“Đối thoại sử học”: Tây Sơn: lại nhìn từ bên trong
Bộ sưu tập ấn thời Tây Sơn-Bảo tàng Quang Trung (Bình Định) Tạ Chí Đại Trường Biến động Tây Sơn tuy ngắn ngủi, tồn tại chỉ có 31 năm (1771-1802), nhưng đã gây nên sự đảo lộn lớn lao khiến kẻ thù đương thời, triều thần họ Nguyễn, cũng phải thán phục: “Kẻ kia, Nhạc Huệ, không ...
Tạ Chí Đại Trường
Biến động Tây Sơn tuy ngắn ngủi, tồn tại chỉ có 31 năm (1771-1802), nhưng đã gây nên sự đảo lộn lớn lao khiến kẻ thù đương thời, triều thần họ Nguyễn, cũng phải thán phục: “Kẻ kia, Nhạc Huệ, không có một miếng đất cắm dùi, thế mà vươn tay hô một tiếng, người theo cả vạn…” Vì thế, tuy vẫn gọi họ là “nguỵ” mà sau khi chiến thắng, các sử quan họ Nguyễn vẫn dành cho Tây Sơn cả một “quyển” trong Đại Nam liệt truyện (Quyển 30). Tiếng khen càng ồn ào hơn khi với thời đại quan niệm vương quyền suy tàn xoá ranh giới chính thống, nguỵ tặc, cùng lúc với công tích chống lực lượng ngoại quốc nổi bật với thời đại giành độc lập dân tộc ngày nay, đưa địa vị của Quang Trung Nguyễn Huệ lên đỉnh cao của lịch sử nước nhà. Chủ đích của những lời tán dương đôi khi không phải vì người xưa, mà cốt vì người nay, để tô vẽ cho bản thân từ những oai hùng có thật và cả những điều tưởng tượng. ít ai nhắc cho kẻ khác những tấn tuồng bại vong vốn cũng có thật như chính của đời sống. Không thấy ai nhắc lại tiếng kêu thét của cô bé khi thấy con voi cuốn vòi xông tới: “Mẹ ơi cứu con với!” để viên nữ tướng ngậm ngùi: “Đến thân mẹ cũng còn không giữ nổi, làm sao cứu con?” Không nghe ai nhắc lời người em trách anh, khi thấy người tù binh cựu hoàng đế ăn miếng cơm ân huệ trước khi bị ra pháp trường tùng xẻo: “Nhà mình thiếu gì mâm vàng mâm bạc mà ăn của nhà người…” Không nhắc lại, một phần vì lẽ có ảo tưởng về sự hoàn hảo của con người, vì muốn tự dối mình để che giấu điều tủi nhục về phía phe mình ưa thích, hay giản dị hơn, có lẽ vì thói quen huênh hoang chỉ ưa nói về thành công, chiến thắng, như một thôi thúc tự bên trong để che lấp niềm tự ti sâu kín.
Lời phẩm bình thường chỉ nhắm về phương diện tranh chiến – hay suy diễn căn cứ từ đấy mà ra. Cho nên thật có chút thích thú cho người đời nay khi thấy được nhận xét của Phan Huy Chú: “Gần đây, nhuận triều Tây Sơn phong chức quá lạm, đến cả phu quét chợ, lính đẩy xe cũng đều trao cho tước hầu tước bá…” (Lịch triều hiến chương loại chí, tập I, bản dịch Hà Nội 1993, trang 533). Lời nhận xét tuy không mất tính chất phe phía, hãnh diện từ một truyền thống quan chức có từ hàng mấy trăm năm, được “mệnh vua phong thì lấy làm vẻ vang”, có “phong khí hay như thế” nhưng cũng cho thấy một khía cạnh xác thực từ phía đối nghịch – còn hơn là chửi mắng, hay lờ đi. Có điều ông không nhắc tới chuyện đứng chung với các phu quét chợ, lính đẩy xe đó là một người trong dòng họ: Thuỵ Nham hầu Phan Huy ích, hay một người có tên tràn ngập khắp nước ngày nay nhờ sử quan mới, cũng cùng dòng họ Phan Huy, tôn vinh lên: Đông Lĩnh hầu Đặng Tiến Đông.
Ông Phan không cho thấy các Đô đốc, Đại đô đốc (các chức thường thấy của Tây Sơn) đẩy xe, quét chợ nào có tên là gì, nhưng những người đi theo triều mới, nhờ công tích lên cao, một chút xuất thân hèn mọn, nhỏ bé không những không bị che lấp, lại được trưng ra để làm vẻ vang thêm, nên ta còn giữ được tên. Ví dụ hàng thần Tây Sơn Nguyễn Văn Trương, lập công cho Nguyễn ánh đến mức trở thành như một thứ Tư lệnh hải quân ngày nay, chưa từng biết Vọng Các mà được kể là “công thần Vọng Các”, người đó “gốc là chăn trâu”. Cùng nghề với Nguyễn Nhạc “buôn trầu”, theo với thời đại đi buôn nguồn, trở về với Nguyễn ánh, có “Thượng đạo Tướng quân” Nguyễn Phúc Long ngu ngơ, ngớ ngẩn, có Chu Văn Tiếp làm Bình Tây Đại đô đốc, liều lĩnh theo thói “buôn Mọi” nên chết sớm… Cho nên, chỉ lận đận khuất lấp là các người còn ở phe chiến bại, thoáng thấy ở một cái tên, không còn họ, hay có tên còn họ mà cũng mù mờ, lẫn lộn: Đặng Văn Chân/Chấn/Trấn, một loạt tướng, hầu với công tích chiến trận cũng ngang tàng như ai: Tổng đốc Chu, Tư khấu Uy, Hô hổ hầu ngay từ lúc khởi đầu…, Đại đô đốc Lộc, Đại đô đốc Bảo, Đô đốc Long/Mưu, (vẫn là) Hô hổ hầu đốc thúc Hậu quân (và có mặt cả trong tiến trình ngoại giao sau khi thắng trận), của trận Đống Đa oai hùng…Ngay như Vũ văn Dũng mà tước Chiêu viễn hầu (đặc biệt giữa đám Đô đốc thân cận triều mới) chứng tỏ tài năng của ông ta dưới mắt Quang Trung, thế mà ta có biết gì hơn đâu?)
