18/06/2018, 16:07

Minh Đạo gia huấn và vấn đề người xưa với về giáo dục gia đình

Tạ Đăng Tuyên Đến đầu thế kỷ XX, Nho học tuy đã ở trong cảnh “Ông Nghè, ông Cống cũng nằm co” nhưng chữ Nho vẫn còn được không ít người tiếp tục theo học và thường được học song song với chữ Quốc ngữ, chữ Pháp trong hệ thống giáo dục thời Pháp thuộc. Tuy không có giá trị ...

eda_t1306481870_bsah

Tạ Đăng Tuyên

Đến đầu thế kỷ XX, Nho học tuy đã ở trong cảnh “Ông Nghè, ông Cống cũng nằm co” nhưng chữ Nho vẫn còn được không ít người tiếp tục theo học và thường được học song song với chữ Quốc ngữ, chữ Pháp trong hệ thống giáo dục thời Pháp thuộc. Tuy không có giá trị về mặt thi cử, tiến thân, song do một bộ phận dân chúng còn chịu ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo, nên chữ Nho vẫn được nhiều người, nhất là ở nông thôn, coi là chữ nghĩa thánh hiền. Trong các lớp học chữ Nho thời ấy có một cuốn sách khá phổ biến, nó vừa mang tính chất như một cuốn sách đạo đức, luân lý phổ thông, vừa mang tính chất như một cuốn sách giáo khoa chữ Hán. Đó là cuốn Minh đạo gia huấn của Trình Minh Đạo(1). Hãy loại bỏ những hạn chế tư tưởng Nho giáo thì cuốn sách này có nhiều nội dung về giáo dục gia đình rất đáng chú ý. Với suy nghĩ như vậy chúng tôi mạnh dạn nêu ra những nét tích cực của sách Minh Đạo gia huấn về giáo dục gia đình.

Ngay tên sách cũng đã nói được nội dung của sách: Minh Đạo gia huấn – lời răn dạy trong gia đình của Minh Đạo. Sách gồm 507 câu được viết theo thể thơ bốn chữ. Có lẽ nhằm bảo đảm vần điệu của thơ nên nội dung của sách trình bày không được mạch lạc, chặt chẽ theo từng chủ đề rõ ràng, nhiều chỗ bị trùng lặp. Chúng tôi lược bỏ những phần trùng lặp hoặc không phù hợp và tạm sắp xếp theo một số chủ đề giáo dục theo cách hiểu của chúng ta ngày nay.

  1. Khẳng định vai trò của giáo dục trong việc hình thành nhân cách

Có lẽ trong chúng ta nhiều người còn nhớ cách đây ít lâu do tác động của mặt trái của cơ chế thị trường, trong dân gian đã xuất hiện những câu ca làm đau lòng mọi người, nhất là những nhà lãnh đạo, nhà giáo dục: “Văn hay chữ tốt không bằng thằng dốt lắm tiền”, “Phó tiến sĩ chẳng bằng phó mộc”… Từ đó ta thấy thật đáng kính thế hệ cha ông chúng ta dẫu thiếu thốn trong cuộc sống đời thường vẫn hiếu học, trọng học. Tinh thần hiếu học được hình thành từ nhiều điều kiện khác nhau, trong đó có tác động của người thầy – ông đồ – trong khi học Minh Đạo gia huấn.

Phàm nhân bất học (Phàm người chẳng chịu học)

Minh như dạ hành (Mờ tối như đi đêm)

Thính thi như lung (Nghe thơ như điếc)

Vọng tự như manh (Trông vào chữ như mù)

Tử tôn tuy hiền (Con cháu dẫu hiền)

Bất giáo bất tinh (Không dạy dỗ thì chẳng tinh khôn được).

Học không phải là hoạt động của riêng ai, lớn hay bé, giàu hay nghèo, sang hay hèn… “Giáo dục suốt đời” của Nhật Bản, “giáo dục thường xuyên” của ta hiện nay chính theo đường hướng ấy.

