18/06/2018, 16:39

Nhận diện thêm về cơ cấu chính quyền “kép” cung vua phủ chúa và vai trò của nhà Trịnh trong lịch sử trung đại Việt Nam

Khổng Đức Thiêm Thực ra, trong lịch sử Việt Nam, không phải mãi đến những năm cuối cùng của thế kỷ XVI – ông vua, người đại diện của vương triều mới trở thành hư danh, hư vị. Có chăng vào thời điểm ấy, những người kế tục Thế tổ Minh khang Thái vương Trịnh Kiểm mới tiến một bước ...

trieu_dinh_le_01.jpg

 Khổng Đức Thiêm 

Thực ra, trong lịch sử Việt Nam, không phải mãi đến những năm cuối cùng của thế kỷ XVI – ông vua, người đại diện của vương triều mới trở thành hư danh, hư vị. Có chăng vào thời điểm ấy, những người kế tục Thế tổ Minh khang Thái vương Trịnh Kiểm mới tiến một bước dài so với người xưa khi họ hoạch định về nguyên tắc một cách đầy đủ và vững chắc cơ cấu chính quyền CUNG VUA PHỦ CHÚA. Sự mềm mại và uyển các của tấm áo khoác ấy đã giúp cho sự trụ vững của nhà Trịnh trong hơn một thế kỷ. Sự suy tàn kể từ Trịnh Cương trở đi phải chăng phản ánh tính lỗi thời của phương thức chính quyền kép hay đó là sự tất yếu của nhà nước phong kiến đang ngày một tàn tạ. Đây là vấn đề có nội hàm khác mà trong bản báo cáo này chúng tôi không đề cập tới

I . Những thể thức của chính quyền kép

Để vô hiệu hóa ngôi vị của các vua Lê, thể thức chính mà các chúa Trịnh ưa dùng là chuyên quyền, lấn át và phát huy đến mức tối đa sự quyết đoán đối với tất cả lĩnh vực. Tự ý phế lập để đưa lên ngôi những ông vua miệng còn hơi sữa, nhu nhược là phương sách chủ yếu và quen thuộc. Trong quãng thời gian khoảng 250 năm kể từ 1539 đến 1786 có tất cả 16 vua Lê trị vì:

  1. LÊ TRANG TÔNG (1533 – 1548) tại vị 16 năm, hưởng dương 31 tuổi, con út Chiêu Tông, được Nguyễn Kim dựng lên ở Sầm Châu (Lào).
  2. LÊ TRUNG TÔNG (1548 – 1556) tại vị 8 năm, hưởng dương 28 tuổi.
  3. LÊ ANH TÔNG (1556 – 1573) tại vị 16 năm, hưởng dương 42 tuổi, cháu Huyền tôn Lê Trữ, sau bị Trịnh Tùng sai người giết đi.
  4. LÊ THẾ TÔNG (1573 – 1600) tại vị 27 năm, hưởng dương 33 tuổi, con thứ 5 của Anh Tông.
  5. LÊ KÍNH TÔNG (1600 – 1619) tại vị 20 năm, hưởng dương 32 tuổi, con Thế Tông, bị Trịnh Tùng bức thắt cổ tự vẫn.
  6. LÊ THẦN TÔNG (1619 – 1643) tại vị lần thứ nhất được 25 năm nhường ngôi cho Thái tử, lên làm Thái thượng hoàng.
  7. LÊ CHÂN TÔNG (1644 – 1649) tại vị 6 năm, hưởng dương 20 tuổi.
  8. LÊ THẦN TÔNG (1649 – 1662) do Chân Tông không có con nên Trịnh Tráng lại rước về đưa lên ngôi lần thứ hai, được 13 năm, hưởng dương 56 tuổi.
  9. LÊ HUYỀN TÔNG (1663 – 1671) tại vị 8 năm, hưởng dương 18 tuổi.
  10. LÊ GIA TÔNG (1672 – 1675), tại vị 4 năm, hưởng dương 15 tuổi.
  11. LÊ HY TÔNG (1676 – 1705) làm vua 29 năm rồi truyền ngôi cho Thái tử, lên làm Thái thượng hoàng.
  12. LÊ DỤ TÔNG (1706 – 1729) làm vua 24 năm, truyền ngôi để làm Thái thượng hoàng.
  13. LÊ ĐẾ DUY PHƯƠNG (1729 – 1732) làm vua được 3 năm, bị vu tư thông với vợ Trịnh Cương, bị giáng xuống làm Hôn đức công rồi bị giết.
  14. LÊ THUẦN TÔNG (1732 – 1735) làm vua 4 năm, hưởng dương 37 tuổi, con Dụ Tông, đã được lập làm Thái tử nhưng bị bỏ để lập Duy Phương.
  15. LÊ Ý TÔNG (1735 – 1740) vốn là con Dụ Tông, Trịnh Giang bỏ con Thuần Tông mà lập nên. Năm 1740, Ý Tông bị bắt nhường ngôi cho con Thuần Tông lên làm Thái thượng hoàng.
  16. LÊ HIỂN TÔNG (1740 – 1780) làm vua 40 năm, hưởng dương 70 tuổi.
  17. LÊ MÃN ĐẾ (1781 – 1788) còn gọi là Chiêu Thống.

