trích nặng nề như “hèn nhát,” “tồi dở” v.. v… (1)
Sự thảm bại ấy, thực ra, chỉ là đoạn kết bi phẫn ngắn ngủi khó tránh của một cuộc chiến kéo dài đã hơn 30 năm. Những hình ảnh điên loạn mà ống kính các phóng viên quốc tế thu nhận được chẳng khác cảnh vỡ đê trước con nước lũ, hay sự sụp đổ của một tòa lâu đài dựng trên bãi cát, khi nước triều dâng lên.
Có rất nhiều nguyên nhân đưa đến thảm kịch 55 ngày và 55 đêm suốt mùa Xuân Ất Mão (1975) ấy.
Trên bình diện quốc tế, 20 năm hiện hữu của VNCH là hai thập niên của “chiến tranh ủy thác” [proxy wars]. Từ năm 1945-1949, cuộc chiến tranh giành độc lập của dân Việt khỏi họa đô hộ Pháp đã bị quốc tế hóa thành một chiến trường nóng, đầy xương máu, khói lửa, trong một cuộc chiến tranh lạnh toàn cầu, giữa hai khối Tư Bản và Cộng Sản (1947-1991). Chế độ Quốc Gia Việt Nam [QGVN] (1949-1955) với Quốc trưởng Bảo Đại, và rồi VNCH (1955-1975)–giống như chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa [VNDCCH] (1945-1976) ở miền Bắc–là những kết quả và/hoặc sáng chế của các ngoại cường trong cuộc sửa đổi bản đồ chính trị thế giới. Bên cạnh chủ đích chiến đấu để sống còn của những người chống hoặc không Cộng Sản, VNCH trở thành một tiền đồn của “thế giới tự do” dưới sự lãnh đạo và tài trợ của Liên bang Mỹ–”kho súng” của nền dân chủ. Phía VNDCCH, với tấm bình phong Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam [MTDT/GPMN] từ tháng 12/1960–một dụng cụ chính trị do Hà Nội khai sinh và nuôi dưỡng–thì giữ vai tiền đồn của tiền đồn khối “Chủ Nghĩa Xã Hội” do Liên Sô Nga và Trung Cộng tranh nhau cầm đầu. Tính cách ủy thác lên cao điểm năm 1965, khi chính phủ Johnson đưa quân chiến đấu vào Nam Việt Nam và oanh tạc miền Bắc. Liên Sô Nga và Trung Cộng–với những dụng tâm riêng–miễn cưỡng đổ viện trợ vào miền Bắc cho Hà Nội có khả năng đương đầu với Mỹ.
Trong khuôn khổ cuộc chiến ủy thác ấy, vai trò quyết định là các siêu cường. Phía Mỹ, từ năm 1968–nếu không phải sớm hơn–đã duyệt xét lại chính sách Việt Nam và đi đến quyết định giải kết.
Có nhiều nguyên do. Trước hết là kinh tế. Vào giữa thập niên 1960, sự phong phú, giàu có sau Đệ Nhị Thế Chiến (1939-1945) đã trở thành dĩ vãng. Chiến phí ở Việt Nam tạo nên những lỗ hổng khổng lồ cho công quĩ chính phủ Liên Bang. Chỉ một thiểu số đại tư bản Mỹ cùng những quốc gia thứ ba như Nhật, Nam Hàn, Sư Tử Thành [Singapore], Thái Lan, Philippines, Malaysia, Indonesia, v.. v… hưởng lợi. Cảm nhận chung của giới chính trị Mỹ–kể cả Richard M. Nixon lẫn Henry A. Kissinger–là nước Mỹ bắt đầu suy thoái, cần thay đổi chiến lược trong một thế giới mới. Mỹ không thể tiếp tục làm nhà từ thiện toàn cầu, cung cấp viện trợ rộng rãi cho các “thân chủ đồng minh,” mà phải thắt lưng, buộc bụng và lựa chọn kỹ càng hơn. Khuynh hướng cắt giảm viện trợ kinh tế và hạn chế ngân quĩ quốc phòng trở thành một nhu cầu hơn thuần hậu quả của chủ thuyết “tự cô lập mới” [neo-isolationism].(2)
Tại Á Châu, Trung Đông, Phi Châu và vùng Mỹ Latin (tức Trung và Nam Mỹ) nhiều quốc gia mới được khai sinh, thay đổi hẳn cuộc diện chính trị thế giới cũng như thế cân bằng quyền lực do hai siêu cường Mỹ-Nga thống trị. Thực tế này cho phép nghĩ đến một thí nghiệm “đa cực” [multipolarity] thay vì “lưỡng cực” [bipolarity] đang trở thành lỗi thời. (3)
Trong khi đó, khối Cộng Sản bắt đầu rạn nứt dài theo sự khác biệt trong việc ứng dụng chủ thuyết Marxist-Leninism (“xét lại” v/s “giáo điều”)–dù trên thực chất là sự tranh chấp quyền lợi và lãnh thổ trong bối cảnh “cuộc cách mạng văn hóa,” cùng sự tranh giành quyền lực giữa hai phe “Tứ Nhân Bang” và “cải cách” do Đặng Tiểu Bình cầm đầu tại Trung Nam Hải.(4)
Về phương diện chính trị, phong trào phản chiến ngày một lan tràn. Mặc dầu tổng số lính Mỹ tử trận suốt 8 năm tham chiến không bằng số người chết vì tai nạn lưu thông hàng năm trên nước Mỹ, màn ảnh truyền hình đã mang vào hàng chục triệu phòng khách Mỹ mỗi sáng, mỗi tối những hình ảnh ghê rợn của chiến tranh. Cuộc sống cô lập, xa rời thế giới của dân chúng Mỹ bị xáo trộn, đưa đến những phân hóa khó tránh. Các cơ quan tuyên truyền tinh vi của Cộng sản cũng tìm đủ cách khai thác. Bởi thế, phong trào phản chiến bùng lên, đưa bạo lực và rối loạn vào các khuôn viên Đại học–nơi giới sinh viên luôn bị ám ảnh của lệnh nhập ngũ. Phong trào đòi nhân quyền cho dân da đen của Mục sư Martin Luther King cũng rải rắc bạo lực trên đường phố các thị xã lớn. (5)
Về phương diện quân sự, viễn ảnh chiến thắng ngoài tầm tay. Vì thế chiến lược hoàn cầu cũng như khu vực, người Mỹ tự trói mình trong cuộc chiến tranh giới hạn để duy trì hai nước Việt Nam. Nỗ lực của người Mỹ chỉ có thể đạt được với hai điều kiện–xây dựng một chế độ vững mạnh ở miền Nam; và, đập nát tham vọng nhất thống đất nước của Hà Nội. Nhưng, vì nhiều lý do, cả hai mục đích trên đều không đạt được. Đảng Lao Động (Cộng Sản) Việt Nam [LĐVN] lì lợm tiếp tục cuộc chiến, bất kể sự thiệt hại nặng nề về nhân mạng và vật chất, hay cắt đất cắt lãnh hải cho Trung Cộng để xin viện trợ. Trong khi đó, VNCH như đứa trẻ bệnh hoạn từ thuở sơ sinh, ngày càng tùy thuộc vào viện trợ Mỹ, không thể đứng vững hai chân. Phương cách duy nhất là triệt thoái. Vấn đề chỉ còn là cách nào.
Trên bình diện quốc tế, các nước Tây Âu cực lực chống đối sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam. Charles de Gaulle (1890-1970)–người đáng lẽ phải bị truy tố ra truớc Tòa án Hình sự Quốc tế vì đã châm ngòi cuộc chiến Đông Dương từ năm 1944-1945 với ảo vọng tìm lại cho đế quốc Pháp vinh quang của thời tiền chiến, khi thế giới còn nỗ lực biện minh cho chính sách thực dân như một sứ mệnh khai hoá(6)–không ngừng kêu gọi trung lập hoá miền Nam và yêu cầu Mỹ rút quân.