Không thấy ai là “phu quét chợ, lính đẩy xe” nhưng xét theo tình hình bình thường thì nếu không có anh em Tây Sơn, bà Bùi Thị Xuân chắc chỉ múa roi doạ Trần Quang Diệu, hay vung vẩy đi “coi” (thu) lúa ruộng vào mùa gặt, nếu không phải là còng lưng đi cấy chứ không oai hùng ngồi bành voi dẫn năm ngàn quân thúc đánh luỹ Đâu Mâu, suýt đảo ngược tình thế tuyệt vọng – ít ra cũng trong một lúc. Danh tướng Trần Quang Diệu “ngu ngơ”, không tính chuyện lo đề phòng “tàn dư nguỵ Nguyễn” đến không thèm giết binh tướng đầu hàng ở thành Đồ Bàn, người đó chẳng biết ông “Xã tắc” là ông tổ tên Lê gì-gì mà họ Lê phải cúng tế cả. Gốc tích binh tướng Tây Sơn đã mù mờ từ lúc khởi phát, càng tàn lụi thêm vì sự thất bại cuối cùng của họ. Chuyện đàn áp của Gia Long đã được nói nhiều, tuy xét ra thì cũng là bình thường, trừ phi muốn thiên vị quá quắt. Người dân Bình Định khiếp hãi lại càng khiếp hãi thêm vì có ông Đại đô đốc Lê Chất, đầu hàng triều mới làm đến Tổng trấn Bắc Thành, tưởng là khiến dân cùng xứ dựa hơi yên tâm một chút, nhưng chỉ vì chút ngang tàng thời chiến không kềm được trong thời bình, tuy có giữ được thân lúc sống vẫn không tránh khỏi lúc đã chết còn bị san bằng mả, vợ con bị cầm tù, bị giết. Đến cuối thế kỉ XIX, khi Mai Xuân Thưởng khởi nghĩa Cần vương (bị bắt ngày 6-5-1887, dân địa phương cho là vì Trần Bá Lộc bắt mẹ ông, nên tự đi đầu hàng) thế mà vẫn còn bị triều đình Huế (đã theo Pháp) coi là muốn “phục hồi Nguỵ Tây”! Cho nên khó lòng tìm chứng tích lịch sử chính xác về các tướng Tây Sơn, và khi có chứng tích thì phải dè đặt. Nhưng không thể gạt bỏ, sổ toẹt.
Chúng tôi đã có lần gạt bỏ nguồn tin địa phương nói Vũ Văn Dũng là người Bình Định, trốn được vạ nhà Nguyễn, chỉ vì danh xưng Chiêu Viễn hầu là người ở xa rõ rệt quá (Hải Dương, một “lính đẩy xe” của quân đội họ Trịnh?) Lịch sử đã trở thành truyền thuyết, tuy còn giữ lại vài sự kiện lẻ loi trong dân chúng như chuyện Nguyễn Nhạc chui vào cũi nạp mình để đánh phá phủ thành Quy Nhơn, vẫn được người Pháp nghe từ cuối thế kỉ XIX, nhưng để đưa thêm vào sách vở thì lại lạc loài nhiều vì phải trải qua một truyền thống truyện kể lâu ngày của Đàng Trong. Một ông quan của chúa Nguyễn, Nguyễn Khoa Chiêm khi viết về sự kiện không xa đời mình (Nam triều công nghiệp diễn chí) mà vẫn không tránh khỏi giọng “tiểu thuyết hoá”, hẳn là ảnh hưởng của lối kể diễn nghĩa Tam Quốc mà các thương nhân Trung Hoa đã đem sang, lối “viết sử” tràn lấn kinh Xuân Thu hay Tư trị thông giám, Cương mục… Không lấy làm lạ điều đó vì có chứng cớ là trí thức thế hệ trước ông đã từng đọc Tam quốc chí diễn nghĩa, Phong thần… (Chu Thuấn Thuỷ, Kí sự đến Việt Nam năm 1657, bản dịch An Nam cung dịch kỉ sự, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam xb., 1999, trang 57).
Địa phương Bình Định cũng có truyền thống kể chuyện vè riêng, theo lối Hô bài chòi, diễn dịch từ các chuyện thời sự khích động đã xảy ra trong vùng, mở ra đến các truyện tích hát bội đơn giản hoá đi. Hô bài chòi trong khoảng sân trống giữa trò chơi đánh bài (trên) chòi vào dịp Tết, hô bài chòi trên tấm chiếu trải ra với vài “nghệ sĩ” áo sờn vai, cầm sanh gõ nhịp hay có khi sang hơn với cây đờn cò, nơi góc chợ chiều lúc xẩm tối, ở bất cứ khoảng đường trống nào nơi đô hội, có người xem. Đem sự thật đơn giản về chuyện một người vợ công chức từ thành Bình Định của Nam triều xuống Quy Nhơn thăm chồng nằm bệnh viện, lúc trở về bị người phu xe giết cướp của ở cây cầu bây giờ đã thành tên của nạn nhân, so với vè “Cô Thông Tằm” của lời hô bài chòi thì ta thấy rõ dấu vết của tình tiết tưởng tượng cần thiết cho nhu cầu biểu diễn. “Cô Thông Tằm”, “Dư Đành” thì còn nằm ở địa phương nhưng “Vè Chàng Lía” (Văn Doan) thì đã đi được khắp đất nước. Vì thế truyện tích về các nhân vật Tây Sơn đến cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, đã được ghi lại với rất nhiều tính chất tiểu thuyết hoá. Thứ tự anh em Tây Sơn bị đảo lộn vì vai trò nổi bật của Nguyễn Huệ: anh Hai Trầu, chú Ba Thơm, thầy tu Lữ thay vì chú Bảy Lữ, anh Tám Huệ (“Thơm” chắc là suy diễn từ [hoa] huệ. Điều này chứng tỏ ông Hồ Hữu Tường ít ra là cũng biết đến các bản văn này.) Giáo Hiến lánh nạn Trương Phúc Loan chỉ lộ diện khi bất đắc dĩ ra tay chống cướp đền ơn chủ nhà cưu mang mình trong cơn lỡ bước. Bùi Thị Xuân đánh cọp giải vây cho Trần Quang Diệu rồi thử tài, kết hôn… Tuy nhiên, cũng như trong chuyện kể về nhân vật Dư Đành, có đoạn tướng cướp này vào lúc xẩm tối, mò ra Ngã ba Phú Tài (giao điểm Quốc lộ 19 và số 1 cũ) xin, và ăn được cả gánh của những người đàn bà mang than đốt từ trên núi Ông Chà xuống, ta vẫn không thể phủ nhận được sự hiện diện của Dư Đành, kẻ đã được nằm trong một bài hô Bài chòi ở địa phương.
