Tù binh Chàm thời Lý
quân đội Champa Tạ Chí Đại Trường Tù binh: bằng chứng quá khứ và dấu vết ngày nay Đánh nhau, bắt tù binh thì đời nào trước Lí cũng có, tù binh cũng được hiểu là có trong những trận chỉ nói việc thu chiến lợi phẩm gồm của cải, ngựa xe… Nhưng tù binh với số lượng nhiều là ...
Tạ Chí Đại Trường
Tù binh: bằng chứng quá khứ và dấu vết ngày nay
Đánh nhau, bắt tù binh thì đời nào trước Lí cũng có, tù binh cũng được hiểu là có trong những trận chỉ nói việc thu chiến lợi phẩm gồm của cải, ngựa xe… Nhưng tù binh với số lượng nhiều là của hai trận chiến 1044 và 1069. Trong trận đánh đầu năm 1044, trên chiến trường ở Quảng Nam, quân Lí giết vua Chàm, bắt 5000 tù binh, đến mấy tháng sau, tháng 7 mới vào thành Chà Bàn bắt cung phi mĩ nữ. Lúc về, làm lễ mừng “bầy tôi dâng tù binh hơn 5 nghìn tên…” Vua “xuống chiếu cho các tù binh đều được nhận người cùng bộ tộc, cho ở từ trấn Vĩnh Khang đến Đăng Châu (nay là Quy Hoá) đặt hương ấp phỏng theo tên gọi cũ của Chiêm Thành.” Nghiên cứu của Le Breton về “Le Vieux An Tĩnh” (BAVH, 3-4/1935, ví dụ trang 201) cho rằng Vĩnh Khang nay là Vĩnh Hoà, huyện Nam Đàn nhưng có vẻ chỉ là sự đoán phỏng chừng. Chú thích bản dịch 1993 của Toàn thư cho biết các nơi đày người là huyện Tương Dương, Nghệ An và vùng Yên Báy, Lao Kay ngày nay. Đại Việt sử lược(ĐVSL)* còn cho biết năm 1047, tên Đăng Châu được nhắc là nơi đày sứ Chiêm vì vua Chiêm là “Ung Ni, vô lễ.” Trong trận chiến 1069, TT kể giản dị hơn nhưng số tù binh bị bắt lại gấp mười lần trước: 5 vạn người. ĐVSL ghi nhiều chi tiết hành quân nhưng không kể số tù binh, chỉ nói việc đốt nhà dân. Ông Hoàng Xuân Hãn trong Lí Thường Kiệt đã phối hợp các tài liệu để suy đoán chi tiết trận chiến căn cứ theo các bản đồ ngày nay nên có nhiều sai lạc. Đường tiến quân từ biển lên thành Chà Bàn / Vijaya của vua Chiêm được xác định rõ nhờ vào tên Phú Đa còn giữ lại đến ngày nay qua tên thôn, chợ, sông của một địa điểm cách khá xa Chà Bàn về phía hạ lưu chỉ vì sự phát triển cư dân gây nên. Đây là một phân lưu ra biển của con sông lớn phía nam Bình Định mà tên gọi chung sử dụng trên bản đồ ngày nay là sông Côn / Hà Giao, cả hai đều có vẻ gốc từ nhóm thiểu số Bà Na trên thượng nguồn, tên thứ hai có dáng Việt nhiều hơn nhưng vẫn không mất vẻ “thượng” (ví dụ nếu ta viết lại: H’ Yao / Hơ Dao, như Hơ Roi chẳng hạn). Trên “Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư” của thế kỉ XVII (Hồng Đức bản dồ, Trương Bửu Lâm chủ biên, Sài Gòn 1962, tr. 96) có tên Phú Đa giang, Phú Đa xã “xưa có thành gạch, tên Chà Bàn thành”, và đó là rút gọn từ Phú Gia Đa (Phan Huy Chú, Hoàng Việt dư địa chí ) rõ ràng gần với nguyên gốc Vijaya. Cũng như địa điểm Phú Đa, dọc phân lưu này còn các tên Cảnh Hàng / “Canh Hãn xã”, Nước Mặn… có mặt trên “Giáp ngọ niên (1774) bình Nam đồ” (Hồng Đức.., tr. 156) chứng tỏ đường nước thông dụng của các chuyến thương mại nguồn – biển mà hẳn cũng là đường lưu thông của thuyền chiến.
Tuy nhiên ông Hoàng Xuân Hãn đã sai lầm về tên cửa biển quân Lí đổ bộ vì không biết một biến chuyển địa lí trong vùng là vấn đề cửa Nước Mặn. Ông đã dùng bản đồ ngày nay nên cho rằng quân Lí đổ bộ lên Chà Bàn theo cửa Quy Nhơn bây giờ, có lẽ không biết chừng bị ảnh hưởng bởi chiến trận Nguyễn Tây Sơn năm 1801 theo bản đồ của L Barizy vẽ. ĐVSL ghi rằng quân lính Lí đổ bộ ở cửa Thi Lị Bì Nại mà G. Maspéro chuyển âm là Cri Bonei và Hoàng Xuân Hãn, chắc là theo thường tục đã cho rằng “cửa bể lớn Quy nhân tên xưa là Thi nại”. Trong lúc đó, “Giáp ngọ niên bình Nam đồ” (1774) ghi rõ hai cửa biển riêng biệt: “Nước Mặn hải môn thâm” phía bắc và “Thi Nại hải môn” phía nam. Thi Nại chỉ là “hải môn” trống trơn trong khi cửa Nước Mặn được nhắc thêm chữ “sâu”. Nó còn rất rộng trên các bản đồ “Thiên nam tứ chí…”, “Giáp ngọ niên…”, và phải đến khoảng cuối thế kỉ XVIII mới lấp hẳn. Trên bản đồ của L. Barizy vẽ trận chiến Nguyễn Tây Sơn 1-3-1801, bán đảo Phương Mai đã thành hình, tên “cửa Nước Mặn” chỉ một lạch nhỏ chảy vào đầm Thi Nại, ra biển ở cửa Quy Nhơn ngày nay chứ không phải thẳng tuột ra biển Đông. Như thế thì không vì lẽ gì quân Lí của thế kỉ XI lại bỏ qua “… hải môn thâm” đó mà đi thêm vài chục cây số về phía nam, để ghé vào Quy Nhơn ngày nay rồi mới lên thành Chà Bàn. Nguyên sử tả rõ vị trí cửa biển đó, khi Toa Đô đổ bộ lên đất Chiêm Thành (1282): “Cửa cảng phía bắc liền với biển…. phía đông nam có núi ngăn” (Dẫn theo Ngô Văn Doanh, Văn hoá cổ Champa, 2002, tr. 112. Chúng tôi nhấn mạnh.) Núi phía đông nam là hòn đảo mà “Thiên Nam tứ chí…” ghi “hai núi gần nhau tục gọi Rổ Đó, Khổng Lồ” sau này sẽ trở thành bán đảo Phương Mai. Đỗ Bang đã công bố sự kiện cửa Cách Thử trong nhiều bài viết từ những năm 80 của thế kỉ trước.