Bri-tên, một đồng minh ruột thịt của Mỹ, hạt nhân của chủ nghĩa Anglo-Saxonism, cũng miễn cưỡng trong việc ủng hộ sự tham chiến của Mỹ; và trên thực tế, từ năm 1965, đóng góp không nhỏ trong nỗ lực tìm giải pháp chính trị. Ngay Vatican–tử thù của chủ thuyết Marxist-Leninism, nguồn yểm trợ tinh thần và nhân vật lực bản xứ cho chiến lược hoàn cầu chống Cộng từ cuối thập niên 1920–cũng “cầu nguyện cho hoà bình.” (7)
Trong khi đó, biến loạn lan tràn tới Trung Đông–kho “vàng đen” của thế giới; nguồn gốc của nhiều biến động vào cuối thế kỷ XX–nơi Mỹ có một đồng minh tí hon, nhưng được sự ủng hộ nhiệt thành của các cộng đồng Jews [Do Thái] giàu có và chi phối giới truyền thông cũng như các khuôn viên Đại học Mỹ nói riêng, và Tây phương nói chung. Ngay tại châu Mỹ, các phong trào vũ trang tả phái cũng nổi lên ở một số quốc gia thân Mỹ.
Chính phủ Richard M. Nixon (1969-1974) là chính phủ Mỹ đầu tiên phải trực diện điều mệnh danh là “hội chứng Việt Nam” [the Vietnam Syndrome]–tức sự miễn cưỡng của dân Mỹ trong việc thủ diễn một vai trò chủ động trên thế giới. Nixon cùng các cộng sự viên muốn giải kết, triệt thoái khỏi Việt Nam, nhưng vẫn hy vọng đạt được hòa bình trong thế mạnh. Đây là bước xuống thang đáng kể so với hy vọng “chiến thắng” của John F. Kennedy hay Lyndon B. Johnson. Nó dựa trên thực tế mới của thế giới, nhưng vẫn hy vọng duy trì được uy tín [credibility] của Mỹ.( 8)
Để thực hiện chính sách giải kết, Nixon–bên cạnh những nỗ lực ngoại giao chân vạc Mỹ-Nga-Trung Cộng–phát động kế hoạch Việt-Nam-hóa chiến tranh. Ý niệm căn bản chẳng có gì lạ, chỉ là bước phải có tiếp theo những gì đã thực hiện từ năm 1950-1951: Jean de Lattre de Tassigny khai sinh ra Quân Đội QGVN–rồi, cố vấn Mỹ huấn luyện và tái tổ chức–và, cuối cùng, Westmoreland rồi Abrams cận đại hóa nó.( 9)
Phi cơ, tàu biển, tăng pháo được chở tới Nam Việt Nam cùng hàng tỉ Mỹ kim quân trang, quân dụng, đạn dược. Sĩ quan, Hạ sĩ quan và binh sĩ được đào tạo tại miền Nam, hay gửi sang Okinawa, Philippines, Malaya, hay Mỹ tu nghiệp. Trên lý thuyết, với hơn triệu tay súng thuộc đủ các quân binh chủng, và cảnh sát, an ninh, Quân lực VNCH phải đủ sức cầm cự ít nữa cũng 5, 10 năm sau ngày Mỹ “rút lui trong danh dự.”
Thực tế, đạo quân khổng lồ này hoàn toàn lệ thuộc vào viện trợ Mỹ, đạn dược, xăng nhớt Mỹ–và, ngay cả kỹ thuật tác chiến Mỹ. Mặc dù sau 30 năm chiến tranh Quân lực VNCH đã có một số cán bộ trung cấp cừ khôi, khả năng Nam quân tùy thuộc vào tiếp vận và hỏa lực yểm trợ. Đáng sợ hơn nữa–và đó là mầm mống của đại họa–VNCH không có lãnh đạo. Người được Mỹ đưa lên cầm quyền năm 1967 và ra sức bảo vệ ở Hội Nghị Paris, chỉ là một loại đánh thuê không hơn, không kém–giống như cái khởi đầu binh nghiệp thông ngôn Pháp chưa xa. Chính sách, từ lớn xuống bé, đều do Tòa Đại sứ, cơ quan MACV và, sau này, cơ quan DAO, hoặc USAID soạn thảo, đôn đốc thực hiện. Đại sứ Ellsworth Bunker và rồi Graham Martin chẳng là gì khác hơn những “Toàn quyền” một thời chưa xa–dù VNCH không ngừng tự xưng là Đồng Minh của Mỹ.
Để chính sách giải kết có được cái vẻ ngoài “danh dự,” ngày 27/1/1973, Mỹ và “ba phe” lâm chiến tại Việt Nam–qua những cuộc mật đàm giữa Kissinger và Lê Đức Thọ, với sự tiếp tay của Nga và Trung Cộng–chính thức ký hai văn bản Hiệp ước chấm dứt chiến tranh và vãn hồi hòa bình Paris. Năm tháng sau, khi những cuộc bắn giết để “bảo vệ hoà bình” ngày một gia tăng, Mỹ và Hà Nội lại ra thêm hai tuyên cáo La Celle St. Cloud. Những cuộc thảo luận song phương giữa những người điếc vẫn tiếp diễn ở Sài Gòn và Paris cho tới năm 1975. Về phần Mỹ, ít nữa với cách suy nghĩ của Kissinger, và những người phản chiến, vậy đã đủ. Sự triệt thoái của Mỹ rất êm thấm. Một số tù binh Mỹ được trao trả. Bạch Cung không còn phải bận tâm vì những cuộc biểu tình phản đối chiến tranh nữa. Chế độ Thiệu-Hương-Khiêm vẫn tại chức ngày người lính Mỹ và tù binh Mỹ cuối cùng rời Việt Nam. Cá nhân Kissinger còn được Hàn Lâm Viện Sweden [Thụy Điển] trao tặng nửa giải thưởng Nobel Hòa Bình, và vào cuối tháng 8/1973, được Nixon mời làm Bộ Trưởng Ngoại Giao–một thành đạt hiếm người tị nạn thực hiện được trong lịch sử Mỹ. Dù trên thực tế Kissinger và chủ thuyết Nixon chỉ giúp Nam Việt Nam không bị bỏ rơi đột ngột như một củ khoai nóng, bất chấp hậu quả, nhưng giai đoạn khởi đầu của đoạn kết đã điểm. Mỹ không thắng, không đạt được mục tiêu mong muốn, nhưng cũng chẳng hề bại trận.
Nhưng cái giá mà người Việt phải trả–Bắc cũng như Nam–quá đắt. Hơn 40 năm tuổi đảng, vào tù ra khám hay ăn bờ, ngủ bụi hàng chục năm, những Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ, Phạm Hùng v.. v… khó thể khoanh tay nhìn miền Nam, miếng mồi ngon đầy quyến rũ. Nên dù Oat-shinh-tân đưa ra món lợi viện trợ tái thiết hậu chiến lên tới 3.25 tỉ Mỹ Kim, và Mat-scơ-va cũng như Bắc Kinh không ngừng khuyên răn nên nghỉ ngơi, đình chiến ít năm, từ tháng 7/1973, Lê Duẩn vẫn khua chiêng, gõ trống cho “bạo lực cách mạng,” quyết dùng họng súng để nhất thống hai miền. Phần Thiệu cũng biết ngày tàn đã điểm. Hệ thống kinh doanh hoạt động mạnh mẽ hơn, vơ vét lần cuối. Để che dấu việc làm bất chính của vợ chồng, họ hàng, phe đảng mình, Thiệu cho lệnh văn công lập đi lập lại “lập trường nhất định bốn không” của “Nguyễn Tổng Thống”–những lời dối trá trơ trẽn. Chỉ có đám đông thầm lặng–những nông dân, công nhân, công chức và quân nhân thấp cổ, bé họng, mà cuộc sống chẳng khác gì cảnh huống những người đứng giữa giòng nước luôn luôn ngập đến cổ, chỉ một đợt sóng gợn nho nhỏ đủ sặc sụa nếu chưa chết đuối–vẫn phải nai lưng chịu đựng hậu quả của tham vọng các tập đoàn cai thầu bản xứ. Tóm lại, chiến thắng quân sự của CSBV ngày 30/4/1975 là hậu quả dĩ nhiên sau khi Mỹ đã tìm được “hoà bình trong danh dự.”