Dù sao thì nhắc chuyện Tây Sơn ngay ở Bình Định, bởi người Bình Định cũng là một việc làm can đảm, có sự kết hợp của một tình thế suy yếu quyền bính nhà Nguyễn bên trên với sự can thiệp khởi đầu của người Pháp. Lại cũng phải công nhận rằng các bài vè về nhân vật Tây Sơn chỉ xuất hiện trên sách báo sau 1975 nhờ sự lưu tâm của nhà nước mới muốn dùng biểu tượng Tây Sơn như bằng cớ liên kết với quá khứ và địa phương về chính nghĩa thống nhất họ vừa thực hiện xong. Trong hiện tại, chúng tôi không có các bản văn cũ đã được Sở Văn hoá và thông tin Nghĩa Bình in ra như Tây Sơn văn thần liệt truyện, Tây Sơn danh tướng anh hùng truyện của Nguyễn Bá Huân (1848-1899), Tây Sơn lương tướng ngoại truyện của Nguyễn Trọng Trì (1854-1922). Chúng tôi biết được các điều này qua quyển Trên đất Nghĩa Bình, tập I, (Quy Nhơn: Sở Văn hoá và thông tin Nghĩa Bình xuất bản 1988). do tập nhóm tác giả Phan Huy Lê, Phan Đại Doãn, Vũ Minh Giang, Nguyễn Quang Ngọc được trung ương phái vào khảo sát, viết lên, và sách nằm lạc loài ở chợ trời Chợ Lớn khi vào tay chúng tôi. Sách qua được Mĩ vì tính cách chính thức của nó, khác với một quyển khác bị từ chối vì xuất bản trước 1975.
Chúng tôi không biết gì hơn về Nguyễn Bá Huân ngoài nhận xét rằng những truyện kể tiểu thuyết hoá bằng thơ của ông mang tính cách tôn trọng Tây Sơn rõ rệt qua các đề tài: “Tây Sơn tiềm long lục”, “Cân quắc anh hùng truyện”, “Tây Sơn danh tướng chinh Nam truyện”, nhưng cũng mang dấu vết tinh thần Khổng Nho khi đề cao khí tiết của Võ Tánh, Ngô Tòng Châu trong việc giữ thành Đồ Bàn. Nhưng với Nguyễn Trọng Trì thì tác giả Trương Toại (“Xã thôn Bình Định có các nhà khoa bảng Hán học”, trong Đặc san Bình Định, Bắc California, 2001, tr. 113) cho biết ông là người huyện (sau là phủ) An Nhơn, đỗ cử nhân năm 1876, có tên gọi thông tục là “Nghè Trì”, một điều lí thú ngoài lề nhưng cũng cần biện minh. Trong phong trào Cần vương ông theo Mai Xuân Thưởng, làm Hiệp trấn “thứ” (một loại chiến khu) Hương Sơn (núi Thơm ở Cảnh Vân, Tuy Phước?) và bị tước cử nhân, như vậy không thể thi hội tiếp để đậu tiến sĩ như chữ “nghè” gợi ý. Ông Võ Phiến có lưu ý rằng ở Bình Định người ta thường “phong” chức “nghè” cho cả những người chẳng đỗ đạt gì ráo trọi! Thật ra thì trong các ghi chép của người ngoại quốc đến Đàng Trong vẫn thường có tập nhóm từ “ông Nghè X” để chỉ một ông quan văn cao cấp nào đó. (Ví dụ ở Christophoro Borri, Xứ Đàng Trong năm 1621 (bản dịch), Nxb. TP. Hồ Chí Minh, 1998, trang 133.) Chúa Nguyễn chưa từng mở khoa thi tiến sĩ cho nên các “ông nghè” kia hẳn chỉ là những văn chức đương thời mà thôi. Có thể nghĩ rằng tâm trạng ước mong khoa bảng nhưng cũng có chút riễu cợt đã gợi nên cách gọi kia ở các địa phương. Vậy thì chỉ vì tiếng gọi “Nghè Trì” trong dân chúng mà các người đưa ra trình sách của Nguyễn Trọng Trì đã cho ông đậu tiến sĩ thôi.
Nhưng cũng như khi xét Nam triều công nghiệp diễn chí, không thể bỏ hết những điều Nguyễn Trọng Trì đã viết vì cho rằng đó là bịa đặt. Bằng chứng có ít đi tuy cốt lõi vẫn còn. Tác giả Nguyễn Trọng Trì đã liệt kê được một số người dưới đề mục Tây Sơn lương tướng, trong đó có tên Đô đốc Đặng Văn Long giống tên với người mà Hoàng Lê nhất thống chí cho là cầm Hữu quân với voi ngựa đánh quân Điền Châu bức bách Sầm Nghi Đống phải tự tử. Chắc chắn Nguyễn Trọng Trì không bị ảnh hưởng từ các tài liệu mà ngày nay ta thường dẫn chứng. Các tay sĩ tử ngày xưa không có nhiều sách vở để học như ta tưởng, nhất là về sử Việt. Xét bản thân gia đình, chúng tôi thấy có quyển Toàn thư in ở Nhật cuối thế kỉ XIX (đã mất trong khoảng 1950) mà sách này thì không có chuyện đánh Thanh. Trong một gia đình học Nho để đi thi khác ở Bình Thuận, chúng tôi chỉ thấy có một loại Bắc sử giản lược về đời Đường, Tống. (Cho một người bạn mượn, sau 75 bị Phường bắt đăng kí, và mất tiêu!) Chính biên Liệt truyện sơ tập của triều Nguyễn, nơi có Quyển 30 nói về Nguỵ Tây thì mãi đến năm 1889 mới được đề nghị in, với thời gian in xong, cất ở Quốc sử quán thì hẳn là ông “nghè Trì” bị tước bằng cử nhân không thể nào thấy tên Đô đốc Mưu trong ấy. Và lại càng không thể đọc được Hoàng Lê nhất thống chí trong gia đình Ngô Thì, xa tận ngoài Bắc để biết tên Đô đốc Long. Tên Đô đốc Long (hay Đặng Văn Long) là từ địa phương truyền đến tai ông “nghè Trì”. Lại chẳng cũng có chi tiết rõ rệt là cầm quân Hữu quân (mơ hồ như với trường hợp Đô đốc Đặng Tiến Đông) nhưng cũng có chi tiết đánh Thanh, chi tiết lời khen của Cảnh Thịnh có thể thấy như ở bất cứ sắc phong nào.
