Cuộc đấu tranh ngoại giao với triều đình nhà Minh và những chứng tích còn lại
Nguyễn Văn Nguyên Với ý đồ thống trị nước ta, triều đình phong kiến nhà Minh đã đem đội quân 80 vạn tên tiến sang đánh chiếm Giao Chỉ, gây ra cuộc chiến tranh xâm lược kéo dài suốt ba thập kỉ đầu của thế kỉ XV. Dã tâm chiếm đóng lâu dài của nhà Minh càng lộ rõ khi họ thiết lập ra hệ thống ...
Nguyễn Văn Nguyên
Với ý đồ thống trị nước ta, triều đình phong kiến nhà Minh đã đem đội quân 80 vạn tên tiến sang đánh chiếm Giao Chỉ, gây ra cuộc chiến tranh xâm lược kéo dài suốt ba thập kỉ đầu của thế kỉ XV. Dã tâm chiếm đóng lâu dài của nhà Minh càng lộ rõ khi họ thiết lập ra hệ thống cai trị và tiến hành đàn áp dã man các cuộc kháng chiến của vua tôi nhà Hậu Trần và hàng loạt phong trào khởi nghĩa khác diễn ra sau đó, đặc biệt là đối với phong trào Lam Sơn. Ngay cả sau khi nghĩa quân Lam Sơn tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân, tiêu diệt, làm tan rã toàn bộ hệ thống thành trì của giặc, rồi lại đánh tan hai đạo viện binh hùng mạnh của chúng, khiến Tổng binh Vương Thông phải chấp nhận điều kiện của ta, lập hội thề chấm dứt chiến tranh và mang quân rút về nước ngày 22 tháng 11 năm Đinh Mùi (1427), và thậm chí cả sau khi chiến tranh đã kết thúc, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, lập ra triều đại mới ngày 15 tháng 4 năm 1428, nhà Minh dường như vẫn chưa cam chịu thừa nhận thất bại. Bằng cách bám lấy quan điểm “hưng diệt kế tuyệt” – danh nghĩa đã được dùng để che đậy cho hành động xâm lược trước đây của họ, triều Minh vẫn tiếp tục âm mưu trì hoãn, phủ nhận sự tồn tại của triều Lê và nhà nước Đại Việt.
Nghĩa quân Lam Sơn không phải không sớm biết rõ sự ngoan cố và ý đồ này của địch. Chính vì thế ngay từ những ngày cuộc chiến đấu còn đang xảy ra quyết liệt trên chiến trường, các lãnh tụ khởi nghĩa Lam Sơn đã bắt đầu triển khai một mặt trận ngoại giao trực tiếp với triều đình nhà Minh nhằm tới mục đích là giành lại quyền độc lập tự chủ toàn vẹn cho đất nước. Cuộc đấu tranh trên mặt trận chính trị ngoại giao này được lãnh tụ Lê Lợi và người trực tiếp thực hiện là Nguyễn Trãi tiến hành từ năm 1426, kéo dài cho mãi đến năm 1437 mới giành được thắng lợi cuối cùng.
Khởi đầu của việc giao thiệp giữa nghĩa quân Lam Sơn với người Minh có thể là từ những biện pháp “tình thế” như việc sai bọn Lê Trăn đến chỗ quân Minh xin hòa vào tháng 12 năm Nhâm Dần (1422). Đó đang là thời kỳ khó khăn của những năm đầu khởi nghĩa. Cùng với sự lớn mạnh dần của nghĩa quân và sự tiến triển nhanh chóng của phong trào khởi nghĩa, việc giao thiệp với quân Minh được nâng lên thành một mặt trận đấu tranh chính trị phối hợp nhịp nhàng với các chiến dịch quân sự trong thế trận tổng hợp của cuộc chiến tranh nhân dân. Thông qua những bức thư địch vận do Nguyễn Trãi soạn thảo gửi cho các tướng lĩnh giặc Minh đang trực tiếp đánh nhau với ta trên chiến trường Giao Chỉ hiện còn lưu giữ lại trong tập Quân trung từ mệnh, chúng ta có thể thấy được các vị lãnh tụ Lam Sơn đã sử dụng thứ vũ khí đánh vào lòng địch này một cách tài tình dưới hai hình thức đấu tranh hòa đàm và dụ hàng, qua đó đã góp phần không nhỏ vào thành công của cuộc khởi nghĩa. Tư liệu trong sử sách cũng từng ghi nhận: “Các thành Nghệ An, Thuận Hóa, Tây Đô, Đông Đô đều sai văn thần Nguyễn Trãi viết thư, dụ bảo bọn giặc điều họa phúc, nên không cần đánh mà chúng phải đầu hàng”(1).