Bần nhi cần học (Nghèo mà chịu khó học)

Khả dĩ lập thân (Có thể lập được thân)

Phú nhi cần học (Giàu mà chịu khó học)

Ích vinh kì danh (Càng vẻ vang tiếng tăm)

Bất sỉ hạ vấn (Không xấu hổ hỏi người dưới)

Nghĩa lí ích tinh (Nghĩa lí càng tinh tường).

Khốn nhi tri chi (Cùng khốn mà hiểu biết)

Phi trí nhi hà (Chẳng phải là người có trí sao)

“Tiên học lễ, hậu học văn”, hiện còn nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này song nếu ngày nay chúng ta tới các trường sẽ thấy quan niệm về giáo dục này được kẻ trên tường như một khẩu hiệu để phấn đấu, Trình Minh Đạo cũng có lập trường như thế.

Huấn đạo chi sơ (Bước đầu dìu dắt, dạy bảo)

Tiên thủ lễ pháp (Trước hết phải giữ lễ phép)

Một điểm đáng chú ý là Trình Minh Đạo phân biệt vai trò của con gái trong gia đình và việc giáo dục con cái. Một mặt ông không thừa nhận vai trò của con gái trong gia đình (bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại = có ba loại bất hiếu thì không có con trai nối dõi là bất hiếu lớn nhất). Mặt khác ông lại đề cao việc giáo dục con gái. Ông đã nhận thấy tầm quan trọng của giáo dục đối với con cái, dù trai hay gái. Đáng tiếc thay cho đến nay trong xã hội vẫn còn có nơi, có gia đình cho con gái đi học một cách miễn cưỡng.

Dưỡng nam bất giáo (Nuôi con trai mà không dạy)

Bất như dưỡng lư (Chẳng bằng nuôi con lừa)

Dưỡng nữ bất giáo (Nuôi con gái mà chẳng dạy)

Bất như dưỡng chư (Chẳng bằng nuôi con lợn)

Nữ tử bất học (Con gái không được học)

Bất tri lễ nghĩa (Không biết điều lễ nghĩa)

Nam tử bất học (Con trai không được học)

Bất thông sự lí (Không hiểu được lẽ phải)

  1. Xác định trách nhiệm trong giáo dục con người.

Ngày nay chúng ta thường nói đến là ba môi trường giáo dục: gia đình, nhà trường, xã hội. Tư tưởng đó đã được người xưa nói đến.

Dưỡng nhi bất giáo (Nuôi mà chẳng dạy)

Nãi phụ chi quá (Là lỗi của người cha)

Giáo nhi bất nghiêm (Dạy dỗ mà không nghiêm)

Nãi sư chi nọa (Là sự khiếm khuyết của người thầy).

Cận chu giả xích (Gần son thì đỏ)

Cận mặc giả hắc (Gần mực thì đen).

Ngoài ra còn phải nói đến vai trò của chủ thể, ở đây là người học. Dù gia đình quan tâm đến mấy, dù thầy có giỏi giang đến mấy song người học không chịu học tập, trau dồi đạo đức thì cũng đành chịu. Trong xã hội ngày nay có biết bao gia đình giàu có, tạo điều kiện tốt nhất cho con học, kể cả thuê gia sư theo các môn học khác nhau mà con vẫn hư, học vẫn kém. Trong những trường hợp này người ta thường hay đổ cho số mà không thấy tầm quan trọng của vai trò chủ thể của người học. Người xưa không chỉ thấy vai trò chủ thể của người học mà còn nhìn nhận nó ở khía cạnh đạo đức. Lười học không đơn thuần chỉ là lười biếng về một loại hình lao động mà là sự tự hư hỏng. Thực ra điều đó rất hợp với lôgích tự nhiên, phàm những người phạm pháp ở tuổi vị thành niên thường mở đầu bằng sự lười biếng trong học hành, tiếp theo là trốn học, rồi đến bỏ học và số đông tiếp theo là phạm pháp.

