18/06/2018, 16:57

Số phận chữ nghĩa trong những chế độ chuyên chế

Đào Ngọc Phong Chữ nghĩa là phương tiện độc đáo của loài người để biểu tỏ ý nghĩ tình cảm về những hiện tượng đời sống thiên nhiên và xã hội. Gọi là độc đáo, vì loài vật chỉ có thể dùng những dấu hiệu thân xác hay những tiếng kêu đơn điệu. Con chó chỉ biết vẫy đuôi hay ...

1db9000055448eeba112.jpg

Đào Ngọc Phong

           Chữ nghĩa là phương tiện độc đáo của loài người để biểu tỏ ý nghĩ tình cảm về những hiện tượng đời sống thiên nhiên và xã hội. Gọi là độc đáo, vì loài vật chỉ có thể dùng những dấu hiệu thân xác hay những tiếng kêu đơn điệu. Con chó chỉ biết vẫy đuôi hay sủa những tràng âm thanh đơn điệu. Con vẹt cao lắm cũng chỉ nhắc lại những tràng chữ mà không hiểu nghĩa.

            Gọi là để biểu tỏ, nghĩa là biểu tỏ cho ai, với ai. Con chó nhìn thấy chủ về thì vẫy đuôi mừng, sủa êm ái; nhìn thấy người lạ thì nhảy sồ ra sủa dữ dội. Một con người khi nói khi viết luôn luôn là nói viết với ai, vì ai. Nhưng khác với con vẹt chỉ nhắc lại một tràng chữ với bất cứ ai, con người phát biểu những lời nói khác nhau với những “ai” khác nhau. Như khi nhìn thấy bất cứ ai vào, con vẹt chỉ nói “chào ông”.

            Tuy nhiên, trong một chế độ chính trị chuyên chế, con người luôn luôn bị guồng máy cai trị giản lược thành một loài vẹt. Những cá nhân nào không muốn trở thành loài vẹt, nghĩa  là muốn biểu tỏ ý nghĩ và tình cảm riêng , sáng tạo, chân thực sẽ bị guồng máy nghiền nát.

Thông thường có ba hình thức chuyên chế : Quân chủ chuyên chế, Phát Xít, Độc Đảng chuyên chế.

             Trong lịch sử loài người có những cá nhân ưu việt mà chữ nghĩa của họ làm cả một guồng máy cai trị lo sợ.

            I/ Cổ Sử Trung Hoa 

            A/ Thời Xuân Thu Chiến quốc ( 770 BC—221 BC)           

(Sách tham khảo:

1Sử Trung Quốc (STQ) —Nguyễn Hiến Lê—1982, in lại 2006- Sài Gòn

 2-Đông Châu Liệt Quốc Tân Biên (ĐCLQ)—Dịch Giả Mộng Bình Sơn—Hương Hoa xuất bản 1961 Sai Gòn.

 3-Sử Ký Tư Mã Thiên (SKTMT)—Dịch Giả Giản Chi&Nguyễn Hiến Lê—1969 Sài Gòn)    

             Thời Tây Chu mở đầu bằng Võ Vương  đóng đô ở đất Phong miền Thiểm  Tây, chấm dứt với Chu U Vương năm 770 BC. Chu Bình Vương lên ngôi dời đô về Lạc Ấp vốn gọi là Đông Đô ở trung tâm Trung Hoa lập nên nhà Đông Chu kéo dài từ năm 770 BC cho đến năm 256 BC với ông vua cuồi cùng là Chu Noãn Vương.          

Khoảng thời gian 550 năm đó là những cuộc chiến tranh liên miên giữa các chư hầu mà Thiên Tử nhà Chu hoàn toàn bất lực không can thiệp được, gọi là Đông Chu Liệt Quốc. Từ những cuộc chiến tranh đó nổi lên những nhân vật trong hàng vua, quan hay dân thường, biểu tượng cho văn minh nhân loại cũng như biểu tượng cho sự man rợ.

            Biểu tượng cho văn minh nhân loại cao nhất là Lão Tử, Khổng Tử, Mạnh tử, Mặc Tử…

Nhưng số này rất ít so với những biểu tượng của man rợ . Lấy một trường hợp điển hình là vua Ngô Hạp Lư. Hạp Lư đã giết vua Ngô Vương Liêu là em họ của mình để cướp ngôi, dùng Ngũ Viên và Tôn Vũ đánh thắng nước Sở. Em gái của Hạp Lư là Thắng Ngọc tự tử. Hạp Lư thương tiếc vô cùng, khóc hai ngày rồi mới chôn.  Hạp Lư lấy vàng bạc trong kho quá nửa để chôn theo nàng. Hàng vạn dân chúng đứng xem bị Hạp Lư bắt chôn sống cùng với Thắng Ngọc ( ĐCLQ hồi thứ 75 trang 825).

            Quan Tướng quốc nước Tấn là Triệu Thuẫn dưới triều vua Tấn Linh Công. Tấn Linh Công ham mê tửu  sắc , nghe lời nịnh thần mưu giết Triệu Thuẫn. Cháu Triệu Thuẫn là Triệu Xuyên giết vua, nhưng quan thái sử Đổng Hồ viết : “Mùa thu, tháng bảy,năm Ất Sửu, Triệu Thuẫn giết vua Di Cao ở vườn đào”. 

            Triệu Thuẫn coi bản thảo muốn Đổng Hồ sửa lại vì không phải ông phạm tội.

Đổng Hồ nói :”Đã là sử, bao giờ cũng mang tính chất thật tại đâu phải uốn nắn theo ý muốn của con người. Đầu tôi có thể rơi, nhưng đoạn sử không thể sửa đổi”—Triêu Thuẫn buồn rầu nói :”Thế mới biết quyền chép sử là một quyền tuyệt đối. Tiếc thay! Ta không làm tròn bổn phận để phải mang tiếng nghìn đời”  (ĐCLQ –Hồi thứ 51—trang 541). 

            Quan Tướng quốc nước Tề là Thôi Chữ dưới triều vua Tề Trang Công. Tề Trang Công mê nàng Đường Khương là vợ Thôi Chữ, tìm kế thông dâm với nàng. Thôi Chữ biết được giết Tề Trang Công. Thôi Chữ ra lệnh cho Thái sử Bá phải chép là vua bị bệnh sốt rét mà chết. Nhưng Thái sử Bá chép :”Ngày Ất Hợi, tháng năm mùa hạ, Thôi Chữ giết vua Quang hiệu là Tề Trang Công”.

            Thôi Chữ nổi giận giết Thái Sử Bá. Hai người em của Thái Sử Bá là Trọng và Thúc tiếp tục chép như trên đều  bị giết. Đền người em út tên Quí cũng chép y như vậy. Thôi Chữ tức giận hỏi:”Ba cái đầu đã rơi mà ngươi không sợ sao?”. Quí đáp:”Chép sử mà chép sai là điều nhục, thà chết còn hơn.  Ngày xưa Triêu Xuyên giết vua, Triệu Thuẫn làm Tướng quốc mà phải mang tiếng giết vua. Đổng Hồ vẫn chép như vậy đâu có gì là lạ?Nếu cho việc giết vua là nhục sao còn có kẻ làm ?” —Thôi Chữ thở dài bước ra. (ĐCLQ—Hồi thứ 65 trang 697).  

