18/06/2018, 17:04

Qua sử chí Trung Quốc hãy tìm hiểu về chủ quyền nước này tại Biển Đông

Bản đồ TQ có tên “Trung Hoa dân quốc toàn đồ”, vẽ trong khoảng thời gian 1911-1949, không có Hoàng Sa, Trường Sa Hồ Bạch Thảo Mặc dù năm 2016 toà Quốc tế La Haye phán quyết rằng tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc về hàng hải và tài nguyên Biển Đông đều không hợp với luật ...

10

Bản đồ TQ có tên “Trung Hoa dân quốc toàn đồ”, vẽ trong khoảng thời gian 1911-1949, không có Hoàng Sa, Trường Sa

Hồ Bạch Thảo

Mặc dù năm 2016 toà Quốc tế La Haye phán quyết rằng tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc về hàng hải và tài nguyên Biển Đông đều không hợp với luật pháp quốc tế; một yếu nhân Trung Quốc, Thứ trưởng ngoại giao Lưu Chấn Dân [劉振民] vẫn ngạo mạn tuyên bố rằng phán quyết đó chỉ là tờ giấy lộn.Bởi vậy cần thêm một lần nữa,đi vào sử, chí, các triều đại Trung Quốc, để tìm hiểu kỹ xem nước này thực sự có chủ quyền về các đảo trên Biển Đông hay không?

Trung Quốc là một nước văn hiến, theo truyền thống nước này mỗi triều đại đều có một bộ sử lớn, gộp lại  mệnh danh là Nhị Thập Ngũ Sử [Twenty-five History Books]; ngoài ra lại có hàng trăm bộĐịa Lý Chí. Nếu Trung Quốc thực sự chủ quyền đảo nào trên Biển Đông, ắt phải ghi rõ trong sử, chí của triều đình; ngược lại nếu sử, chí Trung Quốc không chép , thì rõ ràng nước này không thể hành sử chủ quyền về biển đảo.

Lại cần nói thêm, các vị lãnh đạo Trung Quốc từng tuyên bố tại Mỹ và Việt Nam rằng họ có chủ quyền không thể tranh cãi trên biển Nam Hải [Biển Đông] từ thời nhà Hán; thể theo lời tuyên bố này, chúng ta hãy bắt đầu nghiên cứu các sử, chí Trung Quốc từ đời Hán. 

1.Đời Hán:

1.Hai bộ sử lớn đời Hán đều có ghi phần Địa Lý Chí. Bộ Hán Thư [漢書,Book of Han] do Ban Cố thời Đông Hán soạn, sách gồm 100 quyển. Trong đó quyển 28 hạ, ghi chép đảo duy nhất với giới hạn ngang dọc 1000 lý tức đảo Hải Nam; được chia thành 2 quận Đam Nhĩ, Châu Nhai vào năm _110, lúc Hán Vũ Đế đánh nước Nam Việt của nhà Triệu. Rồi sau đó dân địa phương nỗi dậy, nên đến thời Hán Nguyên Đế [_46] phải bỏ đất này:

Quyển 28 hạ, Địa Lý Chí

Đam Nhĩ, Châu Nhai:

“Từ phía nam huyện Từ Văn, quận Hợp Phố đi ra biển, có một châu lớn; đông, tây, nam, bắc rộng ngàn lý, vào thời Hán Vũ đế năm Nguyên Phong thứ nhất [-110] chiếm, chia thành các quận Đam Nhĩ, Châu Nhai. Dân mặc vải bố quấn trùm xuyên qua đầu; đàn ông làm ruộng trồng lúa, nếp, tơ gai; đàn bà dệt tơ tằm. Dân lầm ngựa với cọp, chỉ có 5 loại gia súc (1), trong núi có nhiều con hoãng. Binh khí có mâu, thuẫn, đao, cung nõ, tên mũi nhọn bằng xương. Lúc mới chia thành quận huyện, bọn binh lính quan lại Trung Quốc ra tay xâm bức, nên được mấy năm thì dân làm phản; vào thời Nguyên Đế [-46] phải bãi bỏ đất này….”

[自合浦徐聞南入海,得大州,東西南北方千里,武帝元封元年略以為儋耳、珠崖郡。民皆服布如單被,穿中央為貫頭。男子耕農,種禾稻紵麻,女子桑蠶織績。亡馬與虎,民有五畜,山多麈嗷。兵則矛、盾、刀,木弓弩,竹矢,或骨為鏃。自初為郡縣,吏卒中國人多侵陵之,故率數歲壹反。元帝時,遂罷棄之。]

Xin lưu ý, 1 lý đời Hán=415.8 mét; như vậy đông tây nam bắc rộng 1000 lý tức vào khoảng 415 km, cũng tương đương với đảo Hải Nam hiện nay.

Vào đầu thờiHán Quang Vũ, đất Châu Nhai được thu phục trở lại. Phần địa lý chí trongbộ Tục Hán Thư [續漢書, Continued Book of Han] của Tư Mã Bưu ghi Châu Nhai lúc bấy giờ là một huyện thuộc quận Hợp Phố:

“Quận Hợp Phố do Vũ Đế đặt, cách Lạc Dương 9.191 lý phía nam, có 5 huyện thành; 23.131 hộ, 86.617 nhân khẩu: Hợp Phố, Từ Văn, Cao Lương, Lâm Nguyên, Châu Nhai.”

[合浦郡武帝置。雒阳南九千一百九十一里。五城,户二万三千一百二十一,口八万六千六百一十七。〖合浦〗〖徐闻〗〖高凉〗〖临元〗〖朱崖〗]

Xét 2 bộ sử đời Hán, chép phần cực nam; ngoài đảo Hải Nam tức Châu Nhai, Đam Nhĩ, không ghi thêm đảo nào khác.

  1. Nhà nghiên cứu Trung Quốc Hàn Chấn Hoa, trong tác phẩm Ngã Quốc Nam Hải Chư Ðảo Sử Liệu Hối Biên[我國南海諸島史料滙编NQNHCÐSLHB] (2) nêu lên sử liệu về Trướng Hải trong sáchDị Vật Chí [异物志] của Dương Phù đời Ðông Hán. Sách này tuy đã thất truyền nhưng được các tác gỉả Trung Quốc đời Tống, Minh, Thanh nhắc lại như sau:

“Tại Trướng Hải Kỳ Ðầu nước cạn nhưng nhiều đá nam châm, thuyền lớn đi ngoài cõi  ,dưới thuyền gắn lá sắt sẽ bị nhổ ra.”

[漲海崎頭水淺而多磁石,徼外大舟,錮以鐵葉值之多拔]

Với sử liệu của Dương Phù, Hàn Chấn Hoa khẳng định rằng Trướng Hải tức biển Nam Hải, trong đó có các đảo như Tây Sa [Paracel Islands], Nam Sa [Spratly Islands] đều thuộc lãnh thổ Trung Quốc:

“Các sách địa phương chí đời Thanh và cận đại nói về đảo tại biển Nam đều trích dẫn đoạn văn này tại Dị Vật Chí. Thấy được Trướng Hải Kỳ Ðầu cùng truyền thuyết về nam châm tại Trướng Hải hút đinh sắt của thuyền có liên quan đến các quần đảo Tây Sa  và Nam Sa  tại vùng biển Nam Hải.”