Cả một chiến dịch 1789 to lớn còn sót lại dấu tích nhờ cái gò trở thành tên riêng Đống Đa thờ viên tri phủ Điền Châu kia (chắc là để vui lòng Càn Long) cho nên sử gia ngày nay (vốn thường co rút ở một địa phương) thấy tên viên tướng Đô đốc Long mù mờ thật không xứng. Và ông Phan Huy Lê tưởng là đã tìm được một người có tiểu sử rành rẽ hơn để thế vào: Đô đốc Đặng Tiến Đông với sắc phong, bia đá, tượng thờ… Rồi nổi lên là một thành phần của cuộc tranh cãi giữa hai phe trong nước, sôi nổi năm vừa qua (2000). Phe bác bỏ yếu thế hơn nhưng không phải là không có lí. Các tác giả Hoàng Lê… của dòng Ngô Thì nổi danh, ghi chép về chính thời đại mình sống, nhận ra đủ tên họ các nhân vật tham gia vào biến động, sao lại quên tên Đặng Tiến Đông của một dòng họ danh giá phù Lê Trịnh, để lầm ra tên một ông Đô đốc Long cụt ngủn, nếu không phải vì lẽ người cầm quân kia là một nhân vật thoảng qua của Tây Sơn, từ phương Nam, không dính líu nhiều đến Bắc Hà? Quang Trung xuất quân đánh một trận quyết định như thế, sao lại không sử dụng những người thân tín từng xông pha trên mạc với mình mà dùng một “người mới” (tránh chữ “hàng tướng” chạm đến tự ái địa phương của tác giả Phan Huy Lê) chen vào giữa các tên rõ ràng xa lạ với Bắc Hà?
Sử gia Phan Huy Lê được giao trách nhiệm vào tận quê hương Tây Sơn để chứng tỏ khả năng ưu việt của phe xã hội chủ nghĩa, nhưng vì đã lỡ phát hiện Đô đốc Đông trước (1974) nên không cần để tâm đến tài liệu địa phương, và do được Nhà nước công nhận thành tích, đặt tên đường (từ Hà Nội, theo tinh thần “dân chủ tập trung” vào đến tận thành phố Hồ Chí Minh, năm 2000) cho vào bảo tàng, vào từ điển bách khoa, viết giáo trình làm pháp lệnh cho học sinh đi thi (Đại cương lịch sử Việt Nam, Nxb. Giáo dục 2000), nên ông Phan càng không thể nhận mình kết luận có hơi vội vã (1999). Chức quyền Đảng cũng như Nhà nước địa phương ở Bình Định thì theo thói quen tuân phục từ thời phong kiến, có văn minh hơn với nguyên tắc chính trị “tập trung dân chủ”, nên hạ bệ ông Đô đốc Long, đem ông Đô đốc Đông vào thờ ở Bảo tàng Quang Trung, lại cẩn thận rước sao bằng sắc, tượng của ông này từ Hà Tây vào, kèm theo làm chứng cớ lịch sử cho muôn đời con cháu Bình Định mai sau. Con cháu ông đô đốc được ông sử gia vinh danh thì tất nhiên càng không chịu lùi bước trước các chỉ trích nên đòi xem bia đá, bằng sắc của nguỵ Tây Sơn phong cho ông Đô đốc Long (giống như có người bây giờ đòi xem huy chương tưởng lục của Việt Nam Cộng hoà, nói là để sắp xếp bậc lương trong chế độ mới) mà không nhớ lời thánh hiền dạy: “Mình không muốn ai giựt bàn thờ nhà mình thì đừng đi giựt bàn thờ nhà người ta!” (kỉ sở bất dục, vật thi ư nhân.)
Mọi sự việc bắt đầu bằng một sự cố công tìm “phát hiện mới” của sử gia, đưa đến kết luận có ẩn tàng một sự tự phụ địa phương “Chỉ có Xứ Ta mới có người tài ba” rồi nhờ một chiến thắng quân sự mới nổi lên thành một chân lí lịch sử được ban phát từ trên tột đỉnh quyền hành đi xuống dân chúng. Người-viết-lịch-sử không như người-làm-lịch-sử, không chộp được nhà cửa, vàng bạc (16 tấn chớ có ít đâu!) thì ráng tìm cái danh nhờ cậy như thói quen bản thân, như vướng víu rơi rớt của thời sử thần xưa. Và đến con cháu danh nhân thì chịu ép thêm một phận, đi kiếm cái bàn thờ! Cho nên con cháu họ Đặng cứ yên tâm. Sai lầm đã gắn liền với một chế độ, một quyền lực thì không dễ gì xoá bỏ mà không làm mất mặt người đương quyền. Theo quy luật “sự chiếm hữu lâu dài sẽ trở thành đương nhiên”, tin chắc rằng Đô đốc Đông sẽ vững vàng ngôi vị trong lịch sử, thay thế Đô đốc Long mãi mãi. Cũng như “Anh hùng” Nguyễn Văn Bé của thời chống-Mĩ được ca tụng lỡ đà (bởi vì thật ra là một hồi chánh viên), nay đã được đặt tên đường ở thành phố Quy Nhơn rồi đấy! (Còn có ở nơi nào khác nữa không?) “Sống như anh” Nguyễn Văn Trỗi đã được ông Tố Hữu, thi sĩ quan chức lãnh tụ Đảng, chứng kiến hô khẩu hiệu ngoài pháp trường thì dù có phát giác của người luật sư biện hộ, rằng anh đã khóc lóc trong nhà giam, cũng đâu làm anh mất tên đường đã đặt?
Thật ra tên họ của một nhân vật lịch sử còn đầy đủ qua biến cố hay không lại tuỳ thuộc vào rất nhiều yếu tố rủi ro có ngay từ lúc khởi đầu sự kiện. Ngay đến sử nhà Nguyễn cũng có rất nhiều tướng chỉ có tên, thiếu họ, trừ những người thuộc Quý huyện, Quý hương Tống Sơn của chúa. Tính chất thân tộc như thế cũng không tránh khỏi ở dòng họ Tây Sơn, và trong trường hợp này lại ảnh hưởng đến sự suy sụp của họ nữa.
