18/06/2018, 16:02

Phe chống đảng Tây Sơn ở Bắc với tập “Lữ Trung Ngâm”

Sao ảnh Lữ trung Ngâm tại http://lib.nomfoundation.org/ Hoàng Xuân Hãn Trong sử nước ta, cách mệnh Tây Sơn có đặc điểm nầy: từ một loạn địa phương mà lần lần kéo sụp ba triều đại. Không những lúc ban đầu là nguyên nhân làm yếu chính quyền chúa Nguyễn, biến thành cái mồi nhử quân ...

Sao ảnh Lữ trung Ngâm  tại http://lib.nomfoundation.org/

Sao ảnh Lữ trung Ngâm tại http://lib.nomfoundation.org/

Hoàng Xuân Hãn

Trong sử nước ta, cách mệnh Tây Sơn có đặc điểm nầy: từ một loạn địa phương mà lần lần kéo sụp ba triều đại. Không những lúc ban đầu là nguyên nhân làm yếu chính quyền chúa Nguyễn, biến thành cái mồi nhử quân Trịnh vào Phú Xuân; mà gián tiếp làm yếu binh lực Trịnh bởi khuếch trương địa bàn chiếm đóng. Nhờ đó, chỉ một cuộc hành quân mà NGUYỄN HUỆ đã bứt hết chế độ đế vương ở Bắc. Những chính biến nối tiếp sau, tuy có làm nảy ra hai mầm: Vua Chiêu Thống và chúa Yến-đô, nhưng đó là hơi tàn không thể nhóm lên được.

Tuy vậy, chế độ vua chúa đã ăn sâu vào trong trí những sĩ phu và quân nhân. Trước lúc mất, nó còn quằn quại, chống chọi được một kỳ. Các sử sách, ký tải đương thời hoặc đầu đời Nguyễn có ghi lại những biến cố ấy. Hoặc chép vào chính sử như Sử kí tục biên (SKTB), lịch triều tạp ký (LTTK); hoặc chép vào dã sử như Lê quý kỷ sự (LQKS), Lê triều dã sử (LTDS); hoặc chép thành tiểu sử những nhân vật quan trọng như trong Lê mạt tiết nghĩa lục (LMTNL), Nghệ An ký (NAK) và Nhất thống chí các tỉnh, hoặc là kể rất tường tận với những chi tiết vụn vặt tả tâm lý, dẫn lời, tự sự, hầu như tiểu thuyết hóa, như trong Hoàng Lê nhất thống chí (HLNTC) của văn phái họ Ngô ở xã Tả Thanh Oai.

Những tác phẩm ấy cũng không phải không tương quan. Đọc cẩn thận sẽ thấy tác giả này đã trích ký tải khác, hoặc ít ra hai tác phẩm cùng dùng một nguồn trao tin. Ví dụ, về đoạn ta xét đây, Hoàng Lê nhất thống chí (HLNTC) với Lịch triều tạp kỷ (LTTK) có nhiều đoạn văn y như nhau; Lê triều dã sử (LTDS) rút phần lớn ở NAK ra. Phê bình, tóm tắt, thì sử liệu về khoảng nầy còn ba nguồn khá chắc và khá tự chủ: 10 nhóm họ Ngô tác giả HLNTC (Ngô Thì Chí: bảy hồi đầu; Ngô Thì Du: bảy hồi sau – theo Ngô gia thế phả – Hồi cuối là hồi thứ 15 (1) theo bản viết của họ Ngô, có lẽ tác giả là Ngô Thì Thiến, mà nhóm Trần Văn Giáp mách rằng đã dự soạn HLNTC – Xem Lược truyện các tác gia Việt Nam) 20 Bùi Dương Lịch tác giả NAK và LTDS, và 30 Nguyễn Thu hoặc Bảo – tác giả Lê Quý kỷ sự (LQKS).

Đối với các tài liệu ấy, ta phải so sánh, cân nhắc may gì mới tìm được những sử kiện hoàn toàn tin được. Còn những điểm khác, nếu không tìm thấy lý do gì đích xác để bác nó thì mình cũng phải tạm tin, vì kích bác là tỏ thái độ chủ quan.

Ngoài các tác phẩm trên, tôi đã từng xét một tập văn mà tác giả cũng là một kẻ đương thời đã dựa vào một phần trong tấn tuồng chống đảng Tây Sơn: ấy là tập Lữ trung ngâm soạn bởi Lê Huy Dao (có tên là Huy Vĩ). Đặc điểm là văn viết, phần quan trọng viết bằng nôm, lối ngâm nghĩa là song thất lục bát. Lại xen một số thư, hịch, văn tế lẫn nôm và Hán. Nội dung khá sơ sài nhưng liên quan đến việc hai vị vua Lê và chúa Trịnh cuối cùng chống với đảng Tây Sơn. Riêng với chúa Yến đô Trịnh Bồng, có chép những tiểu tiết mà không đâu có.

Muốn giới thiệu tập văn ấy, tôi nhân tiện xét lại các sách đã kê trên, để nhắc lại đoạn sử nầy một cách chính xác hơn trước, về mặt biến cố và nhất là về mặt thời điểm.

LÊ HUY DAO VÀ TẬP LỮ TRUNG NGÂM

Mở đầu tập, tác giả tự giới thiệu:

Cố Lê vi thần tiến triều nhập thị Dao trì bá Lê Huy Dao soạn
Nghĩa là bầy tôi mọn đời Lê cũ được ban danh dự tiến triều, chức nhập thị, tước Dao trì bá đã soạn tập ấy. Đời Lê phải đậu đại khoa mới được giữ chức lớn ở triều đình; nhưng những người chỉ đậu Hương cống cũng có cách dự, nhờ huy hiệu tiến triều chúa ban cho, hoặc vì có tiếng hay giỏi, hoặc chỉ vì được tiến cử. Nhập thị trỏ chung những viên chức không phải hoạn quan được làm việc trực tiếp với chúa. Tước bá chỉ là một tước nhỏ mà đời Trịnh thường ban cho rất nhiều người cộng tác gần, hay cho các con cháu đại thần. Thật ta, các chức tước nầy, Huy Dao mới được ban trong khi chạy giặc với chúa Yến đô.

Đầu tập, lại có chú thích (xem Hán văn sau phụ trương bài tựa).
Ông người huyện Thanh Trì, làng Nhân Mục. Nguyên tên là Huy Vĩ.
Nhân Mục tức là làng Mọc ở kế phía tây Thăng Long; cũng là quán của Đặng trần Côn.

Sau đây là lời tựa tập Lữ trung ngâm do cháu họ Đỗ Linh Thiện, tiến sĩ, đã soạn và hoàng giáp Phạm Quý Thích nhuận chính

Tựa Lữ Trung Ngâm:

Trời đã phú cái tài lỗi lạc, cái tiết rắn rỏi, mà lại xui gặp vận chẳng may để đến nỗi cả thiên hạ bị mất; khiến nên tài ấy, tiết ấy không thi thố được. Tại sao một mình ông bị như vậy ? Phải chăng trời muốn lấy cái tài lỗi lạc để làm rõ cái tiết rắn rỏi kia chăng ?

Ông cậu họ tôi, Lê Dao Trì, đã nổi tiếng sớm. Trẻ đậu hương. Sau thi hội mãi không đậu. Bèm tìm đọc binh thư, tập võ nghệ. Nhưng vì có tật ở chân, không được đi thi võ. Sau mãi mới được bổ chức tri châu Bố chánh.

Đến năm biến Bính Ngọ (1786), chúa Yến đô phụ quốc chính, bèn cất ông làm phó tri Lễ phiên. Chưa được vài tháng, chúa chạy lên Bắc (xứ Kinh bắc, chạy vì Nguyễn Hữu Chỉnh đem quân tới đuổi). Ông bèn hộ tùng.

Đến lúc quân Tây Sơn lại tới, ông lại hộ vua Chiêu Thống chạy lên Bắc (xứ Kinh bắc. Ý chừng ông đă rời chúa sau khi thua trận Đông Hồ – sẽ xem sau). Vua lấy lại được nước, rồi chẳng bao lâu chạy vào Nội địa.