Đây là điều sai lầm cố ý, muốn biến chủ quyền của người, thành của mình; bởi lẽ ngay thư tịch cổ Trung Quốc, có nhiều sử liệu chứng minh Trướng Hải tức Biển Đông thuộc Việt Nam:

-Sách Hậu Hán Thư [後漢書] của Tạ Thừa [謝承], tại quyển 1 chép:

“…7 quận Giao Chỉ cống hiến, đều từ Trướng Hải vào [Trung Quốc]….7 quận Giao Chỉ hiến long nhãn… Trên đây thuộc Thứ sử bộ Giao Châu….”

[…交趾七郡貢獻,皆從漲海出入..交趾七郡獻龍眼…以上屬交州刺史部]

Dưới thời Bắc thuộc, quan lại cai trị thường lấy long nhãn từ Giao Châu đem tiến cống; Giao Châu thời Hán vị trí tại miền bắc Việt Nam hiện nay. Nhãn nỗi tiếng tại tỉnh Hưng Yên, thuộc lưu vực sông Hồng; từ đó chở về Trung Quốc phải qua vùng biển thuộc các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh ngày nay; đó là Biển Đông của Việt Nam.

-Lời chú sách Nhĩ Nhã [尔雅]của Quách Phác đời Tấn có đoạn như sau:

Ốc loa lớn như cái đấu sinh ra từ Trướng Hải quận Nhật Nam, có thể dùng làm chén uống rượu.”

[螺大者如斗, 出日南漲海中, 可以爲酒]

Theo nghiên cứu của Học giả Đào Duy Anh (3) lãnh thổ quận Nhật Nam đời Tấn khoảng từ tỉnh Quảng Bình đến đèo Hải Vân, Đà Nẵng. Như vậy vùng biển miền Trung Việt Nam thuộc Trướng Hải; hay nói một cách khác Trướng Hải tức Biển Đông.

-Tại nước Việt Nam dưới thời Tiền Lê, trong cuộc tiếp xúc với Sứ thần Trung Quốc Lý Nhược Truất vào năm Bính Thân [996], vua Lê Đại Hành đã khẳng định chức phận của An Nam là giữ an ninh biển Trướng Hải.Tổng sử[宋史, History of Song] quyển 488, Liệt truyện Giao Chỉ, trích dẫn như sau :

Hoàn ngạc nhiên dời chiếu đứng dậy nói : Hải tặc phạm biên, là tội của thủ thần ; Thánh quân khoan dung, ơn quá cha mẹ, không gia tru phạt. Từ nay cẩn thận giữ chức phận đã giao, giữ yên nơiTrướngHải.”

 [桓愕然避席,曰:「海賊犯邊,守臣之罪也。聖君容貸,恩過父母,未加誅責。自今謹守職約,保永清於漲海].”

Lời nói của vua Lê Đại Hành khẳng định Trướng Hải thuộc Việt Nam và nhà vua hứa với vua Tống giữ gìn an ninh vùng biển này.

Chú thích:

1.Gia súc nguyên có 6, gọi là lục súc gồm: ngựa, trâu bò, dê, chó, lợn gà. Nhưng người đảo Hải Nam [Châu Nhai, Đam Nhĩ] thời bấy giờ không cho ngựa là gia súc, nên chỉ có 5 loại.

2.Hàn Chấn Hoa, Ngã Quốc Nam Hải Chư Đảo Sử Liệu Hối Biên [我國南海諸島史料滙编], trang 23; Nhà xuất bản Hạ Môn Ðại Học Nam Dương Nghiên Cứu Sở, Trung Quốc, 1985.

3.Đào Duy Anh, Đất Nước Việt Nam Qua Các Đời, NXB Thuận Hoá: Huế, 1994, trang78.

  

2.Lục Triều:

1.Lục Triều gồm các triều đại Tam Quốc, Tấn, Tống, Tề, Lương, Trần; mỗi triều đều có sử riêng. Sử đời Tấn có Tấn Thư [,Book of Jin] do Phòng Huyền Linh đời Đường Chủ biên, trong quyển 15, Địa Lý Hạ, chép về Giao Châu, tức châu cực nam giáp biển; cho biết đời Ngô [Tam Quốc] lại đặt đảo Hải Nam thành quận Châu Nhai, đến đời Tấn thì ghép Châu Nhai vào quận Hợp Phố:

 “Năm Xích Ô thứ 5 [242] lại đặt quận Châu Nhai” …“Sau khi bình Ngô, nhà Tấn ghép Châu Nhai vào quận Hợp Phố

[赤烏五年,復置珠崖部…平吳後,省珠崖入合浦]

2.Chính sử thời Lục Triều chỉ ghi nhận đảo Hải Nam là đảo cực nam Trung Quốc, nhưng Hàn Chấn Hoa trong NQNHCÐSLHB cố vin vào sách Phù Nam Truyện [扶南傳] của Khang Thái đời Tấn để chứng minh các đảo Tây Sa [Paracel Islands], Nam Sa [Spratly Islands] đều thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Sách Phù Nam Truyện đã thất truyền, được Lý Phương đời Tống trích dẫn từ bộThái Bình Ngự Lãm [太平御覧], trong đó có câu :

Từ Trướng Hải đến bãi San Hô, dưới bãi có đá bàn thạch, san hô sinh trong đó.”

 [漲海中, 到珊瑚洲, 洲厎有盤石,珊瑚生其上也]

Hàn Chấn Hoa vin vào 3 chữ “ San Hô châu ” để nêu lên đây là đảo Tây Sa [Hoàng Sa] và Nam Sa [Trường Sa] là những đảo tại Nam Hải được cấu tạo bởi san hô. (1). Nhận xét như vậy không hợp lý, vì san hô có nhiều nơi trên biển; nào phải chỉ dành riêng cho các đảo Tây Sa, Nam Sa!

Hãy bàn thêm về Khang Thái, ông giữ chức Trung lang thời Ngô Tôn Quyền. Năm Xích Ô thứ 6 [243] được Thứ sử Giao Châu Lữ Đại sai đến các nước phương nam tuyên dương giáo hoá Trung Quốc. Lúc trở về nước soạn quyển sách “Ngô Thời Ngoại Quốc Truyện吳時外國傳” ghi chép hàng trăm nước, nay đã thất truyền, chỉ còn lại 35 nước như Phù Nam, Nhật Nam, Thiên Trúc vv…Các sách đời sau như Thuỷ Kinh Chú, Thái Bình Ngự Lãm gọi là “Khang TháiPhù Nam Truyện”. Nguyên nhan đề “Ngô Thời Ngoại Quốc Truyện”, chứng tỏ Khang Thái chép truyện về ngoại quốc thời Ngô, trong đó có Trướng Hải; và như đã chứng minh tại mục 1 Đời Hán rằng Trướng Hải thuộc Việt Nam; vậy các vùng san hô Khang Thái đề cập cũng thuộc Việt Nam.

3. Trong bài văn phúng điếu Tống Vũ Đế Lưu Dụ của danh sĩ Tạ Linh Vận [謝靈運, 385-433], có câu văn ca tụng Vũ Đế dẹp cuộc nỗi dậy của Lô Tuần như sau:

Hoằng nguy tế hiểm, nhĩ nan thích đãi, hổ kỵ giá thấp, châu sư Trướng Hải.

弘危濟險,弭難釋殆。虎騎駕濕,舟師漲”   

(Trong mối nguy lớn cứu vớt nguy hiểm, trừ bỏ gian nan; như cửi lưng cọp vào chỗ thấp, thuyền binh xông vào Trướng Hải.)

