Dưới thời Khải Định ở Huế có đúc đỉnh đồng nào mang tên Xuân Thu Thịnh Đỉnh không?
Chữ “Thịnh” (bằng chữ Hán) ở mặt bắc trên thân bụng đỉnh đồng Nguyễn Văn Nghệ – Nước khoáng thiên nhiên thương hiệu Đảnh Thạnh- Ý nghĩa hai chữ “đảnh thạnh” Ở xã Diên Lộc, huyện Diên Khánh có các địa danh xứ đồng: Đồng Cọ, Suối Tre, Cây Me, Nước Nóng. ...
Nguyễn Văn Nghệ
–Nước khoáng thiên nhiên thương hiệu Đảnh Thạnh- Ý nghĩa hai chữ “đảnh thạnh”
Ở xã Diên Lộc, huyện Diên Khánh có các địa danh xứ đồng: Đồng Cọ, Suối Tre, Cây Me, Nước Nóng. Địa danh Nước Nóng thuộc thôn Đảnh Thạnh là nơi sản xuất ra nước khoáng thiên nhiên mang thương hiệu Đảnh Thạnh. Ngày 19/01/1990 Xí nghiệp Nước khoáng Đảnh Thạnh ra đời. Nhà máy sản xuất nước khoáng Đảnh Thạnh thuộc thôn Cây Sung, xã Diên Tân, huyện Diên Khánh( Sau năm 1975 tách xứ đồng Nước Nóng của thôn Đảnh Thạnh, xã Diên Lộc sáp nhập vào những vùng đất mới khai phá để thành lập xã Diên Tân).
Nguồn nước khoáng Đảnh Thạnh nằm giữa thảm bùn khoáng nguyên sinh rộng hơn 30 ha, được khai thác ở độ sâu 220 mét trong lòng đất, nhiệt độ tại vòi lên đến 72 độ C. Theo kết quả phân tích về các mạch nước khoáng ở miền Nam của chuyên gia HS Fontane xuất bản năm 1958, Đảnh Thạnh là nguồn nước khoáng vi lượng có thành phần silic cao, có tác dụng chữa trị tốt các bệnh cơ khớp, dạ dày, gan mật, đường tiết niệu và không có nguyên tố độc hại.
Trước đây, khi nước khoáng thiên nhiên mang thương hiệu Đảnh Thạnh ra đời, có người hỏi tôi: Nghĩa của hai chữ Đảnh Thạnh là gì vậy? Do bị hỏi bất ngờ nên tôi hẹn với người ấy là để từ từ rồi sẽ trả lời. Sau đó tôi tìm đến đình làng Đảnh Thạnh để tham quan và xem nguyên văn hai chữ Đảnh Thạnh viết bằng chữ Hán. Ồ! Thì ra Đảnh Thạnh là phát âm theo tiếng địa phương, chứ phát âm chuẩn là Đỉnh Thịnh.
Thôn Đảnh Thạnh thời vua Gia Long có tên là xã Bình An thuộc tổng Thượng, huyện Phước Điền,phủ Diên Khánh(1). Đình Đảnh Thạnh hiện còn lưu giữ 11 đạo sắc phong có niên đại từ năm Tự Đức ngũ niên( 1852) đến năm Khải Định cửu niên(1924) phong cho các vị thần: Thiên Y A Na; Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Tứ Vị Thánh Nương; Bổn cảnh Thành Hoàng. Trước đình Đảnh Thạnh có đôi câu đối chữHán: “Đảnh cao trạc trạc quyết linh, hộ phong hòa vũ thuận/ Thạnh phát dương dương tại thượng, cầu quốc thái dân an”.
Tra từ điển Hán Việt: Đỉnh/Đảnh ngoài nghĩa cái đỉnh, cái vạc, cái lư đốt trầm, cái đồ đựng thức ăn… còn có nghĩa là “đang”. Đỉnh Thịnh/ Đảnh Thạnh: đang thịnh, thế đang lên.
Trong bài “ Cung họa ngự chế Thuận An bát thập vận thi nguyên vận”(2) của Trấn Biên quận công Miên Thanh có câu: Đề sầm đắc ngưỡng quang/Hoàng đồ khâm đỉnh thịnh/ Thần khí khánh vu an ( Hèn kém may được ngửa trông/ Cơ đồ hoàng triều ta đương thời thịnh vượng/ Ngôi báu mừng vững yên).
Lưu Hiệp đời Lương, trong “Văn tâm điêu long” thiên “Thí tự” có câu: “Kinh điển lễ chương, khoa Chu lịch Hán, Đường, Ngu chi văn, kỳ đỉnh thịnh hồ”(3)( Kinh điển lễ pháp đều vượt cả văn hiến các thời Đường, Ngu, Chu, Hán. Thực đang thịnh vượng lắm thay!)
–Dưới thời vua Khải Định ở Huế có đúc đỉnh đồng nào mang tên Xuân Thu Thịnh Đỉnh không?
Sau khi qua cổng chính của Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế, khách tham quan nhìn về bên tay phải của sân Bảo tàng sẽ thấy một cái đỉnh đồng.Theo ông Phan Thanh Hải tác giả bài viết “Đỉnh vạc đồng của họ Nguyễn” cho biết: “Đây là chiếc đỉnh đồng có niên đại muộn nhất của triều Nguyễn mà chúng tôi thống kê được, hiện được đặt trong khuôn viên Bảo tàng Mỹ thuật Cung Đình Huế. Đỉnh này mang tên Xuân Thu Thịnh Đỉnh”(4).
