18/06/2018, 16:57

Những hiểu biết mới về Lương Tuấn Tú

Giặc Cờ Đen Ngô Côn Khổng Đức Thiêm Một dũng tướng trong sự nghiệp đánh dẹp Thanh phỉ Lương Tuấn Tú sinh năm 1836 tại Nghi Bố (khi đó Nghi Bố thuộc tổng Tĩnh Oa, châu Thạch An, phủ Hòa An; sau Nghi Bố cùng Nà Sắc, Quảng Trù, Sóc Giang, Xuân Trù lập thành tổng Hà Quảng ...

20120428154513!Garnier1

Giặc Cờ Đen Ngô Côn

Khổng Đức Thiêm 

  1. Một dũng tướng trong sự nghiệp đánh dẹp Thanh phỉ

Lương Tuấn Tú sinh năm 1836 tại Nghi Bố (khi đó Nghi Bố thuộc tổng Tĩnh Oa, châu Thạch An, phủ Hòa An; sau Nghi Bố cùng Nà Sắc, Quảng Trù, Sóc Giang, Xuân Trù lập thành tổng Hà Quảng thuộc châu Hà Quảng còn Tĩnh Oa cùng Đại Lai, Hà Gian, Minh Loan, Linh Hoàng, An Lạc, Bác Xá nằm trong tổng Tĩnh Oa, phủ Hòa An; nay Nghi Bố, Tĩnh Oa nằm trong xã Dân Chủ, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng), nổi tiếng học rộng, quảng giao, giỏi võ nghệ. Ông lớn lên vào lúc các tỉnh thượng du Bắc Kỳ bị tàn phá nặng nề bởi các toán Thanh phỉ của Lưu Vĩnh Phúc – chủ soái của quân Cờ Đen vùng Hưng Hòa; Bàn Văn Nhị – đứng đầu giặc Cờ Trắng ở Tuyên Quang; Ngô Côn – thủ lĩnh giặc Cờ Vàng rải khắp Cao – Lạng – Ninh – Thái.

Chính hoàn cảnh lịch sử đặc biệt ấy đã rèn rũa, tôi luyện Lương Tuấn Tú từ một hào mục vùng biên ải trở thành một thủ lĩnh quân sự xuất chúng của nhân dân Cao Bằng trong sự nghiệp đánh dẹp Thanh phỉ, bảo vệ bản làng.

Ngay từ tháng 4-1865, Ngô Côn đã phái Hoàng Nhị Vãn đem trên 2000 Thanh phỉ chiếm giữ châu Thạch An, cướp bóc và tàn phá dữ dội xã thôn vùng Thượng, Hạ Pha và Bình Quân, làm tắc nghẽn đường trạm, quan tỉnh Cao Bằng phải cử các Đốc binh Nguyễn Ban và Trần Tề cùng Thành thủ úy Nguyễn Dậu, lấy lại được phố Cầu Phong. Hoàng Nhị Vãn rút về Hà Đàm. Tháng 9-1865, Ngô Côn tự đem một lực lượng lớn Thanh phỉ quấy rối Trùng Khánh, Quảng Uyên rồi bất ngờ bao vây chiếm thành Cao Bằng, móc nối với Hoàng Nhị Vãn đánh Thất Khê. Kinh lược sứ Vũ Trọng Bình vội đem đại binh (2300 quân, 2 thớt voi) tới thẳng Lạng Sơn, hiểu bảo thổ ty, hào mục hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn đem thủ dũng theo quan quân đi đánh dẹp và phòng giữ những nơi hiểm yếu.

