Phân tích nét đặc sắc của phong cách nghệ thuật trong tác phẩm Người lái đò Sông Đà của Nguyễn Tuân – văn 12
Đề bài: Phân tích nét đặc sắc của phong cách nghệ thuật trong tác phẩm Người lái đò Sông Đà của Nguyễn Tuân Bài làm Nguyễn Tuân được biết đến như một nhà văn có chất “Nghệ sĩ” nhất trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Phong cách nghệ thuật của ông luôn rất ...
Đề bài: Phân tích nét đặc sắc của phong cách nghệ thuật trong tác phẩm Người lái đò Sông Đà của Nguyễn Tuân
Bài làm
Nguyễn Tuân được biết đến như một nhà văn có chất “Nghệ sĩ” nhất trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Phong cách nghệ thuật của ông luôn rất đặc sắc và để lại dấu ấn rất riêng trong lòng người đọc. Trong đoạn trích “Người lái đò sông Đà” phong cách viết đặc trưng rất riêng của ông sau cách mạn g tháng tám được thể hiện vô cùng rõ nét ở ba khía cạnh lớn: Sự hiểu biết kiến thức đa dạng của nhiều lĩnh vực, nghệ thuật nhân hóa so sánh đạt tới đỉnh cao và cuối cùng là cách sử dụng ngôn ngữ tinh tế chuẩn xác.
Ở khía cạnh đầu tiên khi miêu tả cảnh vượt thác tác giả đã sử dụng kiến thức ở rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Đó là bát quái trận đồ cửa sinh cửa tử trong kinh dịch. Là cách tác giả quan sát xoáy nước qua “ống kính máy quay phim dưới một góc quay đầy điện ảnh”. Chúng ta còn thấy bóng dáng của môn thể thao khi chiếc thuyền phải đương đầu với “hàng hậu vệ bằng đá”. Và khi người lái đò lâm trận với những con sóng, tác giả lại miêu tả cho ta thấy cuộc chiến dưới ánh nhìn của một võ sư chuyên nghiệp. Chưa dừng lại ở đó tác giả còn dùng kiến thức của rất nhiều lĩnh vực như hội họa, địa lý,… để bằng những lời văn tác giả cho chúng ta thấy được những hình ảnh về con sông Đà: Vừa hiền hòa vừa dữ dội – vô cùng sinh động, những câu chuyện về người lái đò: người lao động bình thường cũng mang chất rất “tài hoa nghệ sĩ trong người”.
Để miêu tả cho độc giả thấy được một sông Đà đầy “ nhân tính hóa” sinh động, hòa hợp giữa hai vẻ đẹp trữ tình và dữ dội thì chỉ kiến thức thôi là chưa đủ, mà thêm vào đó là cả nghệ thuật nhân hóa và so sánh được tác giả sự dụng vô cùng hiệu quả. Sông Đà hung bạo ở những đoạn có thác dữ, những quãng lòng sông hẹp, bị kẹp giữa hai vách núi cao hay những chỗ có xoáy nước khủng khiếp, hút tất cả những gì sa vào đó và dìm xuống đáy sông. Sông Đà khi thì dữ dội, nguy hiểm trong cái hùng vĩ không ngờ: nào là chét lại thành cái yết hầu, nào là vách đá dựng đứng cao vút, đúng ngọ mới thấy mặt giời… mùa hè vẫn lạnh… Khi thì pha chút huyền thoại trong những nét nên thơ như con nai, con hổ vọt từ bờ này sang bờ kia, tưởng như lòng sông chỉ còn là dải yếm trong ca dao xưa. Lúc thì dữ dội như kẻ thù một mất một còn luôn mưu toan dồn người ta vào chỗ chết. Lúc thì lại nhẹ nhàng nên thơ đầy chất trữ tình như một thiếu nữ đẹp mê hồn ngân nga câu hát rạng rỡ nụ cười…Chính sự kết hợp giữa những điều đối lập đó lại khiến cho sông Đà đẹp hơn, sinh động và nhân tính hóa hơn bao giờ hết.
Cuối cùng để phát huy tối đa cái hay của hai điều trên đòi hỏi tác giả phải có một vốn từ phong phú và sự sử dụng chính xác đến tuyệt đối, và điều này, có lẽ không một ai có thể làm tốt hơn Nguyễn Tuân. Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân là phong cách tài hoa, uyên bác. Nó thể hiện ở những từ ngữ, hình tượng nghệ thuật trong văn của ông. Ngôn ngữ của Nguyễn Tuân có đầy đủ cả màu sắc, âm thanh và hình tượng. Ông tả “Sông Đà tuôn dài, tuôn dài như một áng tóc trữ tình”. Từ “áng” chỉ dùng cho văn thơ đẹp, nay con sông như một áng thơ trữ tình. Những từ ngữ mạnh, dữ dội khi miêu tả sự dữ dội của con sông: ặc ặc, lồng lộn… chỉ đọc lên cũng hình dung ra sự dữ dội của con sông. Không có ai như Nguyễn Tuân khi lấy chính những cái đối lập, tương phản với nhau để làm nền, làm nổi bật nó lên. Khi tả nước ông đã miêu tả lửa. Còn tả sông, ông lại tả rừng đối lập với nó. Đó cũng chính là cái ngông của ông cũng chính là cái tài.Chính thế nên câu văn của Nguyễn Tuân luôn biến hóa, gây bất ngờ và hứng thú cho người đọc. Điều này làm cho văn của ông luôn có ấn tượng rất riêng và ghi được dấu ấn trong lòng độc giả.
Sự kết hợp của ba yếu tố trên đã tạo nên một phong cách nghệ thuật vô cùng đặc sắc, vô cùng riêng và rất “Nguyễn Tuân”. Và cũng chính điều này cũng tạo nên một trong những tác phẩm hay nhất về sông Đà.
Nguồn: Văn mẫu hay