Hàn Chấn Hoa trongNQNHCÐSLHB đã vin vào 4 chữ “châu sư Trướng Hải” của Tạ Linh Vận rồi lập luận một cách ba hoa rằng:

 “Năm 410 Lô Tuần tiến quân vây Kiến Nghiệp [Nam Kinh] bị Lưu Dụ đánh bại; Lô Tuần chạy về các nơi tại duyên hải Giao Châu, Năm 411 lại đánh nhau, Thứ sử Giao Châu Đỗ Tuệ Độ giết Lô Tuần; bộ hạ Lô Tuần chạy trốn ra hải ngoại. Tạ Linh Vận ghi Tống Vũ Đế “cửi lưng cọp vào chỗ thấp, thuyền binh xông vào Trướng Hải”, tức điều suất hải quân cùng với Lô Tuần chiến đấu tại bao quát các đảo Nam Hải tại nam Trung Quốc. Thuyết minh các đảo Nam Hải tại thời Đông Tấn do hải quân nước ta tuần tiễu cai quản” (2)

Sau khi đọcTấn Thư phần Kỷ, quyển 10, và Tống Thưphần Bản Kỷ quyển 2 và Liệt Truyện quyển 52về đầu đuôi việc đánh dẹp Lô Tuần, thấy được rằng:

-Trong các cuộc hành quân chống Lô Tuần, Tống Vũ Đế Lưu Dụ đích thân chỉ huy tại vùng lưu vực sông Trường Giang, ông chưa hề đến Trướng Hải hoặc Giao Châu.

– Hai bộ sử trích dẫn không chép việc nhà Tấn tuần tiễu cai quản các đảo tại Nam Hải.

-Bốn chữ “Châu sư Trướng Hải” nằm trong bài văn tế chỉ mô tả tổng quát việc quân Tấn tại thành Giao Châu [Long Biên, Việt Nam] do Thứ sử Đỗ Tuệ Độ chỉ huy đánh giết  cha con Lô Tuần. Phần Liệt Truyện Đỗ Tuệ Độ trong quyển 92 Tống Thư [宋書 Book of Song]do Thẩm Ước đời Lương soạn, xin trích dẫn như sau:

“…Vào mùa xuân năm đó[Nghĩa Hy thứ 7, năm 411], Lô Tuần tập kích Hợp Phố rồi mang quân thẳng đến Giao Châu [Việt Nam]. Tuệ Độ bèn mang quân văn võ chống cự Tuần tại Thạch Kỳ, bắt viên Trưởng sử Tôn Kiến Chi. Tuần tuy bại, còn dư đảng 3.000 tên, được tập luyện binh sự. Bọn Lý Tử Tốn, Lý Dịch, Lý Thoát đến đóng tại Thạch Kỳ; cấu kết với nhóm Lý, Liêu; các phe đều có đồ đảng. Tuần biết rằng bọn Dịch với họ Đỗ vốn kết oán, bèn sai sứ đến chiêu dụ; Dịch bèn dẫn đồng bọn 5,6 ngàn người, dưới quyền tiết chế của Tuần. Tháng 6, Tuần mang đại quân vào lúc sáng sớm đến bến phía nam, mệnh ba quân đánh gấp để vào thành [Giao Châu] ăn sáng. Tuệ Độ dốc hết tiền tài cả họ để dùng vào việc khuyến thưởng. Em Tuệ Độ là Thái thú Giao Chỉ Tuệ Kỳ, Thái thú Cửu Chân Chương Dân cũng đốc suất quân thuỷ bộ; Tuệ Độ ngồi trên thuyền lớn đốc chiến, dùng tên lửa như đuôi chim trĩ bắn vào thuyền giặc, quân bộ hai bên bờ cũng bắn yểm hộ. Thuyền của Tuần bị tên lửa, tan vỡ; Tuần trúng tên rơi xuống nước chết. Quan quân chém đầu Tuần cùng cha là Hỗ, 2 con của Tuần; cùng bọn thân thuộc như Lục sự tham quân Nguyễn Tĩnh, Trung quân tham quân La Nông Phu, Lý Thoát; tất cả đều mang đầu về kinh. Tuệ Độ được phong Long biên huyện hầu, lãnh thực ấp 1.000 nhà.

[其年春,盧循襲破合浦,徑向交州。慧度乃率文武六千人距循於石碕,交戰,禽循長史孫建之。循雖敗,餘黨猶有三千人,皆習練兵事。李子遜李弈、李脫等奔竄石碕,盤結俚、獠,各有部曲。循知弈等與杜氏有怨,遣使招之,弈等引諸俚帥眾五六千人,受循節度。六月庚子,循晨造南津,命三軍入城乃食。慧度悉出宗族私財,以充勸賞。弟交趾太守慧期、九真太守章民並督率水步軍,慧度自登高艦,合戰,放火箭雉尾炬,步軍夾兩岸射之。循眾艦俱然,一時散潰,循中箭赴水死。斬循及父嘏,並循二子,親屬錄事參軍阮靜、中兵參軍羅農夫、李脫等,傳首京邑。封慧度龍編縣侯,食邑千戶。]

Chú thích:

1 Ngã Quốc Nam Hải Chư Ðảo Sử Liệu Hối Biên [我國南海諸島史料滙编] , sđd, trang 25.

2 Ngã Quốc Nam Hải Chư Ðảo Sử Liệu Hối Biên [我國南海諸島史料滙编] , sđd, trang 28-29.

 3.Các đời Tuỳ, Đường.

1.Tuỳ Thư [隋書, Book of Sui]do Nguỵ Trưng đời Đường soạn, trong phần Chíchép nhà Tuỳ đặt 190 quận; đảo Hải Nam được gọi là quận Châu Nhai, là đảo cực nam nước này, với chi tiết như sau, trong quyển 31:

-Quyển 31, Chí thứ 26: Địa lý hạ.

Quận Châu Nhai đời Lương gọi là Nhai Châu, có 10 huyện thống thuộc, 19.500 hộ. Gồm: Nghĩa Luân kèm theo quận lỵ, Cảm Ân, Nhan Lô, Tỷ Thiện,Xương Hoá có núi Đằng Sơn;Cát An, Diên Đức, Ninh Viễn, Trừng Mại, Vũ Đức có núi Phù Sơn.

[珠崖郡梁置崖州。統縣十,戶一萬九千五百。

義倫帶郡。感恩顏盧毗善昌化有藤山。吉安延德寧遠澄邁武德有扶山]

Tiếp đến sách Tân Đường Thư [新唐書, New Book of Tang] do Âu Dương Tu đời Tống soạn, trong quyển 43, phần Chí, ghi nhận vào thời Đường Túc Tông Càn Nguyên thứ nhất [758] lãnh thổ đảo Hải Nam được chia thành 5 châu, trực thuộc đạo Lĩnh Nam; với chi tiết như sau:

-Châu Nhai có 3 huyện: Xá Thành, Trừng Mại, Văn Xương.

-Châu Quỳnh có 5 huyện: Quỳnh Sơn,Lâm Cao, Tăng Khẩu, Lạc Hội, Nhan La.

-Châu Chấn có 5 huyện:Ninh Viễn, Diên Đức, Cát Dương, Lâm Xuyên, Lạc Đồn.

-Châu Đam có 5 huyện: Nghĩa Luân, Xương Hoá, Cảm Ân, Lạc Trường, Phú La.

