23/05/2018, 15:59

Phương pháp nhân giống cây ăn quả

Ý nghĩa – Trong vườn gia đình ở nhiều vùng trong nước có những cây giống tốt, muốn có nhiều cây con của giống tốt này cần phải hiểu biết đặc tính sinh vật học của chứng để có những kỹ thuật nhân giống thích hợp. – Trong phong trào VAC nhiều người muốn sản xuất cây giống để kinh doanh. Muốn tạo ...

Ý nghĩa

– Trong vườn gia đình ở nhiều vùng trong nước có những cây giống tốt, muốn có nhiều cây con của giống tốt này cần phải hiểu biết đặc tính sinh vật học của chứng để có những kỹ thuật nhân giống thích hợp.

– Trong phong trào VAC nhiều người muốn sản xuất cây giống để kinh doanh. Muốn tạo được nhiều cây giống tốt, giữ được tín nhiệm của khách hàng, người làm cây giống cần phải có kiến thức và trình độ thực hành nhất định để sản xuất cây con.

– Muốn có được nhiều cây con khoẻ mạnh, sạch bệnh, bảo đảm cung cấp con giống cho các nhà làm vườn trong vùng và các vùng lân cận phải có vườn nhân giống tốt.

Các phương pháp nhân giống cây ăn quả

– Phương pháp hữu tính: Gieo hạt

– Phương pháp nhân giông vô tính bao gồm: Chiết ghép cành, tách chồi và phương pháp nuôi cấy mô.

Gieo hạt

Ưu điểm: Dễ làm, có hệ số nhân giống cao, cây có bộ rễ khoẻ, sinh trưởng phát triển tốt, có khả năng thích nghi với điều kiện ngoại cảnh.

Nhược điểm: Lâu có quả (thường phải 4 – 5 năm hay lâu hơn), khó giữ được các đặc tính tốt của cây mẹ ban đầu. Các cây con mọc từ hạt độ đồng đều kém. Sau khi trồng các cá thể sinh trưởng, ra hoa, kết quả, năng suất phẩm chất quả rất khác nhau.

Do những nhược điểm trên, ngày nay người ta chỉ nhân giống bằng hạt trong trường hợp những giống chưa tìm ra phương pháp nhân giống tốt hơn, hoặc chỉ áp dụng với những cây ăn quả có hiện tượng đa phôi như cam, quýt, xoài, bơ… Cam CanhCam Canh

Những điều cần chú ý khi nhân giống bằng hạt

Để hạt nảy mầm đều, tỷ lệ nảy mầm cao cần phải nắm được đặc tính sinh lý của hạt từ đó có các biện pháp xử lý thích hợp:

+ Một số giống cây ăn quả hạt chín sinh lý sớm, hạt có thể nảy mầm ngay khi quả chín, ví dụ: mít, cam, quýt, …

+ Một số giống sau thu hoạch nên gieo ngay, càng để lâu sức nảy mầm càng giảm, như: vải, nhãn, đu đủ, na…

+ Một số giống muốn hạt nảy mầm tốt cần được bảo quản trong điều kiện nhiệt độ thấp khoảng 3 – 6°C từ 1 – 2 tuần, như: đào, , hồng…

+ Một số hạt có vỏ cứng cần được xử lý trước khi gieo như ngâm nước nóng, gọt bớt lớp vỏ ngoài, tác động cơ giới bằng cách đập nhẹ để tách được lớp vỏ cứng, xử lý hoá học đối với hạt đào, mơ, mận, táo ta… Riêng với dừa thì dùng dao phạt một lớp vỏ ngoài phía gần cuống cho đến gần sọ dừa …

Điều kiện ngoại cảnh để hạt nảy mầm tốt

– Nhiệt độ thích hợp đối với hạt giống cây ăn quả nhiệt đới: 23 – 35°c, cây ăn quả á nhiệt đới: 15,5 – 26,5C, cây ăn quả ôn đới: 10 – 21C.

– Độ ẩm đất: 70 – 80% độ ẩm bão hoà.

– Đủ ô xy: Đất gieo hạt phải tơi xốp, thoáng khí, không nên lấp hạt quá sâu nhất là với các loại hạt bé.