Khác với chúa Nguyễn, chúng ta không thấy các nhân vật phía nội của anh em Tây Sơn. Nhà Nguyễn tất là phải cố công tìm cho ra tông phả của nguỵ Tây để truy diệt, đào mả triệt hạ huyệt phát đế vương của họ, thế mà rốt lại sử quan cũng chỉ viết mơ hồ: “Tiên tổ là người huyện Hưng Nguyên… Ông tổ bốn đời bị quân ta bắt được, cho ở ấp Tây Sơn Nhất… Cha là Phúc dời đến ấp Kiên Thành…” Rốt lại chỉ có thứ tự Nhạc, Lữ, Huệ là đúng thôi – khác với người sau thấy vai trò Lữ lu mờ nên cứ in trí rằng Huệ là anh, lại bịa thêm “thứ ba” (vì Nhạc là lớn nhất nên có “anh Hai Trầu”!) Về người cha, Hoàng Lê nhất thống chí thêm được họ và chữ lót: Hồ Phi Phúc. Tuy nhiên nhờ nguồn gốc Hưng Nguyên (Nghệ An) mà người ta tìm ra gia phả họ Hồ ở đấy, và thấy có tên Hồ Phi Phúc, người dù có bị bắt trong chiến dịch nam sông Lam của Nguyễn, cũng không thể vào Nam sinh anh em Tây Sơn trong 100 năm sau! Không thấy một người họ Hồ nào tham gia chiến trận, hiện diện trên triều chính của 31 năm Tây Sơn. Có thể họ đã bắt chước anh em Nhạc mà đổi họ chăng? Có thể phần nhiều họ Hồ còn nằm ở An Khê (Tây Sơn Nhất) nhưng sao sau đó họ không tham gia vào hoạt động của người trong dòng? Chúng ta thấy có tên “Lại bộ” Hồ Đồng / Công Diệu còn làm quan dưới triều Nguyễn nhưng người này là tù binh của trận Đồng Tuyên 1783, và tư tưởng như sẽ thấy, đầy tính chất văn quan Nguyễn, không có dáng gì là phản loạn cả. Một tên Nguyễn Quang Hiển “cháu ruột” của Quang Trung có mặt lúc giao tiếp với nhà Thanh, nhưng đó là chuyện của thời hiển đạt. Như thế, bằng vào lí do gì đi nữa thì tính chất mờ nhạt của phía nội anh em Tây Sơn thật đã rõ rệt, khác hẳn với truyền thống ở gốc rễ Nghệ An. Và khác hẳn dấu tích về phía ngoại của anh em nhà này.
Sử quan Nguyễn, trực tiếp hay gián tiếp, đã nói rất nhiều về phía dòng nữ của anh em Tây Sơn, một dấu vết hẳn là được lưu truyền một cách tự nhiên từ trong kí ức của dân chúng. Độc nhất, và trực tiếp về phía mẹ, là Đô đốc Tuyết, Nguyễn Văn Tuyết, (nhưng sử quan Nguyễn cũng gọi là Đinh Công Tuyết, họ Đinh của người Thượng phía tây Quảng Ngãi?) có mặt từ phút đầu cho đến lúc chót. Xuất hiện từ lúc đầu, có nghĩa họ Nguyễn là của mẹ chứ không phải từ họ Nguyễn nhờ cậy sau này. Cũng có nhân vật Nguyễn Văn Danh làm đến Thiếu bảo (1792), chức tước quan trọng xác nhận lời chú của sử quan “cùng họ với nguỵ” nhưng ta không thể biết gì hơn. Mơ hồ hơn, là trường hợp Nguyễn Thung, quan trọng, của thời mở đầu khởi loạn, nhưng nếu cho rằng có liên hệ thân thuộc thì đó cũng là từ họ Nguyễn của phía mẹ. Tiếp theo đó là những người phía nữ của anh em Tây Sơn. Các người con gái không có tên – trừ Thọ Hương gá cho Nguyễn Phúc Dương, nhưng chắc là còn ở lại, có thể gả cho người nào khác. Ta biết tên những người con rể danh tiếng: Phạm Công Trị / Nguyễn Văn Trị, Trương Văn Đa có mặt ở Gia Định lúc truy bức chúa Nguyễn (1783-84), Vũ Văn Nhậm chết thảm thương (1788) từ cuộc tranh chấp nồi da xáo thịt 1787. Trừ Vũ Văn Nhậm được ghi rõ ràng, ta phải đoán rằng hai người kia là rể của Nhạc. Nhưng tên “Trị” còn gây rắc rối: Sử nhà Nguyễn của giai đoạn gần kết thúc cho thấy “Phò mã” Nguyễn Văn Trị bị bắt khi giữ cửa Tư Hiền (12-6-1801) và Phạm Công Trị lại được xác nhận là cháu Nguyễn Huệ, làm Giả Vương đi sứ Thanh (1790) nhưng theo văn bản còn giữ đến ngày nay thì ông này có đi theo sứ bộ nhưng phải hộ tống Nguyễn Quang Thuỳ bị bệnh trở về nửa chừng. Có lẽ phải tách riêng hai người, một phò mã (trường hợp này thì Nguyễn Văn Trị có thể là rể của Nguyễn Huệ, vì bà Phạm Hoàng hậu có con gái) và một người cháu. Như thế là ta có thêm một nhân vật họ Phạm phía vợ Nguyễn Huệ xuất hiện trong lịch sử.
Nguyễn Huệ có bà vợ họ Phạm mất trước ông, là mẹ của Quang Toản, người sẽ nối ngôi với niên hiệu Cảnh Thịnh, Bảo Hưng. Và ta thấy một loạt người họ Phạm hoạt động tích cực trong chiến trận, có người ảnh hưởng rất lớn đến sự hưng vong của triều đại, dù có khi chỉ là gián tiếp. Phạm Ngạn có chức Hộ giá (của Nguyễn Nhạc) cầm quân vào Gia Định (1778), bị giết ở cầu Tham Lương (1782) đã gây nên trận chém giết thương nhân người Hoa ở Gia Định, chặn thêm một lối mở cho Tây Sơn đi vào thế giới bên ngoài. Phạm Văn Sâm một mình chống đỡ cho Gia Định khi Nguyễn Lữ bất lực, rốt cục chết dưới tay Nguyễn ánh, vì vị thế thân thuộc với Tây Sơn. Phạm Văn Hưng (+1795) đem quân cứu Gia Định không được, lại cũng đóng một vai trò lắt léo trong sự tranh chấp quyền hành từ phe phía ngoại.
