18/06/2018, 16:57

Những nhân tố thúc đẩy quan hệ Việt Nam- Thái Lan giai đoan 1976-2016

Việt kiều ở Thái Lan 2014 Ths. Nguyễn Văn Tuấn* Ths. Lê Văn Trường An** Việt Nam và Thái Lan có mối quan hệ láng giềng hữu nghị vốn được hình thành từ rất sớm bằng những cuộc tiếp xúc buôn bán đầu tiên giữa hai bên (thế kỉ XIII) và được tiếp nối qua nhiều giai ...

5p05_fmt.jpg

Việt kiều ở Thái Lan 2014

Ths. Nguyễn Văn Tuấn*

Ths. Lê Văn Trường An**

           Việt Nam và Thái Lan có mối quan hệ láng giềng hữu nghị vốn được hình thành từ rất sớm bằng những cuộc tiếp xúc buôn bán đầu tiên giữa hai bên (thế kỉ XIII) và được tiếp nối qua nhiều giai đoạn lịch sử. Trải qua nhiều thăng trầm, mối quan hệ này ngày càng trở nên gắn bó và bền chặt. Việc thiết lập quan hệ ngoại ngoại giao giữa Việt Nam và Thái Lan ngày 6/8/1976 đã mở ra một trang sử mới trong quan hệ giữa hai nước. Đặc biệt, chuyến thăm Thái Lan của thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1978 đã bồi đắp thêm tình hữu nghị giữa hai nước. Hai bên đã kí Tuyên bố chung, thỏa thuận sẽ đẩy mạnh việc buôn bán, hợp tác kinh tế, khoa học kỹ thuật và khuyến khích trao đổi văn hóa, hàng không dân dụng, bưu điện viễn thông, y tế, thể dục thể thao, du lịch, giải quyết vấn đề Việt kiều ở Thái Lan…

           Mối quan hệ giữa Việt Nam và Thái Lan không chỉ vì “việc quan tâm đầy đủ đến quan hệ láng giềng là cần thiết và vô cùng quan trọng. Có sự hội nhập tốt trong khu vực mới có điều kiện thuận lợi cho sự hội nhập với thế giới”[1] mà ở cả hai quốc gia đều tìm thấy được những điểm tương đồng, lợi ích đôi bên và tiếng nói chung từ trong quá khứ đến thời điểm hiện tại.

  1. Thái Lan và Việt Nam –những cơ sở nền tảng ban đầu

         Mối quan hệ giữa Việt Nam và Thái Lan hình thành từ rất sớm trong lịch sử. Các tài liệu lịch sử ghi lại mối liên hệ giữa hai cộng đồng người Thái-Việt qua hoạt động thương mại. Việt Nam nằm trên tuyến đường thương mại của Xiêm với Trung Quốc và là một ngả trong quan hệ thương mại giữa Xiêm với Campuchia. Thuyền của Xiêm buôn bán với Trung Quốc dọc theo ven bờ biển Việt Nam vẫn thường ghé lại các cảng của Việt Nam. Dưới vương triều Sukhothai (1238-1583) thương nhân Xiêm đã vào đến cảng Vân Đồn để tiến hành trao đổi các sản phẩm có giá trị thương mại khu vực như gốm sứ và tơ lụa…Trên cơ sở các quan hệ về thương mại, quan hệ bang giao cũng được thiết lập thông qua những hoạt động trao đổi sứ giả[2]. Vua Lê Thái Tông còn gửi nhiều tặng phẩm quý giá cho vua Borommaracha II ( 1424-1448) và Hoàng hậu[3]. Thời Lê sơ, triều đình còn tuyên bố giảm một nửa thuế buôn bán cho thương nhân Xiêm. Mối quan hê này được duy trì nhiều thế kỉ sau đó.

           Quan hệ giữa Xiêm và Việt Nam được chính thức xác lập từ những năm đầu dưới vương triều Chakri với Nguyễn Ánh và sau đó là nhà Nguyễn. Năm 1789 và 1793, khi Xiêm có nạn đói và yêu cầu được mua gạo, Nguyễn Ánh đã ra lệnh cho hơn 8.800 phương gạo hoặc ra lệnh bán gạo cho người Xiêm[4]. Đặc biệt, từ thời Gia Long, quan hệ thương mại diễn ra khá sôi nổi trong thế kỷ XIX, hằng năm có khoảng 40 đến 50 thuyền buôn của Xiêm đến buôn bán tại Việt Nam[5].