            Cả hai người, Triệu Thuẫn và Thôi Chữ, đều biểu tượng cho quyền lực chính trị tột cùng trong một nước, nhưng nhân cách Triệu Thuẫn  cao hơn Thôi Chữ nhiều. Tuy vậy Thôi Chữ vẫn

còn sợ sự thực, vẫn còn chút liêm sỉ,  không giết Thái Sử Quí và không thay thế bằng một sử nô . Nhưng cả bốn quan Thái Sử , chỉ cần viết một câu ngắn đã làm cho quyền lực chính trị e sợ , thì nhân cách của các vị ấy lại còn cao hơn bất cứ quyền lực nào mặc dù họ chỉ làm một chức quan nhỏ.

           Sự xen lẫn giữa văn minh và mọi rợ trong xã hội thời Đông Chu trên thực tế vẫn tồn tại trong suốt lịch sử xã hội loài người cho tới hiện đại . Nhưng cái độc đáo của thời Chiến Quốc (từ khoảng 400 BC đến 221 BC) là sự tự do tư tưởng và  ngôn luận với sự bộc phát của nhiều trường phái tư tưởng nghịch nhau : Khổng Tử, Mặc Tử, Dương Tử, Lão tử, Vệ Ưởng, Mạnh Tử, Trang Tử, Tuân Tử, Hàn Phi Tử…Các học giả đời Hán  gọi đó là thời “Bách Gia Tranh Minh”(Trăm Nhà Đua Tiếng).

           Nhưng ngay trong thời đó từ năm 388 BC đến 338 BC, “trăm nhà bị tắt tiếng” ở nước Tần dưới triều vua Tần Hiếu Công dùng chính sách Pháp trị tuyệt đối của tướng quốc Vệ Ưởng. Hơn một thế kỷ sau, trên toàn cõi Trung Hoa khi Tần Thủy Hoàng gồm thâu thiên hạ năm 221 BC cũng dùng hoc thuyết Pháp trị tuyệt đối của Hàn Phi Tử (281 BC-233 BC) qua tay tướng quốc Lý Tư (280 BC-208 BC). Chính sách làm tắt tiếng trăm nhà, chỉ còn duy nhất tiếng của giai cấp thống trị mà thôi, tái diễn hoài trong lịch sử loài người dưới những chế độ chuyên chế.                                            

                        B/ Từ Tần Hiếu Công Với Vệ Ưởng (388 BC-338 BC) Tới Tần Thủy Hoàng Với Lý Tư (221 BC—210 BC) 

            Vào thời Xuân Thu (770 –khoảng 400 BC) Tần Mục Công là một trong ngũ bá ( Tề, Tấn, Tống , Tần, Sở ) thay mặt Thiên Tử nhà Chu cai trị chư hầu. Sở dĩ Tần Mục Công lên được ngôi bá chủ vì trọng dụng nhân tài Bá Lý Hề thường gọi là Ngũ Cổ Đại Phu làm tướng quốc. Đầu đời Chiến Quốc, Tần Hiếu Công muốn noi gương Tần Mục Công bèn đăng bảng chiêu hiền. Vệ Ưởng người nước Vệ từ nhỏ đã ham thích đọc sách về thuật dùng pháp luật trị nước, thấy nước  Vệ nhỏ không thể thi thố tài năng được nên qua Tần yết kiến Tần Hiếu Công. Hai người nói chuyện trong ba ngày rất hợp ý nhau . Vua Tần theo sách lược của Vệ Ưởng phong cho làm tướng quốc thay vua thi hành biến pháp mới có tính cách cách mạng so với thời đó.

            1/ Về mặt tư tưởng :  Triệt bỏ tư tưởng nhân nghĩa, không coi trọng  nhân tình của   vương đạo, chủ trương duy lợi và sức mạnh quân sự của bá đạo để xâm chiếm , xóa bỏ các nước lân cận,  cấm lưu hành các sách của Khổng Mạnh, Lão và bách gia nói chung. Trong nước duy nhất chỉ có pháp lệnh từ trên ban xuống và hạ cấp chỉ có trách vụ thi hành không bàn cãi khen chê. “Các thư, kinh bị đốt hết” (STQ- trang 97).

            Dân khen chê pháp lệnh bị đầy ra biên ải. Quan khen chê bị truất làm thứ dân. Ngay cả Thế tử Tứ (sau này lên ngôi là Huệ Văn Vương) không theo tân lệnh cũng bị hài tội. Vệ Ưởng không trị tội Thế tử nhưng bắt hai ông thầy dậy chịu tội thay, một người bị cắt mũi, một người bị khắc chữ trên mặt rồi đổ mực lên  ( ĐCLQ Hồi 87—SKTMT Phần II, Mục 5-Liệt- Truyện-Thương Quân) 

            2/ Về mặt chính trị : Triệt bỏ ưu quyền chính trị của giai cấp quí tộc . Các vương tôn công tử phạm pháp sẽ chịu hình phạt như thường dân. Ngược lại thường dân làm lợi cho nước, lập công giết giặc sẽ được thưởng bình đẳng. Vệ Ưởng thiết lập trung ương tập quyền , chia nước thành 41 huyện quản lý bởi những huyện lệnh chịu trách nhiệm với trung ương chứ không với các tôn thất.

            3/ Về mặt kinh tế : Sách lược của Vệ Ưởng là muốn xây dựng một đội quân hùng mạnh thì phải có nhiều lương thực nuôi quân; do đó áp dụng cải cách ruộng đất, cho phép dân tự do khai thác đất hoang , khi trồng trọt được sẽ được làm chủ và phải đóng thuế cho công quỹ mà không cho những quí tộc nữa. Chính sách này tạo nên một giai cấp phú nông mới xuất thân từ dân đen , kết hợp với bọn phú thương, cùng những quân nhân có nhiều công trạng tranh quyền với giai cấp quí tộc cũ càng ngày càng yếu đi. (STQ-Trang 96). 

            4/ Về an ninh quốc nội : Làng xóm được chia thành từng năm nhà hay mười nhà (ngũ gia hay thập gia liên bảo) trách nhiệm hỗ tương trước pháp luật. Nhà nào chứa chấp kẻ gian mà không tố cáo thì cả năm nhà bị tội liên đới. Mỗi người dân phải có thẻ chứng minh lý lịch.  Các quán trọ không được chứa chấp người không có thẻ.

            5/ Về chính sách đối ngoại : Dùng quân đội mạnh xâm chiếm dần các nước yếu để mở rộng đất đai thu lợi.