Những biến loạn cuối đời, có phần làm tan rã Tây Sơn, càng khiến cho thấy tình hình thế lực “phía ngoại” được quan niệm rộng lớn hơn là ta tưởng về sự kết thông gia trực tiếp. Trần Quang Diệu được các giáo sĩ đương thời gọi là “oncle maternel du roi”. Thật ra, ông chẳng có bà con gì với Quang Toản, nếu áp dụng ngay cả theo cách tính thân thuộc của người Việt ngày nay. Mẹ của Phạm Hoàng hậu trước khi sinh Bà đã có một đời chồng họ Bùi. Sử quan Nguyễn cho biết rằng Bà X đó khi lấy họ Bùi đã đẻ ra (người sau này là Hình bộ thượng thư) Bùi Văn Nhựt, (Thái sư) Bùi Đắc Tuyên, đến khi lấy người họ Phạm mới đẻ ra Phạm Hoàng hậu (có lẽ sinh năm 1759). Còn Bùi Thị Xuân là “cháu gái họ của Tuyên”. Vậy thì Quang Toản (Cảnh Thịnh) không có bà con gì với Bùi Thị Xuân cả, nhưng chỉ vì sự liên hệ với bà ngoại mà phải gọi Bùi Văn Nhựt, Bùi Đắc Tuyên là cậu. Sử quan Nguyễn luôn luôn xác nhận tính chất thân tộc này. Điều khá rắc rối là Bùi Thị Xuân theo chỉ dẫn của sử quan Nguyễn hẳn là ngang hàng với Quang Toản. Trong biến động giết Đắc Tuyên, người chủ xướng là Vũ Văn Dũng đã nhờ một người họ Phạm là Phạm Văn Hưng điều đình với Trần Quang Diệu mà mối liên hệ với Đắc Tuyên qua Bùi Thị Xuân thật rõ rệt. Cho nên vẫn có thể nhìn Trần Quang Diệu liên hệ với Quang Toản theo hướng họ Bùi, và giả định là Bùi Thị Xuân là cháu gái họ của Bùi Đắc Tuyên thật, nhưng Tuyên không phải là anh cùng mẹ khác cha với Phạm Hoàng hậu mà là phải ở trên một bậc. Vì khi nắm quyền, Tuyên đã trên 80 tuổi, nghĩa là sinh khoảng gần đầu thế kỉ, lớn hơn bà Phạm rất nhiều, đến trên dưới nửa thế kỉ, do đó Bà X không thể sinh Tuyên rồi 50 năm sau, lấy chồng khác sinh ra Phạm Hoàng hậu được. Quang Toản hơn 10 tuổi so với Đắc Tuyên hơn 80 tuổi, cách khoảng như là ông cháu thì phải hơn. Giả định như thế thì Quang Toản có thể gọi Bùi Thị Xuân là dì và gọi Trần Quang Diệu là dượng. Giáo sĩ Pháp không có chữ rắc rối đủ để chỉ các thứ bực thân thuộc của người Việt, nhưng đã dùng chữ “oncle maternel du roi” thì hẳn đã nghe dân chúng biết Quang Toản chịu gọi Quang Diệu là dượng rồi, nghĩa là tình hình thân thuộc đương thời được quan niệm hết sức rộng rãi.
Người “cậu vợ” họ Bùi hẳn đã có chức quyền khi Quang Trung còn sống, và đến khi vua-cha chết đi, địa vị ông càng cao, với chức Thái sư đương triều vua-con Cảnh Thịnh, quyền hành ông càng lớn hơn một cách tự nhiên, xét theo chi tiết sinh hoạt trị nước từ trong một ngôi chùa, và có khi đến ngủ trong nhà vua con vào thời gian quyết định thay thế viên Tổng trấn Bắc Thành. Mâu thuẫn xảy ra, gây nên đổ vỡ chỉ vì chuyện nước không phải là chuyện nhà.
Họ nhà Tây Sơn không thấy điều đó xảy ra lúc trước vì họ sống trong tình trạng chiếm đoạt liên miên, mọi mâu thuẫn nếu có, đều bị vùi lấp dưới sức mạnh của binh lực. Tuy nhiên, sự thất bại cũng lộ rõ ngay giai đoạn đầu trong việc giải quyết vấn đề Gia Định. Với binh lực, họ đã loại trừ gần hết dòng chúa Đàng Trong. Chỉ còn sót lại một cậu bé 17 tuổi mà tài năng được un đúc bằng biến loạn hơn là chính tự bản thân. Có thể nói hơi ngược đời là chính Tây Sơn đã nuôi dưỡng Nguyễn ánh trở thành Gia Long, ít ra là trong giai đoạn đầu. Bởi vì Tây Sơn không có khả năng tổ chức chính quyền để thực hiện ở đất Gia Định. Nguyễn Huệ đã thú nhận với Nguyễn Thiếp rằng: “Những người giúp việc trong nhất thời đều là kẻ mạnh bạo.” Đất Gia Định của chúa Nguyễn cũng không phải là nơi có tổ chức chính quyền tương đối nghiêm chỉnh để Tây Sơn theo đà sức mạnh thu dụng được nhân lực chính trị nơi ấy như tìm được Trần Văn Kỉ ở Phú Xuân, Ngô Thì Nhậm ở Bắc Hà. Vào Gia Định họ chỉ cướp bóc lấy quân lương như khi Nguyễn Lữ chở 200 thuyền thóc về Quy Nhơn năm 1776, lấy không hết thóc gạo, cá muối thì ỉa vào đấy như đối với trường hợp Võ Văn Lượng, một anh chàng Triệu Cái của Lương Sơn Bạc Gò Công có Võ Tánh đóng vai trò Tống Giang. Chúng ta chỉ thấy Tây Sơn đóng quân ở Sài Gòn, dẫn quân càn quét rồi rút về, bỏ trống đồng ruộng sông nước biển cả mênh mông cho kẻ thua trận tập họp lại. Mà kẻ thua lại có dưới tay không phải toàn những “người mạnh bạo” – phần nhiều chỉ biết “chạy” thôi là khác. Nhưng kẻ thua, Nguyễn ánh lại có những người mang từ đất cũ được khuôn nắn theo một ý thức tổ chức cầm quyền đến 200 năm. Ưu thế đó họ có ngay từ lúc đầu để bù đắp yếu kém, và khai thác thuận lợi khi kẻ thù bận nơi khác, ngừng tay công kích. Lại cũng có thể nói xa hơn, là chính trong khi khai thác sự bất lực của Tây Sơn ở Gia Định mà họ đã làm chết ông Quang Trung anh hùng.