Như vậy là:

– Có 3 nhà vua bị nhà Trịnh giết hại (Anh tông Duy Bang bị hại năm 1573 vì có ý định khởi binh chống lại Kính Tông; Duy Tân phải thắt cổ tự tử năm 1619 vì có liên quan với mưu kế của Trịnh Xuân, Duy Phương bị vu cáo và giết chết năm 1735 vì có ý tự cường).

– Có 5 nhà vua lên ngôi dưới 12 tuổi (Thần Tông, Chân Tông, Huyền Tông, Gia Tông và Hy Tông) hầu như đều do chúa Trịnh nuôi nấng, rèn luyện từ nhỏ trong phủ chúa. Kể từ thời Trịnh Tạc, các chúa Trịnh vào yết kiến, triều yết không phải quỳ lạy, xưng tên, được ngồi bên trái ngự tọa ngang với vua. Nghi lễ trong những ngày sóc vọng của hàng tháng như việc chúa và quan lại đến chầu ở điện Vạn Thọ cũng bị bãi bỏ.

Thực quyền cũng chuyển hết sang phủ chúa.

Lục bộ (Lại bộ, Hộ bộ, Lễ bộ, Binh bộ, Hình bộ, Công bộ) tuy vẫn thuộc triều đình nhưng việc giáng bổ, điều khiển các Thượng thư đều do Phủ chúa làm. Năm 1718 Trịnh Cương nâng Tam phiên thành Lục phiên thâu tóm và điều hành mọi việc chính trị. Công việc trưng thu thuế khóa do Lục cung thuộc Lục phiên đảm trách.

Ngũ phủ (Trung quân, Đông quân, Tây quân, Nam quân, Bắc quân) coi về võ bị, các võ quan đều chịu sự trông coi của Chưởng phủ sự và Thự phủ sự của phủ chúa. Bên cạnh Võ ban, Văn ban còn có Giám ban – để cho nội giám cũng đứng ra coi việc nhà nước. Người ta chỉ biết đến Phủ liêu của nhà chúa chứ không còn màng gì đến triều đình vốn bị hư danh từ lâu. Cũng vậy, quân đội chỉ biết đến ưu binh chọn từ ba phủ của Thanh Hóa, bốn phủ của Nghệ An để đóng ở kinh thành, làm quân túc vệ ở cung vua phủ chúa.

Không chỉ dùng võ quan và văn thần tin cẩn nắm giữ Lục phiên, Lục cung, Ngũ phủ, Giám ban và Phủ liêu ở Trung ương, chúa Trịnh còn cho hoàng thân quốc thích làm Trấn thủ các trọng tấn.

Sự cồng kềnh và phiền tạp của bộ máy chính quyền kép CUNG VUA PHỦ CHÚA chỉ tỏ ra có hiệu lực khi nhà chúa còn mạnh. Rút cục sự suy giảm công dụng diễn ra ngày một rõ nét hơn.

