Ấn chương và Truyền Quốc Ngọc Tỉ
“Ngọc tỉ” thời Bắc Tống, trưng bày tại Bảo tàng Thượng Hải . Phạm Xuân Hy Ấn chương ( 印章) mà ta vẫn thường gọi là con dấu, hay ấn tín;tuy chỉ là một vật dụng nhỏ bé, nhưng lại mang tính thực dụng và nghệ thuật hết sức to lớn. Đứng về mặt thực dụng, ấn chương hay con ...
Phạm Xuân Hy
Ấn chương ( 印章) mà ta vẫn thường gọi là con dấu, hay ấn tín;tuy chỉ là một vật dụng nhỏ bé, nhưng lại mang tính thực dụng và nghệ thuật hết sức to lớn.
Đứng về mặt thực dụng, ấn chương hay con dấu là bằng chứng trọng yếu trong việc hành sử quyền lực chính trị của một quốc gia hay một chính quyền. Còn đứng về phương diện tư nhân và hoặc giao dịch thương mại, mậu dịch qua lại , ấn chương là một tín vật không thể thiếu được. Còn đứng về phương diện nghệ thuật, bản thân của ấn chương cũng là một tác phẩm nghệ thuật, được sáng tạo một cách tinh nhã, trạm chỗ chi li tỉ mỉ công phu, với những hoa vằn nhỏ bé, âm dương biến ảo, cùng với nghệ thuật thư hoạ của Trung Quốc, song hành đắp bù cho nhau.
Vì thế, từ hàng ngàn năm nay trong suốt lịch sử Trung Quốc, dù xẩy ra những biến đổi cơ chế xã hội, nhưng tác dụng của ấn chương vẫn không thay đổi.
A-Nguồn gốc của ấn chương.
Sự xuất hiện ấn chương ở Trung Quốc, đã có một lịch sử lâu dài. Ấn chương có một sự quan hệ mật thiết đối với sự phát triển giao hoán thương phẩm, vì ấn chương là bằng chứng của sự giao hoán thương phẩm, hóa vật và là tín vật trao đổi vật phẩm cho nhau.
Các nhà nghiên cứu văn hóa Trung Quốc, cho rằng “ấn chương” đã xuất hiện rất sớm cách nay mấy ngàn năm. Ngay từ thời nhà Ân, người Tầu đã biết dùng vật nhọn để khắc những bức hoạ tượng hoa vằn lên những hòn đá, thường thường là nhân vật, động vật, thực vật, nhưng đó mới chỉ là sự manh nha của ấn chương, nhưng cùng với sự mở rộng việc trao đổi thương phẩm và chế độ tư hữu chế dần dà được thiết lập, ấn chương cũng mỗi ngày được sử dụng rộng rãi thêm.
Có người cho rằng ấn chương xuất hiện ở vào thời kỳ Tây Chu và Chiến Quốc và Tây Hán chỉ là loại “tiêu hình ấn 肖形印”, tức những hình vẽ giống hình vẽ cụ thể ở ngoài, còn những hoa vằn đồ án của tiêu hình ấn rất là phồn tạp.
Các hình vẽ ở bề mặt của ấn chương được người ta xếp thành năm loại như dưới đây :
1-Nhân vật loại có các hình:
Săn bắn, chăn nuôi, sinh sản mục sục, xe ngựa, âm nhạc, nhảy múa, hý kịch, quan lại, thần thoại…
2-Phi cầm loại có các hình:
Chim bồ câu, con ngỗng, chim tu hú, chim nhạn, chim loan, chim hạc, chim phụng, chim khổng tước, anh vũ, uyên ương, con vịt, con cò, chim ưng…
3-Tẩu thú loại có các hình:
Con ngựa, con dê, con bò, con lạc đà, con chó, con lừa, con thỏ, con mèo, con chuột, con vượn, con hươu, con voi, con sư tử, con hổ, con báo, con hà mã…
4-Trùng ngư loại có các hình:
Con cá, con rắn, con rồng, con rùa, con ếch, con cóc, con rết, con nhện, con thạch sùng…
5-Các loại khác như cái chén, cái bình, cái lọ , cái lư hương, cái đàn tì bà…
Nhưng “tiêu hình ấn” vào thời Thương , Chu đa số là khắc mặt các con thú vật quái lạ như quỳ long 夔龍, quỳ phụng 夔鳳 , bàn ly 蟠 螭 , thao thiết 饕餮 … như thế, khiến người ta nghĩ rằng hẳn những loại tiêu tượng ấn này có liên quan mật thiết với những truyền thuyết thần thọai cổ đại và tín ngưỡng tôn thờ tô tem.
Đến đời Chiến Quốc việc sử dụng ấn chương được thực hành rộng rãi. Và người ta đã tìm thấy có những chiếc ấn thuộc loại “tiêu hình ấn” vào thời này trạm chỗ đầu rồng, đầu phượng, chung quanh là hoa vằn và đường viền quấn quanh trông tinh chí như thực. Lại có những chiếc ấn chỉ nhỏ bằng hạt đậu khắc hình con hươu chạy, có cái trạm khắc tượng thần mặt người, mồm chim, tai rắn, chân dẫm lên mãng sà… hình tượng trông rất truyền thần. Tất cả những hình tượng ấy đều phản ánh tư tưởng và phong tục xã hội lúc bấy giờ.
Việc sử dụng ấn chương càng ngày càng phát triển, chẳng những phổ biến trong giới tư nhân để giao hoán hàng hóa, vật phẩm gọi chung là loại tư ấn, mà ấn còn được dùng làm tượng trưng của hoàng đế, hay các cơ quan quyền lực quốc gia, gọi chung là quan ấn.
Chất liệu được sử dụng để cấu tạo ấn chương thường bằng vàng, bạc, đồng, đá, ngọc, xương, gỗ, trúc…nhưng bằng gỗ thấy nhiều hơn cả. Còn về hình thức thì có loại phương hình, viên hình, phương trường hình, tâm hình, đa biên…
B-Các danh xưng của ấn chương
Thời Tiên Tần, bất luận quan ấn hay tư ấn đều gọi là ” tỉ 璽 ” , hoặc ” tỉ tiết 璽 節 “, không có sự phân biệt lớn nhỏ, quý tiện, và cũng không thống nhất về mặt hình thức.
-Đến thời Xuân Thu Chiến Quốc, khi các quốc quân bổ nhiệm quan lại của mình, đều cấp phát “tỉ”, tức “quan ấn 官印” cho họ để làm bằng chứng.