Nguyễn Ánh tổ chức xong Gia Định thì bắt đầu đánh tràn ra phía bắc. Quân ông lần đầu tiên đánh vào trung tâm Tây Sơn, chiếm Thi Nại rồi trở về theo một chiến dịch chỉ kéo dài 10 ngày. Nhưng lực lượng chính của Tây Sơn lúc này là ở Phú Xuân. Trong tháng 5-1792, Gia Định đã nhốn nháo vì tin Tây Sơn sắp tràn vào trong một toan tính to lớn đánh hai mặt: đường bộ theo Lào xuống Miên đánh mặt sau, đường thuỷ vào Côn Lôn đánh từ Hậu Giang lên chận tuyệt đường rút lui của Nguyễn ánh, khỏi lo hậu hoạn như gần hai mươi năm trước. Tháng 8 năm đó có hịch Nguyễn Huệ loan báo cho dân hai phủ Quảng Ngãi, Quy Nhơn chuẩn bị đón quân Phú Xuân chinh nam. Nguyễn ánh nghe báo lực lượng đó là hai, ba mươi vạn quân. Người ngoại quốc thì thấy ở Phú Xuân có đến ba mươi ngàn quân tập luyện hàng ngày. Tất nhiên theo đà của những ông vua mở nước, Quang Trung không ngồi trong cung để nghe báo cáo. Thế mà tháng Quang Trung chết (16-9-1792) là 29 tháng 7 (thiếu) âm lịch, mùa gió (tây) Nam tháng 6 tháng 7 (âm lịch) nóng, nắng to: “nắng tháng tám nám lá bưởi”, ông vua lo luyện quân, phải bệnh nặng bất ngờ không chữa được, nguyên nhân không phải cần là thầy thuốc danh tiếng mới biết. Ch. Borri đã biết về cái nóng, gió vào mùa này, cái nóng làm chết ông trấn thủ đỡ đầu linh mục ở Quy Nhơn, ông trấn thủ chỉ mải mê đi săn trong một ngày mà sốt mê man và chết chỉ trong một tuần! Cho nên chuyện Quang Trung kể với Trần Văn Kỉ về việc bị “liệt thánh” nhà Nguyễn đánh gậy lên đầu ngất đi cũng chỉ là chuyện mê sảng của bệnh, không cần phải là người bài bác “mê tín dị đoan” mới hiểu, và cũng không cần phải lưu ý về sự tâng công chuộc tội nhảy qua nhảy lại các triều đại của ông “tri kỉ” ngày xưa.
Tây Sơn có thuận lợi hơn khi họ chiếm Phú Xuân, Bắc Hà. Sức mạnh quân lực của họ có tác dụng tích cực cho triều đại khi nhờ đó họ thu dụng được đám nho sĩ triều cũ giúp họ giải quyết vấn đề cai trị, điều mà họ không thực hành được ở Gia Định như đã nói. Nhưng đồng thời họ cũng chứa chấp một mầm mống tan rã ngay trong bản thân.
Xung đột thường thấy là giữa võ tướng và văn thần. Ngô Văn Sở mỉa mai xúi Ngô Thì Nhậm “làm bài thơ đuổi giặc (!)” để võ tướng khỏi động đến “túi đao bao kiếm.” (Qua đến thời Nguyễn thì thấy công thần Lê Văn Duyệt và hàng thần Lê Chất phối hợp hù doạ “lũ” văn thần Trịnh Hoài Đức, có hiệu quả một chừng mực lúc còn sống nhưng bị thù dai nên đến lúc chết đi gặp phải cảnh mả bị xiềng, bị san bằng, con cháu tru di.) Chúng tôi đã nói nhiều đến chuyện Trần Quang Diệu đòi đổ vật tế thần Xã tắc ở Nghệ An cho chó ăn. Nên chú ý rằng mâu thuẫn văn võ như ta thấy lại trùm lấp một mâu thuẫn văn hoá sâu xa hơn. Nguyễn Huệ biết mình cần người để tổ chức đất nước nên tìm cách vuốt ve các văn thần triều cũ, có phần nào trấn át các võ tướng dưới quyền như chứng tỏ trong lời nói ở Tam Điệp trước khi xuất quân đánh Thanh. Và đôi khi phải làm lơ, hay ép mình để cho các văn thần làm việc.
Trong trận xung đột với Nguyễn Nhạc, Huệ đã để cho Hồ Đồng làm hịch mắng anh: “không có gì lớn hơn tội giết vua…” Vua đây là Duệ Tông Nguyễn Phúc Thuần và Tân Chính Vương Nguyễn Phúc Dương, chết năm 1779 ở Gia Định. Hồ Đồng là tù binh trận Đồng Tuyên 1783, được dùng làm Lại bộ của Tây Sơn và sẽ tiếp tục làm quan dưới triều Gia Long. (Sử quan Nguyễn dùng đến hai tên khác nhau, nhưng ta liên hệ sự kiện thì thấy chỉ là của một người.) Nguyễn Huệ để ông quan văn này tha hồ múa bút theo văn từ kinh sách học được, ông ta không cần nhớ rằng người giết “vua” năm 1779 là chính Nguyễn Huệ, chủ ông, và “vua” đó lúc này cũng không phải là vua của ông, còn nếu kể tội giết vua thì phải hài luôn tội phản thần của ông! Sau khi đánh Thanh xong thì có chuyện cầu hoà như Quang Trung đã toan tính lúc ở Tam Điệp. Tờ biểu xưng thần lúc đầu tuy có giọng nhún nhường cầu luỵ, nhưng vẫn còn vương mùi thuốc súng như vai trò của người tướng đã tham gia chiến trận (Hô hổ hầu) mang đi: “[L]ấy đường đường Thiên triều so được thua với nước mọi rợ nhỏ mọn, tất phải đánh cho đến cùng; làm nhàm việc vũ để thoả lòng tham tàn, chắc lòng Thánh đế không nỡ thế. Lỡ ra quân thì đánh triền miên không thôi, thế đến như vậy tất không phải lòng thần mong muốn, mà cũng không dám biết đến!” Bài biểu làm viên tướng Thanh được lệnh cầm quân báo thù (mà muốn cầu hoà) phải hoảng hồn: “Muốn cầu phong hay muốn gây đánh nhau nữa đây?” Thế là Quang Trung bảo Ngô Văn Sở: “Phàm gửi đi triều đình Trung Quốc, chuyên uỷ cho Ngô Nhậm cùng Phan Huy ích gửi đi hay trả lời lại đều cho phép tuỳ nghi mà xử trí.” Nho thần Thăng Long qua mấy trăm năm giao thiệp với Thiên triều tất đủ văn từ quen thuộc để làm vừa lòng thượng quốc, cho nên mọi việc đều êm xuôi, kể cả việc a tòng với quan Thanh lừa gạt vua họ trong việc đưa người giả sang chầu! Sự chênh lệch văn từ, mối quan tâm biểu hiện ở đời, áp lực quyền bính giữa các vùng địa phương, thấy rõ trong phần chứng từ còn lại: Trên vùng Bắc Thành còn đầy dẫy các sắc phong, bia đá từ làng xã cho đến quan chức hầu bá, đô đốc… (qua biến loạn chỉ cần đục vài chữ), còn trên vùng Nguyễn Nhạc chỉ thấy mấy tờ giấy phong cho chủ bến đò, mương đập, xe nước! Có tìm được bằng sắc cao cấp hơn như của ông Nguyễn Đăng Lâm thì đó cũng là bằng giáp tiếp qua tay quan Thiếu phó (Trần Quang Diệu?)
