Phân tích khổ thơ thứ 6 trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu – văn 12
Đề bài: Phân tích khổ thơ thứ 6 trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu Bài làm Tố Hữu (1920-2002 ) tên khai sinh là Nguyễn Kim Thành. Quê quán ở Quảng Thọ, Quảng Điền, Thừa Thiên – Huế. Ông là một nhà thơ mang đậm chất dân tộc, những tác phẩm những bài thơ ông viết ra thường gắn ...
Đề bài: Phân tích khổ thơ thứ 6 trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu
Bài làm
Tố Hữu (1920-2002 ) tên khai sinh là Nguyễn Kim Thành. Quê quán ở Quảng Thọ, Quảng Điền, Thừa Thiên – Huế. Ông là một nhà thơ mang đậm chất dân tộc, những tác phẩm những bài thơ ông viết ra thường gắn liền với các sự kiện lịch sử và để lại nhiều ấn tượng với độc giả suốt thế kỷ qua. Một trong những tác phẩm tiêu biểu của ông là Việt Bắc. Bao trùm bài thơ Việt Bắc là nỗi nhớ nồng nàn, tha thiết, tác giả đã giành riêng khổ 6 của bài thơ để nói về nỗi nhớ về thiên nhiên Việt Bắc, về người dân Việt Bắc cần cù trong lao động, thủy chung trong nghĩa tình.
Ta về, mình có nhớ ta
Ta về ta nhớ những hoa cùng người
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Ðèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung.
Ở hai câu mở đầu, kết cấu của đoạn thơ vẫn là đối đáp của hai nhân vật trữ tình ta – mình. Mình – ta là thủ pháp độc đáo, tài hoa của nhà thơ. Giống như lời đưa đẩy trong đối đáp giao duyên của ca dao, dân ca, câu đầu là câu hỏi tu từ có tác dụng khơi gợi và liên kết các nỗi nhớ lại với nhau một cách khéo léo. Không đợi trả lời mà nói tác giả luôn nhớ hoa, nhớ cảnh, nhớ người Việt Bắc. “ Nhớ những hoa cùng người” – tác giả đã khéo léo kể về nét riêng biệt và độc đáo của vùng đất Việt Bắc.. Hoa của vùng đất thiên nhiên Việt Bắc và người quấn quýt với nhau trong vẻ đẹp hài hòa đằm thắm. Ở 4 câu thơ tiếp theo, tác giả đã vẽ nên bằng ngôn ngữ thơ ca một bộ tranh tứ bình về thiên nhiên Việt Bắc, mỗi bức tranh đều hội tụ sự hài hòa và đẹp đẽ của thiên nhiên.
Dẫn dắt người đọc chìm vào bức tranh thiên nhiên Việt Bắc đẹp đẽ và nên thơ, Tố Hữu đã mở đầu bằng mùa đông của vùng đất nơi đây:
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Ðèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng
Nhắc đến mùa đông người ta thường nghĩ đến cảnh rét mướt, u ám, lòng người thì cô đơn. Nhưng đến với mùa đông trong thơ Tố Hữu thì không hề thế, thiên nhiên ở đây lại giàu sức sống và ấm áp. Với màu hoa chuối đỏ tươi nổi bật trên sắc xanh của rừng núi. Nhà thơ đã khéo léo dùng sự tương phản giữa màu đỏ và màu xanh để làm bức tranh bừng sáng. Lấp lánh ánh nắng trên con dao người đi rừng giắt ngang lưng khiến con người trở thành trung tâm của bức tranh. Thiên nhiên không che lấp mà thực sự làm nền cho vẻ đẹp của con người lao động.
Hết đông rồi xuân tới, chúng ta đều phải ngỡ ngàng vì vẻ đẹp mùa xuân nơi đây:
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
Mùa xuân đến đem theo sức sống mới cho vạn vật. Màu trắng của mơ gợi lên một bức tranh nên thơ trên cái nền dịu nhẹ của màu sắc. “trắng rừng” được viết theo phép đổi trật tự cú pháp và từ trắng được dùng như động từ có tác dụng nhấn mạnh vào màu sắc. Động từ “nở” nằm ở giữa câu làm sức sống mùa xuân lan tỏa và tràn trề nhựa sống. Với không gian xinh đẹp ấy, thấp thoáng hình ảnh của con người. Tố Hữu nhớ về những người đan nón. Hành động chuốt từng sợi giang là biểu hiện của sự cần mẫn, khéo léo, tài hoa trong tâm hồn, tính cách người dân Việt Bắc. Song song với đó là sự bày tỏ nỗi lòng, tình cảm trìu mến của tác giả với người dân nơi đây.
Tiếp theo, Tố Hữu kể với mọi người về hình ảnh mùa hạ:
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Bức tranh mùa hè rộn rã vì xôn xao tiếng nói của cả màu sắc lẫn âm thanh. Tiếng ve ngân vang như tiếng đàn trong rừng phách nở hoa vàng thắm. “Đổ vàng” có nghĩa là chuyển sang màu vàng nhưng nhiều và đậm hơn gợi cảm giác đột ngột – hiệu quả của việc dùng từ miêu tả chạm tới vẻ đẹp của thiên nhiên chỉ bằng câu chữ. Hiện lên trong cái thiên nhiên óng vàng và rộn rã ấy, là hình ảnh cô gái áo chàm cần mẫn đi hái búp măng rừng cung cấp cho bộ đội. Hình ảnh cô gái hái măng một mình khơi trong lòng người ra đi một nỗi nhớ ngọt ngào, sâu lắng. “một mình” mà vẫn không phải sự đơn hiu hắt bởi cô đang làm bạn với thiên nhiên, đang làm chủ lao động, làm chủ tự do.
Cuối cùng của bộ tranh tứ bình là những câu thơ kể về mua thu:
Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung
Khu rừng với sự nổi bật là ánh trăng thu mát dịu tỏa chiếu khắp núi rừng, tạo nên khung cảnh thanh bình, yên ả. Chữ “rọi diễn tả được ánh trăng tràn ngập cả không gian rừng núi. Đó là ánh trăng của tự do, của hòa bình. Tiếng hát ân tình thủy chung của một cô gái cất thật tha thiết, cứ ngân nga vang vọng mãi nỗi nhớ của người đi.
Có thể nói nói thành công của khổ thơ nói riêng và bài thơ nói chung được tạo nên từ thể thơ lục bát với âm điệu nhẹ nhàng tình cảm, mang phong vị ca dao, dân ca đậm hồn dân tộc. Không những có cách miêu tả giàu hình ảnh, sử dụng nhiều động từ và hình ảnh giàu tính biểu cảm mà cả là sự phối màu sống động tài tình của tác giả. Cách xưng hô Mình – ta thân thiết và điệp từ “ Nhớ” cũng đóng góp một phần không hề nhỏ. Bức tranh trở nên sống động và có hồn hơn được viết nên từ nỗi nhớ nhung quyến luyến thiết tha trong tâm hồn người cán bộ về xuôi.
Với 10 câu ngắn ngủi nhưng chúng ta cũng đủ cảm nhận tình cảm chân thật, thắm thiết của nhà thơ Tố Hữu đối với thiên nhiên và con người nơi Việt Bắc.
Nguồn: Văn mẫu hay