23/05/2018, 14:50

Nuôi cua con thành cua y (cua thịt) cua gạch

Nghề nuôi trên thế giới cũng như ở nước ta có lịch sử phát triển còn ngắn ngủi so với nghề nuôi các loài thủy sản khác như tôm, nhuyễn thể, cá. Nghề nuôi loài cua sú (Scylla serrata) cũng mới phát triển hơn chục năm nay. Những nghiên cứu về sinh sản, phát triển, sinh trưởng và đặc tính sinh lý ...

Nghề nuôi trên thế giới cũng như ở nước ta có lịch sử phát triển còn ngắn ngủi so với nghề nuôi các loài thủy sản khác như tôm, nhuyễn thể, cá. Nghề nuôi loài cua sú (Scylla serrata) cũng mới phát triển hơn chục năm nay. Những nghiên cứu về sinh sản, phát triển, sinh trưởng và đặc tính sinh lý sinh thái của loài cua biển này cũng còn ít ỏi. Chưa có một tài liệu hoàn chỉnh về kỹ thuật nuôi cua biển. Có những thông báo về tình hình nuôi cua biển Scylla serrata của Trung Quốc, Đài Loan, Philippin, Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ, Srilanca. Ở nước ta những năm gần đây nghề nuôi cua cũng đã phát triển ở nhiều tỉnh ven biển từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế đến Bà Rịa-Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Minh Hải, Kiên Giang. Sản lượng cua nuôi đã chiếm một tỷ lệ đáng kể trong sản lượng cua khai thác. Tùy điều kiện của từng vùng có những hình thức nuôi khác nhau; đã có nhiều kinh nghiệm tốt về kỹ thuật nuôi cua. Nhìn chung có ba loại hình nuôi cua thương phẩm : nuôi cua con thành cua thịt (cua y) và cua gạch; nuôi cua ốp thành cua thịt, cua gạch; và nuôi cua lột.

Cua con là cua giống có kích thước trọng lượng nhỏ, chiều rộng mai từ 2 – 3 cm đến 8 -9 cm và trọng lượng từ 3g – 5g đến 100g. Hiện nay nguồn cua giống này thu gom trong tự nhiên băng các phương tiện đánh bắt khác nhau : đóng đáy ở các cửa sông, ghe cào, lưới kéo ở các vùng cửa sông (cả khoảng hạ lưu), ven biển, các bãi ở vùng rừng ngập mặn, thu bắt ở những vùng sình lầy hoặc lấy giống cua các ao đầm rừng ngập mặn v.v… Cua con được nuôi trong các ao đầm thời gian tương đối dài từ ba tháng đến tám tháng tùy thuộc vào cỡ cua giống đem nuôi. Có hai hình thức nuôi : – nuôi ghép (polyculture), nuôi cua cùng với tôm cá trong các ao đầm, thường là nuôi quảng canh; – nuôi đơn (monoculture) trong ao đầm chỉ nuôi cua.

Nuôi ghép (nuôi tổng hợp – polyculture)

Đây là hình thức nuôi quảng canh kết hợp nuôi cá, tôm với cua, có vùng còn kết hợp nuôi trồng rau câu. Thường là những ao đầm có diện tích tương đối lớn từ một đến vài chục hecta ở vùng nước lợ cửa sông ven biển, các vùng rừng ngập mặn.

Xây dựng ao đầm

Chọn địa điểm:

Tùy theo điều kiện tự nhiên, đặc điểm từng vùng mà chọn vị trí ao đầm nuôi thích hợp. Thông thường ao đầm nuôi được xây dựng trong khu vực từ trung triều (đối với những vùng có độ lệch triều lớn) đến hạ triều (đối với những vùng có độ lệch triều nhỏ). Những ao đầm lớn thường dựa vào điều kiện địa hình tự nhiên. Nên chọn nơi ít sóng gió, dòng chảy không lớn có độ dốc nhỏ để tránh việc đắp bờ quá cao. Đáy đầm thường có lớp bùn (sâu không quá 30cm) hoặc bùn cát, hay đất thịt pha cát. Trong đầm có thể có cây mọc, có gò đất, nhưng không chiếm quá 1/3 mặt nước đầm. Nguồn nước cung cấp cho ao đầm phải sạch, có nguồn thức ăn phong phú, có nhiều cua giống, không bị ô nhiễm công nghiệp, nông nghiệp (thuốc trừ sâu) và nước thải sinh hoạt, độ mặn nước biển từ 15 – 25‰. Tuy vậy, trong thời kỳ sinh trưởng cua thích ứng với sự biến đổi độ mặn khá lớn xuống đến 5‰ cao đến 30‰ cua vẫn sinh trưởng phát triển tốt.

