21/02/2018, 09:59

Phân tích chứng minh tính dân tộc trong thơ Tố Hữu – văn 12

Đề bài: Phân tích chứng minh tính dân tộc trong thơ Tố Hữu Bài làm Tố Hữu (1920 – 2002) được tôn vinh là ngọn cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam. Ông đã đưa vào thơ một phong cách mới của tâm hồn gắn bó, hòa hợp sâu xa với nhân dân, đất nước trong suốt chặng đường lịch ...

Đề bài: Phân tích chứng minh tính dân tộc trong thơ Tố Hữu

Bài làm

Tố Hữu (1920 – 2002) được tôn vinh là ngọn cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam. Ông đã đưa vào thơ một phong cách mới của tâm hồn gắn bó, hòa hợp sâu xa với nhân dân, đất nước trong suốt chặng đường lịch sử dài hơn nửa thế kỉ. Có ý kiến cho rằng: Thơ Tố Hữu rất giàu tính dân tộc. Đó là một ý kiến rất chính xác và tinh tế.

Tính dân tộc trong thơ Tố Hữu được thể hiện qua hai mặt: hình thức và nội dung. Về hình thức điều chúng ta thấy rõ rệt nhất chính là Tố Hữu sử dụng vô cùng nhuần nhuyễn các thể thơ dân tộc. Thể loại lục bát được coi là thể loại sở trường của Tố Hữu. Trong cuộc đời cầm bút của mình, Tố Hữu đã có nhiều bài lục bát xuất sắc như: Việt Bắc, Kính gửi cụ Nguyễn Du, Khi con tu hú, Bài ca quê hương… Tố Hữu còn sử dụng thuần thục thể song thất lục bát. Bài thơ dài “Ba mươi năm đời ta có Đảng” làm người đọc nhớ đến những câu thơ trong “Đại Nam quốc sử diễn ca”… Ngoài ra ông còn vận dụng rất tốt các thể loại như bảy chữ và bốn chữ như: Bác ơi, Lượm,… Không chỉ sử dụng nhuần nhuyễn các thể thơ dân tộc, Tố Hữu còn vận dụng một cách tinh tế các phong cách và hình tượng quen thuộc trong thơ ca dân gian như những hình ảnh đối đáp:

Mình về mình có nhớ ta

Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng

Hay những hình ảnh vô cùng bình dị và quen thuộc với người dân nước ta:

Thương nhau chia củ sắn lùi

Bát cơm sẻ nửa chăn sui đắp cùng

Đôi khi vẻ đẹp của tính dân tộc trong thơ tố Hữu còn thể hiện qua sự chất phác đến nao lòng của những từ ngữ địa phương:

Mạ non bầm cấy mấy đon

Ruột gan bầm lại thương con mấy lần

Và đôi khi là sự uyên bác trong văn thơ cổ điển mà ta chỉ hay thấy trong những áng thơ thiên cổ:

Tiếng thơ ai động đất trời

Nghe như non nước động lời nghìn thu

Đọc thơ của ông chúng ta còn thấy được chất nhạc, chất họa, dễ nghe dễ thuộc mà chỉ thường thấy trong những câu đồng dao trắng cánh cò bay phủ mờ khói bếp:

Nỗi niềm chi rứa Huế ơi

Mà mưa xối xả trắng trời Thừa Thiên

Về nội dung tính dân tộc được thể hiện trong hai điểm lớn. Đầu tiên đó là hiện thực cách mạng được nhà thơ nhìn và phản ánh theo truyền thống đạo lí và tình cảm của cha ông. Các vấn đề trọng đại của lịch sử dân tộc luôn được phản ánh trong thơ ca với tinh thần trách nhiệm của một chiến sĩ và trái tim nhạy cảm của một thi sĩ. Nội dung nổi bật trong thơ ông là tình yêu quê hương, đất nước, yêu con người Việt Nam.

Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ

Mặt trời chân lí chói qua tim

Hồn tôi là một vườn hoa lá

Rất đậm hương và rộn tiếng chim

Người thanh niên yêu đời, yêu nước cảm thấy tâm hồn mình phơi phới, rạo rực, tưng bừng như một vườn hoa lá xanh tươi muôn màu sắc và rộn tiếng chim ca. Sau khi giác ngộ lí tưởng cách mạng, nhà thơ hiểu sâu hơn về tình giai cấp, tình dân tộc và mối quan hệ giữa dân tộc với thời đại. Nhà thơ khẳng định chỉ có cách mạng là con đường duy nhất giải phóng nhân dân ra khỏi cảnh tối tăm, nô lệ, mới trả lại quyền sống thực sự cho mỗi con người. Trong tập thơ Từ ấy, những số phận bất hạnh, khổ đau được Tố Hữu nhắc đến với tấm lòng thông cảm và thương xót chân thành. Và đó cũng chính là điểm thứ hai làm nổi bật tính dân tộc trong thơ của ông: Tình thương của người cộng sản gắn liền với tinh thần lá lành đùm lá rách, truyền thống thương người như thể thương thân. Tính chất nhân văn sâu sắc trong nội dung thơ Tố Hữu chính là ở sự kế thừa và phát huy truyền thống nhân đạo của dân tộc trong cuộc sống cũng như trong thơ ca.

Trên con đường sáng tạo nghệ thuật, như con ong cần mẫn, Tố Hữu đã tiếp thu những tinh hoa nghệ thuật của dân tộc và việc tiếp thư truyền thống còn gắn liền với sự sáng tạo không mệt mỏi. Chế Lan Viên cho rằng, Tố Hữu đã khéo léo kết hợp được “cái hơi dân tộc” với “màu sắc hiện đại” để tạo nên sự kết tinh mới cho thơ ông. Chính tính dân tộc đậm đà là một yếu tố hết sức quan trọng để thơ Tố Hữu sống lâu bền trong tâm trí của người đọc.

Nguồn: Văn mẫu hay

0