            Trong mười năm thi hành biến pháp, nước Tần trở thành hùng mạnh được Thiên Tử nhà Châu là Châu Hiển Vương phong cho làm bá chủ chư hầu. Thế là Tần Hiếu công đạt được giấc mộng bá vương, và Vệ Ưởng đạt được giấc mộng công hầu. Nhưng ngay sau khi Tần Hiếu công chết , Thế tử Tứ lên ngôi tự xưng vương hiệu là Huệ Văn Vương (338 BC) và Vệ Ưởng chịu ngay hành động báo ứng, oan oan tương báo.   Hai quan thái phó thầy dậy của Thế tử xưa kia vẫn căm thù Vệ Ưởng, bây giờ cùng bọn quí tộc thất thế bao năm tâu tân vương truất quyền Vệ Ưởng. Vệ Ưởng chạy trốn nhưng không quán trọ nào , nhà nào dám chứa chấp vì không có thẻ chứng minh cá nhân. Cuối cùng bị quan dân bắt. Huệ Văn Vương xử cho ngựa phanh thây, lại giết hết cả nhà.

            Sử Ký Tư Mã Thiên ghi lại lời than của Vệ Ưởng : “Hỡi ơi, cái di hại của việc lập pháp đến như thế ư ?”(SKTMT-Phần II-Mục 5: Thương Quân). Làm tắt tiếng trăm nhà, cuối cùng bị trăm nhà phanh thây.

            Huệ Văn Vương giết Vệ Ưởng nhưng vẫn tiếp tục theo gương Tần Hiếu Công phát triển và củng cố ngôi bá chủ . Vua kế tiếp là Tần Vũ Vương  vào đất Châu cử đỉnh, đã tỏ ra  muốn thay thế nhà Châu luôn, cho đến Chiêu Tương Vương thì diệt hẳn nhà Châu với ông vua cuối cùng là Châu Noãn Vương vào năm 256 BC.  Vào thời kỳ này Tần là mạnh nhất trong số Thất Hùng: Yên, Tề, Hàn, Triệu, Ngụy, Sở, Tần.

            Chiêu Tương Vương chết, con  là Thái tử Lâm tước hiệu An Quốc Quân lên ngôi hiệu là Hiếu Văn Vương, có người con thứ là công tử Dị Nhân làm con tin bên nước Triệu. Ở nước Triệu có người lái buôn tên Lã Bất Vi đầu óc giảo hoạt tìm phương buôn món hàng có lời nhất là buôn vua. Nhìn biết Dị Nhân có quí tướng, Bất Vi  vung vàng bạc ra hối lộ cả hai triều đình Triệu và Tần đưa được Dị Nhân về nước làm Thái tử. Trước khi rời Triệu, Bất Vi  lập kế cho Dị Nhân lấy nàng Triệu Cơ , tiểu thiếp đã có thai hai tháng với mình, hy vọng sau này đứa bé sẽ làm vua nước Tần, tức là dòng họ Lã sẽ nắm giang sơn nhà Tần.  Triệu Cơ sanh con trai đặt tên là Chính mà Dị Nhân không biết đó là con của Bất Vi. Bất Vi đầu độc chết Hiếu Văn Vương để sớm đưa Dị Nhân lên ngôi là  Trang Tương Vương năm 245 BC. Ba năm sau 242 BC, Bất Vi lại đầu độc chết Trang Tương Vương, đưa Chính mới 13 tuổi lên ngôi gọi là Tần Vương Chính. Quyền chính hoàn toàn nằm trong tay Bất Vi,  nên tùy tiện ra vào cung cấm thông dâm với Triệu Cơ rồi gây ra loạn Lao Ái.           

              Khi Tần Vương Chính trưởng thành, biết rõ mọi chuyện bèn đuổi Bất Vi ra khỏi kinh đô về một nơi hoang dã. Bất Vi bất mãn muốn tư thông với các nước làm phản. Vua Tần biết được bèn khiến cho Bất Vi tự uống thuốc độc chết. Như vậy là con giết cha. Trước khi tự vẫn, Bất Vi than : “Ta là con nhà lái buôn, đem mưu trí buôn vua bán chức làm cho dòng họ người tuyệt tự, trời nào lại dung ta ?”(ĐCLQ –Hồi thứ 105, trang 1199). 

             Cuộc kinh doanh mặt hàng “vua” của Bất Vi đã thành công đưa ông ta từ thân phận một anh lái buôn lên làm đến chức Thừa tướng, một địa vị “dưới một người trên vạn người”. Nhưng mộng làm Thái Thượng Hoàng tan vỡ,  kết thúc bằng một cái chết do chính bàn tay con trai của mình. Trong thời gian làm Thừa tướng, Bất Vi đã có công mở rộng đất đai cho nước Tần về phía đông bằng những cuộc ra quân chiếm nước nhà Châu, nhiều thành trì của nước Triệu và Ngụy. Về mặt văn học, Bất Vi tập hợp được nhiều học sĩ soạn ra bộ “Lã Thị Xuân Thu  gần như một bộ sử về tư tưởng, học thuật cuối thời Chiến Quốc” ( STQ-CHƯƠNG V-Trang 100).

              Bất Vi có phần nào coi trọng tư tưởng Khổng Mạnh. Nhưng chính điểm này lại trái với Tần Vương Chính có khuynh hướng như Tần Hiếu Công xưa kia không muốn dùng vương đạo.  

 Sau khi Bất Vi chết, Tần Vương Chính phong Lý Tư (280-208 BC) làm thượng khách, ưa chuộng tư tưởng pháp trị của Hàn Phi (281-233 BC ). Lý Tư và Hàn Phi là bạn đồng học thầy Tuân Tử (313-238 BC),  một triết gia có tư tưởng pháp trị đối nghịch với Khổng Mạnh. (STQ-Chương VI-Tư Tưởng Trung Hoa Thời Tiên Tần—từ trang 113—144).

              Vì tài học kém Hàn Phi và vì sợ vua Tần dùng Hàn Phi thay thế mình nên Lý Tư dùng lời gièm pha khiến vua Tần giết Hàn Phi. Từ khoảng năm  232 BC trở đi Lý Tư giúp vua Tần diệt hết sáu nước còn lại, lần lượt : Hàn (230 BC), Triệu (228 BC), Ngụy ( 225 BC), Sở ( 223 BC) ,Yên (222BC),   sau cùng là Tề (221 BC ). Tần Vương Chính thống nhất toàn cõi Trung Hoa , tự xưng Tần Thủy Hoàng Đế, theo sách lược cai trị của Lý Tư gần như lập lại sách lược của Vệ Ưởng, từ sự áp dụng cho một nước Tần, cho đến cả một đại lục Trung  Hoa mênh mông.    