Xây dựng ao đầm:

Những ao đầm nuôi tổng hợp thường có diện tích lớn, phải đầu tư công sức để xây dựng. Thường dùng xáng cạp để đắp chân bờ (đê bao). Chân bờ phải rộng từ 4 – 6m, tùy thuộc vào độ cao của bờ, mặt trên của bờ rộng từ 1 – 2m và mặt bờ cao hơn mực nước triều cao nhất tối thiểu là 0,5m. Bờ phải được nét chặt, chống mọi và sụt lở. Tùy điều kiện cụ thể có thể trồng cây, cỏ, đặt các vật chắn để cản sóng, chống xói mòn và sụt lở. Phía trong ao đầm cách chân bờ từ 3 – 4m đào một kênh bao quanh ao đầm có độ sâu từ 0,5 – 0,7m so với mặt đáy tự nhiên của đầm, rộng từ 3 – 5m. Kênh này được đào để lấy đất đắp bờ. Tùy thuộc độ lớn mà có thể xây dựng từ 2 đến nhiều cống, trong đó có một cống kiệt đặt nơi có cao trình thấp để tháo xả cạn nước ao đầm khi cần (thu hoạch, cải tạo, vệ sinh ao đầm). Khẩu độ của cống tùy thuộc vào đầm có diện tích lớn nhỏ thường rộng từ 0,8 – 1,5m. Ở cống thu thường đặt 2 – 3 phai để điều chỉnh dòng chảy. Tùy thuộc khả năng tài chính, có thể xây dựng công bằng các vật liệu khác nhau : đổ bê tông, tấm đan, ống bi, xây gạch, ván gỗ v.v. Hiện nay có loại cống bằng vật liệu compozid, giá thành vừa phải (có phần rẻ hơn cống đổ bê tông) rất tiện lợi trong việc lắp đặt và có thể thích hợp với nhiều loại địa hình khác nhau, độ bền cao (sức chịu áp lực cao, chống được hà).

Những ao đầm nhỏ 1 – 3 ha thường cắm đăng chắn bao quanh toàn bộ trên bờ, không cho cua bò vượt qua bờ ra khỏi đầm. Rào chắn ao đầm có thể dùng lưới mùng thưa, hoặc sáo tre nứa, tầm vông, trang đước, bẹ dừa nước, giấy dầu v.v có độ cao trên 0,7m cắm sâu vào mép trong của bờ ao đầm, hơi nghiêng về phía trong.

Những ao đầm có diện tích lớn thường có điều kiện môi trường gần với điều kiện tự nhiên nên cua ít bò lên bờ. Tuy vậy, ở những đoạn bờ gần cóng, cua thường đi theo dòng nước đến cóng, ở đây bị chặn lại không vượt qua cóng được, cua sẽ bò lên bờ thoát ra ngoài. Vì vậy ở những đoạn bờ gần cống phải rào chắn. Thường rào một đoạn từ 20 – 50m kể từ mép cống.

Những ao đầm lớn thường dể đáy ao theo cấu trúc tự nhiên (cây mọc, các gò đất nổi ở giữa, có khoảng trống). Những ao đầm nhỏ có thể tạo thêm những mô đất nổi ở giữa, trồng thêm cây có bóng bỏ thêm chà ở giữa những chỗ trống.

Trước lúc nuôi, đôi với ao đầm cũ cũng như ao đầm mới cần tháo xả cạn nước, tu sửa cống, bờ, làm vệ sinh ao đầm, cào bớt lớp bùn ở đáy kênh, rải vôi, phơi ao đầm xả thay nước. Đo các yếu tố độ mặn, pH. Độ mặn từ 15‰ đến 25‰; pH : 6,5 – 8,5 là thích hợp. Tuy vậy, độ mặn lớn hơn hoặc thấp hơn vẫn nuôi cua được, cần chú ý “thuần hóa” trong trường hợp đưa cua giống từ vùng khác đến nuôi.