Tuy nhiên, cũng từ nửa đầu thế kỷ XIX, quan hệ giữa hai nước bước vào một giai đoạn mới với xu hướng đối đầu nhau. Vấn đề tranh giành quyền ảnh hưởng đối với Campuchia là nguồn gốc cho những mâu thuẫn diễn ra liên tiếp sau đó. Tham vọng bành trướng và mở rộng ảnh hưởng là nguyên nhân chủ yếu đưa đến cuộc xung đột giữa Bangkok với Huế. Bên cạnh đó là sự đối đầu trong vấn đề tranh chấp Hà Tiên[6]. Xung đột diễn ra liên tiếp và kéo dài cho năm 1810 khi vua Chakri II công nhận chủ quyền của Việt Nam đối với vùng đất này. Trước đó, trong bối cảnh người Việt đang trải qua thời kỳ rối ren bởi cuộc chiến giữa Nguyễn và Tây Sơn. Phía nam, Xiêm đã tổ chức can thiệp nhằm áp đặt ảnh hưởng đến Việt Nam bằng việc cấu kết với lực lượng của Nguyễn Ánh chống lại nhà Tây Sơn. Khi Xiêm có chiến tranh với Miến Điện, Nguyễn Ánh cũng điều động quân đội giúp đỡ. Như vậy, hợp tác giữa Việt-Thái thời kì này đã định hình và có những bước phát triển dù không mạnh mẽ và liên tục.

          Đến thế kỷ XX, nhất là giai đoạn 1954-1975, quan hệ Việt Nam-Thái Lan gặp không ít khó khăn, có đôi lúc trở nên đối đầu. Sau 9 kháng chiến chống Pháp, Việt Nam giành thắng lợi và sau đó tiếp tục với cuộc chiế tranh chống Mỹ đầy cam go. Trong khi mâu thuẫn giữa Việt Nam và đế quốc Mỹ trở nên gay gắt thì Thái Lan ngày càng thể hiện chính sách đối đầu với Việt Nam[7].

        Mặc dù vậy, quan hệ Việt Nam-Thái Lan thời kỳ này không chỉ hoàn toàn đối đầu. Cùng với việc Mỹ leo thang chiến tranh ở Việt Nam và sự can thiệp của chính phủ Thái Lan, cuộc đấu tranh ủng hộ Việt Nam của nhân dân Thái Lan ngày càng tăng lên. Tháng 11/1967, Pridi lên án Mỹ ném bom ở Hà Nội, Hải Phòng. Tháng 7/1969, sinh viên trường luật Bangkok  biểu tình phản đối Nixon và đòi chính phủ Thái Lan rút quân khỏi Việt Nam. Cùng với đó là bức thư ngỏ của 25 trí thức Thái Lan gửi lên tổng thống Nixon tố cáo Mỹ gây tội tác chiến tranh[8].

         Sau năm 1973, Mỹ rút quân về nước. chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã chủ trương xúc tiến cải thiện quan hệ với Thái Lan. Ngày 27/11/1974, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh gửi thư cho Ngoại trưởng Thái Lan ra tuyên bố sẵn sàng đáp ứng đề nghị trao đổi văn hóa của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa. Để thể hiện tinh thần hào hiễu với Thái Lan, ngày 25/1/1975 Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam gửi thư cho Ngoại trưởng Thái Lan nêu rõ sự sẵn sàng từ phía Việt Nam và đề nghị 3 nguyên tắc cơ bản đối với bình thường hóa quan hệ hai nước[9]. Ngày 6/8/1976, Ngoại trưởng Thái Lan Bhichai Rattaam đã đến thăm Việt Nam và Tuyên bố chung về việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Thái Lan, mở ra trang sử mới cho quan hệ của cả hai dân tộc..

       Nhìn chung, quan hệ giữa Việt Nam và Thái Lan đã được hình thành từ rất sớm với cơ sở ban đầu là những hoạt động thương mại từ thế kỷ XIII. Trong quá trình ban giao, có lúc hai nước đối đầu với nhau do sự cạnh tranh về quyền lực ảnh hưởng ở khu vực và sự khác biệt về đường lối chính trị nhưng xuyên suốt trong chiều dài lịch sử nổi bật lên là mối liên hệ khăt khít, hòa hiếu, hữu nghị láng giềng tốt đẹp. Điều đó tạo nên một nền tảng bền vững cho mối quan hệ giữa hai quốc gia được thiết lập và phát triển sau này.

  1. Sự gần gũi về mặt địa lý, tương đồng về văn hóa góp phần giúp quan hệ Việt Nam-Thái Lan gắn bó, thân thiện

         Cùng nằm ở Đông Nam Á, vị trí địa lý gần kề đã khiến cho quan hệ cư dân-cư dân ở đây diễn ra từ rất sớm. Sự gần kề đã tạo điều kiện địa lý không quá xa xôi, phức tạp, có những thuận lợi cho giao thông đi lại giữa cư dân trong vùng của hai bên.