Các phương pháp gieo hạt để làm cây giống

– Gieo hạt ươm cây trên luống.

– Gieo hạt ươm cây trong bầu. Phương pháp này có nhiều ưu điểm: dễ chăm sóc cây con, đỡ công bứng bầu, không làm tổn thương bộ rễ vì vậy khi trồng tỷ lệ sống cao, cây phát triển nhanh, khoẻ,  vận chuyển cây con đi xa thuận lợi (bầu dùng túi pôlyêtylen có đục lỗ ở đáy, độ lớn của túi phụ thuộc vào giống cây).

Đất trong bầu có thể dùng lớp đất mặt tơi xốp trộn thêm phân chuồng hoai và một ít phân lân (dùng lg lân nguyên chất cho 1kg đất bầu). Các khâu kỹ thuật chăm sóc khác làm đầy đủ như gieo hạt trong vườn ươm.

Chiết cành

Ưu điểm: Sớm cho quả, giữ được các đặc tính tốt của cây mẹ, nhanh có giống để trồng. Thông thường sau khi chiết khoảng 3 – 4 tháng hoặc 8 tháng tuỳ giống vì vậy có thể đẩy nhanh tốc độ trồng mới. Ngoài ra bằng chiết cành còn có ưu điểm: cây thấp, tán cây gọn, phân cành đều trong không gian, sớm cho thu hoạch và thuận lợi trong chăm sóc.

Nhược điểm: Hệ số nhân giống chưa thật cao. Nếu chiết nhiều cành một lúc trên cây mẹ sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển của cây mẹ. Để khắc phục nhược điểm này người ta dùng phương pháp chiết cành nhỏ.

Những biện pháp kỹ thuật để nâng cao tỷ lệ ra rễ của cành chiết và chất lượng cành chiết.

Chọn giống, chọn cây, chọn cành chiết tốt

Khâu chọn giống rất quan trọng. Ví dụ cùng là bưởi nhưng có giống chua, giống ngọt, giống chín sớm, chín muộn khác nhau, lại có giống bưởi trắng ruột, bưởi điều…Vì vậy nên chọn giống nào có phẩm chất ngon, thị trường ưa chuộng và có năng suất cao. Cũng như trong một vườn bưởi, không phải cây nào cũng có năng suất cao và ăn ngon như nhau, mà chỉ có một số cây nhất định, thậm chí cả vườn chỉ được một cây ngon, hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Còn việc chọn cành trên cây thì nên chú ý độ lớn và vị trí cành. Độ lớn cành nên chọn loại cành có đường kính 1,0 – 2,0cm. Cành đã hoá gỗ ở vị trí giữa tầng tán phơi ra ngoài ánh sáng. Không chiết cành la, cành vượt.

Chọn đúng thời vụ thích hợp cho từng giống để chiết

Ở vùng đồng bằng Bắc bộ và bắc Trung bộ phần lớn các giống cây ăn quả nên chiết vào 2 vụ chính: vụ xuân (tháng 3 – 4) và vụ thu (tháng 8 – 9). Tuy nhiên cũng có thể tuỳ theo giống mà xê dịch thời vụ cho phù hợp. Ví dụ mận, đào nên chiết sớm vào tháng 2 – 3 khi cây bắt đầu ra hoa và vụ thu có thể chiết kéo dài đến hết tháng 10.

Ở các tỉnh khu 4 cũ nên chiết vào vụ thu (tháng 8 – 9), không nên chiết vào vụ xuân vì tháng 5 – 6 ở đây có gió Lào, nắng, nóng và hạn. Các tỉnh ở miền Nam, Tây Nguyên nên chiết vào đầu mùa mưa.

Kỹ thuật chiết

Khoanh vỏ bầu chiết: Chiều dài khoang vỏ tốt nhất bằng 1,5 – 2 lần đường kính cành chiết, sau khi khoanh vỏ cạo sạch lớp tế bào tương tầng dính trên lõi gỗ. Với giống khó ra rễ cần phơi nắng khoảng 1 tuần sau đó mới bó bầu.