Đứng trước một thực tế bùng nhùng trên, nhiều người tự hỏi tại sao nhà Trịnh không dứt mạch nhà Lê để thu gọn quyền hành về một mối. Trần Trọng Kim trong Việt Nam Sử lược cho rằng:

“Uy quyền họ Trịnh bấy giờ hống hách như thế và các quan lại theo về họ Trịnh cả, giả sử Trịnh Tùng có muốn dứt nhà Lê đi mà làm vua thì cũng không khó gì. Tuy vậy mà Trịnh Tùng không dám làm, là tại sao? Tại lẽ rằng ở phía Bắc sợ có nhà Minh sinh sự lôi thôi, lại có họ Mạc còn giữ đất Cao Bằng, lỡ có điều gì phản trắc thì e quân nghịch nổi lên lấy tiếng phù Lê thảo Trịnh làm cớ.

Vả chăng mặt Nam còn có họ Nguyễn, thế lực cũng chẳng kém hèn gì, mà lại còn có ý độc lập để tranh quyền với họ Trịnh. Chi bằng không lấy nước cũng như lấy nước, không làm vua mà lại hơn vua. Và bao giờ có phải đi đánh dẹp nơi nào, vẫn lấy lịnh thiên tử và sai khiến mọi người, không ai bẻ bắt gì được. Bởi thế cho nên họ Trịnh đành chịu ngôi thứ nhì trong nước mà giữ quyền cả nước”.

Các tác giả Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam (tập III) cho rằng: “Thực ra thì chúa Trịnh nhiều khi cũng nghĩ đến mưu đồ cướp ngôi vua nhưng không dám thực hiện. Năm 1556 khi vua Trung Tông (1549 – 1556) chết không có con, Trịnh Kiểm đã mật bàn với một số người thân cận có ý tự xưng làm vua. Trong lúc lưỡng lực, Trịnh Kiểm đã sai người đến hỏi ý kiến của Nguyễn Bỉnh Khiêm – tức Trạng Trình, một người rất am hiểu thời thế và nhận định sự việc sáng suốt. Tương truyền Trạng Trình trả lời gián tiếp bằng cách nói với người nhà: “Năm nay mất mùa, thóc giống không tốt, chúng mày nên tìm giống cũ mà gieo mạ” và bảo chú tiểu dọn chùa: “Giữ chùa thờ Phật thì ăn oản”. Ý Nguyễn Bỉnh Khiêm muốn khuyên Trịnh Kiểm nên tìm con cháu nhà Lê lập nên làm vua để có danh nghĩa thu phục lòng người. Các chúa Trịnh kế tiếp sau này cũng không dám gạt bỏ danh nghĩa nhà Lê vì trong hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ, hành động cướp ngôi không có lợi cho địa vị thống trị của họ Trịnh. Họ Trịnh không phải là một tập đoàn phong kiến tiến bộ nên không có cơ sở xã hội vững chắc trong nhân dân, không được toàn dân ủng hộ, mà trái lại còn bị nhân dân nhiều lần nổi dậy bạo động phản đối. Trong lúc đó thì những địch thủ của họ Trịnh vẫn tồn tại ở mặt Bắc, mặt Nam và chờ cơ hội để phản công lại”.

Vậy thì lựa chọn thể thức chính quyền kép CUNG VUA PHỦ CHÚA chỉ vì lợi ích tự thân của họ Trịnh. Cách làm này có giúp ích gì cho đất nước không hay chỉ đơn thuần là một tội ác như Trần Trọng Kim đã viết trong Việt Nam Sử lược:

“Đến khi nhà Lê nhờ có họ Trịnh giúp rập, dứt được nhà Mạc tưởng là giang sơn lại thống nhất như cũ, ai ngờ họ Trịnh và họ Nguyễn lại sinh ra lòng ghen ghét, gây nên mối thù oán rồi mỗi họ hùng cứ một phương, chia nước ra làm hai mảnh: họ Nguyễn giữ phía Nam, họ Trịnh giữ phía Bắc, mỗi nhóm chiếm giữ một xứ làm cơ nghiệp riêng của mình. Từ đó giang sơn chia rẽ, Nam Bắc phân tranh, ấy là một thời đại riêng trong lịch sử nước ta vậy.