         Thái Lan và Việt Nam là quốc gia cùng nằm trên bán đảo Trung Ấn, cùng thuộc về Đông Nam Á lục địa. Khoảng cách giữa hai nước là khá gần gũi, không có cách trở lớn về mặt địa lý. Hơn nữa, giữa hai nước lại có các đường giao thông tự nhiên tương đối thuận lợi như sông Mê Công và đường biển ven bờ. Đó là một trong những điều kiện thuận lợi để mối quan hệ này được hình thành trong lịch sử cả về mặt giữa nhân dân với nhân dân và giữa nhà nước với nhà nước, cả về quan hệ kinh tế lẫn quan hệ về chính trị. Tình gần gũi này được thể hiện trong các thư từ qua lại giữa vua Xiêm và chúa Nguyễn, đều thấy sự xuất hiện những lần ghi nhận về tính chất “láng giềng” hay “hàng xóm” giữa hai nước. Trong một bức thư vua Xiêm gửi cho chúa Nguyễn đã từng viết rằng “Nước An Nam và nước Xiêm cùng ở về một dải đường biển, cùng chung một trời. Hai nước tuy xa cách nhau nhưng cũng như đứng một đất nước”[10]. Yếu tố địa lý gần kề thuận lợi không chỉ giúp quan hệ Việt Nam-Thái Lan hình thành sớm. Đó còn là nguyên nhân giúp mối quan hệ này duy trì thường xuyên, lâu dài trong lịch sử. Ngoài ra, dưới góc nhìn địa chính trị, chính yếu tố này làm nên tính chất đặc thù và những vấn đề riêng trong quan hệ giữa hai nước như tính láng giềng, khả năng quan hệ liên tục, lợi ích đa dạng, vấn đề lãnh thổ và dân cư cho đến ngày nay, sự gần gũi về địa lý vẫn tiếp tục có ý nghĩa trong quan hệ giữa hai nước.

         Điều kiện tự nhiên có nhiều điểm tương đồng là một tiền đề thuận lợi cho sự hình thành và phát triển quan hệ Việt Nam-Thái Lan. Hai nước cùng có kiến tạo địa lý tương đối giống nhau. Địa hình có độc dốc thoai thoải ra biển, có địa hình đa dạng gồm các vùng rừng núi, cao nguyên và đồng bằng. Các con sông lớn như Chao Phraya, Mê Công ở Thái Lan, sông Hồng, sông Cửu Long ở Việt Nam tạo nên những lưu vực lớn, là nơi tập trung phần lớn dân cư. Khí hậu hai nước đều là nhiệt đới gió mùa nóng ẩm. Một năm có hai mùa mưa và mùa khô đan xen nhau.

        Sự tương đồng về địa hình và khí hậu đã hình thành nên nhiều điểm giống nhau trong hệ sinh vật tự nhiên và cơ cấu cây trồng khiến cho cơ sở kinh tế trước đây của hai nước khá giống nhau. Đó là cơ cấu kinh tế đa dạng gồm cả nông, lâm, ngư nghiệp với vai trò chủ đạo là nền nông nghiệp lúa nước[11].

       Những tương đồng hiện có tác động không nhỏ tới quan hệ giữa hai nước. Thứ nhất, điều kiện tự nhiên và cơ sở kinh tế giống nhau đã tạo nên nhiều điểm chung trong thế giới quan và nhân sinh quan. Các điểm chung này làm cho nhận thức và cách ứng xử của con người đối với tự nhiên, xã hội trở nên gần gũi nhau. Thứ hai, đó là vai trò tác động của nền nông nghiệp lúa nước đới với sự hợp tác và hội nhập ở Đông Nam Á. Tất cả những yếu tố này đều giúp quá trình tiếp cận được dễ dàng hơn, giao lưu thuận lợi hơn, quan hệ dễ được duy trì.

       Văn hóa là một phần quan trọng trong quan hệ giữa các dân tộc  và quốc gia. Văn hóa không chỉ là “lĩnh vực giao lưu mà còn là môi trường quan hệ”[12]. Những nét tương đồng văn hóa có tác động khá lớn đến việc hình thành và phát triển quan hệ giữa các cộng đồng trong lịch sử.

      Việt Nam-Thái Lan là hai quốc gia có các cơ sở văn hóa và những quá trình phát triển văn hóa tương đối giống nhau. Sự tương đồng văn hóa này được quy định bởi các yếu tố nội tại sau: Thứ nhất, điều kiện tự nhiên tương đối giống nhau tạo nên sự gần gũi trong nhân sinh quan và thế giới quan. Thứ hai, đó là nền văn hóa vật chất cũng được xây dựng trên cơ sở nông nghiệp lúa nước. Thứ ba, đó là bề dày quá trình giao lưu và quá trình tiếp biến văn hóa lâu đời giữa hai nước tạo ra khả năng chuyển tải và tiếp thu các giá trị của nhau. Bên cạnh đó là những ảnh hưởng từ bên ngoài góp phần tạo thêm nhiều điểm tương đồng về mặt văn hóa. Việt Nam-Thái Lan cùng nằm trong khu vực giao lưu của văn hóa Trung Quốc và Ấn Độ, cùng chịu ảnh hưởng của hai nền văn minh này. Cả hai nước đều tiếp thu nhiều giá trị chung như Phật giáo và các yếu tố Hoa. Sau này, cả hai đều chịu thêm những tác động của nền văn minh phương Tây.

