18/06/2018, 16:06

Nguyễn Mẫn Đốc: Tiết Nghĩa đại vương thời Lê sơ (1428-1527)

Nguyễn Ngọc Lanh Sử liệu và truyền thuyết – Nguyễn Mẫn Đốc sinh năm 1492, con út của tiến sĩ Nguyễn Doãn Cung (khoa Kỷ Sửu -1469), quê ở xã Xuân Lũng (tên cổ: làng Dòng), nay thuộc huyện Lâm Thao (Phú Thọ). Đậu bảng nhãn năm 1518 (26 tuổi), tử tiết năm 1522 (30 tuổi) trong một cuộc ...

Nguyễn Ngọc Lanh

Sử liệu và truyền thuyết

– Nguyễn Mẫn Đốc sinh năm 1492, con út của tiến sĩ Nguyễn Doãn Cung (khoa Kỷ Sửu -1469), quê ở xã Xuân Lũng (tên cổ: làng Dòng), nay thuộc huyện Lâm Thao (Phú Thọ). Đậu bảng nhãn năm 1518 (26 tuổi), tử tiết năm 1522 (30 tuổi) trong một cuộc khởi nghĩa “phù Lê, diệt Mạc”. Năm 1566 – khi nhà Lê chiếm lại Thăng Long – ông được phong là Tiết Nghĩa Vương; được ban đền thờ là Tiết Nghĩa Từ.

Năm nay, 2015, ngôi đền trên 500 năm tuổi này được công nhận là di sản quốc gia.

Có thể nói, sử liệu về Nguyễn Mẫn Đốc không nhiều, tuy nhiên đủ để ông được xếp bậc cao về công trạng và tấm gương dũng liệt, trung thành. Trong đợt luận công, ông được xếp thứ 3, đứng ngay sau hai bậc thầy của mình là Vũ Duệ và Ngô Hoán (đỗ đại khoa trước ông 28 năm, sinh trước ông 23 năm và 32 năm, phẩm trật cao hơn ông 4-5 bậc). Câu đối vua ban (nay vẫn còn treo ở đền thờ) đã nói lên một ý: “tuổi trẻ mà tiết nghĩa dường ấy thì thế gian chưa từng có“:

Tảo  tuế  khôi  khoa: Thiên hạ hữu Tuổi sớm, đỗ đầu (thì) thiên hạ có thể có
Thiếu niên tiết nghĩa: Thế gian vô Thiếu niên (mà) tiết nghĩa (thì) thế gian không

 – Truyền thuyết ở quê ca ngợi ông như một tấm gương hiếu học, sinh trưởng trong một gia đình nền nếp, được thụ giáo từ những bậc thầy chính trực. Cuộc đời ngắn ngủi của ông được diễn tả bằng những mỹ từ “trung thần, hiếu tử”, “cha nào, con ấy” và “thầy nào, trò ấy”… Theo đó, ông là người con chí hiếu với cha mẹ, chí đễ với anh chị, chí nghĩa với thầy. Các câu đối của Văn Thân làng Xuân Lũng trong dịp đón di cốt ông từ Thanh Hoa về quê, cũng thể hiện các ý trên. Ví dụ:

Thần trung, tử hiểu: Cương thường tại
Địa lão, thiên hoang: Tiết nghĩa trường

 Nhưng những mẩu chuyện lưu truyền ở quê ông (làng Dòng) tới ngày nay mới thật phong phú, sinh động. Chỉ xin kể một ví dụ: về trí nhớ của vị Bảng Nhãn làng Dòng kể rằng ông từ làng Xuân Lũng đi bộ về làng Trình Xá để mượn thầy Vũ Duệ cuốn Bắc Sử, chuẩn bị cho khoa thi Hội sắp tới. Khi ra về, mới đi vừa đọc, được nửa đường đã lĩnh hội hết nội dung sách. Bèn quay lại trả quyển này cho thày, mượn quyển khác… 

Sinh vào thời loạn

Khi đấng minh quân Hồng Đức (Lê Thánh Tông) băng hà (1497), Nguyễn Mẫn Đốc mới có 5 tuổi, do vậy cuộc đời ngắn ngủi và những hành trạng dũng liệt của ông diễn ra vào giai đoạn rối ren sau đó. Đời Lê Hiến Tông (7 năm) mọi việc tạm suôn sẻ. Tiếp đó, chỉ trong vòng 17 năm (1505-1522) mà triều đình trải tới 5 đời vua – tất cả đều nhu nhược hoặc tàn ác. Sử sách gọi Lê Uy Mục là “vua quỷ” vì độc ác; gọi Lê Tương Dực là “vua lợn” vì dâm dục. Các thế lực quân sự đánh giết nhau và nhiều lần chống cả triều đình.

