18/06/2018, 16:39

Chính sách đối ngoại của Đức Quốc Xã trước chiến tranh thế giới thứ hai (1933-1939)

Olympic 1936 tại nước Đức Quốc Xã Mai Lễ Nô En I. NHỮNG ĐỘNG THÁI NHẰM XÓA BỎ HÒA ƯỚC VERSAILLES (1933-1936) Trong quan hệ quốc tế từ năm 1933 đến năm 1936, mối quan tâm duy nhất của Hitler là làm sao để Đức có thể trở thành một cường quốc nhằm thực hiện mục tiêu địa chính trị ...

nazi-1936

Olympic 1936 tại nước Đức Quốc Xã

Mai Lễ Nô En

I. NHỮNG ĐỘNG THÁI NHẰM XÓA BỎ HÒA ƯỚC VERSAILLES (1933-1936)

Trong quan hệ quốc tế từ năm 1933 đến năm 1936, mối quan tâm duy nhất của Hitler là làm sao để Đức có thể trở thành một cường quốc nhằm thực hiện mục tiêu địa chính trị lâu dài, thống trị Tây Âu và mở rộng lãnh thổ về phía Đông. Một trong những bước đầu tiên hướng tới mục tiêu này là vô hiệu hóa Hòa ước Versailles. Trong những năm đầu tiên nắm quyền, Hitler chú trọng thực hiện chính sách ngoại giao theo hướng từng bước một xóa bỏ Hòa ước Versailles

Hitler rút lui khỏi Hội nghị giải trừ quân bị và Hội Quốc liên trên cơ sở cho rằng Pháp không đồng ý bình đẳng vũ khí cho Đức. Đồng thời, ông nhấn mạnh rằng Đức đã sẵn sàng để giải giới nếu như các nước khác cũng làm như vậy và ông chỉ muốn hòa bình. Đây là một trong những chiến thuật “yêu chuộng hòa bình” của Hitler. Hitler luôn có những hành động táo bạo, trong khi đó lại đưa ra hàng loạt bài phát biểu yêu chuộng hòa bình vì ông biết họ muốn nghe. Hơn nữa, hành động đó có thể hạn chế sự kiểm soát của nước ngoài đối với Đức.

Tiếp theo, Hitler đã kí Hiệp ước không xâm phạm với Ba Lan (1934). Điều đó báo động rằng người Đức đang cố gắng giành lại Hành lang Ba Lan và tranh thủ thái độ trung lập của Anh, Pháp đối với Ba Lan. Đây là một thành công trong chính sách đối ngoại của Hitler nếu cần xây dựng một nước Đức vững mạnh hơn. Anh coi thỏa thuận hải quân Anh – Đức năm 1935 là thời cơ để hạn chế lực lượng hải quân Đức Quốc xã. Tuy nhiên, thỏa thuận đó lại là một bước tiến tới xóa sổ Hòa ước Versailles. Trong khi đó, Mĩ ngày càng trở nên cô lập và Đế quốc Nhật Bản càng trỗi dậy mạnh mẽ ở vùng Viễn Đông đã làm cho Anh lo sợ.

Sau khi giành được vùng Sarre qua cuộc trưng cầu dân ý, Hitler cho quân tiến vào vùng phi quân sự hóa Rhineland vào tháng 3/1936. Đây là một cuộc tiến công liều lĩnh, táo bạo, Hitler đã chọc thủng tàn dư của Hòa ước Versailles. Chiến thắng to lớn này đã xóa bỏ quy chế vùng đệm giữa nước Đức và Pháp. Thất bại của Hòa ước Versailles là nguyện vọng không chỉ của riêng Hitler mà còn là mong ước của biết bao người dân Đức. Cho đến cuối năm 1936, dù chưa được chôn cất nhưng Hòa ước này đã bị tiêu diệt, cùng với Ý và Nhật Bản hình thành khối Trục Roma – Berlin – Tokyo đe dọa trực tiếp đến Pháp, Anh và ngày càng làm suy yếu Hội Quốc liên để nâng cao vị thế quốc tế của Đức.

1. Kế hoạch giải trừ quân bị

Trong khuôn khổ của hệ thống Versailles – Washington, từ năm 1926 Ủy ban giải trừ quân bị của Hội Quốc liên đã được thành lập và làm việc liên tục tới năm 1931 để tiến tới chuẩn bị Hội nghị giải trừ quân bị năm 1932. Hội nghị đã khai mạc ngày 2/2/1932 dưới sự chủ tọa của Arthur Henderson, 62 nước đã cử người đến tham dự, Bruning là đại biểu Đức, Mac Donald thay mặt cho Anh, Tardieu thay mặt Pháp, Grandi đại diện cho Ý, Liên Xô và Mĩ không phải là thành viên của Hội Quốc liên, nhưng đã tham gia vào ủy ban này. Ủy ban không quy định các con số phải cắt giảm, mà chỉ xây dựng cái khung: làm thế nào để tiến hành giải trừ quân bị? Làm thế nào để đảm bảo sự kiểm soát? Các loại vũ khí nào cần phải giảm? Tuy nhiên lập trường và kế hoạch giải trừ quân bị của các nước rất khác nhau. Trước hết, đại biểu Đức đưa ra và kiên quyết bảo vệ yêu sách Đức phải được “bình đẳng” về lực lượng vũ trang như tất cả các cường quốc khác. Cụ thể, Đức đòi phải có quân đội 200.000 người (Hòa ước Versailles qui định không quá 100.000 người) với thời gian quân dịch 6 năm và được quyền có vũ khí hạng nặng

Nhưng Pháp đã phản đối yêu sách này của Đức và đề nghị thành lập một lực lượng quân đội quốc tế và thành lập chế độ kiểm soát đối với các loại vũ khí tấn công hạng nặng trong khuôn khổ của Hội Quốc liên. Pháp có thể đồng ý chấp nhận một phần tái vũ trang của Đức với điều kiện kí kết những liên minh quân sự mới và các hiệp ước bảo đảm bổ sung này. Tuy nhiên, đoàn đại biểu Anh đã bác bỏ yêu cầu đảm bảo bổ sung cho nền an ninh của Pháp vì Hiệp ước Locarno đã đủ đảm bảo điều đó. Phía Anh cho rằng, cần khôi phục lại sự cân bằng tương quan lực lượng ở châu Âu bằng việc thừa nhận sự bình đẳng về vũ trang của Đức. Ý ủng hộ quan điểm này của Anh.

Kế đó, ngày 22/6/1932, Tổng thống Mĩ Hoover đưa ra một kế hoạch mới có tính cụ thể hơn: Trên mặt đất, quân số sẽ giảm 1/3, loại bỏ hoàn toàn xe tăng và pháo hạng nặng. Trên biển, giảm 1/3 trọng tải và số lượng thiết giáp hạm, 1/3 trọng tải tàu ngầm, 1/4 trọng tải tàu sân bay. Trong lực lượng không quân, sẽ loại bỏ tất cả máy bay ném bom. Pháp cũng không chấp nhận kế hoạch này và cho rằng cần trung thành với nguyên tắc an ninh. Còn Anh lo ngại những điều khoản về hải quân. Nhật Bản kịch liệt phản đối vì thực tế điều này sẽ tăng thêm sức mạnh của Mĩ. Nhật Bản đòi hỏi phải tạo thêm cho mình những khả năng mới về vũ trang. Về phía mình, đoàn đại biểu Liên Xô yêu cầu chấm dứt ngay cuộc chiến tranh mà Nhật đang khởi xướng ở Viễn Đông (tức Trung Quốc). Liên Xô đề nghị một kế hoạch giải trừ quân bị tổng thể và hoàn toàn ngày 18/2/1932 và kế hoạch giải trừ vũ trang từng phần, song vẫn bị các cường quốc tư bản bác bỏ. Do vậy, những bất đồng vẫn tiếp tục tồn tại.