          Vị trí gần kề và quá trình quan hệ lâu đời giữa nhân dân hai nước đã làm quá trình giao lưu và tiếp thu văn hóa của nhau diễn ra mạnh mẽ hơn. Sự gần gũi và những nét tương đồng văn hóa giữa hai nước có thể thấy được ở mọi nơi từ văn háo vật chất đến văn hóa tinh thần, từu đời sống tâm linh đến hoạt động tôn giáo. Chúng hiện diện trong suốt  quá trình lịch sử, lẫn hiện tại. Quan hệ trong quá khứ của hai nước có những mâu thuẫn và xung đột nhưng không có biểu hiện xung đột văn hóa tạo nên sự gần gũi hiểu biết lẫn nhau, điều kiện cần thiết để phát triển quan hệ và hạn chế những tranh chấp.

  1. Người Việt ở Thái Lan-chiếc cầu nối văn hóa giữa hai nước

          Có thể nói, địa bàn cư trú gần kề đã mang lại mối quan hệ về mặt địa lý, điều kiện tự nhiên, kinh tế và những gần gũi văn hóa đã góp phần củng cố các mối quan hệ này. Ngược lại, các quan hệ này đã làm nên những mối liên hệ giữa hai cộng đồng người, tạo cơ sở cho sự hình thành và phát triển của mối quan hệ nhà nước-nhà nước sau này.

           Trong suốt chiều dài lịch sử đã có những cuộc di cư của người Thái sang đất Việt và người Việt sang đất Thái. Ít nhất từ thế kỉ VIII và nhất là trong các thế kỉ IX-X, người Thái đã di cư đến thượng nguồn sông Đà và hình thành nên những điểm tụ cư vùng Tây Bắc Việt Nam[13]. Khác với người Thái đã có quá trình di cư lâu dài xuống phía nam một cách có hệ thống và bắt đầu từ rất sớm, người Việt di chuyển sang đất Thái khá lẻ tẻ. Nhiều người Việt đã đến nhập cư khá sớm. Ngay từ thế kỉ XVII đã có một số gia đình người Việt sống ở Bangkok và có lẽ ở cả Ayuthaya. Trong một bản đồ vẽ năm 1687 về Ayuthaya của sứ thần Pháp Simon de la Loubele đã được xuất bản năm 1691 có một khu phố người Việt ở kinh đô Ayuthaya với tên gọi Cochinchinois và có khoảng 100 người nằm bên cạnh các khu phố của người Hoa, người Bồ Đào Nha, người Mã Lai, người Pê gu..

           Nhờ chính sách cởi mở ngay từ đầu với đạo Thiên chúa của Xiêm, nhất là dưới thời Na-rai (1656-1688), nhiều người Việt theo Thiên chúa giáo được đưa sang Xiêm đào tạo để trở thành cha cố, cũng như một số giáo dân sang Xiêm tị nạn. Đó là một trong những cộng đồng người Việt tại Xiêm đầu tiên[14].

Trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất do thực dân Pháp tiến hành ở Đông Dương, hàng nghìn công nhân Việt Nam được đưa sang Lào để làm đường. Nhiều người trong số đó đã bỏ chạy sang Thái Lan. Sau sự thất bại của phong trào Duy Tân 1908, Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931 và những cuộc khởi nghĩa khác, nhiều người yêu nước Việt Nam đã chạy sang Thái Lan để tránh sự đàn áp của thực dân Pháp. Cùng với đó là những cuộc tấn công của Pháp vào đất Lào trong chiến tranh Đông Dương  khiến hàng vạn Việt kiều ở đây tản cư ồ ạt sang Thái Lan và nhiều người trong số đó đã chọn Thái Lan làm quê hương thứ hai của mình.

        Sự trở lại xâm lược của Pháp ở Việt Nam năm 1946 đã khiến cho một bộ phận người Việt phải chạy sang Thái Lan một lần nữa. Số lượng người Việt trốn chạy cuộc đàn áp của Pháp vào tháng 3-1946 khoảng chừng 40.000 người và từ đó hình thành nên cộng đồng người Việt Nam mới ở Thái Lan để phân biệt với người Việt Cũ, vốn đã định cư một thời gian dài trước đó[15]. Sự di cư của người Việt được tiếp tục điễn ra trong thời gian 1954-1975 và thời gian sau đó. Nhiều người Việt đã chọn con đường ở lại Thái Lan và không quay về Việt Nam.

          Như vậy, những cộng đồng người Việt ở Thái Lan được hình thành trong suốt chiều dài lịch sử cùng với những biến động của đất nước. Những chính sách hỗ trợ của chính quyền Xiêm trước đó (thời vua Rama IV) và chính phủ Thái Lan sau này (thủ tướng Pridi Banomyong) đã giúp cho người Việt ổn định được tại vùng đất mới và dần dần, họ trở thành một bộ phận của Thái Lan.