“Tỉ ” có thể làm bằng ngọc, bằng kim loại, hay bằng đồng. Dùng ” tỉ 璽 ” của quốc quân hay quan viên đóng trên văn thư thì gọi là ” tỉ thư 璽 書 “.
-Cho đến khi Tần Thủy Hoàng diệt lục quốc, về phương diện chế tạo, danh xưng, và sử dụng của ấn chương mới được chặt chẽ qui định.
Tần Thủy Hoàng qui định rằng ” tỉ 璽 ” là từ dành riêng để gọi ấn của hoàng đế, và “tỉ” phải được chế và khắc trên ngọc, vì thế nên được gọi là “ngọc tỉ”, còn ấn ký hoàng đế được gọi là “tỉ thư 璽書 “. Cho nên “tỉ thư” trở thành từ ngữ chuyên môn để chỉ chiếu thư và sắc mệnh của hoàng đế.
Còn ấn của quan viên thì được chế bằng đồng. Sự khác biệt đẳng cấp giữa các quan lại được qui định bằng mầu sắc của các giây thao dùng để đeo ấn.
Nhà Hán theo lệ nhà Tần, cũng gọi “ấn” của nhà vua gọi là “tỉ 璽 “, còn ấn của quan lại thì lại gọi là “chương 章”, hoặc “ấn 印 “, còn của tư nhân thì gọi là “ấn tín 印信 “.
-Đến đời Đường, nhân âm ” tỉ 璽 ” cận âm với âm ” tử 死 “, nên tỵ húy, gọi ấn của nhà vua là “Bảo 寶 “.
Về cơ bản, quan ấn của các vương triều phong kiến Trung Quốc thừa tập chế độ ấn chương của nhà Tần. Còn tư ấn, thì từ đời Lưỡng Hán trở về sau, giấy được xử dụng một cách rộng rãi, kèm theo sự phát triển của nghệ thuật hội họa, thư pháp, nên việc xử dụng tư ấn cũng nhiều hơn.
Theo truyền thuyết, thì người đầu tiên sử dụng ấn đóng lên trên thư, họa là Lý Thế Dân, tức Đường Thái Tông. Rồi do các quân vương các đời sau đề xướng, các văn nhân mặc khách bắt chước theo, đều thích sử dụng ấn in trên tranh vẽ và thư pháp của mình.
Từ hai triều Thanh Minh cho đến hiện đại, một số lớn nhà hội họa, và các thư pháp gia như Triệu Mạnh Phủ, Vương Miện, Thạch Đào đều coi ấn chương là một bộ phận trọng yếu trong những tác phẩm thư họa của họ.
Sự kết hợp giữa ấn chương với nghệ thuật thư họa, thúc đấy thêm sự phát triển về nghệ thuật khắc ấn. Đồng thời, hình thành những môn phái khác nhau. Thời Minh Thanh khá nổi tiếng có An Huy phái mà nhân vật đại biểu là Trình Thúy , Triết Giang phái có Đinh Kính.
Ngày xưa ấn và tỉ, ở phần dưới đáy được làm theo hình vuông, có khắc loại chữ triện, bên trên có cái núm hình đầu rồng hay đầu hổ, gọi là “ấn nữu 印 紐 “. Ấn nữu có một cái lỗ để cột dây gọi là “thụ 綬”, ta dịch nghĩa là dây thao. Dây thao đeo ngọc ấn của hoàng đế gọi là “tỉ thụ璽 綬 “. Còn dây đeo đồng ấn của quan lại thì gọi là “ấn thụ 印 綬 “. Các quan lại mỗi khi đến nhiệm sở, hay đi tuần ở xa, rất sợ bị mất ấn, nên thường đeo ấn vào vào bên trong bụng và cột giây thao ở thắt lưng.
Trong “Sử Ký-Phạm Tuy liệt truyện” mô tả Phạm Tuy đi làm quan : ” Hoài hoàng kim chi ấn, kết tử thụ vu yêu 懷 黃 金 之 印 結 紫 綬 于 腰- Dấu ấn vàng vào trong bụng và đeo giây thao ở thắt lưng”. Cho thấy thái độ gì giữ ấn tín một cách kỹ lưỡng của Phạm Tuy
Đại khái, lúc bấy giờ ấn của các Thừa Tướng và các đại quan làm bằng vàng và giây thao mầu tím. Viên quan nào bị tội phải bãi chức hay bị điều nhậm nơi khác thì phải trải lại ấn cho triều đình.
Ngày nay, những nhà sưu tầm những ấn chương cổ thường dựa vào bốn phương diện chủ yếu dưới đây để giám định thật giả.
Đó là tài liệu đã tạo ra ấn. Hình trạng của ấn. Núm của ấn và ấn văn, tức chữ trên mặt ấn.
Về vật liệu để làm ấn, như đã trình bầy ở trên, ấn có thể được làm bằng nhiều vật liệu khác nhau: vàng, bạc, đồng, gỗ, xương, đá pha lê, hổ phách…Quan ấn thường được làm bằng đồng. Trong dân gian, từ đời Nguyên, loại ấn làm bằng đá được phổ biến lưu hành rộng rãi.
Trước thời Chiến Quốc, “ấn nữu”, tức núm ấn thường là tỵ hình, hình mũi, nên có khi gọi ấn nữu là” ấn tỵ”. Quan ấn to hơn, chữ trên mặt ấn khắc nổi. Còn tư ấn nhỏ hơn, chữ trên mặt ấn đa số khắc chìm.
Đời nhà Tần, chữ trên mặt quan ấn khắc chìm và thuộc loại chữ triện đời Tần. Bố cục của ấn diện, tức mặt ấn là hình chữ điền 田 hay chữ nhật 日để làm danh giố. Tư ấn đa số là trường phương hình (tức chữ nhật).
Đời nhà Hán, dù quan ấn hay tư ấn, ấn nữu là tị nữu, ngõa nữu, kiều nữu, sà nữu, ngư nữu, lạc đà nữu, hổ nữu…chữ khắc đoan chính thẳng thắn, phong cách trang nghiêm.
Thời Ngụy Tấn, đứng về phương diện hình thức, tuy duyên tập theo nhà Hán, nhưng trông không thanh bằng các ấn đời Hán. Ấn văn; tức chữ khắc trên mặt ấn lại có su hướng phóng túng tự nhiên hơn .