Vậy Thị Lị Bì Nại của ĐVSL, Sri Bonei của G. Maspero là cửa Nước Mặn / Cách Thử, mang tên Việt của thế kỉ XVII, XVIII (có thể từ thế kỉ XVI) với các thuyền buôn Trung Quốc, Tây Phương ghé bến chở theo các ông giáo sĩ thu phục tín đồ ở vùng đất có tên Nước Mặn trên “Thiên Nam tứ chí…”, trên bản đồ các giáo sĩ, ngày nay là một vùng đậm đặc nhà thờ Công Giáo và cũng là nơi từ năm 1622, linh mục Francisco de Pina bắt đầu làm quen với ngôn ngữ bản xứ để lập thành một hệ thống chuyển mẫu tự La tinh cho tiếng Việt. Rõ ràng đây cũng là cửa Tì Ni, “nơi tụ tập các thuyền buôn… người buôn bán tụ họp phức tạp… bến tàu xung yếu” mà TT nói về việc năm 1303, Đoàn Nhữ Hài treo bảng cấm buôn bán rồi ranh ma bảo cất đi vì biết lệnh sẽ không được thi hành. Cửa Cách Thử / Khách Thử, tên bình dân khác của Nước Mặn còn chứng tỏ vai trò thương cảng quan trọng trong câu chuyện truyền kì về việc “thử” tiền của khách buôn nườm nượp tới: Thả tiền vào chậu nước, tiền chìm là của người, tiền nổi là của ma! – thấp thoáng ở đó cũng có ám ảnh lâu dài về việc đúc tiền kẽm quá xấu của chúa Nguyễn đã là nguyên nhân trực tiếp gây nên biến động Tây Sơn. Có lẽ từ khi có tên cửa Nước Mặn, tên Thi Nại mới bị đẩy vào vị trí khuất lấp hơn phía nam, cho đến khi cửa Nước Mặn bị lấp thì nó lại xuất hiện quan trọng hơn trong các trận chiến giữa quân Nguyễn và Tây Sơn, gây nên lầm lạc của các sử gia. Hà Văn Tấn và Phạm Thị Tâm vẽ tấm bản đồ “Cuộc kháng chiến của nhân dân Chàm” công phu như một sơ đồ hành quân đương đại, đã xếp cho cửa Quy Nhơn ngày nay cái tên lừng danh “Chiêm Thành cảng” (Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỉ XII, 1975, trang 117). Các tác giả ngày nay (ông Ngô Văn Doanh là người mới nhất) cũng vẫn tiếp tục sai như người chú thích bản dịch ĐVSL, TT 1993 vậy.
Chúng ta không quên loại tù binh đặc biệt được sử dụng cho nhu cầu hưởng thụ của vua Lí: đó là các cung phi mĩ nữ, các ca kĩ của vua Chàm. Hấp tấp, Thái Tông đã khiến Mị Ê nhảy xuống sông tự tử, phải lập đền thờ cúng, không phải vì thán phục lòng trinh tiết của người phụ nữ này mà chính là lo sợ sự báo thù từ cõi thiêng. Những người còn lại, hai năm sau được có chỗ ở trong cung Ngân Hán, ngay trong khu vực gia đình Lí. Không thấy nói đến loại tù binh đặc biệt này của năm 1069 nhưng chắc cách xử trí cũng tương tự với loạt người 15 năm trước.
Cũng như vậy là trường hợp số tù binh lớn lao của năm 1069, mà một nơi được biết qua là do chứng cớ nói về Trần Nhật Duật. Số tù binh này còn được Lê Văn Hưu nhắc trong Đại Việt sử kí 1272 của ông: “… Lí Thái Tông chém đầu vua nước ấy [Chiêm Thành] là Sạ Đẩu [Jaya Shimhavarman II], Lí Thánh Tông bắt vua nước ấy là Chế Củ [Rudravarman III], bắt làm tôi dân nước ấy 5 vạn người, đến nay vẫn phải chịu làm tôi tớ…” Về việc xây dựng tháp liên quan đến vùng tù binh (sẽ bàn sau) thì cũng Lê Văn Hưu lên tiếng phản đối mà không biết mình đang làm nhân chứng: “… đời sau (Lí Thái Tổ) xây tháp cao ngất trời, dựng cột chùa đá…” Khi Trần Nhật Duật mất (1330), sử kể chuyện ông “thích chơi với người nước ngoài, thường cưỡi voi đến chơi thôn Bà Già có khi ba bốn ngày mới về.” Thôn này hồi Lí Thánh Tông đánh Chiêm Thành, bắt được người Chiêm cho ở đấy, lấy tiếng Chiêm đặt tên là Đa Gia Li, sau gọi sai thành “Bà Già”. Tất nhiên chúng ta cũng sẽ thấy ở các triều đại về sau, nhất là Hậu Lê đánh Chiêm, có bắt người nhưng vì những lí lẽ sẽ phân tích sau, các tù binh sẽ không đưa vào trung châu phía bắc nhiều như của Lí. Tù binh thời sau sẽ chuyển hoá nhanh hơn, không còn giữ hình dạng nguyên gốc vì các biện pháp kì thị của các triều đại với quyền lực lớn mạnh hơn, mang quan niệm độc tôn nho hoá không chấp nhận sự khác biệt có hại cho quyền uy của mình. Nhưng với thời đại khoa học ngày nay thì người ta có thể từ những dấu hiệu mờ nhạt còn sót lại mà tìm ra những trung tâm xưa cũ.
Đã không thể nào tìm được dấu vết con cháu tù binh trên vùng Yên Báy, Lao Kay quá sâu bên trong các tập đoàn Tày Thái luôn luôn lấn xuống. Vả lại cũng có thể nghĩ rằng suy đoán của các sử gia ngày nay về các địa điểm kia có vẻ mang nhiều nhiệt tình chứ Lí không thể có quyền lực sâu vào trong vùng để đẩy được tù binh của mình đến đây, chưa kể như ta sẽ thấy, mục đích của Lí an trí tù binh là để khai khẩn đất đai phục vụ dòng họ mình cho nên không cần phải đày đi quá xa.
Tù binh các triều đại về sau không còn dùng trong việc khai thác nông nghiệp như Lí. Tù binh 1471 của Lê bị Minh ép trả lại cho Chiêm Thành vì Thánh Tông không đủ vững vàng với Minh như Lí đối với Tống. Tất nhiên Lê cũng còn giữ lại một số người để cung cấp cho các quan thân cận, nhất là Nguyễn Xí, cột trụ quyền lực của Thánh Tông để lập cả một thôn Kim Ổ (khoảng vùng cửa biển Kì Anh, bắc mũi Ròn) phục vụ tộc Nguyễn. Cũng thấy tù binh Chàm như Chế Mạn (1509), gia nô của Nguyễn Văn Lang, quốc cữu của họ Lê, “phiên” Ất / Đồng Lợi, gia nô của Trịnh Duy Đại đi theo Trần Cảo (1516). Lại cũng như Bố Đông của Hồ Quý Li, nhưng tù binh Chàm sau Lí không còn được dùng vào việc sản xuất cho nhà nước nữa. Trường hợp Lí quả là duy nhất.