Ông không theo kịp, bèn trở lại theo chúa Yến đô ở trong gian hiểm. Các hịch, dụ, đều từ tay ông thảo. Chúa bèn ban cho tiến triều và tước bá.

Sau khi chúa mất, ông trốn ra vùng bể Nam để tránh mệnh Tây Sơn đòi dùng. Rồi sau dời tới ở Phong Châu, tại Sơn Tây. Gặp gia biến liền liền, mà chí ông không nhụt. Thế mà chung quy, không thành tựu gì.

Nay (1803), ông dời về ở nhà tại Kinh (Thăng Long). Bấy giờ Gia Long đã lên ngôi ở Phú Xuân, nhưng đây là lời người Bắc không phục). Ông ốm nặng. Bèn lấy tập LỮ TRUNG NGÂM mà ông đã soạn, đưa cho tôi xem; đinh ninh dặn điểm duyệt và đề tựa.

Tôi cầm về đọc. Thấy trong tập có tạp dụng quốc âm; hoặc để kể tội đánh giặc mà làm; hoặc để tả lòng cảm cựu mà làm; hoặc để khóc viếng người thân mà làm; hoặc để thù họa với người khác mà làm. Nhưng thơ nói chuyện với các tiên thì lại chiếm đến bốn năm phần mười.

Tính khảng khái trung phẫn tràn dào ra lời, khiến người đọc khảng khái rồi nghỉ, thê thảm rồi xót, mà không rõ cớ vì đâu. (Có chữ nét son phê bình: mỗi chữ là một giọt lệ). Ai mà không trọ đất khách. Trọ đất khách ai lại không làm thơ. Nhưng sao mà sự trọ đất khách, sự ngâm trên đất khách của ông lại như thế này ? Phải chăng trời sẵn đãi cho ông về tài, mà bạc với ông về ngộ, để làn rõ tiết tháo của ông ? Hoặc có kẻ trả lời rằng đúng như vậy.

Còn như nói chuyện với tiên, không chừng ấy là huyền ảo chăng ? Xin trả lời: thiên LY TAO có đoạn hỏi trời; Trời còn hỏi được, thì Tiên sao lại một mình không hỏi được ?

Đấy là lời tựa.

Năm Quý Hợi (1803) tháng giêng.

Cháu biểu tùng điệt là tiến sĩ khoa Đinh Mùi đời Lê (1787) hàn lâm viện kiểm thảo, hiệu Nhân khê, Đỗ Hạo dưỡng phủ Thiện (Đỗ Linh Thiện, theo Đăng khoa lục) kính soạn.

Thị trung học sĩ, đốc học phủ Phụng Thiên, Thích an hầu, tiến sĩ khoa Kỷ Hợi (1779) đời Lê, trước làm nhập thị thiểm sai tri công phiên, lập trai thủ Phạm (quý Thích) nhuận chính.

Kẻ đề tựa là Đỗ Linh Thiện, cũng người làng Mọc, đậu tiến sĩ khoa thi cuối đời Lê, khi mới mười tám tuổi. Bấy giờ 34 tuổi. Tuy năm là niên hiệu Gia Long thứ hai, nhưng cố ý đã không đề như vậy, để tỏ lòng trung với Lê. Tuy đã phải chịu chức đốc học ở Thăng Long, nhưng Phạm Quý Thích cũng vào nhóm tư Lê như Lê Huy Dao và Đỗ Linh Thiện. Bản viết cũ tôi đã được đọc vẫn kiêng các tên thường huý đời Lê.

Bình phẩm văn thơ cậu mình, theo ý muốn cậu mình đang ốm nặng, Đỗ Linh Thiện đã quá lời khen. Theo ý tôi thì văn nôm cũng như văn chữ phần lớn trong Lữ trung ngâm không lấy gì hào-nháng lắm. Nhưng tập ngâm ấy quý vì trước hết nó là một chứng trực tiếp của một người đang cuộc, mà chứng bằng văn nôm. Sau lại, tuy các hịch, các dụ đánh Nguyễn Hữu Chỉnh hay là đánh Tây Sơn, không có hiệu quả gì, nhưng nó chứng sự sĩ phu ở Bắc vẫn trung thành với vua chúa cũ. Riêng về Trịnh Bồng thì các ký tải đều không biết đến hành động cuối cùng. Trái lại Huy Dao đã cho biết một cách chính xác khoảng đời ấy đến khi mất.

Nhưng tiếc rằng về phần lịch sử thì kể chuyện rất sơ sài, không những không cho chi tiết gì, mà cho đến những sự kiện chủ yếu cũng thường chỉ dùng lời văn trau dồi ám chỉ mà thôi. Tuy vậy trong lời chú, thỉnh thoảng có ghi một vài thời điểm quan trọng giúp ta so sánh với các ký tải khác để xác định về thứ tự thời gian. Ví dụ ngày Quang Trung mất. Ở hai nơi Huy Dao đã dẫn rằng: Năm Nhâm Tý (1792) tháng mạnh thu (bảy) Nguyễn Huệ mất, khác với hai chính sử Đại Nam liệt truyện của ta và Đại Thanh thật lục của Trung Quốc, cả hai sách đều chép vào tháng chín như nhiều sách khác. Thế mà sự thật chắc chắn là Quang Trung mất ngày 29 tháng bảy, đúng tháng 7 như sách Đại Nam thật lục chép và phù hợp với lời thư của các giáo sĩ Pháp Guérard và Labousse gửi về Paris. Trong bài Ngày giờ Quang Trung mất (báo Dư luận, số 28, Hà Nội, 1946 hoặc sách La Sơn Phu tử, trang 156) , sau khi chứng minh sự lầm ngày quốc tế Quang Trung, tôi đã đoán rằng triều đình cố giấu hung tín trong hai tháng để tâu dối với vua Thanh. Thuyết ấy được nhận đúng nhờ lời thư của giáo sĩ Longer gửi cho Baladin ngày mồng 10 tháng 2 năm 1793: cái chết của tiếm vương Quang Trung được giữa bí mật gần hai tháng trời…(xem lời dịch của Đặng Phương Nghi, Sử địa số 13, 1969, trang 152).

Trong khi so sánh các ký tải của ta, tôi cũng đã dùng những chứng được thấy trong các thư giáo sĩ. Còn về ký tải của ta thì tôi nay ở xa nguồn, chưa thể bổ túc những điều đã lượm được trước đây hai mươi năm. Vậy những điều sẽ trình bày chắc còn tu bổ hoặc cải thiện hơn.

Trở lại phần Hán văn trong Lữ trung ngâm, các thơ trao đổi với các “vị tiên” mà trong lữ thứ Huy Dao hay cầu, nó chiếm gần hết tập. Trái với phần liên quan đến sử, trong đoạn nầy Huy Dao lại chép rõ đêm nào cầu lên những tiên nào, nào Lý tiên (Lý Thái Bạch), nào Lã tiên (Lã Động Tân), nào Hàn tiên (Hàn Tương), nào Hải thượng đạo ông (?) cho đến Phủ Huyền chính là con trai mình, từng đã theo cha tị ẩn, bị chết năm ba mươi tuổi; từng hầu chuyện với tiên và được tặng hiệu Phủ Huyền ! Trong khi tiên giáng, hoặc tiên ban thơ, ông họa; hoặc ông xin thơ tả cảnh tả tình thay ông. Lại xin thơ về thời sự. Ta phải nhận rằng các thơ của “tiên” hoặc của ông, lời nhẹ nhàng hay hơn thơ ông khi còn theo chúa. Ông không nói rõ cách ông cầu tiên, cho nên không biết ai cầm “bút” cành đào, hoặc con cơ để viết hộ “tiên”. Con trai ông chăng ? Bạn văn ông chăng ? Dẫu sao, những thơ nầy không vì dính đến sự huyền ảo, hay hoang đường, mà không giá trị về văn và về tâm lý chính trị. Các nho sĩ điển hình như Đỗ Linh Thiện và Phạm Quý Thích, cũng hơi ngờ nhưng không nỡ bác. Cho nên trong tựa đã khéo đưa chuyện Thiên vấn trong Sở Từ của Khúc Nguyên (thông thường phiên là Khuất Nguyên (BT)) ra mà bình luận ẫm ờ.