Về phương diện quân sự, quân đội Mỹ có thể truy diệt quân CSBV tại bất cứ nơi nào các cấp chỉ huy muốn. Với vũ khí tối tân, hỏa lực hùng hậu–nếu tin được Hà Nội–Mỹ khiến 300,000 bộ đội CSBV mất tích, và khoảng 1 triệu người chết hoặc thương tật. Tuy nhiên, đạo quân viễn chinh Mỹ khó thể mang lại chiến thắng trong một thời gan ngắn. Và dư luận Mỹ không có sự kiên nhẫn ấy.
Cuộc chiến Việt Nam, nếu VNCH muốn có hy vọng chiến thắng–song song với sự tiếp tay của Liên Bang Mỹ–phải được phát động trên bốn mặt trận cơ bản chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội, và quân sự.
Về phương diện chính trị, mẫu số chung của VNCH là chống Cộng. Nhưng chống Cộng chỉ là lập trường và chính sách, chưa bao giờ được hỗ trợ bằng một học thuyết có đủ chiều sâu triết lý. Không ít người hùng hổ la hét đòi chống Cộng, dù họ chẳng biết Cộng Sản là gì. Giống như những con bò tót lao mình về phía mà bất cứ ai gọi là Cộng Sản. (Chính sách thông tin và giáo dục nhồi sọ tại miền Nam là một lý do). Hơn nữa, “Cộng Sản” ở Việt Nam thực ra chưa là Cộng Sản chính danh–nó là một niềm tin vào bình đẳng kinh tế và xã hội, lồng khung trong cuộc chiến chống thực dân Pháp và tinh thần bài ngoại. Lãnh đạo tổ chức Cộng Sản đa số thuộc giới tiểu trí thức xuất thân tiểu tư sản, phú nông hoặc quan lại cấp thấp bản xứ. Nếu xét kỹ lý lịch ba đời các lãnh đạo và cán bộ Cộng Sản trung cấp trở lên, tất cả đều lôi thôi, có vấn đề. Cha Hồ Chí Minh, tức Phó bảng Nguyễn Sanh Huy, làm tri huyện Bình Khê (Bình Định, năm 1908-1909), trước khi bị cách chức, tống giam vì “nghiện rượu và tàn ác với dân chúng.” Cha Phạm Văn Đồng làm quan tại Huế, và gửi Đồng ra Hà Nội học trường Bưởi, chờ ngày thi Tú Tài. Võ [Nguyên] Giáp, thuộc gia đình “phú nông,” vừa dạy học, làm báo, vừa ghi danh học trường Luật. Đặng Xuân Khu, cha thuộc thành phần phú nông, bị trục xuất khỏi trường Cao Đẳng thương mại sau khi tham dự những cuộc bãi khóa xin ân xá cho Phan Bội Châu, làm quốc tang cho Phan Châu Trinh, và rồi gia nhập Đảng CSĐD năm 1929. (10)
Đa số những người yêu nước chân chính bị đặt vào thế tấn thoái lưỡng nan–không thể sống chung với những kẻ chẳng cần dấu diếm ý định bắt họ phải ngừng hiện hữu, và thẳng tay tàn sát, cướp đoạt công lao đánh Pháp giành độc lập cùng tài sản ruộng vườn của họ; nhưng phía bên này, phe ta, nhá nhem đủ loại bóng tối và sức ly tâm. Chiêu bài “quốc gia” mà người Pháp, và rồi “quốc gia thực sự” người Mỹ lo xây dựng, bảo vệ chỉ có hình thức. Chế độ QGVN của Bảo Đại (1949-1955) không có được sự độc lập và chủ quyền tối thiết. Mãi tới giữa năm 1953, khi đại đa số quốc dân Pháp đã đòi hỏi chấm dứt cuộc chiến tranh đắt giá, Paris mới cho phép “kiện toàn” nền độc lập của QGVN, và phải tới ngày 4/6/1954, Hiệp ước Kiện toàn Độc lập mới được ký tắt giữa Thủ tướng Joseph Daniel và Bửu Lộc, để thay thế Hiệp ước Elysée (8/3/1949) và Pau (1950). Đây là nỗi khổ tâm và bối rối cho rất nhiều người không Cộng Sản. Họ chẳng có lựa chọn nào khác hơn là cố gắng vun đắp cho chế độ, chống lại chiến thắng của Cộng Sản, trong khả năng hạn hẹp của mình, với hy vọng ngày càng biến thành ảo vọng là chế độ sẽ cải thiện, hiệu lực hơn. Nhưng những cá nhân và tổ chức yêu nước chân chính bị loại sang bên lề lịch sử, với những danh hiệu như trùm chăn, hay kinh niên bất mãn. Từ năm 1946, phất cao ngọn cờ chống Cộng tại các dinh thự, công viên, nhà hát lớn nhỏ là thành phần cựu công chức, quan lại, quân nhân của thực dân Pháp, với những chồng hồ sơ bảo đảm sự trung thành của họ với mẫu quốc, cùng những kẻ thời cơ và hủ Tây.
Thêm vào đó là những tổ chức tôn giáo–do chỉ thị từ ngoài nước như Ki-tô giáo từ cuối thập niên 1920, hoặc do hận thù cá nhân như Hòa Hảo sau cái chết của Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ (1919-1947), hay do nhiều lý do cá biệt như Cao Đài. Nhiều tăng sĩ Phật giáo như Hòa thượng Tố Liên, Tâm Châu, Quảng Độ, v.. v… từng là nạn nhân của “bạo lực cách mạng”–tức những hành vi chôn sống, cắt cổ mổ bụng, khoét mắt, cắt lưỡi man rợ những người không theo Cộng Sản, cùng các nhà tu hành. Chiêu bài sính dụng nhất cho các nhóm này là lấy niềm tin tôn giáo (tín ngưỡng) chống lại chủ thuyết vô thần. Từ một mắt nhìn nào đó, lập trường này có căn bản vững chắc và khả năng thuyết phục. Karl Marx và đệ tử công khai ví tôn giáo như thuốc phiện; và ngay chính Hồ Chí Minh đã tuyên bố tại Mat-scơ-va năm 1923-1924 là tại Việt Nam vừa có thuốc phiện thực sự, vừa có Ki-tô giáo (thuốc phiện tinh thần), cùng với tư bản và thực dân đóng góp vào việc “câu rút” giới nông dân nghèo khổ.(11)
Yếu tố niềm tin tôn giáo này thủ diễn vai trò quan trọng trong cuộc chiến Việt Nam; và hầu như chẳng ai dám giải thích cho họ rằng Cộng Sản tự nó cũng là một thứ học thuyết mang tính cách tôn giáo–nhưng khuyết điểm và sự ham hố của Marx là hứa hẹn một thiên đường trong tương lai trên mặt đất, một điều bất khả, và cũng chẳng ai dám đoan chắc chuyện gì đã xảy ra ở cái gọi là cộng đồng xã hội nguyên thủy mà Marx dùng làm tiền đề. Tôn giáo thì khôn ngoan hơn, rao giảng về tương lai ở cõi chết, một điều không ai có thể tri nghiệm để cổ võ hay bài bác. (12)
Hiệp ước Geneva 20-21/7/1954–qui định hai vùng tập trung với vĩ tuyến 17 làm ranh giới ngưng bắn trong vòng 2 năm–đánh dấu một khúc quanh mới của cuộc chiến. Người Mỹ sử dụng Ngô Đình Diệm (1897-1963) để xây dựng miền Nam Việt Nam thành một tiền đồn chống Cộng hầu “bao vây, ngăn chặn” [containment] sự bành trướng của chủ thuyết Cộng Sản xuống Đông Nam Á, vựa lúa, kho dầu hỏa cùng các tài nguyên thiên nhiên khác như thiếc, kẽm, cao-su v.. v… cần thiết cho các nước kỹ-nghệ-hoá ở phương Tây. Từ ngày 7/7/1955, sau khi đã nhất thống miền Nam qua việc đánh dẹp ba sứ quân Bình Xuyên, Cao Đài, Hòa Hảo cùng các đảng phái, Diệm biến chống Cộng thành ý thức hệ và quốc sách của miền Nam. Ngô Đình Nhu, với sự tiếp tay của vài linh mục Ki-tô, đưa ra thuyết “Nhân Vị”–một thứ chow mein, gồm những mảnh vụn của thuyết “personalisme” của Emmanuel Mounier, đạo đức học Ki-tô giáo, Khổng giáo, và nhất là tàn tích “phong trào cách mạng quốc gia” dưới thời Toàn quyền Jean Decoux (1940-1945).
