Phân tích vẻ đẹp người phụ nữ trong bài thơ thăm lúa
Đề bài: Em hãy phân tích vẻ đẹp của người phụ nữ trong bài thăm lúa của Trần Hữu Thung. Bài thơ “ Thăm lúa” của Trần Hữu Thung là một bài thơ tiêu biểu viết về cuộc sống lao động đầy bình dị nhưng toát lên vẻ đẹp hữu tình. Xuyên suốt bài thơ là hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam trong nhịp điệu ...
Đề bài: Em hãy phân tích vẻ đẹp của người phụ nữ trong bài thăm lúa của Trần Hữu Thung. Bài thơ “ Thăm lúa” của Trần Hữu Thung là một bài thơ tiêu biểu viết về cuộc sống lao động đầy bình dị nhưng toát lên vẻ đẹp hữu tình. Xuyên suốt bài thơ là hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam trong nhịp điệu của công việc bình dị, cùng với những tâm sự đầy chân thành, da diết đối với “anh”- người thương cũng là người chiến sĩ Cách mạng. Mở đầu bài thơ “ Thăm lúa”, nhà thơ Trần Hữu Thung ...
Đề bài: Em hãy phân tích vẻ đẹp của người phụ nữ trong bài thăm lúa của Trần Hữu Thung.
Bài thơ “ Thăm lúa” của Trần Hữu Thung là một bài thơ tiêu biểu viết về cuộc sống lao động đầy bình dị nhưng toát lên vẻ đẹp hữu tình. Xuyên suốt bài thơ là hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam trong nhịp điệu của công việc bình dị, cùng với những tâm sự đầy chân thành, da diết đối với “anh”- người thương cũng là người chiến sĩ Cách mạng.
Mở đầu bài thơ “ Thăm lúa”, nhà thơ Trần Hữu Thung đã vẽ ra một khung cảnh cánh đồng bát ngát, rộn ràng âm thanh và sắc màu. Đó là sự kết hợp màu sắc của thiên nhiên đất trời và những vẻ đẹp bình dị, dân giã nơi cánh đồng quê:
“Mặt trời càng lên tỏ
Bông lúa chín thêm vàng
Sương treo đầu ngọn gió
Sương lại càng long lanh
Bay vút tận trời xanh
Chiền chiện cao cùng hót
Tiếng chim nghe thánh thót
Văng vẳng khắp cánh đồng”
Trong không gian cao và rộng của bầu trời, mặt trời đã lên cao mà khoác lên mình vạn vật những tia nắng vàng ấm áp, dưới mặt đất, những bông lúa cũng đã chín vàng, những giọt sương đọng trên kẽ lá cũng trở lên long lanh, rực rỡ hơn. Không chỉ rực sáng bởi vẻ đẹp của khung cảnh, màu sắc tươi mới, tinh khôi của ánh nắng, của những bông lúa vàng, mà bức tranh thơ còn được nhà thơ gợi ra đầy âm thanh vui nhộn. Đó chính là âm thanh của những chú chim chiền chiện, tiếng hót trong trẻo, “thánh thót” làm nhộn lên cả không gian của cánh đồng “Văng vẳng khắp cánh đồng”. Không gian làng quê như rộn rã hơn bởi những tiếng chim ca, khung cảnh thơ mộng cùng âm thanh tuyệt diệu của tự nhiên thật khiến người ta muốn thưởng ngoạn, nhìn ngắm và cảm nhận một cách trọn vẹn nhất
“Đứng chống cuộc em trông
Em thấy lòng khấp khởi
Bởi vì em nhớ lại
Một buổi sớm mai ri
Anh tình nguyện ra đi
Chiền chiện cao cùng hót
Lúa cũng vừa sẫm hột
Em tiễn anh lên đường
Chiếc xắc mây anh mang”
Trong không gian rộng lớn, trong cảnh sắc hữu tình của cánh đồng, trong không gian nhộn tiếng chim ca. Hình ảnh của người phụ nữ xuất hiện với dòng hồi ức hướng về nhân vật “anh”. Ngày hôm đó cũng vào một buổi sớm mai như hôm nay, đó là ngày em tiễn anh lên lên đường thực hiện nhiệm vụ, trách nhiệm với Tổ quốc. Hành động “tình nguyện ra đi” của anh dường như cũng được thiên nhiên đất trời cổ vũ, động viên, chiền chiện hót vang như khúc nhạc đưa tiễn bước chân anh lên đường, lúa cũng đã chín nặng hạt, vào mùa thu hoạch. Trong không gian ấy, “em” đã ngậm ngùi tiễn bước chân anh lên đường. Những bước chân lặng lẽ nhưng đầy cao đẹp, “anh” ra đi là thực hiện lí tưởng lớn, thực hiện phần trách nhiệm cần phải có của mỗi người dân Việt Nam thời kì đấu tranh, đó chính là cầm súng đấu tranh bảo vệ nền hòa bình, đánh đuổi quân ngoại xâm, giữ gìn trọn vẹn khung cảnh tươi đẹp, thơ mộng nhưng vẫn rất giản dị, chân quê của cánh đồng lúa chín vàng.