Học vấn bất cần (Học hỏi chẳng siêng năng)

Nãi tử chi ác (Là sự hư hỏng của người con)

Trong quá trình phát triển của xã hội loài người, tính kế thừa được thực hiện giúp cho quá trình tiến hoá thuận lợi, để thế hệ sau hơn thế hệ trước.

Hậu tòng tiên giáo (Người biết sau theo người biết trước)

Theo người trước song còn phải xem xét những khuyết điểm của người đi trước để tránh những thiếu sót có thể xảy ra.

Giám cổ tri kim (Soi đời xưa biết đời nay).

  1. Vai trò của môi trường giáo dục

Đọc Cổ học tinh hoa của Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc và Tử Văn Trần Lê Nhân hẳn nhiên nhiều người còn nhớ chuyện “Mẹ hiền dạy con”. Đó là chuyện nói về bà mẹ của Mạnh Tử chọn hàng xóm – môi trường giáo dục – để con có điều kiện học tập và sau này trở thành bậc đại hiền. Cũng với tinh thần đó, Trình Minh Đạo đã gói gọn thành những câu bốn chữ súc tích rất gần gũi với tục ngữ:

Cư tất trạch lân (ở phải chọn láng giềng)

Giao tất trạch hữu (Chơi bời phải chọn bạn)

Cận chu giả xích (Gần son thì đỏ)

Cận mặc giả hắc (Gần mực thì đen).

  1. Giáo dục gia đình, nền tảng của phát triển.

Trong “Đi tìm một bảng giá trị về gia đình trong thời đại chúng ta” (Nhân dân, 5-5-1996) ông Vũ Ngọc Khánh đặt câu hỏi: “…các tiêu chuẩn của một gia đình phải như thế nào mới đúng ? Việc giáo dục gia đình của chúng ta có dựa trên các tiêu chuẩn ấy không ? Hàng nghìn năm nay, đã có nhiều ý kiến về giáo dục gia đình. Vậy bảng giá trị về một gia đình lý tưởng là thế nào ?…” Chúng tôi rất tâm đắc với cách đặt vấn đề của tác giả. Nói đến vai trò của gia đình trong giáo dục thế hệ trẻ có lẽ không ai phản đối. Song gia đình đóng vai trò cụ thể như thế nào thì chưa được lý giải rõ ràng, nhiều ý kiến rất khác nhau, thậm chí đôi khi trái ngược nhau. Qua Minh Đạo gia huấn chúng tôi nhận thấy tác giả bàn về vấn đề này khá đơn giản. Ông không lí thuyết dài dòng mà đưa ra những chuẩn mực cho từng đối tượng thành viên qua từng câu bốn chữ một:

Vi phụ chí từ (Làm cha phải có lòng thương)

Vi tử chí hiếu (Làm con phải có hiếu)

Vi huynh chí ái (Làm anh phải yêu em)

Vi đệ chí cung (Làm em phải trọng anh)

Vi phu chí hoà (Làm chồng phải vui hoà)

Vi phụ chí thuận (Làm vợ phải nhu thuận)

Quả thật, không cần lí thuyết cao siêu, mỗi thành viên trong gia đình làm được những điều như vậy thì có lẽ không còn gì để nói. Song cái khó là ở chỗ mỗi chuẩn mực như thế đòi hỏi người ta phải tự giáo dục mình nhiều lắm. Làm được những điều như thế đâu có dễ !