Khi đó, Lương Tuấn Tú vừa tròn 29 tuổi nhưng đã được giao làm Quản mộ phụ trách lực lượng binh dõng hàng tổng. Nghe lời hiểu bảo của Kinh lược sứ, ông đã mang lực lượng Hướng nghĩa đoàn của mình sát cánh cùng cánh quân của Thự Tuần phủ Lạng – Bằng Trịnh Lý Hanh, Lãnh binh Đặng Văn Hội đánh dẹp Thanh phỉ ở Đồng Bộc, Khôn Quang (1-1866), Thổ Sơn, khiến cho Ngô Côn, Trương Cận Bang, Lưu Sĩ Anh, Hoàng Trung Hòa phải trả lại thành Cao Bằng (4-1866). Triều đình cấp lương ăn cho hơn 3000 Thanh phỉ trở lại Trung Quốc, riêng hơn 300 người dưới trướng Trương Cận Bang cho ở lại làm dân ngoài biên, cày cấy, buôn bán sinh nhai. Khi đầu mục Thanh phỉ Triệu Kỳ Quan tràn sang vùng Bảo Lạc, Lương Tuấn Tú được lệnh đem 200 binh dõng thuộc Hướng nghĩa đoàn đến canh phòng vùng Trùng Khánh (1-1867) thì chúng lại chia quân đến cướp phá 2 huyện Thượng Lang và Hạ Lang, may mà Lãnh binh Lê Hữu Thụy đánh đuổi, buộc chúng phải bỏ chạy về nước.

Yên ổn được hơn 1 năm, thành Cao Bằng lại bị Thanh phỉ chiếm lần thứ 2. Số là, vào tháng 3-1868 bọn Tạ Tĩnh Xuyên, Lưu Sĩ Anh xin đem người đến yết kiến các quan đầu tỉnh. Trà trộn trong toán ấy có Ngô Côn. Khi vào được thành, chúng bất ngờ áp tới, bắt sống Bố chánh Nguyễn Văn Vi, đâm chết Suất đội Lê Văn Chung và nhiều người khác. Hơn 300 lính giữ thành không kịp trở tay nên Ngô Côn nhanh chóng đoạt được thành. Chưa dừng lại, tháng 5-1868, Ngô Côn dẫn hơn 2000 Thanh phỉ tràn sang Lạng Sơn, dễ dàng đánh bại lực lượng của Lãnh binh Đinh Văn Hội. Tháng 6-1868, sau khi chiếm đồn Lạc Dương chúng xua quân xuống các huyện vùng núi của Bắc Ninh giết chết Lĩnh Án sát Tôn Thất Phan, Phó Quản cơ Phan Văn Diên. Lợi dụng việc nhà Thanh phái hơn 4000 quân sang Lạng Sơn đánh dẹp Thanh Phỉ, Tiễu phủ sứ Ông Ích Khiêm và Phó Đề đốc Nguyễn Viết Thành đã hội quân với Phó tướng quân Thanh Tạ Thế Quý tiến đánh, phá được hơn 30 sở đồn của Thanh phỉ ở Thất Khê, lấy lại được Lạc Dương và tỉnh thành Cao Bằng, giao cho Đốc binh Trình Ân Lộc ở lại giữ thành. Tuy nhiên, Trình Ân Lộc lại quá tin vào các đầu mục Thanh phỉ đã đầu hàng như Nguyễn Trứ, Trương Thập Nhất, Đặng Vấn, Lục Vãn nên cho cùng đóng quân. Tháng 10-1870, bọn chúng đem 4-500 Thanh phỉ lợi dụng đêm tối đánh úp, giết chết Án sát Hoàng Tạo, riêng Bố chánh Nguyễn Văn Thận và Lãnh binh Trương Văn Ban chạy thoát.

Nhận được lệnh của triều đình bằng mọi cách phải lấy lại tỉnh thành, tháng 4-1871 Lĩnh Án sát sứ Cao Bằng là Đặng Duy Trinh đã cho vời Quản mộ Lương Tuấn Tú đem lực lượng Hướng nghĩa đoàn phối hợp với cánh quân của Bang biện Trần Quang Trọng mật phục ngoài thành còn tân Bố chánh Nguyễn Phan cùng cựu Bố chánh Nguyễn Văn Thận đóng quân ở Lạc Dương chờ lệnh. Bản thân Đặng Duy Trinh phối hợp với Vi Tam – người do tướng nhà Thanh Phùng Tử Tài cử đến, chỉ đạo việc cho người giả làm phu lọt vào thành để lấp các lỗ châu mai, họng súng lớn và chờ đại quân đến mở cửa, hạ cầu gỗ. Nhờ kế đó, quân triều đình dễ dàng lấy lại được tỉnh thành.