           Những yếu tố văn hóa Việt vẫn được người Việt tại Thái Lan gìn giữ cũng như văn hóa Thái Lan được tiếp nhận trong đời sống hằng ngày. Những yếu tố văn hóa giữa hai bên vốn đã có những nét tương đồng thì với cộng đồng người Việt tại Thái Lan, họ đã khiến cho khoảng cách giữa hai bên được rút ngắn. Chính họ đã trở thành một chiếc cầu nối, để Thái Lan và Việt Nam có thể nhìn thấy những điểm tương đồng và hiểu nhau hơn. Chúng ta có thể thấy người Việt ở Thái Lan giảng dạy tiếng Việt trong các cơ quan giáo dục tại Thái Lan. Người Việt ở Nakhon Phanom có nhiều đóng góp quan trọng cho nền giáo dục của Thái Lan và thậm chí, họ còn dạy tiếng Thái cho người Việt Nam là những người đến Thái Lan qua các chuyến đi chính thức hoặc kinh doanh hay vì mục đích khác. Các sinh viên người Việt còn tổ chức các buổi Seminar để quảng bá văn hóa Việt tại Thái Lan như sự kết hợp với trường Đại học Nakhon Phanom Rajabadh[16].

           Từ những chiếc cầu nối đó, Hội hữu nghị Việt Nam-Thái Lan được thành lập ngày 01/08/1996 với tôn chỉ mục đích: góp phần tăng cường sự hiểu biết của nhân dân hai nước, củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác thân thiện nhiều mặt giữa hai nước. Tuy nhiên, để đi đến một mối quan hệ tốt đẹp, hai nước đã nhận thấy rõ cần phải thúc đẩy hợp tác nhiều hơn nữa, cái bắt tay giữa hai bên vốn đôi lúc buông lỏng vì những cách nhìn khác nhau trong một giai đoạn lịch sử  nay lại được siết chặt hơn trong một bối cảnh hoàn toàn mới, mở ra cơ hội cho cả Thái Lan và Việt Nam.

  1. Hoạt động thương mại thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Thái Lan

         Vào cuối những năm cuối thập kỉ 1980, Thái Lan bước vào thời kì phát triển kinh tế mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng cao. Nhưng nhu cầu phát triển kinh tế cũng như triển vọng của nó đã bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột kéo dài ở Campuchia. Đó không chỉ là gánh nặng về người tị nạn, những bất ổn thường xuyên ở biên giới, những khoan chi phí lớn cho quân sự, những ảnh hưởng không có lợi cho an ninh và tình hình ổn định trong nước mà còn là sự bất ổn định của môi trường kinh doanh, sự suy giảm độ hấp dẫn đầu tư nước ngoài, sự hạn chế phát triển du lịch, sự phân tán các nỗ lực phát triển kinh tế. Giải quyết vấn đề Campuchia và cải thiện quan hệ với Việt Nam sẽ giúp Thái Lan giải quyết đáng kể vấn đề trên.

         Thái Lan bắt đầu điều chỉnh chính sách Đông Dương với sự ưu tiên cao hơn cho mục tiêu phát triển kinh tế. Cải thiện quan hệ với Việt Nam là một trong những điều chỉnh quan trọng nhất của chính phủ Thái Lan. Thủ tướng  Thái Lan Chatichai Choonhavan tuyên bố “việc nhích lại gần Việt Nam là một trong những ưu tiên hàng đầu của tôi” và khẩu hiệu “biến Đông Dương từ chiến trường thành thị trường”. Trước đây, Thái Lan coi trọng “buôn bán với các bạn hàng xa, nay phải buôn bán với các láng giềng gần”[17].                   

        Việt Nam là một thị trường tiềm năng mà Thái Lan rất quan tâm bên cạnh hai nước Lào và Campuchia. Điều này thể hiện rất rõ kể từ khi Việt Nam chính thức mở cửa dịch vụ bán lẻ theo cam kết của WTO, trong lộ trình sẽ xóa bỏ hàng rào thuế quan đối với các khối nước Cộng đồng kinh tế ASEAN. Thái Lan mỗi năm tổ chức 4 kì hội chợ có quy mô ở Việt Nam.

          Trong khi đó ở Việt Nam, trước nhu cầu có một môi trường khu vực ổn định và trước yêu cầu của nền kinh tế đang chuyển mình theo hướng thị trường, thấy được tiềm năng quan trọng ngày càng tăng của mối quan hệ với Thái Lan, Việt Nam cũng muốn thúc đẩy hợp tác với Thái Lan nhất là trên lĩnh vực kinh tế.

            Một điều thực tế là tâm lý tiêu dùng của người Việt Nam rất thích sử dụng hàng hóa của Thái Lan. Hàng hóa của Thái Lan có ưu thế hơn nên nhu cầu nhập khẩu hàng hóa Thái Lan của Việt Nam tăng lên. Những mặt hàng được ưu tiên nhập khẩu như ô tô, các thiết bị điện, linh phụ kiện, hóa chất, hàng hóa tiêu dùng…. Sau năm 2010, thị trường bán lẻ Việt Nam chứng kiến làn sóng đổ bộ mạnh mẽ của doanh nghiệp Thái Lan qua các thương vụ sáp nhập các chuỗi bán lẻ lớn. Cụ thể, Berli Jucker Pic (BJC) của Thái đã mua lại hệ thống 42 cửa hàng Family Mart (Nhật) tại Việt Nam và đổi tên thành B’mart.