Trong giáo dục gia đình, người xưa rất coi trọng chữ hiếu. Phàm những người có hiếu với cha mẹ đều là những người có ích cho xã hội, còn những ai bất hiếu với cha mẹ thường bị xã hội lên án cũng thường là loại người không có ích cho đời. Đã có thời kỳ Nhị thập tứ hiếu được đưa vào giảng dạy trong nhà trường (tại các trường ở bậc sơ học, người ta lưu hành bộ Luân lý giáo khoa thư, trong đó vẫn dạy học trò bổn phận đối với ông bà, cha mẹ, anh chị v.v… ở bậc trên, bài học luân lý bỏ đi, nhưng sách Quốc văn trích diễm của Dương Quảng Hàm có trích giảng Nhị thập tứ hiếu – Vũ Ngọc Khánh, tài liệu đã dẫn). Trong Minh Đạo gia huấn, tác giả đưa ra tám hình thức bất hiếu. Đó là:

Túng thân dung lãn (Làm kẻ lười biếng)

Học vấn bất cần (Học hành không siêng năng)

Đổ bác vong thân (Quên mình vì cờ bạc)

Tửu sắc tranh đấu (Rượu chè, trai gái, gây gổ)

Đạo thân bôn tẩu (Theo lũ trộm cướp)

Tranh tụng bại gia (Kiện tụng để cửa nhà sa sút)

Tông tộc bất hoà (Họ hàng không hoà mục)

Phụ mẫu bất ái (Không yêu mến cha mẹ)

Trong tám dạng bất hiếu thì không siêng năng học hành được xếp thứ hai, một lần nữa điều đó chứng tỏ người xưa rất hiếu học và trọng đạo học.

  1. Chữ “nhẫn” trong qua hệ gia đình

Trên các phương tiện thông tin báo chí đang báo động về những con số không vui: tỷ lệ li hôn, phạm pháp, phạm pháp ở tuổi vị thành niên, tai nạn giao thông… ngày một tăng. Nguyên nhân thì nhiều, song có một điều ai cũng nhận thấy phần nhiều do hiếu thắng, thiếu lòng vị tha. Chỉ vì chuyện vặt vãnh mà vợ chồng đưa đơn ra toà không kể đến đứa con nhỏ. Chỉ vì một chuyện không đâu mà người ta cũng có thể rút dao đâm chém nhau. Chỉ vì không nhường đường nhau mà cả hai xe đều lâm nạn. Những chuyện như vậy kể sao cho xiết. Người ta thường bảo nhau: “Giá mà…” Tiếc thay mọi chuyện đều thiếu chữ “giá mà…”. Trong quan hệ gia đình, Trình Minh Đạo đã báo trước để mọi người thực hiện tránh những điều đáng tiếc rất dễ xảy ra trong cuộc sống đời thường.

Phụ tử nhẫn chi (Cha con biết nhịn nhau)

Tự toàn kì đạo (Tự tròn vẹn được đạo cha con)

Huynh đệ nhẫn chi (Anh em biết nhịn nhau)

Gia trung vô hại (Trong nhà không bị tổn hại)

Phu phụ nhẫn chi (Vợ chồng biết nhịn nhau)

Linh tử bất cô (Khiến con trẻ chẳng bị côi cút)

Và ra ngoài xã hội lại càng cần có sự nhường nhịn, cảm thông.

Bằng hữu nhẫn chi (Bè bạn biết nhịn nhau)

Kì tình bất sơ (Tình bạn không bị xa cách)

Hành giả nhượng bộ (Người đi đường nhường bước)

Canh giả nhượng bạn (Người làm ruộng nhường bờ).

Một điều chúng tôi rất tâm đắc là sách đề cao vai trò của chủ thể trong mọi mối quan hệ. Thực thế, nếu chỉ mong ở sự vị tha của người khác còn mình thì ích kỉ, chỉ mong sự nhẫn nhịn của người khác còn mình thì hiếu thắng thì làm sao có thể giữ cho các mối quan hệ trong xã hội tốt đẹp được.

Tự thân nhẫn chi (Tự mình biết nhịn)

Nhân nhân ái lạc (Mọi người yêu mến vui vẻ)

  1. Giáo dục và quá trình tự giáo dục

Trong giáo dục đòi hỏi phải có tự giáo dục. Nếu thiếu tự giáo dục thì nhân cách không hoàn thiện. Người xưa rất coi trọng tự giáo dục và đó chính là nét rất riêng trong giáo dục của người xưa. Tự giáo dục ở mọi khía cạnh cuộc đời. Trong Minh Đạo gia huấn đưa ra nhiều tình huống để tự giáo dục khác nhau. Đối với bản thân mình phải biết kiềm chế dục vọng đời thường.