            1/ Về mặt tư tưởng: Theo đề nghị của Lý Tư, Tần Thủy Hoàng thi hành lệnh phần thư (đốt  sách chôn nho), đốt hết sách của bách gia, lịch sử các nước , chôn sống khoảng năm trăm nho sĩ, cấm mở những trường tư. “Tự do tư tưởng, tự do ngôn luận là tội nặng nhất” (STQ-Chương V-Trang 103-104).  Dân không cần suy nghĩ, chỉ cần theo pháp lệnh từ trên ban xuống.

            2/ Về mặt chính trị : Gom hết giai cấp quí tộc sáu nước về kinh đô Hàm Dương của nhà Tần. Toàn lãnh thổ Trung Hoa được chia thành 36 quận được quản lý bởi những quan chịu trách nhiệm trực tiếp với triều đình

            3/ Về mặt kinh tế xã hội : Ưu tiên cho hai giai cấp nông dân và quân đội, triệt bỏ tầng lớp thương gia, nhà nước nắm độc quyền buôn bán. Vua không còn là sở hữu chủ của ruộng đất canh tác, mà nông dân có quyền làm chủ ruộng tự ý mua bán.  Cuộc cải cách ruộng đất này gọi là chính sách “danh điền” dần dần đưa đến hình thành một giai cấp địa chủ xuất thân từ dân đen, giống như các lãnh chúa ở Âu Châu. (STQ-Chương V-trang 102).

            4/ Về mặt an ninh quốc nội : Cứ mười nhà họp thành một liên gia chịu trách nhiệm chung trước pháp luật

            5/ Về mặt đối ngoại: Xây tiếp Vạn Lý Trường Thành từ thời các nước ở phương Bắc như Yên, Triệu, Ngụy để ngăn Hung nô. Về phía Nam xua quân xâm chiếm những nước Bách Việt trong đó có nước Âu Lạc . Đó là một chính sách bành trướng mà những triều vua Trung Hoa sau này cho đến hiện đại luôn luôn lấy làm quốc sách.

            Nhìn chung nhà Tần từ thời Tần Hiếu Công đến Tần Thủy Hoàng đã là một mẫu mực cho những chế độ độc tài như chế độ cộng sản ngày nay. Dân nước Tần ở phía Tây man di hơn, kém văn hóa hơn dân những nước ở phía đông nhưng cuối cùng lại làm chủ xã hội.

            Xét riêng về lãnh vực văn học nghệ thuật, chữ nghĩa và những tác giả hưởng được số phận hạnh phúc trong thời Chiến Quốc trong không khí “trăm nhà đua tiếng”. Mạnh tử ( 372-289 BC) đã dám mắng cả vua mà vẫn ung dung đi du thuyết khắp các nước chư hầu ( STQ-Chương VI-Trang 125-128). Dưới thời Vệ Ưởng và Lý Tư, các nhà trí thức và chữ nghĩa của họ chịu số phận nghiệt ngã, bi thảm như tử tù trong tay hai cai ngục lãnh đạo văn học.

            Ngay trong thời hiện đại, những chế độ chuyên chế vẫn sợ chữ nghĩa ngoài lề, vì không đủ căn bản khoa học để đối thoại, nên phải dùng những cai văn nghệ kiểu Vệ Ưởng, Lý Tư để triệt bỏ tự do tư tưởng và tự do ngôn luận. Năm 1956, nhà văn Phan Khôi (1887- 1959 ) viết bài “Phê Bình Lãnh Đạo Văn Nghệ” đã nêu rõ thực trạng đối lập trong sinh hoạt văn nghệ miền Bắc, một bên là lãnh đạo văn nghệ, một bên là quần chúng văn nghệ . Lãnh đạo văn nghệ là những quan chức lớn quyền hành cao bổng lộc hậu,  có trách vụ cai quản đám công nhân sản xuất chữ nghĩa là quần chúng văn nghệ sống khổ cực, sẵn sàng vào tù nếu chữ nghĩa trật đường rầy (TRĂM HOA ĐUA NỞ TRÊN ĐẤT BẮC==1959-Sài Gòn—NXB :Mặt Trận Bảo Vệ Tự Do Văn Hóa—Phần II—Phái Cựu Học- Phan Khôi).

            Hình như đó là qui luật lịch sử loài người về sự lập lại của cùng hiện tượng dưới những hình thái khác nhau.

            Nhưng qui luật nhân quả, oan oan tương báo thì hiển nhiên. Đó là số phận của Tần Thủy Hoàng, các con  và Lý Tư. Năm 210 BC Tần Thủy Hoàng chết bất đắc kỳ tử giữa đường mà không chết giữa cung điện bao la tráng lệ. Lý Tư  bị Tần Nhị Thế giết ba họ năm 208 BC (tru di tam tộc). Thái giám Triệu Cao giết Thái tử Phù Tô, Tần Nhị Thế. Con Thái tử Phù Tô giết Triệu Cao. Cuối cùng nhà Tần sụp đổ chỉ trong vòng mười bốn năm ( 221-207 BC).

C/ Hán Sở Tranh Hùng : Kẻ Sĩ Lấy Lại Ưu Thế  ( 209BC-202BC) 

            Một mình Tần Thủy Hoàng từ lúc lên ngôi năm 242 BC đến khi chết năm 210BC đã giết hàng triệu người : lính và dân chết trong những cuộc xâm lăng sáu nước để thống nhất Trung Hoa; tù nhân chiến tranh chết trong những công trình xây cất đường xá cung điện  (700,000 người cho  36 cung, 24 viện); dân công chết trong việc xây Vạn Lý Trường Thành ( dân công và 300,000 lính) ; tù nhân và dân công xây lăng mộ ở Ly Sơn ( 700,000 người) (STQ –NXB TỔNG HỢP Sài Gòn 2006–Trang 104-108).

                       Giết hàng triệu người mà bản thân lại cầu thuốc trường sinh  bất tử,  làm lăng mộ bằng châu báu ngọc ngà để ướp xác muôn năm không rữa. Đó là một hình thái tâm lý mà nhà phân tâm học gọi là ái kỷ ( narcissism ).

            Bản ngã của hài nhi vừa chào đời là một bản ngã đại ích kỷ. Thí dụ khi đói, hài nhi khóc ré lên thì phải có ngay bình sữa nhét vào miệng. Giai đoạn phát triển đầu tiên của bản ngã đó gọi là giai đoạn ái kỷ sơ cấp (primary narcissism).  Đặc điểm của giai đoạn  này là chủ thể tưởng mình có quyền lực vô hạn trên mọi đối tượng (autarchic fantasy of omnipotence), tức là mọi bản ngã khác và thế giới vật chất phải phục tòng và thỏa mãn mọi đòi hỏi của chủ thể ( PSYCHIATRIC DICTIONARYRobert Campbell—NXB Oxford University Press—1989—Sixth edition—Trang 234–462