-Châu Vạn An có 4 huyện:Vạn An, Lăng Thuỷ, Phú Vân, Bác Liêu.           

Cả hai bộ cũng chỉ đề cập đến đảo Hải Nam là đảo duy nhất tại phương nam.

2.Trong NQNHSLHBHàn Chấn Hoa cũng dẫn chứng Tuỳ Thư [隨書], nhưng với dụng ý khác, ông tránh phần Địa Lý Chí đề cập ở phần trên, chỉ trích dẫn đoạn văn về cuộc hành trình đến nước Xích Thố (1) của Sứ giả Thường Tuấn trong phần phần Liệt Truyện (2) như sau:

“Tháng 10 năm Ðại Nghiệp thứ 3 [607] bọn Thường Tuấn từ quận Nam Hải đáp thuyền, qua ngày đêm 2 tuần, gặp gió thuận đến đảo Tiêu Thạch Sơn, rồi qua đông nam ghé đến châu  Lăng Già Bát Bạt Ða, phía tây đối diện với nước Lâm Ấp, tại đó có đền thờ thần.

大業三年十月, 常駿等自南海郡乘舟,晝夜二旬,每值便風至焦石山,而過東南,泊陵伽鉢拨多洲,西與林邑對,上有神祠焉”

Trong phần nhận xét (3) Hàn Chấn Hoa cho rằng địa danh “Tiêu Thạch” và Pracel của Tây phương nghĩa giống nhau, người Tây phương gọi Tây Sa [Hoàng Sa] là Pracel ; như vậy phái bộ Thường Tuấn đã đi qua đảo Tây Sa.

Hai địa danh nghĩa giống nhau như thế nào thì họ Hàn không hề giải thích; nhưng dù hai địa danh giống nhau cả âm lẫn nghĩa, cũng không thể đồng hóa làm một; bởi vậy cho Tiêu Thạch là Paracel là một điều vô lý. Ngoài ra lại còn đáng nói thêm, cho dù Thường Tuấn có thực sự đi qua đảo Paracel, cũng không thể vì lý do này mà có thể dành chủ quyền biển đảo cho Trung Quốc; vì chẳng lẽ người Trung Quốc bước chân đến đâu thì họ có chủ quyền đến đó?

3.Về đời Đường, Hàn Chấn Hoa trích một đoạn văn  của Giả Ðam trong sách Quảng Châu Thông Hải DiĐạo [廣州通海夷道]  đề cập đến địa danh Tượng Thạch  như sau :

“Từ phía đông nam Quảng Châu hải hành 200 lý đến Ðồn Môn Sơn, lại dương buồm đi tiếp 2 ngày đến Cửu Châu Thạch,lại đi về phía nam 2 ngày đến Tượng Thạch, đi tiếp về phía tây nam 3 ngày đến núi Chiêm Bất Lao, núi tại phía đông nước Hoàn Vương 200 lý.”

[廣州東南海行二百里, 至屯門山,   乃帆風西行二日, 至九州石, 又南二日至象石, 又西南三日行至占不勞山, 山在環王國東二百里海中.](4)

Mặc dầu địa danh  Tượng Thạch nêu lên trong sử liệu này đã được học gỉả Phùng Thừa Quân  馮承鈞,một nhà nghiên cứu lịch sử nổi tiếng vào tiền bán thế kỷ thứ 20, cho rằng đó là đảo Ðại Châu, sách xưa gọi là Ðộc Châu lãnh, thuộc huyện Vạn Ninh, tỉnh Hải Nam, và Hoàn Vương quốc là nước Chiêm Thành, Cửu Châu Thạch tức núi Thất Châu; nhưng họ Hàn vẫn khẳng định rằng Tượng Thạch là quần đảo Tây Sa [Paracel] mà không nêu lý do. Ý họ Hàn muốn chứng tỏ “Quảng Châu thông hải Di đạo” tức đường thông suốt từ Quảng Châu [Quảng Đông] đến các nước Di phương nam phải qua quần đảo Paracel. Điều này trái với lời cảnh cáo của các nhà hàng hải biển Đông, sách Đông Tây Dương Khảo[quyển 9, mục Châu Sư Khảo] của Trương Tiếp đời Minh báo động rằng khi thuyền đến Thất Châu Dương, phải lưu ý kim địa bàn đừng để chệch sang hướng đông, vì lỡ đâm vào Van Lý Thạch Đường [Paracel] sẽ gặp nguy hiểm:

Thuyền đi qua rất nguy hiểm, lệch sang hướng đông phạm vào Vạn Lý Thạch Ðường; nơi mà Quỳnh Chí[瓊志]  chép là phía đông châu Vạn có biển Thạch Ðường, thuyền đến đó ít có chiếc nào thoát hiểm.

Chú thích:

1.Nước Xích Thố: thuộc phía tây nước Mã Lai.

2.Tuỳ Thư, quyển 82, Liệt Truyện quyển 47,

3 Ngã Quốc Nam Hải Chư Ðảo Sử Liệu Hối Biên [我國南海諸島史料滙编] , sđd, trang 30.

4 Ngã Quốc Nam Hải Chư Ðảo Sử Liệu Hối Biên [我國南海諸島史料滙编] , sđd, trang 30.

4.Đời Tống.

1.Tống Sử [史,History of Song] do Thừa tướng Thoát Thoát đời Nguyên Chủ biên; tại quyển 96, phần Địa Lý Chí ghi đảo Hải Nam thuộc Quảng Nam Tây Lộ. Đảo gồm một châu tức Quỳnh Châu, và 3 quân: Nam Ninh, Vạn An, Cát Dương.

“-Quỳnh Châu chia làm 5 huyện:

Quỳnh Sơn, hạng trung; năm Hy Ninh thứ 4 [1071] cho Xá Thành nhập vào; có 2 sách: Cảm Ân, Anh Điền Trường.

Trừng Mại, hạng dưới. Năm Khai Bảo thứ 5 [972] phế Nhai Châu, đem Xá Thành, Văn Xương lệ vào.

Văn Xương, hạng dưới.

Lâm Cao, hạng dưới, đầu năm Thiệu Hưng [1131] dời vào Mạc Thôn.

Lạc Hội, hạng dưới, đặt ra từ đời Đường; xung quanh là động Lê, Ký Trị, Nam Quản. Năm Đại Quan thứ 3 [1109] cắt vào quân Vạn An, sau đó vào Quỳnh Châu.”

[宋史卷九十志第43 地理

瓊州,..。縣五:瓊山,中。熙寧四年,省舍城入焉。有感恩、英田場二柵。

澄邁。下。開寶五年廢崖州,與舍城、文昌並來隸。

  文昌,下。

  臨高,下。紹興初,移于莫村。

  樂會。下。唐置,環以黎洞,寄治南管。大觀三年,割隸萬安軍,後復來屬]

Quân Nam Ninh, xưa gọi là quân Xương Hoá…Chia làm 3 huyện:

Nghi Luân, hạng dưới, đời Tuỳ là huyện Nghĩa Luân, đầu năm Thái Bình Hưng Quốc [976] đổi tên.

Xương Hoá, hạng dưới; năm Hy Ninh thứ 6 [1073] bỏ, năm Nguyên Phong thứ 3 [1080] đặt lại. có trại Xương Hoá.

Cảm Ân, hạng dưới, năm Hy Ninh thứ 6 [1073] bỏ, năm Nguyên Phong thứ 4 [1081] đặt lại.”