Nhưng đến giai đoạn cục diện chiến trường bắt đầu phát triển dần có lợi cho ta và khi đã có thể nhìn thấy khả năng chiến thắng đội quân xâm lược thì các lãnh tụ nghĩa quân cũng nhận ra rằng, để đạt tới thắng lợi toàn vẹn cuối cùng, chỉ bằng sức mạnh quân đội kết hợp với đấu tranh địch vận dường như là chưa đủ. Những bức thư của Nguyễn Trãi có thể dụ hàng được những viên tướng giặc như Trương Lân ở thành Điêu Diêu, Lưu Thanh ở thành Tam Giang, hay giải giáp được cả đại bản doanh địch ở thành Đông Quan do Vương Thông chỉ huy, thậm chí làm tan rã cả một cánh viện binh Vân Nam gồm 5 vạn tên của Mộc Thạnh… Nhưng vấn đề chấm dứt hẳn cuộc chiến tranh xâm lược của ngoại bang, giành lại và duy trì nền độc lập tự chủ lâu dài cho đất nước sẽ phải được quyết định từ triều đình phương Bắc. Vì thế, cuộc đấu tranh ngoại giao bắt đầu được triển khai với đối tượng là triều đình nhà Minh mà trực tiếp là các vua Minh Nhân Tông, Tuyên Tông và Anh Tông. Về phía triều đình nhà Minh, họ không phải dễ dàng chấp nhận ngay sự giao thiệp này, bởi cho đến trước khi thất bại hoàn toàn trên chiến trường (tháng 11 năm 1427), họ vẫn coi Lê Lợi và phong trào Lam Sơn là “làm loạn”, là “giặc”. Nhưng trong tình thế thất bại về mặt quân sự và trước sự đấu tranh chính trị kiên quyết nhưng khôn khéo của nghĩa quân đã khiến họ phải dần dần thay đổi thái độ. Tuy tạm thời chưa chịu công nhận phía ta như đại diện của một quốc gia độc lập, nhưng đã phải chấp nhận sự giao thiệp trực tiếp, và trong Minh sử kể từ năm 1428 trở đi đã phải coi người do phía ta cử sang giao thiệp là “sứ giả”, đồng thời về phía họ, triều Minh cũng bắt đầu cử những viên quan có chức vụ trong triều như Tả thị lang, Hữu thị lang, Thượng thư, Hành nhân v.v. sang ta tiến hành trao đổi.
Mục đích của cuộc đấu tranh ngoại giao giữa nghĩa quân Lam Sơn với triều đình nhà Minh chính là nhằm xác định lại mối quan hệ giữa hai nước từng bị thay đổi sau cuộc chinh phạt của Minh Thành Tổ vào năm Vĩnh Lạc thứ 4 (1406).
Lịch sử nước ta đã từng trải qua một giai đoạn đen tối kéo dài hơn một nghìn một trăm năm dưới sự thống trị của phong kiến phương Bắc, đó là thời kỳ Bắc thuộc. Trong thời kỳ này, các triều đại phong kiến Trung Quốc từ đời Tần, Hán đến thời Ngũ đại chia nước ta thành hệ thống quận huyện và cắt đặt quan lại trực tiếp cai trị. Cho đến năm 939, sau ngày chiến thắng đội quân Nam Hán của Hoằng Thao trên sông Bạch Đằng, Ngô Quyền bắt đầu xưng Vương, đặt trăm quan, chế định triều nghi phẩm phục(2), kể từ thời gian đó trở đi nước ta mới chấm dứt thời kỳ lệ thuộc phương Bắc. Mặc dù trong thời kì lịch sử này, ta đã giành quyền tự chủ hoàn toàn trong việc điều hành đất nước; nhưng như một số nước khác cùng nằm trong khu vực lân cận với Trung Quốc mà thời cổ gọi chung là “Nam Hải 南 海”(3), các vương triều nước ta đều phải chịu ảnh hưởng nặng nề của khái niệm thống trị “Tông – Phiên 宗 籓”, trong quan hệ giữa họ với đế quốc Trung Hoa.
