Tại sao trước đây nhiều người nuôi lươn thất bại?
Lý do nuôi lươn thất bại thì có rất nhiều, mà điều chính yếu là do thiếu tài liệu hướng dẫn. Thời này các tài liệu về khác thì nhiều, nhưng không hiểu sao sách vở, tài liệu nuôi lươn lại quá hiếm. Vào những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, tại Sài Gòn và nhiều tỉnh phụ cận, nhiều người ...
Lý do nuôi lươn thất bại thì có rất nhiều, mà điều chính yếu là do thiếu tài liệu hướng dẫn. Thời này các tài liệu về khác thì nhiều, nhưng không hiểu sao sách vở, tài liệu nuôi lươn lại quá hiếm.
Vào những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, tại Sài Gòn và nhiều tỉnh phụ cận, nhiều người rủ nhau bắt tay vào việc nuôi lươn. Giai đoạn này được coi là đỉnh điểm của nghề chăn nuôi heo, gà công nghiệp, và cá tra, cá chép… đang ở vào thời điểm ăn nên làm ra, vì đến vùng nào dù là thành thị hay nông thôn đâu đâu cũng có trại heo, ao cá…
Thế nhưng khi bàn đến chuyện nuôi lươn thì hình như người nào cũng mong muốn sớm được nhập cuộc, mặc dầu hầu hết mọi người đều không hiểu biết gì nhiều đến kỹ thuật nuôi lươn!
Đang “thừa thắng” với nghề nuôi heo, gà, cá… nhiều người muốn thử chuyển đổi một phần vật nuôi sang nuôi lươn, hy vọng sẽ được thắng lớn. Thế là nhiều người sẵn sàng xuất vốn ra đào ao, xây hồ… Ai có ao cá cũ, chuồng heo cũ thì lo cải tạo cho phù hợp với việc nuôi lươn (dĩ nhiên là làm theo ý thích của mỗi người, vì đâu mấy ai hiểu được kỹ thuật đào ao, xây hồ nuôi lươn ra sao!).
Tiếc thay, phong trào nuôi lươn thời đó chỉ bùng phát lên chưa được bao lâu thì đã vội xẹp dần như bong bóng xì hơi, vì hầu như không một ai đạt được kết quả đúng như ý muốb cả. Có người chỉ nuôi độ nửa năm rồi ngưng. Người nào kiên tâm trì chí lắm cũng kéo dài được vài năm, cuối cùng cũng đành sửa sang lại ao hồ để nuôi cá, nuôi heo trở lại…
Lý do nuôi lươn thất bại thì có rất nhiều, mà điều chính yếu là do thiếu tài liệu hướng dẫn. Thời này các tài liệu về cây trồng vật nuôi khác thì nhiều, nhưng không hiểu sao sách vở, tài liệu nuôi lươn lại quá hiếm.
Do không có tài liệu nuôi lươn trong tay nên không ai am tường về kỹ thuật nuôi lươn ra sao, nhưng cuối cùng nhiều người cũng hăm hở nhập cuộc, và nuôi theo cách suy luận riêng tư của chính mình, vì vậy mới dễ gặp thất bại.
Điều mà người nhập cuộc vấp váp là những điều sau đây:
Không biết cách đào ao, xây hồ phù hợp
Nhiều người cứ tưởng nuôi lươn cũng như nuôi các loài cá nước ngọt khác, nên ao hồ nuôi lươn họ cũng làm giống như ao, hồ nuôi cá. Vì vậy mới có những cái ao quá rộng khoảng nửa công đất, mênh mông toàn là “biển” nước trắng xóa, bên trên không có đến một bụi lục bình, hay một bè rau muống nhỏ để cho lươn dùng làm nơi ẩn núp! Có người xây những cái hồ âm sâu xuống đất đến vài mét, bên trên lại có tường cao hơn mét, nên đứng trên nhìn xuống trông chẳng khác gì một cái giếng cạn! Hỏi tại sao thì được trả lời là: để lươn khỏi đào thoát ra ngoài! Họ trả lời như vậy vì đâu biết lươn chỉ biết trườn và đào hang, chứ đâu biết có khả năng “vượt vũ môn” như cá chép, cá lóc!
