Nội chiến Mỹ chấm dứt
Tướng U. Grant chấp nhận tướng Lee ra hàng tại một ngôi nhà dân ở Appomattox, Virginia Đặng Đình Cung Ngày mồng một tháng tư 1865, đoàn quân của tướng Robert Lee, chỉ huy trưởng quân đoàn North Virginia của phe Confederate 1 , thất trận ở Five Forks. Sau khi bị tướng Ulysses Grant, ...
Đặng Đình Cung
Ngày mồng một tháng tư 1865, đoàn quân của tướng Robert Lee, chỉ huy trưởng quân đoàn North Virginia của phe Confederate1, thất trận ở Five Forks. Sau khi bị tướng Ulysses Grant, thống soái quân đội Union, đánh bại ở Petersburg, tướng Lee phải bỏ Petersburg và Richmond, thủ đô Confederate, chạy đến Appomattox Station để gặp tầu hỏa mang quân nhu tiếp viện cho ông. Nhưng kỵ binh của tướng Custer2, phe Union, đã chặn bắt và đốt cháy các tầu đó. Khi chạy đến Lynchburg để tiếp đoàn tầu thứ hai thì cũng bị quân Union chặn. Bị bao vây tứ phía, ngày mồng chín tháng tư tướng Lee đành phải chấp nhận thư dụ hàng của tướng Grant.
Đáp thư xin hàng của tướng Lee, tướng Grant hạ lệnh như sau :
“Tiếp theo thư tôi gửi ngày mồng tám vừa qua, tôi sẵn sàng tiếp nhận sự đầu hàng của quân đoàn N. Va. với các điều khoản sau đây. Xin nêu : danh sách những sĩ quan và lính lập làm hai bản. Một bản trao cho sĩ quan do tôi chỉ định, bản kia để lại cho người hay những người ông chỉ định. Các sĩ quan sẽ đích thân tuyên hứa sẽ không dùng bạo lực chống lại Chính phủ Hoa kỳ cho tới khi được trao đổi tù binh theo quy định và mỗi chỉ huy trưởng đại đội hay tiểu đoàn ký một cam đoan tương tự thay cho những lính dưới quyền của mình. Các vũ khí, cỗ pháo và tài sản công được gom và xếp lại rồi trao cho những người do tôi chỉ định để tiếp nhận chúng. Những thứ này không kể đến những súng tay của sĩ quan cững như không kể đến ngựa và hành lý cá nhân của họ. Sau đó mỗi sĩ quan và lính được phép trở về nhà mà không bị chính quyền Hoa Kỳ quấy nhiễu với điều kiện họ giữ lới hứa và luật lệ có hiệu lực nơi họ cư ngụ.”3
Khi ra hàng, tướng Lee đâu ngờ rằng tướng Grant hào phóng đến như vậy. Những sĩ quan của ông được giữ súng tùy thân và tất cả binh lính đều được nhận lương y cấp cứu và được phép mang về nhà ngựa hay lừa của họ để kịp khởi đầu vụ canh tác mùa xuân. Trong lịch sử hình như chỉ có vua Lê Lợi là đối đãi bên thua cuộc một cách hào hiệp như vậy khi, tháng chạp năm Đinh Mùi (đầu năm 1428), ngài đã cấp thuyền và ngựa cho phép Vương Thông rút quân về nước. Tướng Grant đã cấm binh lính của mình ngược đãi tù binh và hò hét hoan hỷ mừng chiến thắng y như vua Lê Lợi đã cấm không cho giết lính nhà Minh để trả thù.
Một điểm chi tiết dã sử rất thú vị là tướng Lee nhận thấy bản dự thảo đình chiến do một thượng sĩ thuộc bộ lạc thổ dân Seneca viết và thốt lên : “Có một người Mỹ chính cống ở đây là một điều đáng mừng”. Viên hạ sĩ quan Seneca đối lại cụt ngủn :”Chúng ta đều là người Mỹ cả“.