     Tháng 1 năm 2016, BJC cũng mua lại chuỗi siêu thị Metro Cash và Carry Việt Nam, hay Thái Lan tuyên bố mua lại Big C….Tất cả những sự kiện trên chứng tỏ rằng Thái Lan có mối quan tâm đặc biệt đến thị trường Việt Nam và Việt Nam ngày càng gắn chắt với Thái Lan trên lĩnh vực kinh tế.

       Cả hai quốc gia đều tìm thấy những lợi ích chung và “sự ràng buộc” trong hoạt động kinh tế. Thái Lan muốn xích gần với Việt Nam bởi đây là một thị trường giúp các doanh nghiệp Thái khai thác nhiều lợi ích còn Việt Nam tăng cường hợp tác với Thái Lan không chỉ học hỏi những kinh nghiệm mà còn muốn phát triển kinh tế đất nước thông qua hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang Thái Lan. Chính quan hệ hợp tác về kinh tế sẽ giúp khai thông quan hệ chính trị. Ngược lại, quan hệ chính trị giúp thúc đẩy quan hệ kinh tế.  

  1. Bối cảnh thế giới “từ đối đầu sang đối thoại” Việt Nam-Thái Lan tìm thấy tiếng nói chung

           `Sau năm 1975, bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều thuận lợi hơn cho việc bình thường hóa quan hệ Việt Nam-Thái Lan vốn có những bất đồng trong cuộc chiến tranh có sự tham gia của Mỹ trước đó. Những can thiệp bên ngoài không còn mạnh mẽ như trước, Mỹ rút quân khỏi Đông Nam Á. Trung Quốc và Liên Xô chưa chi phối nhiều đến quan hệ quốc tế ở khu vực này. Xu hướng bình thường hóa quan hệ vẫn là tất yếu mặc dù vẫn còn đang diễn ra chậm chạp. Lúc này, yếu tố khu vực Đông Nam Á bắt đầu nổi lên và ngày càng thể hiện rõ trong quan hệ Việt Nam-Thái Lan. Hội nghị ngoại trưởng ASEAN lần thứ 8 (5/1975) tại Kuala Lumpur đã ra thông cáo chung nhấn mạnh cơ hội hợp tác khu vực. Bên cạnh đó, việc SEATO đã hết ý nghĩa và trên đường giải thể khiến Thái Lan chuyển hướng sang ASEAN.

           Ngày 5/9/1975, thủ tướng Thái Lan Kukrit Pramoj đã phát biểu một cách rõ ràng và cụ thể: “Chúng ta vẫn theo đuổi chính sách làm bạn với các nước láng giềng…Thái Lan hy vọng sớm mở một cơ quan liên lạc ở Hà Nội”[18]. Việc Thái Lan thực hiện một chính sách ngoại giao hết sức năng động, đưa ra nhiều sáng kiến hợp tác tại các diễn đàn khu vực và quốc tế nhằm nâng cao vị thế và ảnh hưởng của nước này. Thái Lan chủ trương chính sách đối ngoại là giữ vững các cam kết đối với quốc tế, khu vực và các nước láng giềng, trong đó ưu tiên phục vụ ổn định tình hình chính trị, kinh tế trong nước, khôi phục hình ảnh và uy tín của Thái Lan trước cộng đồng quốc tế.

            Trong khi đó, Việt Nam vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh. Hà Nội mong muốn cải thiện quan hệ quốc tế để tiến tới sự hợp tác đa phương nhằm khôi phục và phát triển đất nước và những quốc gia gần kề trong khu vực là một trong những nơi mà Việt Nam muốn thiết lập sau năm 1975.

Chiến trang lạnh kết thúc, xu thế đối đầu chuyển dần chuyển sang đối thoại. Xu hướng này được sự ủng hộ mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường. Toàn cầu hóa bắt đầu tác động mạnh mẽ tới mọi quốc gia, buộc các nước phải mở rộng thị trường, phát triển kinh tế đối ngoại, quốc tế hóa kinh tế quốc gia, thúc đẩy hợp tác, nâng cao tính cạnh tranh. Để thích ứng trong một thế giới như vậy, Việt Nam và Thái Lan phải cùng nhau hợp tác.

           Đầu thế kỷ XXI, khu vực Đông Nam Á nhìn chung ổn định và ngày càng nổi lên trở thành một trong những trọng tâm chiến lược và trung tâm kinh tế trên thế giới. Trong đó, ASEAN ngày càng đóng vai trò quan trọng trong hợp tác khu vực với các nước lớn. Việc ASEAN tuyên bố hòa hợp Bali II tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 9 tổ chức ở Indonesia (10/2003) tạo nền tảng cho việc thiết lập  một cộng đồng ASEAN dựa trên ba trụ cột chính là cộng đồng an ninh-chính trị, kinh tế và văn hóa-xã hội nhằm hướng tới thị trường chung ASEAN năm 2015. Bên cạnh đó, các nước lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc cạnh tranh ảnh hưởng và tăng cường hiện diện trong khu vực cả về chính trị, kinh tế, quân sự.