Như đã thấy, vai trò cá nhân của Quang Trung rất quan trọng trong việc điều hoà mâu thuẫn giữa văn thần và võ thần, mối mâu thuẫn còn mang tính chất chênh lệch văn hoá Nho nữa. Ông chết đi là có đổ vỡ, kéo theo cả những mâu thuẫn vốn nhỏ nhặt, nhân dịp lại trở thành lớn hơn. Lề lối cai trị gia trưởng của Bùi Đắc Tuyên hẳn là mâu thuẫn với quan niệm tổ chức quốc gia theo Nho giáo mà Trần Văn Kỉ thừa hưởng và đã chứng tỏ đúng trong thời gian Quang Trung trọng đãi ông. Nhưng ông chỉ là một văn thần, mối nguy hiểm cho Bùi Đắc Tuyên chỉ đến khi gặp người có binh lực. Đó là Vũ Văn Dũng, một chiêu viễn hầu đến từ nơi xa, Hải Dương, ít nhiều gì cũng cách biệt với sự tuân phục triều mới của các tướng vào sinh ra tử từ lúc ban đầu. Dũng cùng cai trị Bắc Thành với Ngô Văn Sở, và việc ông bị Bùi Đắc Tuyên đòi về Kinh, biết đâu chẳng là vì có xung đột với Ngô Văn Sở (cùng kiểu với Ngô Văn Sở và Vũ Văn Nhậm năm 1788 trước kia, cộng thêm với mâu thuẫn vì khác biệt địa phương)? Vì sau khi làm biến loạn là Dũng lo trừ Sở. Trần Văn Kỉ không binh tướng đành chịu đi phát phối, nhưng óc âm mưu của nho thần khiến ông nghĩ ra việc xúi bẩy đảo chính. Sự việc càng rắc rối hơn khi có vai trò Phạm Văn Hưng trong cuộc lật đổ Bùi Đắc Tuyên. Nhà họ Phạm đã xuất hiện với anh em Tây Sơn ngay từ lúc khởi đầu, thêm nữa lại mang tính cách thân thuộc nhiều hơn với vua đương quyền, thế mà họ phải lép vế vì nguyên tắc gia trưởng đã khiến cho quyền vào tay một ông già ở cấp bực cao hơn. Sau khi Quang Trung mất, Thái sư Bùi Đắc Tuyên “quản đốc trông coi các việc trong ngoài” và Thái uý Phạm Văn Hưng thì “cùng giữ việc quan trọng về quân quốc”, rõ ràng kém hơn. Chiếm thành Hoàng Đế của Nguyễn Nhạc (cuối 1793) là do Phạm Văn Hưng cầm quân, vậy mà đến giữa năm sau vào Quy Nhơn chuẩn bị phản công Nguyễn ánh, Bùi Đắc Tuyên cũng đi theo Phạm Văn Hưng để làm “tán nghị”, nghĩa là với tiếng “bàn góp” không cho Hưng độc quyền. Có vẻ họ Phạm đã không bằng lòng với vai trò tột đỉnh đó của họ Bùi. Xung đột hai họ Bùi, Phạm thật rõ ràng. Trần Quang Diệu mang quân phản đảo chính về, có vẻ thắng thế nhất thời vì là tướng biên cương, lực lượng mạnh với uy vũ từ chiến trường, nhưng sau đó, dù làm một trong Tứ trụ đại thần vẫn bị tước binh quyền, điều đó chứng tỏ phe phản động với họ Bùi vẫn lo đề phòng. Rốt lại, sự đoàn kết lỏng lẻo giữa các tướng Tây Sơn không phải là do cố kết nội bộ mà là vì phải chống với kẻ địch phương Nam, như trường hợp Vũ Văn Dũng và Trần Quang Diệu.
Triều Tây Sơn ngắn ngủi thật bởi nhiều nguyên nhân, và biến động Bùi Đắc Tuyên thường chỉ được nhắc vào lúc gần cuối đời nên đã trở thành không quan trọng mấy trong sự tồn vong của dòng họ. Tuy nhiên, xét kĩ thì thấy biến cố bất thường đó có nguyên nhân rất sâu vào thời đại, khu vực. Tương quan họ nội họ ngoại vẫn thường có ở các triều trước: Lí Trần, Trần Hồ, Lê của Uy Mục Đế. Tuy nhiên sự “đề phòng ngoại thích” lấn quyền, cướp ngôi chỉ là phản ứng của tinh thần phụ hệ, ngay cả việc họ Đỗ chuyên quyền dưới triều Lí cũng chỉ có tính chất tàn dư của một truyền thống dòng mẹ lay lắt, còn Uy Mục Đế dành quyền cho họ mẹ chỉ vì xuất thân hèn mọn, bị coi thường nên mới thiên về họ ngoại để lấy vây cánh. Còn trong trường hợp Tây Sơn, rõ ràng là một thói tục tự nhiên: Bà Phạm Hoàng Hậu có vai trò khuất lấp dưới uy vũ của Quang Trung, đã mất trước khi có những biến động xảy ra; họ Bùi chỉ có tính chất “họ ngoại” mỏng manh, thế mà vẫn được công nhận có quyền uy, nghĩa là vào thời ấy tiêu chuẩn thân tộc về họ ngoại đủ mạnh để ghép họ Bùi vào phía ngoại, không như ta tưởng bây giờ. Nghĩa là giá không phải là anh em Nguyễn Nhạc mà người thành công, ví dụ Chu Văn Tiếp, Nguyễn Thung… thì mối loạn bên ngoại vẫn có thể bùng ra. Vậy thì đất Quy Nhơn với quá khứ Vijaya, với ảnh hưởng các dòng “Man hạ, Man Thượng, Man Cao” (chữ của Lê Quý Đôn) đầy tính chất nữ, khi chuyển qua người Việt vẫn còn lưu trữ để ảnh hưởng đến triều đại Tây Sơn, hay một dòng họ nào đấy, nếu thành công lật đổ chúa Nguyễn vào thế kỉ XVIII.
Tạ Chí Ðại Trường
Thanksgiving 2001
*Ngoài các sách đã dẫn, chúng tôi chỉ dựa vào quyển Lịch sử nội chiến ở Việt Nam (1771- 1802) cũ với những thắc mắc mới mà không có cách nào giải đáp được.