Dưới chân đỉnh đồng có tấm biển giới thiệu lai lịch đỉnh đồng bằng hai ngôn ngữ: Việt và Anh
Đỉnh đồng Xuân Thu Thịnh Đỉnh (1924) là món quà của những công chức người Việt làm trong công sở Pháp dành tặng hoàng đế Khải Định (1916-1925) nhân lễ Tứ tuần Đại Khánh (mừng thọ 40 tuổi)
BRONZE URN Xuan Thu Thinh Dinh bronze urn (1924) a gift from Vietnamese officers working in the French civil service offered to emperor Khai Dinh (1916-1925) on his 40th birthday anniversary
Như vậy, theo biển giới thiệu của Bảo tàng thì đỉnh đồng này có tên là Xuân Thu Thịnh Đỉnh. Qua quan sát chiều cao của đỉnh cao khoảng 1,20cm, trên vành miệng đỉnh về phía nam có dòng chữ Hán: Khải Định cửu niên, cửu nguyệt, sơ nhất nhật cung ngộ – Tứ tuần đại khánh tiết ( ngày mồng một tháng 9 năm Khải Định thứ 9 kính gặp lễ Tứ Tuần Đại Khánh). Bên dưới đáy bụng đỉnh cũng về hướng nam, có dòng chữ Hán: Tòng sự Trung Kỳ Bảo hộ Sứ tòa. Công chánh, Hỏa xa, Y chánh, Thương chánh, Ngân khố, Điện báo, Nông chánh, Y thú, Lâm chánh thần đẳng cung tiến” (Bọn chúng thần ở các cơ quan Công chánh, Hỏa xa, Thương chánh, Ngân khố, Điện báo, Nông chánh, Thú y, Lâm chánh thuộc Tòa Bảo hộ sứ Trung Kỳ kính cẩn dâng tặng [đỉnh này])
Thân bụng đỉnh đồng có bốn đại tự chữ Hán. Mặt phía đông của đỉnh đồng có chữXuân (viết theo lối chữ cổ), mặt phía nam có chữThu,mặt phía tây có chữ Đỉnh, mặt phía bắc có chữ Thịnh. Nếu đọc theo chiều kim đồng hồ: Xuân Thu Đỉnh Thịnh. Nhưng không biết Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế đọc chữ Hán theo quy tắc nào mà lại đọc thành Xuân Thu Thịnh Đỉnh ( đọc hai chữ Xuân Thu xong rồi bỏ qua chữ Đỉnh để đọc chữ Thịnh rồi mới quay lại đọc chữ Đỉnh). Hay là Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế nhìn thấy trước sân Thế miếu có 9 cái đỉnh đồng và mỗi đỉnh đồng có hai đại tự bằng chữ Hán: Cao đỉnh, Nhân đỉnh, Chương đỉnh, Anh đỉnh… nên nghĩ rằng các công chức người Việt thuộc Tòa Bảo hộ sứ Trung Kỳ không rành chữ Hán nên đúc nhầm chữ “Đỉnh” trước chữ “Thịnh” chăng?
Bốn đại tự chữ Hán Xuân Thu Đỉnh Thịnh được rút ra từ sách Hán thư, phần Giả Nghị truyện bài Trần chính sự sớ: “Thiên tử xuân thu đỉnh thịnh, hành nghi vị quá, đức trạch hữu gia yên” (Thiên tử đang lúc mạnh khỏe trai trẻ, hành lễ không sai, đức trạch càng tăng thêm).
Xuân thu có nghĩa là xuân thu, năm tháng , tuổi tác. Ví dụ: “Xuân thu chính phú” có nghĩa là tuổi hãy còn trẻ.“Xuân thu đỉnh thịnh” có nghĩa là đang lúc mạnh khỏe trai trẻ, thịnh vượng(5).
Bốn chữ Hán “Xuân Thu Đỉnh Thịnh” trên thân bụng đỉnh đồng được rút ra từ câu “Thiên tử xuân thu đỉnh thịnh” chính là lời cầu chúc của các công chức người Việt thuộc Tòa Bảo hộ sứ Trung Kỳ dành cho vua Khải Định nhân dịp mừng thọ 40 tuổi.
Để đặt cho đỉnh đồng ấy một cái tên gọi ta sẽ gọi là đỉnh Xuân Thu Đỉnh Thịnh. Nếu gọi theo cấu trúc văn phạm chữ Hán là Xuân Thu Đỉnh Thịnh Đỉnh( hai chữ Đỉnh viết nét chữ Hán giống nhau, nhưng chữ Đỉnh trước là phó từ, chữ Đỉnh sau là danh từ)
Chú thích:
1-Nguyễn Đình Đầu, Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn Khánh Hòa, Nxb TPHCM, 1997, tr.220
2, 3-Bài thơ “Cung họa ngự chế Thuận An bát thập vận thi nguyên vận” của Trấn Biên Quận công Miên Thanh
http://www.hannom.org.vn/detail.asp?param=1304&Catid=571
4-mttuyet.fr/2014/03/dinh-vac-dong-cua-ho-nguyen/
5-Thiều Chửu, Hán Việt tự điển, Nxb Đà Nẵng, tr. 733
-Trần Văn Chánh, Từ điển Hán Việt Hán ngữ cổ đại và hiện đại, Nxb Trẻ, tr. 989 ;2290