           Năm 2009, các nước lớn đều đẩy mạnh các hoạt động nhằm khai thác các lợi ích trước mắt và tạo thế cạnh tranh lâu dài tại khu vực[19]. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với các nước nhỏ trong khu vực trong đó có Việt Nam và Thái Lan. Để nắm bắt được cơ hội đó cũng như duy trì được sự cân bằng trong khu vực, Việt Nam và Thái Lan hiểu rằng cần phải tạo ra một môi trường gắn kết, tái thiết lập các hoạt động hợp tác trên từng lĩnh vực để có thể đưa đất nước phát triển.

Bối cảnh quốc tế và khu vực sau năm 1975 chi phối khá nhiều đến quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam-Thái Lan nhưng chính những chính sách nội tại của hai quốc gia mới quyết định đến việc thiết lập và phát triển quan hệ ngoại giao của hai nước từ năm 1976, đó là:

        Về phía Việt Nam, một mặt là tuyên bố về chính sách cải cách kinh tế tại Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1986 và mặt khác là việc tuyên bố rút quân Việt Nam ra khỏi Campuchia năm 1989.

        Về phía Thái Lan, đó là sự thay đổi thái độ và chính sách của Thái Lan đối với các nước Đông Dương được chính phủ thông qua năm 1988. Trong đó đáng chú ý là sự thay đổi tích cực trong chính sách của Thái Lan đối với người Việt Nam ở Thái Lan và sự chấp thuận chính sách đối ngoại hướng mọi người Việt ở Thái tập trung vào việc phát triển quan hệ với các nước láng giềng đã đóng góp to lớn vào việc xây dựng nên sự tin cậy lẫn nhâu và sự chân thành giữa hai nước.

          1.Quan hệ Việt Nam-Thái Lan được thiết lập chính thức vào năm 1976 là kết quả dựa trên nền tảng của các hoạt động ngoại giao trước đó. Việc thiết lập hoạt động thương mại ngay từ thế kỷ XIII đã tạo đà cho những cuộc tiếp xúc thời gian sau đó tiếp tục diễn ra trên nhiều lĩnh vực. Sự tương đồng về mặt văn hóa, sự gần gũi về mặt địa lý và điều kiện tự nhiên đã tạo ra nhiều thuận lợi, giúp hai nước hiểu biết về nhau nhiều hơn và dễ tìm thấy được tiếng nói chung, nhất là trong các hoạt động kinh tế và văn hóa. Bên cạnh đó, cộng đồng người Việt tại Thái Lan đã trở thành một chiếc cầu nối văn hóa giới thiệu hình ảnh và con người của Việt Nam đến Thái Lan và ngược lại. Điều đó khiến cho sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai quốc gia được sâu sắc hơn.

  1. Bối cảnh quốc tế và khu vực là một nhân tố quan trọng có tác động thúc đẩy đến việc thiết lập và phát triển quan hệ giữa hai nước từ năm 1976 đến nay. Nếu như trước đó, Thái Lan và Việt Nam có những bất đồng về đường lối chính trị và lợi ích quốc gia, mâu thuẫn giữa hai bên đôi lúc diễn ra bằng những cuộc xung đột như sự tham chiến của Thái Lan vào chiến tranh Việt Nam hay vấn đề về Campuchia nhưng nhìn chung giữa hai nước, mâu thuẫn thường không đẩy lên đến đỉnh điểm “một mất, một còn” và thường không kéo dài. Những mâu thuẫn đó chủ yếu do yếu tố bên ngoài tác động đến quan hệ của hai nước.
  2. Thái Lan và Việt Nam cùng nằm trong khu vực Đông Nam Á và là hai quốc gia có nhiều ảnh hưởng đến khu vực này. Trong quá khứ, sự ổn định của khu vực có giai đoạn phụ thuộc nhiều vào mối quan hệ giữa hai nước. Trong xu thế hội nhập hiện nay, mỗi quốc gia đều đứng trước những cơ hội và thách thức để xây dựng và phát triển đất nước, việc thiết lập và duy trì quan hệ ngoại giao với một quốc gia khác là điều cần thiết nhất là khi quốc gia đó có nhiều điểm tương đồng, có cùng tiếng nói chung và từng có mối quan hệ tốt đẹp trong quá khứ.

* Đại học Khánh Hòa

** Trường THPT Lê Hồng Phong-Khánh Hòa

TÀI LIỆU THAM KHẢO: 

  1. Đặng Văn Chương (2010), Quan hệ Thái Lan-Việt Nam cuối thế kỷ XVIII-giữa thế kỷ XIX, NXB ĐHSP Hà Nội.
  2. 2. Hà Lê Huyền (2010), Quan hệ Việt Nam-Thái Lan 2000-2009, Luận văn tốt nghiệp chuyên ngành Lịch sử Thế giới, ĐHKHXH&NV Hà Nội
  3. 3. Nguyễn Văn Khoan (chủ biên – 2008), Người Việt ở Thái Lan 1910-1960, NXB Công An Nhân Dân, Hồ Chí Minh
  4. 4. Hoàng Khắc Nam (2007), Quan hệ Việt Nam-Thái Lan 1976-2000, NXB ĐHQG Hà Nội
  5. Lương Ninh, Vũ Dương Ninh (chủ biên – 2008), Tri thức Đông Nam Á, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội
  6. 6. http://www.vietnamembassy-thailand.org/
  7. http://infonet.vn/

[1] Lương Ninh, Vũ Dương Ninh (chủ biên 2008), Tri thức Đông Nam Á, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội trang 79.