Nhân tham tài tử (Người tham của sẽ chết).

Điểu tham thực vong (Chim tham ăn sẽ chết)

Phải biết tự nghiêm khắc với chính mình, biết cần kiệm, lo xa, sống có bản lĩnh dù ở trong bất kì tình huống nào. Thực tế cho thấy đó không phải là chuyện dễ. Khi người ta ở vào hoàn cảnh mới, thường bị hoàn cảnh mới chi phối và thường tự đưa ra nhiều lý do nghe chừng xác đáng để bào chữa cho chính mình. Một người nghèo, gặp lúc khó khăn (hay đôi khi không khó khăn, song tự nhận là khó khăn để hy vọng được giảm nhẹ khuyết điểm) trót mắc điều lầm lỗi thường tự bào chữa: “đói ăn vụng, túng làm càn”. Cái mà người ta phải luôn trau dồi là “đói cho sạch, rách cho thơm” như ông cha ta thường dạy, một hình thức tự giáo dục theo người ta đến hết đời.

Tự tiên trách kỉ (Trước tự trách mình)

Nhi hậu trách nhân (Sau hãy trách người khác)

Thủ trọng ư nhân (Kính trọng người khác)

Thị trọng kì thân (Là kính trọng mình)

Bần nhi vô siểm (Nghèo mà không xu nịnh)

Phú nhi vô kiêu (Giàu mà không kiêu ngạo)

Tích cốc phòng cơ (Chứa lương thực phòng lúc đói)

Tích y phòng hàn (Chứa áo phòng lúc rét)

Cần kiệm tề gia (Cần kiệm trong việc nhà)

Cấm chỉ xa hoa (Cấm ngặt sự xa hoa)

Đắc vinh tư nhục (Lúc vinh hiển nhớ lúc nhục)

Cứ an lự nguy (Lúc ở yên lo lúc nguy).

Một điểm đáng lưu ý là Trình Minh Đạo không thành kiến với những người đã mắc lỗi nhưng biết sửa chữa. Đó là quan điểm rất nhân văn. Và hơn thế nữa, ông còn tin ở khả năng vươn lên trên mức bình thường ở người mắc lỗi: “Diệc khả vị hiền”. Sau khi nêu ra tám dạng bất hiếu thì tác giả vẫn khẳng định dù vậy nhưng nếu biết sửa chữa thì vẫn là người tốt.

Tri quá nhi cải (Biết lỗi mà sửa)

Diệc khả vị hiền (Cũng có thể gọi là hiền).

  1. Quan niệm nhân quả, phải chăng một đòn bảy cho giáo dục đạo đức ?

Tội ác, tệ nạn xã hội là điều khó có thể tiêu diệt tận gốc rễ, chỉ có điều là nhiều hay ít, bình thường hay nghiêm trọng mà thôi. Nếu trước đây ta ít thấy chuyện trộm cướp ở những nơi tôn nghiêm, linh thiêng như đền, chùa, thì ngày nay điều đó đã xảy ra nhiều. Chúng tôi còn nhớ khi còn nhỏ mỗi khi ra chùa, ra miếu chơi, nghịch, có làm điều gì tổn hại đến nhà chùa, miếu thờ (vặt quả ổi, chặt một chạc cây làm súng cao su…) thân mẫu chúng tôi lấy làm sợ hãi lắm. Người thường răn dạy và bao giờ cũng có câu: “Của Bụt mất một đến mười, Bụt vẫn còn cười Bụt chẳng nhận cho”. Dẫu rằng tuổi nhỏ chưa hiểu hết lẽ đời, song với những câu chuyện có qui luật nhân quả và đượm màu sắc tôn giáo đã góp phần ngăn chặn cái ác. Phải chăng khi người ta ý thức được qui luật nhân quả (thực ra qui luật nhân quả là thứ qui luật rất biện chứng: một người bất hiếu với bố mẹ thì đó là tấm gương cho đứa con noi theo khi ở tuổi trưởng thành) thì ít mắc vào vòng tội lỗi. ý thức được điều đó, và có lẽ do ảnh hưởng ở thuyết nhà Phật, Trình Minh Đạo đã đưa ra thuyết nhân quả vào sách giáo dục của mình như một lời răn.