Nhận được tin thắng trận, theo Đại Nam thực lục. Chính biên (Đệ tứ kỷ, Q. XLIV), Tự Đức phán: “Thành Cao Bằng không giữ được, đã nhiều lần quở trách, rút cục không thành công, không ngờ Án sát mới là Đặng Duy Trinh là một viên quan nhỏ, đương lúc giặc ở trong thành cố chết để giữ mà đem mấy đội quân nhỏ thẳng đến phá tan sào huyệt rồi lấy lại được thành, chẳng phải biết cách điều khiển là gì! Bèn thưởng cho Duy Trinh thăng Thụ Án sát lĩnh chức Bố chánh; Đồng Tri phủ sung Bang biện là Trần Quang Trọng thăng Thụ làm Thị độc lĩnh chức Án sát; Phó Lãnh binh bị cách được lưu nhiệm là Trương Văn Ban được bổ thụ Lãnh binh lĩnh chức Phó Đề đốc tỉnh ấy; Tuấn Tú được lĩnh chức Phó Lãnh binh; Vi Tam được hưởng 1000 lạng bạc”[1].

Khi đó, Lương Tuấn Tú vừa 35 tuổi. Trải qua mấy năm cùng các quan đầu tỉnh giữ yên biên cảnh, vỗ về dân chúng, tài kiêm văn võ thao lược của ông ngày càng được mọi người cảm mến, quý phục. Đại Nam thực lục, Chính biên (Đệ tứ kỷ, Q. XLIX) ghi nhận:

“Bố chánh sứ Cao Bằng là Hoàng Tướng Hiệp dâng sớ nói: Phó Lãnh binh quan Lương Tuấn Tú là người có học, xin đổi bổ hàm văn, Thương biện Tỉnh vụ; bọn Thị sư là Nguyễn Uy, Tuần phủ Lạng Sơn là Lương Quy Chính cũng tâu nói: Một đạo Cao Bằng, việc quyền ở trong hàng ngũ, do Tuấn Tú đương lấy cả hoặc chuyển giao trách nhiệm điều mộ thủ hạ 2000 – 3000 người, đánh dẹp giặc ở Thái Nguyên. Hai tờ sớ đều dâng lên.

Vua y cho, nhân dụ rằng: Việc lớn là ở việc quân, người có tài ở biên giới khó tìm được, từ xưa bậc vua chúa sáng suốt vì việc chọn người, đối với tướng ở biên giới rất là chú ý. Lương Tuấn Tú ba năm nay nơi biên giới có việc, bèn biết bỏ của ra mộ quân, nhiều lần theo quan quân đi đánh bắt giặc, không từ chối nhọc khổ, người giỏi trong bọn Thổ ty không ai hơn được. Người có tài đã được các quan khen như thế, thực có thể đem quân một bộ phận, thề quét sạch quân giặc, việc làm theo lời nói, sự thực đúng với tiếng khen, thì chẳng những bổng lộc phẩm trật để vinh hiển thân ngươi, trẫm sẽ đền cho đời đời được chức tước. Chuẩn cho ngươi cứ thực tâu xin do tỉnh đệ tấu, trẫm sẽ thân xét và cất nhắc bổ dụng”[2].

Mặc dù đầu lĩnh quân Cờ Trắng Ngô Côn đã bị bắn chết từ mấy năm trước nhưng đám tàn quân Thanh phỉ do Hoàng Sùng Anh vẫn hoành hành dữ dội, đến mức Thống đốc Hoàng Tá Viêm phải tâu xin viện quân của Lưu Vĩnh Phúc ở Hưng Hóa, Đinh Quán Trinh ở Lạng Sơn, Nông Hồng Phúc ở Tuyên Quang và Lương Tuấn Tú ở Cao Bằng đến Tuyên Quang phối hợp đánh dẹp. Tháng 9-1874, Hoàng Sùng Anh bị bắt. Theo Đại Nam thực lục, Chính biên (Đệ tứ kỷ, Q.LIV) được tin, vua thưởng 5.000 lạng bạc, nhân giáng dụ rằng: “Các tỉnh dọc biên giới Bắc Kỳ, giặc trốn nước Thanh quấy rối đã gần 10 năm. Sai tướng đem quân vì dân trừ hại, lâu chưa tâu công. Gần đây Hoàng Tá Viêm quyết kế tiến đánh, ba đạo quân cùng mưu tính, vừa gặp quan nước Thanh là Triệu Ốc cũng hăng hái tiến đánh, một lòng cho yên ngoài biên, cho nên phá được sào huyệt giặc, bắt được bọn đầu sỏ, để tỏ phép công quân nhà vua đánh kẻ có tội, rửa sạch lòng giận của thần và người, công ấy to lắm, tuy chưa bình định được cả, mà hết lòng trung chứa lo nghĩ, làm việc cầu được vạn toàn, cũng là nho thần thung dung áo đai, là tướng chống ngoài giữ trong. Tổng đốc Tôn Thất Thuyết là tướng có uy vũ ra trận bắt, chém giặc, đến đâu được đấy. Tuy gần đây chưa thỏa, nhưng do công lao trước cũng không thể quên được. Cho đều ban thưởng để đáp công lao. Bọn ngươi nên cố gắng cho xong công việc mưu tính để thấm nhuần ơn huệ thực (Tá Viêm và Thuyết đều thưởng 1 áo mặc ở trong bằng đoạn tơ 8 sợi, 1 kim khánh lớn và các thứ sâm, quế của vua dùng, kính dưỡng mục, kính thiên lý mạ vàng, ngựa tốt, súng Tây…). Lại cho là Mai Quý, Lã Xuân Oai, Lương Tuấn Tú cũng đều có công lao, đều thưởng yên ủi cả”[3]. 