Không tìm được nguồn lươn giống
Những điểm nuôi lươn ở vùng quê hay vùng ngoại ô thành phố, người ta còn vớt được lươn con ở các vùng ruộng đồng, ao hồ, kênh rạch đem về nuôi. Còn giới nuôi lươn thuộc vùng nội ô Sài Gòn, Chợ Lớn thời đó chỉ biết tìm nguồn lươn giống tại các ngôi chợ lớn nhỏ trong các quận, huyện, nhất là tại vựa cá khổng lồ cầu Ông Lãnh ở bến Chương Dương.
Ở đây, liên tục ngày nào cũng có ghe bầu từ các tỉnh thuộc đồng bằng sống Cửu Long tấp nập nối đuôi nhau chở cá đồng lên bỏ mối, nên muốn mua lươn lúc nào cũng có sẵn.
Những loại lươn lớn 1kg, 2kg trở lên thì được lựa ra để phân phối cho các “mối ruột” như các nhà hàng, hoặc các chợ lớn như chợ Sài Gòn, Bình Tây… Loại lươn nhỏ 100gr, 200gr thì bày bán ở các chợ nhỏ cấp quận như Tân Định, Phú Nhuận, Đa Kao…Chỉ loại lươn nhỏ vài ba mươi con một ký mới được lựa ra bán cho người nuôi…
Loại lươn con này bị “rộng” lâu ngày nên đa số ốm yếu, thường bị thương tật nên đem về nuôi thế nào cũng bị hao hụt nhiều.
Có điều số lươn chết đó đâu mấy ai phát giác ra được, vì lươn cũng như các loài cá khác, con nào yếu đuối nhất trong đàn trước sau gì cũng bị các con khỏe mạnh hơn ăn thịt. Ngay những con đã chết, cũng bị đồng loại “xơi” luôn, vì vậy chúng đâu để lại chút xác phàm để người nuôi có cơ hội phát giác ra được! Vì vậy, trong “hội” người nuôi lươn, người ta cứ thắc mắc với nhau: Tại sao khi thả vào ao thì số lượng quá nhiều, mà khi thu hoạch lại đếm không được bao nhiêu con!
Do không ai biết tập tính của lươn là khi thiếu mồi chúng sẽ ăn thịt lẫn nhau, nên khi thả lươn giống vào ao, hồ nuôi, không ai tính đến việc cần phải thả lươn có cùng kích cỡ với nhau mới tốt. Chính vì thả nuôi chung đủ cỡ lớn bé với nhau, nên sau này những con lươn lớn và khỏe mới tranh ăn mồi với con nhỏ và yếu hơn chúng. Và cuối cùng, chỉ những con lớn nhất, khỏe nhất mới còn sống sót mà thôi!
Không mấy ai biết lươn ăn thức ăn gì để sống
Thời trước, nuôi lươn không mấy ai biết rõ được cụ thể là lươn ăn những thức ăn gì để sống. Tuy nhiên mọi người cũng hiểu được rằng, lươn cũng như cá, chỉ ăn mồi sống như các động vật phù du, như cá con… thường có sẵn nhiều trong môi trường sống tự nhiên của nó. Có người thấy lươn sống chui rúc trong lớp bùn sình nên tin rằng lươn cũng… giống như trùn đất, ăn được các bã động thực vật có sẵn trong bùn đất, vì vậy họ mới lơ là trong việc cho lươn nuôi ăn đúng mức. Nhiều người xếp nhiều thân cây chuối xuống đáy ao, hồ, để chờ ngày mục nát để làm thức ăn cho lươn, và cho đó là thức ăn chính, nên thỉnh thoảng mới cung cấp thêm một ít cá tạp, hoặc phế phẩm thải ra từ lò mổ, thậm chí gà vịt chết để lươn lấy đó làm thức ăn bổ sung.
Tất nhiên, vào thời này chưa ai nghĩ được rằng có thể nuôi lươn bằng thức ăn nhân tạo, như cách chúng ta nuôi ngày nay.
Không biết cách cho ăn
Do không biết được tập tính của lươn là chỉ ăn mồi vào ban đêm mà thôi, nên hằng ngày chủ nuôi cứ cho lươn ăn theo cữ, như cách nuôi cá vậy. Thức ăn vì thế mà dễ hư thối, làm cho nước ao hồ bị nhiễm bẩn, có thể vì đó khiến lươn nuôi bị chết hàng loạt.