“Em nách mo cơm nếp
Lúa níu anh trật dép
Anh cúi sửa vội vàng
Vượt cánh đồng tắt ngang
Đến bờ ni anh bảo
“Ruộng mình quên cày xáo”
Nên lúa chín không đều
Nhớ lấy để mùa sau
Nhà cố làm cho tốt”
Để làm quà hậu phương cho “anh” mang ra tiền tuyến, người phụ nữ đã mang theo “mo cơm nếp”. Hình ảnh mo cơm nếp rất có ý nghĩa bởi nó là món quà của quê nhà, là món ăn thân thuộc, mang hương vị của đồng quê. Tiễn bước chân anh đi lính, lúa dường như cũng lưu luyến mà “níu” lấy chân anh. “Anh cúi xuống vội vàng” vừa là hành động sửa lại hành trang để tiếp tục lên đường, vừa là hành động từ biệt của “anh” với những hạt lúa thân quen
Khi những bước chân nhanh nhẹn “Vượt cánh đồng tắt ngang”, anh có quay lại dặn dò tỉ mỉ. Rằng do không cày xới cẩn thận nên ruộng lúa tuy chín nhưng không đều màu, chỗ chín chỗ chưa, cùng với đó là lời dặn dò về lao động sản xuất sau khi anh đi. Muốn lúa chín, hạt đều màu thì cần làm mọi khâu tỉ mỉ, cần mẫn ngay từ đầu.
“Xa xa nghe tiếng hát
Anh thấy rộn trong lòng
Sắp đến chỗ người đông
Anh bảo em ngoái lại”
Sắp đến nơi tập trung quân, tiếng hát xa văng vẳng lại gần, làm lòng anh nhộn nhịp. Sự rộn rã trong lòng của nhân vật anh cũng làm lên hình ảnh thật đẹp về người chiến sĩ Cách mạng, bởi với anh thì được làm nhiệm vụ bảo vệ đất nước không phải là trách nhiệm mà còn là niềm hạnh phúc, niềm hân hoan vô bờ bến. Cuộc sống xa “anh”, người phụ nữ tính ngày, tính đêm trông ngóng tin tức của “anh”. Tuy nhiên, cách tính thời gian của người phụ nữ cũng thật độc đáo, khác lạ.
“Cam ba lần ra trái
Bưởi ba lần ra hoa
Anh bước chân đi ra
Từ ngày đầu phòng ngự”
Người phụ nữ ấy không tính theo ngày, tháng thông thường mà tính thời gian anh đi theo mùa vụ cây ra trái, đơm hoa “Cam ba lần ra trái/ Bưởi ba lần ra hoa”. Cách tính thời gian của người phụ nữ cũng gắn liền với cuộc sống lao động nơi thôn quê. Chị ta tính thời gian theo từng mùa cam ra hoa, mùa bưởi kết quả. Sự tỉ mỉ trong cách tính thời gian cũng thể hiện được nỗi nhớ da diết của chị ta hướng về người chồng của mình. Sự chờ đợi, ngóng trông ấy của người phụ nữ cuối cùng cũng vỡ òa hạnh phúc vì nhận được lá thư người chồng gửi về từ nơi chiến trận:
“Bước qua kì cầm cự
Anh có gửi lời về
Cầm thư anh mân mê
Bụng em giừ phấp phới
Cầm thư anh trong tay mà lòng em “phấp phới” nỗi hân hoan, vui mừng. Trong thời kì chiến tranh, trong không khí mưa bom bão đạn nơi chiến trường mà nói, một bức thư không chỉ thỏa lòng nhớ mong của người hậu phương với người ở tiền tuyến, mà nó còn là một tin báo “sống”, bởi cuộc sống nơi chiến trường, mạng sống của con người như “ngàn cân treo sợi tóc”, có thể ra đi bất cứ lúc nào. Hiểu như vậy, ta có thể phần nào hiểu được niềm hân hoan, hạnh phúc của người phụ nữ này.