Về thân thế Lê Huy Dao, theo Lữ trung ngâm mà đoán thì khi Nguyễn Hữu chỉnh tới Thăng Long lần thứ hai (tháng chạp năm Bính Ngọ, đầu 1787) ông theo chúa Yến đô chạy về Quế Ổ, huyện Quế Dương, xứ Kinh bắc. Thảo hịch đánh Chỉnh ở đó. Sau khi doanh đồn Quế Ổ bị vỡ (tháng giêng năm Đinh Mùi 1787), ông theo chúa chạy đi Hàm Giang ở Hải Dương, Đinh Tích Nhưỡng đưa ra đóng ở Đồ Sơn. Ông vẫn giữ chức nội thị làm việc từ hàn. Tháng hai lại cùng chúa trốn Nhưỡng đi Bác Trạch, huyện Chân Định (nay Trực Định) gần cửa Lân và cửa Ba Lát. Cuối tháng ba, thuỷ quân Đinh Tích Nhưỡng bị đánh vỡ ở đó. Chúa được rước về Đông Hồ thuộc huyện Đông Quan (gần Thái Bình), Bùi Khuông, con nhà thế gia vùng ấy tổ chức dân quân giữ vững trận thế trong bốn tháng mới tan. Chúa chạy ra Yên Quảng rồi trá hình để ẩn lánh tại các chùa vùng Lạng Sơn. Chắc rằng Huy Dao không chạy theo chúa nữa và có lẽ ẩn lánh ở vùng Đông Quan. Nhưng cũng có thể rằng ông không tới Đông Hồ với chúa mà đã chạy theo Đinh Tích Nhưỡng, bởi vì trong Lữ trung ngâm không hề nói động đến việc Đông Hồ, và sau đó một năm ông lại giúp từ hàn cho Nhưỡng.

Trước đó, vào đầu tháng chạp năm Đinh Mùi (đầu năm 1788) Vũ Văn Nhậm ra Thăng Long đánh Chỉnh. Vua Chiêu Thống cùng Chỉnh chạy lên Mục Sơn thuộc Kinh bắc. Chỉnh bị bắt rồi bị giết, vua chạy trốn. Huy Dao được thư của Bùi Bật Trực, khâm sai tán lý đạo Sơn Nam có lẽ bảo giúp việc cần vương. Ông thảo bài hịch dụ bốn phương cần vương đánh Tây gửi nhờ Bật Trực chuyển lên vua. Vua ban cho ông huy hiệu tiến triều. Tuy vậy, hình như ông không hề gặp Chiêu Thống trong khoảng nầy.

Cuối năm sau, Mậu Thân, khi quân Thanh đã đóng ở Thăng Long (đầu 1789) ông làm hộ Đinh Tích Nhưỡng bức thư gửi cho tướng Thanh xin cấp bằng cho giữ Sơn Nam để chặn ở Vị Hoàng. Rồi Chiêu Thống nhận sắc phong (22 tháng chạp) lo chuyện lập triều đình, thi ân oán. Yến đô vương từ khi ẩn vùng Lạng Sơn bị lộ, được các phiên thần ủng hộ, nhưng bị dân chúng chống đuổi, phải chạy về xuôi và cuối cùng lánh ở vùng huyện Kim Bảng, phía nam Thăng long. Chúa về chầu, được tha thứ nhưng giáng xuống tước Huệ địch công, nghĩa là mất chức quyền chúa. Không rõ bấy giờ Huy Dao có về không. Chỉ biết rằng, sau ngày tết năm sau, Kỷ Dậu (1789) quân Thanh bị diệt, Chiêu Thống chạy lên Bắc, Trịnh Bồng chạy về Tây. Dực vũ công Lê Duy Chỉ, em Chiêu Thống chạy về Tuyên Quang, rồi thấy Quang Trung được vua Thanh sắc phong, cả hai cánh, Bồng và Duy Chỉ, tự lo chống Tây Sơn ở Bắc. Còn Huy Dao thì trở lại lánh nạn gần bể vùng Thái Bình, tại làng Thụ Triền thuộc huyện Thanh Lan (nay đổi Thanh Quan). Sau khi bắt liên lạc với Trịnh Bồng, lại được gọi về Sơn Tây giúp việc từ hàn như trước.

Tháng tư năm sau, Canh Tuất (1790), Huy Dao thảo bức thư lấy lời Bồng gửi cho Duy Chỉ ở Bảo Lạc (ở biên thuỳ Hà Giang ngày nay) đề nghị “phàm cơ nghi đánh dẹp cùng nhau hiệp đồng thương nghị”. Bấy giờ Bồng lại tự coi mình là chúa, ban cho ông chức nhập thị. Duy Chỉ trả lời chấp thuận; lấy danh nghĩa nhà Lê mưu phục quốc. Huy Dao thảo các văn tế Trời Đất, tế Bách thần, tế các vua trước và tế các chúa trước.

Vào tháng mười một, ông thay lời Hoàng đệ Duy Chỉ viết các hịch bằng văn nôm: dụ các người trung nghĩa (ở Bắc), dụ phiên thần các xứ, dụ hai xứ Thanh Nghệ. Bấy giờ sự kháng địch coi chừng có tổ chức. Ông theo lệnh truyền mật chỉ cho các người cần vương chung quanh Kinh đô. Ông ghi rõ rằng:

“Về văn ban, quan tham tụng cũ Tứ Xuyên hầu (Phan Duy Phiên hoặc Trọng Phiên, quê Đông Ngạc cạnh Hồ Tây) được nhận hai mươi hốt bạc; các quan đốc đồng Nguyễn Duy Khiêm, Lê Công Thạc, Lê Đăng Cử đều nhận được mật chiếu. Về vũ ban, Quản vũ hầu (2) ở đạo Bắc, Can vũ hầu ở đạo Đông, Vạn vũ hầu (con Hoàng Phùng Cơ) ở đạo Tây đều nhận được mật chỉ. Diễm trung hầu, Hoa đình hầu, Vĩnh trung hầu thì được vi thần (tiếng nói khiêm trỏ mình, nghĩa là tôi mọn) trực tiếp trao mật chỉ làm nội ứng (ở Thăng Long).

Từ tháng mười năm ấy (Canh Tuất 1790), Trịnh Bồng náu ở huyện An Sơn, phía Tây Thăng Long để lo sự đánh úp thành nầy. Nhưng sau khi giao quyền cho Huy Dao và các bầy tôi khác tổ chức, lại đi vùng thượng du, rồi đầu năm sau (Tân Hợi 1791 – Bản sử Địa in nhầm là Tân Dậu – BT- chừng tháng giêng) mất tại Cao Lũng. Tin ấy vừa đưa về thì cuôc âm mưu tập kích Thăng Long bị lộ vì Tín vũ hầu làm việc không kín. Nhiều đồ đảng bị hại.

Thất vọng đủ mọi đàng, Huy Dao lại đưa vợ con trốn đi vùng Thái Bình, bắt đầu ngụ tại làng Thuỳ Dương thuộc huyện Thuỵ Anh. Ông làm lễ chịu tang ở đó. Bài văn tế bằng Hán văn và bài văn tế khi hết tang nay còn. Rồi cũng trong năm Tân Hợi ấy (1791), Lê Duy Chỉ bị Hoàng Văn Đồng phản nên bị quân Tây Sơn bắt giết ở Tuyên Quang. Con đầu Trịnh Bồng ngầm mưu báo phục sau khi cha mất, cũng bị tên phản bội tố giác bèn mất. Huy Dao có làm những bài văn, bằng Hán văn; nay còn.