[南寧軍,舊昌化軍,…。縣三:宜倫,下。隋義倫縣。太平興國初改。

  昌化,下。熙寧六年省,元豐三年復。有昌化砦。感恩。下。熙寧六年省,元豐四年復。]

“-Quân Vạn An…chia làm 2 huyện:

Vạn Ninh, hạng dưới, sau gọi là Vạn An.

Lăng Thuỷ, hạng dưới; năm Hy Ninh thứ 7 [1074] là trấn, năm Thiệu Hưng thứ 6 [1136] thuộc Quỳnh Châu, năm thứ 13 [1143] thuộc trở lại Vạn An.”  

  [萬安軍,…。縣二:萬寧,下。後復名萬安。

  陵水。下。熙寧七年為鎮,元豐三年復。紹興六年隸瓊州。十三年,復來隸。]

     “-Quân Cát Dương…Thời Nam Tống chia làm 2 huyện:

Ninh Viễn, hạng dưới; năm Thiệu Hưng thứ 6 [1136] trở thành huyện thuộc Quỳnh Châu, năm thứ 13 [1143] thuộc quân Cát Dương.

Cát Dương, hạng dưới; Năm Hy Ninh thứ 6 [1073] phế thành trấn Đằng Kiều, thuộc Quỳnh Châu, năm Thiệu Hưng thứ 6 [1136] trở lại thuộc quân Cát Dương.”  

  [吉陽軍,…南渡後,縣二:寧遠,下。紹興六年復縣,隸瓊州。十三年,復來屬。

  吉陽。下。熙寧六年,廢為藤橋鎮,隸瓊州。紹興六年復。]

Như đã trình bày tại phần trên, Địa Lý Chí trong Tổng Sử ghi nhận Hải Nam là đảo độc nhất tại đông nam Trung Quốc.

2.Đời Tống có tác phẩm Chư Phiên Chí [諸蕃志] của Triệu Nhữ Quát [趙汝適], đề cập đến mấy chục nước châu Á xưa, khởi đầu là nước Giao Chỉ [Việt Nam], cuối là nước Nuỵ [Nhật]. Đặc biệt tại quyển hạ có phần nghiên cứu đảo Hải Nam [海南], cũng rõ ràng như phần Địa Lý Chí ghi trong Tống Sử. Riêng Triệu Nhữ Quát cung cấp thêm về vị trí khoảng cách các đơn vị hành chánh trên đảo Hải Nam như sau:

Châu Quỳnh theo hướng tây 236 lý đến trị sở quân Xương Hoá.

Từ quân Xương Hoá hướng nam 340 lý đến biên giới quân Cát Dương.

Từ quân Cát Dương theo hướng đông 120 lý đến quân Vạn An.

Quân Cát Dương vị trí tương đương với Tam Á thị ngày nay; được Triệu Nhữ Quát đề cập  như sau:

Còn về quân Cát Dương là chỗ tận cùng đến biển, không còn đường đất nào tiếp theo nữa. Ngoài có châu gọi là Ô Lý, Tô Cát Lãng. Đối diện phía nam là nước Chiêm Thành, phía tây đến nước Chân Lạp, đông có Thiên Lý Trường Sa, Vạn Lý Thạch Sàng, xa xôi vô bờ, trời nước một màu. Chỉ có cách dùng kim nam châm làm bằng, ngày đêm trông coi cẩn thận, sai đi trong hào ly, quan hệ đến sự sống chết.”

[至吉陽,乃海之極,無複陸塗。外有洲曰烏里、曰蘇吉浪。南對占城,西望真臘;東則千里長沙、萬里石床,渺茫無際,天水一色。舟舶來往,惟以指南針為則;晝夜守視唯謹,毫厘之差,生死系焉。]

Đoạn văn nêu trên mô tả quân Cát Dương là đất tận cùng phía nam Trung Quốc; từ đó nhìn ra các phía nam, tây, đông tại nơi xa xôi có nước Chiêm Thành, nước Chân Lạp, rồi đến Thiên Lý Trường Sa, Vạn Lý Thạch Đường. Thiết tưởng mô tả như vậy là khá rõ ràng, nhưng trong NQNHCĐSLHB (1)  Hàn Chấn Hoa nhận xét rằng:

 “Thiên Lý Trường Sa, Vạn Lý Thạch Đường” chỉ chung các đảo Nam Hải; sớm tại triều Tống đã thuộc phạm vi quản hạt của Quỳnh Quản [tức Quảng Nam 4 châu quân] thuộc Quảng Nam Tây Lộ.”

Người nghiên cứu “Chư Phiên Chí” thấy rõ đây chỉ là câu văn tả cảnh vị trí phương xa của quân Cát Dương; còn nếu bảo Thiên Lý Trường Sa và Vạn Lý Thạch Ðường nằm trong lãnh thổ Trung Quốc, như vậy cả Chiêm Thành và Chân Lạp được đề cập trong lời trích dẫn, cũng cùng chung số phận nằm trong lãnh thổ Trung Quốc ư!

3.Tăng Công Lượng đời Tống trong Vũ Kinh Tổng Yếu [武經總要]kể qua thủy trình của nhà Tống đi xuống Chiêm Thành, họ đi từ núi Ðồn Môn thuộc tỉnh Quảng Ðông, chờ gió đông hải trình theo hướng tây và Nam, qua 7 ngày đến Cửu Nhũ Loa Châu, rồi đi tiếp 3 ngày đến núi Bất Lao [ Cù Lao Chàm] thuộc Chiêm Thành. (2)

Cũng như đã từng gán cho Tượng Thạch là đảo Tây Sa [Paracel]; một lần nữa Hoàng Chấn Hoa trong NQCĐSLHB lại gán cho Cửu Nhũ Loa Châu là Tây Sa (3), mà không chứng minh. Họ Hàn khổ công làm như vậy, vì muốn chứng tỏ rằng hàng hải xưa có đi qua Tây Sa mà thôi.

Thực ra thủy trình này cũng tương tự như Chu Khứ Phi đời Tống, kể lại trong Lãnh Ngoại Ðại Ðáp [嶺外代答] rằng thuyển đến các nước Phiên phương nam đều đi theo hướng tây đến biển Giao Chỉ, rồi tiếp tục đi xuống phía nam:

Untitled.png

Ba dòng nước xoáy

Bốn quận phía tây nam đảo Hải Nam có biển lớn gọi là Giao Chỉ dương.Tại biển có 3 dòng nước xoáy, nước cuộn lên chia thành 3 dòng; dòng thứ nhất chảy về phía nam dẫn đến biển thuộc các nước Phiên ; dòng thứ 2 chảy lên phía bắc qua vùng biển Quảng Ðông, Phúc Kiến, Chiết Giang; dòng thứ 3 chảy vào nơi mù mịt không bờ gọi là Ðông Ðại Dương. Tàu thuyền đi về hướng nam phải qua ba dòng nước xoáy, nếu gặp một chút xíu gió thì vượt được,nếu vào chổ hiểm đó mà không có gióthuyền không ra được, ắt phải vỡ chìm trong ba dòng nước xoáy. Nghe truyền rằng biển lớn phía đông có  Trường Sa Thạch Ðường  rộng vạn dặm, nước thủy triều  thi triển đẩy vào chốn cửu u . Trước kia đã có thuyền bị bão phía tây thổi, trôi dạt đến biển lớn phía đông này , nghe tiếng ba đào chấn nộ hung hãn, trong khoảng khắc gặp gió lớn thuận chiều nên may thoát được .