Sau đó, ngày 16/3/1933, Thủ tướng Anh – MacDonald đã đưa ra kế hoạch giải trừ quân bị. Theo đó, Đức được bình đẳng với Pháp, Ý, Ba Lan trong việc mỗi nước sẽ có một lực lượng quân đội gồm 200.000 người. Một hội nghị đặc biệt sẽ tiến hành năm 1935 để thảo luận kế hoạch giải trừ quân bị. Máy bay quân sự sẽ được loại bỏ và cấm ném bom. Một ủy ban thường trực về giải trừ quân bị sẽ kiểm soát việc thi hành kế hoạch đó. Thời hạn 5 năm là cần thiết để Đức có thể hưởng bình quyền thực sự

Đức nêu ý kiến phản đối vì ngày 11/5/1933 ủy ban chung quyết định rằng lực lượng SA và SS chiến binh sẽ được coi là quân đội, Đức lo ngại về điều đó và than phiền là ngoài số 200 nghìn quân ở chính quốc Pháp còn được duy trì các đội quân thuộc địa. Nhà viết sử Quốc Xã Freytagh Loring Hoven cho rằng, Pháp và các nước đồng minh có 1.250.000 quân thì Đức chỉ có 200.000 quân .

Trong bài diễn văn hòa bình gửi đến Hội nghị giải trừ quân bị đang diễn ra ở Geneva, ngày 17/5/1933 ở Reichstag, bằng những lời lẽ kín đáo, Hitler tuyên bố: “Mọi vấn đề của thời đại hiện nay cần được giải quyết một cách hợp lí và theo phương thức ôn hòa, người ta không thể cứ tiếp tục chối bỏ mãi tư cách của một dân tộc vĩ đại, mà đến một lúc nào đó phải trả lại thôi. Kiểu đối xử bất công vừa kể mà một đất nước vĩ đại đang phải chịu đựng còn kéo dài trong bao lâu nữa” ? Ông không yêu cầu điều gì khác hơn là được hưởng đầy đủ các quyền. Nước Đức tuyệt đối sẵn sàng từ bỏ toàn bộ vũ khí tiến công, nếu như các quốc gia khác cũng phá hủy kho vũ khí tiến công của họ. Nước Đức cũng sẵn sàng kí mọi hiệp ước không xâm phạm nhau nghiêm túc, vì Hitler cho rằng nước Đức chẳng có ý định tiến công ai, mà họ chỉ mong được sống trong an ninh

Cùng ngày, Hitler ra tuyên bố chấp nhận dự án Mac Donald vì điều đó đồng nghĩa với việc Hòa ước Versailles được xem xét lại theo hướng có lợi cho Đức. Nhưng việc Đức đàn áp người Do Thái ở Silesia đã khiến cho công luận và chính phủ các nước Pháp, Anh, Mĩ xúc động, vì thế thái độ của ba nước này trở nên cứng rắn hơn. Pháp và Anh đã đạt được sự nhất trí về việc kiểm soát vũ khí, tức là an ninh phải được xác lập trước giải trừ quân bị. Pháp khiến mọi người chấp nhận ý kiến khi cho rằng thời kì quá độ đó phải 8 năm chứ không phải 5 năm như dự kiến, 4 năm đầu là giai đoạn thứ thách và Đức chỉ tái vũ trang trong 4 năm sau. Vì vậy, ngày 15/9 Von Neurath tỏ ý không hài lòng về việc “quay ngoắt của các nước dân chủ” . Ý kiến này ngược lại với luận điểm của Đức là chỉ thiết lập kiểm soát sau khi đã tiến hành giải trừ quân bị. Ở khóa họp lần thứ 14 của Hội Quốc liên khai mạc vào ngày 26/9 ở Geneva, các đại diện của Ý (Nam tước Aloysi và Suvitch) đề nghị một giải pháp trung gian: bắt đầu bằng giải trừ quân bị rồi mới thi hành việc kiểm soát nhưng sẽ tiến hành kiểm soát trước khi kết thúc giải trừ quân bị. Pháp và Anh bác bỏ đề nghị này.

Hội nghị diễn ra trong bầu không khí rất căng thẳng. Đến ngày 14/10/1933, Hitler tuyên bố phía Đức không tiếp tục tham gia vào Hội nghị giải trừ quân bị. Sau 5 ngày, ngày 19/10/1933 Đức tuyên bố rút khỏi Hội Quốc liên để không bị ràng buộc bởi tổ chức này. Hitler biện minh cho hành động này vì Đức không chấp nhận bị coi là “dân tộc ở khu vực hai”

Đến ngày 18/12/1933, Đức gửi cho Pháp một Bị vong lục, trong đó Đức sẽ thành lập một quân đội 300.000 người, bình đẳng vũ khí như các nước khác, sáp nhập vùng Sarre vào Đức. Pháp phản đối đề nghị này của Đức. Anh đứng ra làm trung gian cố thực hiện sự cân bằng giữa 200 nghìn quân kế hoạch Mac Donald và 300 nghìn quân kế hoạch của Đức. Bộ trưởng Tư pháp Eden làm một chuyến công du đến Paris ngày 17/2/1934 và đến Berlin ngày 21/2. Ở đây, Hitler chấp nhận kế hoạch mới của Mac Donald với điều kiện là các đề nghị của ông đưa ra ngày 19/1 về không quân được chấp nhận có nghĩa là bằng một nửa của Pháp, hoặc bằng 1/3 không quân của Pháp và đồng minh cộng lại. Ý chấp nhận kế hoạch này. Cuối cùng giải pháp phụ thuộc vào Pháp nhưng lúc này chính phủ Pháp bị chia rẽ, họ ít tin vào giá trị lời hứa của Hitler. Thủ tướng Doumergue và Bộ trưởng bộ Chiến tranh Pétain lại không đồng ý với đề nghị của Hitler. Họ cho rằng chế độ Hitler sắp sụp đổ và thương lượng với những người kế nhiệm Hitler sẽ dễ dàng hơn. Theo quan niệm này, ngày 17/4/1934 chính phủ Pháp công bố: “Pháp long trọng từ chối không hợp pháp hóa việc Đức tái vũ trang, chính Đức đã làm cho các cuộc thương lượng trở nên vô ích và từ nay Pháp sẽ tự đảm bảo an ninh của mình bằng các phương tiện của chính mình”

Chính tuyên bố này, Anh và Mĩ cho rằng Pháp phải chịu trách nhiệm về sự tan vỡ đó khi Tổng Tham mưu trưởng Pháp tuyên bố với François Poncet: “Chúng ta xem Đức phải mất bao nhiêu thời gian để đuổi kịp số 20 tỉ mà chúng ta đã đầu tư vào vũ khí của chúng ta” . Người ta biết rằng Hitler đã chi số tiền lớn vào việc tái vũ trang

untitled

(Nguồn: http://assets.pearsonglobalschools.com: The causes of world war II in Europe, Hitler’s war)

Rõ ràng, với ván bài đầu tiên về ngoại giao, Hitler đã làm tan rã hệ thống liên minh của Pháp, góp phần xoa dịu nỗi nhục bại trận và khôi phục niềm tin vào tương lai vĩ đại của nước Đức khi nguyên tắc bình đẳng đã được chấp nhận. Điều này có nghĩa là từ lúc này trở đi, Đức Quốc xã sẽ tự tái vũ trang trong thái độ thách thức với các nước dân chủ phương Tây.