Về số đông, người ta chú ý nhiều đến vùng phía tây Thăng Long, trọng tâm là đền Lí Phục Man với dân chúng các làng Yên Sở, Đắc Sở thờ cúng ông. Điểm gợi ý có lẽ là trong thần tích có chuyện ông đánh Chiêm Thành (bia 1728 nhắc các lần phong tặng của thế kỉ XVI không kiểm chứng được), thêm cả thành tích bị chết vì công tích này (trong Đại Nam nhất thống chí, sách khởi đầu 1852). Thế mà truyện tích về ông thần “phục Man” này xuất hiện xưa nhất trong Việt điện u linh tập, với khung lịch sử bắt đầu từ Lí Thái Tổ, lúc chưa có chuyện tù binh Chàm, thì chỉ là ông thần sông Đáy. Dấu vết đặc biệt về mặt cảnh quan quanh đền là cả một vùng trồng dừa, “một sản phẩm hiếm hoi ở đồng bằng Bắc Kì… là thứ cây tạo thành nguồn thu lớn của nơi này” (Nguyễn Văn Huyên, Tác phẩm được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, tập I, tr. 481) khiến cho người Pháp đặt tên là village des Cocotiers. Dừa cũng đi đôi với mía được nhắc nhở ít hơn nhưng không phải chìm trong lịch sử. Năm 1117, người giáp Cam Giá (xứ “Mía Ngọt”, người nay chú dẫn là thuộc Ba Vì) dâng hươu đen cho vua Lí, và ở thế kỉ sau thì có “tướng” ở đấy chống lại triều đình. Huyện Ba Vì, xã Đường Lâm cũng còn có chùa Mía / Sùng Nghiêm tự, xây lại năm 1632, thờ Bà Chúa Mía, “một cung tần của chúa Trịnh”, nhưng dấu vết thần nữ đậm đặc thêm với bàn thờ Liễu Hạnh được đặt ngay ở tiền đường (Hà Văn Tấn, Chùa Việt Nam ), bà chúa Liễu mà ta thấy thấp thoáng hình ảnh thần Thiên Y trong ngôi đền ở Thanh Hoá. Theo ông Nguyễn, “Yên Sở hình như là một trong những làng giàu nhất Bắc Kì. Nghề dệt lụa và làm ren ở đấy rất phát đạt.”
Các truyền thuyết về chống xâm lăng cũng như chống các lực lượng bên ngoài làng Yên Sở chứng tỏ một tâm lí cát cứ nấp dưới nhãn hiệu được thần bảo trợ, rất sâu đậm ở người dân trong vùng. Người mạnh dạn nêu lên nguyên nhân khác biệt là một người vốn quen nói liều lĩnh trong lúc kẻ khác rụt rè: ông Trần Quốc Vượng. Ông này không thể nói gì khác hơn là ca tụng “anh hùng lịch sử” Lí Phục Man nhưng cũng cho ta thấy dấu vết một nơi an tháp tù binh của Lí để ngày nay trông như “một làng quê ở miền Nam đã… ra Bắc… ven bờ sông Đáy… nổi tiếng với một ngữ điệu khó nghe nhận”, một đồn điền nhà nước có đến 70% là ruộng đất công trước Cải cách 1955. Ngoài tầm xác nhận của ông Trần là chùa Ngọc, “nơi tu hành của bà cụ thân sinh” Lí Phục Man, và tượng Bạch mã, “một công trình nghệ thuật khiến nhiều khách nước ngoài trầm trồ thán phục”, được đặt trong đền Quán Giá thờ ông. (Theo dòng lịch sử, Nxb. Văn hoá, H. 1996, tr. 211.) Không thấy được tả rõ tượng ngựa để xem dáng vẻ con ngựa Balaha này có gì khác với cùng hình tượng ở phương Nam, cũng như không ai thấy thoáng hình ảnh bà Chúa Xứ / Chúa Ngọc ẩn hiện đâu đó với bà cụ trong chùa Ngọc kia.
Lại cũng trên bờ sông Đáy, xuôi về phía hạ lưu, trên đất tỉnh Hà Nam có chùa Bà Đanh / Ngọc Sơn tự được nhắc tới trong một bài phóng sự đăng trên tạp chí Tri Tân số tháng 4-1942. Chùa được tả kĩ hơn trong sách Hướng dẫn du lịchNon nước Việt Nam: Chùa thuộc địa phận thôn Đanh Xá, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, nằm ở hữu ngạn sông Đáy. Tượng Bà Chúa Đanh được tả là thần Pháp Vũ, “ngồi trên ngai, toàn bộ đặt trên một gốc cây to”. Tuy nhiên, cũng sách này có nhắc thêm một chùa Đinh Xá ở xã Đinh Xá, huyện Kim Bảng, có tên chữ là Lam Yêm Bảo Sơn Bà Đanh tự, có bia đá dựng năm 1776 xác nhận tên trên. Tập đồ bản Atlas Chabert-Gallois 1909 đầu tiên cho toàn thể vùng Đông Dương, phần tỉnh Hà Nam chỉ có một tên Đinh Xá ở tả ngạn sông Đáy trong khi như đã thấy, nếu tin vào sách du lịch, thì có hai tên khác nhau, một cho thôn (“đanh”) và một cho xã (“đinh”), nhưng thấy rõ là cùng một gốc, chứa hai ngôi chùa bà Đanh ở hai bên sông Đáy. Điều đó cho ta thấy rằng khu vực mang ý niệm “Bà Đanh” không chỉ dừng lại ở một tên chùa mà là cả một vùng bao trùm và như thế, tên Đinh Xá không phải có nghĩa “làng của người (gốc) họ Đinh” như theo thói quen giảng giải mà là “làng có chùa Bà Đanh”, một làng có nguồn gốc lịch sử là của tù binh Chàm. Nếu lưu ý thêm rằng các đền tháp của Lí tập trung nhiều ở lưu vực sông Đáy thì các địa điểm tù binh này cũng có thể được chứng minh là của Lí. Thị xã Phủ Lí của tỉnh Hà Nam vẫn thường được chú thích là nơi (đâu đó) có hành cung Lị Nhân của nhà Lí mà lần đầu tiên Thánh Tông đến thăm xem gặt, đua thuyền. Thái Tông chỉ đến những vùng đất cày của quá khứ (Ô Lộ 1030, Đỗ Đọng 1032, cửa Bố 1038), chỉ có Thánh Tông mới đến vùng “Đinh Xá” hẳn là để xem xét thành quả của đám tù binh 1044 ở đấy. Có đua thuyền theo lễ hội mùa, không biết chuyến “xem gặt” 1067 ấy có gợi ý cho ông vua hai năm sau bắt tù binh nhiều hay không. Chỉ thấy từ đó, với chuyện có hành cung, rồng vàng hiện, và Nhân Tông đã đến thăm vùng này nhiều lần: 1077 (mới 11 tuổi), 1080, 1101, chứng tỏ vị trí này qua thời gian đã có tầm mức quan trọng hơn. Hai vị trí tù binh Yên-Cổ Sở, Đinh Xá cùng với đất Đội Sơn gần Đinh Xá và Ứng Phong phía bờ biển cho ta thấy lãnh địa của Lí liền lạc một dải suốt sông Đáy.