Năm 1518 Mạc Đăng Dung đang trấn thủ Hải Dương được vua Lê Chiêu Tông gọi về Thăng Long giúp vua, cứu nạn. Đó cũng là năm Nguyễn Mẫn Đốc đậu Bảng Nhãn (khoa Mậu Dần). Đây là vị đại khoa thứ 514 xếp theo thứ tự thời gian trong vòng 919 năm của nền khoa cử cũ.

Trong 4 năm tiếp theo – đến 1522 – Nguyễn Mẫn Đốc làm quan ở viện Hàn Lâm, với chức Thị Thư (viện này do thầy ông – trạng nguyên năm 1490, thượng thư Vũ Duệ – kiêm phụ trách). Đó cũng là 4 năm Mạc Đăng Dung dẹp yên các thế lực chống đối để được nắm chức Tiết Chế (thống lĩnh quân sự). Các công thần thời Thánh Tông sớm nhận ra mưu đồ đoạt ngôi của Đăng Dung, nhưng bất lực vì tuổi cao, lực cạn… Nhiều người khác, thân tín của vua, đã bị giết hại. Tháng 8 năm 1522 vua Chiêu Tông – tự thấy mối an nguy gần kề – đã trốn khỏi hoàng cung, lên Sơn Tây kêu gọi cần vương. Truy đuổi vua không thành, Đăng Dung lập em vua là hoàng tử Xuân lên ngôi, để năm sau nắm toàn bộ quyền lực với chức Thái Phó (tể tướng), rồi kiêm  thái sư. Năm 1527 Đăng Dung ép vị vua bù nhìn ban “chiếu nhường ngôi”, trong có đoạn: “Từ cuối đời Hồng Thuận gặp lúc quốc gia nhiều nạn, Trịnh Trung lập kẻ nghịch lên ngôi, lòng người lìa tan, trời cũng không giúp, lúc ấy thiên hạ đã không còn là của nhà Lê vậy. Ta (Cung đế) bạc đức, nối ngôi không thể gánh nổi, mệnh trời và lòng người hướng về người có đức. Vậy nay Thái Sư An Hưng Vương Mạc Đăng Dung là người trí đức, tư chất thông minh, đủ tài văn võ, bên ngoài đánh dẹp, bốn phương đều phục; bên trong trị nước thiên hạ yên vui, công đức rất lớn lao, trời người đều qui phục, nay theo lẽ phải nhường ngôi cho…”

Thầy trò hưởng ứng cần vương

Các vị thượng thư Vũ Duệ (bộ Lại), Ngô Hoán (bộ Lễ; đậu Bảng Nhãn – cùng khoa thi 1490, với Vũ Duệ) và nhiều vị khác – như Nguyễn Thiệu Tri, Đàm Thận Huy, Lê Tuấn Mậu… cũng trốn khỏi kinh đô năm 1522 khi được tin vua đã lên Sơn Tây, kêu gọi cần vương. Vũ Duệ và Nguyễn Mẫn Đốc về quê là huyện Sơn Vi, thuộc trấn Sơn Tây – mộ quân hưởng ứng. Sau này, Phan Huy Chú trong tác phẩm Địa Dư Chí khi nói tới huyện Sơn Vi, đã kê ra 16 nhà khoa bảng của huyện này, đặc biệt ca ngợi lòng tiết nghĩa của nhiều vị, trong đó đứng đầu là 2 vị thượng thư nói trên.

– Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mụcTrung Hưng tiết nghĩa lục, viết: Tháng 8, Chiêu Tông trốn khỏi kinh thành, được các tướng Hà Phi Chuẩn, Đàm Thận Huy, Lê Đình Tú… tới cứu, thanh thế rất lớn. Rồi tướng Trịnh Tuy ở Thanh Hóa cũng ra cần vương. Từ đó, giữa các tướng xảy ra bất hoà. Trịnh Tuy mang vua vào Thanh Hoá.