Ở Thuỳ Dương huyện Thụy Anh, hình như ông cũng sợ lộ, nên mùa đông năm ấy, lại chạy sang ở xã Sơn Đường cùng huyện. Cả hai làng ấy đều tọa lạc trên ven bể. Ngoài khơi có nhóm đảo Hòn Đậu, phương bắc có núi Tháp Sơn (Đồ Sơn) và núi Cửu Long. Cảnh trí rất đẹp, vì cảnh, vì tình, trong khoảng nầy ông rất nhiều thi tứ. Cho nên đã cầu tiên luôn luôn để đề vịnh với tiên trong suốt mấy năm. Với óc chính trị của ông, ông không khỏi phỏng vấn các tiên về chính trị ! Đêm mồng 9 tháng sáu năm sau, Nhâm Tý (1792) Lã tiên (Lã Động Tân) giáng, họa các thơ mà năm hôm trước tiên Hải thượng đạo ông đã ban và ông đã họa. Trong thơ của Lã tiên lần nầy có hai vế:

Nhật quang khả tẩy trung thần cổ
Triêu lộ nan thu bão chúa kim
(ánh mặt trời có thể rửa giận của kẻ trung thần khi trước;
móc buổi sáng khó thâu bão chúa ngày nay).

Vế dưới nghĩa gì? Đối với Huy Dao thì sau khi Quang Trung mất, câu thơ ấy là một câu sấm. Sự Quang Trung mất là biến cố độc nhất làm cho ông sung sướng trong khoảng nầy. Ông có để lại bài thơ thất ngôn bằng hán văn Mừng kẻ thù là Quang Trung Nguyễn Huệ chết, với lời dẫn rằng:

Năm Nhâm Tý (1792) tháng mạnh thu (bảy), Nguyễn Huệ chết. Bấy giờ tôi ở trọ tại làng Sơn Đường, huyện Thuỵ Ạnh. Thình lình nghe nguỵ khâm truyền cho dân sở tại để tang và cấm ca xướng. Tôi thình lình múa nhảy và làm thơ mừng.

Thơ ấy, tôi sẽ dẫn sau. Có sự lạ là hình như triều đình không giấu tang đối với dân trong nước, mà chỉ giấu người Thanh. Thế thì sao mà giáo sĩ Pháp Longer lại biết chuyện giấu.

Cũng trong mùa thu ấy, Huy Dao lại trở về xã Thuỳ Dương. Đầu năm sau Quý Sửu (1793), sau khi làm lễ trừ phục (hết tang) Yến đô vương, ông mời con thứ hai chúa về đó mà nuôi, đổi họ tên rồi cùng đi học với các trẻ con khác. Đến mùa xuân năm sau, Giáp Dần (1794), con chúa cũng mất. Ông làm lễ táng ở làng ngự cu, đọc văn tế, nay còn. Các dòng vua Lê, chúa Trịnh đến bấy giờ là hết. Có lẽ còn con chúa Đoan Trịnh Tông, nhưng không biết ra sao.

Bấy giờ, thị trung Ngô Thì Nhậm đi sứ cáo tang Quang Trung đã về, và hình như không được trọng dụng như đời vua trước, chỉ chuyên về việc tổng tài, nghĩa là soạn sử. Thì Nhậm theo gương Trần Văn Kỷ dỗ mình hồi trước, viết thư mời các danh sĩ còn ở ẩn, như Trần Danh Án, Vũ Trinh. Năm Ất Mão (1795), có hàn lâm người Tào xá họ Lê, trước đậu giải nguyên, vâng ý Thì Nhậm ướm tình Huy Dao. Thấy chỗ ẩn đã lộ, ông bèn đem cả gia đình chạy xuống phía nam, ngụ ở xã Kiên Lao huyện Giao Thuỷ.

Vận rủi vẫn kéo dài. Đêm 26 tháng hai năm sau (Bính Thìn 1796), con trai ông, đã ba mươi tuổi, từng chạy theo ông, không bệnh mà mất. Ông đau xót vô cùng. Theo lời ông chép lại, con ông rất thông minh, học rộng, nhớ nhiều; văn chưong rất thanh kỳ. Thường hầu thơ với các tiên và đã được ban cho hiệu Huyền phủ, nghĩa là có tiên cốt. Ông nhắc lại rằng đêm 27 tháng năm năm Nhâm Tý (1792), nghĩa là bốn năm trước khi mất, con ông đã hỏi tiên về tiền trình mình. Tiên đã trả lời bằng một bài thơ, trong có hai vế: Nhãn tiền sự nghiệp tu vô vấn. Thân hậu công danh tổng thị không; nghĩa rất rõ; sự nghiệp trước mắt nên đừng hỏi, công danh sau nầy hoàn toàn không. . Thấy trả lời như vậy, ai mà chẳng sửng sốt. Lại hỏi thêm thì tiên cho thêm hai vế, dịch như sau: Ông hỏi tiền trình thôi hãy hưỡm, Khiến người xa ngóng chuyển thành không. Đối với cha con ông rất tin về việc cầu tiên và về tiền định, như hầu hết người đương thời, thì những câu đoán vận mệnh kia đã làm buồn bã lo âu năm này sang năm khác trong bốn năm liền. Ông táng con ở Kiên Lao và đề hai câu đối, nay còn. Câu thứ hai đề:

Nhược bằng tiên bá tứ nhi thi, mang mang Nhược thuỷ Bồng sơn, thử nhật tiêu dao nhi hữu cảnh. Chỉ trướng trần gian di ngã thích, tịch tịch tha hương khách địa, đương niên tư vọng hận vô đài.

Nghĩa: Nếu theo Tiên bác tặng thơ con, mịt mờ. Nhược Thuỷ Bồng sơn nay đã tiêu dao chừng sẵn cảnh. Chỉ khổ trần gian ta chịu sót, thui thủi tha hương khách địa, hằng năm ngóng tưởng giận không bờ.

Khi hết tang con, ông bốc mộ con đem về làng Nhân Mục táng (có lẽ năm Kỷ Mùi 1799). Nhưng lại bị viên tả thị lang bộ hình, Liên hương hầu tiến cử để dạy con viên điện-tiền đại tư khẩu (có lẽ là Vũ Văn Dụng, xem Đại Nam liệt truyện sơ tập, quyển 30, chuyện Nguyễn Quang Toản). Bấy giờ, nhân ở làng, tiện đường chạy đi Sơn Tây, trốn ở thôn Bạch Hạc (Việt Trì). Ở vùng nầy, xem chừng được yên ổn, vả lại gần những bạn văn. Phong cảnh cổ tích có nhiều nơi đáng đề vịnh. Tập Lữ trung ngâm còn để một số thơ đề hai cổ miếu, thơ tặng tiến sĩ Đỗ Linh Thiện (người sau đề tựa tập nầy), hoạ thơ tiến sĩ Nguyễn Thì Ban, thơ lưỡng giả nguyên Phan Huy Dung.

Hai năm sau, vợ ông bị bệnh “hàn thấp”, xem chừng nên nặng. Đêm mồng hai tháng ba năm Tân Dậu (1801), ông lập đàn cầu tiên xin bài thuốc.. Theo lời kể lại, sau khi tiên giáng, ông hỏi hiệu thì tiên viết hai chữ Lê Huyền và đề mấy câu thơ ý nói hôm nầy mới về hầu mẹ để tỏ tâm trường. Như vậy, ông yên trí con mình đã thành tiên. Tiên lại cho bài thuốc (còn chép lại) và ngỏ ý bệnh khó chữa. Từ đó ông lại cầu tiên luôn, hoặc để nói chuyện với con, hoặc xin thơ của Lý tiên, hoặc hỏi bệnh tình vợ.