Chất độn bầu: Dùng tỷ lệ 1/2 phân chuồng hoai + 1/2 đất màu, hoặc 2/3 phân chuồng hoai + 1/3 đất màu. Độ ẩm đất bầu chiết phải đảm bảo 70% độ ẩm bão hoà.

Bó bầu bằng giấy pôlyêtylen màu trắng, đảm bảo cho bầu đất không bị xoay bằng cách buộc thêm một giây lạt ở giữa bầu.

Sử dụng chất kích thích sinh trưởng

Chất này có tác dụng làm tăng khả năng ra rễ đối với những giống khó ra rễ hoặc chiết vào mùa không thích hợp với cây.

Các chất kích thích sinh trưởng thưòng dùng cho chiết cành như Indol butyric (IBA), α.naphtyl axêtic axit (NAA), Indol axêtic axit (IAA), Gibberellin (GA3). Cần chọn loại chất kích thích sinh trưởng và nồng độ phù hợp cho từng loại giống và mùa chiết khác nhau.

Giâm cành

Phương pháp này dựa trên khả năng hình thành rễ, bất định một đoạn cành đã cắt rời khỏi thân mẹ (hoặc các đoạn rễ). Nhờ các tiến bộ kỹ thuật mới, ngày nay người ta đã ứng dụng rất thành công phương pháp giâm cành đối với các loại cây ăn quả, cây công nghiệp, cây dược liệu, hoa và …

Ưu điểm: Có nhiều cây con cùng một lúc mà không ảnh hưởng nhiều đến cây mẹ. Giữ được các đặc tính tốt của cây mẹ. Cây sớm ra hoa có quả, chất lượng vườn cây đồng đều. Có thể dùng phương pháp giâm cành để nhân các gốc ghép.

Nhược điểm: Đòi hỏi kỹ thuật phức tạp hơn là chiết cành, gieo hạt; phải có một số trang thiết bi cần thiết, và sau khi ra rễ phải tiếp tục chăm sóc thêm một thời gian mới có thể đem ra trồng vào vườn sản xuất được.

Những biện pháp kỹ thuật cần chú ý khi sản xuất cây giống bằng kỹ thuật giâm cành

Nhà giâm cành

Địa điểm đặt nhà giâm cành nên thoáng mát, kín gió và trao đổi không khí tốt, nền đất cao ráo. Bố trí giâm cành gần khu vực ra ngôi cây con.

Nếu có điều kiện thì nên dùng khung nhà cơ động (khung sắt hoặc nhôm). Ngoài ra có thể dùng khung tre, hoặc chỉ cắm cọc, che cót. Trong điều kiện của nước ta nhà giâm cành lợp giấy pôlyêtylen xung quanh che cót là rất thích hợp. Quy cách, kích thước cho một vườn ươm nhỏ: chiều rộng từ 2,5 – 4m; dài 5 – 10m; chiều cao 1,6 – 1,8m; chiều cao 2 bên sườn mái chỉ cần 0,8 – 1m, củng có thể thấp hơn. Nền nhà hoặc chia thành các luống bằng phẳng, đất mịn. Khoảng cách giữa các ô gạch 30 – 40cm để đi lại cắm cành, tưới nước dễ dàng. Nền giâm nên dùng cát sạch hoặc nếu ở vùng đồi đất ferarit đỏ vàng thì lấy đất cát sâu từ 10 – 20cm,  hoặc 2/3 cát sạch với 1/3 đất than bùn (ở chân các núi vùng trung du hoặc vùng mỏ).

Dụng cụ để tưới ẩm có thể là máy phun mù hoặc bình bơm phun thuốc trừ sâu rửa thật sạch.

Kỹ thuật giâm cành

Thực hiện nhân giống chọn những cành bánh tẻ, non hơn hoặc già hơn phụ thuộc vào chủng loại cây ăn quả, nói chung nên chọn những cành đã thành thục ra trong năm, chọn những cành lưng chừng tán, những cành ở ngoài tán có nhiều ánh sáng, ở cấp cành cao, những cành không mang hoamang quả và vừa mói ổn định sinh trưởng chưa lâu. Không lấy các cành có sâu bệnh.