Vùng thứ ba tập trung tù binh Chàm của Lí được Lê Văn Hưu (1272) xác nhận thêm địa điểm là ở vùng Bắc Ninh, vì lời chê trách “dựng cột chùa đá” (lập tước thạch chi tự – lấy ý từ cái nạo đá sửa chữ viết của Khổng Tử) cho ta xác định đó là cây Cột đá chùa Giạm còn lại ngày nay ở xã Nam Sơn, huyện Quế Võ mà ta nhìn ra là một mukhalinga mang dáng dấp Việt Hán. Rồi lại có câu chuyện Trần Nhật Duật đi thăm thôn Bà Già với tên gốc Đa Gia Li được rút gọn có lẽ từ quyết định của Lê Thánh Tông (1472). Chúng tôi từng xác định đó là vùng ngày nay có ngôi chùa Già Nương cũng có thể đọc theo nôm là Bà Già, ở thôn Đông Sơn, huyện Tiên Du, không xa cái Cột đá kia là mấy. Địa điểm Bà Chúa Kho thuộc thị xã Bắc Ninh, phía nam sông Cầu, có ghi trang trọng trong Tập bản đồ hành chính Việt Nam 2004, hẳn vì tính chất linh thiêng thời Đổi mới hơn là vì diện tích chiếm lĩnh của nó. Thế rồi lại có vùng Bà Chúa Lẫm trải ra choàng lên cả một phần địa vực tỉnh Bắc Giang. Truyền thuyết, căn cứ thêm bằng dấu vết vật chất cho biết như thế. Quê bà Chúa Lẫm / Chúa Kho này ở làng Quả Cảm, huyện Yên Phong, Bắc Ninh; làng Lẫm là tên nôm của thôn Thượng Đồng, xã Vạn An, huyện Yên Phong, Bắc Ninh, có đình thờ Bà, cũng như ở xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du. Từ đó dấu vết vượt qua địa điểm Bà chúa Kho nay thuộc thị xã Bắc Ninh để đến nghè thờ Bà ở xã Vân Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. (Nguyễn Xuân Cần – Anh Vũ, Truyền thuyết vương triều Lí, Hà Nội 2001, t. 363-364.) “Kho/Lẫm” liên hệ với một vùng khai thác nông nghiệp, trong hiện tại lại níu kéo được với quá khứ tự đời Lí với địa danh Lẫm Cảng / Nơi-xuất-phát-từ-Kho-tụ-tập-về-Kho / làng Lẫm? Địa danh Lẫm Cảng trong Toàn thư kèm theo tên Ngũ Huyện Giang được ĐVSLchỉ rõ ở châu Ái nên bị đẩy xuống tận phía nam, nhưng nếu ta lưu ý đến tên Ngũ Huyện Giang cùng trong tỉnh Bắc Ninh thì biết đâu người xưa cũng nói đến nơi này vì việc chuyển vận lúa gạo ở đây đòi hỏi nhà nước phải quan tâm đến nó? Nơi này, “có rất nhiều nhà họ Tống – họ lớn và cho đến nay cha truyền con nối, vẫn tự nhận là con cháu gốc gác tù binh Chàm, coi kho cho Bà Chúa Lẫm.” (Trần Quốc Vượng, t. 275).
Không thể hơn, nhưng bấy nhiêu đó cũng tạm đủ cho ta nhìn một khía cạnh khác của vương triều Lí không được nhắc nhở trong sử sách và cũng không xuất hiện ở các vương triều trước hay sau nó.
Tại sao lại Lí? Hoàn cảnh mới, chính sách mới
Đúng vậy, việc sử dụng tù binh vào sản xuất của Lí không có tiền lệ. Vào thời Bắc thuộc, quan lại Hán Đường chỉ lo việc cướp bóc. Lê Hoàn cũng không làm khác. Chỉ thấy nói việc bắt cung phi, ca kĩ, đồ quý đem về. Ông sư Thiên Trúc bị bắt hẳn cũng thuộc loại “đồ quý/lạ” đó, còn không thấy nói thêm việc sử dụng tù binh làm gì cả – không quan trọng, vì khi bắt mĩ nữ đã kể ra con số hàng trăm mà tù binh nam thì không quan tâm tính đến số lượng. Đánh nhau, lấn đất người, như với trường hợp Dương Tiến Lộc (989), Lê Hoàn phải “giết người hai châu Hoan, Ái không biết bao nhiêu mà kể”, cho nên có được số dân mới của Chàm, Lê Hoàn càng không biết làm gì liền đẩy về với tộc đoàn của họ (992). Hoa Lư làm gì có chỗ để ông giữ tù binh! Và không phải chỉ chuyện đời Đinh, Lê, trong chính sách của người mở đầu triều đại, Lí Thái Tổ, cũng không thấy để ý đến việc sử dụng tù binh. Lo o bế người ở quê hương bản quán, ở đất Thăng Long mới về, ông vua thả tù binh “man” của Ngoạ Triều bắt, “tha cho người ở vùng Nam Giới” – nghĩa là cũng không phải “dân mình”, được trở về xứ sở cũ. Cũng không thấy ghi chép chuyện xử trí với tù binh – nếu có – trong việc đánh dẹp “người Diễn Châu không theo giáo hoá, ngu bạo làm càn” (1012) hay khi đánh nhóm Thái Nam Chiếu (1012, 1013) “bắt sống được quân lính và ngựa không kể xiết”. Rồi trong trận chiến với quân Chàm 1020, ông thái tử Phật Mã cầm quân cũng chỉ có chuyện giết người Chiêm “đến quá nửa”, khác với khi ông lên ngôi thành Thái Tông. Tù binh không đem đi xa, cho để tại chỗ, “lập trại Định Phiên (1025) ở địa giới phía nam châu Hoan” nghĩa là đúng nơi trả người về năm 1011, lần này có cắt đặt người quản giáp trông coi, công dụng như thế chỉ là của một tiền đồn giữ gìn biên giới mà thôi.
Rõ ràng việc sử dụng tù binh khác với mục đích dùng làm thân xác che đỡ cho bản thân Lí chỉ đến lần lần trong sự củng cố triều đại. Và vấn đề nảy sinh chỉ vì Lí đã đặt mình vào một hoàn cảnh mới: đổi chỗ ở, dời đô. Cướp quyền của người chỉ hai ngày sau khi chúa cũ mất thì không thể ung dung an toạ trên đất của người. Thuận tiện hơn cả là về quê, mà không sợ phải ở thế chịu tranh chấp nữa vì lúc này đã mang theo cả lực lượng quân binh cướp được. Không phải chỉ có quân binh để đe dọa mà là còn có tiền bạc để mua chuộc nữa. Trong chuyến “về làng” thăm dò tháng 3âl. 1010, Lí Thái Tổ đã ban tiền lụa cho các bô lão “theo thứ bực khác nhau”, nghĩa là không để sót người có chút uy thế nào. Hướng mua chuộc thật có chủ đích về đối tượng nên ban hành đại xá, tuyên bố tha thuế ba năm (1010, 1016) để ngăn chặn chống đối, tìm thêm vây cánh. Chính sách có tính toán nặng nhẹ, bỏ lơ một ít về quyền lợi bản thân, hình thức hào nhoáng dành cho gia tộc mà chú trọng vào những việc thấy là thiết yếu hơn. Sử gia Lê Văn Hưu của đời sau, của một ý thức hệ khác, không hiểu được, chỉ lo trách móc, kênh kiệu phê phán: “Lí Thái Tổ lên ngôi mới được hai năm, tông miếu chưa dựng, đàn xã tắc chưa lập mà đã dựng làm chùa ở phủ Thiên Đức [quê quán], lại trùng tu chùa quán ở các lộ… tiêu phí của cải vào việc thổ mộc không biết bao nhiêu mà kể.” Của đó “không phải là trên trời mưa xuống”, cũng không phải là “vét máu mỡ của dân” như ông sử quan nói mà là lấy ở sân phơi nhà Lê Hoàn lúc ông này khoe giàu, bày đầy của quý để hù doạ sứ Tống (986). Sự phung phí có chủ đích đó còn thấy đến đời con ông khi Thái Tông phát tiền thuê thợ làm chùa quán đến 950 ngôi ở các hương ấp** – nghĩa là ở các khu vực còn thuộc quyền các thủ lãnh nhỏ khác. Nhưng, Cả thuyền lớn sóng… Sự tiêu phí vung vít tuy cần thiết đó tất nhiên đã khiến nguồn vàng bạc mang từ Hoa Lư phải cạn đi cho nên đã đòi hỏi một chính sách tăng thu nhập lâu dài.