Nhưng cũng không vì vậy mà ông không nghĩ đến chính trị. Vả bấy giờ quân của thượng công Nguyễn Phúc Chủng (Gia Long) đã kéo ra chiếm Quy Nhơn và lấn lần ra vùng Quảng Ngãi. Trong đêm rằm tháng ba, ông hỏi Lý tiên rằng hiện nay Nguyễn công có thể đem đại quân tới không ? “Tiên” trả lời ẫm ơ bằng bốn chữ: thử diệt nhất hội (bây giờ cũng là một cơ hội) và cho một bài thơ, kết bằng: Đan tâm khả ái kiên như phát, Phản lão hoàn đồng diệc nhất cơ (Lòng son khá mến bền như tóc, Đổi già ra trẻ cũng là nhịp). Ông không từ chối, trong thơ ông họa lại đã kết bằng câu: Hoàng đồng tha nhật phù thanh dụ, Bang hữu toàn bằng tạo hóa cơ (Trẻ lại ngày nào như đã bảo, Toàn nhờ máy tạo hóa giúp cho).

Tháng tư, bệnh tình vợ khá bớt, thể sắc trở lại như cũ. Về việc nước, thì các biến cố rất quan trọng dồn dập tới. Tháng năm (Tân Dậu 1801) Nguyễn công thu phục Phú Xuân. Quang toản chạy ra Thăng Long, đổi niên hiệu Cảnh Thịnh ra Bảo Hưng, mở một triều đình mới ở cung điện vua Lê. Không thấy ông ghi lại tình ý đối với sự ấy. Có lẽ ông bắt đầu mừng, nhưng khi không thấy Nguyễn công đuổi theo, ông đã hoang mang. Rồi đến tháng mười, vợ ông thốt nhiên thở dài vài tiếng mà mất. Ông còn để lại một câu đối và một bài trường thiên khóc vợ khá lâm ly. Nhưng lời kết tỏ vẻ ông phấn khởi vì thời cuộc, khác hẳn hồi con mất.

Tháng mười một lai hỏi tiên về quốc sự, rồi cùng quan bình chương kinh người Kim Lũ (chắc là Nguyễn Huy Túc, trước đã đưa gia quyến Chiêu Thống tự Cao Bằng chạy sang Trung Quốc) mưu khởi chống Tây Sơn. Nhưng ốm, ông làm bài khấn cầu Trời phù hộ; nay còn. Quang Toản đưa quân vào Quảng Bình bị thua to. Ông bèn tự mình bịa ra lời của Nguyễn công làm bài hịch Dụ Bắc thành trung nghĩa hào kiệt gửi cho các người quen mọi nơi, tỏ ý đang đem quân ra Bắc diệt giặc phù Lê, và bảo những người trung nghĩa với Lê cất quân đánh giăc. Bài hịch giả mạo nầy làm bằng nôm. Nay còn.

Đó là hành động chính trị cuối cùng của ông. Năm sau, mồng hai tháng năm năm Nhâm Tuất (1802), Nguyễn công lên ngôi hoàng đế ở Phú Xuân, sai sứ sang Thanh cầu phong, rồi đưa quân ra đánh Bảo Hưng. Bấy giờ ông mới tỉnh mộng phục hưng nhà Lê. Tháng chín năm ấy, lại được tin Chiêu Thống đã mất ở Yên Kinh. Ông nhà nho đành làm lễ tang phục ngảnh về bắc mà khóc và đọc một bài văn tế. Ấy ngày 29 tháng chín. Bài văn tế viết bằng Hán văn, nay còn.

Xong rồi, ông lại lìa Bạch Hạc, đi đến huyện Phù Khang (Phù Ninh ở phía tây Việt Trì), trọ ở xã Hạ Hoàng, thôn Vĩnh Xá. Ở trong đình làng trên núi, để giữ tang. Rôi lo bề ở lại lâu dài, mở trường dạy học để tránh khỏi phụng sự triều mới. Nhưng vì bệnh, nên năm sau Quý Hợi (1803), ông phải về Bắc thành dưỡng bệnh. Ông gặp lại những văn hữu hoặc đồng chí cũ. Ông mới đưa tập Lữ trung ngâm cho tiến sĩ Đỗ Linh Thiện xem. Như ta đã biết, ông nầy đề tựa vào tháng mười một, thì cũng tháng ấy Lê Huy Dao mất. Không biết ông thọ bao nhiêu. Nhưng biết rằng năm 1796 con trai ông đã ba mươi tuổi. Vậy con sinh năm 1767. Ông cưới vợ trước đó một năm. Từ đó mà suy thì ông sinh vào khoảng hai mươi năm trước đây, nghĩa là vào khoảng năm 1747, và ông thọ chừng 55 tuổi.

LỮ TRUNG NGÂM

Cố Lê vi thần Tiến triều Nhập thị Dao trì bá.
Lê Huy Dao soạn
(ng. ch. Ông người huyện Thanh Trì, làng Nhân Mục. Nguyên tên là Lê Huy Vi).

1. (ĐỀ TỪ).

1. Mạch ca thân hữu cảm
Thử phú tối kham liên
Dĩ hĩ lăng vi cốc
4. ai tai hải biến điền
(dịch:)
Ca Mạch ngâm rất thảm
Thơ Thử ngẫm càng đau
Ôi thôi ! Cồn hóa vực
Xót nhỉ ! Biển thành dâu

Thích nghĩa:
1. Mạch ca: bài ca của Cơ-tử di-thần nhà Thương làm khi qua kinh đô cũ nhà Thương chỉ thấy lúa mạch mọc trên nền thành cũ mà buồn.

2. Thử phú: thơ của một đại phu nhà Chu làm khi đi qua cung miếu nhà Chu hồi thịnh, mà chỉ thấy lúa kê mọc rậm rì.

2. TỪ NGUYỄN HUỆ ĐUỔI TRỊNH KHẢI ĐẾN NGUYỄN HỮU CHỈNH ĐUỔI TRỊNH BỒNG.

5. Lê hoàng từ có Nam-thiên
Dấu vương nền đế dõi truyền vân nhưng
Trải sáng nghiệp trung hưng sau trước
Kể năm đà được ngoại ba trăm
Đương cơn chim nhạn êm đầm
10. Bỗng duềnh Đông hải tăm kình rắp go
Dòm quốc đô vừa khi binh biến
Chiếc cánh bằng khéo quyến lông hồng
Tưng bừng lửa hổ tứ tung
Đã miền Ô Lý lại vùng Hoàng Châu.

Thích nghĩa:
6. Vân nhưng: cháu chắt lâu đời sau.

7. Sáng nghiệp: lập ra triều vua; trỏ Lê Lợi. Trung hưng trỏ Trịnh Kiểm, Trịnh Tùng diệt Mạc lập lại Lê. Nên để ý đến vần được ở vế sau ở vào chữ thứ tư.

9. Nhạn êm đầm: văn tử trỏ sự không có giặc giã. Nhạn ở ao đầm kêu, tượng trưng sự loạn.

10. Đông hải: ng.ch. Nguyễn Hữu Chỉnh quê ở làng Đông Hải.
Rắp go: nguyên viết hai chữ Hán: Lập (đứng), cô (côi). Nếu lấy nghĩa chữ Hán (cô lập) thì không thông ý. Chắc đó là nôm. Chữ lập thường đọc rắp. Còn chữ cô thì ý và âm ra sao ? Hoặc là bảo đã chép lầm ? Lấy ý cả hai vế 9 và 10 mà đoán, thì thấy đây tác giả muốn nói: thời đang yên mà mầm loạn đã gây ra từ Chỉnh. Tác giả lại dùng lối văn chơi chữ mà dùng điển tăm kình (sóng gợn bởi cá kình, trỏ giặc dữ) lẫn với nhạn đầm, bể Đông . Giá như viết “tăm kình nhấp nhô” thì nghĩa cũng thông. Hoặc rắp nhô ? nhưng theo tự dạng thì không thể có sự viết lầm như thế. Tôi đành tạm đọc: rắp go, tiếng go nay còn có nghĩa là co, kéo lại, rút, gấp lại; và lấy nghĩa: mặt nước đang bằng bỗng go lại.