Qua thời Đệ Nhị Cộng Hòa (1967-1975), vẫn chưa có lý thuyết gia nhà nước nào xuất hiện, nên đôi người lục lọi mớ cổ thi Trung Hoa để tìm cho truyền thống dân tộc một lớp son triết lý “vơ vào,” kiểu Khổng học hay Nho giáo vốn là của người Việt. Có người còn luẩn quẩn, lạc đường với những câu trừu tượng “một mà trăm, trăm mà một” của bộ sách bói toán mang tên Kinh Dịch. Niềm tin phổ biến nhất, là phong thủy, tử vi, tướng số. Tướng cầm quân xuất trận phải nhờ “chiêm tinh gia” khuyên bảo giờ tốt, giờ xấu, hay hướng xuất quân. Bàn ghế, cửa sổ, cửa ra vào ở các văn phòng các cấp chỉ huy phải đặt đúng hướng “địa lý”.
Người Mỹ và giai tầng cầm quyền chỉ chú tâm vào thực dụng–tức săn đuổi, truy đánh các đơn vị Cộng Sản, nâng cao hiệu lực và tinh thần đạo quân sấp sỉ một triệu người, cùng nỗ lực bình định nông thôn. Để có lý do duy trì đạo quân khổng lồ trên, người Mỹ rao giảng về chế độ dân chủ, tự do kiểu tư sản. Nam Việt Nam lại có Quốc Hội, Hội Đồng tỉnh và thị xã, hội đồng xã, thôn, Giám sát viện. Hành pháp trung ương thì có Tổng thống, Phó Tổng thống, Thủ tướng, v.. v… Nhưng sau cái hình thức dân chủ vàng mã phân quyền giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp, Thiệu khẳng định–”Hành pháp và lập pháp phải là một.”
Nên chẳng có gì ngạc nhiên khi ngày 1-2/10/1967, Chuẩn tướng Nguyễn Ngọc Loan cho 2 biệt đoàn Cảnh Sát Dã Chiến bao vây Quốc Hội thảo luận việc phê chuẩn kết quả cuộc bầu cử Tổng thống 3/9/1967, “chuẩn bị hốt trọn ổ;” hay, lực lượng an ninh khiêng bắt một Dân biểu, cựu tỉnh trưởng khỏi Quốc Hội như một con vật bị bệnh truyền nhiễm. Đa số Nghị sĩ, Dân biểu biến thành “gia nô” của chính quyền. Phần đệ tam quyền, tức Tư pháp, trở thành công cụ, nha trảo của hành pháp từ lâu. Pháp đình và mọi thứ luật, kể cả bản Hiến pháp được Johnson phê chuẩn trước khi ban hành ngày 1/4/1967, chỉ được sử dụng để trừng trị những ai chống đối chế độ, hay người nghèo khổ. Những tội phạm chiến tranh như Đặng Sỹ, Nguyễn Mâu, Dương Văn Hiếu, Nguyễn Thiện Dzai được giảm án và phóng thích vì nhu cầu chính trị–trước áp lực Ki-tô giáo–mà không dựa theo một căn bản pháp lý nào. Tóm lại, người ta sử dụng độc tài giáo phiệt, rồi quân phiệt chống lại độc tài Cộng Sản–dùng dịch tả chống dịch hạch. (Tướng Edward Lansdale từng đưa ra nhận xét: “Từ khởi thủy, muốn tạo ra một chế độ quân phiệt, cách nào trách nó không dân chủ!“)
Ngay đến sinh viên dự bị Triết học và Chính trị học cũng hiểu rằng sức mạnh căn bản của Cộng sản là tổ chức. Lenin từng nói: “Tôi có ba bảo bối: Tổ chức-tổ chức-và tổ chức.” Dĩ nhiên, để chống Cộng, VNCH cũng có nhiều tổ chức. Nhưng căn bản nhất vẫn là hai cơ quan tuyên truyền và an ninh-cảnh sát. Dưới sự bảo trợ và huấn luyện của chuyên viên Mỹ, dưới thời Đệ nhị Cộng Hòa, hai cơ quan trên tiến bộ đáng kể so với thời Ngô Đình Diệm. Mặc dù cán bộ Cần Lao-Nhân Vị được khai phục, nhưng hệ thống công an, mật vụ nới rộng cho những thành phần xã hội khác. Người Mỹ tận dụng được một số hồi chính viên vào mặt trận đấu tranh chính trị. Hàng ngàn cán bộ chiêu hồi vô danh trong các toán bình định nông thôn (PRU) và chiến dịch Phượng Hoàng (Phoenix) do cơ quan CIA chỉ huy một thời làm bừng lên chút sinh khí trong mặt trận đấu tranh chính trị.
Sự cải thiện các phương tiện thông tin–đặc biệt là truyền thanh và rồi truyền hình–cũng đóng góp vào quốc sách chống Cộng. Những chương trình Dạ Lan của Đài Phát thanh Quân đội hay Thẩm Thúy Hằng của Đài Sài Gòn–dù không thể so sánh với các đài Mẹ Việt Nam, Gươm Thiêng Cứu Quốc v.. v… do cơ quan Thông tin Mỹ điều khiển–quyến rũ hàng triệu thính giả. Các toán văn nghệ lưu động của Cục Chính Huấn cũng mang lại nhiều niềm vui cho các binh sĩ tiền đồn và đặc biệt là cấp chỉ huy hào hoa. Nhưng đó chỉ là một vài cánh én, không đủ mang đến mùa Xuân. Đại bộ phận đấu tranh chính trị thường nặng về hình thức, và chịu ảnh hưởng nặng nề của guồng máy thư lại cùng tình cảm cá nhân. Bởi vậy, trên giấy tờ, việc tổ chức khá chi li, kỹ càng, nhưng thực tế chỉ là những bộ xương khô.