Qua các sử liệu đã dẫn, chứng tỏ thuyển Trung Quốc xuống phương nam thường đi theo ven biển Việt Nam, họ không dám ra đến Trường Sa Thạch Ðường hay quần đảo Tây Sa như họ Hàn đã quả quyết.

4.Ngô Tự Mục [吳自牧]đời Nam Tống trong sách Mộng Lương Lục [夢梁錄]cho biết thuyền buôn từ Phúc Kiến xuống các nước Đông Nam Á đều đi qua Thất Dương Châu:

Nếu muốn dùng thuyền đi buôn bán ngoại quốc, có thể tiện ra biển từ châu Tuyền, lòng vòng qua Thất Châu Dương, từ trên thuyền đo nước sâu khoảng hơn 7,8 trượng.”

[若欲船泛外國買賣則自泉州便可出洋迤旖邐過七州洋舟中測水約有七十餘丈]

Trong NQCĐSLHB (4) Hàn Chấn Hoa khẳng định rằng Thất Châu Dương tức quần đảo Tây Sa [Paracel]; luận điệu này đã được nhà biên khảo Trung Quốc Ðàm Kỳ Tương phản đối trong bài Thất Châu Dương Khảo [七洲洋考] (5). Ngoài ra sách Ðông Tây Dương Khảo [東西洋考](6) của Trương Tiếp đời Minh xác nhận rằng: 

Theo Quỳnh Châu Chí[瓊州志]Thất Châu Dương  tại phía đông huyện Văn Xương100 lý” [七州洋, 瓊州志曰在文昌東一百里.]

Trên bản đồ Google phóng to, nếu nhìn từ Văn Xương [Wenchang] đảo Hải Nam, theo hướng đông khoảng 40 km. thấy được Qizhou Liedao tức Thất Châu Liệt Đảo [七州列島], như vậy hợp với sự mô tả trong Quỳnh Châu Chí. Riêng Văn Xương đến quần đảo Paracel [ Trung Quốc gọi Tây Sa] khoảng 400 km tức gần 700 lý xưa; như vậy tính cả phương hướng và khoảng cách Thất Châu Dương không thể là  Tây Sa [Paracel].

paracel.png

5.Tống Sử [宋史, History of Song ] (7) chép việc quân Mông cổ truy kích vua Tống Ðoan Tông vào năm Chí Nguyên thứ 14 [1278] như sau:

 Ngày Bính Tý tháng 12 [16/1/1278], Chính [Ðoan Tông] đến Tỉnh Áo, gặp bão hư thuyền, một số bộ hạ bị chết trôi, nên nhiễm bệnh.Hơn tuần sau quân lính từ từ đến tụ tập, 10 phần chết còn 5,4. Ngày Ðinh Sửu [17/1/1278] Lưu Thâm truy kích Chính đến Thất Châu Dương, bắt được Du Như Khuê rồi rút lui. Tháng giêng năm thứ 15 [2-3/1278] đại quân phá thành Quảng Châu, Trương Thế Kiệt sai quân đánh Lôi Châu, không chiếm được.

 十二月丙子,昰至井澳,颶風壞舟,幾溺死,遂成疾。旬余,諸兵士始稍稍來集,死者十四。丁丑,劉深追昰至七州洋,執俞如珪以歸.十五年正月,大軍夷廣州城。張世傑遣兵攻雷州,不克.

Xét về thời gian và địa điểm đề cập trong sử liệu này không thể cho Thất Châu Dương là Tây Sa [Paracel], vì thời gian từ ngày Bính Tý sang ngày Đinh Sửu không thể di chuyển từ Tỉnh Áo thuộc tỉnh Quảng Đông đến Tây Sa; lại càng không có khả năng sau đó từ Tây Sa xa xôi để trở về Lôi Châu, vị trí đối diện với đảo Hải Nam qua eo biển. Vậy Thất Châu Dương đúng là Qizhou Liedao tức Thất Châu Liệt Đảo [七州列島] trên bản đồ hiện đại.    

Chú thích:

1 Ngã Quốc Nam Hải Chư Ðảo Sử Liệu Hối Biên [我國南海諸島史料滙编] , sđd, trang 33.

2 Ngã Quốc Nam Hải Chư Ðảo Sử Liệu Hối Biên [我國南海諸島史料滙编] , sđd, trang 37.

3  Ngã Quốc Nam Hải Chư Ðảo Sử Liệu Hối Biên [我國南海諸島史料滙编] , sđd, trang 38.

4 Ngã Quốc Nam Hải Chư Ðảo Sử Liệu Hối Biên [我國南海諸島史料滙编] , sđd, trang44.

5 .Xem Nam Hải Chư Đảo Luận Chứng Khảo Tập, trang 1-6

6 Trương Tiếp, Ðông Tây Dương Khảo, quyển 9.

7 Tống Sử, quyển 47, Doanh Quốc Công Bản Kỷ.

 

5.Đời Nguyên.

1.Nguyên Sử [元史, History of Yuan] do Tống Liêm làm Tổng tài, trongquyển 63, phần Địa Lý Chí chép về đảo Hải Nam cũng tương tự như đời Tống, đảocó 3 quân ; riêng châu Quỳnh đời Tống, thì nay gọi là Càn Ninh Quân Dân An Phủ Ty. Vị trí đảo Hải Nam từ bắc, sang tây, xuống nam, sang đông lần lượt gồm: Càn Ninh Quân Dân An Phủ Ty, quân Nam Ninh, quân Cát Dương, quân Vạn An; tất cả đều trực thuộc Hải Bắc Hải Nam Đạo Tuyên Uỷ Ty. Xin dịch chi tiết như sau:

-“Càn Ninh Quân Dân An Phủ Ty….75.837 hộ, 128.184 nhân khẩu, đồn điền hơn 290 khoảnh, chia làm 7 huyện: Quỳnh Sơn, hạng dưới, đặt thành quách của ty; Trừng Mại, hạng dưới; Lâm Cao, hạng dưới; Văn Xương, hạng dưới; Lạc Hội, hạng dưới; Hội Đồng, hạng dưới; Định An, hạng dưới.”

[乾甯軍民安撫司,..。戶七萬五千八百三十七,口一十二萬八千一百八十四。本路屯田二百九十餘頃。領縣七:

  瓊山,下。倚郭。澄邁,下。臨高,下。文昌,下。樂會,下。會同,下。定安。下。]

-“Quân Nam Ninh…9.626 hộ, 23.652 nhân khẩu; chia làm 3 huyện: Nghi Luân, hạng dưới; Xương Hoá, hạng dưới; Cảm Ân, hạng dưới.”

  [南寧軍,…。戶九千六百二十七,口二萬三千六百五十二。領縣三:

  宜倫,下。昌化,下。感恩。下。]

-“Quân Vạn An….5.341 hộ, 8.686 nhân khẩu; chia làm 2 huyện: Vạn An, hạng dưới, đặt thành quách của quân; Lăng Thuỷ, hạng dưới.”

  [萬安軍,…。戶五千三百四十一,口八千六百八十六。領縣二:

  萬安,下。倚郭。陵水。下。]

-“Quân Cát Dương…1.439 hộ, 4.735 nhân khẩu; có 1 huyện: Ninh Viễn, hạng dưới.”