Qua hai triều Tùy Đường, ấn diện của quan ấn to hơn so với các triều đại trước. Văn tự, bút hoạch trông uốn khúc vằn vèo, nổi hẳn trên mặt ấn, người ta gọi đó là loại chữ “cửu điệp triện 九 疊 篆 “. Về cách gọi, Võ Tắc Thiên đổi gọi “tỷ 璽 ” là “bảo 寶 “, nên “tỉ ” và “bảo” thông dụng lẫn nhau. Dưới thời nhà Đường còn gọi ấn chương là ” ký 記 ” hay “chu ký 朱 記 “.
Trước thời Tống, Nguyên tác dụng của ấn chủ yếu là làm bằng chứng. Sau thời Tống, Nguyên vịêc sử dụng ấn càng ngày càng phổ biến rộng rãi, như dùng ấn đóng trên họa phẩm, thư pháp, hay dùng để ngoạn thưởng, từ đó việc khắc ấn càng trở thành một nghệ thuật có giá trị cao, và ngày nay người ta gọi đó là nghệ thuật khắc triện.
C-Sự quan trọng của ấn chương .
Mất ấn, đồng nghĩa với mất quan.
Trong xã hội phong kiến ngày xưa, quan ấn là tượng trưng cho quyền lực mà hoàng đế ban cho quan lại, tuy chỉ là một vật nhỏ vuông vức không quá mộ tấc, nhưng từ vương công đại thần đến hàng huyện lệnh, châu mục, đều cực kỳ trọng thị, bảo vệ, gìn giữ. Ấn còn, quyền còn. Ấn mất, quan mất.
Trong “Tây Du Ký ” của tác giả Ngô Thừa Ân, người đời nhà Minh, ở hồi thứ chín, tác giả có thuật câu chuyện về người cha của Đường Tam Tạng là Trần Ngạc, còn có tên là Quang Nhị, đậu tiến sĩ được bổ nhiệm làm Thứ Sử Giang Châu. Ông mang chiếc ấn do triều đình cấp cho, tức quan ấn, cùng người vợ là Ân Thị tới nhiệm sở. Không ngờ trên đường đi, bị tên cường tặc là Lưu Hồng đánh chết rồi đẩy xác xuống sông. Sau đó, Lưu Hồng lấy quần áo của Trần Ngạc để mạo danh Trần Ngạc, mang theo quan ấn, cùng Ân Thị nghiễm nhiên đến nhiệm sở tựu chức.
Bấy giờ Ân phu nhân đang có thai, vì muốn con sau này có thể báo được thù cho cha nó nên buộc phải ngậm đắng nuốt cay, nhẫn nhịn sống với Lưu Hồng. Sau khi sinh nở, Ân phu nhân đem con để trên một chiếc bè tre, rồi thả xuống dòng sông Trường Giang. Đứa bé trôi đến Kim Sơn Tự ở Trấn Giang thì được một vị sư ở chùa này vớt lên mang về nhà nuôi, sau cũng đi tu trở thành hòa thượng, tức Huyền Trang. Khi Huyền Trang lên 18 tuổi mới cùng mẹ định kế , bẩm rõ với triều đình, giết được tên đạo tặc Lưu Hồng, báo được thù cho cha.
Một tên cường đạo, chỉ vì ăn cắp được quan ấn mà trở thành một trưởng quan của một châu trong suốt mười tám năm, đây thật là một việc khôi hài, nhưng đã thực sự xẩy ra.
Tuy Tây Du Ký chỉ là một tác phẩm văn học, viết theo lối thần thoại tiểu thuyết, cố sự mang nhiều tính chất hư cấu, nhưng đã cho người đọc thấy rõ cái tập tục trong sinh hoạt quan trường dưới xã hội phong kiến ngày xưa là người làm quan chỉ được công nhận khi có ấn tín cầm tay, mà không cần biết đến người làm quan là thực hay người giả.
Thật là một tập tục kỳ quái.
Ấn còn thì quyền còn, mất ấn thì mất quan, mất quyền, thậm chí mất cả tính mệnh, như trường hợp của Trần Ngạc, cha của Đường Tăng trên đây. Nên đối với quan lại, việc bảo vệ , gìn giữ ấn chương là một việc ưu tiên hàng đầu phải nghĩ tới khi ra lam quan.
Trên đây, người viết có trích câu “Hoài kim chi ấn, kết tử thụ vu yêu 懷 黃 之 印 結 紫 綬 于腰 “. Chữ “hoài 懷 ” trong câu này là một chữ hội ý, vốn có nghĩa là bao tàng, cất dấu một vật gì vào bên trong áo với thái độ thận trọng, đã được Tư Mã Thiên xử dùng để mô tả thái độ của Phạm Tuy cất giữ ấn chương của mình vào bên trong áo, chỉ để lộ cái giây thao mầu tím đeo ở ngoài cho người ta thấy sự quyền quý đẳng cấp của mình thôi.
Thời Tây Hán, Chu Mãi Thần nhà nghèo, phải vào rừng đẵn củi đem bán để mưu sinh, nhưng lại là người rất hiếu học, tinh thông thư thi văn sử. Sau xin được chân lính quèn trong phủ Thái Thú Cối Kế, nhưng vẫn thường phải ăn nhờ ngủ đậu trong nhà một viên tiểu lại.
Có một lần viên Thái Thú Cối Kê phải lên kinh thành Trường An để làm đối sách cho triều đình. Chu Mãi Thần được cho đi theo để sai bảo. May thay, Thần gặp được viên đại quan người đồng hương là Nghiêm Trợ. Trợ thấy Chu Mãi Thần học rộng uyên bác, bèn tiến cử lên Hán Võ Đế và được Hán Võ Đế bổ nhiệm làm Thái Thú Cối Kê, rồi cho về quê thăm gia đình. Khi trở về Cối Kê (nay thuộc thành phố Thiệu Hưng, tỉnh Triết Gian), Chu Mãi Thần vẫn ăn mặc y nguyên áo quần như lúc còn hàn vi, còn chiếc ấn có bốn chữ “Cối Kê Thái Thú”, Chu Mãi Thần bọc kỹ vào trong áo, sau đó xuống xe đi thẳng đến vào trong cửa nha môn quận Cối Kê.