            Nhưng theo thời gian, hài nhi vấp phải những kinh nghiệm bất như ý : lúc khóc đòi ăn, bà mẹ không có mặt, hoặc là không có sẵn sữa, hoặc là ông bố quát nạt. Từ đó đưa đến giai đoạn phát triển bản ngã kế tiếp là chủ thể chấp nhận có một thực tại khách quan chống lại mình. Thực tại khách quan gồm hai lực đối kháng : tha nhân và thế giới vật chất. Nếu tha nhân nuông chiều hài nhi và nếu vật chất luôn đầy đủ thì đứa trẻ (spoiled child) lớn lên thành một người trưởng thành về thân xác nhưng tâm thức vẫn bị đè nặng bởi giai đoạn ái kỷ sơ cấp. Nhà phân tâm học gọi giai đoạn  phát triển  này là ái kỷ thứ cấp ( secondary narcissism) biểu lộ bằng sự tự đánh gíá mình (self-esteem) quá cao. Trong những trường hợp thông thường, hình thái tâm lý này tìm thấy nơi những bà mẹ, ông bố quá nghiêm khắc bắt mọi thành viên trong gia đình phải phục tòng ý muốn của mình, những  ông chồng “bossy” với vợ hay ngược lại; hoặc những ông chủ ngu dốt mà hống hách. Trong những trường hợp đặc biệt, nó đưa đến bệnh độc đoán, ưa thích sùng bái cá nhân mà điển hình là những lãnh tụ chính trị như Hán Vũ Đế, Chu Nguyên Chương, Staline, Hitler, Mao Trạch Đông, Tưởng Giới Thạch…

               Đó là xét trên bình diện cá thể. Còn xét trên bình diện tập thể, thì hình thái ái kỷ thứ cấp khiến cho một đoàn nhóm hay một đảng phái tự coi mình ở đỉnh cao của loài người. Trong mọi trường hợp, tâm thức chưa đủ trưởng thành đó đều là vang bóng của giai đoạn phát triển ấu trĩ của bản ngã.  

               Nhưng nhược điểm của bệnh này là sự mù quáng không nhận ra những phản động lực khách quan có khi ở ngay sát bên mình. Vua Lê Long Đĩnh ( Lê Ngọa Triều) tìm giết những người họ Lý trong dân gian, nhưng không ngờ rằng Điện Tiền Chỉ Huy Sứ Lý Công Uẩn lại chính là kẻ diệt nhà Lê.

              Tần Thủy Hoàng không biết âm mưu phản phúc của thái giám Triệu Cao, kẻ thân cận nhất cũng là kẻ đưa đến sự diệt vong của nhà Tần. Tần thủy Hoàng cũng không tiên liệu rằng Triệu Cao và đồng đảng lợi dụng cái xác thối trong lăng của mình để cai trị nhân dân, vơ vét của thiên hạ chia nhau làm của riêng.

             Những tưởng lăng Ly Sơn vĩnh viễn trường tồn, thế mà chỉ vài năm sau đã bị phá tan hoang bởi Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ . Trước khi phá lăng, mưu sĩ Phạm Tăng can, nhưng Bá vương nói : “Thủy Hoàng tàn bạo, gồm thâu sáu nước, vơ vét của thiên hạ đến tận xương tủy, ác hơn Kiệt, đốt sách vở, chôn học trò, tội chất tầy trời. Ta đào mả Thủy Hoàng cốt vì dân mà trả oán, cần gì phải có của cải”(HÁN SỞ TRANH HÙNG—HSTH—Dich giả Mộng Bình Sơn–—NXB ĐỒNG THÁP—1997 Hồi thứ 11—Trang 138).

            Mưu sĩ Phạm Tăng là một trong những nho sĩ tài ba trốn trong rừng sâu để khỏi bị chôn sống hay đi lao động khổ sai xây Vạn Lý Trường thành. Sau khi Thủy Hoàng chết, những mưu sĩ mai  danh ẩn tích như thế nhiều vô kể trong sáu nước bắt đầu lộ diện làm quân sư cho các tướng lãnh mưu việc đánh Tần. Giỏi nhất trong số họ là Trương Lương của nước Hàn, rồi đến Trần Bình của nước Sở. Những vị trung bình như Lý Tả Xa, Quảng Vũ Quân của Triệu;  Chu Thúc, Lục Giả của Ngụy, Khoái Văn Thông của Yên; Khoái Kiệt của Tề.v…v…

            Hàn Sinh là một nho sĩ được Tây Sở Bá Vương phong làm chức Gián Nghị tức là chức quan có nhiệm vụ can gián nhà vua khi thấy vua sắp làm điều gì sai quấy. Quân sư của Hán Vương Lưu Bang là Trương Lương dùng kế khiến Bá Vương muốn thiên đô từ Hàm Dương về Bành Thành, quê quán của mình. Hàn Sinh bèn can gián, tâu rằng bỏ Hàm Dương là bỏ một vị trí chiến lược sinh tử, nếu để cho Lưu Bang chiếm lấy thì Sở Vương sẽ thua. Bá Vương không nghe. Hàn Sinh buồn bã than rằng “Thường nghe người ta nói : Người nước Sở như con khỉ tắm đội mũ—Lời nói ấy nay xét không sai”.

            Bá Vương nghe được nhưng không hiểu ý nghĩa , bèn hỏi Trần Bình. Trần Bình nói : “Tâu Bệ Hạ, câu nói có nhiều ý. Con khỉ mà cho mặc áo đội mũ vào, tuy bề ngoài giống loài người, song bên trong vẫn là khỉ. Đó là ý thứ nhất. Con khỉ không quen mặc áo đội mũ, thế nào nó cũng bỏ quần áo đi. Đó là ý thứ hai”.

            Bá Vương nghe xong nổi giận mắng lớn : “Súc sanh! Dám buông lời sỉ nhục ta thế sao?”

Bèn ra lệnh cho viên Chấp Kích Lang Hàn Tín hành hình bằng cách bỏ vào vạc dầu sôi.

(HSTH—HỒI THỨ 13—Trang 167).

            Vậy là bạo chúa đặt ra chức quan Gián Nghị cũng vô ích, cũng như một guồng máy tư pháp hữu danh vô thực. Hàn Sinh một lời thốt ra, một mạng tiêu vong. Nhưng nhận xét của Hàn Sinh về Hạng Vũ có đúng không?

            Theo lời ước của Sở Hoài Vương, Lưu Bang và Hạng Vũ chia hai hướng đông tây cùng đánh Tần; ai vào kinh đô Hàm Dương trước sẽ làm vua đất Tần. Lưu Bang vào trước, bắt giữ Tần Tam Thế ( Vương tử Anh, con thái tử Phù Tô) đáng lẽ tự động là vua Tần . Nhưng Hạng Vũ đến sau lại cướp công của Lưu Bang, chôn sống hai mươi vạn hàng binh nhà Tần ( HSTH—HỒI THỨ CHÍN-Trang 104); giết Vương tử Anh ( HSTH—HỒI THỨ 10—Trang 131), giết tôn thất nhà Tần hơn 800 người, họ hàng quần thần hơn 4,600 người ( HSTH—HỒI THỨ 11—Trang 132), tự xưng Tây Sở Bá Vương giết Sở Hoài Vương (HSTH==HỒI THỨ 14—Trang 179).