  [吉陽軍,…。戶一千四百三十九,口五千七百三十五。領縣一:

  寧遠。下。]

2.Về đời Nguyên Hàn Chấn Hoa trong NQCĐSLHB trưng sử liệu trong Quỳnh Hải Phương Dư Chí [瓊海方輿志]của Thái Vi như sau:

[Quỳnh Châu] phía ngoài bao bọc bởi biển lớn, tiếp với châu Ô Lý Tô Mật Cát Lãng; phương nam thì Chiêm Thành, tây là Chân Lạp, Giao Chỉ; đông thì Trường Sa Vạn Lý Thạch Ðường; đông bắc phía xa thì Quảng Ðông, Mân[Phúc Kiến], Chiết [Chiết Giang]; gần thì có Khâm [Khâm Châu], Liêm [Liêm châu], Cao[Cao Châu], Hóa [Hóa Châu]. Ði biển 4 ngày tới Quảng Châu, 9 ngày đêm đến Phúc Kiến, 15 ngày đến Chiết Giang.

Sử liệu này cũng tương tự như lời trích dẫn trong Chư Phiên Chí của Triệu Nhữ Quát thuộc đời Tống. Đây chỉ giới thiệu Trường Sa Vạn Lý Thạch Ðường cách phủ Quỳnh Châu đằng xa,  ngoài vòng biển bao bọc, cũng giống như Chiêm Thành, Chân Lạp, Giao Chỉ; nhưng họ Hàn bảo rằng quần đảo được nhập vào đảo Hải Nam quản hạt, quả là điều vô lý. Nếu bảo rằng do đảo Hải Nam quản hạt, thì tại sao trong phần Địa Lý Chí, thuộc Nguyên Sửghi tại phía trên, không hề đề cập đến.

  1. Ðời Nguyên cuối năm Chí Nguyên thứ 29 [1293] Sử Bật được lệnh mang quân đến nước Trảo Oa [Java], khởi hành từ châu Tuyền, Phúc Kiến đến Thất Châu dương gặp gíó bão, thuyền chao đảo, quân lính mấy ngày không ăn, gió thổi lạc đến Vạn Lý Thạch Ðường cuối cùng men được vào duyên hải Giao Chỉ, Chiêm Thành, để tiếp tục hành trình. Nội dung được chép trong 2 bộ: Nguyên Sử [元史] của Tống Liêm, và Tân Nguyên Sử [新元史]của Kha Thiệu Văn như sau:

 “Năm Chí Nguyên thứ 29, được ban chức Vinh Lộc Ðại phu, giữ chức Trung thư tỉnh Bình chương chính sự các xứ  Phúc Kiến,được lệnh mang  quân đến Trảo Oa;có Hắc Mễ Thất,Cao Hưng giữ chức Phó. Mang 150 chiếc kim phù; vải lụa, bạch (1) mỗi thứ 200 tấm để thưởng cho người có công. Tháng 2, Bật mang 5000 quân hợp với các quân khác, xuất phát từ châu Tuyền [Phúc Kiến].Gặp gió bão, ba đào nỗi lên, thuyền xốc ngược lên,quân lính mấy ngày không ăn được, qua Thất Châu Dương, Vạn Lý Thạch Ðường, đến Giao Chỉ, biên giới Chiêm Thành.”

[二十九年,拜榮祿大夫、福建等處行中書省平章政事,往徵爪哇,以亦黑迷失、高興副之,付金符百五十、幣帛各二百,以待有功。十二月,弼以五千人合諸軍,發泉州。風急濤涌,舟掀簸,士卒皆數日不能食。過七洲洋、萬里石塘,歷交趾、占城界]

Ðây là chuyến đi lạc hướng vì sóng gió, còn hành trình thường lệ được Trương Tiếp mô tả trong Ðông Tây Dương Khảo đời Minh là từ Thất Châu Dương , đến biển Giao Chỉ theo hướng Nam, qua bờ biển Chiêm Thành, đảo Côn Lôn, rồi hành trình tiếp đến Trảo Oa [Java].

  1. Hàn Chấn Hóa trích sử liệu trong Ðảo Di Chí Lược [島夷志畧] của Uông Ðại Uyên đời Nguyên nói về Côn Ðảo như sau:

“Xưa núi Côn Lôn có tên là Quân Ðồn sơn, núi cao mà vuông,đáy trải dài đến mấy trăm lý, nghiễm nhiên trên biển cả, cùng các nước Chiêm Thành, Tây Trúc hướng đến, dưới có biển Côn Lôn, nên lấy đó làm tên.Thuyền buôn các nước đi Tây Dương, thuận gió 7 ngày đêm có thể đến đó; ngạn ngữ có câu:”Thượng hữu Thất Châu, hạ hữu Côn Lôn” , ý chỉ phía trên có Thất Châu Dương  đáng sợ, phía dưới có Côn Lôn].”

[古者崑崙山,又名軍屯山。山高而方,根盤幾百里,截然乎瀛海之中,與占城東西竺鼎峙而相望。下有崑崙洋,因是名也。舶泛西洋者,必掠之。順風七晝夜可渡。諺云:「上有七州,下有崑崙,針迷舵失,人船孰存。」…

Nguyên văn mô tả Côn Lôn có núi cao, gần Chiêm Thành, đúng là Côn Ðảo nước Việt Nam ngày nay. Nhưng họ Hàn cho Côn Lôn là Nam Sa [Spratly Islands], nơi đó không hề có núi cao, và biển Côn Lôn thành biển Nam Sa ; dụng ý muốn chứng tỏ rằng thuyền bè Trung Quốc xưa có đi qua Nam Sa! (2). Ðiều vô lý này đã bị nhiều thư tịch Trung Quốc phủ nhận:

– Ðời Nguyên Chu Ðạt Quan, trong Chân Lạp Phong Thổ Ký [眞腊風土記], dùng kim chỉ nam với 48 hướng, mô tả hải trình đến nước Chân Lạp [Cam Pu Chia] khá chính xác; cho biết biển Côn Lôn gần nước Chân Lạp. Từ biên giới Chân Bồ thuyền theo hướng 232.5 độ đến biển Côn Lôn, rồi quẹo vào cửa biển thứ tư, [có thể là cửasông Hàm Luông] (3), sau đó đi tiếp đến kinh thành Chân Lạp:

“ Thuyền khởi hành ra biển từ Ôn Châu [thuộc tỉnh Chiết Giang] theo hướng Ðinh Mùi [202.5 độ] qua các hải cảng tại Mân [Phúc Kiến], Quảng [Quảng Ðông] ,  biền Thất Châu [ phía đông đảo Hải Nam], biển Giao Chỉ, rồi đến Chiêm Thành. Lại từ Chiêm Thành theo chiều gió khoảng nửa tháng đến Chân Bồ thuộc biên cảnh nước này. Từ Chân Bồ theo hướng Khôn Thân [232.5 độ] qua biển Côn Lôn, rồi vào cảng. Cảng biển có mấy chục, duy cảng thứ 4 có thể vào, còn mấy cảng khác cát cạn thuyền lớn không vào được. Nhưng nhìn khắp xung quanh thấy nhiều cây mây, cổ thụ, lau lách trên cát vàng, lúc thảng thốt khó nhận ra được; vì vậy người đi thuyền cho việc tìm đúng cảng là điều khó khăn. Từ cảng theo sông lên phía bắc, thuận nước lên có thể nữa tuần đến Tra Nam, là quận phụ thuộc. Từ Tra Nam đổi sang thuyền nhỏ, thuận nước chạy thêm hơn 10 ngày, đến thôn Bán Lộ, thôn Phật, biển Độ Đạm, đến vùng đất gọi là Can Bàng, tiếp 50 lý nữa đến thành