Và nguồn lợi to lớn dễ thấy, tại chỗ là từ ruộng đất. Lê Hoàn, vài ông vua Lí đầu đời là những “Hoàng đế điền chủ” (Tạ Chí Đại Trường, Những bài dã sử Việt, CA 1997), biết cày bừa, trực tiếp trông coi phần đất ruộng riêng của mình – bao gồm cả phần chiếm đoạt qua những chuyến chuyển tiếp quyền lực. Tuy thấy Lí khai thác ruộng Đỗ Động của Ngô / Đỗ Cảnh Thạc, ruộng núi Đọi của Lê Hoàn, ruộng cửa Bố của Trần Lãm… nhưng cũng có dấu hiệu là không phải chiếm hết. Triều đại còn có Lê Ốc Thuyên con nuôi của vợ Ngoạ Triều, còn một ông họ Đinh làm Điện tiền chỉ huy sứ. Vụ chống đối của họ Đinh năm 1041 còn có một người họ Phùng, không hiểu có liên hệ gì đến nhóm Phùng Hưng thời Bắc thuộc nhưng tuy bị giết hẳn vẫn để lại một nhánh họ Phùng đầy quyền lực đã giúp Trần đoạt ngôi Lí sau này. Trận 1035 đang tiếp diễn thì có tin về mưu đảo chính ở Thăng Long, liên hệ đến Định Thắng đại tướng Nguyễn Khánh đang ở chiến trường, người không biết có bà con gì với cựu Hữu Điện tiền chỉ huy sứ Nguyễn Đê bị người mở đầu triều đại cướp chặn ngôi trước. Năm 1048, Phạm Khứ Liêu bị róc thịt ở chợ Đông có vẻ cũng là của dòng Phạm sứ quân cũ. Các con của Lê Hoàn mòn vẹt trong cuộc tranh chấp nội bộ nhưng còn để Lí Thái Tông làm sui gia, còn có người gả con cho Thần Tông, còn người làm quan cho triều sau khiến Trần kiêu ngạo mà vẫn phải cho ông mang họ tôn quý của mình. Có nhóm họ Mạc với Mạc Hiển Tích trên vùng Chí Linh, vào cung Lí vui đùa, chừa lại một vùng sông nước cho tộc Trần, về sau xuất hiện ít ra là hai nhóm: Trần Phó Duyệt còn dừng chân ở Chí Linh và Trần Lí tiến xa hơn về phía nam lập cơ sở thay thế triều Lí. Còn bên ngoài vùng trung châu, nơi có những tộc người thiểu số, thì có những người cầm đầu mà sử sách gọi là “thủ lĩnh”, “đại/tiểu thủ lĩnh” cai trị những vùng liên hệ với Lí như những lực lượng độc lập hay liên kết, với danh nghĩa phụ thuộc bằng tương quan hôn nhân hay giao dịch thương mại.
Sự tranh giành ruộng đất giữa ông chủ ruộng lớn và các chủ ruộng nhỏ cũng rất gay gắt. Năm 1093***, Lí phải trả đất ruộng giáp Bối Lí cho con cháu Lê Lương mà một người trong dòng là Lê Văn Thịnh đã nhờ uy thế tổ tông vào triều (1075) và lập công trạng lớn về ngoại giao với Tống (lấy lại đất Quảng Nguyên 1084, Thái sư 1085). Điều đáng chú ý là người “xin” không phải thuộc dòng Lê Lương mà là hai Phò kí lang họ Tô, họ Thiều. Chức vụ của hai người này được ông Hoàng Xuân Hãn (chắc dựa theo chức “Phò mã lang”) đoán là “có lẽ gần như phò mã”, tuy nhiên vì lí do dính dáng đến ruộng đất, ta ngờ rằng đây là những người trông coi vùng ruộng đất vốn của Lê Lương. Nhân Tông bất đắc dĩ phải nhả ra nhưng để Lí Thường Kiệt chỉ chia một nửa cho giáp Bối Lí, còn nửa kia cho giáp Viên Đàm. Thế rồi năm 1096, Lê Văn Thịnh mắc tội mưu sát tuy không thể bị giết, bị “lên ngựa gỗ” hay “róc thịt phơi chợ”, rõ ràng vì thế lực thân tộc riêng nhưng phải đi đày, cũng có nghĩa là đã thất thế. Ta ngờ rằng ông điền chủ Nhân Tông mất ruộng, đã tìm cách triệt hạ nhóm con cháu Lê Lương, không thèm kể đến công thần của mình! Vụ án hồ Tây / Dâm Đàm thật có những nguyên nhân và đưa đến hậu quả xa hơn là trong vài dòng sử, chữ bia rải rác đây đó.
Các vụ “tha thuế” của Lí không thấy ảnh hưởng gì đến sự điều hành nhà nước chứng tỏ ở đây Lí chỉ không thu phần của các lãnh chúa nhỏ phải nộp cho mình mà thôi. Còn lại, Lí phải gồng mình chịu đựng bằng lợi tức từ phần đất của mình. Vậy thì muốn tăng thu nhập, Lí chỉ có thể khuếch trương trên phần đất quản trị riêng nghĩa là phải đi tìm thêm nhân lực, và điều này dẫn dắt Lí đến những hành động mới, sáng kiến mới. Chuyện muôn đời tiếp tục xảy ra: Nhu cầu giữ gìn quyền lực phải dẫn đến sự bành trướng quyền lực. Vậy mà muốn giữ ngôi vị của mình, Lí phải tính toán sao cho có sự hoà hoãn trong liên minh mình làm chủ, không thể lấn lướt đến một mức độ nào đó. Hướng lấn lướt phải chuyển ra bên ngoài, như khi đánh cướp ngựa của Nam Chiếu, như theo tiền lệ có sẵn phía nam trong những cuộc cướp đoạt thành công trước, ví dụ của Lê Hoàn năm 982. Các trận chiến Diễn Châu trên “đất nhà” (1012), mở đường vào đất Chiêm năm 1020, chuẩn bị cho trận chiến thọc sâu 1044 (và 1069 tiếp theo). Đầu 1043, “giặc sóng gió” Chiêm Thành cướp phá biên giới để người sau biện minh cho việc tấn công trả đũa của Thái Tông. Nhưng câu hỏi làm vẻ ngây thơ của ông vua: “Tiên đế mất đi đến nay đã 16 năm rồi mà Chiêm Thành chưa từng sai một sứ giả nào sang là cớ gì?” rõ ràng không phải là phản ứng từ sự kiện xâm lấn kia. Các quan biết ý vua nên xúi đánh để về sau Ngô Sĩ Liên lại được dịp khoe khoang tài dạy khôn, nhân tiện móc xéo ông vua đương thời (Lê Thánh Tông) cứ sa sả chửi mắng mình: “Giặc… cướp phá thì đem quân hỏi tội là phải… Còn nói họ không phục thì lấy đức mà thu phục, sao phải đem quân đi?”