Ngoài đắp đập xây dựng ao đầm, ở một số vùng có thể dùng đăng chắn vây để nuôi cua, tôm cá. Có thể lợi dụng địa hình ở những eo vịnh chắn đăng từ một phía đến ba phía để có một vùng mặt nước chắn kín để nuôi. Thường dùng những đăng bằng tre cao cắm sâu xuống đáy ghép với nhau có cọc đỡ. Đăng phải cao hơn mực nước cao nhất 0,5 – 1m phía trên có thể phủ một phần lưới nằm ngang đề phòng cua bò lên vượt đăng ra ngoài.

Nuôi cua trong các ô chắn đăng điều kiện môi trường hoàn toàn giống với điều kiện bên ngoài. Làm cánh thu để thu giống vào và làm cửa ra để thu hoạch tôm, cua, cá.

Thả giống:

Nguồn cua giống thường thu qua cửa cống cùng với lấy giống tôm cá. Độ lớn của cua giống đi qua cống rất khác nhau, tùy theo mùa vụ. Trong và sau mùa sinh sản có nhiều cua con cỡ nhỏ chiều rộng mai từ 1 – 2cm đến 3 – 4cm. Những tháng khác cua giống cỡ lớn hơn, có khi có cả cua trưởng thành đi vào đầm. Có thể theo dõi lượng cua giống vào qua cửa cống để đánh giá mật độ của cua trong ao đầm. Việc thu cua giống qua cửa cống có thể kéo dài nhiều tháng. Nếu thấy mật độ cua trong ao đầm thưa thì có thể thu thêm cua giống ở bên ngoài thả bổ sung. Nuôi cua trong ao đầm chủ yếu là nuôi quảng canh nên mật độ thưa từ 0,1 – 0,2 con/m2, thường thu gom cua giống ở các giàn đáy, các ghe cào trong vùng. Chọn những con cua khỏe mạnh vận chuyển nhanh và thả vào ao đầm.

Chăm sóc, quản lý:

Cua nuôi ghép trong các ao đầm lớn thường có giống nhỏ, thời gian nuôi kéo dài từ ba đến tám tháng. Trong những tháng đầu cua sử dụng chủ yếu thức ăn tự nhiên có trong ao dầm, những tháng cuối khi cua lớn, sức ăn tăng thường cho thêm thức ăn bổ sung. Thường tận dụng nguồn thức ăn tươi sống ở trong vùng để cho cua ăn : cá vụn, (cá đóng đáy, cào, đăng) bắt còng, ba khía trong vùng rừng ngập mặn cho cua ăn : chặt còng và ba khía thành những mảnh nhỏ đem rải vào ao đầm cho cua.

Khi thiếu thức ăn tươi sống có thể cho cua ăn cá vụn, tép phơi khô. Để xem thức ăn của cua có thể cho thức ăn vào sàng dìm xuống nước, qua đêm nâng sàng lên nếu thấy còn thức ăn thì giảm lượng thức ăn, nếu hết thì có thể tăng thêm lượng thức ăn.

Khi cho thức ăn xuống ao đầm ngoài cua ra còn có tôm cá cũng ăn. Vì vậy khi tính toán cần chú ý đảm bảo lượng thức ăn cho tất cả các đối tượng nuôi trong ao đầm.

Trong quá trình nuôi theo dõi sự sinh trưởng của cua, hàng tháng dùng chài hoặc lưới để bắt cua lên, cân đo trọng lượng và chiều rộng của mai cua, kiểm tra tình trạng của cua.

Hàng ngày thay nước cho ao đầm, đảm bảo một lượng nước mới được bổ sung, vừa có thêm thức ăn tự nhiên vừa làm tốt chất lượng nước.

Thường xuyên kiểm tra bờ ao đầm, xử lý kịp thời các chỗ mội, rò rỉ, sụt lở, đăng chắn bị hỏng, đề phòng hiện tượng vỡ bờ những đoạn xung yếu.

0