Đầu năm 1880, cùng với việc cho lập 2 đạo Lạng Giang và Đoan Hùng để tạo điều kiện cho việc khôi phục lại xóm làng, ruộng nương và đời sống dân chúng ở các tỉnh thượng du Bắc Kỳ, Đại Nam thực lục, Chính biên (Đệ tứ kỷ, Q. LXIV) cho biết nhân đó, Tự Đức đã ra dụ rằng: “Ngày xưa nhà Đường dẹp yên đất Hoài, đất Thái, chuyên dùng người thổ trước, nhà Hán đánh đất Triều Ca, đều mộ người khỏe mạnh. Mọi người đều vui lòng làm việc, sau được thành công. Vì là ở ngoài cõi đất xa xôi, hẻo lánh, chưa từng không có người can đảm vậy. Bọn ngươi sinh trưởng ở rừng núi, vốn có tiếng là tợn khỏe, trung nghĩa, thực thà, gần đây tuy phải điêu tán, nhưng cũng còn có người giỏi, chỗ nào cũng có, như ở Lạng Sơn thì Vi Văn Lý, Đinh Quán Trinh, Lư Vĩnh Tài; Cao Bằng thì bọn Lương Tuấn Tú, Trình An Lộc, Bế Lê; Thái Nguyên thì Triệu Đức Vọng; Tuyên Quang thì anh em Nông Hùng Phúc; Hưng Hóa thì cha con Điêu Văn Xanh, đều là nhà dòng dõi hào trưởng, đều được dân quy phụ tin theo, nhiều lần vì đánh giặc, dâng công ở quân dinh, đều nhận ơn hậu của triều đình. Tấm lòng yêu kính triều đình không nên bỏ qua. Người nào có thể giữ được một xứ, giết được một tên giặc, thì dân ta, đất ta, tự khắc tạm được yên dần, há nên bảo là không có người mà để cho chúng giày xéo ư? Nay chuyển cho quan các quân thứ, các tỉnh, phải khéo hiểu dụ, sai ngay bọn ấy đều chiêu tập 300 hay 500 người, càng nhiều mà có sức khỏe càng tốt; cần phải đều là người biết đánh giặc, quen đánh giặc, am hiểu đường lối, có tiếng là tay giỏi; do quan địa phương xét thực, cấp cho nhiều tiền, gạo, rồi dồn thành từng toán, cho bọn ấy trông coi, chia đường đi đánh giặc. Đợi sau khi xong việc, đều chiểu theo công trạng, thưởng cho chức hàm, hoặc gia cho quan to chức lớn, có công lao to hơn thì chuẩn cho đời đời nối phong. Vả lại, giặc khách một ngày không dẹp sớm, thì bọn người đều có cái khổ một ngày phải bỏ nhà thất nghiệp. Nên phải cùng bảo nhau, thề lòng giết giặc. trên để đền ơn đất nước, dưới để giữ vui gia đình, mà chịu cúi đầu người, có nên không? Đó là ý thiết tha của trẫm thể tất đến dân ngoài biên, nói không thể hết lời được. Quan ở quân thứ, quan tỉnh nên hết lòng khuyên dụ, để họ thêm lòng cảm kích hăng hái; lại sao lục đưa cho các thổ châu, để đều biết cả”[4].