Phụ mẫu hành ác (Cha mẹ làm điều ác)

Di hoạ tử tôn ( Để vạ cho con cháu)

Hoạ phúc vô môn (Hoạ phúc không chọn cửa).

Duy nhân tự triệu (Chỉ do con người tự vời đến).

Chủng qua đắc qua (Trồng dưa được dưa).

Chủng đậu đắc đậu (Trồng đậu được đậu).

Thiên võng khôi khôi (Lưới trời lồng lộng).

Sơ nhi bất lậu (Thưa mà chẳng lọt).

Tích thiện phùng thiện (Chứa điều hay gặp điều hay)

Tích ác phùng ác (Chứa điều ác gặp điều ác).

Nhân hậu phùng hậu (Ăn ở nhân hậu sẽ gặp điều nhân hậu).

Xứ xứ tương phùng (Đến chỗ nào cũng gặp nhau).

Mưu thâm họa thâm (Mưu sâu hoạ sâu).

Oan oan tương báo (Oan ức có quả báo).

  1. Tự giác của con người và sự cần thiết của luật pháp

Con người sống trong xã hội có phần nào đó giống như người diễn viên xiếc đi trên dây, bước trước giữ được thăng bằng thì yên, bước sau không giữ được thăng bằng thì ngã. Người ta ở đời cũng vậy, không tự điều chỉnh để đi đúng hướng thì dễ sa vào vòng tội lỗi, dù trước đó đã làm được nhiều điều tốt. Một trong những biện pháp làm người ta phải luôn tự điều chỉnh mình, biết tránh cái ác là luật pháp. Luật pháp lỏng lẻo làm người ta dễ sinh nhờn, không có tác dụng răn đe. Trình Minh Đạo nói nhiều đến giáo dục, tự giáo dục song ông cũng không quên uy quyền của pháp luật có tác dụng đối với quá trình hình thành nhân cách con người.

Nhân tâm như thiết (Lòng người như sắt).

Quốc pháp như lô (Phép nước như lò).

Nhưng để có người đứng trên luật pháp thì luật pháp không còn tính giáo dục nữa, mà nó sẽ cũng không còn là luật pháp và trở thành một thứ công cụ áp bức. Vì một lẽ tất nhiên bản thân luật pháp là công bằng, nghiêm minh và tuyệt đối khách quan.

Văn pháp bất cô (Pháp luật không riêng ai)

*
**

Trên đây là những suy nghĩ bước đầu nhân nghĩ về một cuốn sách xưa đã được học từ thuở ấu thơ. Rất mong được sự chỉ giáo của các bậc túc nho, các bạn đồng nghiệp để hiểu biết của chúng tôi được hoàn thiện, nhằm góp phần vào công tác nghiên cứu giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ, đặc biệt là giáo dục gia đình, một vấn đề bức xúc hiện nay.

T.Đ.T

CHÚ THÍCH

(1) Trình Minh Đạo (1032-1085) tức Trình Hạo, tự là Bá Thuần – bậc danh nho đời Tống, có công mở rộng và hoàn thiện học thuyết Khổng Mạnh. Em là Trình Di cũng là một đại nho. Người đời sau suy tôn là “Nhị Trình”. Thành ngữ của ta có câu “cửa Khổng sân Trình” là có ý đề cao họ Trình là người kế tục họ Khổng trong Nho học.

Nguồn bài đăng

0