Tổ chức, phát triển và thành quả, hậu quả
Thế là Lí có một số lượng tù binh lớn. Nhưng khác với Lê trong vòng vây chật hẹp của động núi đá vôi Hoa Lư không gây nổi một ý kiến nhạn người, Lí có cả một vùng đồng bằng phía bắc rộng lớn có thể an trí người, cũng là thêm một dịp khoe khoang sức mạnh với các nhóm liên minh .
Không hẳn là có một chính sách vẽ ra rành rẽ nhưng sự thu xếp lần đầu tiên cũng chứng tỏ được một chừng mực ý thức về tổ chức. Năm nghìn người bắt trên đất Quảng Nam biên giới liền lạc thông suốt với hậu cứ, hẳn không gây khó khăn nhiều cho việc chuyển vận. Thế là năm nghìn tù binh về xứ Lí được tập họp theo bộ tộc, phân bổ trong những khu vực mang tên gọi theo kiểu Chàm. Đó không hẳn là sáng kiến của người chủ mới mà chỉ là bắt buộc của thực tế, theo đó sự thuận lợi vẫn có vì tù binh khi giữ được một chừng mực sinh hoạt từ chốn cũ sẽ dễ có ổn định ngay từ bước đầu. Địa điểm cư trú, như được giải thích, là trên vùng ngày nay ở thượng du Nghệ An và vùng Yên Báy Lào Cai. Ta đã nghi ngờ về chuyện trại tù binh đặt quá xa về phía bắc, tây bắc. Ta cũng nghi ngờ luôn về địa điểm Tương Dương vì người đại diện của Lí là Lí Hoảng / Nhật Quang, em vua, chỉ đóng lị sở trên đất Tĩnh Gia (Thanh Hoá) gần biển mà thôi. Thái Tông có để tù binh cho em cai trị thì cũng đẩy vào núi gần đó chứ không thể sâu vào tận đất của các nhóm Tày Thái bên trong. Phần an trí phía bắc thì như đã thấy còn dấu vết ngày nay là vùng Thạch Thất, Hoài Đức phía tây Thăng Long và vùng Bắc Ninh, Bắc Giang của Bà Chúa Lẫm. Vị trí sau này tuy thường được ca ngợi là phần cội gốc tinh hoa của người Kinh Việt, nhưng xét trạm Hoài Viễn mà nhà Lí lập ra (1044) để đón sứ thần, nghĩa là một thứ trạm biên giới, đặt trên đất Gia Lâm thì đất bà Chúa Xứ coi kho lúc bấy giờ rõ ràng là ở ngoại biên!
Không có tài liệu nào để lại cho ta biết tình hình sinh hoạt của đám tù binh này. Nhưng cũng như ở các trường hợp khác, ta dựa vào các sự kiện xảy ra về sau của các cá nhân liên hệ để đoán phỏng chừng. Nhóm tù binh nữ phục vụ cung đình chắc cũng được sử dụng vào việc trồng dâu nuôi tằm như cung nữ Việt đương thời, cho nên có dấu ấn bà Chúa Dệt Lĩnh ở trang Thiên Niên, có đồng Lâm Ấp bên hồ Tây thuộc xã Xuân Đỉnh. Tất nhiên ở đây về sau còn có tù binh Chàm thời Hậu Lê nên không thể tách riêng được. Nhưng đất Thăng Long của Lí có vẻ không thuận lợi cho việc khai thác nông nghiệp. Chúng tôi đã phân tích tên Thăng Long vốn là từ lối nhìn phóng đại của các ông quan nịnh vua. “Giao” của ĐVSL (chuyện Ngoạ Triều), “Giao long” là con cá sấu, đúng ngay từ các tên gọi đầu tiên cho Long Biên, Long Uyên của trị sở châu Giao. Trần Kinh Hoà đã chứng minh các tên “giao”, “ngạc” (ngư) là từ tiếng kêu của con cá sấu. Nhưng cá sấu đã thành rồng trong đời Lí thì cá sấu men theo thuyền vua trong rất nhiều chuyện kể, như tháng 8âl. 1044 khi Thái Tông đánh Chiêm về, cũng được gọi là rồng vàng / “hoàng long”! Vậy mà nếu không quên gốc chữ thì chuyện rồng hiện khắp nơi, trong vườn (1058) đi vào nhà/”điện”, bò từ phòng/”cung” của điện này sang điện khác, vào nhà Thái tử (1066), bò cả lên lầu gác của Hoàng phi (1065)… chứng tỏ đất kinh đô đầy ao đầm ẩm thấp, tha hồ cho cá sấu ẩn nấp, sinh sống.
Tất nhiên là phần lớn ở nơi khác tù binh đi làm ruộng. Và ở địa vị tù binh, chắc họ phải nạp 300 thăng thóc mỗi năm cho nhà nước như tiêu chuẩn dành cho Cảo Xã, đất của quan nô (trường hợp Đỗ Anh Vũ 1150 đã về đấy.) Vị thế xã hội mà Lê Văn Hưu hai trăm năm sau còn mắng chửi là “tôi tớ”, tất không phải là dễ chịu nên hàng thế kỉ sau còn có người muốn tìm về nước cũ, không thoát (1133). Và nổi loạn. Hẳn sự khai thác có hiệu quả nên năm 1069, Thánh Tông lại bắt tù binh, đốt nhà để quyết xua người, số người đông gấp mười lần trước, trên đất Đồ Bàn xa hơn, sự chuyển dịch hẳn là khó khăn hơn mà vẫn đưa về chứng tỏ Thánh Tông thấy rõ ích lợi của chính sách. Tất nhiên là chúng ta không thể có chứng tích nhưng cũng phải tự hỏi: các vùng sản xuất như thế đã đem lại sức mạnh như thế nào cho quân dân Lí chận được trận chiến 1076-77? Dân “đồn điền” của Bà Chúa Lẫm ở ngay phía nam phòng tuyến chống Tống đã đóng vai trò thế nào trong công tích bảo vệ đất ông chủ nô qua việc bảo vệ chính bản thân mình? Hình như tù binh vùng phía tây Thăng Long đã tham gia thực sự vào chiến tranh chống quân Nguyên ở thế kỉ XIII, nhưng dấu vết lại chỉ được ẩn núp trong huyền thoại về ông thần Lí Phục Man đất Cổ Sở.