Những lời ban tặng kể trên đâu chỉ là niềm tự hào, kiêu hãnh của riêng Lương Tuấn Tú mà còn là vinh dự cho nhân dân Cao Bằng trong suốt sự nghiệp 15 năm xả thân chống lại nạn Thanh phỉ dày xéo bản làng quê hương. Và, để phát huy những thành quả và công tích đã đạt được, vào tháng 9-1881 (tháng Bẩy nhuận, năm Tự Đức thứ 34), khi các đám tàn quân Thanh phỉ Lý Thất, Trần Đại đến cướp xã Bằng Đức (Ngân Sơn, Thái Nguyên); Lý Á Sinh, Hoàng Đại, Vương Tam, Tô Nhị họp bè lũ ước 400 tên trốn đến xã Hạ Quan quấy rối một dải Kim Mã, Nam Tri (Ngân Sơn, Thái Nguyên); giặc họ Đàm trốn đến Tuyên Quang, Thái Nguyên; giặc họ Lục đem vợ con trốn đến xã Địa Linh (Chợ Rã, Thái Nguyên) tỉnh Cao Bằng lại ủy thác cho Lương Tuấn Tú đốc thúc các toán quân giải vận lương thực, hiệp lực cùng Lưu Vĩnh Phúc và tướng nhà Thanh Chu Bích Lâm đánh đuổi, tiêu diệt. Theo Đại Nam thực lục, Chính biên (Đệ tứ kỷ, Q. LXVI) sau trận này Thương biện Cao Bằng Lương Tuấn Tú, Đốc binh Mạc Đình Ngô được triều đình ban thưởng rất hậu[5].

  1. Một thủ lĩnh kiên gan trong phong trào Cần Vương

Chưa kịp nghỉ ngơi sau hàng chục năm bươn chải khắp Cao Bằng và các tỉnh thượng du Bắc Kỳ để dánh dẹp Thanh phỉ thì đầu năm 1883, ông lại bị triệu về Bắc Ninh, Hải Dương ngăn chặn bước chân xâm lược của đạo quân viễn chinh Pháp. Đại Nam thực lục, Chính biên (Đệ tứ kỷ, Q. LXIX), cho biết vào tháng 2-1883, “lúc bấy giờ tàu chiến nước Pháp đến thêm, mà nước Thanh mới phái đến chỉ có 3 dinh, hiện đóng ở Quán Ty đi lại dò xét, Tổng đốc Bắc Ninh là Trương Quang Đản dâng sớ nói: – Nước Pháp phái thêm tàu chiến sấn đến, đã bức hơn trước. Ta há nên im lặng, chịu phép để đợi quân nước ngoài từ xa đến, việc cũng chậm lắm. Nghĩ nên chỉnh bị ngay các thứ đối phó với giặc, hầu khỏi đến khi có việc hấp tấp, xin mặc sức cho Thống đốc Hoàng Tá Viêm điệu ngay Lưu Vĩnh Phúc đem quân về Sơn Tây cùng đóng cho nhiều quân, cho Lương Tuấn Tú sung chức Tiễu phủ sứ Cao Bằng, Thái Nguyên, chiêu mộ 1.000 quân tinh nhuệ, chuyển xuống chỗ giáp giới Bắc Ninh, Thái Nguyên đóng để trấn áp, cho chúng bớt hăng hái rút lui, cố nhiên là tốt. Nếu có sinh sự ở Nam Định, Ninh Bình, xin do Kinh lược Nguyễn Chính bàn bạc đốc sức 2 tỉnh ấy tùy cơ chống giữ. Phó kinh lược Bùi Ân Niên bàn với tỉnh Hải Dương đem quân đánh thẳng ở bờ biển, 2 đạo quân Sơn Tây, Bắc Ninh tùy thế ập lại cùng đánh”[6].

Nhờ những chiến công lập được khi phối hợp tác chiến cùng Kinh lược Phó sứ Bùi Ân Niên và Tổng đốc Bắc Ninh Trương Quang Đản buộc quân Pháp phải rút chạy khỏi Gia Lâm trong 2 ngày 27 và 28-3-1883, Lương Tuấn Tú được thăng lên Thự Tuần phủ Cao Bằng[7].