2. Hiệp ước không xâm phạm nhau Đức – Ba Lan

2.1. Bối cảnh lịch sử

Ba Lan đã bị xóa tên trên bản đồ châu Âu trước Chiến tranh thế giới thứ nhất. Tại Hội nghị Versailles, Pháp đã ra sức đấu tranh cho sự hồi sinh của Ba Lan, không hẳn vì mục đích sửa chữa những bất công đối với người dân nước này mà chủ yếu nhằm tạo ra một nước đệm ngăn cách giữa đối thủ lâu đời của Pháp là Đức và bao vây Liên Xô, một mắt xích không thể thiếu được trong vòng vây Đông Âu mà Pháp đã không tiếc công sức dựng lên nhằm cô lập nước Đức thời hậu chiến

Nếu Ba Lan có ý nghĩa quan trọng bao nhiêu đối với Pháp thì trong mắt người Đức, Ba Lan hiện lên như một kẻ thù vừa đáng ghét vừa đáng kinh tởm bấy nhiêu. Tội ác đáng nguyền rủa nhất của các tác giả Hòa ước Versailles là đã ngăn cách Đông Phổ với phần còn lại của nước Đức bằng Hành lang Ba Lan, biến Danzig thành thành phố tự do đặt nó dưới quyền quản lý của chính phủ Warszawa. Điều này làm phát sinh liên tục trạng thái căng thẳng giữa Đức và Ba Lan. Ngay cả nền Cộng hòa Weimar, không một chính khách hay một nhà quân sự Đức nào chịu thừa nhận những thay đổi về lãnh thổ vừa nêu.

Von Seeckt, cha đẻ của Reichswehr (Lực lượng bảo vệ Đế chế), đã tuyên bố năm 1922: “Không thể chấp nhận sự tồn tại của Ba Lan, vì nó không tương thích với những điều kiện thiết yếu cho sự tồn tại của Đức. Ba Lan phải biến mất và sẽ biến mất, do những yếu kém nội bộ của nó và do hành động của Liên Xô với sự giúp đỡ của chúng ta. Xóa nó khỏi bản đồ châu Âu là một trong các mục tiêu chính của chính sách Đức. chúng ta có thể đạt được điều này bằng phương tiện và sự giúp đỡ của Liên Xô, cùng với sự biến mất của Ba Lan là sự sụp đổ của một trong các cột trụ vững chắc nhất của Hòa ước Versailles, bá quyền của Pháp”

Mối ác cảm này, người Ba Lan không phải là không cảm nhận được. Do vậy, tin Hitler nắm quyền đã gây chấn động trong dư luận Ba Lan. Phản ứng tự nhiên của Warszawa là thăm dò Paris khả năng răn đe chống Đức. Tổng thống Ba Lan –  Marshal Pilsudski quan niệm rằng với việc xây dựng Tuyến phòng thủ Maginot năm 1929 nên viễn cảnh chiến tranh, Paris không hề muốn nói đến. Điều mà nước này mong muốn là được sống trong an ninh và quân đội Pháp chỉ cần một khả năng phòng thủ mạnh. Một đạo luật quân sự được ban hành năm 1927 ghi rõ: “Mục tiêu của tổ chức quân sự nước ta là bảo vệ biên giới nước ta và phòng thủ các lãnh địa hải ngoại”. Ngoài ra, Paul Reynaud, nhà hoạt động chính trị theo xu hướng tiến bộ đã nhận xét: “Người ta xem tiến công như là học thuyết của một chỉ huy phản động, xem thường tổn thất sinh mạng, trái với phòng ngự có hệ thống của nguyên soái Pétain, biết tiết kiệm xương máu của binh lính mình. Phòng ngự là cộng hòa”. Chỉ có vậy, không một câu chữ nào khác liên quan đến những cam kết tương hỗ mà Pháp đã đưa ra các Đồng minh Ba Lan và Tiệp Khắc, nghĩa là đạo luật không đặt ra vấn đề răn đe bên ngoài biên giới Pháp và các đồng minh phía Đông của Pháp sẽ tự lo cho mình. Như vậy, với kế hoạch phòng ngự đó, một hiệp ước không xâm phạm với Đức là sự lựa chọn tốt nhất cho Ba Lan, để mong được bảo vệ một phần nào đó nếu Liên Xô tấn công và trong trường hợp này có lẽ hiệu quả sẽ cao hơn

Với quan niệm này, Pilsudski ngày càng xa rời hệ thống an ninh tập thể của Pháp, chuyển sang chính sách ngày càng trung lập trong quan hệ với hai đại cường láng giềng: Liên Xô ở phía Đông và Đức Quốc xã ở phía Tây. Nhưng Pilsudski không loại trừ khả năng nghiêng về phía Đức với hi vọng giảm bớt áp lực từ Liên Xô: “Trong quá trình tiếp tục cuộc đàm thoại, Pilsudski nhấn mạnh rằng ông cũng muốn đặt quan hệ Đức – Ba Lan trên cơ sở thân thiện và láng giềng, nhưng sự thù địch của người Đức sẽ gây khó khăn trong việc thực hiện mối quan hệ này”

Về phía mình, Hitler nhận thấy rằng trước khi tiêu diệt Ba Lan, cần tách nước này ra khỏi mối liên minh với Pháp. Do vậy, việc kí với Ba Lan Hiệp ước không xâm phạm nhau, Hitler có thể củng cố làn sóng hòa bình; xóa đi nỗi nghi ngại của Hitler ở Tây Âu và Đông Âu; làm suy yếu chức năng của Hội Quốc liên; lũng đoạn mối liên minh của Pháp với Đông Âu, trong đó Ba Lan là pháo đài vững chắc. Người dân Đức vốn thù ghét Ba Lan có thể không hiểu được, nhưng đối với Hitler sách lược mà ông ta đang theo đuổi có nhiều lợi điểm nhất thời. Do vậy, chính phủ Ba Lan đã đón nhận được thái độ tích cực từ phía chính phủ Quốc xã.

2.2. Nội dung hiệp ước

Ngày 15/11/1933, Hitler tiếp Josef Lipski, tân đại sứ Ba Lan ở Berlin. Hai chính phủ Ba Lan đã “thảo luận những vấn đề liên quan bằng một cuộc đàm phán trực tiếp và hoàn toàn từ bỏ việc sử dụng bạo lực trong quan hệ giữa hai nước nhằm củng cố hòa bình ở châu Âu” . Đến ngày 26/1/1934, chính phủ Đức và chính phủ Ba Lan đã mở đầu một giai đoạn mới trong quan hệ chính trị bằng sự hiểu biết trực tiếp. Hai chính phủ đưa ra những nguyên tắc phát triển mối quan hệ trong tương lai bằng việc duy trì và bảo vệ một nền hòa bình lâu dài, không xung đột, nương tựa lẫn nhau. Đó là điều kiện cần thiết cho nền hòa bình chung của châu Âu. Nếu có tranh chấp phát sinh và thoả thuận không đạt được bằng cuộc đàm phán trực tiếp, tùy từng trường hợp cụ thể, hai nước sẽ tìm kiếm một giải pháp hoà bình khác, mà không làm phương hại đến nhau. Cả hai chính phủ tin rằng mối quan hệ giữa họ sẽ phát triển một cách có hiệu quả và sẽ trở thành láng giềng tốt của nhau. Tuyên bố có hiệu lực trong mười năm sẽ không làm thay đổi các hiệp ước đã kí. Diễn biến trên không được công chúng Đức tiếp đón với thái độ hoan nghênh, không hẳn là do mối ác cảm lâu nay của họ đối với người Ba Lan mà họ không nhận ra dụng ý sâu xa của Hitler. Xét theo khía cạnh này, các chính khách châu Âu cũng không nhìn xa hơn dân Đức

Để tạo ấn tượng yêu chuộng hòa bình đối với châu Âu, Hitler tuyên bố: “Đức đã ký kết Hiệp ước bất tương xâm với Ba Lan. Chúng tôi sẽ tôn trọng vô điều kiện hiệp ước này. Chúng tôi nhìn nhận Ba Lan là ngôi nhà của một dân tộc vĩ đại và có lòng ái quốc cao độ”. Để đáp lại điều đó, ngày 27/9/1934, Ba Lan tuyên bố không thể tham gia vào Hiệp ước Locarno nếu thiếu Đức; không để cho quân đội Đức và Liên Xô đi qua lãnh thổ của mình; không có một nghĩa vụ nào đối với Tiệp Khắc và Litva. Với hiệp ước bất xâm phạm, Ba Lan có lập trường như vậy là hoàn toàn có thể hiểu được

2.3. Ý nghĩa hiệp ước

Với hiệp ước này, Hitler đã tách Ba Lan ra khỏi ảnh hưởng của Pháp, thân cận hơn với Đức Quốc xã tức là làm suy yếu vòng vây Đông Âu, phá vỡ một khâu quan trọng trong hệ thống an ninh tập thể; tăng cường chống lại chủ nghĩa cộng sản Liên Xô. Đấy là con đường dẫn đến sự sụp đổ của Ba Lan trước khi hiệp ước bất tương xâm phạm hết hạn.