– Sách cũng nói: Tháng 10, Lại bộ thượng thư Vũ Duệ, L bộ thượng thư Ngô Hoán cùng với môn đồ là Nguyễn Mẫn Đốc chiêu mộ và thống suất hương binh đi theo vua Lê Chiêu Tông, đến Thanh Hoa, đứt liên lạc, không biết vua ở đâu. Họ đều hướng về lăng tẩm Lam Sơn, bái vọng, rồi tử tiết để giữ vẹn lòng trung, nêu cao tiết nghĩa.

Các sách lịch sử không nêu trận đánh đáng kể nào giữa nghĩa quân với quân triều đình. Có thể nghĩ rằng đội quân khởi nghĩa của Vũ Duệ và Nguyễn Mẫn Đốc được thành lập cấp tốc (2 tháng), gồm toàn hương binh, đã cố đuổi theo hộ giá, nhưng không kịp. Trong khi đó, đại quân của Đăng Dung truy đuổi, bao vây, khiến nó bị tan rã. Các vị chỉ huy không chịu đầu hàng, đành tự vẫn. Tuy nhiên, một số truyền thuyết ở quê kể rằng có những trận đánh nhỏ, tuy oanh liệt, nhưng không cân sức với đội quân thiện chiến của Đăng Dung; đành chịu thất trận. Truyền thuyệt cũng mô tả rất cụ thể sự tử tiết đầy bi tráng, dũng liệt của thầy trò Nguyễn Mẫn Đốc.  

Triều đình luận công

Sau khi Mạc Kính Vũ thua trận phải trốn sang lãnh thổ Trung Quốc, nhà Lê hoàn toàn giành lại giang sơn; quan Tham Tụng là Phạm Công Trứ tâu vua Huyền Tông và chúa Trịnh Tạc xin tuyên dương cho các bề tôi tử tiết, ban thưởng cho các quan văn võ và binh sĩ có công. Đó là tháng 5 năm 1566.

Tháng 12-1666 vua Lê Huyền Tông sắc phong cho 13 vị công đầu – tử tiết:

– Danh hiệu Tiết nghĩa Thượng đẳng thần cho 8 vị: theo thứ tự là: 1) Vũ Duệ, 2) Ngô Hoán, 3) Nguyễn Mẫn Đốc, 4) Nguyễn Thiệu Tri, 5) Đàm Thận Huy, 6) Lê Tuấn Mậu, 7) Nguyễn Duy Tường và 8) Nguyễn Tự Cường).

Cùng đợt ấy, sắc phong Tiết nghĩa Trung đẳng thần cho 5 vị: 1) Lê Vô Cương, 2) Nguyễn Hữu Nghiêm, 3) Lại Kim Bảng, 4) Nguyễn Thái Bạt và 5) Nghiêm Bá Ký.

Tất cả 13 vị đều được lập đến thở ở quê, đều gọi là đền tiết nghĩa (Tiết Nghĩa Từ) và được phép xây mái cong (như đình, chùa); tất cả đều được phong tước Vương. Ví dụ Nguyễn Mẫn Đốc được phong Tiết Nghĩa Vương (đời vua sau phong là Tiết Nghĩa Đại Vương); Nguyễn Thái Bạt là Trung Liệt Vương…; tất cả đều được hàng năm cúng tế theo nghi thức quốc lễ… vân vân.

 

Truyền thuyết ông Bảng Dòng

Ông Bảng Dòng 

Về nhân vật này, nhiều khi truyền thuyết rất gần với tư liệu. Chuyện Nguyễn Mẫn Đốc đậu bảng nhãn năm 21 tuổi, dù được một tấm “bia làng” ghi lại, nhưng gần truyền thuyết hơn là tư liệu. Bởi vì, danh sách đỗ đạt chính thức và bia ở Quốc Tử Giám (đều có trước bia làng tới 200 năm) ghi rõ ông đậu năm 27 tuổi. Ngược lại, nguyên nhân ông bị cha quở trách tuy là truyền thuyết lại rất gần sự thật, vì tên các nhân vật trong câu chuyện hoàn toàn không hư cấu. 