Cắt cành vào thời gian không có nắng trong ngày: sáng sớm hoặc chiều tối. Cành cắt xong cần được phun nước cho ướt lá rồi dựng đứng vào trong xô hoặc thùng có 5 – 7cm nước sạch. Sau đó đậy lại bằng một tấm vải màu tối đã thấm ướt, để ở trong phòng thoáng mát. Cành được cắt thành từng đoạn 5 – 7cm, có từ 2 – 4 lá, tuỳ diện tích của lá.

Đối với những cây dễ ra rễ như chanh ơrêka, chanh ta, roi, dâu ăn quả…sau khi cắt có thể cắm thẳng vào nền giâm, tuy nhiên nếu được xử lý bằng các chất điều tiết sinh trưởng cây sẽ ra rễ nhanh hơn, nhiều hơn, có tỷ lệ cây xuất vườn cao hơn. Đối với các cây khó ra rễ như vải, nhãn, hồng xiêm, trứng gà, táo ta, ổi…nhất nhiều phải được xử lý bằng các chất điều tiết sinh trưởng như αNAA, IBA, GA.

Nhúng từng cành hoặc 20 cành một lần ngập gốc 1 – 2cm vào dung dịch chất điều tiết sinh trưởng 5 – 10 giây sau đó cắm vào vườn giâm. Khoảng cách và mật độ cắm cành phụ thuộc vào cành to hay nhỏ, tuỳ thuộc vào thời vụ: cành to thì cắm thưa, cành nhỏ cắm dày; mùa đông cắm dày hơn mùa hè.

Suốt thời gian từ sau khi cắm cành đến lúc cây ra rễ phải duy trì độ ẩm không khí trên mặt lá 90 – 100%,độ ẩm đất nền giâm khoảng 70%. Nhiệt độ không khí cho quá trình ra rễ của nhiều loại cây ăn quả là 21 – 26°C, nhiệt độ đất cao hơn 25 – 30°C. Ánh sáng trong nhà giâm là ánh sáng tán xạ. Tránh ánh sáng trực xạ, có cường độ quá cao.

Có 2 thời vụ giâm cành tốt: Vụ xuân 10/2 – 20/4 và vụ thu 20/9 – 20/10. Tuy nhiên cũng có nhiều loại cây có thể ra rễ trong vụ hè. Những cây ăn quả nhiệt đối giâm cành vào vụ đông gặp nhiệt độ thấp, khí hậu hanh khô nên rất khó ra rễ.

Khi rễ cành giâm đã mọc đủ dài và hơi chuyển màu từ trắng sang vàng thì phải ra ngôi kịp thời. Trường hợp ở dưới lớp cát có rải hỗn hợp các chất dinh dưỡng có thể để cây con lâu hơn rồi mới ra ngôi cũng được. Ra ngôi cây con ở vườn ươm hoặc trong túi bầu PE.

Đất ở luống vườn ươm cây ra ngôi làm như đất gieo hạt. Không nên bón lót sớm, chỉ cần bón thúc khi đợt mầm đầu tiên đã ổn định sau khi ra ngôi cây con từ 20 ngày đến 1 tháng. Tưới thúc nước phân chuồng ủ pha loãng hoặc phân khoáng. Lần đầu pha nồng độ 1/200 sau đó tăng dần 1/100. Có thể dùng 600g urê + 400g supe lân + 700g clorua kali pha trong 200 – 400 lít nước tưới cho 200 – 400m2 vườn ươm. Nêu dùng nước phân chuồng thì lúc đầu pha loãng về sau càng ngày càng đặc dần lên. Các khâu chăm sóc khác giống như phần gieo hạt.

Tiêu chuẩn cây giống xuất vườn: Chiều cao cây 40 – 60cm, có 2 cành cấp I trở lên, đường kính gốc cành 0,5 – 0,6cm. Cây con trong vườn ươm cần được bấm ngọn, tỉa cành, tạo tán, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh và tưới nước chống hạn.