11. Binh biến: trỏ loạn kiêu binh giết Hoàng Đình Bảo, chủ tướng của Chỉnh. Cho nên Chỉnh sợ chạy vào hàng Tây Sơn.

12. Cánh bằng…lông hồng: trỏ Chỉnh đi rủ quân Tây Sơn đánh ra. Bằng lĩnh hầu là tước của Chỉnh. Quân Tây Sơn cầm cờ đỏ có tháp lông gà nhuộm đỏ, gọi là cờ hồng mao. Đây tác giả dùng điển và chơi chữ. Cánh hồng lại trỏ kẻ có đại chí đi xa lập công.

13. Hỏa hổ: ng. ch.: Hồi ấy Tây Sơn hay dùng hoả hổ, tức là thuốc cháy bắn bằng hỏa tiễn.

14. Ô Lý…Hoàng châu: trỏ quân Tây Sơn lấy vùng Thuận Quảng rồi ra lấy đất vua Lê

***
15. Giả tôn phù chỉn toan te nghé
Dưới Vương cung chẳng nể ty hào
Cân công đức biết là bao
Phụ nghì như CHỈNH nỡ nào cho cam
Đau đớn đức ĐOAN NAM tuổi trẻ.
20. Mình muôn vàng xem nhẹ mảnh lông
Trải tần tặc đảng tán không
Thánh hoàng tưởng lại tiền công thêm ngừng
Khâm sách vâng đại quân hữu mệnh
24. Yến đô vương phụ chính như xưa

Thích nghĩa:
15. Chỉnh: chỉ những
Te nghé: dòm rình để trộm. Trỏ sự giả nói phù Lê diệt Trịnh mà cướp nước.
18. Phụ nghì: bội nghĩa làm tôi.
19. Đoan nam: Chúa Trịnh Khải hay Tông.

20. Nhẹ mảnh lông: ng. ch.: Hồi ấy Vương làm quốc suý mà bị chết. Mệnh người bị chết yểu, mỏng manh như lông. Trỏ sự Trịnh Tông thua trận ở bến Tây Long, rồi chạy đi Sơn Tây, bị kẻ phản bắt, bèn tự vẫn.

21. Trải tuần: qua vài mươi ngày.
Tán không: trỏ quân Tây Sơn bỏ Thăng Long mà hoàn toàn rút lui.

22. Ngừng: buồn, rầu nét mặt. Trỏ sự vua Chiêu Thống nghĩ đến công các chúa Trịnh trước mà buồn (ý riêng tác giả).

23. Khâm sách: tuyên chỉ của vua để phong.
Đại quân hữu mệnh: có mệnh vua lớn.

24. Yến đô vương: Trịnh Bồng ép vua phong làm phụ quốc chính.
* *
*
25. Hay đâu lòng giặc khôn ngừa
Phù kia diệt nọ quen mờ người ta
Này gươm A lại toan đảo bính
Dấu Vũ thành dám sánh Chu vương
Cong khi cảnh báo song mang.
30. Biên hàn vỡ mật miếu đường bó tay
Thế đã lay nặng lòng Suý phủ
Chiếc xe loan bắc thú lênh đênh
Qua làng Trúc ổ an doanh
Vi thần hổ dự nhung hành một tên
35. Mảy dám quên Tông chu đại nghị
Chỉn căm loài giả nghĩa thương ân
Vâng làm một hịch vân vân
38. Ngõ bình loạn tặc vả răn gian hùng.

Thích nghĩa:
25. Khôn ngừa: khó ngăn
26. Phù kia diệt nọ: Chỉnh kéo cờ: vâng mệnh vua đem quân phò vua (diệt Trịnh). Nhưng tác giả kiêng không nói rõ.
27. Gươm A…đảo bính: cầm ngược gươm Thái A (Hán thư), trao cho một bầy tây; nghĩa là trao quyền. Đây trỏ sự Chiêu Thống sắp trao quyền cho Chỉnh.
28. Vũ thành: Nguyên là tên một thiên trong Chu thư, ý là vũ công đã thành. Hữu Chỉnh lấy danh ấy đặt tên cho hiệu quân mình (nhưng hình như sau khi đến Thăng Long rồi mới lấy hiệu ấy, còn trước thì chỉ dùng chữ đột và chữ thành mà đặt tám hiệu quân gọi chung là tứ đột và tứ thành (xem HLNTC).
29. Cong: âm cổ tiếng trong
Song mang: bối rối lật đật.
30. Biên hàn: quân giữ biên thuỳ.
32. Bắc thú: tiếng trỏ vua chúa (đây trỏ suý phủ nghĩa là chúa Yến đô) chạy lên phía bắc.
33. Trúc Ổ: xã thuộc huyện Quế Dưong, trên bờ bắc sông Đuống phía nam núi Lãm Sơn. Chúa đóng doanh ở đó (nay thuộc huyện Quế Võ tỉnh Bắc Ninh – BT)
34. Vi thần: tiếng nói khiêm tác giả dùng tự trỏ.
Nhung hành: tham mưu quân sự trong khi vua chúa thân chinh.
35. Tông chu đại nghị: nghĩa lớn bầy tôi đối với thiên tử, ý nói không dám chống vua Lê.
36. Thương ân: làm tổn hại lòng biết ơn, ý nói chỉ thù Chỉnh mà thôi.
37. Lê Huy Dao thảo bài hịch kể tội Chỉnh để khuyên đánh Chỉnh.

3. THẢO BẰNG QUẬN NGUYỄN HỮU CHỈNH HỊCH
(Hịch đánh quận bằng Nguyễn hữu Chỉnh)
(Nguyên văn:)

39. Hán tiết kìa khi bắc tuận, lũ thuộc tâm đều thấy qun quân; Đường linh nọ thủa tây hành, đoàn chấp khống há lãng xem xa giá.
41. Tiết cứng hổ chi trời đất;
Lòng ngay chung cả xưa nay.
43. Ta: Trộm dự bản chi;
Chút là đích phái.
45. Lọn thần tiết, đôi mươi năm nhẫn trước; ủng bách thoắt cùng suy đới; Trời về, người ứng, há toan mưu.
Tóm quyền cương ba bốn tháng lao bao; phân mang chưa kịp tu nhương; ngoài rối, trong ngăn, ai thụ trách.
47. Song kế loạn cũng vì bước nước;
Vả dục bình chưa chuyển máy trời.
49. Cờ Khâm sai khôn tỏ thực hư, gang tấc chống uy còn chút ngại;
Xe xuất hạnh phải theo quyền biến, dần dà chờ thế để sau toan.
51. Lệ vu đón rước nào ai;
Cơ đích theo cầm ít kẻ.
53. Trùng trập lâu đài mấy lớp, trông nền đường cấu chạnh bồi hồi;
Dọc ngang triều chợ đòi chòm, tưởng hội y thường thêm bát ngát.
55. Thành quách sơn hà nguyên chẳng khác;
Nhân dân xã tắc cũng là chung.
57. Hoàng triều nghìn tuổi âu vàng, chữ “Thật lại..”còn in dấu cũ.
Báu khuyết ba ngày ngọn lửa, lời “Tại đồn” đã lạnh nguyền xưa.
59. Gẫm đà cung man mác thể nầy,
Vì Bằng quận lăng loàn nên nỗi.
61. Trở Quốc suý để đắt mưu Mãng Tháo; nghĩa chúa tôi vỗ sạch dường không
Cặp Thiên vương toan mượn tiếng Hoàn văn; nước cha mẹ phá tan như rửa.
63. Tính mặt còn nhiều danh tá,
Bó tay sao chịu bạn thần ?
65. Dù Tông Chu là đại nghĩa tua gìn, bui Trung hưng thật lục còn đây; mậu đức long công chi nỡ phụ !
Bằng tự Hạ ví miếu cung chưa xứng, thì Liệt vị Thánh vương về trước, thâm nhân hậu trách khá nên quên.
67. Chúa âu thần nhục, quản nài chi;
Quốc trọng thần khinh, cân nhắc đấy.
69. Cu góp lữ thành mấy lũ, lấy sóc phương làm chốn thu binh;
Rủ rê trung nghĩa một đoàn, trông Nhị thuỷ trỏ ngày phản bái.
71. Biên có giặc, phải xin thanh tội;
Vua là trời, há dám xưng qua.
73. Tại thiên liệt miếu dấu hãy còn thiêng, nhờ tương hữu dựng công kham bát;
Hữu đạo hi triều đời dõi nối, dốc khuông phù đặt thế tôn an.
75. Trước sau dãi mấy nhiêu lời;
Trên dưới tua cùng một sức.
77. Dù nghĩ đỉnh chung đến lộc nặng, tấm trung thành phó đã quỷ thần.
Đành hay thư khoán chép công dày, lời minh thệ trỏ cùng non nước.