Chuyện nửa ngày học xong cuốn Bắc Sử

Mùa đông năm ấy thời tiết đặc biệt hà khắc. Đê sông Thao nổi cao giữa đồng không mông quạnh để hứng trọn những cơn gió lạnh như dao cắt vào thịt da. Thư sinh Nguyễn Mẫn Đốc, đang co ro khi tà áo dài bị gió thổi tung lên từng đợt, vẫn mải miết bước về phía thượng huyện, với vẻ mặt tập trung cao độ, như không thèm biết gì khác ngoài cuốn sách đang mở trước mặt. Đó là cuốn Bắc Sử, mượn của thầy – là trạng nguyên Vũ Duệ ở làng Chịnh – tên chữ là Trình Xá – ở tận hạ huyện Sơn Vi. Sử sách đương thời đã ghi lại câu nói của vua Hồng Đức nhà Lê, khi đức vua hài lòng ngắm dung nhan uy nghi và phong thái đĩnh đạc của Vũ Duệ: “Nếu sau này nước nhà có biến, hẳn người này đương nổi“.
Từ lúc cơm nước xong ở nhà thày, nay đã sắp xế chiều mà Nguyễn Mẫn Đốc mới đi được già nửa đoạn đường để về quê – làng Dòng, tức là làng Xuân Lũng. Dừng lại, phân vân một lát, anh quả quyết quay lại nhà thầy để trả cuốn sách, vì anh đã “thuộc” hết nó trong khi đi đường. Đúng như thày và cha đã dạy, anh không thuộc lòng nội dung sách, mà thuộc “nghĩa lý” của sách. 

Chuyện tạ tội với mẹ

Tiếp chuyện trên: Vì anh quay lại nhà thầy nên khi về tới quê thì đã hết canh hai, khiến bà mẹ đứng ngồi không yên, cứ chong đèn, đợi. Chả là, bố làm quan ở Kinh, hai anh ruột đã đậu cử nhân, đang theo đòi đèn sách ở Quốc Tử Giám để thi tiến sĩ, còn chị gái đã gả chồng, nay ở nhà chỉ còn hai mẹ con. Anh trình bày sự việc với mẹ, tạ tội và nói: Hai anh con vắng nhà đã phó thác việc phụng dưỡng mẹ cho con, không bao giờ con dám coi việc khoa cử hơn việc này… 

Chuyện bị cha quở trách

Một khi hậu thế đã khâm phục và tự hào về danh nhân quê mình, mọi người không thiếu gì cách làm cho hình tượng danh nhân thêm sống động, chứ không khô khan, vô hồn như những câu chữ trong sử sách. Đến nay dân làng, họ tộc còn lưu truyền nhiều mẩu chuyện về sự ứng đáp thông minh, lòng ham học, chí tiến thủ của Nguyễn Mẫn Đốc. Và cả lòng hiếu đễ với cha mẹ, anh chị… Nhưng người ta cũng hay nhắc chuyện anh từng bị cha quở: Ta nâng đỡ nhân tài trong huyện là thuận lẽ chung. Còn anh, sao dám tiết lộ ra để người ta phải đến tận nhà tạ ơn, như tạ ơn riêng?. Thật là nghịch lẽ!. 

Anh đã nhận lỗi và rất hối hận. Đầu đuôi câu chuyện thế này. Cha anh, tiến sĩ Nguyễn Doãn Cung, khi là nhân vật số 2 ở bộ Lại, đã rất quan tâm nâng đỡ nhân tài, trong đó có những nhà khoa bảng của huyện: Vũ Duệ, Đặng Minh Khiêm… Về sau, sử sách cũng thừa nhận họ là nhân tài, phẩm chất cao quý. Lỗi của Nguyễn Mẫn Đốc là trong khi trò chuyện với bạn bè, anh đã vô tình lộ chuyện… 

Chuyện “Bớ bảng Dòng…”

Hơn chục năm sau, quả nhiên nước nhà có biến – như minh quân Hồng Đức dự đoán. Mạc Đăng Dung – sau khi được vua Lê cất lên thứ bậc tột đỉnh trong hàng quan võ, còn đòi cả chức Thái Sư – đã cướp ngôi nhà Lê. Vũ Duệ đang là thượng thư của triều đình đã bỏ quan, chạy lên Sơn Tây theo vua, hưởng ứng Cần Vương. Việc không thành, ông cùng học trò về quê, tiếp tục mưu đại sự. Khi ông trạng Chịnh vác cái mai ra thăm đồng cũng là lúc quan huyện Sơn Vi nằm cáng qua đó. Thiếu người khiêng cáng, quan túm luôn Vũ Duệ, bắt ghé vai, mà không biết đó là vị thượng thư. Và khi ông trạng hỏi: bây giờ tôi khiêng cáng, nhưng “mai” thì thế nào; quan huyện liền trả lời: cái mai cứ tạm giấu xuống giếng kia. Khiêng đến đê làng Dòng, Vũ Duệ dùng hai bàn tay làm loa, gọi: Bớ bảng Dòng! Mau ra khiêng cáng giúp thày. Khỏi phải kể nốt chuyện quan huyện lạy như tế sao, hôm sau (mai) phải khiêng quan Trạng về nơi xuất phát và phải lặn xuống giếng mò trả cái mai. 