Đây là một khái niệm có quan hệ chặt chẽ với quan niệm của Trung Quốc cổ đại về một Thiên triều ở trung tâm thống trị “tứ di”. Khái niệm thống trị này đã xuất hiện ở Trung Quốc rất sớm. Sau các cuộc chiến tranh thôn tính lẫn nhau giữa các bộ lạc, nhà Hạ xuất hiện và đã trở thành bá chủ chung của các bộ lạc lân cận khác. Từ đó về sau hình thành bức tranh về một vương triều ở trung tâm và bốn bộ tộc Di, Man, Nhung, Địch ở xung quanh hướng về thần phục. Cùng với sự phát triển và biến đổi của các giai đoạn lịch sử, sơ đồ này được bổ sung cụ thể và hoàn thiện dần. Các nhà nghiên cứu đã căn cứ vào tư liệu về mối quan hệ xa gần và sự thần phục, cống nạp của các bộ tộc, chư hầu đối với vương triều để lập ra các sơ đồ “Ngũ phục 五 服” của các vương triều vua Nghiêu và vua Vũ, trong đó tính từ Vương kì (kinh đô của Vương triều) ở trung tâm và một vùng rộng 5000 dặm bao quanh (gọi là Điện 甸) thuộc quyền quản lý của Vương triều trở ra, cứ cách 500 dặm là thuộc về một khu vực, được xếp theo thứ tự của mối quan hệ với Vương triều từ chặt chẽ đến nới lỏng dần, lần lượt gọi là Hầu 侯, Tuy 綏, Yếu 要, Hoang 荒, Trưởng 長. Đến thời nhà Chu, sơ đồ được phát triển thành “Cửu phục 九 服”, gồm một Vương kì 王 圻 ở trung tâm và 9 khu vực phụ thuộc ở xung quanh chia thành thứ hạng tùy theo quan hệ của họ với vương triều, lần lượt là Hầu 侯, Điện 甸, Nam 男, Thái 釆, Vệ 衛, Man 蠻, Di 夷, Trấn 鎮, Phiên 籓.
Các đời Tần, Hán cho đến Minh, Thanh về sau vẫn kiên trì với khái niệm thống trị của một Thiên triều trung tâm này, nhưng với sự thống nhất của đế quốc Trung Hoa và những cuộc mở mang lãnh thổ xuống phía nam, mô hình đó có những thay đổi tùy theo mối quan hệ thân hay sơ giữa Thiên triều với khu vực xung quanh (xem Sơ đồ).Và trải suốt các thời kỳ tiếp sau đó, không có Vương triều Trung quốc nào không coi các bộ tộc hoặc các nước ở khu vực lân cận là những bộ lạc phụ thuộc hay phiên quốc có nghĩa vụ thần phục và nộp cống của mình. Cộng thêm sự ảnh hưởng tư tưởng chính thống của học thuyết Nho gia, quan hệ giữa Trung Quốc với các nước “Nam Hải” (trong đó bao gồm cả nước ta) luôn được coi là mối quan hệ thứ bậc giữa Vương triều (đế quốc Trung Hoa) với nước phiên thuộc.
Khái niệm thống trị của Phong kiến Trung Quốc
Địa vị của nước phiên thuộc, từ Cửu phục và sơ đồ trên ta thấy, đó là khu vực được xếp ở vòng xa trung tâm nhất so với các khu vực khác. Thực tế, mối quan hệ (sự ràng buộc) giữa nước này với Thiên triều là lỏng lẻo nhất. Mối quan hệ này được các học giả phân tích là “Có sự qui thuộc về danh nghĩa, nhưng thực tế Vương triều không có khả năng điều khiển, khống chế; đôi khi có sự giao thiệp qua lại”(4). Tức là Thiên triều không cắt cử quan lại để quản lý nước đó về mặt hành chính cũng như không trực tiếp điều hành về các mặt chính trị, kinh tế… Trên thực tế điều đó có nghĩa là một nhà nước độc lập có chủ quyền. Sự ràng buộc thường chỉ thể hiện chủ yếu ở hai điểm: thứ nhất là phải nộp cống (định kỳ hoặc không định kì) cho Thiên triều; thứ hai là phải chịu sự sách phong của Thiên triều, tức là người đứng đầu nước đó phải được Thiên triều ban sắc công nhận.