Ta nhắc lại việc Nhân Tông thăm chùa Giạm, xây tháp, làm linga, tất cả đã chứng tỏ hiệu quả của sản xuất trong vùng, tượng trưng nơi các công trình thờ cúng tạ ơn kia. Bởi vì cả phần còn lại của cái tháp đá mà ngày nay người ta gọi là “cột đá” đó cao đến khoảng 5m, chỉ riêng phần trụ chạm con rồng đã cao đến gần 2m, nghĩa là cao hơn bất cứ cái linga nhân tạo nào còn lại trên các xứ sở Khmer, Chàm mà nó xuất phát. Nếu tính theo đường kính trụ đá 1,3m thì con rồng bao quanh có thể dài đến gần 4m. Từ vật chứng này, ta thấy nổi bật sự quy tụ của quan niệm devaraja trên cấp cao và tính phồn thực trong mong ước của dân chúng luồn vào bên trong tâm ý của một ông hoàng đế vẫn mang dáng dấp điền chủ như đã thấy trong cung cách xử trí suốt đời trên những trang sử đã bị các sử thần uốn vặn cho vừa với kinh sách họ học được. Có sự biến dạng cho thích hợp với căn bản văn hoá Nhân Tông chính thức thụ nhận: Hình con rồng của quan niệm Hán đã thay thế cho chính mặt người của quan niệm Chàm trên trụ đá mukhalinga kia. Một dấu vết lệch lạc nữa trong táng thức của bậc vương giả lại cho thấy ảnh hưởng Chàm sâu đậm khác trong đời ông vua điền chủ này, ảnh hưởng phát xuất từ hệ thống đồng ruộng vùng Lẫm/Kho ông cai quản đã hướng dẫn cả quan niệm ông về cái chết. Chỉ có đời Nhân Tông mới có chuyện hoả táng bà Thái hậu với ba người cung nữ chết theo (1117) – sự việc “không giống ai” làm ngạc nhiên sử thần Ngô Sĩ Liên: Theo sử sách Trung Hoa cũ thì có người chết theo để tuỳ táng, nhưng đó là “chôn” chứ đâu phải “đốt”! Lối bắt chước nửa vời lại cũng thấy tiếp trong thể thức chôn ông vua mười năm sau: Lên giàn thiêu chết theo Nhân Tông là các cung nữ chứ không phải là hoàng hậu như đúng tục lệ Chàm, tục lệ đã khiến nhà Trần sau này phải vội vã cho Trần Khắc Chung đi cướp Huyền Trân về. Phải để cung nữ thay thế vì Hoàng hậu của Lí là cả một thế lực tông tộc, không thể dễ dàng bị đốt được. Dù sao thì các biến động đặc biệt này cũng cho thấy ảnh hưởng của các tù binh khốn khổ đã vọng lên đến tận tột đỉnh cung đình Lí, kẻ đã đánh bắt họ về để làm nô lệ phục vụ cho mình. Cái linga đơn giản Thạch Quang Phật còn thấy đầu thế kỉ XV, cái yoni Bà Dặn mất đi nhưng vang tên đến bây giờ, cả hai trong hình thức sơ khai của một loại “trò Trám”, khi tiến lên thành chùa Phật Pháp Vân có phải qua một hình thức chùa Bà Đanh nào đó không? Chúng ta không có điều kiện để giải thích vì sao vùng tù binh phía bắc có tác động mạnh đến họ Lí như đã thấy, hơn các vùng khác. Hẳn là vùng Đinh Xá lúc đầu chắc cũng có linga, nay đã mất, chỉ còn lại dấu vết chùa Phật và cái tên kì quái. Vùng ông thần Cổ Sở chắc vì ở khuất khúc gần dân “man” nên con cháu tù binh không chìm lấp như ở vùng đồng bằng mà còn lưu dấu để các nhà nghiên cứu Việt, sau khi quên đi một ít tự tôn từ sử sách, đã nhận ra sự dị biệt để dẫn suy đoán đi xa hơn.
Đến hơn 200 năm sau mà Lê Văn Hưu còn nhận ra, Trần Nhật Duật còn đến chơi – không phải với tù binh mà theo lối “với người nước ngoài”, đoán là có học tiếng nơi đây, thì hẳn họ có sinh hoạt khá riêng biệt, do đó họ mới giữ được tiếng nói, phong tục tập quán một thời gian lâu dài – dài quá sức tưởng tượng là khác! Nhưng là tù binh – giống như dân chúng cấp thấp của vua Lí – những người này chưa có họ, chỉ có tên kèm theo từ chỉ định phiếm chỉ của chủ nhân ông Lí gọi về tập đoàn họ: “phiên”. Một tướng của Nguyễn Nộn là “phiên” Ma Lôi từng đi buôn bán xa, tận Ai Lao, “có tài chủ động đánh thắng, dụng binh như thần”. Nguyễn Nọn ở Phù Đổng, không xa về đường đất, chắc là lấy Ma Lôi từ nhóm tù binh vùng Lẫm/Kho phía bắc. Cũng cùng thời gian đó nhưng khuất lấp hơn, là các nhân vật “phiên” phù trợ phe này, phái nọ, đổi thay người phục vụ, rủi ro chết đi hay không được nhắc tới khi đã qua biến chuyển… Có tì tướng “phiên” Lân (xuất hiện 1211) của Trần Tự Khánh trong toán đưa cô Hai họ Trần về kinh làm Hoàng hậu, và rượt đuổi bắt Lí Huệ Tông và Thái hậu về cung. Những lần truy bức tiếp theo, Lân đều giữ một cánh quân cho đến khi trở cờ theo Nguyễn Nộn (thu hút theo một “phe” tù binh khác?) thì bị Khánh giết (1214). Lại có tướng ở Cam Giá / xứ Mía Ngọt là Cụ “làm phản” (1214) nhưng lại về phục vụ Trần Tự Khánh, bị chết trận (1220). Dấu hiệu họ Phan thường được ghi trong sử sách ngày nay vì lầm lẫn do chênh mực thời đại, vốn là từ “phiên” chỉ Chiêm Thành thật khá rõ. Các nhân vật này hẳn không phải đột nhiên xuất hiện trên chính trường. Vì nhu cầu quản lí vùng đất qua thời gian, một số người quản lĩnh tù binh đồng tộc tất đã đạt được một địa vị, một uy thế nào đó mà sự suy yếu của Lí đã khiến họ nổi bật lên để các lực lượng tranh chấp khác phải nhờ cậy đến họ. Và không biết chừng họ cũng đã gây nên biến loạn lớn cuối Lí mà vì lẫn lộn của sử quan và người chú giải bây giờ khiến nó phải vùi lấp sau các biến động khác.