[自溫州開洋,行丁未針。歷閩、廣海外諸州港口,過七洲洋,經交趾洋到占城。又自占城順風可半月到真蒲,乃其境也。又自真蒲行坤申針,過崑崙洋,入港。港凡數十,惟第四港可入,其餘悉以沙淺故不通巨舟。然而彌望皆修藤古木,黃沙白葦,倉卒未易辨認,故舟人以尋港為難事。自港口北行,順水可半月,抵其地曰查南,乃其屬郡也。又自查南換小舟,順水可十餘日,過半路村、佛村,渡淡洋,可抵其地曰干傍,取城五十里。]

Ðông Tây Dương Khảo [東西洋考]của Trương Tiếp đời Minh cung cấp phương hướng từ đảo Côn Lôn đến Xích Khảm Sơn [ Phan Rang], và nước Bành Hanh [Pahang] như sau:

Từ Xích Khảm Sơn[Phan Rang] theo hướng đơn Mùi [210 độ], thời gian 15 canh đến núi Côn Lôn

Lại từ núi Côn Lôn theo hướng Khôn Mùi [217.5 độ] thời gian 30 canh đến Ðấu Dự, lại theo hướng Ðinh Ngọ [187.5 độ] đến nước Bành Hanh [tức Pahang thuộc Mã Lai]. (4)

Xét đoạn văn trích dẫn trên, trung bình thuyền bè thời xưa 1 canh đi được 60 lý, 1 doanh tạo lý tương đương .58 km; vậy từ đảo Côn Lôn đến Phan Rang là 522 km, đến Pahang là 1044 km. Với những con số nêu trên, nếu kiểm chứng qua bản đồ hiện nay thì có thể chấp nhận được; còn nếu bảo Côn Lôn là đảo Nam Sa [Trường Sa ] thì khoảng cách còn tăng lên gấp bội!

Thế nhưng trong Tống Hội Yếu [宋㑹要] có nêu địa danh biển Côn Lôn, bàn về sử liệu này Hàn Chấn Hoa lại cho rằng biển Côn Lôn bao quát vùng biển tại đảo Côn Lôn thuộc miền Nam Việt Nam (5). Có lẽ vì sử liệu này đề cập đến vùng đất giáp Chân Lạp, Chiêm Thành, nên họ Hàn đành phải thuận theo sự thực, không thể luận bàn khác được:

Ngày 20 tháng 7 năm Gia Ðịnh thứ 9 [1216], người nước Chân Lý Phú (6) muốn đến Trung Quốc. Từ nước này ra biển 5 ngày tới Ba Tư Lan, thứ đến biển Côn Lôn, qua nước Chân Lạp, vài ngày đến nước Tân Ðạt Gia (7), vài ngày sau đến biên giới Chiêm Thành, qua biển khoảng 10 ngày. Phía đông nam là Thạch Ðường, có tên Vạn Lý; biển chỗ này hoặc sâu hoặc cạn, nước chảy gấp nhiều đá, thuyền bị lật chìm đến 7,8 phần 10, không thấy bờ núi. Rồi đến Giao Chỉ, 5 ngày sau đến châu Khâm, Châu Liêm. ( Nguyên chú: gọi là gió thuận toàn tại mùa hè, lúc gió Nam thổi. Khi trở về nước đợi gió Bấc mùa đông; nếu không theo như vậy không thể đến nơi được. (8)

Cũng như với trường hợp Thất Châu dương, địa đanh Côn Lôn họ Hàn chia thành 2 vị trí, thứ nhất là đảo gần bờ biển miền nam Việt Nam, thứ 2 tại quần đảo Nam Sa; lập luận gỉả thực lẫn lộn, cố dẫn giải theo ý tác giả muốn!

5.Cũng trong Ðảo Di Chí Lược [島夷志畧], Uông Ðại Uyên chép về Vạn Lý Thạch Đường như sau:

Vạn Lý Thạch Đường.

Cái xương của Thạch Đường bắt đầu từ Triều Châu, chạy quanh co như con rắn dài, vắt ngang biển đến các nước.Người ta thường bảo “Vạn Lý Thạch Đường”; nhưng tôi suy ra không phải chỉ có vạn lý mà thôi đâu! Thuyền từ cửa Đại Dư (9), mang 4 buồm, nhờ gió vượt sóng, như bay trên biển. Đến Tây Dương, hoặc ngoài 100 ngày; nếu cho rằng 1 ngày 1 đêm chạy được 100 lý, thì vạn lý cũng không hết. Xem nguồn địa mạch rõ ràng có thể khảo được: một mạch đến Trảo Oa [Java], một mạch đến Bột Nê [Borneo] cùng Cổ Lý Địa Muộn [Timor], một mạch xa Tây Dương đến đất Côn Lôn [Việt Nam]. Vì vậy Cái Tử Dương Chu Tử bảo rằng đất nước ngoài và Trung Nguyên có sự tương liên, phải đúng như vậy chăng!

Xem thế thì thấy hải dương rộng vô bờ, Thạch Đường dấu trong đó, ai hiểu được thì biết rõ, tránh nó đi là hên, đụng nó là xui; bởi vậy kim chỉ nam Tý Ngọ liên quan đến vận mệnh con người; nếu không phải là tay thuyền trưởng rành nghề thì làm sao tránh khỏi lật thuyền chết chìm. Nếu đắc ý được một lần, cũng chớ nên đi tiếp lần khác; há lẽ chọn sóng gió làm con đường gần ư!”

[萬里石石塘之骨,由潮州而生。迤邐如長蛇,橫亙海中,越海諸國。俗云萬里石塘。以余推之,豈止萬里而已哉!舶由岱嶼門,掛四帆,乘風破浪,海上若飛。至西洋或百日之外。以一日一夜行百里計之,萬里曾不足,故源其地脈歷歷可考。一脈至爪哇,一脈至勃泥及古里地悶,一脈至西洋遐崑崙之地。蓋紫陽朱子謂海外之地,與中原地脈相連者,其以是歟!

觀夫海洋泛無涯涘,中匿石塘,孰得而明之?避之則吉,遇之則凶,故子午針人之命脈所係。苟非舟子之精明,能不覆且溺乎!吁!得意之地勿再往,豈可以風濤為徑路也哉!]

                           Vạn Lý Thạch Đường được đưa vào trong sáchĐảo Di Chí Lược, dưới mắt tác giả họ Uông, Vạn Lý Thạch Đường là đảo của người Di, tức các nước phía nam Trung Quốc. Huống hồ vị trí Vạn Lý Thạch Đường rất lớn nằm giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á như Java, Borneo, Timor, và Côn Lôn [Việt Nam]; như vậy không thể là hải đảo thuộc chủ quyền Trung Quốc như nhà nghiên cứu Hàn Chấn Hoa đã khẳng định trong NQNHSLHB (10).

Chú thích:

1.Bạch: loại hàng dệt bằng tơ trần.

2 Ngã Quốc Nam Hải Chư Ðảo Sử Liệu Hối Biên [我國南海諸島史料滙编] , sđd, trang 48.

0