Được tin tướng Lee đầu hàng với những điều kiện rất hào phóng thì các đoàn quân Confederate khác không còn lý do tiếp tục kháng cự để cứu thân nữa. Các tướng Confederate lần lượt hạ súng xin hàng. Ngày 23 tháng sáu, vị tướng cuối cùng quy hàng là tướng Stand Watie, người thổ dân Cherokee. Ngày mồng chín tháng năm, Tổng thống Andrew Johnson, người kế vị tổng thống Abraham Lincoln đã bị ám sát, tuyên bố chiến tranh đã chấm dứt. Hôm sau thì Tổng thống Confederate Jefferson Davis bị bắt.
Nội chiến Mỹ khởi đầu năm 1861. Nhiều người nghĩ nguyên nhân là một bên, các tiểu bang miền Nam, bảo vệ chế độ nô lệ, và một bên, các tiểu bang miền Bắc, chống chế độ nô lệ, đánh nhau vì mâu thuẫn về lý tưởng. Thực ra vấn đề chế độ nô lệ chỉ là chất xúc tác của chiến tranh.
Marx và Engels nghĩ rằng chiến tranh này là đúng hướng đi của lịch sử (sens de l’histoire). Trình bầy một cách cơ bản thì, theo chủ nghĩa Marx, xã hội tiến hóa theo ba giai đoạn : sở khai, tư bản và cộng sản. Hướng đi của nhân loại là xã hội tư bản sẽ thay thế xã hội sơ khai để, rút cục, sẽ bị xã hội cộng sản thay thế. Các biến đổi này không có kỳ hạn, có thể diễn biến hòa bình cũng như bằng bạo lực4. Khi Nội chiến Mỹ bùng nổ thì xã hội hai bên khác nhau. Xã hội các tiểu bang Confederate có thể coi là sơ khai còn xã hội các tiểu bang Union đã đạt giai đoạn tư bản. Theo lẽ thường của lịch sử thì hai xã hội đó phải đụng độ và phe tư bản phải thắng5. Trong lịch sử, Nội chiến Mỹ là thí dụ duy nhất đã diễn biến đúng theo luận cương của Marx và Engels.
Theo các học giả Mỹ thì Nội chiến Mỹ là một cuộc chiến thống nhất đất nước của Hoa Kỳ
Cho tới Nội chiến Mỹ, Hoa Kỳ không phải là một quốc gia thống nhất mà chỉ là một liên minh lỏng lẽo một số tiểu bang tự lập nếu không nói là độc lập. Nhưng vào giữa thế kỷ XIX thì kinh tế xã hội ở Bắc Mỹ đã đổi thay. Những tiểu bang miền Bắc đã công nghiệp hóa và có nhu cầu một Nhà Nước mạnh để có thể thương lượng với các nước Âu Châu ở vị thế mạnh. Trong khi đó các tiểu bang miền Nam vẫn còn sản xuất bông gòn cho các xí nghiệp công nghiệp ở Âu Châu. Vì muốn giữ độc lập và lối sống của họ nên các tiểu bang miền Nam muốn ly khai Hiệp chủng quốc Bắc Mỹ (United States of North America). Họ tái lập liên minh quân sự giữa các tiểu bang như thời Chiến tranh Giành Độc lập (American War of Independence hay là American Revolutionary War) cuối thế kỷ XVII. Liên minh đó tự xưng là Confederate States of America (Liên minh Mỹ Châu).
Các tiểu bang miền Bắc tự xưng là Union (Thống nhất) và gọi binh lính các tiểu bang miền Nam là Rebel (Phiến quân). Các tiểu bang miền Nam gọi chiến tranh đó là War of Northern Aggression (Chiến tranh Chống Miền Bắc Xâm lược) hay là War for Southern Independence (Chiến tranh Vì Miền Nam Độc lập). Chỉ có bây giờ người Mỹ mới gọi cuộc chiến đó là Civil War (Nội chiến) và nhiều người nước khác gọi là War of Secession (Chiến tranh Ly khai).