Đồng thời, giúp Hitler có dịp tỏ cho thế giới biết rằng chính mình đang yêu chuộng hòa bình và cũng đang thực hiện một nền hòa bình. Đến đây, đã có thể xác định chiến thuật đối ngoại của Hitler: nói chuyện hòa bình ở chốn công khai, tích cực bí mật chuẩn bị tái vũ trang, tiến hành những bước đi ngoại giao thật cẩn trọng để tránh bị trừng phạt bởi các tác giả Hòa ước Versailles, chiến thuật này đã nâng vị thế đối ngoại của Đức một cách đáng kể.

Đối với Pháp, bản thân hiệp ước không chống lại Pháp. Nhưng xét về mặt tâm lý, hành động ngoại giao của chính phủ Ba Lan là không hữu nghị đối với đồng minh của mình, François Poncet đã nói: “Thái độ của Ba Lan đối với chúng tôi và nhất là thái độ của đại tá Beck, ngoại trưởng, không phải là thái độ của một người bạn mà là của kẻ thù đích thực”. Vì hiệp ước này đã làm suy yếu hệ thống phòng thủ phía Đông của Pháp và Pháp đã thất bại trong việc tạo ra một nước đệm để ngăn cách kẻ thù truyền kiếp của mình.

3. Sáp nhập vùng Sarre

gfjuhy.jpg

3.1. Địa chính trị vùng Sarre

Sarre chưa bao giờ là một đơn vị hành chính riêng biệt. Phần lớn Sarre thuộc về vùng Renan nước Phổ và phía Đông thuộc xứ Palatinat Bavois. Tháng 3/1919, Pháp đưa ra một số yêu sách về đất đai đòi sáp nhập phía Nam của Sarre vốn thuộc Pháp từ thời Louis XIV năm 1815. Pháp đòi làm chủ vùng mỏ này nhưng phái đoàn Pháp không làm cho người ta chấp nhận được lập trường của mình. Wilson đã hoàn toàn bác bỏ mọi lập luận có tính lịch sử này.

Theo qui định của Hòa ước Versailles năm 1919, vùng Sarre của Đức đặt dưới quyền ủy trị của Hội Quốc liên trong thời hạn 15 năm. Hội Quốc liên trao lại quyền này cho Pháp. Sau 15 năm (1920-1935), vào đầu năm 1935 sẽ tiến hành trưng cầu dân ý để quyết định xem hạt Sarre thuộc Pháp hay trở về Đức hay tiếp tục nằm trong chế độ ủy trị của Hội Quốc liên. Những cuộc đàm phám của Pháp – Đức về số phận hạt Sarre bắt đầu từ năm 1930 với không ít khó khăn phức tạp, đặc biệt là dưới thời Barthou giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao Pháp. Hitler từng tuyên bố đó là vấn đề duy nhất chưa giải quyết giữa hai nước

Trên bình diện quốc tế, vấn đề được đặt ra như sau: chắc chắn chỉ có một thiểu số người tán thành sáp nhập vào Pháp, chỉ còn lại hai giải pháp: sáp nhập vào Đức hay giữ nguyên trạng, tức là sự cai quản sẽ giao cho một ủy ban chính quyền do Hội Quốc liên cử ra

3.2. Tiến trình sáp nhập Sarre

Vào khoảng năm 1930, mọi diễn biến đều cho thấy toàn bộ dân Sarre sẽ bỏ phiếu thuận chấp nhận sáp nhập Sarre vào Đức. Nhưng khi Đảng Quốc xã nắm chính quyền ở Đức đã làm nhiều người e ngại. Những người Thiên Chúa giáo ở Sarre lo âu về tin đàn áp ở Đức. Những người Xã hội và Cộng sản lo lắng đảng mình sẽ bị thủ tiêu khi Đức Quốc xã tiến hành đàn áp cán bộ của hai đảng, xóa bỏ công đoàn và hoạt động dưới dạng cảnh sát ngầm và các tổ chức bán quân sự

Hitler tiếp tục tiến hành đợt tuyên truyền rầm rộ: diễu hành, mitting, tổ chức du lịch sang Đức được chính phủ Đức tài trợ, tham gia vào “Mặt trận Đức”, nhưng cũng có cả biện pháp “khủng bố”. Trong bài diễn văn ngày 27/8/1933, Hitler tuyên bố: “Nhân dân vùng Sarre sẽ quyết định số phận của mình và tôi biết là mọi người sẽ bỏ phiếu cho Đức, chúng ta muốn sống hòa thuận với Pháp, nhưng không bao giờ từ bỏ Sarre, cũng như không bao giờ Sarre từ bỏ Đức” 

Trong khi đó, chính quyền và công luận Pháp không quan tâm đến vấn đề này, chỉ một vài tờ báo cánh hữu (như Le Figaro), một bộ phận báo chí cánh tả thù địch Đức Quốc xã, một vài nhà kỹ nghệ lớn quan tâm đến lợi ích kinh tế và nhất là Hiệp hội Pháp ở Sarre là muốn giữ nguyên trạng. Vì không đủ phương tiện tài chính nên cố gắng của những người này không ảnh hưởng gì đến Hitler. Ban giám đốc Pháp ở các mỏ Sarre có điều kiện gây sức ép đối với công nhân, nhưng theo nhận xét của các nhà nghiên cứu thì hình như họ không lợi dụng điều này.

Đến năm 1934, Hội Quốc liên đã thành lập một Ủy ban ba người đứng đầu là một người Ý, Nam tước Aloisi, để giám sát cuộc trưng cầu dân ý. Ngày 2/6/1934, Hiệp định Pháp – Đức được kí đảm bảo rằng sẽ không bên nào gây tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đối với các cử tri. Ngày 31/8/1934 Barthou gửi đến Hội Quốc liên một bản giác thư đề nghị mua các mỏ nếu cuộc bỏ phiếu có lợi cho Đức. Nhưng sau khi Barthou bị ám sát (9/10/1934), Ngoại trưởng Pierre Laval thay thế có chiều hướng chấp thuận sáp nhập Sarre vào Đức, thái độ của Pháp trở nên rụt rè hơn. Điều đó chứng tỏ, Laval không biết gì về Sarre, tin rằng cuộc trưng cầu dân ý nhất định thuận lợi cho việc sáp nhập và coi đó là ý nguyện của nhiều người dân Sarre. Đa số mọi người cho rằng nên kéo dài nguyên trạng đến khi chế độ Quốc xã sụp đổ. Laval tiếp tục đẩy chính sách từ bỏ Sarre khi ông gặp đại sứ Koster (Đức) ngày 6 và 10/11/1934, “vùng Sarre không đáng để xảy ra một cuộc chiến tranh Pháp – Đức” . Lời tuyên bố này gần như trao hoàn toàn quyền cho bộ máy tuyên truyền Đức và Hội Quốc liên chấp nhận. Ngày 3/12/1934, nhờ sự hỗ trợ của Nam tước Aloisi, Hiệp định Pháp – Đức về tài chính đã được kí kết, quy định Đức phải trả khoản tiền 900 triệu Frank về những món tiền cho vay và tài sản Pháp ở các mỏ, đường sắt.