Về nhân sự, càng nhiều vấn nạn. Ở thượng tầng, không có một nhân vật nào đủ tài đức thu phục nhân tâm. Trong hai năm 1954-1955, người ta đã tưởng Ngô Đình Diệm có thể là một đáp số. Nhưng chỉ sau ít năm cầm quyền, “Winston Churchill của Đông Nam Á Châu” bộc lộ dần bản chất–Diệm chỉ có thể là một Tuần vũ tốt hay thanh liêm, chưa đủ tài đức cầm quyền một nước, đặc biệt là một tiền đồn thế giới tự do. Trong khi thói quen quan lại Ki-tô thuộc địa khiến anh em Diệm bắt báo chí ngoại quốc phải gọi mình là “Ngô tổng thống” hay “Ngô cố vấn,” và cơ quan tuyên truyền trong nước tung hô “muôn năm,”xưng tụng như “cứu tinh,”“ngựa” [horses] mà Mỹ nhiều hơn một lần cứu xét việc thay thế. Diệm lại chỉ tin tưởng và trọng dụng những người đồng đạo và cùng quê miền Trung, nhất là Huế và Quảng Bình.văn thư, tài liệu chính thức Mỹ cho thấy Diệm chỉ như một thứ
Những người thay thế Diệm, dù trẻ trung hơn, càng yếu kém hơn nữa. Tất cả đều lên nắm quyền theo sự yêu thích của các Đại sứ hay những nhân vật quyền thế Mỹ; nhưng không có được cái uy thế cá nhân của Diệm. Đại sứ Taylor từng gọi nhóm “Young Turks” (Thiệu, Kỳ, Thi, Cang) vào Tòa Đại sứ, mắng nhiếc thậm tệ về hung tính ưa đảo chính, đi ngược lại những lời dặn dò của Taylor là cần ổn định chính trị bằng mọi giá. Tổng thống Johnson muốn Taylor có được “our boy” để điều khiển guồng máy chính quyền hầu như không hiện hữu trong giai đoạn 1963-1967. Trong khi Kỳ thích tạo hình ảnh một cậu chăn bò Trung cổ Mỹ–với hai súng Colt bá ngà trễ xuống ngang hông, ham đàn bà, cò bạc, rượu, và sử dụng bạo lực–Thiệu cũng thích gái và quyền lực, nhưng ưa nói chuyện tiếu lâm và thâm trầm, trí trá hơn. Hành động không gửi đại diện tới hội nghị Paris trước ngày bầu cử Tổng thống năm 1968 để lấy bớt gió của liên danh Humphrey chỉ là một trong những yếu tố khiến Thứ trưởng Ngoại Giao Bill Bundy gọi Thiệu-Kỳ là “cặn bã” [bottom of the barrel, absolutely the bottom of the barrel.]. Kissinger, người tận dụng mọi nỗ lực để duy trì chế độ Thiệu sau ngày ký Hiệp ước Paris 1973, thường gọi Thiệu là “son of a bitch.” (13) Nhận xét của một chuyên viên Pháp, về tương lai miền Nam Việt Nam vào giữa thập niên 1950, quả đã được chứng thực bằng giòng lịch sử–người có khả năng lãnh đạo một miền Nam Việt Nam chống Cộng “hoặc đã chết, đang còn ở tuổi ấu thơ, hay chưa sinh ra đời.” Cao Văn Viên–một trong những người tích cực đóng góp vào sự yếu đuối chính trị cũng như quân sự của miền Nam–cũng phải thú nhận sự trống vắng lãnh đạo này.
Những nhân vật phụ diễn trên sân khấu chính trị miền Nam cũng đều là tai nạn của lịch sử. Họ được đưa đẩy vào trung tâm quyền lực–một thứ quyền lực giới hạn, dưới sự kiểm soát của viên chức Mỹ–chỉ do thời cơ đưa đẩy, dài theo tiến trình duy trì một đạo quân chống Cộng cho tới năm 1973. Bởi thế, khó thấy một “chính khách” có những lời lẽ lịch sự về đối thủ hay người đương thời của mình. Vì lập trường của Mỹ ở thời điểm này là “chống Cộng, chống trung lập,” các lãnh tụ tìm đủ cách gán ép hai thứ mũ trên cho đồng đội hoặc người đương thời. Khi muốn loại bỏ Tướng Nguyễn Chánh Thi, chẳng hạn, Nguyễn Cao Kỳ mật báo với Đại sứ Lodge là Thi “thân Cộng,” “trung lập.” Vì Thi nổi tiếng trong sạch, Kỳ tố cáo Thi có tinh thần sứ quân, muốn tách biệt Vùng I Chiến thuật khỏi chính phủ trung ương. Ngày 1/4/1966, khi Trung tướng Phạm Xuân Chiểu cùng Đại tá Phạm Văn Liễu ra Huế, đưa thư riêng của Kỳ, Thi đã vò nát, ném xuống đất, không thèm nghe hay biết những gì về “tên lừa thày phản bội.” Trần Thiện Khiêm mật báo với Chánh sở CIA Sài Gòn Peer de Silva rằng Nguyễn Khánh đã trở thành cực kỳ hoài nghi, nhìn đâu cũng thấy phản trắc và âm mưu đảo chính. Nguyễn Khánh bịa đặt ra chiếc cặp da có 1 triệu Mỹ Kim của Ngô Đình Diệm mà “Big” Minh dấu đi sau ngày 2/11/1963. Trần Văn Hương, Trần Văn Đỗ, Nguyễn Tôn Hoàn, Phan Huy Quát cũng chẳng có bao lăm tiết tháo. Hương ngợi ca Nixon như“cứu tinh của miền Nam Việt Nam,” trong khi gọi những lãnh tụ Phật Giáo như Trí Quang và Thiện Minh là “những tên trọc đầu và trò khỉ do chúng bầy ra.” Ở lúc chợ chiều của miền Nam, Hương còn bám lấy những bè lục bình “hợp hiến,” làm Tổng thống cho bằng được một tuần. Rồi trả quyền cho Quốc Hội, để Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu thực thi việc chẳng đặng đừng–đầu hàng không điều kiện. (14) Phan Huy Quát xin Mỹ đi xa hơn vị trí một cố vấn, thủ diễn vai trò người anh lớn, hướng dẫn em dại. Nhưng những tội phạm chính trong bi kịch cuối cùng của miền Nam–tức Thiệu, Khiêm, Viên, Kỳ–ung dung chạy ra hải ngoại với những tài sản khổng lồ. Phần Trần Văn Đôn–một tình báo viên chuyên nghiệp của Mỹ và Pháp từ năm 1945–còn nuôi tham vọng Thủ tướng/Tổng thống, với chủ mới là Giscard d’Estaing. Nhào nặn và tô vẽ cho họ thành “lãnh tụ” miền Nam là trò chơi tàn nhẫn của những người quản lý cuộc chiến.
Trong khi đó, những thế lực ly tâm tiếp tục xé nát cấu trúc xã hội. Ki-tô giáo quyết duy trì ưu quyền bằng mọi giá–chống đối Phật Giáo ở bất cứ cơ hội và hoàn cảnh nào–đôi khi “không cần trả tiền,” như Nguyễn Bảo Trị cam đoan với nhân viên Mỹ. “Trí thức” Ki-tô không mệt mỏi trong nỗ lực hoài Ngô, tìm đủ mánh khoé bẻ cong lịch sử để hạ nhục những người đã góp công lật đổ và trừng trị tội bội phản, cùng những hình tội theo công pháp quốc tế như diệt chủng [genocide] và tội ác chiến tranh [war crimes], hay vi phạm nhân quyền [crimes against humanity và crimes against Human rights] của anh em Diệm-Nhu. Tinh thần kỳ thị chủng tộc giữa người Kinh và người Thượng, giữa người Việt và người “Miên” [Khmer], tinh thần địa phương, sự cách biệt giữa dân và quân sự. Đó là chưa nói đến tính thời cơ, vụ lợi, quốc sỉ tham nhũng và hối mại quyền thế rất tự nhiên, sinh sôi nảy nở đan rễ hàng ngàn năm trong những xã hội mà điều kiện kinh tế quá nghèo nàn. Thêm nữa, không thể không đề cập hiện tượng ác tính bệnh hoạn của một thiểu số người có chức, có quyền hay cá nhân phục vụ trong ngành an ninh hay cảnh sát. Việc Chuẩn tướng Loan hạ sát Phạm Ngọc Thảo tại Cục ANQĐ, cho người ám sát Thượng tọa Thiện Minh ngày 1/6/1966, hay bắn chết một sĩ quan đặc công CSBV, khi hai tay tù binh bị trói về phía sau trước chùa Ấn Quang trong dịp Mậu Thân 1968, tự nó giải thích tại sao Chỉ huy trưởng Cảnh sát Thừa Thiên đủ ác tâm sử dụng một gái mãi dâm bị bệnh phong tình để lấy khẩu cung một cán bộ quân báo CS nằm vùng.(15) Và nhiều nữa.