Kể từ khi Ngô Quyền giành lại độc lập cho đến hết thế kỉ XIV, trải các triều vua kế tiếp, nước ta vẫn được liệt vào hàng phiên quốc với ý nghĩa như trên, một mặt tự chủ điều hành đất nước, mặt khác thực hiện nghĩa vụ triều cống và tiếp nhận sách phong của Thiên triều. Tước hiệu sách phong có thể khác nhau tùy từng thời kỳ, khi là Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ 靖 海 軍 節 度 使 (tước phong của Ngô Nam Tấn Vương Xương Văn), Giao Chỉ Quận vương 交 趾 郡 王 (tước phong của Đinh Tiên Hoàng) hoặc An Nam quốc vương 安 南 國 王 (tước phong của Lý Anh Tông) v.v… nhưng thực tế các vị đó chính là vua của nước Nam.
Tình hình thay đổi kể từ sau khi Hồ Quí Ly lật đổ nhà Trần, lên ngôi Hoàng đế, tự lập ra nhà Hồ. Nắm lấy cơ hội này, mượn danh nghĩa khôi phục lại họ Trần, nhà Minh đại cử 80 vạn quân Minh dưới quyền chỉ huy của Trương Phụ và Mộc Thạnh tiến đánh nước ta. Sau khi bắt được cha con Hồ Quý Ly, tháng 6 năm Vĩnh Lạc thứ 5 (1407), nhà Minh lập tức đổi An Nam thành Giao Chỉ, thiết lập hệ thống cai trị gồm 3 cơ cấu Đô chỉ huy sứ ti, Bố chính sứ ti và án sát sứ ti, cắt cử bọn quan lại người Minh như Lã Nghị, Hoàng Trung, Trương Hiển Tông, Vương Bình, Nguyễn Hữu Chương, Bùi Bá Kì, Hoàng Phúc v.v. nắm giữ các cơ quan đó, đồng thời chia nước ta thành 15 phủ và 5 châu trực lệ ti Bố chính(5). Bằng hành động này, rõ ràng nhà Minh đã chuyển An Nam từ địa vị một phiên quốc thành hệ thống quận huyện dưới sự cai trị trực tiếp của Thiên triều.
Để bảo vệ nền độc lập và chủ quyền dân tộc, nhiệm vụ đặt ra cho các lãnh tụ Lam Sơn là phải đấu tranh giành lại địa vị phiên quốc cho nước Việt. Đoạn văn sau đây trong một tờ Biểu cho thấy Lê Lợi và Nguyễn Trãi ý thức được rất rõ ràng mục tiêu của mình trong lập luận đấu tranh ngoại giao với triều đình nhà Minh:
臣 竊 惟. 交 南 之 地 實 為 海 外 之 邦. 漢 唐 雖 置 郡 縣 而 實 則 羈 麋; 宋 元 亦 已 往 伐 而 尋 加 爵 命. 迨 我 太 祖 高 皇 帝 之 啟 運; 而 臣 祖 父 先 諸 國 以 來 朝. 遞 年 入 貢 於 帝 庭; 累 世 襲 封 於 王 爵.(6)
(Thần trộm nghĩ đất Giao Chỉ phương Nam, thực quả là nước thuộc về hải ngoại(7), nhà Hán, nhà Đường dẫu đặt làm quận huyện, mà thực coi là hạng ki mi(8); đời Tống, đời Nguyên tuy đánh dẹp ra uy, nhưng sau lại ban phong tước mệnh. Thái Tổ Cao Hoàng đế(9) lúc ban đầu mở vận, ông cha thần trước các nước vào chầu. Hàng năm tiến cống sân triều, nối đời tập phong Vương tước).