Chính lúc đó bọn quan lại nha dịch trong quận đang yến ẩm vui đùa, chẳng một ai để ý nhòm ngó gì đến tên tiểu tốt Chu Mãi Thần cả. Còn Chu Mãi Thần cứ đi thẳng vào sau hậu đường, gặp viên tiểu lại trước đã từng cho Chu Mãi Thần ăn nhờ ở nhờ. Viên tiểu lại cũng không hề biết là Chu Mãi Thần đã được Hán Võ Đế bổ nhiệm làm Thái Thú Cối Kê, cứ quen lệ, đem cơm ra mời Chu Mãi Thần ăn cùng. Sau khi cơm nước no nê, Chu Mãi Thần mới bèn cởi áo ra để hóng chút gió cho mát, vô tình để lộ giây thao đeo ấn lòi ra ngoài. Viên tiểu lại, thoạt nhìn thấy, lấy làm kỳ lạ, dùng tay cầm lấy giây thao mà kéo, nào ngờ kéo tuột luôn cả chiếc ấn của Chu Mãi Thần rơi xuống. Viên tiểu lại nhìn thấy bốn chữ “Cối Kê Thái Thú” sáng chói cả mắt khắc trên quả ấn thì sợ hãi thất sắc, vội vàng chậy ra ngoài tiền đường, hô hoán gọi mọi người. Những quan lại nha dịch trong quận lúc đó đang uống say, chẳng một ai tin là thật, đều lên tiếng mắng viên tiểu là khoác lác, láo lếu.
Viên tiểu lại lới nói :
-Ai không tin, cứ vào sẽ thấy ấn tín !
Những người trước đây vốn khinh thường Chu Mãi Thần, bèn xô nhau vào trong hậu đường để xem. Chỉ mới nhác thấy quả ấn, đều đã quay đầu chạy ra, hô hoán bảo nhau :” Đúng thật ! Đúng là Thái Thú thật”.
Rồi tỉnh rượu, tranh nhau sắp hàng thành tề chỉnh đứng dưới thềm tiền đường, chờ đợi bái kiến Chu Mãi Thần.
Một lát sau Chu Mãi Thần đi ra, tiếp nhận những chào mừng bái kiến của các quan viên thuộc hạ. Sau đó lên xe tứ mã của triều đình đi về quê nhà ở Ngô huyện.
Trên đường đi, đi đến đâu Chu Mãi Thần cũng được quan lại các huyện tranh nhau nghênh đón chúc mừng.
Câu chuyện trên đây về Chu Mãi Thần, cho thấy vai trò quan trọng của ấn tín trong sinh hoạt quan trường phong kiến ngày xưa : Ai có ấn người là quan.
Vì thế, dù chỉ là một vật nhỏ bé, nhưng “ấn” và “tỉ” có một tác dụng hết sức trọng đại. Người nắm giữ được “ngọc tỷ” và “tỷ thư” có khả năng quyết định vận mệnh của cả một quốc gia, làm đảo lộn cả một vương triều.
Năm 210 trước Công Nguyên, tức năm Tần Thủy Hoàng chấp chính tam thập thất niên, Tần Thủy Hoàng đông tuần, tùy hành có thiếu tử Hồ Hợi, Tả Thừa Tướng Lý Tư, và Trung Xa Phủ Lệnh Triệu Cao. Trên đường trở về, đi đến Sa Khâu (nay thuộc Bình Hương tỉnh Hà Bắc), Tần Thủy Hoàng bị trọng bệnh, lúc lâm chung mới viết “tỉ thư” ra lệnh cho công tử Phù Tô, khi đó đang giám quân ở biên giới phía bắc, phải lập tức trở về kinh đô Hàm Dương để lo liệu hậu sự và kế thừa hoàng vị. Nhưng “tỉ thư” chưa kịp gửi đi thì Tần Thủy Hoàng qua đời. Bấy giờ có mặt của cận thần của Tần Thủy Hoàng là Triệu Cao. Cao vốn là người coi về xa mã và chưởng quản về các việc tỉ, ấn, văn thư, lại là thầy dậy pháp luật cho người con thứ mười tám của Tần Thủy Hoàng là Hồ Hợi. Sau khi Tần Thủy Hoàng chết, Triệu Cao thông đồng với Hồ Hợi ép Thừa Tương Lý Tư ngụy tạo “tỉ thư” của Tần Thủy Hoàng, lập Hồ Hợi làm Thái Tử, và làm giả thêm một “tỉ thư” khác vu cho Phù Tô và tướng quân Mông Điềm cái tội bất trung và phỉ báng hoàng đế, rồi sai người mang “tỉ thư” lên biên giới phía bắc bức Phù Tô tự sát, đồng thời bắt Mông Điềm. Đợi cho đến khi về đến Hàm Dương Triệu Cao mới công bố là Tần Thủy Hoàng qua đời, rồi lập Hồ Hợi làm Tần Nhị Thế Hoàng Đế.
Trong chiều dài lịch sử 2133 năm của các vương triều tại Trung Hoa, từ Tần Thủy Hoàng thống nhất lục quốc đến cuối nhà Thanh, người ta đã thấy xẩy ra nhiều lần những chuyện dùng “tỷ thư”giả để âm mưu tranh đoạt đế vị, và rất coi trọng sự chiếm hữu được ngọc tỉ.
D-Sự ra đời của Truyền Quốc Ngọc Tỉ ( 傳 國 玉 璽 )
Như trên đã trình bầy, “ấn tín 印信 ” của quan lại là tượng trưng cho quyền lực của quan lại được nhà vua ban cấp.
Còn “ngọc tỉ 玉 璽 ” của hoàng đế, là đại biểu và tiêu chí cho quyền lực tối thượng của chính bản thân hoàng đế. Chẳng những thế, “ngọc tỉ” còn là được coi là quốc bảo, nên được cất giữ tôn trọng truyền từ đời này sang đời khác. Muốn củng cố tư cách hoàng đế của mình, các vua chúa dù là soán đoạt, hay thiền nhượng, thường cố công tìm cách chiếm cho được “Truyền Quốc Nọc Tỉ”.
Nguyên là sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc, để chứng tỏ quyền uy tối cao vô thượng của mình, bèn ra lệnh cho ngọc công là Tôn Thọ dùng một loại ngọc quý nổi danh đương thời là loại ngọc Hòa Thị, để tạo cho ông ta một viên “ngọc tỉ” làm bảo vật truyền quốc, gọi là “Truyền Quốc Ngọc Tỷ”.