Đó là trường hợp Phí Lang ở sông Đại Hoàng “lại làm phản” tháng 9âl. năm 2003. Tên Đại Hoàng cũng thấy trong một sự kiện ghi năm 1198 là Ngô Công Lí, người châu Diễn, chiêu tập những kẻ vô lại cùng với người châu Đại Hoàng là Đinh Khả tự xưng con cháu Đinh Tiên Hoàng, và Bùi Đô đồng thời làm loạn. Tuy sử nói “dẹp yên được” nhưng năm 1214 lại còn có chuyện Trần Tự Khánh đánh phá Đinh Khả và Bùi Đô ở châu Đại Hoàng, “phá tan được”. Sự việc có vẻ vì các địa danh Hoàng, Đại Hoàng dính líu với tên sông, tên hành chính chuyển qua chỉ danh tập họp người, lẫn lộn với nơi có một triều đại lớn mang họ Đinh khiến, khởi đầu là Ngô Sĩ Liên, dễ nhập hai trường hợp khác nhau làm một. Hai năm 1184-1185, triều đình Lí đã gặp chống đối lớn của những “man lão” có bộ phận mang họ Đinh mà sử gia ngày nay vì có danh hiệu “quan lang” kèm theo trong ĐVSL nên suy đoán là ở vùng Hà Sơn Bình của người Mường. Tuy nhiên còn thấy những người họ Đinh khác cũng tung hoành một thời không có dáng gì là xuất thân từ đó cả. Vụ Phí Lang có vẻ thật riêng biệt không thể lẫn lộn với chuyện ở Hoa Lư dù có thể là trong tranh chiến chống Lí họ có thể liên kết với nhau. Theo ĐVSL, tháng 9âl. 1203, nhóm Phí Lang trong khi đang xây cửa Đại Thành nghe tin các nơi nổi dậy liền bỏ về làm phản. Cửa thành nào đây? TT ghép cùng làm loạn với Phí Lang là Bảo Lương, cũng người Đại Hoàng, và là người mang chức “thượng tướng quân” trông coi “xây gác Thánh Nhật, (vì) chậm không đúng hẹn” bị Đàm Dĩ Mông đánh roi (ĐVSL). Vậy đó là chuyện khởi đầu ở Thăng Long. Sông Đại Hoàng / sông Hoàng mà người ta ghép là ở Hoa Lư cũng được sách xưa (An Nam chí) ghi là khúc sông Hồng ở phủ Lí Nhân, Hà Nam, ngang với nơi của nhóm tù binh Chàm vùng Đinh Xá trên sông Đáy! Họ là điền nô (?) bị bắt đi xây thành, xây cung điện cũng như cha ông tù binh họ từng xây tháp cho Lí Thánh Tông, chắc là thành thạo hơn con cháu ông Đinh Tiên Hoàng. Họ bỏ Thăng Long về Lí Nhân chắc dễ dàng hơn đến mãi tận Hoa Lư. Có cơ sở đồng loại, họ đủ sức chống đối Lí mạnh mẽ, giết tướng triều đình, chỉ cần xuôi dòng sông Đáy là đốt hành cung Ứng Phong (1205), giữa chừng có một giai đoạn điều đình, chịu hàng với 170 người cầm đầu khác (“hào trưởng”) rồi nổi dậy tiếp năm 1207. Thời điểm này lại liên hệ với sự kiện TTghi “người Man ở núi Tản Viên châu Quốc Oai làm giặc”, cướp bóc hương Thanh Oai (Hà Đông) “bè lũ rất đông, không thể ngăn được”, và lan đến bến Tây Kết của Hưng Yên. Có thể nào trong đó có nhóm tù binh phía tây Thăng Long với tướng “phiên” Cụ của Cam Giá, nổi dậy để bắt tay với đồng loại phía nam? Nếu đúng như vậy thì loạn tù binh đã lớn hơn là ta tưởng.
Tất nhiên ta không nhắc tới những ảnh hưởng khác được kể ở nhiều nơi khác. Các di vật về Garuda, Kinari… nơi các tháp đổ nát – không cần thấy có linga kèm theo. Cái trống cơm. “Chiêm Thành âm” làm rúng động triều đình Lí (Cao Tông – 1202), hẳn lúc đầu chỉ được nghe trực tiếp, đến Thánh Tông chuyển qua tiếng Việt (1060) thấm thía hơn, rồi tất phải dồi dào thêm đề mục, ca bản sau trận chiến 1069, bởi vì ông vua đã được khen là “sành âm luật”. Trong cung vua thì Bà Chúa Xứ ngự trị, bên ngoài dân chúng thì có Bà Banh khuôn nắn tin tưởng dài lâu. Có thể nào các câu chuyện về dâng “ngọc” cau, về thần tính ở cây cau trong đời Lí là bởi từ những tù binh có nguồn gốc Bộ lạc Cau ở quê hương cũ? Có thể nào việc thờ cúng Cá Voi cùng các thần phụ trợ gốc rùa-da – loại rùa biển lớn nhất, rắn biển / con đẻn (Bà Tím, Mộc Trụ Thần Xà…) ở ngay trong các vùng quanh Thăng Long như miếu thờ hai người con thuỷ thần của Chu An (Đầm Sét – Thanh Trì) hay miếu thờ Nàng Tía, “nữ tướng của Hai Bà Trưng” (Vĩnh Ninh – Thanh Trì) cũng là từ những tù binh chuyển qua? Nếu quả đúng như thế thì đám quân, dân tù nhân Chàm đã mang thân phận đằng đẵng sống chết của mình trên đất chủ nô, lèo lái con đường lịch sử của Đại Việt nhiều hơn là người ta thường vẫn tưởng.
TẠ CHÍ ĐẠI TRƯỜNG
31-7-2005
Chú thích:
*Bản dịch (Đại) Việt sử lược của GS Trần Quốc Vượng từ năm 1956 nay được Nxb. Thuận Hoá tái bản 2005, có tên người “đối chiếu, chỉnh lí”, thêm phần bản văn chữ Hán, công trình nói là dùng làm “nén tâm nhang tưởng niệm một con người có nhiều cống hiến cho nền sử học Việt nam.” Sách in bìa dày, chữ Việt, phóng ảnh chữ Hán rõ ràng, trình bày trang nhã, tiếc rằng nội dung, khả năng vận dụng chữ nghĩa không theo kịp với kĩ thuật thời mới. Có vẻ như người ta chỉ in lại bản cũ với sai sót có thể là mới (trang 52, 53… 169). Năm mươi năm trôi qua mà người chỉnh lí không cho thấy trong bản dịch phần nào là dịch, phần nào là ý kiến của dịch giả, không “chỉnh lí” gì thêm. Hình như người chỉnh lí không biết chữ Hán nên không “đối chiếu”, không thấy sai lệch giữa bản chính và bản dịch ngay từ trang đầu (nguyên bản in ở đây không có: “Thủ sơn các tùng thư – Sử bộ.”) Cách sắp trang của sách Hán xưa (từ sau ra trước, đọc theo hàng dọc từ phải qua trái) được chuyển qua theo lối đánh số trang bây giờ (từ trái sang phải) khiến người đọc (nếu biết chữ Hán) phải tự tìm lấy nối kết (ví dụ ở trang 223 của sách phải đọc theo lối cũ: từ trên xuống dưới, từ phải qua trái, lúc hết, lật qua trang 224 phải đọc tiếp ở góc phải bên trên của trang này, hết chữ phải đưa mắt qua hết diện tích của hai trang 224, 225 mới tìm được chữ tiếp.) Tân cổ giao duyên! Sao không sắp theo lối cũ để người ta đọc được liên tục?
**Xem sự xác nhận con số 950 thay vì 150 của Nguyễn Duy Chiếm, “Cửu bách ngũ thập sở hay phàm bách ngũ thập sở?” trong Những phát hiện khảo cổ học mới năm 2001, t. 663-664. ĐVSL dùng chữ “xứ” cho số lượng 150 hẳn là nhiều hơn số lượng 150 “sở” của TT. Về phần lẫn lộn mặt chữ, như trường hợp “phàm” và “cửu” ở đây, thì ĐVSL có nhiều sơ sót hơn TT.
*** Trương Hữu Quýnh, Chế độ ruộng đất ở Việt Nam thế kỉ XI-XVIII, tập I, Thế kỉ XI-XV, Nxb. Khoa học xã hội 1982, trang 66, cho biết theo các soạn giả Thơ văn Lí Trần đó là năm 1091 chứ không phải 1081 như của ông Hoàng Xuân Hãn trong Lí Thường Kiệt. Ở đây việc đẩy lùi năm “xin lại” ruộng có vẻ hợp với suy luận của chúng ta về thái độ của Nhân Tông đối với Lê Văn Thịnh và vụ “mưu sát” ở hồ Tây.
Nguồn bài đăng