Cho nên, cuộc đấu tranh ngoại giao của nghĩa quân Lam Sơn với triều đình nhà Minh, rốt cuộc chủ yếu là xoay quanh vấn đề cầu phong và tiến cống. Tất nhiên đối với triều Minh, chuyển đổi mối quan hệ với An Nam từ quận huyện sang phiên quốc không phải là điều dễ dàng chấp nhận. Việc Trần Quý Khoáng mấy lần cầu phong vào thời Vĩnh Lạc đều bị nhà Minh hoặc khước từ một cách tàn khốc, hoặc tìm cách biến “cầu phong” thành “xin hàng nhận chức quan” là một dẫn chứng lịch sử cho thấy nếu không có sự phối hợp của các hoạt động quân sự và chính trị khác nhau để tạo thành một cục thế nhất định thì khó có thể xoay chuyển được ý chí cai trị của Thiên triều. Đây chính là điều mà Lê Lợi, Nguyễn Trãi và các lãnh tụ nghĩa quân đã nhận thức được rõ ràng và thực hiện một cách tài tình trong cuộc kháng chiến để giành được mục tiêu cuối cùng, điều mà các cuộc khởi nghĩa trước đó chưa có ai đạt tới.
Vì đối tượng của cuộc đấu tranh ngoại giao do nghĩa quân Lam Sơn tiến hành là triều đình nhà Minh, và cụ thể là vua Minh, do đó không thể áp dụng hình thức gửi thư từ như đối với các quân tướng người Minh, mà phải dùng những hình thức công văn qui định mang tính chất ngoại giao quan phương hơn, đó là văn kiện thể loại Tấu 奏 và Biểu 表. Đây là hai thể loại văn bản thuộc loại hình công văn được qui định ở thời phong kiến chuyên dùng để kẻ dưới đệ trình lên người trên, chủ yếu là dùng trong trường hợp bề tôi thần thứ trình lên nhà vua như sách Hậu Hán thư chú dẫn Hán tạp sự đã chép rằng: “Phàm giấy tờ của quần thần dâng lên thiên tử gồm có 4 loại: Chương, Tấu, Biểu và Bác nghị”. Tùy theo mục đích và nội dung của lần giao thiệp mà phía ta chọn dùng thể loại Tấu hay Biểu thích hợp. Do nắm vững được công năng của từng thể loại công văn này mà Lê Lợi và trực tiếp là Nguyễn Trãi đã sử dụng Tấu, Biểu như là thứ công cụ đấu tranh chính trị sắc bén với triều đình nhà Minh nhằm giành lại nền độc lập tự chủ cho đất nước.
Nhưng trước mưu đồ ngoan cố xâm chiếm đất nước ta của đối phương, để đạt được mục tiêu đó, phía ta còn phải trải qua một quá trình gian nan, lâu dài và phức tạp, đòi hỏi các lãnh tụ Lam Sơn phải kiên trì và khôn khéo, từng bước thuyết phục, tiến công trên mặt trận đấu tranh chính trị. Thực tế lịch sử cho thấy thời gian của quá trình này cũng kéo dài không kém thời kỳ kháng chiến đánh đuổi đội quân xâm lược. Khởi đầu từ biện pháp sách lược lập ra ông vua Trần Cảo, để thay lời kẻ hậu duệ vua Trần này tiến hành cầu phong, mở đường cho sự giao thiệp với triều đình nhà Minh, từ tháng 12 năm 1426 phía ta liên tiếp gửi đi hàng loạt văn kiện, trong đó nêu ra những chứng lý về mặt địa lý và lịch sử để chứng minh tính chất độc lập và khẳng định địa vị một phiên quốc có quyền tự chủ của nước An Nam. Đứng trên lập trường của một quốc gia độc lập đó, ta lên án mạnh mẽ cuộc chiến tranh xâm lược và tố cáo những tội ác của nhà Minh, khẳng định tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Đồng thời với việc cầu phong, ngày 29 tháng 11 năm 1427 phía ta chủ động nối lại nghĩa vụ chức cống của một phiên quốc lần đầu tiên sau hơn hai chục năm gián đoạn. Đặc biệt lần này, bên cạnh đồ cống vật, sứ giả của ta còn mang theo cả một số “chiến lợi phẩm” bao gồm hổ phù, ấn bạc của viên tướng Liễu Thăng cùng hàng nghìn quân nhân, sĩ quan, người ngựa mà ta thu được trên chiến trường lập thành danh sách đệ trình trao trả lại nhà