3.3. Kết quả cuộc trưng cầu dân ý

Cuối cùng cuộc trưng cầu dân ý cũng được tiến hành ngày 13/1/1935. Trong số 528.053 cử tri thì 46.613 đồng ý giữ nguyên trạng, 2.124 đồng ý thống nhất với Pháp, 477.119 tán thành trở lại với Đức. Có 905 phiếu không hợp lệ và 1202 phiếu trắng. Như vậy, khoảng 90% dân Sarre muốn sáp nhập vào Đức. Qua đó, đồng minh phương Tây muốn chứng tỏ rằng họ không truất bỏ quyền tự quyết của dân tộc Đức như Tổng thống Wilson đã từng tuyên bố năm 1918. Bản thân Hitler cho rằng, thắng lợi này là sự chấp nhận đường lối chính trị của ông trên toàn thể nước Đức. Hitler từng bước tạo niềm tin cho các cường quốc phương Tây bằng cách chứng tỏ rằng Đức là một địch thủ lợi hại của cộng sản Liên Xô và là một quốc gia luôn luôn bênh vực nền văn minh phương Tây. Hitler cũng khéo léo che đậy hành vi bài xích Do Thái đến nỗi mọi quốc gia đều cho đấy là một hiện tượng phụ thuộc, tạm thời, không thể nào tránh được trong khi một phong trào cách mạng đang lay chuyển một dân tộc hùng cường.

Trong ngày 1/3/1935, nhân dịp hạt Sarre trở lại với Đức, Hitler long trọng cam kết, Đức sẽ không có một yêu sách lãnh thổ nào đối với Pháp. Đồng thời, Hitler tuyên bố: “Chúng ta hi vọng vùng Sarre trở lại với nước Đức sẽ vĩnh viễn cải thiện mối quan hệ với Pháp và Đức. Chúng tôi mong muốn hòa bình và nghĩ rằng dân tộc lớn láng giềng cũng sẵn sàng tìm kiếm hòa bình. Chúng tôi hi vọng là chúng ta sẽ chìa tay cho nhau trong sự nghiệp chung này để đảm bảo sự tôn trọng của châu Âu”. Những lời tuyên bố long trọng ấy được phát ra trong bối cảnh Hitler chuẩn bị những điều kiện cần thiết để xé toang các điều khoản Versailles. Với chính sách đi ngược với đường lối của Barthou, Laval có xu hướng xích lại gần Đức Quốc xã đã khuyến khích thêm sự lộng hành của Hitler

4. Kế hoạch tái vũ trang

4.1. Không quân Đức

Không quân Đức đã trở thành một thành phần thiết yếu trong các chiến dịch quân sự của Đức. Khi nắm quyền, Hitler dành rất nhiều tài lực vào việc tạo ra một lực lượng không quân vì nó sẽ đóng một vai trò quan trọng trong chiến tranh hiện đại. Kể từ khi Hòa ước Versailles cấm Đức có một lực lượng không quân, phi công Đức được huấn luyện trong bí mật. Việc đào tạo phi công quân sự được bắt đầu ngay dưới lốt ngụy trang Liên đoàn Bay Thể thao. Với tư cách là Bộ trưởng Hàng không – được hiểu là Hàng không Dân dụng, Hermann Göring đặt hàng cho những xưởng thiết kế máy bay chiến đấu, tất bật để lo gây dựng không quân. Đến ngày 10/3/1935, Göring chính thức công bố Đức có không quân (Luftwaffe). Trong khi đó, lực lượng không quân Pháp gần như đã bị lãng quên kể từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ nhất, các nhà lãnh đạo quân sự Pháp ưa thích chi tiền cho bộ binh và công sự tĩnh. Kết quả là, năm 1940, không quân Pháp chỉ có 1.562 máy bay và cùng với 1.070 máy bay của không quân Anh phải đối mặt với 5.638 máy bay chiến 60 đấu và máy bay ném bom của không quân Đức nhanh chóng giành được ưu thế. Nội chiến Tây Ban Nha (1936-1939) đã minh chứng sức mạnh của ném bom chiến lược của Đức.

Tái vũ trang được thể hiện rõ nhất sau khi quân Đức tràn sang Ba Lan, chỉ trong vòng 48 giờ, không quân Ba Lan đã bị hủy diệt trước khi cất cánh. Quân đội Ba Lan tan nát chỉ sau một tuần. Thủ đô Warszawa thất thủ trong vòng 4 tuần. Ngày 9/4/1940, Đức đồng loạt tấn công Đan Mạch và Na Uy. Đan Mạch đầu hang ngay lập tức, còn Na Uy chống cự và đầu hàng sau 2 tháng. Ngày 10/5, Đức tấn công Pháp, Hà Lan, Bỉ và Luxembourg. Hà Lan đầu hàng sau 5 ngày và Bỉ cầm cự không tới 3 tuần. Chỉ trong vòng hơn 1 tháng từ lúc vượt biên giới Pháp, quân Đức tiến vào thủ đô Paris. Đến giữa năm 1942, Đức đã thôn tính khoảng 90% diện tích Tây Âu, chỉ trừ Thụy Điển, Vương quốc Anh, Scotland, Ireland, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Thụy Sĩ, còn ở Bắc Phi, Đức đang chiếm đóng Tunisia, Lybia và một phần Ai Cập

4.2. Phục hồi chế độ quân dịch

Hòa ước Versailles qui định Đức có tối đa 100.000 quân tức là không được thi hành nghĩa vụ quân sự, cấm sở hữu máy bay và xe tăng nhằm mục đích ngăn chặn bước đường bá quyền của Đức ở châu Âu. Nhưng điều khoản này đã làm suy yếu Đức sau Chiến tranh thế giới thứ nhất. Khi Hitler lên cầm quyền, Đức Quốc xã theo đuổi một cách không mệt mỏi chương trình tái vũ trang. Quân đội nhận lệnh tăng quân số từ 100.000 lên 300.000 quân. Đến ngày 17/4/1934, người ta đều cho rằng Đức đang tái vũ trang

Đến ngày 12/3/1935, chính phủ Pháp công bố quyết định kéo dài thời hạn quân dịch từ 18 đến 24 tháng và hạ thấp độ tuổi thi hành nghĩa vụ quân dịch để bù đắp số thanh niên ít ỏi ra đời trong năm Chiến tranh thế giới thứ nhất. Hitler phản ứng tức khắc. Ngày 16/3/1935, Hitler triệu tập François Poncet đến và thông báo Luật nghĩa vụ quân sự phổ thông bắt buộc và quân đội thời bình gồm có 12 quân đoàn và 36 sư đoàn – khoảng nửa triệu người. Đây là sự kiện hết sức nghiêm trọng đánh dấu việc Đức Quốc xã không còn đếm xỉa gì đến các điều khoản quan trọng nhất về hạn chế quân sự theo Hòa ước Versailles, trừ khi Pháp và Anh có động thái. Giờ đây quá trình ngấm ngầm tái vũ trang nước Đức trước đó đã được Hitler công khai hóa và pháp lý hóa. Cái cớ được Hitler tạo ra là thất bại của Hội nghị giải trừ quân bị và việc tái vũ trang của các cường quốc như Anh, Pháp, Liên Xô buộc Đức phải làm như vậy