“Anh đang mùa thắng lợi
Lúa em cũng chiến rồi
Lúa tốt lắm anh ơi
Giải thi đua em giật”
Không chỉ anh gửi tin chiến thắng về và trong hoạt động sản xuất, “em” cũng đạt được thành tích vang dội khi “lúa tốt lắm anh ơi” và trong hoạt động thi đua sản xuất thì “giải thi đua em giật”. Người phụ nữ đã kể những câu chuyện sản xuất đầy háo hức, vui tươi như thể muốn chia sẻ với người thương của mình niềm hân hoan ấy.
“Xòe bàn tay bấm đốt
Tính cũng bốn năm ròng
Ai cũng bảo đừng mong
Riêng em thì vẫn nhớ”
Thời gian thấm thoắt trôi, mới đó mà “anh” đã đi lính được “bốn năm ròng”. Thời gian bốn năm là một khoảng thời gian không dài, nhưng đối với những người lính ngày đêm đối mặt với hiểm nguy, chết chóc lại không có tin tức từ tiền tuyến, mọi người ai cũng nói “đừng mong”, đừng hi vọng nhưng tấm lòng của người phụ nữ ấy đầu cuối vẫn thủy chung không đổi “Riêng thì em vẫn nhớ”. “ Vẫn nhớ” không chỉ là tình thương mà còn là niềm tin, niềm hi vọng mãnh liệt về người chồng của mình.
“Chuối đầu vườn đã lổ
Cam đầu ngõ đã vàng
Em nhớ ruộng nhớ vườn
Không nhớ anh răng được”
Nếu lúc người chồng đi thì cây trái mới ra hoa, bây giờ đã vào mùa thu hoạch “Chuối đầu vườn đã lổ/ Cam đầu ngõ đã vàng”. Tình cảm người phụ nữ dành cho ruộng vườn nhiều như vậy thì lẽ nào lại không nhớ về anh. Câu hỏi tu từ đã khẳng định được tình thương của “em” đối với “anh”. Nỗi nhớ ấy tuy không bộ lộ ra bên ngoài nhưng lại luôn cháy bỏng nơi trái tim, nỗi nhớ thầm kín ấy nhưng lại da diết, mạnh mẽ khiến cho người đọc cảm nhận được sự chân thành nơi người phụ nữ ấy. Khổ thơ cũng khắc họa được tấm lòng của người phụ nữ dành cho người chồng của mình, thủy chung, son sắc.
“Mùa sau kề mùa trước
Em vác cuốc thăm đồng
Lúa sây hạt nặng bông
Thấy vui vẻ trong lòng
Em mong ngày chiến thắng”
Thời gian vẫn trôi, tin tức về anh vẫn “ bặt vô âm tín”, cuộc sống lao động của em vẫn đều đều tiếp diễn, năng suất mùa vụ vẫn thành công như thế, niềm vui nhen nhóm trong lòng em và em khát khao đến ngày chiến thắng, ngày anh có thể trở về. Hi vọng ấy luôn cháy bỏng trong tâm trí, ngày chiến thắng, dân tộc Việt Nam được giải phóng, người chồng sẽ trở về mang theo niềm hân hoan, vui sướng đến tột cùng. Qua đây ta cũng thấy được sức sống mạnh mẽ nơi người phụ nữ ấy.
Như vậy, bài thơ “Thăm lúa” của nhà thơ Trần Hữu Thung đã khắc họa được hình ảnh thật đẹp của người phụ nữ Việt Nam, với đầy đủ vẻ đẹp về phẩm chất: cần cù, chịu thương chịu khó, yêu cuộc sống lao động bình dị, với người chồng của mình thì người phụ nữ ấy thủy chung son sắc, một lòng yêu thương, mong ngóng chồng trở về và niềm tin bất diệt vào ngày chiến thắng của dân tộc.