Bởi thế, chế độ Thiệu–mà có người gọi là “Diệm mà không có Diệm”–vẫn tiếp tục biến chứng của một bệnh nhân ung thư máu. Thiệu-Khiêm-Viên chỉ ngày đêm lo củng cố uy quyền và lợi nhuận bản thân cùng họ hàng, thân thuộc. Phe đảng trở thành phương châm cai trị, với tham nhũng làm sức nối kết. Cả guồng máy chống Cộng ở miền Nam chẳng khác gì một thứ siêu thị–người ta mua bán bất cứ thứ gì có thể sinh lợi, từ chức tước tới tấm giấy hoãn dịch. Từ hồ sơ mật an ninh quốc phòng tới đạn dược, thuốc men, phế vật chiến tranh, từ đầu đường, góc phố tới pháp đình, nha sở, dinh thự.
Cái khôn khéo của Thiệu là biết đổi chác. Thiệu chỉ chú ý tới và thu thuế từ những chức vụ Tỉnh trưởng hay Tư lệnh Sư đoàn trở lên. Còn lại, giao cho các thuộc hạ thân tín hay “đồng minh” như Thủ tướng Khiêm, hay Tổng Tham Mưu trưởng Viên, v.. v… Nhờ loại sức mạnh kiểu tội-ác-có-tổ-chức này, Thiệu nắm vững được quân đội, hoặc đúng hơn, cấp chỉ huy quân đội, xương sống của chế độ miền Nam. Vì hầu hết thanh niên đều ở trong binh ngũ–do hiệu lực của lệnh tổng động viên 1968–nắm được quân đội là có sức mạnh. Đối với các đảng phái, giáo phái v.. v… Thiệu sử dụng đúng nguyên tắc mà cố vấn thân cận của Thiệu–Vũ Ngọc Nhạ, trưởng lưới cán bộ tình báo chiến lược A. 22 của Cộng sản ở Sài Gòn–khuyên bảo: lấy lợi nhuận, danh vọng mà mua chuộc lòng người.
Lãnh đạo ấy, nếu muốn gọi thế, là thứ lãnh đạo bệnh hoạn. Cuộc đấu tranh chính trị với Cộng sản trở thành việc làm vô vọng của những đứa trẻ xây lâu đài trên bãi cát. Bao kế hoạch diệt Cộng do người Mỹ đề nghị và trợ cấp–từ xây dựng tới bình định và phát triển nông thôn–đều chỉ có hình thức, và đôi khi đưa tới những kết quả trái ngược hẳn với mong ước lúc đầu. Nội tuyến Cộng sản xâm nhập mọi cơ cấu chính quyền–ngay sát nách Thiệu, và ngay trong Dinh Độc Lập, nói chi những tổ chức công nhân, sinh viên v.. v… (16)
Đã có lúc, người ta tự hỏi phải chăng chính Thiệu là cán bộ tình báo chiến lược của Cộng sản? (Cũng như ít ai ngờ, trong hai năm 1962-1963, hai “phiến Cộng” nguy hiểm nhất miền Nam nằm tại Dinh Gia Long, tức Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu–nên Đại sứ Lodge và Tổng thống Kennedy đã phải loại trừ) (17).
Về phương diện kinh tế, VNCH hoàn toàn lệ thuộc vào ngoại viện; và nguồn ngoại viện quan trọng nhất là Mỹ. Hai kế hoạch kinh tế được quảng cáo nhiều nhất gồm có việc lấy giống lúa mới “Thần Nông” và chương trình “Người Cày Có Ruộng” (của Cao Văn Thân). Thực ra, cả hai kế hoạch trên, giống như bất cứ kế hoạch nào ở miền Nam, đều do cố vấn Mỹ soạn thảo và chi tiền. Hơn nữa, cả hai kế hoạch đều có nhược điểm. Giống lúa mới Thần Nông cần phân bón–phải nhập cảng. “Người Cày Có Ruộng” cũng chỉ đủ mục đích tuyên truyền–chủ điền không sử dụng tiền bán ruộng đất “từ trời rơi xuống” để đầu tư vào nền kỹ nghệ phôi thai, hoặc chỉ đầu tư tượng trưng trong nước. Nhờ hệ thống tham nhũng, họ chuyển phần lớn tiền bán ruộng cho chính phủ ra ngoại quốc. Số vốn để phát triển kỹ nghệ nhẹ trong nước không đạt tiêu chuẩn. Số ruộng phát cho người cày không đủ, chỉ có tính cách tượng trưng. Thêm vào đó, chiến tranh vẫn tiếp diễn. Vùng “oanh kích tự do” [Free Fire Zones] ngày một loang rộng. Diện tích ruộng đất bị bỏ hoang ngày một tăng. Có ruộng, nhưng thiếu người cày vì số dân trực tiếp sản xuất ở nông thôn giảm xuống. Chỉ còn lại nền kinh tế tiêu thụ–và, cách nào đó, một nền công nghiệp nhẹ mới chập chững–ở các đô thị, đặc biệt là Sài Gòn. Tuy nhiên, đại đa số các công ty do người Việt gốc Hoa làm chủ; hoặc, chỉ là đại diện các đại công ty của Mỹ, Nhật, Pháp v.. v… Sinh hoạt sản xuất, do nhu cầu thực tế và tình trạng chiến tranh, bị hạn hẹp. Mục đích chính của các công ty chỉ nhằm thu vét càng nhiều càng tốt số ngoại tệ Mỹ kim hàng năm của Mỹ lọt vào tới Việt Nam.
Trên nền tảng ký sinh vào ngoại viện ấy, mặt trận kinh tế còn một mục tiêu chiến lược khác: ngăn chặn lúa gạo, thuốc men, hàng tiêu dùng lọt vào vùng Cộng sản kiểm soát. Những nỗ lực này đều thất bại. Màng lưới tham nhũng quá tinh vi; và hễ có tiền là mua được tất cả. Thực tế, ngay đến Tư lệnh Quân khu, Sư đoàn, Tỉnh trưởng v.. v… cũng đứng ra bảo trợ cho việc buôn lậu với mật khu Cộng sản. Được dư luận biết đến nhiều nhất có vụ lính ma, lính kiểng của Nguyễn Vĩnh Nghi, Tư lệnh Quân đoàn IV, hay đoàn xe buôn lậu có Quân Cảnh hộ tống do các mệnh phụ phu nhân–thường được gọi là “Mặt Trời Cái”–bảo trợ. Đó là chưa kể đường dây buôn lậu nha phiến, ngoại tệ và phế vật chiến tranh do Thiệu, Khiêm và tay chân, họ hàng Kỳ cầm đầu.
Đáng sợ hơn cả là cuộc khủng hoảng kinh tế 1973-1974. Từ năm 1965, nhờ các dịch vụ cho đạo quân viễn chinh Mỹ, nền kinh tế ở các đô thị khá sung túc. Gần 200,000 công nhân được thuê mướn trong các công ty Mỹ. Những món hàng P.X. bày bán từ gần kho Mỹ tới trung tâm Sài Gòn, rác rưởi Mỹ và kỹ nghệ giải trí cho lính Mỹ cũng giúp khoảng vài triệu người có công ăn, việc làm hoặc thu nhập một số lợi tức ở ngoài ngân sách hàng năm của chính phủ. Nền kinh tế tư, hãy tạm gọi thế, được phát triển. Nhưng từ năm 1971, trên dấu chân hồi hương của lính Đồng Minh, số người thất nghiệp ngày một gia tăng, đạt chỉ số 15% vào năm 1973.(18)
Sự cắt giảm viện trợ kinh tế càng khiến nguồn lợi tức ngoại nhập ngày một thấp. Việc nhập cảng hàng ngoại quốc giảm 40% trong giai đoạn 1971-1973. Thêm vào đó là việc tăng giá thị trường quốc tế các nguyên liệu và nông phẩm như dầu hỏa, phân bón, sắt thép, tơ dệt v.. v… Các đô thị bắt buộc phải đối diện với khả năng kinh tế quán tính của chúng. Nhờ cần kiệm, một số người tạo được đôi chút vốn liếng, tiếp tục buôn bán. Nhưng mãi lực của dân chúng giảm hẳn. Đồng thời, nạn lạm phát gia tăng, lên tới 68% vào năm 1973.