Ngay ngày hôm sau, chủ nhật ngày 17/3 một buổi lễ hoành tráng được tổ chức ngay giữa thủ đô Berlin để chào mừng sự kiện vừa nêu. Đây chính thức là lễ tôn vinh những liệt sĩ đã hi sinh vì tổ quốc, nhưng những người tham dự đều ngầm hiểu đây là lễ mai táng Hòa ước Versailles, nỗi nhục nhã của Đức đã bị tháo bỏ, đồng thời là cuộc mitting chào mừng sự hồi sinh của quân đội Đức. Nếu chế độ Quốc xã còn bị nhiều người Đức e dè vì tính chất độc tài, bạo lực của nó, đến lúc họ cũng phải nhìn nhận rằng, Hitler đã làm được điều mà không chính phủ cộng hòa nào dám làm

Đúng như Hitler dự đoán, Anh và Pháp chỉ lên tiếng phản đối nhưng không có động thái nào khác. Trái lại, chính phủ Anh vội hỏi liệu Hitler có chịu gặp Ngoại trưởng Anh hay không và Hitler đã đồng ý. Chính phủ Ý cũng phản đối và ngày 23/3 Laval, Eden và Suvich gặp mặt ở Paris. Họ nhất trí là Eden sẽ đi cùng với John Simon đến gặp Hitler với danh nghĩa đến để thông báo rồi Simon sẽ đến Moskva, Warszawa và Praha, sau đó đại diện của ba nước sẽ gặp nhau ở Stresa. Bên cạnh đó, công hàm ngoại giao mà bến Orsay gửi đến Hội Quốc liên vừa chứa đựng những lời phản đối, vừa nhấn mạnh đến nỗ lực hòa giải và xua tan tình hình căng thẳng phát sinh. Đây cũng không phải là ngôn từ của những người quyết tâm với động thái phản đối.

Trong hoàn cảnh trên, sẽ chẳng phải là lạ nếu Hitler cố ý phớt lờ Hội nghị Stresa diễn ra ngày 11/4 với sự tham gia của phái đoàn Anh, Pháp và Ý. Hội nghị lên án chính sách tái vũ trang của Đức, tái xác nhận ủng hộ nền độc lập của Áo và tái khẳng định Hiệp ước Locarno. Hội Quốc liên cũng tỏ ý bất bình và lập một ủy ban để đề xuất biện pháp ngăn chặn Hitler. Nhưng tất cả chỉ là lời nói suông, rỗng tuếch để cảnh cáo Hitler. Nhận thấy Đức sẽ không bao giờ kí Hiệp ước Đông Locarno, Pháp vội kí Hiệp ước tương trợ với Liên Xô có thời hạn 5 năm, các bên cam kết giúp nhau trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công vào một bên kí kết. Ngày 16/5, một hiệp ước tương trợ đã được kí giữa Liên Xô và Tiệp Khắc, đồng minh thuộc vào hàng tin cậy nhất của Pháp ở Đông Âu.

Trong lúc người Pháp còn cố tiến hành, ngoài những lời lẽ phản đối quen thuộc, một số hoạt động tích cực theo hướng xây dựng một hệ thống an ninh tập thể ở Đông Âu, người Anh gần như chỉ bằng lòng với những lời phản đối, dù đôi khi mạnh mẽ, nhưng lại không kèm theo một động thái ngoại giao tương xứng nào cả. Hitler quyết định đấy chính là lúc khẳng định một lần nữa lòng yêu chuộng hòa bình và để xem có thể lũng đoạn tình đoàn kết giữa các nước đang chống lại mình hay không

Ngày 21/5/1935, Hitler đọc bài “Diễn văn hòa bình” ở Nghị viện, Hitler tuyên bố Đức không hề có ý định thôn tính các dân tộc khác, tất cả những gì ông muốn chỉ là hòa bình. Ông bày tỏ nỗi lo âu trước những tàn phá khủng khiếp của chiến tranh và những lời cam kết tôn trọng Hòa ước Versailles, bảo vệ đường biên giới hiện thời của Pháp, từ bỏ Anschluss (không có ý định sáp nhập Áo vào Đức), tuân thủ nghiêm ngặt Hiệp ước không xâm lược nhau với Ba Lan. Cuối cùng, Hitler đưa ra 13 đề xuất cụ thể nhằm duy trì hòa bình, tạo ấn tượng sâu đậm đối với nước Đức và cả châu Âu. Nếu Hội Quốc liên tách ra khỏi Hòa ước Versailles và mọi quốc gia được bình đẳng như nhau, Hitler ngụ ý Đức sẽ tái gia nhập Hội Quốc liên. Đặc biệt, Đức sẽ ủng hộ và hoàn thành mọi nghĩa vụ xuất phát từ Hiệp ước Locarno, tuân thủ qui chế phi quân sự của vùng tả ngạn sông Rhine (Rhineland). Đấy là những ngôn từ tẩm mật ngọt của hòa bình và những lời hứa rỗng tuếch của Hitler.

Cùng ngày, một động thái ngoại giao khác trái ngược hoàn toàn với lòng yêu chuộng hòa bình, Hitler ban hành Đạo luật Quốc phòng, bổ nhiệm TS. Schacht làm Bộ trưởng Đặc mệnh Toàn quyền Kinh tế Chiến tranh chuẩn bị một nền kinh tế thời chiến và tổ chức lại quân đội. Bộ Quốc phòng đổi thành Bộ Chiến tranh. Quân đội Đức từ danh hiệu Reichswehr (Lực lượng bảo vệ Đế chế) của cộng hòa Weimar được đổi tên thành Wehrmacht (Quân đội quốc phòng) của Đức Quốc xã. Theo qui định của Hòa ước Versailles Reichswehr phải chịu nhiều hạn chế như quân số không vượt quá 100 nghìn quân, chỉ được trang bị những loại vũ khí phòng thủ, không được có không quân, còn hải quân chỉ đủ sức làm nhiệm vụ bảo vệ bờ biển. Vậy, Reichswehr không phải là một quân đội đúng nghĩa. Khi đổi tên Reichswehr thành Wehrmacht, Hitler có ý muốn khẳng định rằng kế hoạch của Đức là xây dựng một quân đội đúng nghĩa, không bị hạn chế các điều khoản của Hòa ước Versailles mà Tổng Tư lệnh Tối cao Quân lực sẽ không ai khác ngoài Hitler. Blomberg được chỉ định làm Bộ trưởng Chiến tranh kiêm Tổng Tham mưu trưởng Quân lực. Tướng Beck nhận chức Tham mưu trưởng Lục quân.

4.3. Hiệp định hải quân Anh – Đức

Theo Hòa ước Versailles, hải quân bị giảm thành lực lượng tượng trưng, bị cấm chế tạo tàu ngầm hoặc tàu trọng tải trên 10.000 tấn. Các điều khoản này nhất thời gây bất mãn và phẫn nộ cho toàn thể nước Đức. Tất cả điều khoản trong Hòa ước Versailles đã làm giảm sức mạnh quân sự của Đức. Hải quân Đức đã bắt đầu đóng hai chiếc tàu thiết giáp 26.000 tấn, việc đóng tàu ngầm đã được tiến hành bí mật ở Phần Lan, Hà Lan và Tây Ban Nha dưới chế độ Cộng hòa Weimar.