                        Nếu lý luận theo kiểu Xuân Thu Chiến Quốc thì Hạng Vũ giết vua là bất trung,  giết người có đức độ là Vương tử Anh,  hàng binh vô tội là bất nhân, cướp công của Lưu Bang ( anh em kết nghĩa)  là bất tín và bất nghĩa. Một con người bất nhân, bất nghĩa, bất tín ,bất trung thì đúng chỉ là loài khỉ mà thôi.  Trong con người Hạng Vũ cả ba căn Tham Sân Si đều ở mức cùng cực : Tham quyền lực Bá Vương trùm thiên hạ,  hễ nổi sân là giết hàng vạn người, si mê ngu muội không nghe lời khuyên của những mưu sĩ tài ba như Phạm Tăng. Hàn Tín, Trần Bình, Hàn Sinh…

                        Tuy nhiên nếu không có nhà trí thức Trần Bình giải thích thì chưa chắc Hàn Sinh chết. Hóa ra trong guồng máy cai trị nào cũng có những kẻ sĩ đâm thọc để triệt hạ đồng nghiệp như Lý Tư gièm pha Hàn Phi Tử khiến bạn phải chết trong tù, hoặc như cai văn nghệ Nguyễn Công Hoan dùng chữ nghĩa của văn thơ một cách vô lễ để mắng cụ Phan Khôi nhân lễ thượng thọ của cụ :

                                    Nhắn bảo Phan Khôi khốn kiếp ơi!

                                    Thọ mi, mi chúc, chớ hòng ai

                                    Văn chương ! Đù mẹ thằng cha bạc

                                    Tiết tháo! Tiên sư cái mẽ ngoài

                                    Lô-dích, trước cam làm kiếp chó

                                    Nhân văn, nay lại hít gì voi

                                    Sống dai trăm tuồi, cho thêm nhục

                                    Thêm nhục, cơm trời chửa thấy gai

(TRĂM HOA ĐUA NỞ TRÊN ĐẤT BẮC—sđd—Phần I-Chương I)

Những loại cai văn nghệ như Nguyễn Công Hoan ngay từ thời sử gia Tư Mã Thiên đời Hán Vũ Đế  đã thành một đẳng cấp cai trị gọi là “đao bút lại” là bọn chuyên xuyên tạc câu văn trong pháp luật để hại người .  (SKTMT—Giản Chi & Nguyễn Hiến Lê—NXB Văn Học—Sài Gòn 1994 –Thiên V-Liệt Truyện- số 22 –Cấp Ảm— Trang 535  ………).

            D/ NHÀ HÁN ( 206 BC—220 AD)

             1/ Hán Cao Tổ ( 202 BC-194 BC).

            Khi Sở Bá Vương chết, Hán Vương Lưu Bang thống nhầt Trung Hoa lên ngôi hoàng đế miếu hiệu là Hán Cao Tổ mở đầu cho triều đại nhà Hán dài hơn 400 năm.

            Học giả Nguyễn Hiến Lê viết trong bộ Sử Trung Quốc (sđd) : “Cao Tổ (Lưu Bang) vốn là một nông dân vô học, làm đình trưởng (như cai trạm) thời nhà Tần, nhờ bọn sĩ như Tiêu Hà, Trương Lương, Hàn Tín, Trần Bình, Anh Bố, Bành Việt…mà thắng được Sở Bá Vương ( Hạng Vũ), cho đó toàn là công của mình, có thể không dùng tới họ nữa, có lần mắng Lục Giả : “Ta ngồi trên lưng ngựa mà được thiên hạ, đâu cần đọc Thi, Thư”—rồi thậm chí còn lột mão bọn nho sinh, liệng xuống đất cho đái vào”  (STQ–Nguyễn Hiến Lê-NXB TỔNG HỢP—Sài gòn 2006—Phần II—Chương I–Trang 158).

             Những lãnh tụ chính trị như Tần Mục Công, Tần Hiếu Công, Tần Thủy Hoàng đều là giòng giõi vua chúa, được hưởng một nền giáo dục hoàng cung cao cấp nhất, nên hầu như quyền lực tối cao đối với họ là hiển nhiên, và đối với những kẻ sĩ họ chẳng có một chút mặc cảm tự ty nào. Trái lại, xuất thân của Lưu Bang thế nào? Truyện Hán Sở Tranh Hùng kể rằng một nhà trưởng giả tên Lã Vân có người con gái tên Lã Nha ở tuổi cập kê, ngắm tướng mạo Lưu Bang đoán rằng sau này y sẽ làm nên nghiệp lớn bèn bàn với vợ gả Lã Nha cho Lưu Bang.

Bà vợ cau mày nói :”Sao ông lẩn thẩn thế ? Trước kia quan huyện Bái đến cầu hôn, ông không chịu gả, bây giờ lại đem gả cho tên du đãng sao?(HSTH—Trang 27)

             Vậy Lưu Bang xuất thân từ một dân thường vô sản vô học, nhờ những mưu sĩ tài ba bày nhiều mưu hay kế lạ thoát hiểm, thoát chết bao lần, cuối cùng gồm thâu thiên hạ. Khi nắm quyền bính trong tay, Lưu Bang đầy mặc cảm tự ty, lại giở thói khinh bạc vô ơn đối với những kẻ giúp mình giành thắng lợi , sai thủ hạ đái vào mũ nho sinh. Số phận của Lục Giả hai ngàn năm trước cũng là số phận của nhiều nhà trí thức hai ngàn năm sau, thế kỷ 20,21. Lục Giả là thái sử đại phu thời Hán Cao Tổ, tác giả sách  Sở Hán Xuân Thu( Một Bộ Sử về thời Hán Sở Tranh Hùng). Như vậy Lục Giả là một học giả cao cấp , nhưng đối với Lưu Bang cũng chẳng hơn nước đái, như sau này Mao Trạch Đông ( 1893-1976 ) coi trí thức không bằng cục phân.

            Nếu Lưu Bang xuất thân vô học thì thái độ tự ty của ông đối với trí thức cũng dễ hiểu. Nhưng Mao Trạch Đông là một trí thức cao mà lại phỉ nhổ trí thức, tức là phỉ nhổ chính mình, thì thật là khó hiểu. Hơn nữa, lại phỉ nhổ chính hai nhà đại trí thức đã khai sáng phong trào cộng sản, Karl Marx ( 1818-1883) và Engels (1820-1895).  

            2/ Hán Vũ Đế  ( 140 – 87 BC)

             Trong thời Hán Sở tranh hùng, tầng lớp sĩ giành lại ưu thế, sau đó nắm những chức vụ quan trọng trong triều đại nhà Hán.  Trần Bình, Chu Bột giữ tả hữu Thừa tướng. Khi Lã Hậu chuyên quyền (187-180 BC) , giòng họ Lã tràn ngập triều chính nhưng toàn là những kẻ bất tài. Lã Hậu chết, Trần Bình và Chu Bột lập kế giết hết họ Lã, chứng tỏ dân thường có học có tài đã nắm quyền lãnh đạo chính trị. Khuynh hướng này được Hán Vũ Đế lập thành một thứ quốc sách, thi tuyển lấy nhân tài từ dân thường, loại bỏ những quý tộc dốt nát.