Cuộc Tổng tấn công 1972 của CSBV cũng tạo nên những hậu qủa trầm trọng. Ngoài thiệt hại khổng lồ về tài sản, nhà cửa, ruộng vườn của dân chúng–lên tới hàng tỉ Mỹ kim–còn có khoảng 5,000 cây số (3,108 dặm) quốc lộ và tỉnh lộ bị hư hại, 200 cây cầu lớn, 500 trường, 500 trạm y tế xã cần tu bổ tức khắc.
Từ cuối năm 1973, khủng hoảng kinh tế lan tràn. Không còn cảnh quân nhân bắn vợ vì ngoại tình với Mỹ, hay tự tử vì vợ con cuốn gói theo bạn Đồng Minh về nước–nhưng nhiều thảm kịch còn não lòng hơn xuất hiện. Có những cô gái vị thành niên đã phải bán thân kiếm tiền giúp gia đình, vì đồng lương công chức, quân nhân không đủ chi dụng. Những quân đoàn ăn mày, gái điếm, gái bia ôm, ước lượng vào khoảng 300,000 nhân số, nghễu nghện trên đường phố.
Cơ khổ nhất vẫn là đám đông thấp cổ bé họng. Tốc độ lạm phát khiến đồng lương hàng tháng–bị mất giá trị đích thực khoảng 35% từ tháng 3/1972 tới tháng 2/1974–không đủ sống hai tuần lễ. Làm gì để có miếng ăn trong thời gian còn lại? Chẳng cần thông minh cũng suy đoán được đủ thứ hành vi, tệ nạn ngoài lễ giáo, mực thước bình thường của xã hội.
Hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế này gây xáo trộn trong mọi giai tầng, đưa đến sự sụp đổ chung của khả năng chống Cộng tại miền Nam.
Về phương diện văn hóa-xã hội, hiện tượng suy thoái cũng khởi từ cuối thập niên 1950.
Phần lãnh thổ phía Nam vĩ tuyến 17 mà người Mỹ muốn xây dựng thành một quốc gia chống Cộng là một xã hội đa nguyên. Mặc dù dân số khoảng 14 triệu người, nhưng những sắc dân thiểu số trên cao nguyên miền Trung lên tới gần 7 triệu. Tại miền Nam, có tới trên 2 triệu người Việt gốc Hoa và 400,000 người Việt gốc Khmer. Người Việt thuần túy, như thế, chỉ khoảng 4 triệu, kể cả 800,000 dân di cư từ miền Bắc. Trong số này, đường ranh phân chia địa phương (Nam, Trung, Bắc) và tôn giáo (Cao Đài, Hòa Hảo, Ki-tô, Phật) – do chính sách chia để trị của Pháp – còn rất sâu đậm. Mặc dù trong 2 năm 1955-1956, Ngô Đình Diệm đã nhất thống miền Nam bằng võ lực, đường ranh địa phương và tôn giáo ngày thêm sâu rộng. Chủ trương dùng giáo dân Ki-tô làm xương sống của chế độ do Mỹ đề xướng(19) – và được tam đầu chế Diệm-Thục-Nhu hăng hái thi hành – đưa Ki-tô giáo lên hàng “công giáo” – chỉ dưới quốc đạo một bậc. (20)
Trong quân đội, ngày 7/7/1956, thành lập Nha Tuyên úy, nhưng chỉ có 40 Tuyên úy Ki-tô và Tin Lành, được cử đi thực tập tại Đà Lạt và Thủ Đức, hoặc Mỹ. 20 nhà thờ dành cho quân đội. Giám mục Trương Cao Đại làm Giám đốc (1956-1958); sau, GM Lê Hữu Từ (1958-1960) thay. (21)
Về giáo dục, toàn quốc chỉ có hai đại học công lập, nhưng có một đại học Ki-tô tư ở Đà Lạt, được trợ cấp đặc biệt bằng công quĩ và tài sản tịch thu của Bảy Viễn. Giới linh mục và sư huynh Ki-tô thống trị các học hiệu, từ Đại học tới bậc trung học, nhất là về bộ môn “Triết.” Mật vụ văn hóa tràn ngập, nổi danh nhất có Bùi Văn Bảo, Lê Tôn Nghiêm, Nguyễn Văn Trung, Trần Văn Hiến Minh, Nguyễn Đăng Ngọc, v..v… (22) Đại đa số dân chúng, vốn chỉ theo đạo thờ cúng ông bà, đạo Phật, hay các tôn giáo khác – không những ngày đêm bị xúc phạm khi nghe Diệm kết thúc mỗi bài diễn văn bằng câu “Xin ơn trên hãy phò hộ cho chúng ta;” chẳng khác gì ở miền Bắc, và toàn cõi Việt Nam hiện nay, người ta không thể không dị ứng với khẩu hiệu:“Yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội.”
Thông thường, trong một xã hội văn minh, thế quyền [state] và thần quyền [religion] tách biệt nhau. Nhưng tại Nam Việt Nam, cả thế quyền và thần quyền tập trung trong tay họ Ngô–Diệm, Nhu và Cẩn độc quyền cai trị và diệt Cộng hoặc móc nối Cộng sản, trong khi Thục thống trị Giáo hội Ki-tô. Bởi thế, những mảnh vụn văn hoá-xã hội Tây phương – với nền tảng thần và thế quyền Ki-tô giáo kiểu “tân” [neo] trung cổ(23) – được cấy trồng thêm trước sự đối kháng ngày một mãnh liệt trong mọi tầng lớp quốc dân.
Vì giáo dân Ki-tô chiếm chưa đầy 10% dân số, độc quyền sinh hoạt văn hoá-xã hội của giới trí thức Ki-tô từ cuối thế kỷ XIX tới giữa thế kỷ XX ngày một bị thách thức. Dấu hiệu chống đối và thách thức đầu tiên là sự thăng tiến của Đảng CSĐD. Quan trọng hơn, số trí thức không Ki-tô liên tục gia tăng trong lãnh thổ VNCH, sau khi những biện pháp hạn chế học vấn do người Pháp áp đặt bị loại bỏ. Việc chống đối, mỉa mai dự luật Gia Đình của Trần thị Lệ Xuân năm 1957 (tức Luật 1/59) hay Phong Trào Phụ Nữ Liên Đới (20/5/1958) chỉ là những gợn sóng nhỏ đầu tiên.
Cuộc tranh đấu đòi bình quyền tôn giáo trong mùa Phật đản 2,507 (8/5/1963) và cái chết bi thảm của anh em họ Ngô, cùng việc Thục bị trục xuất khỏi Giáo hội Vatican, tiếp nối bằng chính sách hòa hoãn với Cộng sản của Giáo hoàng Paul VI (1963-1978), đánh dấu nửa đường đi xuống của nền văn hoá Ki-tô tân Trung cổ. Mặc dù trong những năm cuối cùng của Đệ nhị Cộng Hòa, khối Ki-tô nỗ lực trở lại sân khấu chính trị, nền sinh hoạt văn hoá tân Trung Cổ không thể lội ngược dòng nước lũ suy thoái.
Vì tình trạng chiến tranh, giai cấp quân phiệt thống trị. Quân nhân được bổ vào chức vụ hành chính tới cấp quận để tiện việc chỉ huy các lực lượng quân sự, Cảnh sát. Nhưng đa số giai cấp quân phiệt VNCH – hãy tạm gọi thế – chỉ biết điều động phi cơ oanh tạc, pháo binh tác xạ, hay chĩa họng súng về phía người thù đao binh mà bóp cò. Phần đông yếu kém về phương diện chính trị, kinh tế cũng như văn hóa. Qua hệ thống tham nhũng, phe đảng – và trong khuôn khổ gọi là “kỷ luật quân đội” – họ chưa xứng tay đối nghịch với cán bộ hành chính và chính trị Cộng Sản. (24) Những phụ tá dân sự của họ – từng tốt nghiệp Học viện Quốc Gia Hành Chánh – thường chỉ dùng kiến thức chuyên môn để hợp thức hóa những việc làm phi pháp.