Các tiểu bang Confederate chỉ có chiến lược bảo vệ độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của họ. Trong khi đó quân đội Union đã xâm lăng miền Nam để bắt buộc các tiểu bang phải trở lại với Hiệp chủng quốc. Họ tàn phá miền Nam, giết người, giết gia súc, đốt nhà cửa và mùa màng một cách dã man6. Vì đó mà binh lính Confederate quyết tử chiến và chỉ hạ súng khi được biết đến những điều kiện khoan hồng của tướng Grant. Tổng cộng 620 000 lính (360 000 lính Union, 260 000 lính Confederate) đã tử trận, chưa kể những thương vong và những binh lính chết vì bệnh tật và ở các trại tù binh. Đây là con số thiệt hại về con người vượt xa tổng số tử vong của tất cả các chiến tranh khác trong lịch sử Hoa Kỳ.
Văn bản pháp lý gọi là Thirteenth Amendment (Luật Bổ sung Số Mười Ba) bãi bỏ chế độ nô lệ có hiệu lực tháng chạp 1865 sau khi tất cả các thủ tục lập pháp đã được thông qua. Trước Nội chiến, các tiểu bang miền Nam là những tiểu bang giàu nhất nước Mỹ. Sau Nội chiến, các đại địa chủ Confederate mất đi giá trị của ba triệu rưỡi người nô lệ, tài sản vật tư sản xuất khác bị phá hủy, sản lượng đầu người giảm xuống còn 40 phần trăm và phải chờ đến thập niên 1950 mới đạt được trung bình các tiểu bang khác.
Về chính trị thì Hoa Kỳ không còn là một liên minh các tiểu bang nữa và đã trở thành một liên bang với một nhà nước duy nhất, quyền lực các tiểu bang giới hạn ở những vấn đề địa phương. Các nhiệm kỳ của Tổng thống Johnson, người kế vị Tổng thống Lincoln, và Tổng thống Grant gọi là Reconstruction Era (Thời kỳ Tái kiến thiết). Mục đích là làm thế nào để các tiểu bang Confederate cũ mau chóng hội nhập vào quốc gia Hoa Kỳ. Người dân miền Nam, dù có cầm súng chống lại Union hay không, đều được để sống bình yên, không ai bị truy tố hay cầm tù. Ngay sau khi chiến tranh được tuyên bố chấm dứt, họ đều được hưởng và thực thi mọi quyền công dân của Hoa Kỳ. Đặc biệt họ được cử đại biểu đến các bộ phận dân cử của nhà nước liên bang như là Thượng nghị viện và Hạ nghị viện. Những người nô lệ được phóng thích cũng được hưởng những quyền công dân như vậy. Thời đại đó kết thúc năm 1877 khi Tổng thống Grant hết nhiệm kỳ thứ hai. Các đơn vị quân đội Union chiếm đóng ở miền Nam được giải tán, một số binh lính được chuyển sang thiết lập trật tự ở các địa hạt và tiểu bang miền Tây và Viễn Tây.
Chính sách hòa hợp hòa giải dân tộc của Hoa Kỳ đã mau chóng thành công xuất sắc
Ngược lại, cho tới bây giờ, 150 năm sau, các chính sách khác vẫn còn gây tranh cãi.
Như viết ở trên, kinh tế miền Nam đã phải bỏ ra gần một thế kỷ để hồi phục. Các cán bộ chính quyền liên bang gửi vào Nam để cải cách hành chính bị dân địa phương gọi mỉa mai là carpetbagger (những tay chiếm đoạt tài sản của dân và bỏ vào túi bằng thảm) vì một số lạm quyền và suy thoái sang tham nhũng. Thêm vào đó một đám đông “cách mạng ngày 30“, khó có thể tránh được, mà người miền Nam gọi là scalawag (côn đồ). Do đó nhiệm kỳ các Tổng thống Johnson và Grant bị mang tiếng là bê bối nhất lịch sử Hoa Kỳ.