Nguyên chú: (dịch): Tháng mạnh xuân (giêng) năm Đinh Mùi (1797) Nguyễn Hữu Chỉnh thác danh tôn Lê, xui giặc hai xứ Thanh Nghệ nổi, lại phạm kinh khuyết, đốt Vương cung. Yến đô vương dời đi Kinh bắc. Ngày ấy vi thần hộ tùng, vâng soạn hịch nầy, luân chuyền cho các đạo kinh bắc, Hải Dương, để đánh loạn thần.

39. Hán tiết…: cờ nhà Hán chạy lên phưong bắc. Trỏ sự Yến đô chạy lên Kinh bắc, mà dùng điển Lưu Tú bị Vương Mãng tiếm ngôi Hán, bèn đem quân lên Hà Bắc, sau khôi phục nhà Hán mà lên ngôi (Hán Quang đế).

40. Đường linh…: nhạc ngựa nhà Đường đi về Tây, ngụ chuyện Đường Minh Hoàng vì loạn An Lộc Sơn rồi loạn Sử Tư Minh, phải chạy sang đất Thục. Nhiều trung thần nghĩa sĩ giúp.
Chấp khống: cầm cương ngựa đê hộ vệ.

43. Bản chi: trỏ chi họ Trịnh nối dòng làm chúa.
44. Đích phái: Bồng là con chúa Uy, Trịnh Giang thuộc dòng trưởng.
45. Ủng bức…suy đới: ủng hộ và ép lên ngôi chúa. Trỏ sự Bồng vốn tôn vua, không hề xin lập ngôi chúa lại, vì tướng Đinh Tích Nhưỡng ép nên mới nhận, vì lẽ trời thuận cho và dân ứng về. Đây là thuyết của phe chúa.

46. Phân mang…tu nhương: đang bối rối chưa kịp sửa chính ở trong, dẹp loạn ở ngoài. Tỏ ý rằng mình chịu cáng đáng công việc chính trị.

47. Kế loạn: loạn nối nhau.
48. Dục bình: muốn yên. Hai vế nầy để đổ lỗi cho vận nước, lòng trời.

49. Cờ khâm sai: trỏ cờ quân Nguyễn Hữu Chỉnh trương ra khi kéo quân tới Thăng Long, lấy nghĩa là vua Lê sai đến. Ý muốn nói vì vậy mà không chống lại.

50. Xe xuất hạnh: trỏ sự chúa Yến đô bỏ Kinh mà đi; ý nói ấy là để chờ xem sự vua gọi Chỉnh có thật không.

51. Lệ vu: ăm cơm hẩm, nằm bãi cỏ.
52. Cơ đích: dây cương và hàm thiết ngựa.

53. Đường cấu: trỏ sự nối nghiệp cha.
54. Triều thị: trỏ cung điện và phố xá ở kinh.

57. Âu vàng: trỏ ý một nước vững chắc.
Thật lại: hai chữ nghĩa đen là thật nhờ (chúa Trịnh), thường dùng trong các chiếu chỉ đời Lê, ví dụ trên các bài bia Tiến sĩ ở Thăng Long.

58. Báu khuyết: trỏ cung chúa Trịnh bị đốt.
Tại tồn: ngụ lời vua Lê (?) thề với họ Trịnh rằng còn mất với nhau: “Lê tồn, Trịnh tại, Trịnh bại, Lê vong”, nghĩa là: nếu ngôi vua Lê còn thì ngôi chúa Trịnh còn; nếu ngôi chúa Trịnh bỏ thì ngôi vua Lê cũng mất.

59. Đà cung: trỏ cung chúa. Đây trỏ Yến đô vương phải chạy lang thang.

61. Trở Quốc suý: kháng với chúa.
Mãng tháo: Vương Mãn tiếm ngôi Hán. Tào Tháo mưu cướp ngôi Hán. Cả hai có tiếng mưu mô giả trá.

62. Cặp thiên ương: ủng hộ vua thiên tử khỏi chư hầu hiếp.
Hoàn Văn: Tề Hoàn công và Tấn Văn công là hai trong Ngũ bá đời Xuân Thu được tiếng đã phò thiên tử nghĩa là vua nhà Chu.
Rửa: chữ nôm gồm bộ Thuỷ và bộ Lữ. Rửa nghĩa là sạch trơn.

63. Tính mặt: trỏ từng người mà đếm. Tác giả gò tiếng ấy để đối một cách xuất sắc với bó tay.
Danh tá: người giúp việc có tiếng.

64. Bạn thần: bầy tôi phản chúa.
65. Tông Chu đại nghĩa: nghĩa lớn đời thịnh Chu, nghĩa là nghĩa bầy tôi đối với Thiên tử. Đây muốn nói đạo thờ nhà Lê.

Tua: nên, tức là chữ Tu.
Bui: nghĩa chữ duy, nhưng mà.
Trung hưng thật lục: tên sách: chép công họ Trịnh phục ngôi vua cho Lê.
Mậu đức long công: đức to của họ Trịnh và công lớn của các chúa.

66. Bằng tự Hạ…xứng: nếu thân mọn nầy không đáng giữ việc thờ của các chúa trước.
Thâm ân hậu trạch: những điều mà chúa đã làm cho thần dân vui sướng (ân trạch dồi dào).

69. Cu-góp: lấy những phần tử rời rạc mà họp lại (Tế Trường lưu nhị nữ có: cu góp ba làng bốn xã).
Lữ thành: tôi không rõ nghĩa. Hoặc là một hạng dân binh chăng.
Sóc phương: trỏ miền Kinh bắc
Thu binh: bắt lính, mộ lính.
Lữ thành: Văn từ trỏ số quân ít, khoảng đất nhỏ, người ít. Điển: Nhất thành nhất lữ (Tả truyện: chuyện vua Thiếu Khang đời Hạ, nước bị giặc chiếm, chỉ còn đất một thành (mười dặm), quân một lữ (5 trăm) mà rồi bền chí cũng khôi phục được nước.

(Đính chính của tác giả Hoàng Xuân Hãn)

70. Phản bái: rước cờ quân trở về (bờ sông Nhị)
71. Thanh tội: kể tội cho ai đều biết.
72. Xưng qua: giơ cái đòng; trỏ sự lấy khí giới mà chống lại.
73. Tương hữu: giúp rập ngầm.
Kham bát: đánh dẹp.
Tại thiên liệt miếu: các chúa trước nay ở trên Trời.
74. Hữu đạo hi triều: triều đình rạng rỡ cư xử đúng đạo đức.
Khuông phù: phò tá vua Lê.
Tôn an: tôn trọng hòa bình.
78. Thư khoán: chép công vào sách, ghi lời hứa vào sách.