Nhà hậu Lê từ khi Trung Hưng lên, con cháu vẫn giữ ngôi làm vua nhưng quyền chính tự ở cả họ Trịnh”.

Chúng tôi cho rằng họ Trịnh còn có nhiều công lao và vai trò nhất định của mình trong lịch sử trung đại Việt Nam.

II. Vai trò của nhà Trịnh

Trong số 11 chúa Trịnh có 5 người thực sự là những tay lão luyện, giỏi giang cả về quyền biến và quân sự.

Trịnh Kiểm trải giúp 3 triều vua (Lê Trang Tông, Lê Trung Tông và Lê Anh Tông), cầm quyền 25 năm thọ 68 tuổi. Sự xuất hiện của Trịnh Kiểm năm 1539 và nhất là vào năm 1545 khi Nguyễn Kim bị sát hại đã làm yên lòng tướng sĩ Nam triều. Các chiến công về quân sự của những năm tiếp theo (tấn công Đông Đô năm 1555, phá tan lực lượng Mạc Kính Điền ở Thanh Hóa năm 1557, đánh vào Sơn Nam 1558…) đã góp phần củng cố vị trí, cương vị của các vua Lê.

Trịnh Tùng trải giúp hai vua (Kính Tông, Thần Tông) giữ việc chính sự suốt 53 năm thọ 74 tuổi. Ông là người tạo ra thế phản công, tiêu diệt nhà Mạc, thu phục kinh thành. Vai trò nhà chúa với đầy đủ ý nghĩa của nó được khởi đầu từ Trịnh Tùng.

Đánh giá về công lao, có hai quan điểm trái ngược nhau. Các sử thần triều Nguyễn cho rằng: “Trịnh Kiểm tuy chuyên quyền nhưng tội ác chưa có gì tỏ rõ lắm. Đến Trịnh Tùng mới thật sự là đồ gian ác như Vương Mãn và Tào Tháo”.

Phía sau của sự lên án này là sự thừa nhận tài năng của Trịnh Tùng, dù cho các tác giả của Việt sử thông giám cương mục kể trên không có thiện cảm gì.

Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương thừa nhận: “Ông tính khoan hậu thương người, khéo vỗ về quân sĩ, đoán tình thế của giặc không sai, dùng binh như thần. Trong 20 năm kinh dinh đất nước, cuối cùng diệt được kẻ tiếm nghịch, khôi phục nhân tâm, công trùm thiên hạ, oai lừng khắp nơi, mới được sắc phong vẻ vang, lễ đãi long trọng”.

Trịnh Tráng phò tá hai vua (Chân Tông, Thần Tông), coi việc 30 năm, thọ 81 tuổi, được coi là người trọng nho thần, giảng cầu chỉnh lý, kính cẩn cần kiệm khiêm tốn, nhún nhường, giữ gìn phép tắc, công nghiệp hơn đời trước (Lịch triều hiến chương).

Trịnh Tạc giúp rập 4 triều (Thần Tông, Huyền Tông, Gia Tông, Hy Tông) coi việc 25 năm, thọ 77 tuổi. Năm 1659 đã từng được Thần Tông đánh giá: “Tây Định vương Trịnh Tạc anh hùng hơn đời cổ, trung hậu theo nếp nhà. Khiến ta nay khôi phục cơ đồ, trong sửa chính trị, ngoài dẹp Di Địch là nhờ có chủ súy giúp yên. Xã tắc công trùm vụ trụ, đức sánh đất trời. Danh vọng đã khắp đến nhân dân, tước vị nên ở bậc vương thượng” (Đại Việt sử ký toàn thư) Lê Huyền Tông vào năm 1633 còn đi một bước dài hơn trong khen tặng khi nói rằng: “Đến khi Hoàng Khảo ta mệt mỏi chầu giời, trong lúc uy nghi, đều nhờ ở Thượng sư Tây vương đảm đương việc ký thác con côi và Tiết chế phủ cùng đại thần văn võ trăm quan tôn lập ta lên ngôi Hoàng đế để nối việc lớn. Đã có công vì dậy bảo từ bé, được hưởng phúc vì thuận theo người hiền. Công ơn sửa chữa từ lâu thiết tha như thế, so với công đức của đời trước lại càng to hơn”.