Viên ngọc tỉ này vuông vức bốn tấc, phía trên khắc hình con rồng cuộn khúc, thập phân tinh xảo khéo léo, phía dưới khắc tám chữ triện, do chinh tay Thừa Tướng Lý Tư viết chiếu theo ý của Tần Tủy Hoàng là:” Thụ mệnh vu thiên, ký thọ vĩnh xương 受 命 于 天 既 壽 永 昌 “, có ý nghĩa là ngôi hoàng đế của Tần Thủy Hoàng là do “thiên thụ”, trời ban cho;và sẽ tồn tại mãi mãi đến Nhị Thế, Tam Thế, Tứ Thế…muôn đời sau .
Trước thời Tần và Hán thì không có sự khác biệt tôn, ty của chữ “ấn” với chữ “tỉ”, chỉ sau khi Tần Thủy Hoàng lên ngôi, mới quy định chữ “tỉ”, được chuyên dùng chỉ ấn của hoàng đế, và “tỉ” phải được khắc bằng ngọc, nên thường gọi là ngọc tỉ.
Tần Thủy Hoàng trong lòng ôm mộng dùng viên ngọc tỉ này, để lưu truyền lại cho con cháu mãi mãi thiên thu vạn đại về sau, cũng như ông từng ôm hy vọng tu sửa, nối liền Vạn Lý Trường Thành để có thể ngăn chặn vĩnh viễn sự xâm lăng của rợ Hồ phương bắc. Nhưng lịch sử Trung Quốc đã chứng minh rằng đó chỉ là giấc mơ hão huyền, Tần vương triều đã không tồn tại được mãi mãi như ý nguyện của Tần Thủy Hoàng, mà chỉ truyền được có hai đời, đến Tần Nhị Thế Hoàng Đế Hồ Hợi thì bị diệt vong.
Từ đó, viên “Truyền Quốc Ngọc Tỉ” trở thành tượng trưng ngôi vị, quyền lực của các hoàng đế. Ngôi Hoàng đế là do trời thụ dữ. Các vua mới lên ngôi, điều trước hết là cố tìm cách chiếm hữu cho được “Truyền Quốc Ngọc Tỉ”, để chứng minh tính cách thần thánh của mình với dân chúng, và mình là người “thụ mệnh vu thiên”.
E-Sự luân lạc của “Truyền Quốc Ngọc Tỉ” trong lịch sử Trung Quốc.
Năm 207 trước Công Nguyên, Triệu Cao âm mưu với con rể là Hàm Dương lệnh Diêm Nhạc, bức tử Tần Nhị Thế Hồ Hợi ở Vọng Di Cung, giết Lý Tư ở ngoài chợ. Sau đó, Cao lập người cháu của Tần Thủy Hoàng là Tử Anh lên thay. Tử Anh vốn được tiếng là người nhân ái, cần kiệm. Cao đưa Tử Anh lên ngôi là có ý muốn nhờ vào danh vọng của Tử Anh để hòa hoãn với những cuộc nổi dậy chống đối mình, và để soa dịu sự căm phẫn của dân chúng đất Quan Trung.
Nhưng Cao lại cho rằng nhà Tần vốn là chỉ là một vương quốc, khi Tần Thủy Hoàng làm vua nắm trọn thiên hạ trong tay, nên mới xưng là Hoàng Đế, đến nay lục quốc tự tái lập lại, thiên hạ của Tần Thủy Hoàng sụp đổ, cương thổ nước Tần vì thế thu nhỏ lại, vua Tần không thể xưng là Hoàng Đế được nữa, mà chỉ nên xưng là “vương” như trước thôi, vì thế Tử Anh chỉ có danh xưng là Tần Vương.
Tháng chín cùng năm, Triệu Cao dụ Tử Anh trai giới, để tế tự tổ miếu và sẽ trao ” Truyền Quốc Ngọc Tỉ” cho.
Nhưng Tử Anh thấy Triệu Cao đã sát hại Tần Nhị Thế, sợ sẽ giết nốt mình cùng các tông tộc nhà Tần vào ngày tế tự tổ miếu, nên đã ước định với Hạng Vũ chia đất Quan Trung mà xưng vương, nhân thế, Tử Anh bàn với hai người con, lấy cớ là bệnh không đến lễ tổ miếu được, và muốn Triệu Cao đến nhà mình rồi tìm cách mà giết đi.
Cho đến năm 8 Công Nguyên, Hán Thiếu Đế Lưu Anh bị ngoại thích là Vương Mãng làm chính biến cướp Quả nhiên, Triệu Cao sau nhiều lần cho người mời Tử Anh không được, bèn tự đến phòng trai của Tử Anh nên bị Tử Anh sai người đâm chết.
Tháng mười năm 206 trước Công Nguyên, khi Lưu Bang tiến quân vào Hàm Dương, Tần Vương Tử Anh đi tố xa, ngựa trắng, dùng giây đeo ấn của mình buộc vào cổ, niêm phong ngọc tỉ và phù tiết, đứng ở quỹ đạo chờ dâng cho Lưu Bang để xin hàng.
Nhà Tần chính thức bị diệt vong từ đấy.