Minh. Bề ngoài dường như chỉ nhằm bày tỏ sự ăn năn, hối lỗi, muốn bằng cách trả lại những vật chứng cụ thể xác thực thêm cho những lời lẽ thành khẩn trong bản Tấu, thanh minh về những sự việc “đáng tiếc” xảy ra trên chiến trường, nhưng đằng sau những di vật sót lại của viên bại tướng tử trận đó hiển nhiên còn gửi nhắn một thông điệp răn dè cảnh cáo đối với âm mưu tiếp tục hành động xâm lược của địch. Ngày 3 tháng 8 năm 1428, vua Minh phải sai sứ giả mang chiếu sang Giao Chỉ truyền lệnh rút quân và phong cho Trần Cảo làm An Nam quốc vương, chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược và kết thúc thời kỳ cai trị quận huyện của họ ở Giao Chỉ, đồng thời phải thừa nhận nước ta là một quốc gia có chủ quyền. Nhưng vào lúc này Trần Cảo đã chết. Lãnh tụ nghĩa quân Lê Lợi một mặt lên ngôi Hoàng đế, củng cố chính quyền và bộ máy nhà nước, mặt khác cử người sang Minh báo tang Trần Cảo và tiếp tục cầu phong. Đến đây, nhà Minh lại trở mặt, bằng cách bám lấy quan điểm khôi phục triều vua cũ, họ không chịu công nhận chính quyền mới thành lập của triều Lê mà dai dẳng liên tiếp đòi ta tìm kiếm con cháu họ Trần, đồng thời hạch sách về vấn đề người Minh bị bắt ở Giao Chỉ trong chiến tranh. Phía ta lại phải qua nhiều lần giao thiệp qua lại giải thích, thuyết phục, thậm chí cả biện pháp vận động các đầu mục, kì lão trong nước liên danh cầu phong cho Lê Lợi. Mãi đến ngày 1 tháng 11 năm 1431, vua Minh mới chấp nhận trao cho vua ta Quyền thự An Nam quốc sự. Tuy nhiên, trong khi buộc phải “trả lại nước An Nam cho người An Nam”, triều Minh vẫn thể hiện sự ngoan cố, vớt vát thể diện của họ bằng cách chỉ ban “sắc mệnh” chứ không chịu “sách phong”, đồng thời ngay trong chức danh trao cho Lê Lợi họ đã sử dụng hai chữ “權 Quyền” và “署Thự” là những từ chuyên môn dùng trong việc phân bổ quan chức trong nước và đều mang ý nghĩa “tạm thời ủy nhiệm”(10). Vì vậy để giành được sự công nhận chính thức địa vị một quốc gia độc lập hoàn toàn, chính quyền đầu thời Lê sơ còn phải tiếp tục kiên trì đấu tranh ngoại giao với triều Minh kéo dài trong mấy năm sau. Đời vua Thái Tổ chưa hoàn thành, vua Thái Tông lại kế tiếp. Trải qua bao gian khổ, hoặc phải sang giải đáp những đòi hỏi về số người Minh còn bị lưu giữ, hoặc phải đấu tranh về lệ tuế cống, thậm chí có đoàn sứ ta nhận sứ mệnh sang Minh, có đến 7 người phải nằm lại trên đất khách mà không trở về nhà(11). Cuối cùng cho đến ngày 13 tháng Giêng năm 1437 nhà Minh mới phải chính thức sách phong cho vua Thái Tông tước hiệu An Nam Quốc vương.
Ta thấy rằng, để đạt tới mục đích là một quốc gia độc lập và tự chủ, cuộc đấu tranh ngoại giao của nhân dân ta phải trải qua một thời kỳ suốt 11 năm. Trong cuộc đấu tranh này, giữa ta với triều đình nhà Minh đã tiến hành trên ba chục cuộc giao thiệp qua lại, trong đó riêng về phía ta đã có 20 lần tiến hành trao đổi với ít nhất là 28 văn kiện ngoại giao, chủ yếu đều là thể loại tấu và biểu. Rất may là sau hơn 5 thế kỷ, nội dung của một phần trong số văn kiện này vẫn còn được lưu giữ trong di sản Hán Nôm, cụ thể theo điều tra của chúng tôi là còn 18 văn kiện thể loại này còn được lưu chép rải rác trong một số thư tịch như Ức Trai di tập, Cổ kim bang giao bị lãm, Bang giao lục, Hoàng các di văn v.v. Đây là những tài liệu rất quí, có ý nghĩa như là những chứng tích còn lại của một cuộc đấu tranh ngoại giao đầu thời Lê sơ nêu trên.