Giữa tháng 8-1883, Brioval đem 300 quân cùng 2 pháo thuyền tiến đánh tỉnh thành Hải Dương. Đến giữa tháng 11-1883, trong lúc tiến đánh và bao vây quân địch, nhận thấy nơi nào khí thế đánh đuổi ngoại xâm trong dân chúng cũng bốc cao ngùn ngụt, Lương Tuấn Tú quyết định lập ra Xướng nghĩa Bắc Kỳ trung nghĩa sĩ dân để thu hút lực lượng kháng Pháp. Về sự kiện này, tác phẩm Trung – Pháp cận đại sử tư liệu trùng san, Trung – Pháp chiến tranh (Đệ ngũ sách, tr.222) do Thiều Thuần Chính chủ biên, cho biết “Viên quan người Việt là Lương Tuấn Tú nhận thấy binh lính, nhân dân trung nghĩa ở Bắc Kỳ tụ tập nhau lại, vô cùng cảm kích bởi tấm lòng vì nghĩa, tự mình cho khắc một quả ấn gỗ với hàng chữ Xướng nghĩa Bắc Kỳ trung nghĩa sĩ dân công khai dựng cờ khởi nghĩa chống Pháp”[8].

Từ Hướng nghĩa đoàn tập hợp binh dõng đánh dẹp Thanh phỉ đến Xướng nghĩa Bắc Kỳ trung nghĩa sĩ dân là một chặng dài 18 năm đối với Lương Tuấn Tú. Tuy sứ mệnh của mỗi tổ chức có khác nhau nhưng tấm lòng trung chinh vì nước, vì dân của ông chỉ có một và không hề thay đổi. Chính vì thế, Xướng nghĩa Bắc Kỳ trung nghĩa sĩ dân còn đeo đuổi cùng ông trong những ngày gây dựng phong trào Cần Vương trên đất Cao Bằng sau này.

Mùa xuân năm 1884, sau khi cùng Trương Quang Đản rút khỏi tỉnh thành Bắc Ninh, Lương Tuấn Tú tiếp tục tham gia chiến đấu ở Phủ Lạng Thương, Kép (3-1884) rồi về Hữu Lũng phối hợp với Hoàng Đình Kinh gây cho đạo quân của Đại tá Dugènne nhiều thiệt hại tại mặt trận Bắc Lệ rồi lui về Cao Bằng. Theo Trung – Pháp chiến tranh tư liệu (Q.XI) thì trong bức điện của Trương Chi Đông gửi về triều đình nhà Thanh ngày 14 tháng sáu năm Quang Tự 11 (4-8-1885) nói rằng: “Chống lại quân Pháp… phía đông từ Lạng Bình đến phía Nam có tới 7-8 toán; quan Việt có Hoàng Đình Kinh, dân Việt có vợ Nguyễn Thu Hà, du dũng có Lương Chính Lý (Lương Tuấn Tú) ước đến 6-7 ngàn người”.

Tại Cao Bằng, ngày 24-8-1885 (15 tháng Bẩy, Hàm Nghi nguyên niên) nhận được dụ Cần Vương, Lương Tuấn Tú liền ra Cáo thị của tỉnh Cao Bằng với nội dung sau:

Bắc Kỳ quân thứ, vì trích lục việc như sau:

Trước đã phụng thượng dụ, trong lược kể: quốc gia gặp lúc nhiều nạn này, thần, người đều giận. Phàm ai có lòng căm thù giặc, vô luận là quan quân, sĩ thứ, hoặc đến thành Cam Lộ hộ giá, hoặc khởi nghĩa ở ngay địa phương, để có thể giết sạch quân thù, tôn phù quốc tộ, đều được tùy tâm lực mà làm. Triều đình sẽ có thành điển để định công ban thưởng. Vội trích mọi điều như thế để cho mọi người biết mà hưởng ứng ngay. Vậy nên phải trích lục chi tri cho quan dân sĩ thứ các hạt Bắc Kỳ.

Hàm Nghi nguyên niên, tháng bảy ngày 15.

Việt Nam Cao Bằng hạ tỉnh phụng sao”[9].   