Và cũng từ đấy, viên “Truyền Quốc Ngọc Tỉ” của nhà Tần rơi vào tay nhà họ Lưu, trải qua 214 năm và 12 vị Hoàng Đế nhà Tiền Hán. Song trên thực tế, viên “Truyền Quốc Ngọc Tỉ” này được nhà Hán coi là báu vật, trịnh trọng trân tàng trong cung ở Trương An, tượng trưng hoàng quyền, còn sử dụng thì lại dùng sáu loại ngọc tỉ khác nhau :
1-Hoàng Đế Hành Tỉ 皇 帝 行 璽
2-Hoàng Đế Chi Tỉ 皇 帝 之 璽
3-Hoàng Đế Tín Chỉ 皇 帝 信 璽
4-Thiên Tử Hành Tỉ 天 子 行 璽
5-Thiên Tử Tín Tỉ 天 子 信 璽
6-Thiên Tử Chi Tỉ 天 子 之 璽
Các vương triều từ nhà Tùy trở về trước, duyên theo chế độ Hán nên sử dụng 6 thứ ngọc tỉ như nhà Hán, nhưng từ nhà Tùy, và các vương triều Đường , Tống gia tăng thêm “Thần Tỉ 神璽 ” và “Thụ Mệnh Tỉ 受命璽 “
Mỗi viên ngọc tỉ, dụng đồ lại khác nhau. Thí dụ như ” Hoàng Đế Hành Tỉ ” được dùng trong việc thưởng tứ các chư hầu vương. ” Hoàng Đế Tín Chỉ ” được sử dụng để trưng dụng và điều động các đại thần và tướng lãnh. Văn thư gửi cho các nước ngoài thì dùng “Thiên Tử Hành Tỉ”. Đính lập minh ước với các nước ngoài thì dùng “ Thiên Tử Tín Chỉ ”
Cho đến năm 8 Công Nguyên, Hán Thiếu Đế Lưu Anh bị ngoại thích là Vương Mãng làm chính biến cướp ngôi xưng đế, Mãng cũng muốn chứng tỏ với thiên hạ là ngôi vị và quyền lực của mình là do “thiên thụ”, trời ban cho, bèn sai người em là An Dương Hầu Vương Thuấn vào trong hậu cung ép Thái Hoàng Thái Hậu Vương Chính Quân, mẹ của Hán Thành Đế và là cô ruột của Mãng, trao “Truyền Quốc Ngọc Tỉ” cho mình, nhưng chẳng những bị Vương Chính Quân từ chối và còn dùng những lời lẽ gay gắt mắng Vương Thuấn :
-Anh em nhà mày đã mấy đời thụ ơn Hán triều, được giầu có sang trọng, chẳng biết báo đáp, phụ cái công phó thác, lại nhân lúc vua còn trẻ không nơi nhờ cậy, mà soán đoạt hoàng vị, vong ân phụ nghĩa có khác chi loài chó loài heo. Bọn ngươi đã cho rằng “thiên thụ” cho ngôi báu, thì sao không tự đúc “ngọc tỉ” mà dùng, việc gì mà phải cầu đến viên ngọc tỉ vong quốc này làm gì ? Ta là gái góa nhà Hán, sớm muộn gì cũng chết, nhưng ta nhất quyết chết cùng với viên ngọc tỉ này. “
Nói xong, rồi nổi cơn tức giận, cầm viên truyền quốc ngọc tỉ ném mạnh xuống đất, khiến cho viên ngọc tỷ này bị sứt một góc.
Sau Vương Mãng phải dùng loại vàng thuần chất để khảm lại.
Ít lâu sau, Vương Mãng bị quân khởi nghĩa đánh bại. Trước khi chết, Mãng đeo viên “Truyền Quốc Ngọc Tỷ” này trên cổ. Một viên quan quân khi chặt đầu Mãng tìm được, đem dâng cho lãnh tụ của mình là Lưu Huyền. Huyền lại đem dâng cho lãnh tụ của Xích Mi Quân.
Đến năm 25 Công Nguyên, khi Lưu Tú, một hoàng tộc họ xa của nhà Hán, nổi lên đánh bại Xích Mi Quân, lập ra nhà Đông Hán, viên truyền quốc ngọc tỉ lại trở về nằm trong tay nhà họ Lưu thêm gần hai trăm năm nữa, đến khi xẩy ra cái loạn “Thập Thường Thị”, một tập đoàn những tên hoạn quan do Trương Nhượng cầm đầu, chuyên hoành bạo ngược, thao túng chính quyền cuối thời nhà Đông Hán, vào năm Trung Bình lục niên, tức năm 189 Công Nguyên, vua Hán Linh Đế qua đời, Đại Tướng Hà Tiến mưu giết bọn hoạn quan, nhưng âm mưu bị phát giác, Hà Tiến bị bọn hoạn quan Trương Nhượng và Đoàn Khuê giết. Viên Thiệu và Tào Tháo vào quân tim bắt bọn Nhượng. Nhượng bèn ban đêm ép vua mới lập là Thiếu Đế Lưu Biện cùng Trần Lưu Vương trốn ra khỏi hoàng cung ở Lạc Dương, chạy đến Tiểu Bình Tân, bị bọn Viên Thiệu đuổi theo truy lùng, tìm được Thiếu Đế rước về cung, nhưng viên truyền quốc ngọc tỉ bị ném xuống giếng “Chân Cung Tỉnh” ở Lạc Dương, mà không ai hay. .
Câu truyện này cũng được La Quán Trung thuật lại trong “Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa”.
Sau này, Đổng Trác dẫn binh Tây Lương vào cướp pháp và tàn sát dân chúng Lạc Dương, khiến cho các chư hầu vùng Quan Đông (chỉ vùng đất phía đông Đồng Quan, nay thuộc huyện Đồng Quan tỉnh Thiểm Tây) nổi lên thảo phạt Trác.
Năm Sơ Binh nguyên niên đời Hán Hiến Đế, tức năm 190 Công Nguyên, Trường Xa Thái Thú là Tôn Kiên, cùng với các Thái Thú và Châu Mục nổi lên liên minh thảo phạt Đổng Trác, tác chiến vô cùng dũng mãnh, nhiều lần đánh bại quân Đổng Trác, khiến cho Trác phải e ngại lo sợ rút quân về Trường An, rồi sai Lý Thôi đến đề nghị hòa thân với Kiên, nhưng bị Kiên từ chối, đem tiến quân vào Lạc Dương, cho người tu sửa miếu đường lăng tẩm của các vua nhà Hán bị quân Tây Lương đốt phá, nhân thế mới tìm được viên truyền quốc ngọc tỉ đựng trong một chiếc hộp khóa vàng và bao trong một cái túi gấm, đeo trên cổ thi thể của một cung nữ mò từ dưới giếng lên.
Năm Sơ Bình nhị niên, tức năm 191 Công Nguyên, Tôn Kiên nghe lời Viên Thuật đem quân tiến đánh Kinh Châu, chinh phạt Lưu Biểu. Biểu sai Đại Tướng là Hoàng Tổ, đi ngược về Phàn Thành và Đặng Huyện để đánh Kiên, nhưng bị Kiên phá vỡ, đuổi chạy đến Hán Thủy và vây Tổ ở Tương Dương, khi Kiên đơn thương độc mã một mình qua núi Hiện Sơn thì bị phục binh của Tổ bắn chết.
Viên Thuật em Viên Thiệu, vốn ôm dã tâm xưng đế từ lâu, nay nghe tin Tôn Kiên chiếm hữu được Truyện Quốc Ngọc Tỉ, Thuật bèn lợi dụng cơ hội vợ Kiên là Ngô thị đem quan tài chồng về quê, bắt giữ lại và cướp đoạt Truyền Quốc Ngọc Tỉ rồi xưng đế ở vùng Thọ Xuân, nhưng Thuật tuy là người có “đại chí” nhưng mật nhỏ như chuột, chỉ nhờ tài của Kiên mà cát cứ một vùng, tính lại hoang dâm xa xỉ, hoành chính bạo ngược, khiến cả vùng Giang Hoài bị tàn phá, dân chúng đa số bị chết đói, sau Thuật bị Tào Tháo và Lã Bố đánh cho nhiều trận thất điên bát đảo, đến năm Kiến An tứ niên, tức năm 199 Công Nguyên, Thuật bị thổ huyết mà chết. Lúc đó thủ hạ của Thuật có người tên là Từ Lục, biết Tháo đang ép Hán Hiến Đế dời đô đến Hứa Xương, bèn đem Truyền Quốc Ngọc Tỉ dâng cho Tháo.