Đối với những văn kiện của Nguyễn Trãi thuộc thể loại tấu và biểu này, trong một chuyên khảo trước đây(12), thông qua khảo sát nghiên cứu văn bản, chúng tôi tuy chưa có điều kiện nghiên cứu để xếp thành một tập hợp văn kiện riêng rẽ, nhưng cũng đã xác định là chúng không thuộc vào tập hợp văn kiện Quân trung từ mệnh. Cơ sở chủ yếu của quan điểm này, trước hết là dựa vào sự khác biệt khá rõ rệt về ý nghĩa chính trị, và từ đó đòi hỏi có sự khác biệt về đối tượng và phương diện thể loại của những văn kiện tấu, biểu này so với văn kiện thư từ, lệnh dụ trong Quân trung từ mệnh.
Tuy cùng là những hình thức hoạt động đấu tranh chính trị phục vụ cho cuộc kháng chiến, và trong thực tế thực hiện của nghĩa quân Lam Sơn, các hình thức này luôn có sự phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau, nhưng nếu xét về mặt ý nghĩa thì văn kiện thể loại thư từ lệnh dụ của Quân trung từ mệnh chủ yếu là những biện pháp địch vận và đấu tranh hòa đàm nhằm làm tan rã ý chí chiến đấu của đội quân xâm lược và ngụy quân, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho quân ta giải quyết các vấn đề trên chiến trường, tức trực tiếp nhằm vào mục đích giải phóng dân tộc thoát khỏi sự đô hộ của ngoại bang. Còn văn kiện thể loại tấu biểu là những công văn mang tính chất ngoại giao được sử dụng để đấu tranh với triều đình nhà Minh nhằm khẳng định và giành lại độc lập, chủ quyền cho đất nước. Với những mục đích khác nhau như vậy, đối tượng của văn kiện thư từ lệnh dụ được Nguyễn Trãi thảo ra là nhằm gửi cho các tướng sĩ giặc trên chiến trường Giao Chỉ dưới hình thức những bức thư, tờ dụ; trong khi tấu biểu là thể loại công văn theo truyền thống để kẻ dưới trình lên người trên thì được sử dụng để giao thiệp với triều đình nhà Minh, cụ thể là vua Minh. Cũng vì đối tượng đấu tranh ở cấp cao hơn nên ở những văn kiện này càng nổi bật tính chất ngoại giao quan phương, và vì thế ý nghĩa chính trị của chúng cũng được nâng lên tầm cao hơn. Bằng chứng là từng tờ tấu, biểu của ta giao thiệp với triều Minh đều được chính sử của cả hai nước ghi chép lại đầy đủ như là một sự kiện lịch sử, với những chi tiết cụ thể về thời gian, phương thức chuyển đạt, nội dung đề cập của văn kiện, thậm chí đôi khi còn tóm lược hoặc trích dẫn nguyên văn của chúng. Đó là một đặc điểm rất thuận lợi cho chúng ta trong công tác nghiên cứu, thậm chí có thể dựa vào những ghi chép đáng tin cậy của chính sử để xác định “lai lịch” cụ thể của từng văn kiện đấu tranh ngoại giao, điều hầu như khó có thể làm được đối với trường hợp các văn kiện thư từ địch vận.
Một sự khác nhau nữa là về thời gian. Rõ ràng việc trao đổi văn kiện loại thư từ được dừng lại kể từ sau ngày quân Minh thua trận, Vương Thông buộc phải hội thề với ta rồi mang quân rút về nước, khi mà công tác dụ hàng, địch vận đã trở nên không còn cần thiết nữa; trong khi đó việc giao thiệp với triều đình nhà Minh vẫn còn phải tiếp tục ngay cả sau khi chiến tranh kết thúc một vài năm để giành lại nền độc lập tự chủ hoàn toàn. Do vậy, nếu nhập văn kiện thể loại tấu biểu vào Quân trung từ mệnh thì vô hình trung, tập hợp văn kiện này sẽ bị chia thành 2 “mảng” riêng rẽ: một thuộc thời kỳ chiến tranh và một thuộc thời kỳ sau hòa bình. Trong khi thực tế lịch sử cho thấy, cả khối văn kiện này là chứng tích của một cuộc đấu tranh ngoại giao được Lê Lợi và Nguyễn Trãi tiến hành liên tục với những diễn biến gay go phức tạp kéo dài suốt nhiều năm để giành nền độc lập tự chủ hoàn toàn cho đất nước.