Ghép cây

Cơ sở khoa học của ghép cây

Ghép là một trong những phương pháp nhân giống vô tính được thực hiện bằng cách đem gắn một bộ phận của cây giống (một mắt hay một đoạn cành) sang một gốc cây khác (gọi là gốc ghép) để tạo nên một cây mới mà vẫn giữ được những đặc tính của cây giống ban đầu. Bằng các biện pháp nhất định làm cho gốc ghép và thân ghép tiếp xúc với nhaunhờ sự hoạt động và tái sinh của tượng tầng làm cho gốc ghép và mắt ghép gắn liền với nhau, cây ghép sẽ phát triển bình thường.

Ưu điểm của phương pháp ghép

– Cây ghép sinh trưởng tốt nhờ bộ rễ của gốc ghép.

– Cây vẫn giữ được các đặc tính tốt của cây mẹ.

– Sớm ra hoa, kết quả.

– Hệ số nhân giống caotốc độ tăng diện tích nhanh mà không ảnh hưởng đến sức khoẻ của cây mẹ.

– Nâng cao được sức chống chịu của giống, chịu hạn, chịu úng, chống chịu sâu bệnh trên cơ sở chọn được giống gốc ghép thích hợp.

– Duy trì được nòi giống đối với những giống không hạt hoặc chiết, giâm cành khó.

Tuy có những ưu điểm kể trên nhưng khi ghép nếu không chú ý chọn gốc ghép và mắt ghép sạch bệnh, nhất là bệnh vi rút, thì cây con giống sẽ bị lây truyền bệnh.

Để có những cành ghép tốt cần chú ý một số điểm sau:

Chọn mắt ghép: Chọn cành ghép tốt trên cây mẹ có năng suất cao, ổn định qua 3 vụ quả trở lên và phẩm chất tốt. Thường lấy mắt ghép ở các cành giữa tầng tán, nhô ra ánh sáng, cành có 4 – 6 tháng tuổi, đường kính gốc cành từ 4 – 10mm.

Chọn gốc ghép:

Gốc ghép tốt phải có các tiêu chuẩn sau:

– Giống làm gốc ghép sinh trưởng phải khoẻ, có khả năng thích ứng với điều kiện khí hậu, đất đai ở địa phương, có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt

– Cây sinh trưởng nhanh để chóng được ghép, dễ gây giống (từ phương pháp gieo hạt, giâm cành), ít mọc mầm phụ ở gốc cây con.

– Có khả năng tiếp hợp tốt với thân cành ghép. Thông thường các cây trong cùng họ, cùng loài khi ghép dễ hợp với nhau hơn: cam, bưởi; mận, đào; mãng cầu xiêm, bình bát.

Xác định cho được thời vụ ghép thích hợp cho từng giống ở địa phương mình

Vụ xuân: Thời vụ ghép tốt là tháng 3,4 đối với cam, chanh, quýt, bưởi,mơ.

Vụ hè: Các tháng 5, 6, 7 nhiệt độ cao dần, thỉnh thoảng có trận mưa rào, ở khu 4 cũ có gió Lào, ghép lúc này tỷ lệ sông thấp.

Vụ thu: Tháng 8, 9, 10 nhiệt độ cao, mưa nhiều, là mùa sinh trưởng mạnh của nhiều loại cây vì vậy cây ghép dễ sống. Ví dụ đối với táo ghép vào tháng 8 – 9 là tốt nhất.

Vụ đông: Tháng 11, 12, 1 nhiệt độ thấp, khô hạn nên tỉ lệ sống thấp. Riêng đối với hồng là ghép tốt (tháng 10 – 11).

Ở các tỉnh miền Nam thường ghép vào đầu mùa mưa hoặc gần cuối mùa mưa tuỳ theo điều kiện của từng vùng và từng giống cụ thể.

Các phương pháp ghép:

Có 2 phương pháp ghép với nhiều kiểu ghép khác nhau:

: Chữ T, cửa sổ, ghép mắt nhỏ có gỗ.

Ghép cành: Ghép áp, ghép nêm, ghép chẻ bên, ghép yên ngựa.v.v…

Dưới đây giới thiệu kiểu ghép mắt nhỏ có gỗ:

Ưu điểm: của phương pháp này là thao tác đơn giản, tận dụng được mắt ghép, ghép được nhiều thời vụ trong năm. Theo phương pháp này nếu cành ghép và gốc ghép không dóc vỏ cũng ghép được. Tất nhiên vào mùa cây chuyển nhựa tốt thì tỷ lệ sống sẽ cao hơn.