Tuy nắm được truyền quốc ngọc tỉ, nhưng Tháo là kẻ gian hùng, không dám xưng đế, phải đợi đến năm 220 Công Nguyên, khi Tào Phi phế vua Hiến Đế lập ra nhà Ngụy, viên truyền quốc ngọc tỉ mới chính thức thuộc về họ Tào.
Đến cuối đời nhà Ngụy, Tư Mã Viêm ép vua Nguỵ là Tào Hoán phải nhường ngôi cho , viên truyền quốc ngọc tỉ lại rơi vào tay dòng họ Tư Mã.
Nhà Tây Tấn do Tư Mã Viêm kiến lập, trải qua 52 năm, bốn đời vua, thì bị diệt vong, Truyền Quốc Ngọc Tỉ bị luân lạc trong tay các các chính quyền cát cứ Thập Lục Quốc ở phương bắc.
Năm 352 CN, nước Nhiễm Ngụy, một chính quyền cát cứ non yểu trong Thập Lục Quốc bị diệt, viên Thái Thú Bộc Dương của nước này là Đái Thi đem truyền quốc ngọc tỉ hiến cho hoàng đế nhà Đông Tấn.
Năm 420 Công Nguyên, vua Cung Đế nhà Đông Tấn bị Lưu Dụ ép truyền ngôi, nhà Đông Tấn mất , Lưu Dụ chiếm được viên truyền quốc ngọc tỷ, lên ngôi hoàng đế lập ra nhà Tống, (thường được các sử gia gọi là Nam Triều Tống, để khu biệt với nhà Nam Tống do Triệu Cấu kiến lập ở Nam Kinh vào năm 1127 Công Nguyên), cũng từ đây, viên truyền quốc ngọc tỉ này bắt đầu một cuộc luân lưu thay đổi chủ nhân tại các vương triều phía nam như Tống, Tề, Lương, Trần.
Năm 589 Công Nguyên, vua Hậu Chủ nhà Trần, một ông vua Nam Triều, có đời sống sa hoa phóng túng, ngày ngày chỉ cùng phi tần, văn quan yến ẩm, ngâm thơ tác phú, không lo việc triều chính, khi Tùy Văn Đế Dương Kiên đem chinh phạt, bị bắt cầm tù, nhà Trần vong, viên truyền quốc ngọc tỉ lạc vào tay nhà Tùy.
Cuối đời nhà Tùy, năm 618 Công Nguyên, Tùy Dạng Đế bị Vu Văn Hóa Cập và Tư Mã Đức Kham phát động chính biến giết và chiếm được truyền quốc ngọc tỉ. Vu Văn Hóa Cập xưng đế, lập ra nước Hứa, nhưng chính quyền này chỉ tồn tại có một năm sau bị Đậu Kiến Đức đánh bại, bắt và giết ở Liêu Thành.
Năm 621 Công Nguyên, Đậu Kiến Đức thua trận bị giết ở Trường An, người vợ đem truyền quốc ngọc tỉ hiến cho Đường Cao Tổ Lý Uyên, nhân thế nhà Đường làm sở hữu chủ của viên truyền quốc ngọc tỉ này ba trăm bẩy mươi năm.
Cuối cùng, năm 907 Công Nguyên, viên ngọc tỉ lại rơi vào tay Chu Ôn.
Ôn vốn là một bộ tướng của Hoàng Sào nổi lên chống nhà Đường, sau phản Hoàng Sào đầu hàng Đường, được vua Đường đổi tên là Chu Toàn Chung, nhưng sau lại phản nhà Đường, âm mưu ép vua nhà Đường là Ai Đế trao cho truyền quốc ngọc tỉ và nhường ngôi, lập ra Hậu Lương.
Sau khi nhà Hậu Lương do Chu Ôn kiến lập bị diệt, viên “Truyền Quốc Ngọc Tỉ ” rơi vào tay Lý Tồn Úc, người lập ra nhà Hậu Đường.
Năm 936 Công Nguyên, Thạch Kính Đường cấu kết với người Khiết Đan là Da Luật Đức Quang tấn công Lạc Dương, vua Phế Đế nhà Hậu Đường là Lý Tòng A thấy thế nước không còn giữ nổi, mới ôm truyền quốc ngọc tỉ leo lên lầu Huyên Võ Lâu và tự thiêu.
Từ đấy truyền quốc ngọc tỉ bị thất tung, không ai biết ở đâu.
Sau đấy, xẩy ra không ít những giai thoại và những truyền thuyết liên quan đến viên truyền quốc ngọc tỉ này.
Mãi đến đời nhà Minh, có một người chăn dê ở ngoài đồng, thấy có một con dê cứ dùng móng chân mà cào mãi ở trên một khoảng đất, người chăn dê lấy làm lạ, mới đào chỗ đất ấy lên, thì phát hiện được một viên ngọc tỉ rất là tinh mỹ nằm ở dưới đất. Ông ta biết là vật báu, mới đem hiến cho một người hậu duệ của Nguyên Thuận Đế là Bác Thạc Khắc Đồ Hãn, tin tức này được truyền đến một người hâu duệ khác của Thành Cát Tư Hãn là Lâm Đan Hãn. Ông này cho rằng viên ngọc tỉ thuộc về ông ấy, bèn dùng võ lực đến đánh Bác Thạc Khắc Đồ Hãn để chiếm lấy.
Cuối cùng, đến đầu đời nhà Thanh, viên ngọc tỉ của người chăn dê lọt vào tay Hoàng Thái Cực, tức Thanh Thái Tông sau này. Lúc đó, Hoàng Thái Cực mới phát hiện trên viên ngọc tỉ này có khắc mấy chữ : ” Chế Cáo Chi Bảo 制 誥 之 寶 “, không phải là viên truyền quốc ngọc tỉ của Tần Thủy Hoàng. Nhưng vì, Hoàng Thái Cực thường tuyên dương chiếm được thiên hạ là do “mệnh trời qui về mình”. Vì thế, năm 1636, khi Hoàng Thái Cực lên ngôi hoàng đế kế vị cha là Nỗ Nhĩ Cáp Xích, thừa nhận viên ngọc tỉ đó là “Truyền Quốc Ngọc Tỉ”, rồi cải tộc danh Nữ Chân thành Mãn Châu, và cải quốc hiệu Hậu Kim là Đại Thanh.