Chuyện thông tin bằng thả diều

Thầy trò bảng Dòng đuổi gấp theo vua, nhưng Mạc Đăng Dung còn gấp gáp hơn. Bởi vì, phe nào có vua, được coi là có chính nghĩa. Đủ thấy tình cảnh eo hẹp của quân khởi nghĩa gồm toàn “hương binh”, chưa một ngày luyện tập. Dân làng lưu truyền nhiều mẩu chuyện liên quan đến tình cảnh này để chứng minh lòng dạ son sắt và những sáng kiến trong lúc thế cùng. Ví dụ, hai thầy trò đã làm diều, mang theo tờ “biểu” và lựa chiều gió để thả. Các tác giả truyền thuyết kết luận rằng “vua đã biết 2 trung thần tử tiết sau khi bái vọng về Lam Sơn”… 

Chuyện xây lăng và “Tiểu đồng, Bia đá”

Sau 70 năm, khi nhà Lê đã làm chủ Thăng Long, cháu chắt lặn lội vào Thanh Hoa tìm di cốt ông bẳng Dòng, đưa về quê an táng. Chuyện lưu truyền đến nay: Ông được vua ban “tiểu đồng” để đựng hài cốt, và bia đá để dựng trên mộ.

Thực ra, phải đợi đến khi nhà Mạc mất hẳn đất Cao Bằng, “thiên triều” không còn lấy cớ gì để ủng hộ nhà Mạc nữa (1666), triều đình nhà Lê mới truy phong ông bảng Dòng là Tiết Nghĩa Vương – nghĩa là sau khi ông mất tới 144 năm.

Chuyện có thật là ông được ban cả tên “thụy” (là Nhã Lượng); tặng chữ trung làm “chữ lót” để các bậc cha mẹ trong họ đặt tên khai sinh cho con cái. Trong sắc phong còn thêm 4 chữ ở cuối: “gia ban quốc tế” – nghĩa là ban thêm hàng năm được “tế” theo nghi thức quốc gia. Quả đồi có mộ ông được dân làng gọi là “rừng Lăng”; nhưng vết tích lăng (nếu có) đến nay không còn gì; ngay các cụ sinh trước năm 1900 cũng không thấy. 

Motip câu đối được sử dụng lại

Như lời truyền tụng, các các câu đối viếng ông có các ý: “cha  nào, con ấy”, “thày nào, trò ấy”; “học sao, hành vậy” và “sống sao, thác vậy”… Nay, chỉ còn lưu hành một câu: các cụ cao niên trong họ Tiết Nghĩa vẫn dựa vào đó để nhắc nhở con cháu đời đời:

Thần trung, tử hiếu: Cương thường tại

Địa lão, thiên hoang: Tiết nghĩa trường.

Cụ đồ Chinh (sinh 1880) đề nghị đổi vế sau thành: Địa tích, thiên lưu, tiết nghĩa tồn (cho khiêm tốn hơn và vế đối “chỉnh” hơn).

Có thời trẻ em làng Dòng còn thuộc đôi câu đối triều đình ban cho, treo trong ngôi đền cũng của vua ban (mái cong bốn góc), hiện nay sau 350  năm vẫn còn ở làng Dòng. Quả là nó rất dễ thuộc :

Tảo  tuế   khôi  khoa  : thiên hạ hữu;

Thiếu niên tiết nghĩa  : thế   gian  vô

Dịch  nghĩa :

Tuổi  nhỏ  đỗ  đầu    :  thiên hạ (từng) có;

Thiếu niên tiết nghĩa  : (thì) thế gian không (có ai) 

Mấy trăm năm sau, triều đình lại mượn ý câu đối này tặng cho trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo, làm quan đến chức tể tướng

Tiến sĩ, thượng thư : thiên hạ hữu;

Trạng nguyên, tể tướng : thế gian vô.

0