Trước khi được phóng tích thì nô lệ là tài sản được chủ nhân bảo dưỡng như bất cứ tài sản nào. Sau khi được phóng tích thì họ là người tự do, hưởng tất cả các quyền công dân, nhưng không có ai chăm sóc. Một sớm một chiều, họ phải tự túc mà lại không có kế sinh nhai. Do đó mà, cho đến bây giờ, người da đen vẫn còn là sắc dân có đời sống khổ cực nhất nước Mỹ. Thêm vào đó, các tiểu bang Confederate cũ đã ngang nhiên ban hành những luật phân biệt chủng tộc theo chủ nghĩa separate but equal (riêng rẽ nhưng bình đẳng). Một số tổ chức, như là Ku Klux Klan, đã được thành lập để xúc tiến tư tưởng ưu thế người da trắng và sách nhiễu những người da đen. Tình trạng sách nhiễu hà hiếp người da đen vẫn tồn tại cho tới ngày nay7. Phải chờ đến thập niên 1960, mới có luật cấp liên bang bãi bỏ những luật phân biệt chủng tộc và cấm những hành vi kỳ thị và tới năm 2008 mới có một người lai da đen được bầu làm Tổng-thống Hoa-Kỳ.
Chú thích:
1 Người Mỹ gọi chiến tranh giữa 11 tiểu bang miền Nam và 23 tiểu bang miền Bắc là Civil War (Nội chiến), chính quyền và quân đội miền Nam gọi là Confederate còn chính quyền và quân đội miền Bắc là Union. Chúng tôi dùng những từ ngữ đó mà không dịch sang Việt ngữ. Bài viết này không có tham vọng là một nghiên cứu lịch sử, những dữ kiện nêu trong bài có thể tìm thấy ở những sách vở kinh điển.
2 Sau Nội chiến, vị tướng này tiếp tục binh nghiệp với quân hàm đại tá, đi dẹp loạn thổ dân (mà người Mỹ gọi là Indian War) và tử trận ở Little Big Horn. Bạn đọc có thể xem nhiều phim và sách hình về nhân vật huyền thoại này.
3 Bản Anh ngữ là như sau :
“In accordance with the substance of my letter to you of the 8th inst., I propose to receive the surrender of the Army of N. Va. on the following terms, to wit: Rolls of all the officers and men to be made in duplicate. One copy to be given to an officer designated by me, the other to be retained by such officer or officers as you may designate. The officers to give their individual paroles not to take up arms against the Government of the United States until properly exchanged, and each company or regimental commander sign a like parole for the men of their commands. The arms, artillery and public property to be parked and stacked, and turned over to the officer appointed by me to receive them. This will not embrace the side arms of the officers, nor their private horses or baggage. This done, each officer and man will be allowed to return to their homes, not to be disturbed by United States authority so long as they observe their paroles and the laws in force where they may reside.”
4 Bạn đọc có nhu cầu có thể tham khảo cuốn “Das Kapital” và các tác phẩm khác của Karl Marx.
5 GS R. Dangeville và thư viện khoa học xã hội của Đại học Quebec có sưu tập những bài báo do Marx và Engels viết về Nội chiến Mỹ. Những bài đã được dịch sang Pháp ngữ và đăng trên trạm Interrnet
https://www.marxists.org/francais/marx/works/00/gcus/gcus.htm
6 Xem phim “The Horse Soldiers” của John Ford.
7 Gần đây, ở Ferguson, tiểu bang Missouri, một cảnh-sát đã bắn chết một thiếu-niên da đen bằng sáu phát súng chỉ vì nghi là bị em này đe dọa tính mạng.
Nguồn bài đăng