Bài diễn văn mà Hitler đọc ngày 21/5/1935, đã tác động mạnh đến Mac Donald và John Simon. Hitler giăng miếng mồi ra nhử nước Anh, ông sẵn sàng giới hạn hải quân Đức ở mức 35% tổng trọng tải lực lượng hải quân Anh và ông cho rằng như thế vẫn còn khiến cho Đức thấp hơn 15% so với tổng trọng tải của hải quân Pháp. Hitler tuyên bố “Đối với Đức, yêu cầu này là cuối cùng và có tính ràng buộc”, kèm một lời trấn an: “Nước Đức không có ý định, cũng chẳng có nhu cầu, phương tiện để dự phần vào cuộc chạy đua mới trong lĩnh vực ưu thế hải quân” . Hitler tiếp: “Chính phủ Đức có ý muốn thẳng thắn để tìm kiếm và duy trì mối bang giao với dân tộc và đất nước Anh nhằm mọi lúc ngăn chặn hai nước tái diễn chiến tranh” . Với những ngôn từ này, phù hợp với chế độ dân chủ Tây Âu, chính phủ Anh tin rằng chính sách Hitler đưa ra tạo một tiền đề tốt để đạt một thỏa thuận trọn vẹn với Đức – một nước Đức tự do, bình đẳng và mạnh mẽ thay vì một nước Đức kiệt quệ bị áp đặt bởi Hòa ước Versailles. Chính phủ Anh rơi vào bẫy của Hitler một cách ngây thơ và nhanh chóng đến mức khó tin. Cũng có lẽ Hitler thật lòng muốn hòa giải với Anh, một trong những bài học mà Hitler rút ra từ Chiến tranh thế giới thứ nhất, khi Đức cố chạy đua vũ trang ngang bằng với hải quân Anh. Đó là lỗi lầm lớn nhất của Hoàng đế Đức, gây nên thái độ thù địch với Anh

Bi kịch trong liên minh Anh, Pháp, Ý đã xảy ra, khi chính người Anh đã chấp nhận đàm phán với Đức (từ ngày 4/6/1935) về vấn đề hải quân trên cơ sở đề nghị của Hitler mà không tham khảo ý kiến của Pháp và Ý thuộc Hiệp ước Stresa, vốn cũng là các cường quốc hải quân đang lo lắng về việc Đức tái vũ trang, hay thậm chí thông báo cho Hội Quốc liên, tổ chức quốc tế theo dõi việc tuân thủ Hòa ước Versailles. Anh nông nỗi tiến hành xóa bỏ mọi hạn chế hải quân ghi trong Hòa ước Versailles. Anh có ý nghĩ là chấp nhận chuyện đã rồi và nhìn nhận Đức được bình đẳng về quân sự, đổi lại Đức sẽ tham gia Hiệp ước Locarno. Kết quả là, ngày 18/6/1935, Hiệp định hải quân Anh – Đức được kí kết mà không có một sự tham khảo nào từ Pháp và Ý. Theo hiệp định này, Đức được quyền xây dựng hạm đội bằng 35% hạm đội Anh, tàu ngầm bằng 45% của Anh hoặc thậm chí 60% và trong trường hợp đặc biệt có thể lên đến 100% (sau khi thỏa thuận trước với Anh rằng sẽ không dùng tàu ngầm chống lại tàu buôn trong thời gian chiến tranh) và cần nhắc lại rằng Hòa ước Versailles nghiêm cấm Đức trang bị tàu ngầm. Cụ thể Hiệp định hải quân Anh – Đức cho phép Đức đóng 5 tàu thiết giáp, với trọng tải và đại pháo lớn hơn bất cứ loại tàu nào mà Anh đang có, lại thêm việc Đức ngụy tạo mọi con số chính thức để đánh lừa bên Anh nhằm đóng 21 tàu tuần dương và 64 tàu khu trục . Khi chiến tranh bùng nổ, không phải tất cả đều được hoàn tất nhưng Đức đã hoàn tất khá đủ, cộng thêm tàu ngầm đã gây cho Anh nhiều thiệt hại trong nững năm đầu của cuộc chiến.

Ngoài ra không có qui định cụ thể khác, nghĩa là mặc nhiên cho phép Đức tự do đóng tàu cho hạm đội càng nhanh càng tốt, huy động tối đa các xưởng đóng tàu và nhà máy thép. Vì thế, đây không phải là giới hạn tái vũ trang của Đức mà là khuyến khích bành trướng binh chủng hải quân theo khả năng của Đức. Điều này  chẳng những vi phạm hòa ước Versailles năm 1919 về vấn đề Đức, mà còn có nghĩa là Anh đã mặc nhiên thừa nhận tái vũ trang nước Đức bằng việc kí kết một hiệp định quân sự chính thức. Chính Anh cũng không quan tâm đến những điều khoản trong Versailles. Anh cho rằng Hòa ước Versailles đã quá khắc nghiệt với Đức và đây là thời điểm thích hợp để nới lỏng các điều khoản giúp châu Âu bình đẳng với nhau. Anh cho rằng phương pháp này sẽ đáp ứng những yêu cầu của Hitler và không có lý do gì để tức giận hoặc cảm thấy bị dồn ép bởi các điều khoản của Versailles nữa.

Trước tình hình đó, Mussolini đã thực hiện kế hoạch mà ông ta ấp ủ từ lâu: khởi sự cuộc chiến xâm lược xứ Abyssinia từ ngày 4/10/1935. Hội Quốc liên cầm đầu là Anh được Pháp ủng hộ một cách miễn cưỡng, biểu quyết khiển trách nhưng việc áp dụng hình phạt chỉ là nửa vời. Họ không ngăn chặn được Ý chiếm Abyssinia, vừa phá vỡ những gì còn sót lại của mặt trận Stresa chống Đức. Winston Churchill, một chính khách nổi tiếng của Anh nhận xét trong Hồi kí: “Giờ đây, chỉ còn lại ít hi vọng để loại trừ chiến tranh và trì hoãn nó bằng một cuộc đọ sức tương đương với chiến tranh. Thực tế là Anh và Pháp chẳng còn sự lựa chọn nào khác ngoại trừ chờ đợi cuộc tiến công và ráng làm hết sức mình”

Nếu như Đức đang nỗ lực xây dựng để trở thành một cường quốc quân sự thì vào năm 1934 đà tiến bộ của quân Anh đi vào ngõ bí. Có hai điều đã ngăn trở chương trình cách tân. Thứ nhất là các chính khách và công luận Anh dứt khoát chống đối việc đưa quân Anh can dự vào lục địa, cho đến năm 1939, chính phủ Anh chỉ tài trợ rất ít cho quân đội. Thứ hai, hầu hết các sĩ quan Anh vẫn yêu thích cái nghề lính cổ truyền và xem chức vị sĩ quan là một vị thế yên ổn hơn là một nghề buộc phải học hỏi nghiêm túc. Kết quả là các sĩ quan Anh thích thể thao, săn chồn hơn là học hỏi nghiên cứu nhằm chuẩn bị cho chiến tranh.

Bên cạnh đó, quy tắc Mười năm (tháng 8/1919), tuyên bố chính phủ không tham gia vào chiến tranh trong vòng mười năm. Do đó, họ tiến hành rất ít hoạt động nghiên cứu quân sự. Mặt khác, Đức và Liên Xô không hài lòng về sức mạnh của mình vì những lý do khác nhau nên đã hợp tác với nhau về quân sự. Liên Xô cung cấp cơ sở cho Đức để sản xuất, thử nghiệm vũ khí và huấn luyện quân sự. Đổi lại, Liên Xô yêu cầu tiếp cận kỹ thuật Đức và được hỗ trợ trong việc tạo ra một Tổng tham mưu Hồng quân.

Tại Pháp, chính sách quốc phòng của đế quốc đã bị bỏ bê trong một thời gian dài. Giới chỉ huy quân sự Pháp khi thực hiện kế hoạch cơ giới hóa, yêu cầu Hội đồng Quốc phòng Tối cao “không được quên rằng ngựa vẫn luôn có ích và tuyên bố rằng quân đội rất cần thêm nhiều ngựa, đặc biệt ngựa để cưỡi. Chúng ta phải cứu vãn việc nuôi ngựa”. Họ coi xe tăng chiến đấu chỉ là phương tiện hỗ trợ, bổ sung cho bộ binh, đặt dưới sự điều động của bộ binh.