Để tập hợp lực lượng Cần Vương, Lương Tuấn Tú khôi phục trở lại Xướng nghĩa Bắc Kỳ trung nghĩa sĩ dân, thu hút được Án sát Nghiêm Xuân Phương và quyết định đánh chiếm tỉnh thành Cao Bằng sau khi thuyết phục các viên quan còn lại gia nhập lực lượng Cần Vương thất bại, như Đại Nam thực lục, Chính biên (Đệ lục kỷ, Q.VI) cho biết: “Tỉnh thành Cao Bằng bị bọn Lương Tuấn Tú và Nghiêm Xuân Phương vây hãm (Tuấn Tú, người Lạng Sơn, nguyên Tiễu phủ sứ Cao Bằng – Lạng Sơn; Xuân Phương, người Hà Nội, đỗ Cử nhân, nguyên Án sát tỉnh Cao Bằng); Bố chánh gia hàm Tuần phủ là Phạm Hàm; Lãnh binh lĩnh Phó Đề đốc là Trần Như Tú; Biên tu sung Thương tá Nguyễn Bỉnh; Kinh lịch lĩnh Tòng ngũ phẩm là Nguyễn Thành Toản đều bị hại”[10].

Giành được chính quyền, Lương Tuấn Tú đảm nhận chức vụ Tuần phủ, Nghiêm Xuân Phương vẫn làm Án sát còn Nguyễn Văn Thận giữ chức Bố chánh, tìm mọi cách phối hợp hoạt động với lực lượng nghĩa quân trong khu vực, chiếm giữ các đường giao thông quan trọng. Trong bức điện của Đặng Thừa Tu, Hiệu lý của việc khám biên giới đề ngày 29 tháng Mười năm Quang Tự 11 (26-11-1885) cho biết: “Nghĩa đoàn Lương Tuấn Tú, Lã Xuân Oai, Vi Văn Lý, Hoàng Đình Kinh đánh nhau với Pháp bức gần Hà Nội vài trăm dặm, đường từ Bắc Ninh đi Lạng Sơn bị nghẽn; dây điện bị Việt dũng là Vương Chính Nhân phá hủy”[11]. Sự thực này cũng được thể hiện trong Đại Nam thực lục, Chính biên (Đệ lục kỷ, Q.III) với những dòng ghi chép như sau:

“Vào ngày 11 năm ngoái, Khâm sai khám định biên giới đại thần của Pháp tiến đến Nam Quan cùng họp với Khâm sai nhà Thanh về việc biên giới, hiện đương bàn ổn thỏa, duy quan tỉnh Cao Bằng gần đây thấy Lương Tuấn Tú ức bách, tiền lương ở tỉnh ấy hết sạch; quân du đãng hoành hành bừa bãi, sau quan quân Pháp đến Lạng Sơn thì Tuấn Tú đã trốn đến Thiết Sơn (tức Nghi Bố – T.G), nhưng quân du đãng vẫn còn tụ họp quấy nhiễu, địa hạt tỉnh ấy là nơi xa xôi, còn đợi trù tính[12].

Đây cũng chính là thời điểm Lương Tuấn Tú xây dựng Nghi Bố thành căn cứ của phong trào Cần Vương tỉnh Cao Bằng, sau đó cho người liên hệ móc nối với Tôn Thất Thuyết, Trần Xuân Soạn vào thời điểm họ rời dinh thự của Đèo Văn Trì bên Hưng Hóa để sang Trung Quốc. Đại Nam thực lục, Chính biên (Đệ lục kỷ, Q.XI) cũng ghi lại rằng: “Tỉnh Lạng Sơn báo: – Lê Thuyết và Trần Xuân Soạn lẻn đến một dải Liên Thành, Bằng Tường nước Thanh nhập bọn cùng với Lương Tuấn Tú và bọn Hoàng Văn Tường thuộc khách tỉnh ấy, cùng nhau tụ họp. Rồi lại báo: – Lê Thuyết ở nước Trung Hoa, giả làm quan nước Thanh, chiêu mộ binh dõng”[13].