Lịch triều hiến chương cho rằng: “Chúa chuộng tiết kiệm, tỏ giáo hóa, dựng phép tắc, định thể thống, việc thưởng thì giữ tín, việc phạt thì quả quyết, quan lại xứng chức, nhân dân yên nghiệp, nước giàu, binh mạnh. Rồi nữa phía Bắc thu phục được Cao Bằng, trừ hết mầm Mạc, công lao sự nghiệp đáng khen là rất thịnh”.

Trịnh Căn phò Lê Hy Tông, giữ chính quyền 26 năm, thọ 77 tuổi. Lịch triều hiến chương loại chí cho biết: “Vua tôn trọng chúa khác thường, tâu sớ không phải đề tên, vào chầu không phải lạy, lại cho đặt ghế coi chầu ngay bên tả, đủ các thứ yêu chuộng. Về chính trị thì thưởng phạt rõ ràng, mối giường chỉnh đốn, sửa sang nhiều việc, cất dùng các anh tài, thành tích trông thấy rõ rệt”.

Chính tài năng của Trịnh Cán khiến cho Hy Tông chỉ rủ áo khoanh tay mà nước được trị, được chấn hưng, chính sự khoảng niên hiệu Vĩnh Trị (1676 – 1680) và Chính Hòa (1681 – 1704) xứng đáng được coi là đứng đầu thời Trung Hưng (Đại Việt sử ký – Bản kỷ tục biên).

Tuy nhiên, sự lấn át mặc nhiên này đã mở đầu cho một thời kỳ đi xuống cả về trị nước cũng như nhiều lĩnh vực khác của các chúa Trịnh kế nghiệp. Trịnh Cương sa đà vào ăn chơi, xây dựng hành cung Cổ Bi vô cùng tốn kém, chỉ sống đến 40 tuổi. Trịnh Giang để cho hoạn quan Hoàng Công Phụ lộng quyền, sống ở Thượng Trì cung tới 20 năm, phó mặc mọi việc triều chính. Trịnh Doanh tuy được đánh giá là người quả quyết thông minh, giỏi chính sự, dùng được nhiều hiền tài nhưng đã đẩy đất nước vào một thời đói khổ, loạn lạc và chỉ sống đến 48 tuổi. Trịnh Sâm vô cùng độc đoán, lấn bức nhà vua quá đáng thẹn với các chúa trước về việc tôn phò, quá yêu tì thiếp, bỏ con lớn để lập con bé đến nỗi họa sinh ra ở trong nhà (Lịch triều hiến chương loại chí) cũng chết khi mới 44 tuổi. Trịnh Cán chỉ cầm quyền chính hơn 1 tháng bị giáng rồi chết yểu. Trịnh Tông (Khải) tại vị ngôi chúa có 4 năm nhưng để lại di họa khiến cho thế nước suy yếu, quân lính càn rỡ, phải tự vẫn lúc 24 tuổi. Cuối cùng là Trịnh Bồng nắm quyền được vừa 6 tháng đã đặt dấu chấm hết cho dòng chúa Trịnh kéo dài suốt trên 200 năm.

Năm 1527 cơ nghiệp nhà Lê coi đã dứt. Sự ra đời của cơ cấu chính quyền kép CUNG VUA PHỦ CHÚA thực chất chỉ là sự lưu giữ những ánh hào quang của những người áo vải Lam Sơn và dưỡng dục, bảo tồn dòng máu của hoàng tộc nhà Lê mà thôi. Nếu không có các chúa Trịnh am tường lão luyện cả trên chính trường cũng như trong chủ trương đúng đắn về đối ngoại, nội thị thì làm sao Trang Tông có thể dọn dẹp cỏ rậm, lập nên triều đình, Trung Tông mở lại khoa thi lấy nhân tài hào kiệt bốn phương đều quy phụ, Thế Tông mới 7 tuổi lên ngôi vẫn phải vừa trị vì vừa học, Thần Tông thích văn thơ cùng với nhà chúa một nhà vui yên thấm, Huyền Tông ngồi chắp tay giữ nghiệp trước, Hy Tông ngồi yên mà trị, Dụ Tông không biết việc đao binh, Hiển Tông ngồi rủ áo chắp tay nhờ nghiệp đã sẵn, cần gì đọc sách chỉ hát múa ăn chơi tiêu khiển mà thôi.