[2] Năm 1437, dưới thời trị vì của vua Lê Thái Tông, sứ thần của Xiêm đến Thăng Long dâng tặng vật: “Mùa đông, tháng 11, nước Xiêm La sai sứ là bọn Trai-Cương-Lạt sang cống, vua đưa cho sắc thư bảo mang về, và trừ cho phần thuế buôn giảm xuống bằng phân nửa năm trước, 20 phần thu một phần, rồi thưởng cho rất hậu. Ngoài ra về phần Quốc vương cho 24 tấm lụa, 30 bộ bát sứ, về phần quốc phi cho 5 tấm lụa, 2 bộ bát sứ, mỗi bộ là 35 chiếc”- Trích  Đại Việt sử toàn thư, tập 3, trang 215 từ  Đặng Văn Chương (2010), Quan hệ Thái Lan-Việt Nam cuối thế kỷ XVIII-giữa thế kỷ XIX, NXB ĐHSP Hà Nội. trang 9

[3] Đặng Văn Chương (2010), Quan hệ Thái Lan-Việt Nam cuối thế kỷ XVIII-giữa thế kỷ XIX, NXB ĐHSP Hà Nội. trang 9

[4] Hoàng Khắc Nam (2007), Quan hệ Việt Nam-Thái Lan 1976-2000, NXB ĐHQG Hà Nội, trang 34.

[5] Hà Lê Huyền (2010), Quan hệ Việt Nam-Thái Lan 2000-2009, Luận văn tốt nghiệp chuyên ngành Lịch sử Thế giới, ĐHKHXH&NV Hà Nội, trang 17

[6] Năm 1687, Hà Tiên bị Xiêm cướp phá. Năm 1708, Mạc Cửu dâng đất Hà Tiên xin gia nhập vào lãnh thổ của chúa Nguyễn. Cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX Xiêm nhiều lần đưa quân xâm lấn Hà Tiên biến nơi đây thành vùng đất tranh chấp dai dẵng và quyết liệt.

[7] Tháng 9 năm 1954, Thái Lan gia nhập SEATO và trở thành đồng minh của Mỹ.  Tháng 3 năm 1967, sư đoàn “Rắn hổ mang” của Thái Lan gồm 2.300 quân trực tiếp tham gia vào chiến tranh Việt Nam.

[8] Hà Lê Huyền (2010), Quan hệ Việt Nam-Thái Lan 2000-2009, Luận văn tốt nghiệp chuyên ngành Lịch sử Thế giới, ĐHKHXH&NV Hà Nội, trang 22

 

[10] Hoàng Khắc Nam (2007), Quan hệ Việt Nam-Thái Lan 1976-2000, NXB ĐHQG Hà Nội, trang 22

[11] Người ta tìm thấy những mối liên hệ về giống lúa giữa Việt Nam và Thái Lan như nhóm giống Indica ở miền nam Việt Nam và Thái Lan, nếp Indica ở bắc Việt Nam và bắc Thái Lan, Japonica và nếp Japonica ở bắc Việt Nam và bắc Thái Lan.

[12] Hoàng Khắc Nam (2007), Quan hệ Việt Nam-Thái Lan 1976-2000, NXB ĐHQG Hà Nội, trang 25

[13] Hoàng Khắc Nam (2007), Quan hệ Việt Nam-Thái Lan 1976-2000, NXB ĐHQG Hà Nội, trang 29

 

[14] Đặng Văn Chương (2010), Quan hệ Thái Lan-Việt Nam cuối thế kỷ XVIII-giữa thế kỷ XIX, NXB ĐHSP Hà Nội. trang 14, 15.

 

[15] Nguyễn Văn Khoan (2008-chủ biên), Người Việt ở Thái Lan 1910-1960, NXB Công An Nhân Dân, Hồ Chí Minh, trang 297.

[16] Nguyễn Văn Khoan (2008-chủ biên), Người Việt ở Thái Lan 1910-1960, NXB Công An Nhân Dân, Hồ Chí Minh, trang 313.

[17] Nguyễn Văn Khoan (2008-chủ biên), Sách đã dẫn, trang 142.

[18] Hoàng Khắc Nam (2007), Quan hệ Việt Nam-Thái Lan 1976-2000, NXB ĐHQG Hà Nội, trang 73

[19] Mỹ tuyên bố quay trở lại Đông Nam Á một cách rõ ràng và nhanh chóng. Trung Quốc không ngừng gia tăng sự hiện diện và gây ảnh hưởng. Nhật Bản thúc đảy ý tưởng “Cộng đồng Đông Á”. Australia kiên trì vận động hình thành “Cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương

0