CHI TIẾT THỜI SỰ

Cuối đời Cảnh Hưng, hai họ chia trị đất ta đều bị khủng hoảng. Ở Đàng Ngoài, Hoàng Đình Bảo nghe lời Tỉnh vương Sâm lập Trịnh Cán mà gạt Trịnh Tông. Ở Đàng Trong, Trương Phúc Loan, mười bảy năm trước đó đã đổi di chiếu của Võ vương Nguyễn Phúc Khoát mà lập Nguyễn Phúc Thuần và gạt Phúc Luân (cha của vua Gia Long); rồi nhân chúa trẻ mà chuyên quyền. Vì đó, Nguyễn Nhạc nổi loạn ở Tây Sơn (1771) chiếm vùng Quy Nhân. Cũng nhân vậy Trịnh Sâm sai Hoàng Ngũ Phúc vào chiếm Phú Xuân (1774) rồi nhận Nguyễn Nhạc làm tiền phong để hòng đánh vào Đồng Nai. Hoàng Ngũ Phúc chết; bộ đội của y được trao cho con nuôi là Hoàng Đình Bảo, sau thành phụ chánh của Trịnh Cán đã nói trên. Hoàng Đình Bảo có một gia khách theo quân: cống Chỉnh, tức là Nguyễn Hữu Chỉnh. Chỉnh được phái vào Quy Nhân dụ Nhạc (1775) và được Nhạc khen tài ứng đối. Sau Hoàng Ngũ Phúc mất (1776), Hoàng Đình Bảo về triều phụ chánh (1782), để Chỉnh coi thuỷ quân ở Nghệ An.

Kiêu binh nổi loạn, giết Đình Bảo và lập Trịnh Tông (25-10 Nhâm Dần: 29-11-1782). Hữu Chỉnh được tin, bỏ xứ Nghệ An vượt bể trốn vào Quy Nhân, xin theo Nhạc. Chẳng bao lâu, thành một danh tướng của Tây Sơn, không tránh khỏi sự ghen kỵ của gia tướng của Nhạc. Trịnh Tông sai người vào dỗ Chỉnh về. Lần đầu, ấy là chồng em gái Hữu Chỉnh. Sau khi hỏi được rõ tình hình ở Bắc, Chỉnh sai giết người thuyết khách để Nhạc thêm tin. Sau, vào cuối xuân năm Bính Ngọ (1786), sứ của trấn thủ Thuận Hóa Phạm Ngô Cầu, là Nguyễn Phu Như, lại vào dỗ Hữu Chỉnh. Chỉnh lại hỏi dò biết tình hình bạc nhược của quân Trịnh đóng ở Phú Xuân. Nhạc bèn sai Huệ cùng các tướng Lữ, Vũ Văn Nhậm, Nguyễn Hữu Chỉnh đem quân đánh Phú Xuân.

Những sự kiện và thời điểm quan trọng trong việc hành quân này sẽ kê ra sau:

Xuất quân từ Quy Nhân (24-4 : 21-5-1786 theo HLNTC hoặc 28-4 : 25-5 theo LTTK).

Đánh lấy đồn An Nông, giết Hoàng Nghĩa Hồ (ĐNLT, SKTB; còn LTTK chép tên là Quyền, tước Quyền trung hầu như ở SKTB). Về ngày thì NAK chép rằng ngày 18-5 (14-6) Nhạc sai Huệ đem thuyền đi đánh Thuận Hóa. LTTK lại nói ngày ấy, Phạm Ngô Cầu nghe Tây Sơn đã vượt Hải Vân; và ngày 24-5 (: 20-6) tiến đánh An Nông.

Đánh lấy Phú Xuân, bắt trấn tướng Phạm Ngô Cầu, giết phó tướng Hoàng Đình Thể và hầu hết quân nhân. Về ngày, NAK chép 20-5 (:16-6) nghĩa là hai ngày sau khi lấy đồn An Nông, thì Phú Xuân mất; và ngày 24; biên thư (thư từ Phú Xuân gửi về) về tới Kinh. Có lẽ thư ấy báo việc quân Tây Sơn đánh An Nông, và vì thế mà LTTK đã chép ngày đánh An Nông là ngày thư tới Kinh.

Để Nguyễn Lữ giữ Phú Xuân, Huệ đưa quân ra lấy Dinh Cát và Động Hải. Trấn tướng Vĩ phái hầu bỏ Động Hải. Các bản HLNTC đều chép việc ấy vào ngày 14-5 (10-6-1786) nghĩa là bốn ngày trước khi An Nông mất. Có lẽ HLNTC lầm.

Nguyễn Huệ định đóng quân ở La Hà ở bờ nam sông Gianh. Nhưng sau theo lời khuyên của Hữu Chỉnh đem quân ra Bắc với danh nghĩa phù Lê diệt Trịnh. Dọc đường cho du quân đổ bộ ở Nghệ An và Thanh Hóa. Trấn tướng Nghệ An Bùi Thế Toại đốt đồn mà chạy. Trấn tướng Thanh Hóa Tạ Danh Thùy cũng chạy. Các việc nầy đều vào cuối tháng 5.

Nguyễn Hữu Chỉnh lấy đồn Vị Hoàng và kho thóc lớn, vào ngày (6-6 : 1-7-1786) theo HLNTC. Tướng giữ họ Lê trốn (LTTK). Đại tướng Trịnh Tự Quyền rút quân về trấn Sơn Nam.

Nguyễn Huệ tiến họp với Hữu Chỉnh, phá thuỷ quân của Đinh Tích Nhưỡng ở Cửa Luộc (LQKS), hoặc cửa cang Nông (LSTB), hoặc ở sông Rỗ (ĐNLT). Đinh Tích Nhưỡng chạy về Hải Dương.

Ngày 24-6 (: 21-7-1786), theo NAK, trấn Sơn Nam mất. Trấn tướng Đỗ Thế Dẫn chạy. Đại tướng rút về đóng ở Kim Động (HLNTC và LSTB).

Ngày 25-6 chúa Đoan nam Trịnh Tông đem thân quân dàn ở bến Tây Long và sai Hoàng Phùng Cơ án ngự ở hồ Vạn Xuân (NAK, LQKS, HLNTC).

Ngày 26-6, quân Tây Sơn phá thuỷ quân Trịnh ở Thuý Ái; đổ bộ, bại quân Hoàng Phùng Cơ ở Vạn Xuân. Quân Trịnh Tông ở Tây Long trốn hết. Chúa chạy đi Sơn Tây. Nguyễn Huệ vào Thăng Long ngày ấy (NAK, HLNTC) là ngày 23-7-1786.

Ngày 27-6, chúa Đoan nam tự tử (LTTK, HLNTC). Nguyễn Huệ yết vua Cảnh Hưng ở điện Vạn Thọ. LSTB chép vào tháng 7, chắc lầm, vì không lễ Huệ đợi ba ngày rồi mới gặp vua.

Ngày 7-7 (: 31-7-1786) Huệ làm lễ triều kiến ở điện Kính Thiên và ngày hôm sau vua Lê phong Huệ tước Oai quốc công (ĐNLT, HLNTC, LTTK). Sách NAK chép ngày phong Huệ là ngày mồng 4-7, có lẽ sai.

Ngày 11-7 (: 4-8-1786), Huệ cưới công chúa Ngọc Hân.
Ngày 14-7 thư báo thắng ở Thăng Long về đến Quy Nhơn. Ngày ấy, Nguyễn Nhạc đưa khinh binh trẩy Thăng Long (HLNTC).

Ngày 15-7 (: 8-8-1786) vua Cảnh Hưng làm đại lễ Thống nhất (LQKS, HLNTC).

Ngày 17-7 vua Lê mất (: 20-8, HLNTC, NAK, LTTK). Lễ thành phục ngày 21-7 (NAK). Đưa tang xuống thuyền ngày 25-7.

Ngày 5-8 (: 28-8-1786) Nguyễn Nhạc tới Thăng Long để kiềm chế Huệ. Hôm sau, vua Chiêu Thống đến yết Nhạc. Ngày Dương lịch, trên là tính theo phép Lịch Đại thống mà Triều Lê dùng, khác với lịch Thì hiến của nhà Thanh (Lịch Lê năm Bính Ngọ 1786 nhuận tháng 9, lịch Thanh nhuận tháng 7).

Đêm 8-8 (: 31/8/1786; -) Nhạc, Huệ ngầm bỏ Hữu Chỉnh lại Thăng Long mà rút quân về Nam (NAK). Theo HLNTC, quân Tây Sơn rút lui vào đêm 17-8, nghĩa là 12 ngày sau khi Nhạc đến. Sách ấy lại kể chuyện rằng mười ngày trước khi rút quân, Hu

0