Phải nói rằng các tác giả LỊCH SỬ VIỆT NAM (1427-1828), tủ sách Đại học Sư phạm, đã đúng khi cho rằng cơ cấu chính quyền kép “CUNG VUA PHỦ CHÚA” là sản phẩm của chế độ phong kiến Việt Nam các thế kỷ XVI-XVII. Suốt hơn 200 năm, chiến tranh hầu như không dứt. Hết cuộc chiến Nam triều – Bắc triều lại đến cuộc Đàng trong – Đàng ngoài, bao nhiêu nhân tài trí thức đều được huy động để phục vụ cho nạn đao binh. Trong hoàn cảnh ấy, công cuộc bang giao với Minh – Thanh vẫn có nhiều suôn sẻ, phá được lệ cống người vàng, nước giếng Cổ Loa, giữ yên biên thùy, làm vẻ vang quốc uy, đó chẳng phải là công lao của các chúa Trịnh sao. Đến nền văn học bác học và văn học bình dân cũng có một bước tiến mới với những tên tuổi và tác phẩm có giá trị để lại cho mai sau. Nền kinh tế đạt được nhiều thành tựu về khai mỏ, nghề thủ công, thống nhất đơn vị đo lường và nhất là đã đề ra được chính sách thuế khóa có niêm luật với tên tuổi nhà cách tân vĩ đại Nguyễn Công Hãng. Công việc binh bị quốc phòng đặc biệt phát triển nhờ chính sách trọng võ, mở lò đào luyện võ quan. Nền sử học trở nên phong phú với Đại Việt thông sử, Đại Việt sử ký toàn thư, Quốc sử thực lục, Quốc sử tục biên.

Khi đánh giá thời kỳ lịch sử trung đại Việt Nam với nhà Lê là chủ thể thì nhận định các chúa Trịnh chuyên quyền độc đoán, không có gì đáng bàn. Nhưng hãy coi các vua Lê thời Trung Hưng ở vị trí khách thể, ngai vị của họ được dựng nên như một hoài niệm thì cách đánh giá sẽ khác đi rất nhiều. Tạo ra một hư vị hay những bù nhìn đâu chỉ cần sự cao tay hay bạo ngược. Phải dũng cảm và tự tin. Lại phải có nghệ thuật và thủ đoạn nữa. Nếu không cái vô hình kia sẽ trở thành hữu hình hết sức nguy hại.

Một dòng họ xuất thân từ nghèo khó, thất học ở một vùng đất lạc hậu lại trong cảnh đất nước loạn ly, bỗng chốc trở thành vương giả, đảm trách nuôi dạy nhiều đời vua, trụ vững ở đất kinh thành, tạo lập dần dần cảnh an cư lạc nghiệp đó là sự đột biến đến siêu việt.

Đừng vì những thối nát, tàn tạ mà các chúa Trịnh kế nghiệp sau này mà xóa nhòa những công tích lớn lao của nhà Trịnh. Nhà Trịnh trước hết phải là niềm tự hào của xứ Thanh vốn có nhiều vua lắm chúa. Đối với Thăng Long – Hà Nội, không vì một Thượng Trì cung u ám hay một hành cung Cổ Bi ngổn ngang mà không ghi nhận công trạng của nhà Trịnh. Đành rằng, Trịnh Khải đã phạm tội làm siêu đổ hàng bia tiến sĩ ở Văn Miếu – nhưng trước đó nhiều chúa Trịnh đã tạo lập nên những hàng bia rờ rỡ, những danh nhân nổi tiếng của cả dân tộc Việt Nam, làm tôn vinh đất nước một thời.

Một cách nhìn nghiêm khắc mà thấu tình đạt lý thật cần thiết biết bao đối với người làm sử chúng ta.

Hà Nội, ngày đầu năm 1995.

0