Chính vì những lý do trên, chúng tôi chủ trương đưa số văn kiện thể loại tấu, biểu này độc lập với văn kiện thư từ lệnh dụ, một mặt bảo toàn sự thống nhất và tập trung của các văn kiện trong tác phẩmQuân trung từ mệnh, phù hợp với ý đồ của Trần Khắc Kiệm khi ông đặt tên cho sưu tập của mình, mặt khác giữ được tính liên tục lịch sử của các văn kiện tấu, biểu, một tập hợp các giấy tờ đấu tranh ngoại giao mà ý nghĩa của chúng cũng không kém phần quan trọng đối với sự ra đời và tồn tại của nhà nước Đại Việt.
Tuy nhiên, cũng phải nhấn mạnh rằng, đây là một quan điểm mang tính chất thuần túy văn bản học được nêu ra không ngoài mục đích tiếp cận tới diện mạo hợp lý ban đầu của văn bản Quân trung từ mệnh và góp phần trợ giúp cho công tác nghiên cứu tư liệu lịch sử được khoa học và thuận tiện hơn. Do vậy, nó không hề mang đôi chút sắc thái cảm tính mà những từ ngữ đại loại “đưa ra…”, “loại ra…” hoặc “gạt ra khỏi Quân trung từ mệnh” v.v… có thể mang lại. Nằm trong khối di sản Hán Nôm quí giá do ông cha để lại, những văn kiện thể loại tấu, biểu này không những là một bộ phận trong số di văn hiếm hoi còn lại của danh nhân Nguyễn Trãi, mà cũng như những công văn giấy tờ khác soạn thảo cùng thời, đó còn là những tư liệu lịch sử vô cùng quan trọng để hậu thế nghiên cứu, tìm hiểu về cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và bảo vệ nền độc lập tự chủ của dân tộc ta ở thế kỷ XV. Vì thế, chúng dù nằm trong tập hợp văn bản nào cũng vẫn giữ nguyên giá trị và cần phải được khảo sát nghiên cứu thấu đáo.
CHÚ THÍCH
(1) Toàn thư, Bản kỷ, Q.10, tờ 2a.
(2) Toàn thư, Bản kỷ , Q.5, tờ 21a.
(3) Nam Hải ở đây không phải là tên một trong 9 quận lập ra thời Hán mà được dùng để chỉ một khu vực địa lý. Quan niệm về phạm vi của khu vực này có sự thay đổi khác nhau tùy từng thời kỳ lịch sử, thường chỉ các nước cổ đại nằm thuộc về vùng biển phía nam Trung Quốc như An Nam, Chiêm Thành, Xiêm La, Chân Lạp, Miến, Trảo Oa, Lưu Cầu, Lữ Tống v.v…, tức là các nước ở vùng tương đương với khu vực Đông Nam á ngày nay.
(4) Vi Khánh Viễn: Trung Quốc chính trị chế độ sử, Trung quốc Nhân dân Đại học xuất bản xã xuất bản, 5-1991, tr.44. Trích theo Khưu Huyễn Dực: Minh Đế quốc dữ Nam Hải chư phiên quốc quan hệ đích diễn biến, Nxb. Lan Đài, Đài Bắc, 1995, tr.12.
(5) Theo Minh sử, Q.321 – An Nam truyện, tr.8316. Sự kiện này Toàn thư (Bản kỷ, Q.9, tờ 2b) chép vào tháng 4 cùng năm.
(6) Trích tờ Biểu mang danh nghĩa Trần Cảo là dòng dõi vua Trần gửi vua Minh.
(7) Hải ngoại: chỉ bên ngoài Trung Quốc.
(8) Ky mi: chỉ quan hệ ràng buộc chứ không trực tiếp cai trị, (tham khảo sơ đồ bên trên).
(9) Thái Tổ Cao Hoàng đế: chỉ vua Minh Thái Tổ.
(10) Tham khảo: Trung Quốc quan chế đại từ điển.
(11) Theo Toàn thư, Bản kỷ thực lục, Q.11, tờ 28b.
(12) Xem Nguyễn Văn Nguyên: Những vấn đề văn bản học Quân trung từ mệnh của Nguyễn Trãi, Nxb. Văn học, H. 1998.
Nguồn bài đăng