            Tuy nhiên dưới mắt Hán Vũ Đế, kẻ sĩ vẫn chỉ là công cụ sai khiến của vua mà thôi. Chữ nghĩa uyên thâm như Tư Mã Thiên ( khoảng 145 BC –khoảng 90) cũng chẳng thể cứu ông thoát khỏi tội thiến vì dám bênh vực tướng tài Lý Lăng.          

            a/ Sự Cố Lý Lăng và bi kịch Tư Mã Thiên

             Năm 100 BC, Hán Vũ Đế sai Tô Vũ đi sứ Hung Nô nghị hòa. Vua Hung Nô bắt giữ Tô Vũ. Năm 99 BC Hán Vũ Đế nổi giận sai Lý Quảng Lợi làm tướng tiên phong,  Lý Lăng làm hậu ứng mang quân đi đánh Hung Nô. Lý Lăng ỷ tài muốn lập công đem 5000 binh đánh trại Hung Nô có 80,000 quân. Lý Lăng thua, đầu hàng Hung Nô.

            Về quân luật, Hán Vũ Đế tuyệt đối nghiêm khắc : tướng cầm quân  bị thua đều bị xử tử không cần xét lý do. Chính vì vậy Lý Lăng không dám về triều. Nhưng Hán Vũ Đế nổi giận hạ lệnh tru di tam tộc Lý Lăng. Quần thần không một ai dám can gián, vì tính tình Hán Vũ Đế vô cùng độc đoán. Học giả Burton Watson có ghi nhận về cá tính của Hán Vũ Đế như sau : kẻ nào chỉ hơi bĩu môi một chút thôi trong lòng tỏ vẻ bất phục cũng bị ông trị tội ( Sách : Ssu-Ma Ch’ien, Grand Historian of China—-Columbia University Press—1963—Nguyễn Hiến Lê trích thuật trong SKTMT—sđd—trang 19).

             Lúc ấy Tư Mã Thiên (khoảng 45 tuổi) đang làm Thái Sử lệnh thay cha khi cha chết năm 110 BC. Ông nhận xét Lý Lăng là tướng tài, ước đoán  Lý Lăng chỉ trá hàng Hung Nô để mưu kế phục thù. Ông bèn đem các lý lẽ tâu lên biện hộ cho Lý Lăng. Nhưng Hán Vũ Đế nghi ngờ Thiên  bênh Lăng vì có ác cảm với Lý Quảng Lợi, vốn là anh trai của một sủng phi của vua. Vua bèn ra lệnh hành hình Tư Mã Thiên bằng nhục hình thiến. (SKTMT—sđd—Trang 29)

            b/ Cái Nhục và cái Hận của Tư Mã Thiên

             Ở tuổi ấy mà Tư Mã Thiên chỉ có một con gái, bị thiến coi như tuyệt tự, một tội đại bất hiếu với tổ tiên. Chức vị nhỏ, lương ít, không có tiền chuộc tội, bằng hữu họ hàng, đệ tử làm lơ vì ai cũng sợ Hán Vũ Đế gán tội. Ông uất hận chịu nhục, một mối hận mà ông thường gởi gấm qua chữ nghĩa của ông . Tai họa xảy đến mới rõ tình người đen bạc.  Ông đã nghĩ đến chuyện tự tử nhưng nhớ lời dặn của cha lúc lâm chung phải hoàn thành bộ sử mà cha đã dầy công mấy chục năm thâu thập tài liệu chưa xong., ông phải nuốt nhục sống âm thầm viết theo di huấn của cha. Khoảng năm 97-90 BC ông hoàn thành tác phẩm nhưng mãi đến đời Hán Tuyên Đế ( 73 BC—48 BC) mới được người cháu ngoại công bố với nhan đề : “Thái Sử Công Thư Chí”.

            Hán Vũ Đế tính tình hiếu sát lãnh quả báo hiện tiền, u mê tin nghe chữ nghĩa huyền hoặc của bọn đạo giáo giết con trai của chính mình: “Vũ Đế cũng tin như Tần Thủy Hoàng rằng có thuốc trường sinh và tin có thể luyện châu sa, thần sa thành vàng được. Ông ta nghe lời bọn thầy pháp , sai họ làm bùa phép để được bất tử thành tiên, và vì họ gièm pha mà ông giết lầm Thái tử Lệ, ân hận tới suốt đời” ( SKTMT—sđd—Trang 21).

            Tội Ác và Trừng Phạt.

            E/ THỜI TAM QUỐC CHÍ  ( 213-220)

             Nhà Hậu Hán ( 25-220) kể từ thời Hán Hoàn Đế (146-167) , triều chính càng ngày  càng mục nát vì bốn nguyên nhân  : các vua hoặc còn nhỏ hoặc bất tài ham mê tửu sắc để việc triều chính rơi vào tay các họ hàng nhà thái hậu hay hoàng hậu gọi là ngoại thích,  các hoạn quan lộng quyền,  các nịnh thần , hoặc những kẻ cơ hội chủ nghĩa dùng tiển bạc thủ đoạn chui vào hàng ngũ lãnh đạo. Bốn hạng người này tạo nên một giai cấp thống trị gian manh tham lam tàn ác khủng khiếp bóc lột nhân dân tận xương tủy. Đời vua Linh Đế (168-189), nông dân nổi loạn trong phong trào Hoàng Cân ( triều đình gọi là giặc Khăn Vàng năm 184).  Một tướng tài là Tào Tháo ( 155-220) dẹp được loạn. Sau đó Tào Tháo nổi lên như một lãnh tụ tài ba phò Hán Hiến Đế , thâu dụng nhiều nhân tài dưới trướng cả văn lẫn võ. Khi lên chức Thừa tướng đời Hán Hiến Đế ( 189-220) thì đảng của Táo Tháo coi như chiếm hết triều đình, cả hoàng gia  chỉ còn như một đám bù nhìn. Trên thực tế, Tào Tháo không khác gì Thiên Tử.

            Nắm quyền chính trong tay, Tào Tháo đem quân đánh dẹp các quần hùng cát cứ bốn phương không chịu qui phục mình. Vào khoảng những năm 200 trở đi, Tào Tháo đã dẹp hết bốn sứ quân Viên Thiệu, Viên Thuật, Lữ Bố và Lưu Biểu.  Chỉ còn lại Lưu Bị ở Tây Thục, Tôn Quyền ờ Giang Đông. Mùa đông năm 208 Tào Tháo đem 83 vạn quân thủy bộ đánh Tôn Quyền, lập thủy trại tại bến Xích Bích trên sông Trường Giang ở một đoạn sông gọi là Tam Giang Khẩu.      