Thất bại thì dễ nản
Do nhiều người cùng bị thất bại chua cay nên họ dễ nản chí, không ai còn đủ can đảm rút kinh nghiệm để làm lại từ đầu. Thế là, mọi người chấp nhận thua cuộc.
Có lẽ cũng cần bổ khuyết thêm một chi tiết quan trọng là giữa lúc không ai có trong tay một tài liệu nuôi lươn nào để nghiên cứu, thì mọi người được đọc một bài báo do chính ông chủ bút của một tờ báo chuyên về Nông nghiệp thời dó viết về con Anguille bên trời Tây, mà ông ta cứ quả quyết đó là con lươn.
Tác giả bài báo đó căn cứ vào tài liệu của hai nhà khoa học nổi tiếng của châu Âu là ông Grassi (người Ý) và ông Schmidt (người Đan Mạch), theo đó con Anguille có hình dáng giống hệt như con lươn, sống được ngoài biển khơi cũng như trong đồng ruộng.
Ở trong đồng, Anguille cái có chửa, nhưng chúng không đẻ được trong môi trường nước ngọt. Vì vậy, mỗi năm đến mùa sinh sản, tất cả Anguille cái phải tạm thời bỏ vùng ruộng đồng, dù là ở vùng Bắc Mỹ, hay Tây Phi, Tây Âu… để bơi qua hàng ngàn hải lý để đến vùng biển Sargasse, gần quần đảo Bermudes (ngoài khơi bán đảo Florida của Mỹ) để đẻ trứng. Vì duy nhất chỉ có vùng biển này mới có khí hậu thích hợp để giống Anguille sinh sản mà thôi.
Anguille con ra đời và sống trong vùng nước mặn này khoảng một vài năm, cho đến khi lớn và dài bằng chiếc đũa ăn cơm, chúng mới rủ nhau trở về vùng ruộng đồng của mẹ chúng trước đây để tiếp tục sống…
Nếu bài báo đó viết về con Anguille thì không ai thắc mắc, chỉ vì tác giả bài báo cứ đoan chắc con Anguille mà chính ông đã được thấy tận mắt và cũng đã được ăn thịt, chính là con lươn sinh sống trong ruộng đồng của ta, nên sau đó mới gây ra một cuộc tranh luận sôi nổi…
Phe “đả kích” cho rằng con Anguille không phải là con lươn mà chính là con lịch. Con lịch có hình dạng giống lươn, nhưng mình nó nhỏ hơn con lươn. Da của lịch có màu nâu lợt toàn thân, và đôi chỗ có lô’m đôm trắng. Trong khi da lươn có màu nâu sẫm trên lưng và màu vàng dưới phía bụng. Mặt khác, con lịch rất hiếm thấy trong ruộng đồng của ta, bắt cả trăm, cả ngàn con lươn may ra mới có một con lịch lẫn lộn vào. Hơn nữa, nếu con Anguille chỉ sinh sản tại biển Sargasse, và con chúng khôn lớn mới trở lại ruộng đồng, thì tại sao tại ruộng đồng, ao hồ của ta cứ vào dịp tháng tư, tháng năm Âm lịch mỗi năm, nhiều người vẫn bắt được lươn con chỉ nhỏ bằng con trùn chỉ?…
Tất nhiên là phe đả kích đã thắng thế, nhưng với người nuôi lươn thời đó, do quá thiếu thốn tài liệu nuôi lươn trong tay, nên họ lại càng chán nản hơn, và cuối cùng, như trên đã nói, mọi người đành bỏ cuộc.
Xin nêu một thí dụ như vậy để quý vị thấy là khi chúng ta muôn nuôi trồng một giống vật hay cây cối gì, trước hết phải có đầy đủ tài liệu về giống đó để tham khảo tường tận rồi mới tính đến chuyện có nên… nhập cuộc hay không.
Cũng như muốn nuôi lươn mà không biết rõ môi trường sống của lươn ra sao, tập tính của chúng như thế nào, ăn thức ăn gì, sinh sản ra sao… thì làm sao mong gặt hái được thành công như ý được!