Chọn những cành ghép mập, khoẻ, có vỏ màu xanh mới xuất hiện vài vạch nâu, đã bắt đầu “tròn mình”. Các tiêu chuẩn khác như ghép chữ T và cửa sổ. Dùng dao sắc vát một lát hình lưỡi gà từ trên xuống, cách mặt đất từ 16 – 20cm, có độ dày gỗ bằng 1/5 đường kính gốc ghép. Nếu cành ghép đường kính nhỏ hơn gốc ghép thì vết ghép cắt mỏng hơn. Chiều dài miệng ghép chừng 1 – 1,2cm. Cắt một miếng tương tự ở cành ghép có cuống lá và mầm ngủ ở giữa đặt nhanh vào vết ghép. Buộc chặt và kín bằng dây nilông mềm. Sau 18 – 30 ngày có thể mở dây buộc và cắt ngọn gốc ghép, vết cắt ngọn gốc ghép cách vết  ghép 1,5 – 2cm.

Chăm sóc cây sau khi ghép:

Sau khi ghép được 1 tuần đến 10 ngày thì cởi dây cho gốc ghép. Nếu cởi dây quá sớm sự tiếp hợp giữa mất ghép và gốc ghép chứa tốt. Sau khi cởi dây được 5 ngày kiểm tra mắt ghép, lấy móng tay cạo nhẹ lớp biểu bì ở mắt ghép nếu thấy xanh là mắt ghép sông, cắt ngọn gốc ghép chỗ trên mắt ghép độ 2 – 3cm. Vặt bỏ các mầm phụ ở gốc ghép. Khi mắt ghép phát triển thành cành cao 15 – 20cm thì bắt đầu làm cỏ, vun gốc và bón phân.

Việc phun thuốc trừ sâu phải làm sớm hơn, khi mầm ghép mọc được 1 – 2cm. Nếu ghép vào mùa hè, nhiệt độ và ẩm độ cao thì phải thường xuyên phun thuốc Boócđô với tỷ lệ (1: 1: 100) để chống nấm gây héo cành. Bón phân tốt nhất là dùng nước phân chuồng ủ hoai pha loãng tỷ lệ 1: 3 – 5 lần hay dùng 1% sulfat đạm. Sau đó cứ cách 1 tháng thì bón thúc một lần cho cây.

Khi cành ghép cao 40 – 50cm thì tuỳ giống cây ăn quả, tùy dạng hình của gốc ghép mà có thể bấm ngọn, tạo hình, tỉa bốt các cành con sao cho trên mỗi cây để lại 2 – 3 cành chính khoẻ phân bố đều về các phía là tốt.

Một số điểm kỹ thuật cần được quan tâm khi ghép:

– Phải có cành ghép tốt,gốc ghép sung sức, trước khi ghép nên tưới một lần nước phân đạm nồng độ 1% cho gốc ghép.

– Người ghép phải thành thạo các thao tác, ghép nhanh, không để bị khô, bị ôxy hoá hoặc làm dính cát bụi vào mắt ghép và vết cắt ở gốc ghép.

– Nên ghép vào buổi sáng, tránh ghép lúc mưa, lúc nắng to hay lúc lá còn ướt.

– Dao ghép phải sắc, cắt ngọt, không làm xơ hoặc bầm dập mắt ghép.

– Ghép xong phải buộc chặt và che kỹ, không để nước thấm vào mắt ghép.

– Sau khi ghép sống, cắt cây, cần tưới nước giữ ẩm và vặt mầm phụ.

Tách chồi

Phương pháp này chỉ áp dụng đối với những giống cây ăn quả không có hạt, không chiết cành, giâm cành và ghép cây được như chuối và dứa.

Với dứa có thể dùng các loại chồi như chồi ngọn, chồi cuống, chồi thân (chồi nách) để nhân giống nhưng tốt hơn cả là dùng chồi nách.

Với chuối chỉ lấy những cây con hình búp măng, không dùng loại cây con lá to, thân bé.

0