Không thể phủ nhận tài năng và thiện chí của một số người, dù chẳng được bao lăm sau sự gạn lọc của “công ty.” Đại đa số, khi được đưa vào giai tầng “lãnh đạo và chỉ huy” đều chăm lo thu lại vốn đầu tư, tức tiền bỏ ra mua chức vụ, và kiếm thêm số tiền lời cần thiết. Từ đó phát sinh ra hiện tượng “làm láo báo cáo hay.” Đó là chưa nói đến tệ nạn lính kiểng, lính ma v.. v… khiến nội tuyến Cộng sản đột nhập vào mọi cơ cấu chính quyền. Albert Phạm Ngọc Thảo, Vũ Ngọc Nhạ, Huỳnh Văn Trọng hay Phạm Xuân Ẩn, đầu mối đưa tin của các ký giả “tiến bộ” Mỹ – khiến không ít người đỏ mặt ngượng ngùng khi lá bài lật ngửa sau 1975. Hoặc “Mười Lễ” Nguyễn Văn Hướng, cố vấn chính trị của Thiệu năm 1967. Viên Thượng sĩ có nhiệm vụ nhật tu bản đồ tình hình quân sự mỗi ngày tại Dinh Độc Lập.
Sự xuất hiện của lực lượng mà Lodge gọi là “Baby Turks” từ năm 1966 – những người thực sự nắm binh quyền, từ cấp đại đội tới tiểu đoàn, lữ đoàn – là một hiện tượng hầu như chưa hề được nhắc đến trong các nghiên cứu nghiêm túc và đầy đủ về Việt Nam.
Nhưng tưởng cần nhấn mạnh, giai cấp quân phiệt miền Nam không có được điểm mạnh của quân phiệt Germany [Đức] hay Nhật (dù Nguyễn Cao Kỳ ngưỡng mộ nhất Hitler và mong miền Nam có 4 hay 5 Hitler). Quân phiệt miền Nam còn có bạn đồng hành thân thiết là hệ thống “cửa hậu,” và nhiều khi bị hệ thống cửa hậu lấn át. Có những sĩ quan cấp Úy, cấp Tá ngồi bổ củi, nấu bếp, sửa xe trong tư dinh ông lớn. Có những “kép trẻ” của các bà lớn – hoặc nhờ giọng ca, tiếng hát, hoặc những thủ thuật nào đó – sống như những ông hoàng. Và, dĩ nhiên, cũng không thiếu người tự hào tuyên bố, “Làm bé ông lớn, hơn làm lớn ông bé.” Dưới triều Ngô Đình Diệm, Lệ Xuân nổi danh với những lời đồn hàng ngày tắm bằng sữa tươi, nhúng tay vào những vụ khai thác lâm sản bất hợp pháp, đốt nhà dân lao động để bán vật liệu tái xây cất, v.. v… – nhưng không có bằng chứng hiển nhiên nào. Vợ Thiệu, Khiêm, Viên v.. v… lộng hành tệ hại hơn. Việc mua bán chức tước đều nằm trong tay những nhân vật mà có nhà báo gọi là“giặc cái” này. Rất nhiều cấp chỉ huy tài năng – như Chuẩn tướng Trần Quốc Lịch hay Đại tá [Nguyễn?] Bá Thìn tự Long – đã bị biến chất, thân bại danh liệt chỉ vì hệ thống “cửa hậu.”
Sau giai cấp quân phiệt có giới lãnh đạo tôn giáo. Trong những năm cuối của VNCH, các giáo xứ Ki-tô đã chiếm lại uy thế cũ. Theo tài liệu Cộng sản, chính Hồng Y Spellman cùng Vũ Ngọc Nhạ – một cán bộ tình báo chiến lược len lỏi vào Ki-tô giáo từ giữa thập niên 1950 – móc nối cho Thiệu lên cầm quyền ở miền Nam.(25) Nhờ vậy, Thiệu được sự ủng hộ của một số lãnh tụ Ki-tô, và, đổi lại cho họ hưởng nhiều ân huệ. Từ tháng 9/1969, Thiệu còn tăng cường thêm uy quyền sau khi liên kết với Khiêm, không những chỉ gốc Cần Lao, mà còn được tình báo Mỹ bao bọc.
Với các tổ chức Phật giáo, Cao Đài, Hòa Hảo v.. v… Thiệu cũng theo đúng chính sách “trao đổi, mua bán.” Cao Đài và Hòa Hảo được duy trì những cơ cấu quân sự riêng; và được dành cho một số ghế Nghị sĩ hay Dân biểu. Phần Phật giáo, từ sau cuộc biến động miền Trung năm 1966, uy thế xuống dốc. Thiệu và các cố vấn Mỹ thực hiện chính sách bàn tay sắt bọc nhung, phân hóa Phật Giáo thành từng nhóm nhỏ, đối nghịch nhau–tiêu biểu nhất là khối “Ấn Quang” của nhóm miền Nam, “Việt Nam Quốc Tự” của nhóm Thượng tọa Tâm Châu, hay Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam (thành lập cuối năm 1964 với sự nâng đỡ của Trần Văn Hương). Rồi, nhân dịp Tổng công kích-Tổng khởi nghĩa của Cộng Sản Tết Mậu Thân 1968, Thiệu ra tay “bảo vệ an ninh” những lãnh tụ Phật giáo tranh đấu. Năm 1969, sau khi thất bại trong mưu toan ám sát Thích Thiện Minh, Thủ tướng Hương bắt giữ Thiện Minh rồi làm hai án khổ sai để cảnh cáo. Người được giao trách nhiệm theo dõi và trừng trị “bọn phản loạn Phật Giáo” này là Trung tá Nguyễn Mâu–cựu đảng viên Cần Lao, từng ra tay thanh trừng Phật Giáo Huế trong giai đoạn 21/8-31/10/1963. (26)
Mặc dù trong cuộc tranh cử 1970, liên danh Vũ Văn Mẫu của Phật giáo về đầu, nhưng vẫn chỉ là thiểu số trong Thượng viện mà 60% là đại biểu Ki-tô. Tại Hạ Viện, số dân biểu Phật Giáo đông hơn, nhưng xét theo tỉ lệ, Ki-tô giáo vẫn ưu thắng.
Do cường độ chiến tranh, tưởng nên ghi nhận, thế lực các tổ chức tôn giáo bị giới hạn. Giai cấp quân phiệt thống trị. Sự ưu thắng của mũi súng này bộc lộ rõ rệt qua những cuộc đàn áp đẫm máu trong năm 1965-1967, và nhất là mùa thu 1974 và đầu năm 1975, khi Thiệu thẳng tay đàn áp các phong trào tranh đấu của mọi giai tầng xã hội. Tổng đoàn Bảo An của Hòa Hảo bị giải tán. Thiệu cũng chẳng chút nương tình với lực lượng Ki-tô Tân Chí Linh hay Phong Trào Chống Tham Nhũng của Linh mục Trần Hữu Thanh trong cơn hấp hối của miền Nam.
Phần những giai tầng khác đều bị xáo trộn vì chiến tranh. Đại đa số nông dân vẫn tiếp tục cầy cấy ruộng đồng, trong vùng bóng tối nhá nhem của bạo lực, giữa cảnh một cổ hai tròng–cướp đêm là Việt Cộng, cướp ngày là Cộng Hòa. Số nạn nhân bỏ ruộng vườn, nhà cửa kéo về đô thị ngày một đông. Hậu quả tất nhiên là dân cư các thị xã, thị trấn ngày một gia tăng. Khối lượng thị dân “mới” này cung cấp cho Sài Gòn và các tỉnh lỵ, thị xã những quân đoàn ăn mày, gái điếm và tệ đoan xã hội. (Và, dĩ nhiên, một số không nhỏ “cơ sở” nằm vùng với những nhiệm vụ nào đó, giống như những cơ sở bí mật ở hải ngoại hiện nay)