            Lúc bấy giờ, quân sư của Lưu Bị là Khổng Minh, quân sư của Tôn Quyền là Lỗ Túc hợp nhất lập trường phải tạo một thế chia ba chân vạc để sống còn : phiá Bắc và Trung Nguyên thuộc Tào Tháo, phía Đông Nam thuộc Tôn Quyền, phía Tây thuộc Lưu Bị.

            Lỗ Túc gọi Tào Tháo là quốc tặc khi Không Minh khuyên Nguyên Soái Chu Du đầu hàng : “Ngươi định xúi chúa công ta uốn gối chịu nhục với thằng quốc tặc Tào Tháo à?” ( TAM QUỐC CHÍ  —TQC—Tác Giả La Quán Trung—Dịch giả Tử Vi Lang—in lại tại Sài Gòn năm 1998—NXB Văn Hóa Thông Tin—Hồi thứ 44—Trang 794).

            Chu Du khuyên Tôn Quyền quyết chiến : “Chúa công đừng lo. Tào Tháo tuy đeo danh nghĩa Hán tướng, nhưng kỳ thực là tên giặc nhà Hán. Với hùng tài thần lực, chúa công nối nghiệp cha anh, có sẵn đất Giang Đông binh tinh lương đủ, đáng lý còn phải vùng vẫy dọc ngang thiên hạ, trừ tà diệt bạo cho quốc gia nữa, lẽ nào lại hàng giặc bao giờ ?….”. Tôn Quyền nghe xong đứng phắt dậy lớn tiếng phán quyết :”…………Ta thề không cùng đứng trên đời với tên giặc già….”( TQC—Hồi thứ 44—Trang 801).

            Sau khi nghe theo liên hoàn kế của Bàng Thống, Tào Tháo cho toàn bộ chiến thuyền ràng buộc với nhau để chống lại sóng lớn Trường Giang .

            a/ Cái chết của Lưu Phức    

             Một đêm rằm trăng sáng vằng vặc, Tào Tháo ngồi trên đài cao của đại thủy trại, sai bày yến tiệc và dàn âm nhạc cùng các quan văn võ vui chơi. Tháo hứng khởi làm một bài phú mà đời sau cho là một kiệt tác văn chương (TQC—Hồi thứ 48—Trang 870). Tháo hát xong, nhiều quan họa lại rất vui vẻ. Chỉ có quan thứ sử Dương Châu là Lưu Phức đứng lên nói “Trong lúc quân hai bên chống cự nhau, tướng sĩ đang lo làm phận sự, sao Thừa tướng ca lời chẳng lành như thế?”. Tháo cầm ngang ngọn giáo vặn hỏi :”Ngươi bảo ta nói gở câu nào ?Lưu Phúc bẩm “Mấy câu :

                                                Đêm nay sao sáng trăng thanh

                                                Về Nam, con  quạ lao mình trên không

                                                Lượn quanh cây lớn ba vòng

                                                Tìm không chỗ đậu lại vùng bay mau

 “Tháo đùng đùng nổi giận mắng :”Sao ngươi dám làm bại hứng của ta?” Rồi tiện tay đâm Phức một dáo chết tươi. Mọi người sợ hãi… Thế là tiệc tan”. (TQC —Hồi thứ 48–Trang 871).

             Đem quân từ Bắc xuống Nam mà lại “tìm không chỗ đậu…”  thì đúng là điềm thảm bại cuốn gói rồi. Có thể Lưu Phức đã mơ hồ cảm thấy tai họa của một trận hỏa công  như các mưu sĩ Trình Dục và Tuân Du tâu lên với Tháo (TQC—Hồi thứ 48—Trang 874). Một câu bình luận, một mạng tiêu vong. Gần vua như gần cọp.

            Tào Tháo đa tài, mưu lược chính trị và quân sự không kém Khổng Minh, mà văn chương lại hay, nhưng tính cách thì gian manh, quỷ quyệt, vô ơn bạc nghĩa giết người làm ơn cho mình, đóng kịch giả nhân giả nghĩa, đa nghi thà giết lầm còn hơn tha lầm, một loại cáo già thành tinh đầu thai thành người.

                        b/ Cái chết của Dương Tu

            Dương  Tu là một quan chủ bạ coi sổ sách dưới trướng Tào Tháo  , có tài luận giải chữ nghĩa khiến Tào Tháo phục là giỏi nhưng rất ghét. Có lần Tào Tháo sai thợ làm một cái vườn hoa. Khi xong,  Tháo ra xem,  không nói gì, chỉ viết vào cổng một chữ “HOẠT”. Không ai hiểu ý gì . Dương Tu giải nghĩa : “Chữ MÔN có chữ HOẠT bên trong thì thành chữ KHOÁT nghĩa là rộng. Thừa Tướng chê cái cổng này rộng quá đấy”. Thợ theo lời giải bèn sửa cổng vườn cho hẹp lại. Hôm sau Tào Tháo ra xem , rất hài lòng, hỏi ai đã hiểu ý mà sửa. Người thợ tâu là do Dương Tu mách bảo. Tào Tháo ngoài miệng khen Tu thông minh nhưng trong bụng ghét. Tào Tháo càng ghét Dương Tu hơn khi biết Tu bày kế cho con trai thứ là Tào Thực làm sao để được cha yêu mến cho làm thế tử , vì vào năm 216 Tào Tháo đã tự phong làm Ngụy Vương .

(TQC—Hồi thứ 72—Trang 1335-1336).

             Hồi thứ 72 kể chuyện Tào Tháo đem quân đánh Lưu Bị ở Hán Trung bị vây hãm rất ngặt  ở Tà Cốc, dùng dằng chưa quyết đánh tiếp hay rút về. Một buổi chiều, nhà bếp dâng món thang gà, thấy trong bát có cái gân gà. Tướng Hạ Hầu Đôn vào xin mật khẩu cho doanh trại đêm nay. Tháo buột miệng nói :” Gân Gà”. Dương Tu bảo Hạ Hầu Đôn rằng mật khẩu này nói lên cái ý của Ngụy Vương muốn rút quân về, vì gân gà dai,  ít thịt khó nuốt. Hạ Hầu Đôn cho là phải bèn hạ lệnh cho quân lính chuẩn bị hành trang rút lui. Tào Tháo đi tuần, thấy tình hình như vậy thất kinh , triệu Đôn lên hỏi. Đôn nói đó là cái ý của Dương Tu. “Tháo đùng đùng nổi giận, đập án mắng rằng :”Sao ngươi dám vẽ chuyện làm rối loạn lòng quân?”. Lập tức thét đao phủ lôi Tu ra chém, truyền để thủ cấp ngoài viên môn làm lệnh” (TQC—-Trang 1336).     

            Dương Tu chết là đáng, vì cậy tài văn chương chữ nghĩa mà “vô minh” (Avijj

0