Viên “truyền quốc ngọc tỉ” giả đó trở nên truyền quốc ngọc tỉ thật của vương triều nhà Thanh, suốt 11 đời vua, và kéo dài 276 năm.
Cho đến khi xẩy ra cuộc Cách Mạng Tân Hợi năm 1911, ông vua cuối cùng của nhà Thanh là Phổ Nghi bị lật đổ, phải xuống chiếu thoái vị như vua Bảo Đại ở nước ta, rồi bị trục xuất ra khỏi hoàng cung, nhưng vua Phổ Nghi cũng không quên mang theo viên “Truyền Quốc Ngọc Tỉ” có bốn chữ “Chế Cáo Chi Bảo” này.
Sau, trải qua những năm cải tạo tù đầy dưới triều đại của Cộng Sản Trung Quốc, do sự dụ dỗ và đe dọa của cán bộ quản giáo, vua Phổ Nghi mới lấy viên “Truyền Quốc Ngọc Tỉ ” giả này, được bí mật cất dấu trong một chiếc hòm hai đáy, giao cho nhà nước Cộng Sản Trung Hoa.
Kết cục về viên ngọc tỉ do người chăn dê đào được ở ngoài thảo nguyên thì như thế.
Còn một truyền thuyết về một viên ngọc tỉ giả khác nữa, cũng xin ghi lại ra đây:
Vào thời vương triều nhà Tống, không rõ vào năm nào, có một người nông phu ở Hàm Dương ra ngoài cánh đồng làm việc, trong khi cầy ruộng thì phát hiện một viên ngọc ấn, trên ngọc ấn có khắc tám chữ :”Thụ Mệnh Vu Thiên Ký Thọ Vĩnh Xương”, y hệt tám chữ viết Truyền Quốc Ngọc Tỉ của Tần Thủy Hoàng. Tể tướng nhà Tống lúc đó là Sái Kinh, sau xem xét và khảo nghiệm mới tuyên bố đó là ngọc tỉ truyền quốc thật của Tần Thủy Hoàng, việc đó từng làm kinh động một thời.
Sau đó, trải qua nhiêu năm tháng, không biết do đâu viên ngọc tỉ này lại trở thành vật sở hữu của một viên tướng Quốc Dân Đảng Trung Quốc cư trú nhiều năm tại Mỹ quốc. Vào thời kỳ xẩy ra cuộc cách mạng văn hóa ở Trung Cộng, viên tướng Quốc Dân Đảng có ý muốn đem viên ngọc tỷ này ra bán ở Áo Môn. Một nhân sĩ thân Trung Cộng ở Hương Cảng biết tin đó, muốn bỏ tiền ra mua về cho nước mình, nhưng không biết chắc chắn viên ngọc tỉ này là thật hay giả, mới cậy nhờ một chuyên gia trứ danh về đồ cổ ở lục địa là Phó Đại Dữu, đến khảo sát. Sau khi đích thân xem xét, chuyên gia đồ cổ này xác nhận đó là ngọc tỉ truyền quốc giả.
Gần đây nhất, học giả Chung Thế Kiệt ở Hương Cảng cho biết ông tìm được viên ngọc tỉ truyền quốc làm bằng ngọc họ Hòa từ một người bạn Nhật Bản. Tháng 10 năm 1991, học giả họ Chung có mở một hội nghị tọa đàm ở Tây An và Bắc Kinh, với học thuật giới để thảo luận về viên ngọc tỉ truyền quốc họ Hòa này. Nhưng không ít học giả tỏ ra hoài nghi về sự xác thực viên ngọc tỉ này.
Bởi vậy, cho đến nay, tung tích viên “Truyền Quốc Ngọc Tỉ” của Tần Thủy Hoàng vẫn không ai biết đích xác là ở đâu. Nhưng căn cứ theo sự nghiên cứu của các chuyên gia thì ngọc họ Hòa dùng đế điêu khắc và chế tạo ngọc tỉ truyền quốc là loại thạch ngọc, thuộc “Trụ Trường Thạch”, có thể chịu một độ nóng đến 1300 độ, sức nóng của loại lửa thường không đủ sức thiêu hủy nó được.
Từ đó suy ra, viên “Truyền Quốc Ngọc Tỉ” của Tần Thủy Hoàng khó có thể tiêu tan đi cùng với vua Phế Đế nhà Hậu Đường khi ông này leo lầu Huyền Võ ở Lạc Dương để tự thiêu.
Trong khi ở phương bắc, họ Lưu nhà Hán, làm chủ nhân của viên “Truyền Quốc Ngọc Tỉ” và tôn quý là quốc bảo, đồng thời tạo ra 6 viên ngọc tỉ khác để dùng vào nhưng công việc khác nhau của vương triều nhà Hán, thì tại phương nam, nước Nam Việt, họ Triệu cũng chế tạo những viên ấn tỉ riêng xử dụng cho nước mình, trong đó có viên “Văn Đế Hành Tỉ” thuộc loại kim ấn, được các sử gia và các nhà khảo cổ coi là “bảo trung chi bảo”, “trọng trung chi trọng” mà người ta đã khai quật được trong ngôi mộ của Triệu Văn Đế, vua đời thứ hai của nước Nam Việt vào năm 1983 ở thành phố Quảng Châu trên núi Tượng Cương Sơn.
Bài viết này không mang tính cách một bài nghiên cứu, chỉ dành mua vui cho bạn bè bằng hữu trong lúc đông sang cảnh muộn, một đèn hiu hắt, và xin dành một bài viết khác về viên “Văn Đế Hành Tỉ 文帝行璽 ” của Triệu Văn Vương khi có dịp.
(Paris ngày 26-11-2006-11g55 –Phạm xuân Hy)
________________________________________________________________
Sách tham khảo :
1-Trung Quốc văn hoá sử 500 nghi án 中 國 文 化 史 500 疑 案
2-Trung Quốc lịch sử bí văn dật sự 中 國 歷 史 文 軼 事
3-Vạn sự do lai 萬 事 由 來
4-Trung Quốc văn hoá tri thức tinh hoa 中 國 文 化 知 識 精 花
5-Từ Hải 辭 海
Nguồn bài đăng