Cuối tháng 10-1886, quân Pháp mới bắt đầu dòm ngó đến Cao Bằng và tung ngay một lực lượng khá mạnh vì nhận được những tin tức tình báo về những hoạt động dồn dập của phái Cần Vương ở địa phương. Ngày 27-10-1886, Lương Tuấn Tú đã trực tiếp tổ chức chặn đánh cánh quân do đích thân Thiếu tướng Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 2 Mensier và Thiếu tá, Chỉ huy trưởng Quân khu 12 Servies chỉ huy tại Nhã Nam (tổng Ngọc Pha, châu Thạch An). Do bị thiệt hại nặng nề ở Ngườm Kim nên địch phải lui về Bản Sảo – Đông Khê để tiến quân lên tỉnh thành theo hướng khác. Ngày 1-11-1886, chúng chọn tuyến Thôm Mom – Nậm Nàng để hành quân nhưng bị phục kích tại Cốc Giằng – Sóc Lộc. Tuy nghĩa quân có làm chậm kế hoạch hành quân của giặc, gây cho chúng một số thương vong nhưng tương quan lực lượng không thay đổi. Kẻ địch tỏ ra áp đảo cả về binh lực và hỏa lực, nhất là sự lợi hại trong sát thương và phá hủy đồn lũy của sơn pháo. Trước tình thế ấy, Tôn Thất Thuyết, Trần Xuân Soạn cùng Nghiêm Xuân Phương tìm đường sang Trung Quốc cầu viện, Lương Tuấn Tú đem số quân còn lại trở về Nghi Bố một thời gian rồi cùng Tán tương Hoàng Đức Mỹ, Vệ úy Trương Quý Sâm, Cao dũng cơ Hoàng A Cả và các thủ lĩnh Trương Khang, Triệu Phúc Tinh, Bạch Quang rút rang xây dựng căn cứ mới tại Lục Khu – Trà Lĩnh. Cuối năm 1887, Thiếu tá Oudri tấn công Lục Khu – Trà Lĩnh buộc Lương Tuấn Tú phải lánh sang châu Quy Thuận (Quảng Tây, Trung Quốc). Phong trào Cần Vương trên đất Cao Bằng khép lại.

Giống như Tôn Thất Thuyết những chục năm cuối đời, Lương Tuấn Tú phải sống và gửi lại thân mình ở nơi đất khách quê người trong nỗi niềm đau đáu hướng về cố quốc. Hàng trăm năm đã trôi qua, thời gian dù đã phủ bụi lên những trang sử ố vàng mang những dòng ghi đậm về công lao chiến tích của Lương Tuấn Tú, nhưng tên tuổi và sự nghiệp mà ông đã tạo dựng vẫn được người đời ghi nhận, dù còn mờ nhạt, mông lung. Hy vọng rằng, bài viết này lần đầu cung cấp một cách mạch lạc và chuẩn xác về một số niên mốc lớn, đưa ra công chúng những lời vàng khen tặng của triều đình về một tài năng văn võ kiêm toàn của nhân dân Cao Bằng hồi thế kỷ XIX sẽ là một gợi ý để các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa dân gian địa phương đi sâu hơn vào mọi khía cạnh của nhà quân sự tài hoa Lương Tuấn Tú với những chuyên khảo xứng tầm với những công lao đóng góp lớn lao của ông.

                                                                        Hà Nội, tháng 7-2017

Chú thích:                                                                                   

[1] Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục, tập 7, Nxb. Giáo dục, H.2006, tr.1270-1271.

[2] Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục, tập 7, Nxb. Giáo dục, H.2006, tr.1408

[3] Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục, tập 8, Sđd, tr.135-136.

[4] Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục, tập 8, Sđd, tr.429-430.

[5] Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục, tập 8, Sđd, tr.506.

[6] Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục, tập 8, Sđd, tr.557.

[7] Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục, tập 8, Sđd, tr.583.

[8] Dẫn theo Hoàng Chấn Nam. Khái quát bối cảnh nổ ra chiến dịch Bắc Ninh, NCLS, số 1-2003, tr.54.

[9] Trần Văn Giầu. Tổng tập, tập 1, Nxb. QĐND, H.2006, tr.503

[10] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 9, Sđd. tr.308-309.

[11] Trung – Pháp chiến tranh tư liệu. Dẫn lại Đặng Huy Vận – Nguyễn Đăng Duy. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nghĩa quân Hoàng Đỉnh Kinh (1883-1888), NCLS, số 81-1965, tr.16.

[12] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 9, Sđd. tr.245.

[13] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 9, Sđd. tr.430.

0