Thống chế Pétain sau khi đã hoàn thành học thuyết quân sự của Pháp cho rằng: “Thật là bất cẩn khi kết luận rằng một lực lượng thiết giáp, vốn có khả năng tiến xa, theo lời một số người, trên 150 km một ngày, chọc thủng những phòng tuyến lớn và gieo rắc kinh hoàng sau lưng kẻ địch, là một thứ vũ khí vô địch. Những kết quả mang tính quyết định mà lực lượng này giành được sẽ không lâu bền. Trước một hàng rào súng chống tăng và mìn, sư đoàn thiết giáp sẽ làm mồi cho một cuộc phản công bên sườn. Còn về xe tăng, mà một số người cho rằng sẽ rút ngắn cuộc chiến, sự bất lực của chúng là rất rõ ràng”

Chính vì những lí do đó, xe tăng, lực lượng thiết giáp, kế hoạch sản xuất xe tăng và xây dựng các đơn vị thiết giáp không được quan tâm. Phi cơ Pháp cũng chịu số phận tương tự. Mười hai năm sau Thế chiến thứ nhất, mà trong đó phi cơ Pháp đóng vai trò ngày càng quan trọng trong trinh sát, xạ kích và oanh tạc, không quân Pháp về cơ bản vẫn y như cũ. Theo Thống chế Pétain “không có chuyện đại loại như không chiến. Chỉ có trận chiến trên bộ”. Hậu quả là không quân Pháp lạc hậu về mọi mặt so với Đức, Anh và cả Mĩ. Đối với giới chỉ huy quân sự cao cấp Pháp, không quân quả là một đứa con ghẻ phiền toái.

Với bài học của Thế chiến thứ nhất, do tình trạng xơ cứng trong tư duy của giới quân sự Pháp. Nếu như trước năm 1914, họ nhấn mạnh đến tiến công thì sau năm 1918, họ đặt trọng tâm vào phòng ngự, vì theo họ nó đã tỏ ra thành công trong Đại chiến và cũng sẽ mang thắng lợi một lần nữa. Do vậy, chính sách quốc phòng của Pháp nặng đầu tư xây dựng Tuyến phòng phủ Maginot để ngăn chặn một cuộc xâm lược của Đức với chi phí lên nửa tỉ đô la. Đây là một công trình phòng thủ lớn nhất từ trước đến nay trong lịch sử thế giới nhưng Tuyến phòng thủ Maginot lại góp phần vào thảm bại quân sự của Pháp năm 1940, mà lý ra nó có trách nhiệm ngăn chặn. Vậy mà người Pháp cứ yên chí với tuyến phóng thủ đó. Trong khi Hitler đã xé bỏ Hòa ước Versailles, xây dựng một đạo quân theo chế độ cưỡng bức nửa triệu người, lực lượng hải quân và không quân vững mạnh. Điều đó cho thấy, quân đội của Đức không những tăng lên về số lượng mà còn cả chất lượng. Chính sách xây dựng nền Quốc phòng của Đức ngày càng vững mạnh.

5. Tái chiếm vùng phi quân sự Rhineland

5.1. Bối cảnh lịch sử

Sau sự sụp đổ của Đế quốc Pháp đầu thế kỷ XIX, các khu vực nói tiếng Đức và Hà Lan ở trung và hạ lưu sông Rhine được sáp nhập vào vương quốc Phổ. Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, phía Tây của Rhineland bị phe Hiệp ước chiếm đóng và bị phi quân sự theo Hòa ước Versailles. Theo điều khoản Hòa ước Versailles năm 1919 cấm Đức duy trì hoặc xây dựng bất kỳ pháo đài nào bên bờ trái hoặc bờ phải sông Rhine cách đều hai bờ tả ngạn và hữu ngạn mỗi bên 50 km. Nếu vi phạm bất cứ trường hợp nào cũng sẽ được coi là một hành động thù địch và có ý định làm xáo trộn hòa bình thế giới. Có nghĩa là hòa ước cấm Đức đóng quân ở Rhineland, qui định này đã làm suy yếu khả năng phòng thủ của Đức và buộc Đức phải thay đổi. Đồng thời, hòa ước này quy định rằng lực lượng quân sự của Đồng minh sẽ rút khỏi Rhineland năm 1935, mặc dù họ thực sự rút khỏi vào năm 1930

Ngoài ra, Hiệp ước Locarno kí kết năm 1925 giữa Đức, Pháp, Ý và Anh cho rằng “vùng Rhineland nên tiếp tục tình trạng phi quân sự vĩnh viễn” . Hiệp ước này được coi là rất quan trọng vì Đức tự nguyện chấp nhận tình trạng phi quân sự vùng Rhineland trái ngược với sự chấp nhận Hòa ước Versailles mà người Đức coi đó như một “diktat” . Theo điều khoản của Locarno, Anh – Ý đảm bảo đường biên giới của Pháp – Đức và tình trạng phi quân sự tiếp theo của Rhineland nhằm chống lại bất cứ động thái vi phạm nào. Do vậy, trong tư tưởng của Hitler, hủy bỏ Hiệp ước Locarno nghĩa là có khả năng chiếm đóng vùng phi quân sự Rheinland. Giới quân sự và ngoại giao Đức coi tình trạng ở Rhineland chỉ là tạm thời và đã soạn thảo kế hoạch tái chiếm Rhineland vào một thời điểm thích hợp

Trong bài phát biểu hòa bình ngày 21/5/1935, Hitler tuyên bố: “Đức sẽ tôn trọng vô điều kiện những điều khoản của Hòa ước Versailles không liên quan đến quân sự kể cả những điều khoản về lãnh thổ. Đặc biệt, Đức sẽ ủng hộ và thực hiện mọi nghĩa vụ của Hiệp ước Locarno” . Tất cả những gì ông muốn chỉ là hòa bình và cảm thông dựa trên sự bình đẳng cho mọi bên. Ông bác bỏ ý tưởng chiến tranh và bài diễn văn đã gây ấn tượng tốt đẹp cho thế giới, nhất là Anh, nhưng Hitler đã đề cập đến “một yếu tố thiếu ổn định về mặt pháp lý”  được đưa vào Hiệp ước Locarno là do kết quả của Hiệp ước Xô – Pháp. Theo hiệp ước này, trong trường hợp Đức tấn công Liên Xô thì Pháp sẽ can thiệp Liên Xô và ngược lại. Đến ngày 1/6/1935, Bộ ngoại giao Đức đã gửi cho Pháp một Bị vong lục tố cáo rằng Hiệp ước Xô – Pháp đã vi phạm Hiệp ước Locarno Pháp – Đức năm 1925. Phía Đức cho rằng, hiệp ước này đã qui định Đức và Pháp không tấn công nhau, và Pháp chỉ có quyền can thiệp chống Đức trong trường hợp Đức tấn công Ba Lan và Tiệp Khắc. Nay Hiệp ước Xô – Pháp đã tạo ra thêm một “trường hợp ngoại lệ thứ ba” , như vậy là không phù hợp với tinh thần và nội dung của Hiệp ước Locarno năm 1925. Hitler tuyên bố một cách điềm tĩnh rằng Hiệp ước Xô – Pháp đã khiến cho Hiệp ước Locarno – mà Đức tự nguyện kí kết trở nên mất hiệu lực. Hitler nói:

“Đức không còn cảm thấy bị trói buộc vào Hiệp ước Locarno. Thể theo lợi ích của cư dân dọc biên giới phải có quyền cơ bản về an ninh và quyền tự vệ, bắt đầu từ hôm nay chính phủ Đức tái lập chủ quyền tuyệt đối và toàn vẹn của đế chế trong vùng phi quân sự”

 Đây là chỉ là cái cớ để Hitler tái chiếm vùng phi sự Rhineland. Tuy nhiên, phía Pháp đã bác bỏ lập luận này của Bộ ngo

0